Tác phẩm Mục Tử của Hermas là một trong những tài liệu khó hiểu hơn cả mà đã tồn tại từ thời kỳ hậu tông đồ. Văn phong tương đối mộc mạc và tầm phổ biến rộng rãi trong thế kỷ thứ hai và thứ ba, tác phẩm là một chứng cứ quan trọng cho tình trạng của cộng đoàn Kitô hữu ở Rôma vào giữa thế kỷ thứ hai. Việc trình bày quan điểm thần học Kitô-Do Thái bằng các phương thức tượng hình, các phép loại suy và các phép so sánh được rút ra từ xã hội và văn hóa La Mã, tác phẩm Mục Tử của Hermas phản ánh những nỗ lực của tác giả để trả lời cho các câu hỏi và các vấn đề — chẳng hạn, tội lỗi và việc thống hối sau khi chịu phép rửa tội, và hành vi cư xử của người giàu và mối tương quan của họ với người nghèo trong Giáo Hội – mà chúng có tầm quan trọng lớn và có liên hệ đến tác giả cũng như vai trò của cộng đoàn Kitô hữu ở Rôma mà tác giả thuộc về.
Trong suốt tác phẩm, ông Hermas đấu tranh gay gắt với việc liệu có thể thống hối và tha thứ cho tội lỗi sau khi rửa tội hay không. Câu trả lời, mà tìm cách cân bằng giữa công lý và lòng thương xót của Thiên Chúa (x. 4 Étra)1, là có, nhưng chỉ một lần và trong một thời gian nhất định mà thôi, vì vậy người ta phải nhanh chóng ăn năn trước khi cơ hội ấy qua đi. Về cơ bản, ông Hermas tìm cách khẳng định lòng thương xót của Thiên Chúa trong khi cố gắng duy trì một chủ nghĩa đạo đức nghiêm khắc.2 Mối quan tâm lớn thứ hai là hành vi cư xử của người giàu và mối quan hệ của họ với người nghèo trong Giáo Hội. Giải pháp trong ông Hermas (chương 51 [= dụ ngôn 2]) gặp phải mối giằng co với Bài Giảng Trên Núi. Trong khi giới học thuật có xu hướng tách rời hai vấn đề này, các quan điểm xã hội học lại cho thấy chúng có liên quan mật thiết với nhau.3
Tác phẩm Mục Tử của Hermas mang đến một cái nhìn thoáng qua về một cộng đoàn Kitô hữu có lòng mộ đạo (giống như Didache và thư của Barnabas) tập trung vào việc tuân theo các mệnh lệnh Chúa truyền và sự tự chủ. Sự khác xa với thư gửi tín hữu Rôma (một tài liệu khác đề cập đến cộng đoàn Kitô hữu Rôma) về giọng điệu và về quan điểm là điều đáng nói; lòng mộ đạo trong tác phẩm Mục Tử của Hermas có nhiều điểm chung hơn với thư 1 Clement (mặc dù địa điểm của thư 1 Clement có khác biệt). Việc suy tư về Kitô học chỉ ở mức tối thiểu (Chúa Thánh Thần hoặc các thiên thần thực hiện nhiều chức năng Kitô học). Dẫu chắc chắn là không có bất kỳ việc sử dụng trực tiếp Cựu ước hoặc các tài liệu Kitô giáo thời sơ khai, nhưng sự tương đồng đáng kể với truyền thống khôn ngoan của người Do Thái đi xuyên suốt tài liệu và việc sử dụng các ví dụ và các phạm trù của người La Mã còn hơn cả tường tận chi tiết.4
Tác phẩm Mục Tử của Hermas thường được đón nhận nồng nhiệt trong thời Giáo Hội sơ khai. Thánh Irenaeus, thánh Clement thành Alexandria, và Origen (ít nhất là trong một thời gian) đã chấp nhận tác phẩm Mục Tử của Hermas như là Kinh Thánh, hình như Tertullian cũng đã như vậy, mặc dù sau này, sau khi đã gia nhập giáo phái nghiêm ngặt của bè phái Montanô, ông đã gọi tác phẩm “Mục Tử của Hermas” là “mục tử của phường ngoại tình” vì việc tiếp cận “dễ dãi” với việc thống hối. Vào thế kỷ thứ tư, thánh Athanasius trích dẫn tác phẩm như là “quy điển”, và thậm chí sau khi Kitô học của tác phẩm tỏ ra tương đắc với những đối thủ của ông thuộc bè phái Ariô, người vẫn tiếp tục khuyến khích các tân tòng đọc tác phẩm này. Ông Didymus Mù5, người Alexandria đương thời với thánh Athanasius, đã đưa nó vào quy điển Kinh Thánh của ông, và vị trí của nó là ở cuối cùng (sau sách Khải Huyền và Thư của Barnabas) trong bản Codex Sinaiticus, một bản thảo Kinh Thánh quan trọng vào thế kỷ thứ tư.
Cấu trúc ngoại tại của tác phẩm có năm thị kiến, mười hai giới răn và mười dụ ngôn (hoặc là những ngụ ngôn, như chúng thường được ám chỉ đến) che phủ bằng chứng này là dựa vào cấu trúc nội tại của nó, tài liệu chia thành hai phần: các thị kiến 1–4 và tác phẩm Mục Tử của Hermas chính thức. (= các giới răn và dụ ngôn, mà thị kiến 5 được dùng như một lời dẫn nhập).
Thể văn của các thị kiến 1–4 là khải huyền Kitô-Do Thái giáo. Một thể văn khải huyền điển hình (x. sách Khải Huyền) bao gồm các đặc điểm sau: (1) mạc khải đến từ Thiên Chúa, (2) luôn luôn dưới hình thức một thị kiến hoặc là một giấc mơ, (3) thường được trao ban qua một người trung gian, (4) mà người ấy đưa ra lời giải thích về thị kiến, (5) nội dung lời giải thích của người ấy thì thường liên quan đến các sự kiện trong tương lai, đặc biệt là thời cùng tận. Các thị kiến 1–4 phản ánh rõ ràng khuôn mẫu này, ngoại trừ nội dung của chúng: trọng tâm không phải là thời cùng tận, mà là sự khả thi của việc thống hối vì thời cùng tận vẫn chưa đến.
