Nhiều năm trước, H.V. Morton viết một cuốn sách hấp dẫn có tên In the Steps of the Master (Theo Bước Chân Chúa). Cuốn sách mô tả hành trình ông đến Thánh Địa và lần theo những bước chân mà Kinh Thánh nói rằng Chúa Giêsu đã đi cách đây 2.000 năm.
Một buổi sáng ngày Sabbath, Morton đi qua những con phố hẹp trong Khu Phố Cổ của Giêrusalem. Bỗng nhiên, ông nhìn thấy một hội đường cổ.
Morton bước vào bên trong và thấy hội đường được bố trí giống như các hội đường vào thời Chúa Giêsu còn sống. Phụ nữ ngồi ở một khu vực, và đàn ông ngồi ở một khu vực khác.
Hơn nữa, Morton thấy buổi lễ ở hội đường cũng giống như thời Chúa Giêsu còn sống. Nó kết hợp lời cầu nguyện, các thánh ca và những bài đọc từ Kinh Thánh.
Sau buổi lễ, Morton bước ra bên ngoài. Ông thấy một cậu bé khoảng mười hai tuổi đang trò chuyện với vài người đàn ông lớn tuổi có râu. Họ chăm chú lắng nghe cậu bé nói. Thỉnh thoảng họ gật đầu đồng ý. Thỉnh thoảng họ nhíu mày tỏ vẻ không đồng ý. Suốt thời gian đó, cậu bé đứng yên, đầy tôn trọng.
Khi cuộc trò chuyện kết thúc, cậu bé cúi đầu chào những người đàn ông lớn tuổi rồi đi tiếp.
Đó là lúc đánh động Morton. Cảnh tượng mà ông vừa chứng kiến rất giống với cảnh được diễn tả trong bài Tin Mừng hôm nay, ở đó bà Maria và ông Giuse tìm thấy Đức Giêsu trong đền thờ, trò chuyện với các thầy dạy.
Một cuốn sách cổ của người Do Thái, gọi là Talmud, nói về một cậu bé Do Thái như sau: "Vào lúc năm tuổi nó phải bắt đầu các bài học thiêng liêng; năm mười tuổi nó phải học về truyền thống tôn giáo của tổ tiên; năm mười ba tuổi nó phải biết Luật của Thiên Chúa và bắt đầu thực hành như người lớn."
Ngày nay, nghi lễ Bar Mitzvah đánh dấu sự chuyển tiếp từ thời thơ ấu sang trưởng thành của một cậu bé Do Thái. Tương tự, sự chuyển giao của một cô bé Do Thái được đánh dấu qua nghi lễ Bas Mitzvah.
Trong Israel ngày nay, nghi lễ Bar Mitzvah thường kết thúc bằng việc cậu bé đến biên giới Israel. Ở đó, cậu phục vụ một thời gian ngắn như một người lính bảo vệ có vũ trang. Hoặc cậu bé có thể hiến máu để dùng trong việc tiếp máu cho người bệnh.
Nói cách khác, khi một đứa trẻ Do Thái đến tuổi trưởng thành, nó đảm nhận những trách nhiệm của người lớn.
Chính ở đây mà Tin Mừng hôm nay bao gồm một bài học đặc biệt cho mọi người trẻ và mọi người lớn. Đối với người trẻ, bài này nói rằng có một thời điểm trong đời khi chúng ta bắt đầu trải nghiệm những chuyển tiếp đầu tiên từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành. Chúng ta bắt đầu tự mình suy nghĩ và đặt ra những câu hỏi về những điều mà trước đây chưa bao giờ nghĩ đến.
Từ quan điểm tôn giáo, bài này nói rằng có một thời điểm trong đời khi chúng ta phải biến đổi đức tin nhận được từ cha mẹ thành đức tin của chính mình.
