Nguoi Tin Huu Logo
  • Trang Nhà
  • Trang Chính
    • CHIA SẺ
      • ĐỖ TRÂN DUY
      • Lm. HỒNG GIÁO
      • THƠ CÔNG GIÁO
      • NGUYỄN HUỆ NHẬT
        • TỪ ÁO CÀSA ĐẾN THẬP TỰ GIÁ
        • AI CHẾT CHO AI? AI SỐNG CHO AI?
        • ĐỐI THOẠI VỚI MỘT PHẬN TỬ
      • NHIỀU TÁC GIẢ
    • DÒNG MÁU ANH HÙNG
    • ĐƯỜNG VÀO ĐẠO
    • HIỂU ĐỂ SỐNG ĐẠO
    • HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
    • HỘ GIÁO
    • LỊCH SỬ GIÁO HỘI
    • MÁI ẤM GIA ĐÌNH
    • PHỤNG VỤ
      • Bài Giảng
      • Các Nghi Thức
    • SÁCH & TRUYỆN
  • Trang Hàng Ngày
    • GƯƠNG THÁNH NHÂN
    • SUY NIỆM HÀNG NGÀY
  • Trang Ngoài
    • VIETCATHOLIC
    • CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH ĐÁP CA
    • HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN
    • DÒNG CHÚA CỨU THẾ VN
    • DÒNG TÊN VN
    • LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VN
    • TRANG SỨ GIẢ TÌNH YÊU

Pt. Giuse Trần Văn Nhật

TÌNH YÊU XÂY DỰNG

Có một đôi vợ chồng, tuy hai người lấy nhau đã lâu, nhưng dường như họ không có hạnh phúc, bất cứ chuyện gì cũng có thể là nguyên do để hai người cãi nhau. Nhân dịp các con tặng cho một số tiền, hai người đi du lịch sang Giêrusalem. Vì tuổi già sức yếu nên chuyến đi cũng không gì hứng thú lắm, và không may người vợ từ trần sau một cơn đau tim.

Khi lo lắng thủ tục mai táng, người chồng được nhân viên nhà quàn cho biết là nếu chôn cất ở đây thì chỉ tốn $2,000, nhưng nếu đem về Hoa Kỳ thì phải mất $20,000 đôla. Ông chồng suy nghĩ đôi chút và nói ông muốn đưa xác vợ về Hoa Kỳ. Nhân viên nhà quàn ngạc nhiên và hỏi tại sao ông bỏ lỡ cơ hội để vợ được chôn ở Đất Thánh mà chịu mất tiền để đưa xác về Hoa Kỳ, ông trả lời, “Tôi nghe nói ở Giêrusalem này có người chết ba ngày rồi sống lại, và tôi không muốn cơ hội đó!”

Đây là một câu chuyện vui, nhưng nó cho thấy một sự thật là nếu không có tình yêu thì đời sống con người thật cay đắng và ê chề. Nhiều cặp vợ chồng ngày nay, tuy có tất cả các phương tiện vật chất nhưng họ không có hạnh phúc, vì thiếu tình yêu.

Tình yêu không những cần thiết cho đời sống con người mà tình yêu còn cần cho sự phát triển của Kitô giáo trong mọi thời đại, nhất là lúc sơ khai. Đây là điểm được thấy trong bài phúc âm hôm nay: Chúa Giêsu cần đến sự tiếp tay của mọi người chúng ta trong công việc xây dựng Giáo Hội.

Trước hết, chúng ta cần để ý rằng trong suốt thời gian Đức Giêsu còn sống ở thế gian và đi rao giảng, chưa bao giờ Người hỏi các môn đệ hay bất cứ ai rằng, “Con có yêu mến ta không?” Nhưng trong khung cảnh Phục Sinh – sau khi chịu khổ hình thập giá, chịu chết, sống lại và sắp sửa về trời – Đức Giêsu lại đặt vấn đề tình cảm của các môn đệ đối với Người, mà đại diện là ông Phêrô.

Trước đây, khi Đức Giêsu còn sống, Người hỏi các môn đệ về căn tính của Người với câu hỏi, “Anh em nói Thầy là ai?”, và ông Phêrô đã lên tiếng trả lời, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16). Tuy tuyên xưng như thế nhưng lòng tin của ông Phêrô chưa có sức mạnh, vì thế khi Đức Giêsu bị bắt, ông đã nhát sợ, từ chối sự quen biết với Thầy Giêsu đến ba lần!