Các giới răn phản ánh hình thức của một bài giảng điển hình của người Do Thái-Hy Lạp hóa. Những điểm tương đồng gần nhất với các dụ ngôn của tác phẩm Mục Tử của Hermas được tìm thấy trong sách 1 Enoch.6 Những dụ ngôn này, trong đó việc kể chuyện một cách điển hình của dụ ngôn là đi theo sau một yêu cầu và việc đưa ra một lời giải thích, và cuối cùng là những lời chúc phúc và nguyền rủa đối với những ai có hay là không có chú ý đến nó, giống với những câu chuyện ngụ ngôn hơn là với các dụ ngôn quen thuộc trong Tin Mừng Nhất Lãm.7
Chứng cứ nội tại cho thấy rằng hai phần chính, các thị kiến 1–4 và thị kiến 5 / dụ ngôn 10, được viết (và sau đó được lưu hành) riêng biệt. Cả hai phiên bản quan trọng là bản giấy cói Michigan và bản Coptic bằng phương ngữ Sahidic đều bắt đầu với thị kiến 5, và có một số khác biệt giữa các phiên bản khác nhau trong việc đánh số các ngụ ngôn và sự mâu thuẫn nội tại cho thấy rằng các dụ ngôn 9–10 là thêm vào sau này. Nhìn chung, có vẻ như hai phần riêng biệt sau đó đã được kết hợp với nhau, lúc ấy các dụ ngôn 9–10 được thêm vào để thống nhất và liên kết với nhau, tạo ra tác phẩm Mục Tử của Hermas như hiện nay. Liệu những phần này chứng tỏ tác phẩm này là của hai hoặc ba người khác nhau cùng góp phần vào những thời điểm khác nhau, hay là (nhiều khả năng hơn là) tác phẩm của một tác giả duy nhất, viết theo từng giai đoạn trong khoảng thời kỳ nhiều năm hoặc trong khoảng thời gian ngắn, vẫn còn đang trong vòng tranh luận.
Ông Hermas viết tác phẩm Mục Tử chắc chắn không phải là Phao-lô (sự đề xuất được đưa ra dựa vào Cv 14,12)8 hoặc ông Hermas được đề cập trong Rm 16,149 (sự đề xuất của Origen). Theo quy điển Muratori,10 danh sách lâu đời nhất (vào khoảng năm 180–200 sCN) về Tân Ước và các tác phẩm Kitô giáo thời sơ khai được biết đến, ông Hermas là anh trai của Giáo hoàng Pius, giám mục của Rome (vào khoảng năm 140–154). Cho dù điều này có đúng như vậy hay không, thì các điều khác về (các) tác giả được biết đến vẫn còn ít ỏi.
Thời gian soạn tác của tác phẩm Mục Tử của Hermas cũng khó xác định. Việc tham chiếu đến tác phẩm này bởi Irenaeus (vào khoảng năm 175) xác định một thời hạn mà trước đó nó phải được viết ra, nhưng mặt khác thời hạn cuối xác định thời gian ngay từ những năm 70 và 80 đã được đề xuất. Chứng cứ của quy điển Muratori (“Nhưng ông Hermas đã viết tác phẩm Mục tử gần đây trong thời chúng ta ở thành phố Rôma trong khi anh trai của ông là Pius, giám mục, đang ngồi trên ngai tòa Giáo Hội của thành phố Rôma”) phải được dùng thận trọng, vì nó dường như phản ánh nỗ lực tinh vi nhằm làm mất uy tín của tác phẩm Mục Tử. Các chứng cứ nội bản là không nhất quán. Dữ liệu trong các thị kiến 1–4, bao gồm việc tham chiếu trong chương 8,3 tới “Clement”, người cũng có thể là Clement thành Rôma viết ra thư 1 Clement,11 chỉ vào khoảng năm 95–100, trong khi phần soạn tác bao gồm thị kiến 5 / dụ ngôn 10 dường như đến từ một khoảng thời gian về sau. Tuy nhiên, nếu tác phẩm Mục Tử là một tài liệu tổng hợp, thì điều này sẽ giải quyết được nhiều khó khăn. Các thị kiến 1–4 sẽ đại diện cho giai đoạn hình thành sớm nhất của nó, trong khi việc chỉnh sửa cuối cùng, bao gồm việc tự thêm vào các dụ ngôn 9–10, có thể đã xảy ra vào khoảng thời gian do quy điển Muratori đề xuất.12
Bản văn của tác phẩm Mục Tử của Hermas đã không được bảo quản tốt. Chỉ có bốn bản viết tay tiếng Hy Lạp không hoàn chỉnh và một số cảo bản nhỏ đã được phát hiện, và chẳng có bản văn tiếng Hy Lạp nào còn chứa đầy đủ gần như toàn bộ các chương 107,3–114,5. Các chứng cứ chính yếu còn tồn tại (và các ký hiệu của chúng) như sau:
S |
bản Sinaiticus (thế kỷ IV; có các chương 1,1-31,6) |
A |
bản Athous (thế kỷ XIV-XV; có các chương 1,1-107,2) |
B |
cảo bản giấy cói Bodmer XXXVIII (cuối thế kỷ IV – đầu thê kỷ V; có chứa các chương 1,1-21,4) |
M |
cảo bản giấy cói Michigan 129 (thế kỷ III; có các chương 51,8-82,1) |
L1 |
bản dịch “Latin Cũ” hay là “Vulgate” (bản văn này được sử dụng cho các chương 107,3-114,5) |
L2 |
bản dịch Latin “Palatine” |
L |
gồm các bản L1 và L2 |
E |
bản dịch Ethiopic |
F |
E. Lappa-Zizicas, “Năm cảo bản của tác phẩm Mục Tử của Hermas trong bản thảo của Thư Viện Quốc Gia Paris,” Nghiên cứu Khoa học Tôn giáo 53 (1965): 251–56. (Các đoạn trích dẫn từ một “hợp tuyển giáo phụ” (patristic florilegium) được tìm thấy trong một bản thảo ở thế kỷ XIII). |
C1 |
bản dịch Coptic (phương ngữ Achmimic) |
C1 |
bản dịch Coptic (phương ngữ Sahidic) |
C |
gồm các bản C1 và C2 |
Hamb |
Hamburg, Staatsund Universitätsbibliothek, cảo bản giấy cói 24 (thế kỷ thứ IV-V) |
Pam |
Amherst Papyrus II 190 (thế kỷ VI) |
Pber |
Berlin, Bộ sưu tầm giấy cói của Viện Bảo Tàng Quốc Gia (các cảo bản của ba bản thảo từ thế kỷ III, IV và VI) |
Pox |
Các cảo bản giấy cói Oxyrhynchus (các cảo bản của sáu tập từ thế kỷ III, IV và VI) |
Ant |
Antiochus13, Πανδέκτης τῆς ἁγίας γραφῆς (Pandektes tes agias graphes) “Tập pháp điển Kinh Thánh” (thế kỷ VII) |
Ath |
Mạo danh Athanasio (Pseudo-Athanasius), Διδασκαλίαι πρὸς Ἀντίοχον (Didaskalíai prós Antíochon); Ath1 và Ath2 ám chỉ đến hai bản thảo của Mạo danh Athanasiô mà trong đó hai bản thảo này có sự khác nhau. |
Thêm vào đó, các cảo bản của bản dịch “tiếng Ba Tư thời Trung Cổ” (Middle Persian) đã được phát hiện.
