Sách Enoch là một trong những thí dụ nổi tiếng nhất về sách Tiềm Ẩn (Apocrypha) thuộc Kinh Thánh, đó là một bản văn cổ ngữ Hebrew nói về ngày tận thế, quỷ, thiên thần và Nephilim.
Về lịch sử, tác giả của sách thì không rõ, nhưng chúng có niên đại khoảng 200 TTL và chứng cớ hiện có cho thấy người Do Thái xưa và Kitô Hữu thời tiên khởi rất biết về cuốn sách này.
Ngày này, sách được coi là ngụy kinh bởi người Do Thái và Kitô Hữu, tuy người Do Thái gốc Ê-tiô-pia và một Kitô Hữu Ê-tiô-pia coi nó thuộc chính điển.
Có ba cuốn khác nhau được cho là của ông Enoch, và mỗi cuốn đôi khi được gọi là Sách Enoch. Cuốn nổi tiếng nhất đúng hơn được gọi là 1 Enoch. Nó là tổng hợp của năm cuốn khác: Sách Người Quan Sát, Những Bản Chép Enoch, và Sách Thiên Văn, Sách Các Giấc Mơ và Thánh Thư Enoch.
2 Enoch, còn được gọi là Sách các Bí Mật của Enoch, kể lại câu chuyện căn bản của cuốn 1 Enoch ngắn gọn hơn. Tuy nhiên, nó cũng có một số nội dung độc đáo. Tác giả viết cuốn này trong khoảng thế kỷ I và III TTL. Ngôn ngữ của bản nguyên thủy 2 Enoch thì không rõ. Ấn bản đầy đủ của bản văn này được viết bằng tiếng Slavonic và có niên đại ở thế kỷ 14 vả sau đó. Vì lý do này, nó được gọi là Slavonic Enoch.
3 Enoch, được biết đến khác nhau là Sách Enoch Hebrew, Sách các Cung Điện, Sách Rabbi Ishmael, và Mặc Khải của Metatron, được viết bằng tiếng Hebrew. Nó có niên đại ở thế kỷ 5 TL, tuy nó được cho rằng là tác phẩm của Rabbi Ishmael ở thế kỷ II. Cuốn 3 Enoch có liên quan đến thuyết thần bí Merkabah, mà nó lại được dựa trên thị kiến về ngai vàng của Êdêkien 1-3. Một chủ đề nổi bật trong sách này là Enoch lên trời và biến đổi thành thiên thần Metatron.
Chữ pseudepigrapha (giả danh) ám chỉ một cuốn sách được quy cho một người mà họ không thực sự là tác giả. Sự giả danh thì phổ thông trong những năm từ 400 TTL đến 200 TL. Các tác giả gán sáng tác của mình cho các nhân vật nổi tiếng trong Kinh Thánh hoặc trong lịch sử để thêm nặng ký và đáng tin. Các thí dụ khác về việc giả danh trong khoảng cùng thời gian là Chứng Từ của ông Job, Khải Huyền của Baruch, và cuốn IV Ezra, trong nhiều cuốn khác.
Trong trường hợp Sách Enoch, tác giả cố gắng gán sách này cho ông Enoch, cha của Methuselah, được nhắc đến trong sách Sáng Thế (5:21). Nhân vật bí ẩn Enoch này lên trời mà không phải chết. Kinh Thánh cho biết ít chi tiết về Enoch, nhưng điều Kinh Thánh cung cấp lại là tài liệu lý tưởng để sáng tác một câu chuyện chung quanh hậu trường.
Bất kể sự kiện là Sách Enoch được biết nhiều trong thời đại của Đức Giêsu Kitô nhưng Người không bao giờ nhắc đến hoặc ám chỉ Sách Enoch trong Tân Ước.
Tuy nhiên, một số tông đồ có nhắc đến, và những ám chỉ thì có trong Tân Ước, 2 Phêrô 2:4; Giacôbê 14-15 trích nguyên văn sách Enoch 1:9.
Sự kiện Tân Ước trích dẫn từ Sách Enoch thì không nâng sách này lên hàng chính điển. Một vài cuốn khác được nhắc đến trong Kinh Thánh thì cũng không được bao gồm trong chính điển. Một vài thí dụ như sách Chiến Sử của Đức Chúa (Dân Số 21:14), sách Người Công Chính (Jashar – Giô-suê 10:13), sách Sử Biên Niên của Solomon (1 Các Vua 11:41), Sách Sử Biên Niên (Annals – Nơ-khe-mia 12:23), và sách Sử Biên Niên của các Vua Mê-đi và Ba Tư (Ét-te 10:2).
