Khi chàng thanh niên Phan-xi-cô A-xi-di-ô bắt đầu bước vào cuộc sống “ngông cuồng”, bỏ công việc làm ăn của gia đình, “chôm đồ nhà” cho người nghèo khổ, lẻn đến trại cùi với bệnh nhân, đi ăn xin để sống qua ngày, kiếm vôi vữa đá gạch sửa lại mấy ngôi nhà nguyện đổ nát, hát nghêu ngao ngoài đường ca ngợi tình yêu Thiên Chúa, rồi có lúc không trở về nhà nữa... thì ông Béc-na-đô-nê, thân phụ Phan-xi-cô hết sức xấu hổ và tức giận, còn bà mẹ thì đau khổ cách âm thầm. Bữa nọ, nghe ngoài phố có tiếng reo hò, ông chạy ra thì thấy một bọn trẻ con đang theo sau Phan-xi-cô, ném những thứ dơ dáy vào người chàng, trong lúc chàng vẫn tỏ vẻ hiên ngang vui vẻ. Ông liền nhào tới, nện cho chàng hai quả đấm như trời giáng khiến chàng sụm xuống tại chỗ. Lôi chàng vào nhà, ông nhốt chàng xuống ngay hầm rượu, bỏ đói, còn cấm vợ giáp mặt con. Nhưng vài hôm sau, vì chuyện làm ăn, ông phải rời gia đình. Vẫn giữ chìa khóa hầm rượu trong mình, ông ra lệnh cho vợ mỗi ngày chỉ cho Phan-xi-cô ăn hai bữa thôi. Đợi chồng đi khỏi, bà Béc-na-đô-nê cho người phá tung cửa, ôm lấy con, nước mắt ràn rụa. Phan-xi-cô giãi bày với mẹ tất cả các bí ẩn và dự định trong tâm hồn mình. Thấy con muốn trở lại cảnh sống chàng đã chọn, tuy đau khổ, bà vẫn nói với con: “Con hãy làm theo những gì Chúa soi sáng,” Rồi bà sắm sửa cho chàng những gì cần dùng. Trở về, ông Béc-na-đô-nê lôi thằng con “mất dạy” tới đức giám mục để xin người xử kiện. Trước mặt bá tánh, Phan-xi-cô đã khước từ quyền thừa kế để chọn sống con đường nghèo khó. Chàng cũng trút luôn mảnh xiêm y cuối cùng trên người, trả lại cho cha và tuyên bố: “Từ nay, con chỉ còn có một Cha trên trời mà thôi.”
Nỗi đau khổ của song thân Phan-xi-cô trước một sự đoạn tuyệt vì Thiên Chúa và Nước Trời, cũng là nỗi đau khổ mà ta có thể thấy được nơi song thân Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng trong cả hai câu chuyện đều có những bài học thấm thía.
Quả thế, khởi sự tại Giê-ru-sa-lem, trong Đền Thờ, với cuộc truyền tin cho ông Da-ca-ri-a về việc chào đời của vị Tẩy giả, Tin Mừng Lu-ca về thời thơ ấu của Đức Giê-su cũng kết thúc trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem với cảnh tượng lạ lùng của “cậu bé-thầy dạy”, nội dung bài Tin Mừng lễ Thánh gia hôm nay. Đỉnh cao của trình thuật nằm trong câu đáp khô khan Đức Giê-su đưa ra cho song thân đang khắc khoải: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận là ở nhà của Cha con à!” Tuy nhiên, với thái độ “ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”, Đức Ma-ri-a cũng trở thành thầy dạy cho hết thảy chúng ta về một phương diện khác.
Đức Giê-su đưa ra một phân biệt rõ rệt giữa gia đình trần gian của Người với gia đình mầu nhiệm vốn là nơi Người đã phát xuất. Thốt lên từ “Cha”, Đức Giê-su mạc khải mầu nhiệm thần linh của mình. Ơn gọi của Người không phải là phục vụ một gia đình dầu thánh thiện của tạo vật nhân loại, nhưng là để Cha trên trời sử dụng tùy nghi.
Tuy nhiên, cậu bé đưa ra lời tuyên bố có vẻ nổi loạn ấy cũng chính là kẻ ngoan ngoãn theo cha mẹ lên Giê-ru-sa-lem mỗi năm dịp lễ Vượt Qua, chính là kẻ nhận lời quở trách: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế?” chính là kẻ ngoan ngoãn theo cha mẹ trên con đường về Na-da-rét quê cũ, chính là kẻ “vâng phục các đấng”, cho dẫu đã thành niên và được phú bẩm chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa lẫn sự thông thái của Sa-lô-mon, cho dẫu sự khôn ngoan của Người lớn dần với tuổi tác, sức vóc và ân sủng.
Đức vâng lời của Đức Giê-su bên trong gia đình khiêm tốn ấy do đó trở thành gương mẫu. Hơn nữa, như một học giả về trang Tin Mừng này là cha R.E. Brown đã viết: “Đức vâng lời đó hết sức gây xúc động vì nằm bên cạnh sự thông minh của Đức Giê-su, vốn khiến tất cả ngạc nhiên và thán phục. Còn gây xúc động hơn nữa vì nằm bên cạnh ‘tham vọng’ to lớn của Đức Giê-su là làm nhiều bổn phận và ơn gọi mà cha mẹ Người không tài nào hiểu nổi.” Thái độ của Đức Giê-su là dấu chỉ cho thấy Người hiến thân cho con người, Người ra công phục vụ chứ chẳng muốn được phục vụ.
Đàng khác, Đức Ma-ri-a bắt đầu hiểu bằng kinh nghiệm sống rằng khoảng cách giữa mình với Con không phải là dấu tách xa nhưng là gần lại, vì với đức tin, bà ngày càng đi vào chương trình cứu rỗi mà Đức Ki-tô sắp thực hiện.