Bản văn tác phẩm Mục Tử của Hermas có hai hệ thống quy chiếu khác nhau. Hệ thống cũ theo cách phân chia thành các thị kiến (visions), các giới răn (mandates) và các dụ ngôn (parables hoặc làsimilitudes),14 trong khi hệ thống mới sử dụng việc đánh số chương. Cả hai đều đã được đưa ra trong bản dịch dưới đây. Bảng sau đây chỉ ra mối quan hệ giữa hai hệ thống quy chiếu ấy.
Cũ |
Mới |
|
---|---|---|
Tk. |
1 |
1–4 |
Tk. |
2 |
5–8 |
Tk. |
3 |
9–21 |
Tk. |
4 |
22–24 |
Tk. |
5 |
25 |
Gr. |
1 |
26 |
Gr. |
2 |
27 |
Gr. |
3 |
28 |
Gr. |
4 |
29–32 |
Gr. |
5 |
33–34 |
Gr. |
6 |
35–36 |
Gr. |
7 |
37 |
Gr. |
8 |
38 |
Gr. |
9 |
39 |
Gr. |
10 |
40–41 |
Gr. |
11 |
43 |
Gr. |
12 |
44–49 |
Dn. |
1 |
50 |
Dn. |
2 |
51 |
Dn. |
3 |
52 |
Dn. |
4 |
53 |
Dn. |
5 |
54–60 |
Dn. |
6 |
61–65 |
Dn. |
7 |
66 |
Dn. |
8 |
67–77 |
Dn. |
9 |
78–110 |
Dn. |
10 |
111–114 |
Cuốn “Mục Tử của Hermas” là tác phẩm duy nhất thuộc thời tông phụ không được trích đọc ở Kinh Sách. Vì thế, người viết chỉ tóm tắt nội dung của tác phẩm và trích dịch một vài đoạn văn tiêu biểu của tác phẩm này.
Trước hết là tóm tắt nội dung của tác phẩm.15 Tác phẩm là lời kêu gọi các tội nhân hãy sám hối dựa vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Tác phẩm được chia thành 3 phần rõ rệt: phần đầu là 5 thị kiến (horaseis: visiones); rồi đến 12 giới răn (entolai: mandata); sau cùng là 10 dụ ngôn (parabolai: similitudines).
Thị kiến thứ nhất là một bà lão (presbytera) hiện ra với ông Hermas, khuyên ông và con cái hãy sám hối. Một năm sau, bà cụ lại hiện đến trao cho ông một bức thư tố cáo những tội lỗi của bà vợ và của con cái, đồng thời loan báo sẽ ban ơn tha thứ cho hết các tội nhân nào biết thống hối. Bà cụ cũng trao cho ông một sứ điệp nhờ chuyển lại cho các cấp lãnh đạo giáo hội.
Kế đó, trong thị kiến thứ hai, một thiên sứ giải thích cho ông biết rằng bà cụ là Hội thánh, và ông Hermas được ủy thác phải sao hai bản: một bản gửi cho ông Clêmentê để thông tri cho các giáo đoàn, một bản gửi cho ông Graptê để báo cho các bà góa và cô nhi.
Trong thị kiến thứ ba, bà cụ cho thấy 6 thanh niên đang cất một ngọn tháp trên nước. Có những hòn đá vuông và được sử dụng; có những hòn đá méo và bị quẳng đi. Ngọn tháp là Hội thánh. Sáu thanh niên là các thiên thần. Các viên đá vuông là các tông đồ, giám sát, thầy dạy, trợ tá, tử đạo, công chính, tín hữu, tân tòng. Các viên đá méo là những kẻ tội lỗi. Tuy nhiên, các người tội lỗi vẫn còn có cơ hội thống hối, và sẽ được gắn vào tháp. (Xem ra thị kiến này được dành cho các dự tòng).
Hai mươi hôm sau, trong thị kiến thứ bốn, ông thấy một quái vật chắn ngang lối đi; tiếp đó là một thiếu nữ kiều diễm. Ông nhận ra thiếu nữ là Hội thánh, và những kẻ thống hối sẽ được giải thóat khỏi nanh vuốt của qúai vật.
Với thị kiến thứ năm, xuất hiện một vị mục tử, tức là thiên thần bản mệnh của ông Hermas, mặc khải cho ông về sứ điệp sám hối qua các giới răn và các dụ ngôn, (nội dung của hai phần còn lại của tác phẩm). Vị mục tử trở thành nhân vật chính của tác phẩm, vừa đóng vai trò giải thích các thị kiến và dụ ngôn, vừa giữ vai trò kêu gọi thống hối.
Phần thứ hai kết thúc với lời kêu gọi thống hối, và khuyến khích hãy tin tưởng ở sự trợ giúp của thiên sứ trong sự chiến đấu chống lại ma quỷ.
Thứ đến là việc trích dịch một vài đoạn văn tiêu biểu của tác phẩm này.16
1. (theo cách đánh số cũ)
5. (1) Khi tôi trên đường đến Cumae, cùng khoảng thời gian như năm trước, khi đi bộ, tôi nhớ lại thị kiến của năm trước, và một lần nữa một thiên thần đã dẫn tôi đi và đưa tôi đến cùng một nơi như năm trước. (2) Khi đến nơi, tôi quỳ gối xuống và bắt đầu cầu nguyện với Chúa và tôn vinh danh Người vì Người đã coi tôi là người xứng đáng và đã cho tôi biết những tội lỗi trước đây của mình. (3) Và sau khi cầu nguyện tôi đứng dậy, tôi nhìn thấy trước mặt tôi một bà lão mà tôi đã thấy vào năm trước, đang đi bộ và đọc một cuốn sách nhỏ. Và bà lão nói với tôi, “Ngươi có thể thuật lại những điều này cho người được Chúa chọn không?” Tôi nói với bà lão, “Thưa bà, tôi không thể nhớ được nhiều điều, nhưng hãy đưa cho tôi cuốn sách nhỏ này để tôi có thể sao chép nó lại.” Bà lão nói “Hãy cầm lấy nó và trả lại cho ta.” (4) Tôi đã cầm lấy nó, và đi đến một nơi ở nước tôi, tôi đã sao chép tất cả, từng mẫu tự một, vì tôi không thể hiểu được các âm tiết. Sau khi tôi viết xong các mẫu tự của cuốn sách nhỏ, đột nhiên cuốn sách nhỏ bị giật ra khỏi tay tôi, nhưng tôi không nhìn thấy ai cả.
