Các nhà tâm lý nói về nhân vị và khiếm khuyết. Nhân vị là một phần của con người chúng ta mà chúng ta ưa thích và muốn cho người khác thấy. Thí dụ, chúng ta tử tế và hay tha thứ.
Khiếm khuyết là một phần của con người mà chúng ta không thích và cố giấu diếm. Thí dụ, chúng ta có khuynh hướng phán xét và chỉ trích người khác.
Nhưng bất kể chúng ta cố gắng giấu khuyết điểm của mình đến đâu, nó vẫn không muốn nằm yên một chỗ. Với sự bực mình cố hữu, nó xuất hiện bất thình lình làm chúng ta bối rối trước mặt người khác .
Yếu tố chính để kiểm soát khiếm khuyết của mình là phải nhìn nhận và xưng thú nó ra. Đây là sự bí ẩn bên trong chương trình 12 bước rất thành công của “Alcoholics Anonymous” (AA - người nghiện rượu vô danh). Bước 5 của chương trình này nói, “Chúng ta phải thú nhận với Thiên Chúa, với chính bản thân, và với người khác về bản chất sai trái của chúng ta.”
Cuốn cẩm nang của AA, có tựa đề “Twelve Steps and Twelve Traditions” (12 bước và 12 truyền thống), nói về Bước 5: “Một vài bước thì khó thi hành và chắc chắn là không bước nào thì cần thiết hơn.”
Tại sao Bước 5 thì quan trọng? Cẩm nang AA nói rằng, vì một điều là nó giúp chúng ta thoát khỏi sự cô lập thiếu lành mạnh mà nó phát sinh cách bí ẩn.
Một ích lợi quan trọng khác là sự khiêm tốn. Cuối cùng chúng ta thấy rõ con người của mình, và hy vọng rằng chúng ta muốn thay đổi.
Tuy vậy, nhiều người né tránh Bước 5. Họ nói, “Thiên Chúa ban cho chúng ta đời sống. Tại sao chúng ta không thể xưng thú trực tiếp với Thiên Chúa? Tại sao lại đưa phần tử thứ ba vào đây?”
Cuốn cẩm nang giải thích lý do. Khi ở một mình với Thiên Chúa thì không bối rối bằng khi đối diện với một người khác.
Cẩm nang viết, “Khi chúng ta thành thật với một người khác, điều đó xác nhận chúng ta thành thật với chính mình và với Thiên Chúa.”
Cuốn cẩm nang kết luận, “Nhiều người AA, họ từng là người vô thần hay bất khả tri, nói với chúng tôi rằng chính trong Bước 5 mà họ cảm được sự hiện diện của Thiên Chúa.”
Điều này đưa chúng ta đến bí tích Hòa Giải. Bước 5 của chương trình AA rập khuôn theo bí tích Hòa Giải.
Mặt khác, bí tích này rập khuôn theo dụ ngôn người con hoang đàng.
Hãy nhớ người con thứ đã bỏ nhà, phung phí tài sản và chết đói, sau đó anh quyết định trở về nhà.
Trong dụ ngôn, người con này thi hành bốn điều mà chúng ta làm trong bí tích Hòa Giải.
Trước hết, anh nghĩ lại hoàn cảnh đã gây ra bởi tội lỗi của anh, khi nói, “Mình ở đây, đang chết đói.”
Thứ hai, anh sám hối những gì đã thi hành. Một cách khiêm tốn, anh tự nhủ, “Mình sẽ trở về với cha mình.”
Thứ ba, anh xưng thú tội lỗi, nói rằng, “Thưa cha, con đã phạm tội.”
Sau cùng, anh đền bù tội lỗi của mình, nói rằng, “Hãy đối xử con như một người làm thuê.”
Điều đó phản ánh đúng những gì chúng ta làm trong bí tích Hòa Giải: chúng ta duyệt xét lương tâm, sám hối tội lỗi, xưng thú, và thay đổi đời sống.
Kế tiếp, hãy để ý đến người cha trong dụ ngôn này. Ông làm những gì mà các linh mục thi hành trong bí tích Hòa Giải.
