Vào thời Chúa Giêsu, tại Israel có hai nơi dành cho việc phụng tự, là Đền thờ và Hội đường (Sy-nagogue). Đền thờ thì chỉ có một, tức Đền thờ tại Giêrusalem, nhưng có tới hàng trăm hội đường, hầu như mỗi làng đều có một cái.
Đền thờ là nơi dân Do Thái dâng hy lễ cho Chúa, chẳng hạn chiên, cừu và bồ câu. Còn hội đường là nơi dành cho việc giảng thuyết nơi dân chúng lắng nghe lời Chúa và cố gắng áp dụng lời ấy vào cuộc sống của họ.
Như chúng ta thấy, nghi thức phụng tự trong hội đường và trong đền thờ tương ứng với nghi thức phụng tự trong thánh lễ Misa của chúng ta. Nửa phần đầu của thánh lễ tương ứng với nghi thức trong hội đường được gọi là phần phụng vụ lời Chúa, bao gồm việc nghe đọc các bài Kinh Thánh và áp dụng chúng vào cuộc sống chúng ta giống như Chúa Giêsu đã chỉ dẫn cho dân Nagiarét trong Phúc Âm hôm nay. Nửa phần sau của thánh lễ tương ứng với nghi thức phụng tự trong đền thờ, được gọi là phục vụ Thánh Thể, liên quan đến việc dâng hy lễ; giống như Chúa Giêsu đã thực hiện trong bữa Tiệc Ly; “Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm chén lên và nói: ‘Đây là chén của giao ước mới ký kết trong máu Ta, máu sẽ đổ ra vì các con’.” (Lc 22:20)
Giờ đây chúng ta hãy xét một cách sâu sát hơn phần đầu của thánh lễ, tức phần phụng vụ lời Chúa. Trong phần này nhiệm vụ chính của chúng ta là lắng nghe Kinh Thánh. Vấn đề then chốt ở đây là lắng nghe.
Cách đây nhiều năm có một vở kịch ở Broadway tựa đề là The Royal Hunt of the Sun (Hoàng gia đi săn mặt trời). Vở này kể lại cuộc chinh phục dân da đỏ ở Pêru của người Tây Ban Nha vào thế kỷ 16, trong đó có một màn kể lại câu chuyện một người nọ biếu cho tù trưởng bộ lạc da đỏ một cuốn Kinh Thánh và bảo ông ta; “Đây là lời Chúa, Người nói với chúng ta qua cuốn sách này” Viên tù trưởng nghiêm trang cầm cuốn Thánh Kinh lên, xem xét kỹ lưỡng và dịu dàng đặt nó vào lỗ tai. Ông cố gắng nghe đi nghe lại nhưng chẳng nghe được gì hết. Thế là ông ta nghĩ rằng mình bị phỉnh gạt, nên giận dữ dằn mạnh cuốn sách xuống đất. Màn bi kịch trên khiến chúng ta tự nhủ; “Vậy thì chúng ta phải lắng nghe lời Chúa thế nào đây?”
Chúng ta phải lắng nghe lời Chúa bằng cả ba cách thức: bằng lỗ tai của tâm trí, bằng lỗ tai của trái tim và bằng lỗ tai của linh hồn.
Trước hết, thế nào là nghe bằng lỗ tai tâm trí. Đó là cố gắng tìm hiểu lời Chúa, và hơn nữa, làm cho lời ấy sống động y như chúng ta đang nghe chính Chúa nói. Chẳng hạn, thánh Ignatiô Loyola thường nghe lời Chúa theo kiểu này bằng cách nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang có mặt trong hội đường Do Thái để nghe Chúa Giêsu nói. Người tưởng tượng ra niềm xúc động khiến giọng nói Chúa Giêsu nghẹn ngào khi Chúa đọc đến câu; “Thần khí Chúa ngự trên tôi.” Và người còn tưởng tượng ra nỗi phấn khích như điện giật lan chuyền nơi cộng đoàn tham dự khi Đức Giêsu tuyên bố “Hôm nay, lời Kinh Thánh trên đã ứng nghiệm khi anh chị em nghe đọc nó”.