2.(theo cách đánh số cũ)
6. (1) Mười lăm ngày sau, sau khi tôi ăn chay và sốt sắng cầu xin Chúa, ý nghĩa của điều tôi viết đã được tiết lộ cho tôi. Và đây là những gì đã được viết: (2) “Này Hermas, con cái của ngươi, đã chối bỏ Chúa và phạm thượng đến Chúa, và bằng điều ác kinh khủng của chúng, chúng đã phản bội cha mẹ, và bị gọi là phường phản bộ cha mẹ, nhưng chúng chẳng hề hưởng lợi từ sự phản bội của mình. Tuy nhiên, chúng vẫn tăng thêm phóng túng và điên cuồn với tội lỗi của mình, và do đó, việc phạm tội của chúng đã vượt mức. (3) Nhưng hãy nói những lời này cho tất cả con cái ngươi và cho vợ ngươi, người sẽ nên như em gái ngươi, vì cô ta không kiềm chế được miệng lưỡi mình, vì lẽ đó cô ta làm điều ác. Nhưng khi cô ta nghe những lời này, cô ta sẽ kiềm chế nó, và sẽ thấy lòng thương xót. (4) Sau khi ngươi đã cho họ biết hết những lời này mà Tôn Chủ đã ra lệnh cho ta phải tiết lộ cho các ngươi, thì tất cả những tội mà họ đã phạm trước đây sẽ được tha thứ cho họ. Thật vậy, tất cả các thánh đã phạm tội cho đến hôm nay sẽ được tha thứ, nếu họ hết lòng ăn năn và xua đuổi thói hai lòng ra khỏi lòng mình. (5) Vì Tôn Chủ đã thề bằng sự vinh danh của chính mình đối người được chọn, rằng nếu tội lỗi vẫn còn diễn ra, thì bây giờ ngày này đã được ấn định làm giới hạn, họ sẽ không tìm thấy được ơn cứu độ, vì sự ăn năn dành cho người công chính đã chấm dứt; những ngày ăn năn dành cho tất cả các thánh đã qua, mặc dù đối với người ngoại giáo vẫn có khả năng ăn năn cho đến ngày cùng tận. (6) Vì vậy, hãy nói với các cấp lãnh đạo của Giáo Hội, để họ điều khiển đường lối của họ theo đường ngay nẻo chính, hầu cho họ có thể nhận được những lời hứa đầy vinh quang cách trọn vẹn. (7) Vì vậy, các ngươi là những người làm điều công chính, phải kiên định và đừng hai lòng, để có thể được vào đoàn các thánh thiên thần. Phúc cho những ai trong số các ngươi kiên nhẫn chịu đựng cơn đại nạn sắp tới và không chối bỏ sự sống của mình. (8) Vì Đức Chúa đã thề bởi Con của Người rằng những ai đã chối bỏ Đức Chúa17 của thì cũng sẽ bị loại trừ sự sống của họ, tức là, những người bây giờ sắp chối bỏ Người trong những ngày sắp tới. Nhưng đối với những ai trước đây đã chối bỏ Người, lòng thương xót đã được ban cho họ vì lòng thương xót lớn lao của Người.”
3. (theo cách đánh số cũ)
7. (1) “Nhưng ngươi, Hermas, không còn phải mang ác cảm với các con của mình nữa, cũng như không cho phép em gái của ngươi theo đường lối của mình, để họ có thể được tẩy sạch tội lỗi trước đây. Vì họ sẽ được rèn luyện theo một kỷ luật ngay thẳng nếu ngươi không còn mang ác cảm với họ nữa. Mang mối hận thù sẽ sinh ra cái chết. Nhưng ngươi, Hermas, đã gặp phải những đau khổ to lớn của riêng mình vì sự phạm tội của gia đình mình, bởi vì ngươi đã không quan tâm đến họ. Thật vậy, ngươi bỏ bê họ và có liên can đén những việc phạm tội xấu xa của riêng mình. (2) Nhưng sự thật là ngươi đã không xa rời Thiên Chúa hằng sống, và sự chân thành và sự tự chủ tuyệt vời của ngươi đã cứu ngươi. Những điều này đã cứu ngươi, nếu ngươi vẫn kiên định, và chúng cũng cứu tất cả những ai thực thi những điều như vậy và bước đi với lòng trong trắng và lòng chân thành. Những người này chiến thắng mọi điều ác và sẽ đạt đến cuộc sống vĩnh cửu. (3) Phúc cho tất cả những ai thực thi điều công chính; họ sẽ không bao giờ bị diệt vong. (4) Nhưng hãy nói với Maximus: ‘Kìa, đại nạn sắp đến; Nếu điều đó có vẻ tốt cho ngươi, thì hãy từ chối một lần nữa.’ ‘Đức Chúa ở gần với những người trở về với Người,’ như đã viết trong sách Eldad và Modat,18 những người đã nói tiên tri cho dân chúng ở hoang mạc”.
