Tin Mừng chẳng phải là một cánh đồng bằng phẳng, nó có nhiều đỉnh nhô cao. Chúng ta đang đứng trước một trong những đỉnh cao nhất: Lc 15,11-32. Đại văn hào Charles Dickens người Anh gọi đây là câu chuyện hay nhất, hạt ngọc đẹp nhất của Tin Mừng. Người ta thường bảo đó là dụ ngôn đứa con hoang đàng (hay đứa con phung phá), nhưng Đức Giê-su muốn làm nổi lên cả ba nhân vật: một ông cha già với hai đứa con trai. Mà đặc biệt là nhân vật người cha! Đối với cậu trẻ hơn, các cuộc phiêu lưu của nó không quan trọng, có biết bao cách để lãng phí món quà lớn là cuộc sống khi trẩy đi xa cha mình. Điều cần phải khám phá chính là ông cha, theo cách trình bày của Đức Giê-su. Mọi nhà chú giải đều nói tới điểm đó, các nhà tu đức cũng vậy, nên đã đề nghị gọi đó là dụ ngôn “người cha phung phí / người cha hoang phí” tình yêu, vì cả hai thằng con, chẳng đứa nào đáng ông yêu cả! Đức Giê-su đã mạc khải Thiên Chúa Cha chính trong trang ấy, qua hình ảnh ông già này.
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha trông thấy.” Người cha đã luôn rình chờ. Ông đã không tự hỏi mình sẽ làm gì hay sẽ nói gì, một chỉ nghĩ: “Ước chi nó xuất hiện!” Nên ngay khi nhìn thấy nó, ông đã chạnh lòng thương. Ông chạy ra (không một cụ già Đông phương đường bệ nào lại làm điều này!) và hôn lấy hôn để (ta có thể diễn tả rõ hơn lòng tha thứ nữa chăng?) Ông không nghe những lời xin lỗi (dù thật hay giả. Mà có lẽ là giả, vì câu nói lâm ly đó không lập tức trào ra tận đáy lòng khi tên vô lại tái ngộ thân phụ mình, song đã được nó chuẩn bị sẵn từ trước, lúc còn ở giữa bầy heo!) Ông không cho nó nói hết câu nó định nói (xin đối chiếu Lc 15,18-19 với 15,21). Ông quá vội vã làm bùng vỡ niềm vui và lễ hội. Áo đẹp nhanh lên! Nhẫn quý nhanh lên! Bê béo nhanh lên! Con ta đã mất nay lại tìm thấy rồi!
Nó đã đi hoang nhưng nay đã trở về! Động tác của người cha trước hết là yêu thương, chứ không phải là chất vấn về những thái độ trái hay phải. Sau đó, người ta sẽ thấy phải làm sao sống trong trật tự, nhưng việc cấp thiết nhất vẫn là yêu thương. “Yêu thương để giúp bạn biến đổi là cho bạn phương tiện. Bắt bạn biến đổi mới yêu thương là cất hết phương tiện. Phương tiện độc nhất để biến đổi tâm hồn bạn mình là chấp nhận bạn như thuở ban đầu, vì được yêu là điều kiện cần thiết để biến đổi.” Lời Đức Hồng y PX Nguyễn Văn Thuận nhắn nhủ các đôi bạn trong Đường Hy Vọng (số 469-470) cũng đúng trong trường hợp này. Và đó chính là mạc khải lạ lùng mà Đức Giê-su muốn ban cho ta: chúng ta được yêu thương biết là chừng nào! Những ngu dại và thậm chí các tội ác của chúng ta có là gì trước nhiệt tình ấy: “Nó đã được tìm thấy lại.” Loài người có thể đánh mất tư cách làm con, nhưng Thiên Chúa chẳng thôi làm cha bao giờ cả. Nếu chúng ta dám tin điều đó, quan hệ tình yêu giữa chúng ta với Chúa Cha sẽ thế nào? Phải chăng chính vì khó khăn ấy mà Đức Giê-su đã dài dòng trình bày cho ta hình ảnh đứa con cả? Người hẳn đã tưởng tượng ra dụ ngôn này sau khi đã nghe các lời đả kích của những “kẻ công chính” trước thái độ Người: “Ông này tiếp đón phường tội lỗi và ăn uống với chúng!” Đó chính là lời càu nhàu của đứa con cả! Thay vì vui mừng, anh ta lại phản đối, công phẫn. Kẻ khó chịu làm sao!
