Ý thức được tầm quan trọng của vị Giám Mục Rôma, và của Giáo Hội lữ hành như dấu chỉ sự hiện diện của Ðức Kitô trong trần thế, Thánh Lêo Cả đã hết sức tận tụy trong vai trò của một giáo hoàng. Ðược chọn làm “đấng kế vị Thánh Phêrô” vào năm 440, người làm việc không ngừng, hướng dẫn các giám mục dưới quyền như “những người ngang hàng về quyền bính cũng như sự yếu đuối con người.”
Thánh Lêô nổi tiếng là một trong các giáo hoàng giỏi về quản trị trong thời Giáo Hội xưa. Sự nghiệp của người được chia ra làm bốn lãnh vực chính, chứng tỏ người có cái nhìn chính xác về trách nhiệm tổng quát của một giáo hoàng đối với đàn chiên của Ðức Kitô. Thứ nhất, người kiên trì chống với bè rối Pelagian, Manichae và các bè rối khác, ngoài ra người cũng áp đặt các quy luật để duy trì sự chân thực của đức tin Kitô Giáo. Lãnh vực thứ hai mà người lưu tâm là sự mâu thuẫn với Giáo Hội Ðông Phương về bản tính của Ðức Kitô mà người đã giải quyết bằng thư từ. Thứ ba, với đức tin mạnh mẽ, người còn lãnh đạo Rôma chống lại sự tấn công của quân man rợ, xứng đáng với vai trò bảo vệ hòa bình.
Sự nghiệp của Ðức Giáo Hoàng Lêô luôn được đề cao trong ba lãnh vực này. Ngoài ra, sự thánh thiện của người dựa trên nền tảng tâm linh sâu xa mà qua đó người thi hành công tác mục vụ cho đoàn chiên là lãnh vực thứ tư mà người hằng lưu tâm. Người nổi tiếng về những bài giảng thật sâu sắc. Là một khí cụ mời gọi mọi người nên thánh, được thấm nhuần Phúc Âm và luôn ý thức đến Giáo Hội, Ðức Lêô đã đáp ứng được những nhu cầu tâm linh của các tín hữu thời ấy.
Người từ trần năm 461, để lại nhiều văn bản và thư từ có giá trị lịch sử.
Khi có những chỉ trích về cơ cấu Giáo Hội, thì chúng ta cũng được nghe nói rằng các giám mục, linh mục -- có thể nói, tất cả chúng ta -- đã quá bận tâm với kiểu cách hành chánh theo thói đời. Ðức Giáo Hoàng Lêô là gương mẫu của một người quản trị biết dùng tài năng của mình trong các lãnh vực mà cơ cấu và tinh thần không thể tách biệt: đó là vấn đề giáo lý, công việc mục vụ và sự hài hòa. Người tránh cảnh “đi trên mây,” sống mà không có thân xác, nhưng người cũng như tránh cảnh “quá thực tế,” chỉ lo cho những sự bề ngoài.