4. (theo cách đánh số cũ)
8. (1) Thưa anh em, khi tôi đang ngủ, một mặc khải đã được trao cho tôi bởi thanh niên trẻ đẹp, người ấy đã nói với tôi, “Ngươi nghĩ bà lão mà ngươi nhận được cuốn sách nhỏ là ai?” Tôi thưa: “Vị tiên tri” người ấy nói: “Ngươi đã sai. Bà lão không phải là một tiên tri.” Tôi nói: “Vậy thì bà lão là ai?” Người thanh niên ấy trả lời: “Hội Thánh”. Tôi nói với người thanh niên ấy: “Tại sao bà lão lớn tuổi vậy?” Người thanh niên ấy nói: “Bởi vì Hội Thánh đã được tạo ra trước muôn loài muôn vật; do đó Hội Thánh có từ lúc khởi đầu, và nhờ Hội Thánh mà thế giới đã được tạo thành.”19 (2) Sau đó, tôi thấy một thị kiến trong nhà mình. Bà lão đến và hỏi tôi đã đưa cuốn sách nhỏ cho các bậc kỳ lão chưa. Tôi nói rằng tôi đã không đưa nó. Bà lão nói “Ngươi đã làm rất tốt, vì ta có những lời này thêm vào. Vì vậy, khi ta hoàn thành tất cả các lời này, chúng sẽ được tất cả những người được chọn biết đến qua ngươi. (3) Vì vậy, ngươi sẽ viết hai cuốn sách nhỏ, và ngươi sẽ gửi một cuốn cho Clement và một cuốn cho Grapte. Sau đó Clement sẽ gửi nó đến các thành phố ở viễn xứ, vì đó là nhiệm việc của ngài ấy. Nhưng Grapte sẽ chỉ dẫn cho những góa phụ và các trẻ mồ côi. Nhưng chính ngươi sẽ đọc nó cho thành phố này, cùng với các bậc kỳ mục cai quản Hội Thánh. ”
1.(theo cách đánh số cũ)
9. (1) Thưa anh em, thị kiến thứ ba mà tôi đã thấy. (2) Sau khi ăn chay thường xuyên và cầu xin Chúa tiết lộ cho tôi điều mặc khải mà Người đã hứa sẽ cho tôi thấy qua phát ngôn của một bà lão, ngay đêm hôm đó bà lão hiện ra với tôi và nói: “Vì ngươi được cho biết quá ít ỏi và háo hức muốn biết mọi thứ, thì hãy đi vào cánh đồng nơi ngươi đang canh tác,20 và khoảng giờ thứ năm ta sẽ xuất hiện với ngươi và tỏ cho ngươi thấy điều ngươi phải thấy.” (3) Tôi hỏi bà lão rằng: “Thưa bà, đến chỗ nào của cánh đồng?” Bào lão đáp: “Bất cứ chỗ nào ngươi muốn”. Tôi đã chọn một nơi vắng vẻ tuyệt đẹp. Nhưng trước khi tôi có thể nói chuyện với bà lão và mô tả nơi này, bà lão đã nói với tôi: “Tôi sẽ đi bất cứ nơi nào ngươi muốn.” (4) Thưa anh em, tôi đi ra đồng, tính giờ đi đến chỗ tôi đã chỉ dẫn cho bà lão đến, thì tôi thấy một chiếc ghế dài bằng ngà voi đặt ở đó, trên chiếc ghế dài có một tấm đệm bằng vải lanh, và trên tấm đệm có trải một tấm vải lanh. (5) Khi tôi nhìn thấy những thứ này đặt ở đó và không có ai ở đấy, tôi đã rất ngạc nhiên và một cơn run cầm cập, tóc tôi dựng đứng và tôi rùng mình hoảng sợ, vì tôi chỉ có một mình. Sau đó, khi tôi chấn tỉnh bản thân và nhớ đến sự vinh quang của Chúa và cầm lòng, tôi quỳ xuống và một lần nữa thú nhận tội lỗi của tôi với Chúa, như tôi đã làm trước đây. (6) bà lão đi cùng với sáu thanh niên mà tôi đã thấy trước đây, bà lão đứng bên cạnh tôi và chăm chú lắng nghe khi tôi cầu nguyện và thú nhận tội lỗi của tôi với Chúa. Và bà lão chạm vào tôi và nói, “Hermas, hãy ngừng tất cả những lời cầu nguyện cho tội lỗi của ngươi. Cũng hãy xin điều công chính, hầu ngươi có thể mang lại một phần nào đó điều công chính cho gia đình mình”. (7) Bà lão dùng tay nâng tôi dậy, dẫn tôi đến ghế dài và nói với các thanh niên: “Hãy đi mà xây dựng” (8) Và sau khi những thanh niên đi và chúng tôi ở một mình, bà lão nói với tôi, “Hãy ngồi đây.” Tôi nói với bà lão, “Thưa bà, hãy để các bậc trưởng lão ngồi xuống trước”. Bà lão nói “Hãy làm như ta nói, hãy ngồi xuống.” (9) Sau đó, khi tôi muốn ngồi xuống bên phải, bà lão không cho tôi làm vậy, mà chỉ tay cho tôi rằng tôi nên ngồi bên trái. Sau đó, khi tôi nghĩ về điều này và rất buồn vì bà lão không cho phép tôi ngồi ở phía bên phải, bà lão nói với tôi, “ngươi đang buồn à, Hermas? Chỗ bên phải dành cho những người khác, những người đã làm vui lòng Chúa và đã chịu đau khổ vì Danh Chúa. Nhưng ngươi không thể ngồi cùng với họ. Nhưng hãy kiên trì với lòng chân thành của ngươi, như bây giờ ngươi đang làm, và ngươi sẽ ngồi với họ, cũng như tất cả những người làm điều họ đã làm và chịu đựng điều họ đã phải chịu đựng”.
2.(theo cách đánh số cũ)
10. (1) Tôi hỏi: “Họ đã chịu đựng điều gì?” Bà lão nói: “Hãy nghe đây. Đó là những cuộc lùng bắt, những cuộc tù đày, những cuộc đàn áp khốc liệt, những cây thập giá, những con thú dữ, vì lợi ích của Thánh Danh. Đó là lý do tại sao phía bên phải của Đấng Thánh thuộc về họ, và bất cứ ai đau khổ vì Thánh Danh. Phần bên trái thuộc về những người còn lại. Nhưng đối với cả hai, những người ngồi bên phải và những người ngồi bên trái, đều thuộc về cùng những ân sủng và cùng những lời hứa; sự khác biệt duy nhất là lớp người trước ngồi bên phải và có vinh quang nào đó. (2) Và ngươi rất mong muốn được ngồi bên phải với họ, nhưng khuyết điểm của ngươi còn rất nhiều. Tuy nhiên, ngươi sẽ được tẩy sạch những khuyết điểm của mình; quả thật, tất cả những ai không hai lòng sẽ được tẩy sạch mọi tội lỗi cho đến ngày nay”. (3) Sau khi nói những điều này, bà lão muốn bỏ đi. Nhưng quỳ dưới chân bà lão, tôi đã cầu xin bà lão bởi Chúa cho tôi thấy thị kiến mà bà lão đã hứa. (4) Vì vậy, một lần nữa bà lão nắm tay tôi và nâng tôi đứng dậy và đặt tôi ngồi trên chiếc ghế dài bên trái, trong khi chính bà lão ngồi ở bên phải. Và nâng một cây gậy sáng lên, bà lão nói với tôi: “Ngươi có thấy điều vĩ đại không?” Tôi nói với bà lão: “Thưa bà, tôi không thấy gì cả.” bà lão nói với tôi: “Nhìn này! Ngươi không thấy ngay trước mắt mình một tòa tháp vĩ đại đang được xây trên mặt nước từ những viên đá vuông sáng loáng hay sao?” (5) Và tòa tháp được xây thành một hình tứ giác bởi sáu người thanh niên đi cùng bà lão, và vô số thanh niên khác đang mang đá, một số từ dưới vực sâu và một số từ mặt đất, và họ đưa chúng cho sáu thanh niên. Và họ đã lấy chúng mà xây dựng. (6) Tất cả những viên đá được kéo từ dưới vực sâu lên mà họ đặt trong tòa nhà y như cũ, vì chúng đã được tạo hình và ăn khớp với những viên đá khác. Trên thực tế, chúng khớp với nhau chặt chẽ đến mức không thể nhìn thấy các khớp nối, và cấu trúc của tòa tháp trông như thể nó được xây bằng phiến đá duy nhất. (7) Nhưng trong số những viên đá khác được mang từ miền đất khô vào, và một số viên họ ném đi, một số viên họ đặt trong tòa nhà, và một số khác thì họ đập vỡ ra thành từng mảnh và ném ra xa tòa tháp. (8) Và nhiều viên đá khác nằm xung quanh tòa tháp, và họ không sử dụng chúng cho tòa tháp, vì một số viên bị hư hại và một số viên khác có vết nứt, một viên khác thì quá ngắn và còn các viên khác thì trắng và tròn, và không ăn khớp với tòa nhà. (9) Tôi đã thấy những viên đá khác bị ném xa tòa tháp và đang đi trên đường tuy nhiên không ở trên đường, mà lăn ra ngoài đất hoang; những viên đá khác rơi vào lửa và bừng cháy, và những viên đá khác rơi xuống gần mặt nước, nhưng không thể lăn xuống nước, mặc dù họ muốn lăn đến nước.