Than ôi, chúng ta biết bao lần cũng ngoan bướng, cũng khép kín, cũng công phẫn trước tình yêu như thế, nhất là tình yêu của Thiên Chúa đối với kẻ tội lỗi, với kẻ ăn năn trở lại trong giờ phút cuối cùng. Chúng ta phê phán thay vì mở rộng vòng tay. Chúng ta lý luận: nếu dung túng tất cả, thì luân lý đạo đức dùng để làm gì? Ra công trung tín với Thiên Chúa thì được lợi gì? Và Thiên Chúa là ai nếu Người chấp nhận tất cả?
Lý luận thế là vì chúng ta đã được huấn luyện cho biết ghê tởm tội lỗi, kết án vô trật tự, chúng ta không muốn trở nên những kẻ chiều ý cách đáng nghi ngờ! Chúng ta nghĩ rằng mình bảo vệ chính Thiên Chúa khi bảo vệ các lề luật Người và khi tỏ ra kiên quyết trong chuyện ấy! Nhưng như thế thì làm sao mở rộng vòng tay? Làm sao bắt chước người cha của dụ ngôn trong cách ông hoàn toàn điên rồ đón thằng con vô lại trở về chỉ vì đói? Là những người công chính, những người muốn nên công chính, chúng ta trước hết nghĩ tới việc phê phán, đưa ra những nhận xét cần thiết, khoanh vùng sự dữ, xem cái gì có thể chấp nhận nổi. Khi tất cả đã được sáng tỏ, sửa sai đầy đủ, ta mới có thể mến yêu.
Nhưng làm thế, chín trên mười lần đều hỏng cả. Đức Giê-su đã nhận xét như vậy khi quan sát các nỗ lực của những kẻ công chính thời Người. Biệt phái (Pha-ri-sêu) và kinh sư: khởi sự từ công chính, họ chẳng đi đến tình yêu. Họ từng cố gắng yêu mến, nhưng vẫn ở trong nhiều giới hạn chật hẹp và tất nhiên cũng nhốt Thiên Chúa trong những giới hạn như vậy: “Dầu sao ông ta cũng không thể yêu mến các kẻ tội lỗi!” họ nghĩ thế. Phần chúng ta, vì Đức Giê-su đã nói, chúng ta chấp nhận chung chung là Thiên Chúa yêu thương các tội nhân, điều đó thậm chí tiện lợi cho chúng ta hay cho một ai đó khi cần. Nhưng không phải với “tên” này! Tên này, những tên này, Thiên Chúa không thể thương chúng được!
Thương chứ! Đức Giê-su bảo ta: chẳng ai bị loại trừ, và rằng Thiên Chúa đúng là ông cha trong dụ ngôn. Và chúng ta là con của Người khi chúng ta trước hết đặt mình trong lòng thương mến.
Chúng ta không dung túng tất cả, chúng ta phải chiến đấu chống tội lỗi và cho công lý. Nhưng là trong tình yêu. Tất cả nằm ở đó. Chính bằng cách yêu thương ta mà Thiên Chúa kéo ta ra khỏi tội, chống lại tội lỗi trong ta, chứ không phải bằng cách nghiến nát hay loại trừ ta.
Xin Chúa giúp chúng ta thực hiện cuộc hoán cải này để thủ đắc được phản ứng tin mừng thuần túy duy nhất và số một: luôn đặt mình trong tình thương mến. Khi tự phán xét chính mình, hãy nghĩ rằng Chúa Cha yêu thương tôi. Khi phải phán xét kẻ khác, trước hết nghĩ đến việc yêu thương họ như Thiên Chúa yêu thương họ. Vị Thiên Chúa đích thực được Đức Giê-su mạc khải là thế!
Trong ánh sáng tình yêu ấy, tất cả có thể trở về với sự sống: “Con ta đã chết mà nay sống lại! Em con đây đã chết mà nay sống lại!” Người cha sống lại, thằng con thứ đi hoang sống lại. Chỉ duy nhất người con cả rất gương mẫu vẫn ở trong nếp cũ: chết! vì đã khép lòng trước tình yêu!
Cuối cùng, dụ ngôn không có kết luận. Kết luận nằm nơi mỗi độc giả. Chúng ta có muốn đi vào bàn tiệc với ông cha hiền, với đứa con hư để sống thực, sống trong tình yêu hay chăng?