Như thế nghe bằng tâm trí tức là không những chỉ hiểu lời Chúa, mà còn làm cho lời ấy trở nên sống động như thể nghe từ miệng Chúa nói ra.
Cách thứ hai là lắng nghe lời Chúa bằng lỗ tai của trái tim, nghĩa là ghi tạc lời Chúa vào trái tim và cố gắng tìm cách áp dụng lời ấy vào hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống chúng ta. Cách đây nhiều năm, Charlie Pitts là chủ nhân một công ty xây dựng chuyên xây dựng điện ngầm ở Toronto, Canada. Công việc làm ăn của ông càng khuếch trương bao nhiêu thì đời sống cá nhân và gia đình ông càng khốn đốn bấy nhiêu. Ngày nọ, vì thấy tình thế tồi tệ quá, Charlie phải cầu cứu tới việc đọc Kinh Thánh. Tình cờ trong lúc đọc Kinh Thánh, một câu nói đập mạnh vào mắt ông; “Được lời lãi cả thế gian mà mất đi chính mình thì lợi ích gì đâu?” (Lc 9:25). Những lời này như nói trực tiếp với Charlie, như hàm ý bảo ông: “Này Charlie, chính điều ấy đang xảy đến cho ông đó!”. Như thế, nghe bằng trái tim tức là ghi khắc lời Chúa vào trái tim và xét xem có thể áp dụng lời ấy vào hoàn cảnh cụ thể của chúng ta như thế nào.
Và cách lắng nghe lời Chúa sau cùng là nghe bằng lỗ tai của linh hồn, nghĩa là ngoài việc ghi khắc lời Chúa vào trái tim, chúng ta còn chuyện vãn với Người về lời ấy, đồng thời làm những gì mà Charlie Pitts đã làm. Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta thực hiện những bước cần thiết để làm cho cuộc sống phù hợp với lời Người. Chẳng hạn, sau khi Charlie Pitts cầu nguyện về tình trạng sống của ông và bàn luận với vợ xong, ông liền bán toàn bộ công ty của ông trước khi hủy diệt đời sống ông. Tiếp đó, Charlie bỏ tiền ra mua một khách sạn có bãi sân gôn rổi quản trị nó. Lợi tức của công việc kinh doanh này ông dùng để truyền bá Phúc Âm.
Như thế bước thứ ba trong việc lắng nghe lời Chúa là tâm sự với Người để xem Người muốn chúng ta làm gì khi nghe lời đọc trên. Dĩ nhiên, chúng ta không mong Chúa dùng lời nói để đáp trả lại lời nói của chúng ta, vì Người thường nói với chúng ta một cách thiêng liêng từ thâm sâu linh hồn ta. Và hơn nữa, không phải là Người sẽ luôn luôn đáp lời chúng ta ngay lập tức trong giờ cầu nguyện, mà Người thường đáp lời chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, ngoài phút giây chúng ta cầu nguyện chẳng hạn, Người làm cho chúng ta từ từ cảm nghiệm được niềm mơ ước muốn cải tạo hoàn cảnh hiện tại, Người khiến chúng ta tìm ra những ý tưởng về cách thức cải tạo cảnh ngộ chúng ta về môt trong những ý tưởng trên. Nói rõ hơn, những chuyển biến tâm linh này có thể là do lời Chúa đang âm thầm nói với chúng ta từ sâu thẳm của linh hồn
Tóm lại, chúng ta phải lắng nghe Chúa bằng ba cách;
Nói cách khác, chúng ta phải làm sao để lời Chúa dược diễn lại sống động nơi tâm trí chúng ta, phải ghi khắc lời ấy vào trái tim chúng ta, và phải bàn bạc với Chúa cũng như lắng nghe điều Người muốn nhắn nhủ chúng ta qua lời ấy.