3.(theo cách đánh số cũ)
11. (1) Khi bà lão cho tôi xem những điều này, bà lão muốn rời đi nhanh chóng. Tôi thưa với bà lão: “Thưa bà, có ích chi khi tôi nhìn thấy những thứ này mà vẫn chưa biết chúng có ý nghĩa gì?” Trả lời tôi, bà lão nói: “Ngươi là một kẻ ma mãnh, muốn biết tất cả về tòa tháp.” Tôi thưa: “Vâng, thưa bà, tôi có thể thuật lại với anh em tôi, và để họ được vui mừng, và hiệu quả của việc lắng nghe những điều này21 là họ có thể biết Đức Chúa22 đầy vinh quang.” (2) Rồi bà lão nói: “Nhiều kẻ sẽ nghe; nhưng sau khi nghe, một số người trong số bọn họ sẽ vui mừng, nhưng còn những kẻ khác sẽ khóc lóc. Tuy nhiên, ngay cả những người này, nếu họ nghe và ăn năn, cũng sẽ vui mừng. Vậy, hãy nghe những dụ ngôn về tòa tháp này, vì ta sẽ tiết lộ mọi điều cho ngươi. Và đừng quấy rầy ta nữa về một mặc khải nào đó, vì những điều mặc khải này đã kết thúc, vì chúng đã được hoàn tất. Nhưng ngươi sẽ không bao giờ ngừng hỏi về những mặc khải, vì ngươi chẳng biết hổ thẹn. (3) Tòa tháp mà ngươi thấy đang được xây dựng là chính Ta, Hội Thánh, đã xuất hiện với ngươi bây giờ và trước đây. Vì vậy, hãy hỏi bất cứ điều gì ngươi muốn biết về tòa tháp, và ta sẽ tiết lộ cho ngươi, để ngươi có thể vui mừng với các thánh. ” (4) Tôi thưa với bà lão: “Thưa bà, vì bà đã từng coi tôi xứng đáng để tiết lộ mọi thứ cho tôi, thì xin hãy tiết lộ nó.” Và bà lão nói với tôi: “Bất cứ điều gì có thể được tiết lộ, thì sẽ được tiết lộ. Chỉ để lòng ngươi được ở với Chúa, và đừng hai lòng về những gì ngươi thấy”. (5) Tôi hỏi bà lão: “Tại sao tháp được xây dựng trên mặt nước, thưa bà?” Bà lão nói: “Như ta đã nói với ngươi trước đây,23 ngươi chăm chỉ miệt mài tìm kiếm. Do đó, bằng cách tìm kiếm, ngươi đang tìm ra sự thật. Vậy thì hãy nghe tại sao tòa tháp được xây trên mặt nước: đó là bởi vì sự sống của ngươi đã được cứu và sẽ được cứu nhờ nước. Nhưng tòa tháp đã được đặt nền trên Lời của Thánh Danh toàn năng và vinh hiển, và được củng cố bởi quyền năng vô hình của Tôn Chủ.”
4.(theo cách đánh số cũ)
12. (1) Tôi trả lời và nói với bà lão, “Thưa bà, điều này thật tuyệt vời và kỳ diệu. Nhưng sáu thanh niên đang xây dựng là ai vậy, thưa bà? ” “Đây là những thiên thần thánh thiện của Thiên Chúa, họ là những người đã được tạo dựng đầu tiên trong tất cả mọi loài, với họ Chúa đã cam kết với mọi tạo vật của mình để gia tăng và để xây dựng, và để cai trị mọi tạo vật. Nhờ đó, việc xây dựng tòa tháp sẽ được hoàn thành”. (2) “Và những người khác đang mang đá là ai?” “Họ cũng là những thiên thần thánh thiện của Chúa, nhưng sáu người này vượt trội hơn họ. Việc xây dựng tháp sẽ được hoàn thành, và tất cả sẽ cùng nhau vui mừng xung quanh tháp và sẽ tôn vinh Đức Chúa Trời vì việc xây dựng tháp đã được hoàn thành. ” (3) Tôi hỏi bà lão, và thưa rằng: “Thưa bà, tôi muốn biết về nơi đi đến của những viên đá, và chúng có ý nghĩa gì.” Trả lời tôi, bà lão nói: “Không phải vì ngươi xứng đáng hơn tất cả những người khác để tiết lộ điều đó cho ngươi, vì những người khác có trước ngươi và tốt hơn ngươi, với họ những thị kiến này lẽ ra phải được tiết lộ. Nhưng nó đã được tiết lộ cho ngươi để danh Thiên Chúa có thể được tôn vinh, và nó sẽ được tiết lộ vì lợi ích của những kẻ lưỡng lự, những kẻ đang thắc mắc trong lòng họ liệu những điều này có phải như vậy hay không. Hãy nói với họ rằng tất cả những điều này là sự thật, và không có gì ngoài sự thật, nhưng tất cả đều có sức mạnh và đáng tin cậy và được thiết lập vững chắc.”