Có một thời điểm chúng ta phải bắt đầu chuyển tiếp từ Kitô hữu bẩm sinh thành Kitô hữu lựa chọn. Nói cách khác, đó là thời gian chúng ta chuyển tiếp từ đức tin "văn hóa" hoặc "thời thơ ấu" sang đức tin "trưởng thành" hoặc "xác tín."
Đây là một thời điểm cực kỳ quan trọng đối với người trẻ và cả cha mẹ của họ. Và, không hồ nghi gì, đây là một lý do khiến Thánh Luca ghi lại câu chuyện của Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay.
Đôi khi, sự chuyển tiếp từ đức tin thơ ấu sang đức tin trưởng thành diễn ra khá suông sẻ. Nhưng cũng có lúc nó vô cùng đau đớn. Điều này là vì đức tin thơ ấu của chúng ta phải "chết đi" trước khi đức tin trưởng thành của chúng ta có thể "sinh ra."
Trong cuốn sách The Restless Believers, John Kirvan mô tả xúc động về cái chết của đức tin thơ ấu có thể ảnh hưởng đến một người trẻ như thế nào. Ông trích dẫn lời của một học sinh trung học:
"Tôi không biết có chuyện gì sai, nhưng tôi không còn tin như trước đây nữa. Khi tôi còn học tiểu học và những năm đầu trung học, tôi rất mộ đạo, nhưng giờ đây dường như tôi không còn quan tâm."
Cái chết của đức tin thơ ấu có thể khiến người trẻ cảm thấy đau buồn—ngay cả mặc cảm tội lỗi. Đây là điều không may, vì họ chỉ đang trải qua một giai đoạn quan trọng của sự trưởng thành đức tin. Họ đang chuyển từ đức tin trẻ thơ sang đức tin trưởng thành.
Ở đây, ngay cả những Kitô hữu trưởng thành cũng cần nhớ rằng: Tiến trình đạt được đức tin trưởng thành là một tiến trình không bao giờ kết thúc. Nó là một tiến trình, cho đến mức độ nào đó, trong suốt cuộc đời chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay mô tả sự chuyển tiếp của Đức Giêsu từ thời thơ ấu về tôn giáo sang sự trưởng thành về tôn giáo.
Và bài gợi ý rằng sự chuyển tiếp này không chỉ khó khăn với Đức Giêsu mà còn với cha mẹ của Người.
Điều này không phải vì Đức Giêsu hay cha mẹ Người làm điều gì sai trái. Nó khó khăn vì bản tính con người của các đấng.
Nói cách khác, Đức Giêsu cảm thấy tuổi thơ của mình chết đi và bắt đầu tuổi trưởng thành, giống như mọi người khác. Dù sao, chính Kinh Thánh nói với chúng ta rằng Người giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.
Và bà Maria cùng ông Giuse đã phải thích nghi với sự "chết đi" của Giêsu trẻ thơ và sự "sinh ra" của Giêsu trưởng thành—và điều đó không dễ dàng.
Đoạn cuối của bài Tin Mừng hôm nay rất hữu ích. Nó đem cho chúng ta một bài học quan trọng để ghi nhớ vào ngày lễ Thánh Gia.
"Người trở về Nazareth cùng cha mẹ, và hằng vâng phục các đấng. Còn Mẹ Người thì ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng."
Nói cách khác, cả Đức Giêsu và cha mẹ Người đã sống sự chuyển tiếp từ thời thơ ấu sang trưởng thành trong sự hòa hợp và hiểu biết.
Đối với Chúa Giêsu, điều này có nghĩa là vâng lời, ngay cả khi điều đó khó khăn. Đối với Đức Maria và Thánh Giuse, điều này có nghĩa là kiên nhẫn và cầu nguyện xin sự hướng dẫn trong giai đoạn quan trọng của cuộc đời con mình.
Đây là bài học từ bài Tin Mừng hôm nay. Đây là thông điệp của lễ Thánh Gia. Đây là ân sủng mà tất cả chúng ta cùng cầu nguyện trong thánh lễ hôm nay.