Dụ ngôn trong bài phúc âm hôm nay, được gọi là dụ ngôn “Người Con Hoang Đàng” hay dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu”, là một dụ ngôn thật tài tình trong Phúc Âm, bởi vì qua một câu chuyện, Chúa Giêsu đã nói được với hai loại người rất khác biệt nhau như nước với lửa: một loại người tội lỗi, một loại người đạo đức.
Dụ ngôn mở đầu với câu chuyện của ba nhân vật: người cha và hai con trai. Tuy người cha còn sống, người con út đã đòi chia gia tài, rồi sau đó bỏ đi xa để ăn chơi, hưởng thụ, trong khi người con cả đã chu toàn bổn phận của mình qua việc chăm sóc cha già.
Câu chuyện tiếp tục sang phần thứ hai, khi người con út phung phí hết tiền, bị đói khát, nhục nhã và hối hận, muốn trở về nhà. Điểm khác thường của dụ ngôn là khi trở về, người cha thay vì xua đuổi người con hoang đàng thì ông lại mở rộng vòng tay đón nhận, thay vì quên đi một đứa con bất hiếu, ông vẫn tưởng nhớ và hàng ngày trông ngóng con. Bởi thế, khi thấy người con hoang đàng thấp thoáng từ đàng xa, ông đã chạy ra đón con, ôm lấy con và hôn con. Và một hành động đầy ý nghĩa khác là ông sai gia nhân mặc áo đẹp, xỏ nhẫn và mang giép cho người con hoang đàng.
Thời xưa, các đầy tớ vì nghèo nên không có giép mà đi, nói gì đến nhẫn và áo đẹp, do đó, khi sai gia nhân mặc áo đẹp, xỏ nhẫn và mang giép cho cậu út, điều đó có nghĩa người cha đã phục hồi địa vị làm con cho cậu út hoang đàng, chứ không coi anh ta là một đầy tớ, dù rằng chính anh đã nói “Con không xứng đáng được gọi là con của cha nữa.”
Đây là điểm chính của bài phúc âm. Giữ được địa vị làm con, tương tự như giữ được phẩm giá con người, là điều vô cùng quan trọng mà chỉ sau một thời gian cảm nghiệm được thế nào là sung sướng, thế nào là đau khổ, nhục nhã thì người con út mới nhận thấy rằng địa vị làm con là một vinh dự cần phải duy trì.
Có thể nói người con hoang đàng tiêu biểu cho giới thu thuế, người tội lỗi đang lắng nghe Chúa Giêsu. Trong khi họ nhìn vui thú xác thịt do của cải đem lại là điều quan trọng nhất trong cuộc đời thì Chúa Giêsu đã thức tỉnh họ để thấy rằng đó là con đường dẫn đến sự chết. Điều khó khăn trong đời thì không phải là sự hưởng thụ ích kỷ, không phải là chiều theo ý thích của mình mà là duy trì được phẩm giá cao quý của một con người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Một người có phẩm giá thì biết rõ về chính mình, do đó, họ không kiêu căng, không khinh thường, không xét đoán người tội lỗi. Thái độ đó trái ngược với lối đối xử của giới luật sĩ và người Pharisiêu thời xưa, được Chúa Giêsu diễn tả qua thái độ của người anh cả trong dụ ngôn.
Nhìn bên ngoài, có thể nói người anh cả là một mẫu lý tưởng của người con trong gia đình. Anh trung thành với bổn phận của mình—phụng dưỡng cha già, chu toàn công việc trong nhà—nhưng tuy gần gũi, kề cận với cha mình hàng ngày, điều anh lưu tâm lại là phần thưởng vật chất, là của cải—tiêu biểu là con dê mà anh đã xin cha để thết đãi bạn bè nhưng bị từ chối. Do đó, khi thấy cha anh mở tiệc ăn mừng sự trở về của người em, anh đã ghen tức đến độ chối bỏ cả tình huynh đệ. Anh nói với cha anh, “Khi thằng con trai của cha trở về”! Anh không còn coi nó là em của anh nữa!
Nếu vì vật chất của cải mà em của anh đã từ bỏ gia đình thì chính anh cũng vì vật chất của cải đã cắt đứt tình nghĩa gia đình! Anh đã không thấy rằng, được gần gũi với cha mình là một diễm phúc, duy trì được địa vị làm con là một điều vô cùng giá trị.
Nói tóm lại, cả hai người con trong gia đình đều coi vật chất của cải là quan trọng hơn phẩm giá con người, do đó, người con út đã đánh mất phẩm giá của mình qua những thú vui trụy lạc, trong khi người anh cả thì lại ghen tức với em mình chỉ vì anh không được hưởng những gì mà cậu em đã được. Anh không nhìn thấy giá trị của một con người có phẩm giá bởi thế anh vẫn còn thèm khát vật chất!
Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ với tất cả vật chất ở trong đó, qua bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, tất cả những vật chất ấy, dù quý giá đến đâu, vẫn không cao quý bằng phẩm giá con người, bởi vì con người đã được dựng nên “theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa”. Do đó, khi người con hoang đàng trở về, tương tự như khôi phục được phẩm giá con người, đối với Thiên Chúa, đó là điều vô cùng quan trọng, tương tự như “chết đi và nay đã sống lại,” “đã mất và nay tìm lại được.” Thiên Chúa quý trọng phẩm giá của mỗi người chúng ta hơn tất cả những gì chúng ta có: tiền bạc, sự nghiệp, hay thế lực.