Bây giờ, sau khi đã phục sinh vinh hiển, lẽ ra Chúa Giêsu phải hỏi lại ông Phêrô rằng “Con có tin Thầy không? Con có tin Thầy là Đấng Mêsia không? Con có tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống không?” để có thể tin tưởng giao trách nhiệm chăn dắt “đàn chiên” cho ông, nhưng Chúa Giêsu lại hỏi ông đến ba lần, “Con có yêu mến Thầy không?”

Câu hỏi của Chúa Giêsu cho thấy tình yêu quan trọng hơn lòng tin. Người ta có thể tin Chúa vì khiếp sợ sự uy nghi của Chúa – nếu giả như Chúa hiện ra ở đây – nhưng lòng tin đó chưa chắc đem cho chúng ta sức mạnh để có thể sống chết cho Chúa. Trên thực tế, người ta chỉ có thể sống chết cho nhau nếu họ yêu mến nhau. “Yêu nhau cho đến chết”, hay “Chết vì yêu” đó là điều được Chúa Giêsu minh chứng qua khổ hình thập giá, và Người cũng hy vọng rằng tình yêu ấy sẽ được đáp trả, do đó, Người hỏi ông Phêrô, “Con có yêu mến Thầy không?”

Các phúc âm nguyên thủy được viết bằng tiếng Hy Lạp, và theo ĐGH Bênêđíc XVI, chữ “yêu mến” mà Chúa Giêsu dùng khi hỏi lần đầu là “agapáo”, nó có nghĩa một tình yêu không giới hạn, trọn vẹn, và vô điều kiện. Nhưng ông Phêrô, khi nhìn đống than hồng nướng bánh và cá, có lẽ ông đã nhớ lại cách đó trên dưới một tuần, cũng có than hồng để sưởi ấm vào buổi tối khi Đức Giêsu bị bắt, và ông đã nhát sợ, từ chối không biết thầy mình khi bị người ta gạn hỏi, bởi thế, ông cảm thấy xấu hổ khi đứng trước tình yêu vĩ đại của thầy mình, và ông thành thật trả lời, “Thưa Thầy, Thầy biết con mến Thầy.” Chữ “mến” ông Phêrô dùng là chữ “filéo” tiếng Hy Lạp, nó có nghĩa tình bằng hữu – tuy tình cảm ấy thắm thiết nhưng không trọn vẹn, không quyết liệt như chữ “agapáo”.

Và rồi Chúa Giêsu hỏi lại lần thứ hai, cũng với chữ “agapáo” – một tình yêu quyết liệt, trọn vẹn, không giới hạn – nhưng ông Phêrô vẫn xấu hổ nhìn nhận tình yêu bất toàn của mình, ông vẫn dùng chữ “filéo”, “Thầy biết con mến Thầy”!

Điều ngạc nhiên ở đây là sau đó, lần thứ ba, Chúa Giêsu không dùng chữ “agapáo” nữa mà Người đã dùng chữ của ông Phêrô, “filéo”, để hỏi ông, “Con có mến Thầy không?” Tuy buồn vì Chúa Giêsu đã hỏi đến ba lần nhưng ông Phêrô lại bừng lên hy vọng khi thấy Chúa Giêsu sẵn sàng hạ thấp mức độ tình yêu của Người để chấp nhận tình yêu bất toàn của ông và giao cho ông một vinh dự lớn lao là chăn dắt “đàn chiên” của Chúa.

Qua cuộc đối thoại này chúng ta thấy, khi Chúa Giêsu không còn hiện diện ở thế gian, Người cần đến sự tiếp tay của chúng ta, những người theo Chúa Kitô. Sự tiếp tay của các tông đồ và của chúng ta trong việc xây dựng Giáo Hội sẽ không tùy thuộc vào khả năng của con người, nhưng tùy thuộc vào lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa Giêsu, dù rằng tình yêu ấy không được trọn vẹn như tình yêu của Chúa dành cho chúng ta.

Khi đóng góp cho sự phát triển của Giáo Hội, nhiều khi chúng ta nghĩ đó là những khả năng đặc biệt của một số người nào đó, như các giáo sĩ hay nam nữ tu sĩ. Nhưng trong bài phúc âm hôm nay, hình ảnh các tông đồ đánh cả cả một đêm dài mà không bắt được một con cá nào cho thấy khả năng con người sẽ như thế nào khi không có Chúa giúp! Chúng ta đừng nghĩ đến khả năng, hay không có khả năng trong việc xây dựng Giáo Hội, mà hãy tin tưởng rằng, với lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, một hành động nhỏ bé của chúng ta, dù là tài chánh hay nhân lực, vật lực, sẽ đem lại một kết quả không ngờ.

