Bài Phúc Âm hôm nay chạm đến một đề tài tế nhị mà người ta thường tránh đề cập: sự chết – sự chết của những người Galilê bởi quan Philatô, sự chết của mười tám người vì tháp Siloam sụp đổ, và sau cùng, sự chết của chính chúng ta, như Chúa Giêsu đã nhắc nhở.
Nhiều người không muốn nghĩ về sự chết vì vài lý do. Một số người vì quá bận rộn với đời sống hàng ngày – công việc, gia đình, và thú tiêu khiển – nên trong tiềm thức họ tin rằng sự chết còn xa, “chưa xảy ra ngay.” Những người khác tránh nghĩ đến sự chết vì sợ – sự chết thì vô cùng bí ẩn, và nghĩ đến sự chết khiến người ta không an tâm và lo sợ. Thế giới ngày nay tôn vinh tuổi thanh xuân, sự thành công, và tiến bộ nên suy nghĩ về sự chết làm người ta nản lòng. Người ta còn lo sợ về những mục tiêu chưa hoàn thành và hối tiếc bởi vì chúng buộc họ phải nghĩ lại về ý nghĩa, mục đích của đời sống nên họ muốn xa lánh hơn là đối diện với thực tại của sự chết.
Tuy nhiên, bất kể các xu hướng tự nhiên này, nhiều vị thánh và các triết gia khuyến khích hãy suy nghĩ về sự chết như một đường lối khôn ngoan và một đời sống đầy ý nghĩa.
T. Augustine (354-430) là một trong những thần học gia vĩ đại của Giáo Hội, đã trầm ngâm suy nghĩ về sự chết, sự sống đời sau, và hành trình của linh hồn. Thánh nhân không coi sự chết như sự tiêu diệt cuối cùng, nhưng như một con đường dẫn đến sự sống đời đời. Người nhắc nhở chúng ta rằng đời sống trên trái đất thì tạm bợ, và tổ ấm đích thực của chúng ta là ở với Thiên Chúa. Chết là giây phút linh hồn trở về với Tạo Hóa. Thánh Augustine nói, “Không phải sự chết mà người ta phải sợ, nhưng người ta phải sợ không bao giờ bắt đầu sống.”
Lời của thánh nhân thách đố suy nghĩ: Chúng ta có thực sự sống theo thánh ý của Thiên Chúa không? Chúng ta có chuẩn bị cho ngày chấm dứt hành trình dương thế của chúng ta không?
Năm vừa qua, tôi chủ sự nghi thức cầu nguyện ở nhà quàn cho một thanh niên, khoảng 25 tuổi, chết thảm khốc trong một tai nạn xe cộ. Bà mẹ thì vô cùng đau khổ – không chỉ vì cái chết của đứa con nhưng vì anh ta chưa được rửa tội, tuy gia đình là Công Giáo. Trong sự tuyệt vọng, bà xin tôi rửa tội cho anh khi nằm trong quan tài. Dĩ nhiên, tôi không thể.
Tại sao? Vì các bí tích chỉ dành cho người sống – cho những ai tự do muốn lãnh nhận và tin vào ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu. Giây phút đau đớn này nhắc nhở chúng ta phải chuẩn bị linh hồn ngay tự bây giờ – vì sự chết đến rất bất ngờ.
Mùa Chay nhắc chúng ta hãy nhớ đến sự chết của chính chúng ta: “Hãy nhớ mình là tro bụi, sẽ trở về với bụi tro.” (St 3:19). Đây là lúc chúng ta lắng nghe lời Chúa Giêsu kêu gọi: “Hãy sám hối và tin vào Phúc Âm.” (Mc 1:15)
Lời Chúa trong Phúc Âm hôm nay đưa chúng ta vào tâm điểm của mùa Chay. Mỗi một ngày là một món quà của Thiên Chúa, nhưng quà tặng đó còn đi với trách nhiệm – sinh hoa trái trong đời sống đức tin. Do đó, mùa Chay là thời gian ăn chay, cầu nguyện, và làm việc bác ái.
Trong ba thực hành mùa Chay, việc bác ái thì quan trọng nhất. Đó là khía cạnh cơ bản của Kitô Giáo, ăn sâu trong những giảng dạy của Chúa Giêsu, trong các giới răn, và trong truyền thống của Giáo Hội.
Chúa Giêsu dạy, “Hãy yêu mến tha nhân như chính mình.” (Mc 12:31) Khi giúp đỡ người khác, chúng ta chu toàn giới răn cao trọng nhất của Thiên Chúa.
Công việc bác ái nói lên đức tin chân thật: “Đức tin không có việc làm thì chết.” (Giacôbê 2:17). Đức tin thì không chỉ tin tưởng mà thôi nhưng còn hành động với tình yêu.
Công việc bác ái dẫn đến sự sống đời đời. Khi chàng thanh niên giầu có hỏi Chúa Giêsu làm thế nào đạt được sự sống đời đời, Chúa trả lời: “Hãy bán những gì anh có và đem cho người nghèo, và anh sẽ có kho tàng trên trời.” (Lc 18:22). Chúa Giêsu thật rõ ràng: Bác ái thì cần thiết cho sự cứu rỗi.