Theo cuốn 1 Enoch, Thiên Chúa sai 200 thiên thần, được gọi là người canh giữ (“Irin” tiếng Aramaic và “Egregoroi” tiếng Hy Lạp), để phục vụ như những người hộ thủ, hướng dẫn, hay huấn luyện viên. Những người này được cho là để hướng dẫn loài người hiểu biết và thi hành những điều tốt và đoan chính. Thay vào đó, họ dậy loài người những điều xấu xa và làm hư hỏng loài người.
Trong những điều xấu xa là phù phép, thuật chiêm tinh, cách làm vũ khí, và nghệ thuật gây chiến. Sách Enoch còn bao gồm những điều có vẻ vô hại như thuật luyện kim, khí tượng học, dược thảo, và các mỹ phẩm trong danh sách hiểu biết mà các người canh giữ đã sai lầm chia sẻ với loài người. Có lẽ những sự xấu xa lớn lao nhất mà những người canh giữ thi hành là dụ dỗ phụ nữ và giao hợp với họ.
Để trừng phạt các hành động này, Thiên Chúa đã nhốt những người canh giữ vào “Tartarus” theo cuốn 1 Enoch. Chữ “Tartarus” thì không phải tiếng Hebrew nguyên thủy và chỉ được dùng đến một lần trong Kinh Thánh. Thư 2 của Phêrô 2:4 viết:
“Thiên Chúa không dung thứ cho các thiên thần khi họ phạm tội, nhưng đã ném họ vào hố địa ngục [Tartarus] và giam giữ họ trong những chuỗi bóng tối sâu thẳm nhất, chờ phán xét.”
Tartarus là nét đặc biệt trong tập thơ cổ Iliad tiếng Hy Lạp của Homer (k. 8 TTL), thần Zeus trừng phạt phe Titan bằng cách quẳng họ vào Tartarus sau trận Titanomachy, cuộc chiến mười năm giữa phe thần Titan và phe thần Olympian. Tartarus là “nơi … vịnh sâu nhất dưới mặt đất”, nó “sâu bên dưới Hades cũng như trời vượt cao trên mặt đất” (Iliad, Sách 8:1). Đó là hốc sâu nhất, tối nhất của hỏa ngục. Những đề cập đến Tartarus trong cuốn 1 Enoch và 2 Phêrô cho thấy đã có một nhận thức về khái niệm này từ tập thơ Iliad của Homer và nó được sử dụng song song để thành một tường thuật về việc Thiên Chúa trừng phạt các thiên thần sa ngã.
Con của những Người Canh Giữ và người phụ nữ được gọi là Nephilim, có nghĩa “những người sa ngã.” Nephilim là một chữ Hebrew được dịch là “Khổng Lồ” trong tiếng Hy Lạp và Latinh.
Sách Enoch diễn tả các người khổng lồ này là những người hung bạo họ tiêu hủy mọi thứ mà loài người sở hữu. Khi loài người không còn chống trả nổi chúng, những người khổng lồ này quay sang tấn công loài người và ăn sống nuốt tươi họ. Sau đó chúng quay sang các thú vật và các tạo vật còn lại, tiêu hủy mọi thứ chúng gặp.
Kinh Thánh nói chi tiết về sự hiện diện của Nephilim sau trận lụt (Dân Số 13:32-33). Một vài dân tộc hoặc là người khổng lồ hoặc có người khổng lồ trong bọn. Các thí dụ là các con của Anác (Sáng Thế 23:2; Giô-suê 15:13), người Rapha, được lãnh đạo bởi vua Ốc (Đnl 3:11), và những người khổng lồ cùng hàng với người Philitinh, như Gô-li-át (2 Samuen 21:18-22) và em hắn, Lác-mi (1 Sbn 20:5).
Theo Sách Enoch, ông Nôe can thiệp cho những người khổng lồ và xin Thiên Chúa tha thứ cho họ. Sách Sirach (còn gọi là Ecclesiasticus) nói chi tiết về sự kiện này nhưng nó không phải là phần quy điển của Tin Lành. Tuy nhiên, nó là phần trong Kinh Thánh của Công Giáo và Chính Thống Đông Phương. Thiên Chúa từ chối thương xót người khổng lồ vì họ xấu xa. Người muốn tiêu diệt dòng dõi chúng.