5.(theo cách đánh số cũ)
13. (1) “Bây giờ hãy nghe về những viên đá đi vào tòa nhà. Những viên đá có hình vuông, màu trắng và vừa vặn ở các khớp nối của chúng, đây là các tông đồ và các giám mục, các thầy dạy và các phó tế đã bước đi theo sự thánh thiện của Thiên Chúa và đã phục vụ cho những người được Chúa chọn trong phận vụ là giám mục, thầy dạy với sự trong sáng và phẩm cách; một số đã chết, trong khi những người khác vẫn đang sống. Và họ luôn đồng thuận với nhau, vì vậy họ đã có sự hòa thuận với nhau và đã lắng nghe nhau. Đó là lý do các khớp nối của chúng khớp với nhau trong tòa tháp.” (2) “Những viên được kéo từ dưới vực sâu và được đặt trong tòa nhà gắn vào những viên đá khác đã được sử dụng trong tòa nhà, họ là ai?” “Họ là những người đã chịu đau khổ vì danh Chúa.” (3) “Và tôi muốn biết những viên đá khác được mang từ vùng đất khô hạn là ai, thưa bà.” Bà lão nói: “Những người đi vào tòa nhà mà không được đẽo gọt là những người mà Chúa đã chấp thuận bởi vì họ đi theo đường lối ngay thẳng của Chúa và thực hiện đúng các điều răn của Ngài.” (4) “Và những người được đưa đến và đặt trong tòa nhà là ai vậy?” “Họ có đức tin còn non trẻ, và trung thành; nhưng họ được các thiên sứ cảnh báo để làm điều thiện, vì sự gian ác đã được tìm thấy trong họ.” (5) “Những người mà người ta đã từ chối và vứt bỏ là ai vậy?” “Họ là những người đã phạm tội và mong muốn được ăn năn. Vì vậy, người ta không ném họ ra xa tòa tháp, vì họ sẽ có ích cho việc xây dựng nếu họ ăn năn. Vì vậy, những người sắp sám hối, nếu họ thực sự sám hối, thì sẽ rất vững tin nếu họ sám hối ngay bây giờ trong khi tòa tháp đang được xây dựng. Nhưng nếu tòa tháp hoàn tất, thì họ sẽ không còn chỗ nữa, mà sẽ bị loại bỏ. Điều ích lợi duy nhất mà họ có là điều này, đó là họ nằm gần tòa tháp.”
25. (1) Sau khi tôi cầu nguyện trong nhà và ngồi ở trên giường của mình, thì có một người đàn ông tướng mạo sáng láng, ăn mặc như một mục tử, với bộ áo bằng da trắng quấn quanh mình, một chiếc túi trên vai và một cây gậy trong tay. Vị ấy chào tôi, và tôi chào lại vị ấy. (2) Vị ấy ngay lập tức ngồi xuống bên cạnh tôi và nói với tôi, “Tôi đã được thánh thiên thần sai đến để sống cùng ngươi trong những ngày còn lại của cuộc đời ngươi.” (3) Tôi nghĩ rằng vị ấy đến để cám dỗ tôi, và tôi nói với vị ấy, Tôi nói: “Vậy ngài là ai? Vì tôi biết, tôi đã được giao phó cho ai.” Vị ấy nói với tôi, “Ngươi không nhận ra ta sao?” Tôi đáp: “Thưa, không”. Vị ấy nói: “Ta là mục tử mà ngươi đã được giao phó cho ta.” (4) Trong khi vị ấy vẫn đang nói, tướng mạo của vị ấy đã thay đổi, và tôi nhận ra vị ấy là người mà tôi đã được giao phó; và ngay lập tức tôi bối rối, nỗi sợ hãi chiếm lấy tôi, và tôi hoàn toàn chìm ngập trong phiền muộn, vì tôi đã trả lời với vị ấy một cách gay gắt và ngu ngốc. (5) Nhưng vị ấy trả lời và nói với tôi: “Đừng bối rối, nhưng hãy củng cố mình trong các giới răn của ta, mà ta sắp ban cho ngươi.” Vị ấy nói tiếp: “Vì ta đã được sai đi, để ta có thể cho ngươi nhìn lại mọi điều mà ngươi đã nhìn thấy trước đây, những điều quan trọng nhất, những điều hữu ích cho ngươi. Trước hết, hãy viết ra các giới răn và các dụ ngôn của ta; còn viết những vấn đề khác khi tôi chỉ cho ngươi.” Vị ấy nói: “Đó là lý do tại sao, ta truyền cho ngươi viết ra các giới răn và các dụ ngôn trước hết, để ngươi có thể đọc chúng ngay lập tức và có thể tuân giữ chúng.” (6) Vì vậy, tôi đã viết ra các giới răn và các dụ ngôn, như vị ấy đã truyền cho tôi. (7) Vậy, nếu khi anh em nghe các điều ấy, anh em tuân giữ các điều ấy, bước theo các điều ấy và thực thi các điều ấy với tấm lòng thanh sạch, thì anh em sẽ nhận được từ Chúa bất cứ điều gì Người đã hứa với anh em. Nhưng nếu sau khi nghe các điều ấy mà anh em không ăn năn mà tiếp tục chồng thêm tội, thì anh em sẽ lãnh điều ngược lại từ Chúa. Tất cả những điều này mà vị mục tử, thiên thần của sự ăn năn, đã truyền cho tôi viết như sau.
26. (1) “Trước hết hãy tin điều chính yếu này là Thiên Chúa là Đấng Duy nhất đã sáng tạo muôn loài muôn vật và sắp đặt chúng trong trật tự, và đã dựng nên điều đã từng không tồn tại thì nay lại hiện hữu, và là Đấng thâu tóm vạn vật nhưng chính Người lại không bị thâu tóm. (2) Vì vậy, hãy tin vào Thiên Chúa, kính sợ Người, và phải có chừng có mực trong niềm kính sợ đó. Hãy giữ vững điều này, và anh sẽ rũ bỏ mọi tội lỗi khỏi bản thân và sẽ mặc lấy mọi đức tính chân chính; sẽ sống với Thiên Chúa, nếu anh tuân giữ giới răn này.”
