Ðiều đầu tiên chúng ta được biết về ba vị này là họ được tử đạo khoảng năm 258, theo như văn bản của Thánh Grêgôriô ở Tours thuộc thế kỷ thứ sáu.
Thánh Denis (hay còn được gọi là Dionysius) là người nổi tiếng nhất trong ba vị. Người sinh trưởng ở Ý, và vào khoảng năm 250 người được sai đi truyền giáo ở Gaul (bây giờ là nước Pháp) bởi Ðức Giáo Hoàng Clêmentê cùng với năm vị giám mục khác.
Thánh Denis đặt địa bàn truyền giáo ở một hòn đảo trong vùng Seine gần thành phố Lutetia Parisorium -- sau này trở thành thủ đô Balê. Vì lý do đó người được coi là vị giám mục đầu tiên của Balê và là Tông Ðồ nước Pháp. Ở đây người bị bắt cùng với Rusticus và Eleutherius. Các học giả sau này đề cập đến Rusticus và Eleutherius như linh mục và phó tế của Ðức Giám Mục Denis, ngoài ra chúng ta không còn biết gì thêm.
Sau thời gian bị tù đầy và tra tấn, ba vị bị chém đầu và thân thể của họ bị ném xuống sông. Xác của Thánh Denis được những người tân tòng vớt lên và chôn cất. Một nhà nguyện được xây trên phần mộ của người mà sau này trở thành tu viện Thánh Denis.
Ðến thế kỷ thứ chín, tiểu sử của Thánh Denis bị lẫn lộn với Thánh Dionysius người Areopagite, nhưng sau này các học giả xác định người là một vị thánh riêng biệt.
Thánh Denis thường được vẽ khi người tử đạo -- không có đầu (với một cành nho vươn lên từ cổ) và tay người cầm chính đầu của người với nón giám mục.
Ðược coi là vị thánh đặc biệt của Balê, Thánh Denis là quan thầy của nước Pháp.
Ðây là trường hợp của một vị thánh mà chúng ta không biết gì nhiều, nhưng thánh nhân là người được sùng kính trong lịch sử Giáo Hội qua nhiều thế kỷ. Chúng ta chỉ có thể kết luận là ảnh hưởng sâu đậm của thánh nhân đối với dân chúng trong thời đại của người chứng tỏ một đời sống thánh thiện khác thường. Trong những trường hợp như vậy, có hai sự kiện căn bản: Một người vĩ đại đã hy sinh cho Ðức Kitô, và Giáo Hội không bao giờ quên họ được -- đó là dấu chỉ về sự lưu tâm vĩnh viễn của Thiên Chúa.
“Sự tử đạo là một phần bản chất Giáo Hội vì nó nói lên cái chết tinh tuyền của người Kitô, cái chết vì đức tin. Qua sự tử đạo, sự thánh thiện của Giáo Hội thay vì vẫn còn trong giả tưởng, đã được biểu lộ cách tỏ tường nhờ hồng ân của Thiên Chúa. Ngay từ thế kỷ thứ hai, một người chấp nhận cái chết vì đức tin hay luân lý Kitô Giáo đều được noi gương và tôn kính như một vị 'martus' (chứng nhân). Danh từ này có nguồn gốc từ Kinh Thánh mà Ðức Giêsu Kitô là 'chứng nhân trung tín' tuyệt đối (Khải Huyền 1:5; 3:14)” (Karl Rahner, Tự Ðiển Thần Học).