Anh chị em thân mến
Trong phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta sẽ nghe Thiên Chúa ngỏ lời “tỏ tình” với loài người chúng ta. Qua miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa phán: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rẻ, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ”.
Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được tình Chúa yêu thương chúng ta đến mức nào.
Bài thơ này của Đệ Tam Isaia được sáng tác sau khi dân Do Thái được thoát cảnh lưu đày, hồi hương về cố quốc.
Khi nhìn ngược về quá khứ, tác giả hiểu rằng lưu đày là hình phạt xứng đáng đối với tội bất trung của dân. Nhưng khi nhìn vào hiện tại, tác giả cảm nhận được tình yêu nồng nàn của Chúa: dù dân đã phản bội nhưng Chúa vẫn yêu thương. Người đã cứu họ khỏi cảnh khốn cùng: “Chẳng còn ai réo tên ngươi là 'đồ bị ruồng bỏ', xứ sở ngươi hết bị tiếng là 'phận bác duyên đơn'”. Chẳng những thế, Chúa còn yêu thương họ như người chồng rất mực yêu thương người vợ mới cưới: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rẻ, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ”.
Thánh vịnh 95 là tâm tình của người ý thức tình thương Thiên Chúa: vui mừng, ca tụng và loan báo “Hãy kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa đã làm”.
Tường thuật này không phải đơn giản nói về một bữa tiệc cưới, nhưng còn là “dấu chỉ đầu tiên” qua đó Chúa Giêsu “bày tỏ vinh quang của Người” để cho “các môn đệ tin vào Người” (câu 11). Chúa bày tỏ những gì?
1. Trước hết Người cho thấy Người là Đấng khai mở một thời kỳ hoan lạc mới. Thánh Kinh thường dùng hình ảnh tiệc cưới để chỉ thời hoan lạc Messia, và hình ảnh chú rể để chỉ Đấng Messia. Trong đám cưới ở Cana, lẽ ra chú rể phải cung cấp đủ rượu cho khách dự tiệc, và như thế bữa tiệc mới vui mừng trọn vẹn. Thế nhưng chú rể ấy đã không chu toàn. Kẻ cung cấp rượu và làm cho bữa tiệc vui mừng trọn vẹn lại chính là Chúa Giêsu.
2. Người còn cho thấy Người đến để thiết lập một tín ngưỡng mới thay thế tín ngưỡng đã quá lỗi thời của người Do Thái: bài tường thuật có nhắc đến những chum đựng nước để cho người ta thanh tẩy trước khi dự tiệc. Đấy là một tục lệ tiêu biểu của đạo cũ. Hôm nay những chum ấy đã được Chúa Giêsu cho tràn ngập rượu mới, lại là thứ rượu ngon vượt sức tưởng tượng của người ta. Nghĩa là tín ngưỡng mới mà Chúa Giêsu thiết lập vượt xa tín ngưỡng cũ quá bám víu vào hình thức bề ngoài.
3. Bài tường thuật cũng nói tới “giờ” (Chúa Giêsu nói với Đức Maria: “Giờ con chưa đến”). “Giờ” là lúc Chúa Giêsu được vinh quang khi chịu chết trên Thập giá để tuôn ơn cứu độ cho loài người. Hôm nay ở Cana, tuy chưa tới “giờ” ấy, nhưng Người cũng tỏ chút vinh quang cho các môn đệ và người ta thấy trước qua việc Người làm phép lạ cho nước hóa thành rượu.
4. Vinh quang Chúa đã được hé lộ trước cũng do công của Đức Maria, kẻ đã tế nhị thấy hoàn cảnh khó khăn của chủ nhà và chủ động đến xin Chúa Giêsu can thiệp.
Có nhiều chia rẻ, đố kỵ và tranh chấp trong giáo đoàn Côrintô: người có tài thì khinh chê kẻ khác, kẻ bất tài thì đố kỵ, những kẻ có tài lại ganh ghét nhau.
Thánh Phaolô nhắc cho họ nhớ: (1) tất cả mọi tài năng đều là do Chúa Thánh Thần ban; (2) mà ơn Chúa Thánh Thần ban thì khác nhau nơi mỗi người; (3) và tất cả những ơn ban đó đều nhằm phục vụ lợi ích chung của Giáo Hội.
