Thánh Albert Cả là linh mục Ða Minh người Ðức có ảnh hưởng đến lập trường dứt khoát của Giáo Hội đối với triết lý của Aristotle được du nhập vào Âu Châu do sự phát triển của Hồi Giáo.
Các sinh viên triết biết đến người như vị thầy của Thánh Tôma Aquinas. Sự hiểu biết về triết Aristotle của Thánh Albert tạo môi trường thích hợp cho Thánh Tôma Aquinas phát triển quan niệm tổng hợp của người về văn hóa Hy Lạp và thần học Kitô Giáo. Nhưng Thánh Albert vẫn xứng đáng là một học giả am tường, trung thực và cần cù.
Người là con cả của một lãnh chúa quyền thế và giầu có ở Ðức. Ngay từ nhỏ người đã nổi tiếng thông minh. Lớn lên, người vào trường đại học ở Padua, nước Ý, và chính ở đây người gia nhập dòng Ða Minh khiến gia đình thật khó chịu.
Sự lưu tâm vô bờ của người đến các lãnh vực khác nhau đã thúc giục người viết các tổng lược về: khoa học tự nhiên, hùng biện, toán học, thiên văn, luân lý, kinh tế, chính trị và siêu hình học. Công trình này phải mất 20 năm mới hoàn tất. Người nói, “Mục đích của chúng ta là đưa ra tất cả những học thuật trước đây để Giáo Hội Tây Phương có thể lĩnh hội được.”
Người đạt được mục đích ấy trong khi vừa giảng dạy tại Paris và Cologne, vừa làm bề trên dòng Ða Minh và ngay cả khi là giám mục của Regensburg. Người bảo vệ các dòng Ða Minh và Phanxicô chống với sự tấn công của William ở St. Amour, và giúp Thánh Tôma chống với tà thuyết Averroist.
Người từ trần ở Cologne ngày 15-11-1280. Người được Ðức Giáo Hoàng Piô XI tuyên thánh và được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1931.
Kitô Hữu ngày nay phải đối diện với sự tràn ngập kiến thức trong mọi lãnh vực. Họ cần đọc báo chí Công Giáo ngày nay để biết được phản ứng của Giáo Hội trước những khám phá mới về khoa học xã hội, về lối sống Kitô Hữu cũng như thần học Kitô Giáo. Khi tuyên thánh cho Thánh Albert, Giáo Hội đã coi sự quý trọng chân lý, bất cứ tìm thấy ở đâu, như đặc tính thánh thiện của người. Tính hiếu kỳ của thánh nhân đã khiến người đào xới trong kho tàng khôn ngoan của triết học mà Giáo Hội thời ấy đang sôi nổi với những khó khăn.
“Có những người muốn hiểu biết chỉ để hiểu biết; đó là sự tò mò đáng hổ thẹn. Có những người muốn hiểu biết để nhờ đó họ được nổi tiếng; đó cũng là sự phù hoa và nhục nhã. Những người khác lại muốn hiểu biết để kiếm tiền hay thăng quan tiến chức; đó cũng là điều mất thể diện. Nhưng cũng có những người muốn hiểu biết để họ có thể sinh lợi cho chính linh hồn họ và linh hồn người khác; đó là lòng bác ái. Trong những loại hiểu biết kể trên, chỉ có loại sau cùng là biết sử dụng kiến thức cách xứng hợp” (Thánh Bernard, Bài Giảng Về Diễm Ca)