Trong các xã hội nông nghiệp vùng Địa Trung Hải, các con trai và con gái được nuôi dưỡng cùng với nhau, cho đến tuổi dậy thì, bởi các phụ nữ (mẹ, dì, chị, v.v.).
Điều không ngạc nhiên là mối quan hệ tình cảm mạnh mẽ nhất trong gia đình vùng Địa Trung Hải thì giữa người mẹ và con trai (con cả). Mối quan hệ này đem cho bà mẹ quyền năng lớn lao trên cuộc đời của con trai ngay cả khi trưởng thành. Hãy nhớ lại sự can thiệp của bà Rêbécka vào cuộc đời của các con trai, Giacóp và Esau (Sáng Thế 25).
Một hậu quả khác là những người con trai đó khi đến tuổi dậy thì thì vẫn bị làm hư như thế. Bởi vì các con trai được quý trọng trong nền văn hóa này, tất cả các bà đều nuông chiều và làm vui lòng chúng. Tỉ như, một con trai thì được bú sữa mẹ lâu gấp đôi con gái, ngay cả sau khi chúng biết nói (xem 2 Macc 7:27). Khi nó đòi thức ăn, ngay lập tức nó được cho ăn. Nó kết luận rằng mọi lời nói của nó đối với các bà thì giống như lề luật.
Một hậu quả thứ ba của việc nuôi nấng con trai và con gái cùng với nhau trong khi hầu như hoàn toàn vắng bóng người cha và người đàn ông trong tiến trình dưỡng dục là những người con trai đó bị mơ hồ về căn tính khi bước vào tuổi dậy thì. Vì không có tấm gương đàn ông, họ không biết trở nên một người đàn ông như thế nào.
Khi dậy thì người con trai đó đột nhiên bị đẩy ra khỏi sự tiện nghi thoải mái của thế giới các bà để bước vào thế giới khắc nghiệt và giai cấp của các ông. Ở đây mọi đàn ông dạy người trẻ này về vị trí và lối đối xử xứng hợp. Thông thường điều này được hoàn tất bởi những hình phạt thể xác hay đánh đòn, mà thanh niên đó được dạy rằng phải chịu đựng trong câm nín mà không báo thù (xem Châm Ngôn 13:24; 19:18; 22:15; 23:13-14; 29:15, 17; Huấn Ca 30:1-12). Một cách tự nhiên thanh niên đó kết luận rằng sự chịu đựng đau khổ cách kiên nhẫn là một cách để chứng tỏ nam tính của mình (Isa 42:2; 50:6; 53:3, 7; 2 Maccabê 6-7).
Bài phúc âm hôm nay tốt nhất nên nhìn trong bối cảnh văn hóa này. Tại sao Đức Giêsu không được cha mẹ nhớ đến mãi cho đến sau một ngày đường trở về nhà? Cậu Giêsu có lẽ vẫn trong tiến trình trở thành người lớn. Trong các đoàn du hành người ta thường đi theo những phân chia giới tính hằn sâu trong xã hội này: đàn ông và con trai quá tuổi dậy thì thường đi chung với nhau; phụ nữ và trẻ em (con trai và con gái) đi chung với nhau.
Có lẽ ông Giuse thở dài khi khám ra rằng cậu Giêsu không có mặt trong đám các ông. Có thể ông kết luận rằng cậu Giêsu vẫn còn khó khăn tách rời khỏi đám các bà và lại trở về sự thoải mái như trước. Ngược lại, có lẽ bà Maria hãnh diện khi tin rằng cuối cùng thì cậu Giêsu đi với các ông, đó là điều thích hợp cho một thanh niên tuổi của cậu. Chỉ sau một ngày đường, khi cậu Giêsu không được tìm thấy giữa các bà con và bạn hữu đàn ông hay đàn bà, thì gia đình mới biết Người không ở trong đoàn lữ hành.
Sau cùng khi cậu Giêsu được tìm thấy, hai điều xuất hiện trong tường thuật của Luca. Cậu Giêsu đang hội họp với một nhóm các ông, các thầy dậy, trong Đền Thờ và đang chứng minh sự hiểu biết khôn ngoan. Như thế Luca cho thấy rằng cậu Giêsu đã thành công chuyển tiếp vào thế giới các ông.
Nhưng sự chuyển tiếp này có các hậu quả được thấy trong cuộc đối thoại của cậu Giêsu và bà Maria. Sự cáu kỉnh được thấy trong thái độ của bà Maria: “Này con, sao con đối xử với cha mẹ như thế này?” thì hoàn toàn có thể hiểu được. Cậu Giêsu được cho rằng phải bắt đầu đối xử như một người đàn ông trưởng thành, có trách nhiệm. Hiển nhiên Người đã không thông báo cho ông Giuse, bà Maria, hay bất cứ bạn hữu, bà con nào về ý định của mình. Trong nền văn hóa quy-hướng-về-nhóm này, thái độ độc lập và cá nhân chủ nghĩa như thế thì vô trách nhiệm, thiếu tôn trọng, và xấu hổ.
Câu trả lời thiếu-tôn-trọng của Giêsu (“Cha mẹ không biết…?) thì cũng có thể hiểu được. Động từ “biết” số nhiều chứng tỏ rằng Đức Giêsu trách móc cả hai ông bà Giuse và Maria. Sự trưởng thành của người nam trong thế giới Địa Trung Hải kéo theo việc được thoát khỏi sự kiểm soát của các bà mà nó là đặc tính thời thơ ấu. Một người đàn ông thì suốt đời phải vật lộn với sự giằng co giữa việc từ bỏ sự chung dụng với nữ giới ở sau lưng nhưng phải tiếp tục nuôi dưỡng mối quan hệ chặt chẽ với mẹ của mình. Giờ đây bị vất vả chuyển đổi sự dạy dỗ của mẹ mình sang ông Giuse, cậu Giêsu cảm thấy khó chịu vì sự trách móc của bà mẹ.
Một giải thích khác về sự trách móc của cậu Giêsu đối với ông Giuse là ông đã không theo dõi kỹ và kiểm soát mạnh mẽ hơn vì một người trẻ thì hăng hái muốn có vị trí trong nhóm thích hợp, tự chủ của các ông. Có phải ông Giuse đã không chăm sóc cậu Giêsu cho đủ?
Nuôi nấng con cái thì không dễ trong bất cứ nền văn hóa nào. Nhiều khi điều duy nhất cha mẹ có thể làm là suy nghĩ về mầu nhiệm này và hy vọng con mình sẽ (tiếp tục) lớn lên trong sự khôn ngoan, trưởng thành, và được giúp đỡ bởi người khác và Thiên Chúa.