Dẫu sao, bên trong bức tranh ấy, đó là một yếu tố có thể chấp nhận bởi mọi gia đình. Nếu người con phải biết hiếu kính đón nhận tình yêu của cha mẹ, thì cha mẹ phải biết rằng con của họ có một số mệnh mà họ không thể xác định trước. Họ có thể mơ ước về đứa con mình theo hình ảnh của mình hay như kẻ thực hiện những dự phóng to lớn, nhưng cuối cùng họ phải biết chấp nhận nó đúng như con người nó, với các sở trường sở đoản của nó, với số phận khiêm hèn hay vinh quang của nó. Luôn biết cho và biết nhận, ấy là dấu chỉ của tình yêu.
Trái lại, thống trị hay xem đứa con, ông chồng bà vợ như sở hữu riêng, đó là sản phẩm của một tâm hồn ty tiện và chẳng có khả năng “suy đi nghĩ lại trong long.” Nếu chấp nhận một từ nguyên vắn gọn nhưng sâu sắc về mặt sư phạm, thì “quyền bính” đích thực (auctoritas, danh từ la-tinh) có nghĩa là “làm cho lớn lên” (augeo, auctum, augere động từ la-tinh). “Người phải lớn lên còn tôi nhỏ lại.”
Đó là kiểu cách của gia đình Na-da-rét, là kiểu cách của chính “gia đạo” theo thánh Phao-lô: “Như Hội Thánh phục tùng Đức Ki-tô, thì vợ cũng phải phục tùng chồng trong mọi sự như thế. Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh... Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ trong Chúa... Những người cha, đừng làm con cái tức giận” (Ep 5,24-25; 6,1.4).
Sau bài học của đứa con, tiếp đây là bài học của bà mẹ. Qua câu “Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”, Tin Mừng phác họa cho ta chân dung của Đức Ma-ri-a như vị linh sư tuyệt hảo, khiến ta chẳng cần phải đi tìm các linh sư (Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo...) như đang là cái “mốt” trong nhiều giới Ki-tô hữu hiện thời. Nơi bà, đức tin đang tác động cách sâu thẳm, vì chẳng đời nào có ai sẽ phải đào sâu như thế, sẽ phải sống những điều gây hoang mang như thế.
Bà là người Do-thái, được giáo dục theo lối Do-thái. Việc trở thành mẹ Đấng Mê-si-a, như mọi thiếu nữ đều mơ ước, đã làm bà choáng ngợp và thỏa mãn. Tuy nhiên đã có những biến cố gây ngỡ ngàng mà trước tiên là việc thụ thai đồng trinh cách nhiệm lạ. Lập tức bà đã tỏ ra muốn tìm kiếm chân lý: “Tôi sẽ làm mẹ cách nào?” – “Thánh Thần sẽ đến trên bà.”
Đó đã là điều cần phải suy niệm, và Ma-ri-a đã bắt đầu một con đường đầy những câu hỏi ngày càng day dứt, băn khoăn. Là người Do-thái, bà sẽ phải dần dần chấp nhận tư tưởng Đấng Độc Nhất có một người con, và người con ấy là Giê-su! Rồi bà phải làm quen với ý tưởng: Đấng Mê-si-a vinh hiển, đó là đứa trẻ đang sống trong thôn làng nhỏ bé và trong gia đình lao động của bà, như mọi đứa trẻ khác. Sau một chút xáo động lúc Người sinh ra, là sự chìm vào im lặng của một cuộc sống rất khiêm tốn.
Rồi có sự cố năm Đức Giê-su mười hai tuổi. Óc độc lập của Người quá ư bất thường và câu trả lời của Người quá ư hỗn láo nếu đã chẳng chất chứa biết bao mầu nhiệm: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”
Không, họ đã không biết, Lu-ca dám nói thế, “ông bà chẳng hiểu gì.” Như nhiều người từng choáng ngợp trước các biến cố, Đức Ma-ri-a cũng bị choáng ngợp. Nhưng bà vẫn cảm nhận mọi chuyện một cách sâu xa: “Bà hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” Bà suy niệm, bà chồng chất các sự kiện, các từ ngữ, các ánh sáng. Từ nay, mọi hành vi và lời nói nơi đứa con lạ lùng của bà, thay vì làm bà khép kín trước cái bất khả đạt, lại sẽ mở lòng bà ra và nâng bà mỗi lần một chút lên tới mầu nhiệm: “Hỡi con yêu của mẹ, con là ai?”
Đức Giê-su thấy ba nỗ lực đó: nỗ lực mở lòng, suy niệm và thích nghi. Lần kia, nghe một người phụ nữ la lên do phấn khởi cách hời hợt: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Người đã đáp lại bằng một lời gợi ý hãy vào sâu hơn: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa!” (Lc 11,27-28).
Tại sao chúng ta chẳng đi đến trường học đức tin này? Không những tới một mẫu gương chiêm niệm mà còn tới với một người mẹ rất hạnh phúc được giúp đỡ chúng ta và thích nghi chúng ta với mầu nhiệm đức tin Ki-tô giáo vốn chẳng dễ dàng, người ta cảm thấy điều này khi nghe những người bỏ đạo và khi thấy sự tầm thường của chúng ta. Đã nghe mơ hồ nhiều lời, việc đó không đủ; phải khao khát đón nhận các lời nói và biến cố, rồi tiến dần tới tất cả mầu nhiệm Đức Giê-su nhờ mải miết suy niệm. Như Đức Ma-ri-a, Đấng đầu tiên đã đi trọn con đường và có thể hướng dẫn chúng ta.