Không may, sự ích kỷ ăn sâu trong bản tính sa ngã của loài người, bị hư hỏng vì tội nguyên thủy. Một cách tự nhiên chúng ta nghĩ về mình trước và thật khó để hy sinh cho người khác, ngay cả người trong gia đình. Nhiều người coi của cải là những thành đạt của chính họ, chứ không phải các quà tặng mà Thiên Chúa giao phó cho họ.
T. Tôma Aquinas giúp chúng ta hiểu về tinh thần quản lý đích thực: Trong khi chúng ta có quyền sở hữu của cải qua công việc cực nhọc hay được thừa kế, chúng ta phải luôn sử dụng các nguồn năng đó cho ích lợi chung, không chỉ cho riêng chúng ta. (ĐGM Robert Barron giải thích T. Tôma Aquinas).
Trong Mátthêu 25:31 và các câu tiếp theo, Chúa Giêsu tiết lộ rằng, vào ngày phán xét, chúng ta sẽ bị xét xử bởi những việc bác ái chúng ta làm – hay không làm. Chúa nói, “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp đón.” (Mt 25:35).
Qua những lời này, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng khi giúp đỡ những ai có nhu cầu, chúng ta trực tiếp phục vụ Người. Từng nghĩa cử yêu thương – dù là miếng ăn cho người đói, ly nước cho người khát, hoặc tử tế với người xa lạ – đều phản ánh lòng thương xót của Thiên Chúa và đưa chúng ta lại gần với Người hơn.
Ngay cả điều gì đó thật đơn giản như một ly nước được cho đi với tình thương thì thật quý giá trong cái nhìn của Thiên Chúa. Tại sao? Bởi vì chính giây phút đó, chúng ta không chỉ giúp đỡ người khác – chúng ta giúp đỡ chính Chúa, vì Chúa đã đồng hóa với người đau khổ và người nghèo. Việc bác ái của chúng ta, dù thật nhỏ, có giá trị bất diệt vì đó là một dâng tặng cho Thiên Chúa.
Một số người tin rằng một khi họ xa lánh tội trọng, tuân giữ Mười Điều Răn, và không làm thiệt hại người khác thì sự tương giao của họ với Thiên Chúa được bảo đảm. Nhưng Phúc Âm hôm nay nói về cây vả không sinh trái. “Vì đã ba năm nay, tôi ra tìm trái ở cây vả này nhưng không thấy trái nào.” (Lc 13:7)
Cây vả tượng trưng cho chúng ta – và trái của nó tượng trưng cho những nghĩa cử của tình thương và bác ái. Ở Palestine, một cây vả sinh trái 10 tháng một năm. Nếu nó không có trái, nó không còn giá trị nữa.
Dụ ngôn này nhắc nhở chúng ta: Thiên Chúa thì kiên nhẫn nhưng mong chúng ta sinh kết quả vào đúng thời điểm. Nếu chúng ta chưa sinh kết quả, chúng ta phải biết ơn Chúa vì chúng ta vẫn còn thời giờ để thay đổi.
Loại hoa trái nào mà Thiên Chúa muốn? Hoa trái Thiên Chúa muốn gồm những việc hy vinh vì tình yêu: Giúp đỡ người nghèo trực tiếp, hay gián tiếp tặng tiền của cho các tổ chức như Catholic Charities, Quỹ Phục Vụ Giáo Phận (DSF), hay tổ chức Knights of Columbus. Hay đi thăm người đau yếu, an ủi người buồn sầu, và giúp đỡ người xa lạ. Hoặc tình nguyện trong các tác vụ ở nhà thờ, ở bệnh viện, và trung tâm tạm cư. Bác ái Kitô Giáo thì không chỉ tặng tiền của mà còn giúp người khác cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa.
Đời sống ở trần gian thì ngắn ngủi, và sự bận rộn của đời sống có thể khiến chúng ta không nhìn thấy định mệnh sau cùng. Không có gì trong thế gian này có thể thực sự thỏa mãn chúng ta. T. Augustine nhắc nhở chúng ta khi cầu nguyện, “Lạy Chúa, chúng con được dựng nên cho chính Chúa, và tâm hồn chúng con không ngừng thao thức cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.”
Chân lý này phải linh cảm chúng ta cố đừng bám víu lấy của cải trần gian, hãy tập trung vào việc luyện tập các nhân đức, cầu nguyện, sống yêu thương, và kết hợp với Thiên Chúa là Đấng nhân từ và hay thương xót.
T. Francis de Sales cũng khuyên chúng ta, “Hãy thường xuyên nghĩ về sự chết để làm quen với nó, và rồi bạn sẽ không gặp khó khăn khi sự chết đến.”
Chúng ta hãy dùng mùa Chay này một cách khôn ngoan – biết sám hối, đổi mới, và sinh hoa trái để khi đến thời điểm của chúng ta, chúng ta được sẵn sàng gặp Thiên Chúa với niềm vui.