Trước hết, người cha mừng đón con trở về. Ông không đứng tại cửa và nhìn đăm đăm vào đứa con khi nó bước vào nhà. Ông chạy đến và ôm hôn nó.
Thứ hai, ông ra lệnh mang giầy cho nó. Đây là dấu hiệu của sự tha thứ. Đầy tớ đi chân trần; con cái thì mang giầy dép.
Thứ ba, ông đeo nhẫn vào tay nó, có lẽ chiếc nhẫn có dấu ấn đặc biệt, biểu tượng cho sự tái hợp với gia đình. Dấu ấn trên nhẫn cho phép nó thi hành công việc với danh nghĩa của gia đình.
Sau cùng, người cha ăn mừng con ông trở về với một bữa tiệc.
Bốn điều này rất đúng với những gì vị linh mục thi hành trong bí tích: Người chào đón chúng ta, tha thứ chúng ta, hòa giải chúng ta, và mời chúng ta dự tiệc Thánh Thể với cộng đồng.
Hãy nhìn đến tất cả những điều này xảy ra như thế nào trong một trường hợp có thật.
Paul Moore theo học một trường nội trú ở New Hampshire. Anh xa rời với đức tin. Ngay trước kỳ nghĩ lễ Giáng Sinh, trường tổ chức một buổi tĩnh tâm hàng năm.
Trong buổi tĩnh tâm, tình cờ Paul kể lại tình cảnh của mình cho cha giảng phòng. Vị này đưa cho Paul một tờ giấy và giúp anh chuẩn bị xưng tội. Paul trở về phòng. Sau này anh kể lại:
Tôi quỳ gối và xin Chúa giúp tôi làm điều này cách đúng đắn… Sau đó tôi bắt đầu đọc qua các tội mà tôi viết trên giấy.
Sau mỗi tội, tôi để trống phần bao nhiêu lần vi phạm.
Tuy điều đó thật bối rối, tôi đã điền đầy đủ. Sau đó, tôi trở lại với cha giảng phòng. Người khoác giây stola mầu tím.
Khi đọc danh sách các tội, tôi ngạc nhiên khi thấy cha không có vẻ khích động khi nghe tội – hoặc số lần mà tôi vi phạm.
Cha kết thúc bằng cách đưa ra một vài đề nghị. Sau đó người khen tôi vì có can đảm xưng ra một cách thành thật. Người chấm dứt với việc ban phép xá giải.
Và rồi điều gì đó thật lạ lùng đã xảy ra. Một cảm giác bí ẩn, sung sướng ngập tràn con người tôi. Tôi đầy tràn sự bình an và niềm vui sâu đậm. Tôi cảm được điều mà người con hoang đàng trong dụ ngôn cảm thấy khi người cha ôm lấy anh.
Tuy cảm giác này từ từ phai nhạt, cuộc đời tôi không còn giống như trước nữa. Thiên Chúa đã chạm đến tôi, tha thứ cho tôi, và biến tôi trở nên một con người mới…
Khi tôi trở về nhà dịp Giáng Sinh, tôi muốn tham dự Thánh Lễ nửa đêm, nhưng không tìm được một nhà thờ gần đó.
Vì khao khát được ở với Chúa Kitô ngay lúc đó, thay vì chờ đợi cho đến sáng, tôi khoác chiếc áo len và bước ra ngoài. Đêm thật lạnh và trong vắt.
Tôi bước đến một khu rừng gần đó, quỳ xuống trên tuyết, nhìn lên các ngôi sao, và cầu nguyện cùng Hài Nhi Giêsu. Từ đó trở đi, tôi biết đức tin của tôi ngày càng lớn dần. (Trích trong Presences: A Bishop’s Life in the City)
Chúng ta hãy kết thúc với những lời trong bài đọc hai hôm nay. Những lời này tóm lược điều mà anh Paul đã cảm nghiệm được vào tối Giáng Sinh sau buổi tĩnh tâm.
Bất cứ ai được kết hợp với Chúa Kitô thì họ là một tạo vật mới; cái cũ đã qua, cái mới đã đến. (2 Cor 5:17)