27. Vị ấy [= vị mục tử] nói với tôi: “Hãy chân thành và đơn sơ, và ngươi sẽ nên giống như những trẻ thơ không biết đến điều ác đã hủy hoại cuộc sống của con người. (2) Thứ nhất, đừng nói xấu ai, và đừng thích nghe người khác nói xấu. Nếu không, thì ngươi, kẻ lắng nghe, sẽ phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của kẻ nói điều xấu, nếu ngươi tin lời vu khống mà ngươi đã nghe, vì tin điều đó, thì chính ngươi sẽ giữ mối hận với người anh em mình. Theo đó, ngươi sẽ phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của kẻ nói xấu. (3) Vu khống là điều ác; nó là một con quỷ không ở yên, không bao giờ bình an mà luôn ở chung với bất hòa. Vì vậy, hãy tránh xa nó ra, và ngươi sẽ luôn được sung túc thịnh đạt với mọi người. (4) Hãy mặc lấy sự cung kính, trong lòng không có điều ác gây nên hiềm khích, mà mọi việc đều suôn sẻ và vui vẻ. Hãy làm việc chăm chỉ, và bằng sức lao động mà Chúa ban cho ngươi, hãy quảng đại trao cho tất cả những ai đang cần giúp đỡ, không suy tính về việc ngươi sẽ cho ai và không cho ai. Hay biết trao cho tất cả mọi người, vì Chúa mong muốn rằng do từ những ân sủng của Ngài, những ân sủng nên được trao cho tất cả mọi người. (5) Vì vậy, những ai lãnh nhận thì phải chịu trách nhiệm trước Chúa về lý do và mục đích họ lãnh nhận; đối với những ai gặp hoạn nạn, họ sẽ không bị xét xử, nhưng những ai lãnh nhận nhận giả dối sẽ phải chịu hình phạt. (6) Vì vậy, ai biết trao ban thì vô tội, vì đã nhận được từ Chúa một sứ vụ để thi hành, thì người ấy thực hiện với lòng chân thành, không lo lắng về việc cho hay không cho ai. Sau đó, sứ vụ này, khi được thực hiện với lòng chân thành, sẽ trở nên vinh hiển trước mắt Chúa. Vì vậy, ai phục vụ Chúa với lòng chân thành theo cách này thì sẽ được sống. (7) Vì vậy, hãy giữ điều răn này, như tôi đã nói với anh em, để sự ăn năn của anh em và của gia đình anh em có thể chứng tỏ lòng thành khẩn và lòng anh em trong sạch và không bị hoen ố”.
Các Dụ ngôn24 mà Người nói cho tôi
[Dụ ngôn 1]
50. (1) Vị ấy [= vị mục tử] nói với tôi: “Ngươi biết không,” vị ấy nói, “ngươi là tôi tớ của Chúa đang sống ở đất khách quê người, vì thành phố của ngươi ở rất xa thành phố này. Vì vậy, nếu ngươi biết,” vị ấy nói, “thành phố của ngươi mà ngươi định sinh sống, thì tại sao ngươi lại chuẩn bị ruộng nương và của cải quý giá, những tòa nhà và những căn phòng vô dụng ở đây? (2) Ngươi chuẩn bị những thứ này cho thành phố này, vì vậy, không trù tính trở về thành phố của mình. (3) Kẻ ngu ngốc và hai lòng và khốn nạn, ngươi không nhận ra rằng tất cả những điều này là xa lạ đối với ngươi, và dưới quyền của người khác sao? Vì chủ nhân của thành phố này sẽ nói: ‘Ta không muốn ngươi sống trong thành phố của ta; thay vào đó, hãy rời khỏi thành phố này, bởi vì ngươi không tuân theo luật pháp của ta.’ (4) Vậy, hỡi những người có ruộng nương và nhà ở và nhiều của cải khác, ngươi sẽ làm gì với ruộng nương, nhà cửa của ngươi và tất cả những thứ khác mà ngươi đã chuẩn bị cho bản thân khi ngươi bị ông ta đuổi? Vì chủ nhân của đất nước này có mọi quyền để nói với ngươi, ‘Hoặc là tuân theo luật pháp của ta, hoặc là rời khỏi đất nước của ta.’ (5) Vậy ngươi sẽ làm gì, vì ngươi phải tuân theo chính luật pháp của thành phố ngươi? Vì lợi ích của ruộng nương và phần tài sản còn lại của mình, ngươi có hoàn toàn từ bỏ chính luật pháp của mình và sống theo luật pháp của thành phố này không? Hãy cẩn trọng; việc từ bỏ luật pháp riêng của mình có thể không có lợi cho ngươi, vì nếu ngươi muốn quay trở về thành phố của mình, ngươi chắc chắn sẽ không được đón nhận, bởi vì ngươi đã từ bỏ luật pháp của thành phố ngươi, và sẽ bị thành phố đóng cửa không cho vào. (6) Vì vậy, hãy cẩn trọng; là một người sống ở đất khách quê người, đừng chuẩn bị cho mình thứ nào đó hơn cả thứ cần thiết để tự túc, và hãy chuẩn bị để bất cứ khi nào chủ nhân của thành phố này muốn trục xuất ngươi vì ngươi phản đối luật pháp của ông ta, ngươi có thể rời khỏi thành phố của ông ta và đến chính thành phố của ngươi và vui vẻ tuân thủ luật pháp của ngươi, mà không bị xúc phạm. (7) Vậy, hãy cẩn trọng để ngươi phụng sự Chúa và có Người trong lòng; hãy thực thi các việc của Chúa, hãy ghi nhớ các giới răn của Người và những lời hứa mà Người đã thực hiện, và hãy tin cậy Người để tuân giữ chúng, nếu các giới răn của Người được tuân giữ. (8) Vậy, thay vì ruộng nương, hãy sắm sửa những linh hồn đang đau khổ, khi ai cũng có thể, hãy thăm viếng những bà góa và các trẻ mồ côi, và đừng bỏ mặc họ; và chi tiêu của cải và tất cả tài sản, mà ngươi đã nhận được từ Chúa, ở những ruộng nương và nhà cửa thuộc loại này. (9) Vì đó là lý do tại sao Tôn Chủ làm cho ngươi giàu có, để ngươi có thể thi hành các sứ vụ này cho Người. Tốt hơn là mua ruộng nương và tài sản và nhà ở thuộc loại này, mà ngươi sẽ tìm thấy trong chính thành phố của mình khi đi từ nhà đến đó. (10) Việc chi tiêu phóng khoáng này thật đẹp đẽ và hân hoan; nó không mang lại đau buồn hay sợ hãi, mà là niềm vui. Vì vậy, đừng thực hành thói xa hoa lãng phí của dân ngoại giáo, vì điều đó là không có lợi cho ngươi, tôi tớ của Chúa. (11) Nhưng hãy thực hành chi tiêu phóng khoáng của chính mình, trong đó ngươi có thể vui mừng; và không bắt chước hoặc đụng vào những gì thuộc về người khác, cũng như không thèm muốn nó, vì thèm muốn những thứ của người khác là điều xấu xa. Nhưng hãy làm chính bổn phận của ngươi, và ngươi sẽ được cứu độ.”