Về bài Tin Mừng lễ Hiển linh hôm nay, mang tên “Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi”, một chuyên gia Thánh Kinh từng viết: “Trình thuật đó xuất hiện như một hợp tuyển nhỏ gồm nhiều bản văn Thánh Kinh làm nên cho chúng ta một suy niệm tuyệt tác về Lời Thiên Chúa. Trong đó, ta dễ dàng nhận ra các nhân vật và biến cố lịch sử xửa của Ít-ra-en. Thi ca, lịch sử, thần học, bút chiến và hộ giáo góp phần biến câu chuyện này thành một bản văn phong phú và quan trọng của giáo lý sơ thủy, có chủ đích chính yếu là kêu gọi lương dân đến với đức tin.”
Trình thuật được viết theo một thể văn hết sức đặc biệt mà ta không nên coi là lịch sử thuần túy, để hiểu nó đến từng chi tiết mặt chữ. Nó vừa dựa trên một số dữ kiện lịch sử đương thời (nhân vật Hê-rô-đê với tính khí đa nghi và tàn ác chẳng hạn), vừa báo trước nhiều chủ đề tương lai trong Tin Mừng Mát-thêu (tuyển dân khước Đức Giê-su đang lúc lương dân lại đón nhận Người) theo kiểu khúc dạo đầu của một cuốn phim hay một bản nhạc.
Mở màn sân khấu, ta thấy các chiêm tinh gia (hay còn gọi là đạo sĩ) bước vào. Họ hợp thành thế giới Đông phương, thế giới ngoại lai xa lạ đối với chính Kinh Thánh. Chẳng những tượng trưng cho cả một khu vực văn hóa và chủng tộc (cụ thể là Ba-tư), họ còn hiện thân cho nỗi chờ mong Đấng Mê-si-a của nhân loại, tọa độ đích thật của cuộc sống con người. Quả thế, mọi con đường mà không dẫn đến nhà thờ, mọi hành vi mà không quy về việc tạ ơn Thiên Chúa, mọi thực tại mà không trở thành Thánh Thể rồi Nhiệm Thể thì hỏi còn đâu ý nghĩa tối hậu của đời người, của lịch sử và của vũ trụ? Nữ hoàng Sơ-va vốn đã đi tìm khôn ngoan tại Giê-ru-sa-lem từ Sa-lô-mon và các chiêm tinh gia Mê-đi hay Lưỡng Hà tiến về Thành thánh tìm một ông Vua cứu thế, cả hai bên đều là hiện thân cho một nỗi khắc khoải muôn thuở của con người vốn chỉ có thể tìm thấy an bình trong Thiên Chúa thôi.
Và chính vũ trụ với ngôn ngữ im lặng của nó (x. Tv 19) là hướng dẫn viên thứ nhất trong cuộc tìm kiếm này. Quả thế, ngôi sao đã chiếm chỗ lớn biết bao trong suy tư của các chiêm tinh gia đoán điềm giải mộng. Thường hiện diện như dấu chỉ huyền thoại tiên báo cuộc đản sinh của các vĩ nhân, vua chúa, thần linh trong thế giới từ Đông sang Tây (hoàng đế A-lê-xan-đê, Au-gút-tô của La-Hy hay thần Agni của Ấn giáo...), hướng dẫn viên sáng ngời đó có một ý nghĩa xác định trong Thánh Kinh.