Qua dụ ngôn này chúng ta thử tìm hiểu một vài ý nghĩa quan trọng.
Thứ nhất, tội lỗi là một sự lạm dụng tự do của con người. Như người con út muốn được chia phần gia tài, muốn phung phí đời mình trong lạc thú, đó là sự tự do của anh, và tuy người cha biết như thế nhưng ông vẫn không ngăn cản, ông không muốn vi phạm sự tự do của anh, ông vẫn chia gia tài để anh sống tuỳ ý. Tương tự như vậy, Thiên Chúa ban cho chúng ta các tài năng, của cải để sinh sống nhưng chúng ta dùng các của cải ấy như thế nào, điều đó tuỳ ý chúng ta. Thiên Chúa để chúng ta tự quyết định về đời mình. Hỏa ngục hay thiên đàng là tùy ý chúng ta chọn.
Thứ hai, hậu quả của tội lỗi luôn luôn thê thảm. Người con hoang đàng “phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo”. Đối với người Do Thái, heo là con vật dơ dáy, ghê tởm bởi thế họ không ăn thịt heo, và công việc chăn heo đối với họ là công việc hèn hạ nhất trong xã hội. Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng khi phạm tội, chúng ta tự ý hạ thấp phẩm giá của mình, chúng ta tự ý làm hoen ố tấm áo trắng khi rửa tội, chúng ta tự ý cắt đứt sự tương giao với Thiên Chúa.
Thứ ba, tình thương của Thiên Chúa luôn luôn lớn hơn tội lỗi con người. Theo lối đối xử bình thường của loài người, “có chơi thì có chịu”, “làm tội thì phải chịu tội,” nhưng đường lối của Thiên Chúa khác với đường lối của thế gian. Thiên Chúa không hắt hủi, không muốn trừng phạt tội lỗi của chúng ta. Có thể nói Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trước khi chúng ta nhận ra tội lỗi của mình. Giống như người cha trong dụ ngôn, ông đã tha thứ ngay khi người con hoang đàng lấy tiền bỏ nhà ra đi. Tâm hồn của ông không còn những cay đắng, những oán hờn hay thù ghét, mà chỉ có sự tha thứ, thương xót và mong đợi trở về, do đó “khi trông thấy anh ngay tự đàng xa ông động lòng thương, chạy đến ôm lấy anh hôn lấy hôn để”. Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta, dù tội lỗi đến đâu đi nữa, Thiên Chúa luôn mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta trở về với Người và phục hồi chức vị làm con cho chúng ta. Điều quan trọng là phải ăn năn sám hối. Cũng như người cha trong dụ ngôn, ông không đi tìm con, không năn nỉ anh trở về vì ông biết rằng chỉ khi nào anh thành tâm sám hối, sự trở về của anh mới có giá trị.
Trong cuộc đời, nhiều khi chúng ta cũng giống như người con hoang đàng bị mất hướng đi, bị lung lay đức tin, bị dòng đời lôi cuốn và lầm tưởng rằng của cải vật chất sẽ đem lại hạnh phúc, sẽ thỏa mãn mọi khao khát của chúng ta, và rồi chúng ta lao mình vào những bon chen, những tranh giành, những thủ đoạn của xã hội. Đó là khi chúng ta đang đánh mất bản ngã đích thật của mình, chúng ta đang làm hoen ố phẩm giá của một người con Chúa.
Cũng có khi chúng ta giống như người anh cả, tuân giữ mọi điều răn của Chúa, trung thành với bổn phận, chăm chỉ việc nhà thờ, đọc kinh sớm tối, nhưng sự tự hào đạo đức đó lại khiến chúng ta có cái nhìn khinh bỉ người tội lỗi, có những lời phán đoán, chỉ trích bất cứ ai có đường lối sống đạo khác với chúng ta. “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, hình thức đạo đức không giúp chúng ta trở nên thánh thiện nếu chúng ta thiếu lòng nhân ái.
Bài phúc âm hôm nay được đọc trong Chúa Nhật IV mùa Chay để giúp chúng ta nhìn lại cuộc đời mình, từ khi rửa tội cho đến bây giờ, tấm áo trắng mà chúng ta lãnh nhận có còn trắng hay đã nhiều hoen ố. Và dù có nhơ bẩn đến thế nào đi nữa, chúng ta đừng tuyệt vọng, đừng kiêu ngạo nghĩ rằng “tội của tôi không ai có thể tha thứ được”, mà hãy khiêm tốn tin tưởng rằng Thiên Chúa là người Cha vô cùng bao dung, Người luôn mong chờ chúng ta trở về để ôm ấp chúng ta trong vòng tay yêu thương của Người. Đó là lý do lễ phục trong Chúa Nhật hôm nay có màu hồng và được gọi là laetare – hãy vui lên.
Theo gương người con hoang đàng trong dụ ngôn hôm nay, bước đầu tiên trong hành trình trở về với Thiên Chúa là phải thành tâm sám hối. Ơn cứu độ là tùy thuộc mỗi người chúng ta.