Trong các thứ tình yêu, tình yêu nào nồng nàn tha thiết nhất? Thưa là tình cha mẹ dành cho con cái, và tình vợ chồng đối với nhau. Nếu so sánh hai thứ tình đó với nhau thì tình yêu hôn nhân chắc là mạnh hơn. Bởi đó sách Sáng thế đã viết “Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ và khắn khít với vợ mình” (St 2,24). Chúa Giêsu cũng đồng ý như thế nên đã trích dẫn lại câu ấy khi tranh luận với các người biệt phái (Mt 19,5). Cũng vì lý do đó nên khi muốn tỏ cho loài người biết Thiên Chúa yêu thương loài người đến mức nào, Thiên Chúa đã dùng hình ảnh tình yêu vợ chồng để minh họa.
Trong tình yêu vợ chồng, điều gì đáng quý nhất? Thưa đó là sự hy sinh cho nhau và chung thuỷ với nhau. Hy sinh cho nhau nhiều chừng nào thì đó là bằng chứng yêu thương nhau nhiều chừng ấy. Dù gặp phải bao sóng gió, dù những khuyết điểm lỗi lầm thường xuyên đe dọa, nhưng vợ chồng vẫn yêu thương nhau đến chết, đó mới là tình yêu chân thật vững bền.
Thế nhưng, trong một trăm đôi vợ chồng, có bao nhiêu đôi hy sinh và chung thuỷ được như thế.
Rốt cuộc, dù con người được nếm vị ngọt của nhiều loại tình yêu, nhưng rất nhiều lần cũng phải thất vọng với những tình yêu nhân loại, cho dù đó là tình vợ chồng tha thiết nhất.
Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới là tình yêu chân thật và cao cả nhất: vì yêu thương chúng ta, Chúa Cha đã hy sinh ban chính Con Một của Người cho chúng ta; vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã hy sinh đến nỗi chịu chết vì chúng ta: “Không có tình yêu nào cao trọng bằng tình yêu của người dám thí mạng vì người mình yêu”. Mặt khác, dù loài người luôn phản bội, Thiên Chúa vẫn tha thứ và vẫn cứ yêu. Loài người đã nhiều lần bỏ Chúa, nhưng Chúa không bao giờ bỏ loài người.
Con người là một sinh vật yêu thương: con người cần yêu thương và cần được yêu thương. Chúng ta hãy tìm đến tình yêu Thiên Chúa. Chắc chắn chúng ta sẽ chẳng phải thất vọng bao giờ.
Thời nay đang có một cuộc khủng hoảng về gia đình: số người lập gia đình rồi li dị càng ngày càng nhiều; nhiều người trẻ không muốn lập gia đình; một số người chủ trương nếu thích nhau thì cứ sống chung với nhau, đến khi nào không thích nhau nữa thì chia tay, cần gì mà phải cam kết sống chung suốt đời.
Cuộc sống gia đình quả là rất khó khăn: Ngày mới cưới, tình yêu vợ chồng thắm nồng như ly rượu tân hôn. Nhưng chẳng bao lâu sau, rượu nhạt tình phai, thậm chí còn thiếu rượu. Tình yêu thủy chung, luôn cho đi mà không hề mệt mõi, không ngừng nhường nhịn nhau và tha thứ cho nhau. Một tình yêu như thế ở thời nay quả là một phép lạ.
Ở Cana, Chúa Giêsu đã làm phép lạ như thế: khi người ta thiếu rượu, Người đã làm cho có rượu dồi dào; và rượu ấy Người đã làm ra từ những chum nước lã. Phép lạ này ngày nay Chúa vẫn tiếp tục làm, cho những ai thực lòng cầu xin Người. Tại sao những đôi vợ chồng đang gặp khó khăn không cầu xin phép lạ ấy? Tại sao anh chị em không nhờ Đức Mẹ chuyển lời cầu xin?
Tin Mừng theo Thánh Gioan thường có ý nghĩa rất sâu xa. Chẳng hạn đoạn Tin Mừng này, tuy nói về một đám cưới nhưng ý nghĩa không chỉ gói gọn trong đời sống hôn nhân mà bao trùm cả đời sống mọi người; tuy nói về nước hóa thành rượu nhưng chỉ đến tất cả những thứ mà quyền năng Chúa Giêsu có thể biến đổi.
Việc Chúa Giêsu hóa nước thành rượu được Thánh Gioan gọi là “dấu chỉ” và còn là “dấu chỉ đầu tiên để bày tỏ vinh quang của Người”. Dấu chỉ là cái gì đó trước mắt chỉ tới cái khác. Cái trước mắt ở Cana là nước thành rượu. Cái khác mà nước thành rượu chỉ tới là gì? Thưa là điều được ngôn sứ Isaia tiên báo trong bài đọc I: đó là ngày mà Thiên Chúa biến đổi cuộc sống con người thành hoan lạc như tiệc cưới: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rẻ, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ”.