Khi viết trang này, Mát-thêu đã hiểu rõ nó và ngầm sử dụng một bản văn Kinh Thánh thời danh được Do-thái giáo coi như chìa khóa giải mã bí mật Đấng Mê-si-a. Bi-lơ-am, một thầy bói A-ram hay Am-mô-nít gì đó, được vua Ba-lác mời đến để nguyền rủa Ít-ra-en, đã chỉ có thể thốt lên những lời chúc phúc và buột miệng: “Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en” (Ds 24,17). Một bản văn Do-thái giáo thời danh (bản 70) đã dịch câu đó thành: “Một vì vua xuất hiện từ Gia-cóp, một đấng Mê-si-a trỗi dậy từ Ít-ra-en”. Ngôi sao do đó ngày càng trở thành biểu tượng của vua Mê-si-a, nên sách Khải huyền sẽ gọi Đức Ki-tô như “Sao Mai” là vì vậy (x. Kh 2,28; 22,16). Thật thế, ánh sáng là hậu cảnh trong mọi cuộc xuất hiện của Đấng Mê-si-a, như I-sai-a đã hát trong thánh thi tuyệt diệu về Đấng Em-ma-nu-en của mình: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (9,9). Ánh sáng tiêu diệt bóng tối, biểu tượng của hư vô (x. St 1,2) lẫn chết chóc, và ban khởi đầu cho một cuộc sáng tạo mới.
Bên cạnh hướng dẫn viên của vũ trụ và của lý trí là ngôi sao, một hướng dẫn viên được xếp vào loại “những công trình của Thiên Chúa” (Rm 1,20), có một hướng dẫn viên thứ hai, mang tính thần học và biệt loại hơn, đó là Kinh Thánh, được chứng nhận trong trường hợp chúng ta bởi đoạn văn thời danh của Mi-kha 5, được Mát-thêu biên soạn lại: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.” Chính Ít-ra-en là người thụ thác sự hướng dẫn sáng tỏ hơn này của ngôi sao; tuy nhiên, vì đóng kín trong thái độ dửng dưng và đần độn, Ít-ra-en đã không biết đọc hiểu ý nghĩa sâu xa của nó. Nên vị mục tử/lãnh tụ được sai đến với đoàn chiên lạc của nhà Ít-ra-en sẽ chỉ được khám phá bởi những người ngoại, “đến từ Đông phương” và được cho ngồi vào bàn tiệc trong niềm vui hiệp thông với Thiên Chúa. Thật thế, Mát-thêu nêu bật niềm vui lớn lao (“họ mừng rỡ vô cùng”) các đạo sĩ có khi đón nhận mạc khải dành cho họ. Trái lại, ở hậu cảnh, dần dần nổi rõ biểu tượng của sự từ chối, được hiện thân trong một ông vua khác, Hê-rô-đê, và “cả thành Giê-ru-sa-lem cùng với ông” (c.3). Ít-ra-en chủng tộc chẳng còn là “Ít-ra-en thật của Thiên Chúa”; việc thuộc một cộng đoàn nhờ huyết thống và truyền thống, việc ghi sổ vào một Giáo hội không đủ để được cứu rỗi.
Giờ đây mọi chú ý đều hướng về những “tín hữu mới và thật”, các đạo sĩ. Họ đi vào cung điện khiêm tốn của vị vua mới sinh (“nhà”, c.11), thấy ở giữa là Đức Giê-su và mẹ Người. Họ sấp mình thờ lạy Người trong cử chỉ tôn thờ của phụng vụ Ki-tô giáo chứ không chỉ trong cử chỉ sùng bái kiểu Đông phương. Các lễ vật của họ, điển hình của miền Lưỡi liềm Phì nhiêu, phản ánh lối đọc lại của Ki-tô giáo đối với bài ca vĩ đại làm nên bài đọc thứ nhất hôm nay: “Lạc đà từng đàn che rợp đất..., tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa” (Is 60,6). Hoặc là lối đọc lại thánh vịnh đáp ca 72,10: “Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, cũng đều tới tiến dâng lễ vật. Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng...”.
“Sau đó họ đã về xứ mình”: cuộc phiêu lưu của các tín hữu ngoại giáo đầu tiên này chấm dứt, nhưng câu chuyện của họ là một biểu tượng về tất cả những ai, qua các thế kỷ, nhờ sự hướng dẫn của lý trí và lời Thiên Chúa, đi tìm Thiên Chúa với tấm lòng thành. Những người ngoại và người nghèo (các mục tử) là các công dân ưu đãi của Vương quốc được Đức Giê-su lập ở Bê-lem.