Thánh Phao-lô dạy các bậc cha mẹ như sau:”Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6,4).
Có một đôi vợ chồng nọ thường cư xử với con cái cách bình đẳng và thậm chí còn “lễ phép” nữa. Chẳng hạn khi khách đến nhà chơi, con gái lớn mang nước ra mời thay cho cô giúp việc đang bận làm bếp, anh chồng nói với con: ”Ừ, con hãy để đó. Cám ơn con”. Cháu chẳng những không ngượng ngùng mà còn sung sướng nở nụ cười tươi.
Tuy nhiên đây không phải là kiểu “màu mè” đột xuất mỗi khi có khách đến thăm, mà đã trở thành một thói quen hết sức tự nhiên trong gia đình này. Mỗi khi nhờ cậy người khác làm giúp một việc nào, dù là người nhỏ hay lớn hơn mình, người được giúp không bao giờ quên nói hai tiếng “cám ơn”. Dù đã mướn người giúp việc nhà, nhưng chị vợ vẫn vào bếp nấu cơm phục vụ chồng con với sự phụ giúp của cô giúp việc. Khi chị đi làm về trễ, đứa con gái lớn 15 tuổi tình nguyện xuống bếp phụ với cô giúp việc nấu cơm thay mẹ, và chị nói lời cám ơn cả hai cô cháu. Có điều lạ này là khi làm điều gì có lỗi, chị sẵn sàng khiêm tốn xin lỗi trước mọi người trong gia đình.
Lần kia do quá nóng nảy, anh chồng đã vô tình buột miệng gọi con bằng “mày”, một điều cấm kỵ trong gia đình này. Thấy con tròn mắt ngỡ ngàng, anh liền dịu giọng nói: ” Cho Bố xin lỗi, vì đã gọi con bằng “mày”. Lần sau Bố sẽ không nói thế nữa”. Vợ anh trong một lần nói chuyện với bạn thân đã vô tình tâm sự không tốt về mẹ chồng mà con gái nghe được. Chờ cho bạn của mẹ ra về rồi, con gái chị liền góp ý với mẹ rằng: ”Mẹ nói bà nội như vậy là không được”. Dù bị con nhắc nhở, chị vẫn xin lỗi con: ”Cám ơn con. Lần sau mẹ sẽ không nói như thế nữa”.
Nhiều người phê bình rằng: anh chị làm như thế là coi con cái ngang hàng với mình và sẽ bị chúng coi thường. Nhưng đôi vợ chồng này lại có cách lý giải khác. Điều họ đúc kết được từ kinh nghiệm sống và tiếp xúc với nền giáo dục phương Tây trong nhiều năm đi du học là: Trẻ con dù còn nhỏ, nhưng chúng cũng có lòng tự trọng, và có nhu cầu được ngưới khác tôn trọng. Chúng sẽ rất vui sướng khi nhận đươc những lời cám ơn từ những việc tốt chúng đã làm. Từ đó chúng sẽ hăng hái làm việc và thích giúp đỡ người khác hơn.
Tiếng “cám ơn” được người lớn trong gia đình nói ra sẽ khiến trẻ em nghĩ rằng chúng đã là người lớn, nên sẽ có trách nhiệm hơn với bản thân và với các việc bổn phận trong gia đình. Đàng khác, nếu cha mẹ và những người lớn hơn trong gia đình làm sai mà biết nhận lỗi thì sẽ trở thành gương sáng cho chúng noi theo, để biết dũng cảm nhìn vào sự thật, khiêm tốn nhận ra cái sai của mình mà sẵn sàng sửa lỗi. Cách ứng xử như thế chắc sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện, có sự tự tin và không bị ức chế do bị áp đặt bởi quan điểm của người lớn.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con biết ứng xử thân thiện với mọi người bằng lời nói “cám ơn và xin lỗi”. Xin cho các bậc cha mẹ trong giao tiếp xã hội biết làm gương sáng cho con cái và dạy chúng tập thành thói quen nói lời “cám ơn” khi nhận được sự giúp đỡ, và mau mắn “xin lỗi” khi lỡ làm phiền ai điều gì. Nhờ đó chúng con sẽ trở thành những người trưởng thành về nhân cách và sẽ gây được thiện cảm với mọi người, và giúp đưa được nhiều người về làm con cái Chúa. Xin Mẹ Maria cầu bầu cùng Chúa cho chúng con.- AMEN.