Nhiều giáo phụ thời tiên khởi đã tin và loan truyền sự giảng dạy rằng Nephilim là hậu duệ của sự hỗn hợp giữa Người Canh Giữ và người phụ nữ. Với họ, Sách Enoch cung cấp chìa khóa để giải thích Kinh Thánh về vấn đề này. Trong các giáo phụ chủ trương quan điểm có: Justin Tử Đạo, Clement ở Alexandria, Origen, Tertullian, Irenaeus, và Ambrose ở Milan.
Về sau các giáo phụ loại bỏ quan điểm này. Họ tin rằng bối cảnh của Sáng Thế 6 phải hướng dẫn việc giải thích Nephilim là ai. Đối với họ, một khi lưu ý đến Sáng Thế 6:2, các con trai của Thiên Chúa ám chỉ các hậu duệ nam của ông Sét, và con gái ám chỉ hậu duệ nữ của ông Cain.
Sách Enoch mất dạng trong hơn một ngàn năm và có lẽ vì sự thay đổi quan điểm cách đáng kể. Khoảng thời gian trước thế kỷ IV, sách này bị mất và lại được tái khám phá vào năm 1773. Bản dịch Anh Ngữ Sách Enoch chỉ có vào năm 1821. Sau này các phiên bản Sách Enoch tiếng Aramaic, được tìm thấy trong các Cuộn Sách ở Biển Chết (Dead Sea Scrolls), được xuất bản trong thập niên 1950. Kể từ khi sách được tái khám phá, sự giải thích các đoạn Kinh Thánh quan trọng một lần nữa lại bị ảnh hưởng và ngay cả được quyết định bởi những gì Sách Enoch nói.
Sách Các Bí Ẩn của Enoch, hoặc 2 Enoch kể câu chuyện sự sinh hạ lạ lùng của Men-ki-xê-đê. Theo 2 Enoch, Men-ki-xê-đê, người xuất hiện trong Sáng Thế 14 khi ông Abraham gặp ông này nhiều năm sau trận lụt, ông được thụ thai cách siêu nhiên ít lâu trước khi lụt đại hồng thủy. Ông Nir, em của ông Nôe, chất vấn vợ mình, bà Sopanima, về bào thai trong bụng. Bà Sopanima tuyên bố bà vô tội, nhưng khi ông Nir không tin bà, bà ngã vật ra chết.
Không lâu sau đó, có đứa trẻ xuất hiện từ thi hài của người mẹ, quần áo đầy đủ, và có thể nói được, và “như đứa trẻ ba tuổi” (2 Enoch, mảnh vỡ Men-ki-xê-đê, 3:18). Ông Nir và Nôe đặt tên trẻ là Men-ki-xê-đê. Trái đất sắp sửa bị tiêu diệt bởi trận lụt, nhưng Men-ki-xê-đê thì không bị chết trong sự tiêu hủy này, cũng không ở trong con tầu lớn. Thiên Chúa sai thiên thần Micae xuống đem Men-ki-xê-đê về đặt trong thiên đường ở Eden. Sau này ông là tư tế và vua, là nơi tường thuật Sáng Thế 14 trong Kinh Thánh nhắc đến Men-ki-xê-đê.
Một số tác giả Tân Ước coi Sách Enoch nghiêm trọng đủ để ám chỉ đến và ngay cả trích dẫn từ đó. Các thế hệ giáo phụ đầu tiên cũng du nhập sự dạy bảo của sách vào việc giải thích Sáng Thế 6. Sách Enoch bị mất và đưa đến kết quả trong sự thay đổi cách giải thích sự hiểu biết Sáng Thế 6.
Liệu T. Augustine ở Hippo, và các giáo phụ sau này là những người chia sẻ quan điểm của thánh nhân, có giải thích Sáng Thế 6 khác đi nếu họ có thể tiếp cận Sách Enoch không? Người ta chỉ có thể suy đoán. Điều chắc chắn là, cả hai trường hợp trước khi bị mất và tái khám phá sách Enoch, nó đã ảnh hưởng đến các thần học gia và giáo dân về sự hiểu biết thế nào về Sáng Thế 6:1-4.