Chúa Giêsu đã đến khai mạc ngày hoan lạc ấy. Ở Naim, Người đã biến đổi những giọt nước mắt đau thương của người mẹ khóc con thành những giọt lệ vui mừng khi con mình sống lại. Ở Giêricô, Người đã biến đổi cõi lòng héo úa vì ích kỷ của ông Dakêu thành một tâm hồn tươi tốt quãng đại. Cho tới lúc đã bị đóng đinh trên thập giá, Người vẫn tiếp tục biến đổi người trộm lành đang tuyệt vọng thành người khách mời đầu tiên dự tiệc thiên quốc. Và nhất là trong biến cố phục sinh, Người đã biến đổi sự chết thành sự sống.
Nếu đời bạn đang tẻ nhạt như nước lã. Hãy đến với Chúa Giêsu. Người sẽ biến đổi cho nước lã ấy thành rượu ngon tuyệt vời.
Ở đất Vũ Bình có giống vượn đỏ như vang, nõn nà như tơ, trông xa lấp lánh rất là đẹp mắt. Có hai mẹ con vượn, mẹ thì khôn ngoan, tinh anh, con thì ngây ngô, nhẹ dạ, nhưng lúc nào mẹ con cũng đi bên nhau. Người đi săn không thể nào nhử mồi đánh bẫy được, mới lấy thuốc độc sát vào đầu mũi tên, rình lúc vượn mẹ vô ý thì bắn. Khi vượn mẹ bị trúng tên, biết mình không thể sống được, liền vắt sữa ra cho con uống, xong rồi lăn ra chết.
Người đi săn quay về phía vượn con, cầm roi quất vào xác vượn mẹ. Vượn con trông thấy kêu gào thương xót chạy lại gần, người đi săn liền vồ lấy mà bắt sống. Lúc về nhà, cứ đêm đêm, vượn con nằm phục bên xác mẹ thì mới yên, đôi khi lại ôm lấy mẹ kêu gào thảm thiết. Không được mấy hôm vượn con cũng lăn ra chết.
*
Tình mẫu tử của giống vượn lông đỏ làm cho chúng ta vô cùng xúc động: Tuy nhiên, chúng ta cũng có một người mẹ, hết lòng chăm lo cho từng đứa con còn lớn lao hơn gấp bội. Đó chính là Mẹ Maria.
Có thể nói, một trong những trang đẹp nhất của sách Tin Mừng Gioan, chính là bài tường thuật về “Tiệc cưới Cana”. Chính nơi tiệc cưới này, Mẹ đã bày tỏ thật sâu sắc tình mẫu tử của người.
Theo tập tục Do thái, đám cưới kéo dài suốt bảy ngày, nhưng mới đến “ngày thứ ba” thì tiệc cưới Cana đã hết rượu. Thật là một tai hoạ bất ngờ, chủ tiệc vô cùng bối rối khó xử. Duy chỉ có Mẹ Maria nhận ra được tình thế gay go ấy. Sự nhạy cảm và lòng thương yêu của tình mẫu tử đã khiến Mẹ mạnh dạn thưa với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Một câu nói ngụ ý nài xin kín đáo.
Nhưng lời đáp trả của Chúa Giêsu mới làm cho chúng ta thật sửng sốt: “Tôi với bà có can chi? Giờ tôi chưa đến” (Ga 2,4). Qua câu này Chúa Giêsu chỉ muốn xác quyết tính siêu việt của Người: Hoàn toàn lệ thuộc Chúa Cha. Chắc Mẹ cũng không hiểu rõ chữ “Giờ” tức là giờ vinh quang của Chúa Giêsu sau cuộc tử nạn và phục sinh. Nhưng Mẹ vẫn một mực hoàn toàn tin tưởng vào Con của Mẹ, Mẹ mong Con làm một điều gì đó: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Quả thật, Chúa Giêsu có bảo và các người giúp việc đã làm.
Thế là Chúa Giêsu quyết định thực hiện một phép lạ đầu tiên trong cuộc đời công khai rao giảng, một phép lạ kiểu mẫu của các phép lạ kế tiếp. Tuy “Giờ” tôn vinh chưa đến, nhưng ngay lúc này, Người muốn biểu lộ giờ vinh quang ấy qua phép lạ Người sắp thực hiện để “Các môn đệ tin vào Người” (Ga 2,11).
Nhờ sự can thiệp của Mẹ mà phép lạ Cana đã được thực hiện, để đức tin của các môn đệ được củng cố và triển nở.
Nhờ sự đóng góp của Mẹ mà sáu chum nước lã đã biến thành 700 lít rượu ngon, để niềm vui của đôi tân hôn và khách dự tiệc được trọn vẹn.