Gia đình là một giáo hội tại gia mà trên hết và trước hết chúng ta phải xây dựng. Để gia đình được hạnh phúc, chúng ta hãy áp dụng bài học thực tế được thấy trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Phêrô. Đó là chúng ta hãy trân quý tình cảm của người khác dành cho chúng ta, dù tình cảm ấy mong manh, hay sơ sài. Nhiều vợ chồng không được hạnh phúc vì họ kỳ vọng nơi nhau một tình yêu tuyệt hảo không thể có. Nhiều cha mẹ thấy buồn tủi khi không được con cái yêu quý như họ mong muốn để rồi có những lời cay đắng chỉ làm lạnh nhạt thêm tình gia đình.

Chúng ta cũng đừng mong đợi nơi người khác những khả năng mà họ không thể có – nhất là những người trên chúng ta như cha mẹ, thầy cô, anh chị và các vị lãnh đạo tinh thần – nhưng hãy thông cảm, chấp nhận sự hạn hẹp của con người, bởi vì chính chúng ta cũng có những khuyết điểm và không thể có được những khả năng mà người khác mong muốn.

Khi chúng ta thay đổi cái nhìn, thay đổi lối đối xử với người khác, đó là tinh thần Phục Sinh. Chúa Giêsu đã thay đổi tình trạng tuyệt vọng của sự chết thành sự sống mới tràn trề hy vọng. Chúa Giêsu đã đổi mới một thân xác đầy thương tích ghê sợ, nằm chết bất động, thành một thân thể kỳ diệu, sống động. Chúa đã mở ra một cánh cửa mới cho một hoàn cảnh tưởng như không có lối thoát.

Tin tưởng rằng Chúa Giêsu Phục Sinh đang sống giữa chúng ta để xây dựng Giáo Hội, để đưa mọi người về với Thiên Chúa, chúng ta cũng phải thay đổi cái nhìn vào sự việc và con người để tiếp tay trong công việc này. Điều cần thiết là chúng ta tập yêu mến Chúa Giêsu bằng những hành động cụ thể cho tha nhân. Đó là sức sống phục sinh, một sức mạnh phát sinh từ sự đổi mới của Chúa Giêsu mà Người sẵn sàng ban phát cho tất cả những ai yêu mến Người.

Liên Lạc Với Chúng Tôi

  • 8810 Diamond Lake Ln - Houston, TX 77083
  • 713-870-8955
  • nth@nguoitinhuu.org

Vể NGƯỜI TÍN HỮU

NguoiTinHuu.org được thành lập năm 1997 với mục đích loan truyền Tin Mừng qua hệ thống tin học và chuyển tải tài liệu. Sứ vụ này được thể hiện qua việc cung cấp MIỄN PHÍ cho tất cả mọi người các kiến thức về đức tin Công Giáo, kể cả tin tức và mọi vấn đề liên quan đến đời sống Công Giáo. Chúng tôi nhất quyết trung thành với Huấn Quyền của Giáo Hội, Đức Thánh Cha và các Giám Mục trên toàn thế giới cùng với hợp nhất với người như các chủ chăn của Giáo Hội, trong khi vẫn cởi mở đối thoại với bất cứ ai.
NguoiTinHuu.org được duy trì bởi Pt. Giuse Trần Văn Nhật với sự cộng tác của các linh mục Việt Nam trên toàn thế giới, nhất là các linh mục và phó tế của tổng giáo phận Galveston-Houston.

How to Help Nguoi Tin Huu

Please pray daily for all the members and benefactors of NguoiTinHuu.org, past and present, living and deceased.

Về Bài Trích Trong www.nguoitinhuu.org

Có thể sử dụng các bài trong www.nguoitinhuu.org cho nhu cầu tinh thần, xin đừng làm thương mãi và xin ghi rõ xuất xứ cũng như tác giả.

Về Bài Gửi Cho www.nguoitinhuu.org

Bài gửi cho www.nguoitinhuu.org thì xin đừng gửi cho chỗ khác.
Khi tự ý gửi bài cho www.nguoitinhuu.org, tác giả đương nhiên cho phép phổ biến theo quy tắc của www.nguoitinhuu.org.
Chúng tôi có toàn quyền kiểm duyệt hay từ chối đăng tải mà không cần nêu lý do.
© 2019 NGUOI TIN HUU - All Rights Reserved.NGUOITINHUU