Ngày nay, Mẹ vẫn nói nhỏ bên tai Chúa: “Họ hết rượu rồi”.
Để cho bao mối tình đang nhạt phai được trở nên nồng thắm và tràn đầy tin yêu.
Để cho bao gia đình thiếu vắng tình yêu được củng cố và thuận hoà yêu thương.
Để cho bao tâm hồn đang chao đảo giữ vững được niềm tin và hy vọng.
Nếu ngày xưa Chúa Giêsu đã biến nước lã của Cựu ước thành rượu ngon của Tân ước, để mở ra một thời đại mới, thời đại thiên sai; thì ngày nay, Người cũng muốn chúng ta biến cuộc đời lạt lẽo của mình thành rượu nồng tình yêu: yêu Chúa và yêu tha nhân, để mọi người được chan chứa niềm vui cứu độ.
Nếu Chúa Giêsu đã biến thứ nước tẩy uế của Do thái giáo thành rượu ngon hảo hạng, để thiết lập một trật tự mới; thì Người cũng mời gọi chúng ta hãy biến đổi trái đất này thành một thế giới mới: chân thật, công bằng và yêu thương.
Lạy Chúa, chúng con luôn khát khao kiếm tìm hạnh phúc, nhưng dường như hạnh phúc thật mong manh. Xin Chúa hãy đến dự những bữa tiệc cuộc đời chúng con, để mang lại cho chúng con một hạnh phúc vững bền.
Xin Mẹ Maria luôn là đấng Bầu Cử cho chúng con trước toà Chúa mỗi khi chúng con gặp khó khăn bối rối, nhất là khi chúng con đã vơi cạn rượu nồng tình yêu. Amen. (TP)
Tin Mừng thánh Gioan chỉ nhắc tới Đức Maria có hai lần: một lần ở Cana lúc Chúa Giêsu mới bắt đầu sứ vụ, và một lần dưới chân thập giá lúc Người hoàn thành sứ vụ. Hai lần ở đầu và cuối, ngụ ý bao hàm tất cả. Các Tin Mừng nhất lãm nói rõ hơn về điều này.
Trong biến cố Truyền tin, khi được hỏi có muốn làm mẹ Đấng Cứu Thế hay không, Đức Maria đã bỏ ý riêng sang một bên để quảng đại “Xin Vâng” theo thánh ý Chúa. Sứ vụ đôi khi có nghĩa là sẵn sàng gác sang một bên những chương trình riêng của mình, để đáp lại lời Chúa mời hợp tác trong chương trình của Người.
Trong biến cố Thăm viếng, khi vừa hay tin người chị họ của mình đã mang thai 6 tháng và đang cần người giúp đỡ, Đức Maria đã vội vã đến nơi. Sứ vụ đôi khi có nghĩa là phải có sáng kiến: thấy nhu cầu, và mau mắn phục vụ.
Trong biến cố Cana, Đức Maria thoáng nhận ra vẻ bối rối của nhà chủ, người hiểu ngay là họ thiếu rượu, và người đã xin Con giúp đỡ. Sứ vụ đôi khi cần phải tế nhị: nhận ra điều người ta đang cần, nhưng ý thức rằng bản thân mình không làm gì được, nên giới thiệu cho kẻ có khả năng giúp đỡ.
Trên đồi Golgotha, Đức Maria đứng dưới chân thập giá nhìn con yêu dấu đang hấp hối, rất đau lòng nhưng chỉ biết lặng thinh. Sứ vụ có khi còn có nghĩa là chấp nhận bất lực không làm gì được, chỉ biết phó thác.
Tất cả chúng ta đều được Chúa trao sứ vụ: sứ vụ đối với gia đình, sứ vụ với Giáo Hội, sứ vụ với xã hội, sứ vụ với tất cả mọi người. Chúng ta hãy nhìn gương Đức Mẹ và bắt chước người. (FM)
Chủ tế: Anh chị em thân mến, chỉ Thiên Chúa mới có thể đem lại cho con người niềm vui chân thật và hạnh phúc trọn vẹn. Tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
Chủ tế: Lạy Chúa, nếu không có Chúa ban ơn giúp sức, chúng con không thể làm được việc gì thành công. Vậy xin thương ban ơn trợ giúp để mọi việc làm của chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành, đều nhờ bởi ơn Chúa. Chúng con cầu xin.
Chúng ta đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa qua Thánh lễ vừa tham dự. Giờ đây tuy Thánh lễ sắp kết thúc nhưng chúng ta hãy tiếp tục sống trong tình yêu của Người, nhất là hãy trở thành dấu chỉ tình yêu ấy trước mặt mọi người.