Cách đây không lâu có một bà viết một bài báo thật hay về việc trang hoàng nhà cửa của bà. Mọi sự đều xuông xẻ cho đến khi chồng bà bỏ đi các đồ trang hoàng nội thất và treo một hình Chúa Giêsu thật lớn ngay chính giữa căn nhà.
Bà tìm cách thuyết phục chồng nghĩ lại, nhưng ông nhất định từ chối. Sau đó, trong một cuộc thảo luận với ông, bà nhớ lại những lời của Chúa Giêsu:
“Nếu ai công khai tuyên bố họ thuộc về Thầy, Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận họ như thế trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10:32)
Câu nói ấy đã giải quyết vấn đề. Chồng bà thắng.
Bây giờ bà nói bà vui mừng khi chồng bà thắng, vì bà nghĩ rằng tấm hình của Chúa Giêsu ấy đã có một ảnh hưởng đáng kể trên gia đình bà – và cả những người đến thăm.
Thí dụ, ngày kia có một người lạ nhìn đến tấm hình ấy, họ quay sang bà và nói, “Bà biết không, Đức Giêsu không nhìn vào bà; Người nhìn thấu qua bà.”
Và một tối kia, người bạn của bà nhìn đến tấm hình này và nói, “Tôi cảm được sự bình an trong nhà của bà.”
Tuy nhiên, ảnh hưởng đáng kể nhất của tấm hình này là sự đối thoại, bà cho biết như thế. Tấm hình đưa họ vào một mức độ đối thoại cao hơn, sâu đậm hơn.
Bà kết thúc bài viết rằng bà biết sẽ có người mỉm cười khi đọc những nhận xét này và ngay cả chế nhạo bà, nhưng bà không lưu tâm. Bà nói, “Điều tôi biết rất rõ là khi bạn mời Chúa Giêsu vào nhà bạn, bạn sẽ không bao giờ giống như trước.”
Đôi tân hôn trong bài phúc âm hôm nay chắc chắn sẽ đồng ý với bà này. Họ đã mời Chúa Giêsu đến nhà của họ, và Người đã làm phép lạ đầu tiên ở đó.
Và họ không bao giờ giống như trước nữa.
Có lẽ không phải tình cờ khi phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu, biến nước thành rượu, đã tiên báo phép lạ sau cùng của Người, biến rượu thành chính máu của Người.
Có lẽ cũng không phải tình cờ khi Chúa Giêsu làm phép lạ trong một căn nhà, nhà của Máccô. (Mc 14:12-15; Công Vụ 12:12).
Và cũng như đôi tân hôn ở Cana, Máccô và gia đình ông không bao giờ giống như trước nữa.
Một sự kiện ít người để ý là Chúa Giêsu thường làm phép lạ ở trong nhà của người khác.
Thí dụ, khi ông Phêrô lần đầu tiên mời Đức Giêsu đến nhà ông, điều đầu tiên Người làm là chữa cho mẹ vợ của ông được khỏi bệnh. (Mc 1:31)
Và khi ông Giairút, viên trưởng hội đường, mời Đức Giêsu đến nhà ông, điều đầu tiên Người làm là phục hồi sự sống cho con gái của ông Giairút, nó vừa mới chết. (Mc 5:41)
Gia đình ông Phêrô cũng như gia đình ông Giairút không bao giờ giống như trước nữa.
Sau đó có một thủ lãnh Biệt Phái, ông mời Đức Giêsu đến nhà dùng cơm tối, và một trong những điều đầu tiên Đức Giêsu làm là chữa lành cho một người bệnh ở nhà của ông này. (Lc 14:4)
Và ai có thể quên được ông Giakêu, người thu thuế cắt cổ ở Giêrikhô? Ông cũng được đón tiếp Đức Giêsu vào nhà của ông. Sau khi trò chuyện, ông Giakêu đã cho đi một nửa gia tài cho người nghèo, và đền bù cho những người bị ông lừa gạt đến bốn lần nhiều hơn số tiền ông lấy của họ. (Lc 19:8)
Và sau cùng, một câu chuyện cảm động ở Emmau vào tối Phục Sinh. Hai người mời Đức Giêsu ở lại dùng bữa tối, tuy lúc bấy giờ họ không biết đó là Người. Kết quả là Đức Giêsu đã cử hành tiệc Thánh Thể đầu tiên sau bữa Tiệc Ly. (Lc 24:30)
Đây chỉ là một vài thí dụ về việc người ta mời Chúa Giêsu vào nhà của mình và không bao giờ họ giống như trước nữa.
Những thí dụ này làm chúng ta tự hỏi, “Có bao giờ chúng ta ý thức mời Chúa Giêsu vào nhà của mình, trong một phương cách thực tiễn chưa?”
Thí dụ, nếu một chuyên gia trang hoàng nội thất vào nhà của chúng ta, họ có thấy trên các vách tường một chứng cớ nào là gia đình chúng ta theo Chúa Giêsu không? Hoặc chuyên gia ấy sẽ nói rằng, “Tôi thấy con cái ông bà muốn trở thành các siêu sao nổi tiếng như Michael Jackson hay Bruce Springteen”, v.v.
Hoặc giả sử rằng con trai bạn đưa về nhà một người bạn của nó ở đại học, liệu người ấy khi trở về trường có nói với con trai bạn rằng: “Gia đình bạn thực sự là Kitô Hữu. Tôi không nhớ có lần cầu nguyện nào giống như việc cầu nguyện trước bữa ăn ở nhà của bạn. Và tôi chưa bao giờ cảm được tình cảm thắm thiết như ở nhà của bạn. Tôi cũng không thấy gia đình bạn nói xấu về bất cứ ai.”
Người sinh viên ấy sẽ không bao giờ giống như trước, vì họ đã được gặp Chúa Giêsu trong căn nhà của bạn.
Mời Chúa Giêsu vào nhà của mình, có lẽ đó là điều quan trọng nhất chúng ta phải làm.
Và cách chúng ta thi hành điều đó có thể trong nhiều phương cách, từ sự hiện diện của Chúa Giêsu qua tượng chịu nạn hoặc các hình ảnh cho đến việc thành khẩn cầu nguyện trước các bữa ăn.
Hoặc có thể là cách đối xử với nhau với tình yêu đích thực và không bao giờ nói xấu người khác.
Một khi chúng ta mời Chúa Giêsu vào nhà, chúng ta có thể mong đợi một điều gì đó rất đặc biệt. Chúa Giêsu không bao giờ đến một căn nhà mà không làm điều gì đặc biệt.
Đây là một trong những thông điệp của bài phúc âm hôm nay.
Đó là thông điệp chúng ta cần được nghe. Đó là thông điệp chúng ta cần trân quý. Đó là thông điệp có thể thay đổi nếp sống của gia đình chúng ta. Theo những lời của bà đã viết bài báo: “Điều tôi biết rất rõ là khi bạn mời Chúa Giêsu vào nhà của bạn, bạn sẽ không bao giờ giống như trước.”
Chính Chúa Giêsu đã hứa với các gia đình trong sách Khải Huyền:
“Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3:20)
Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện:
Lậy Chúa Giêsu, xin hãy đến căn nhà của chúng con và chúc lành cho căn nhà này.
Xin Chúa chúc lành cho các cánh cửa để nó có thể mở ra tiếp đón người khách lạ và cô đơn. Xin Chúa chúc lành cho các căn phòng trong căn nhà chúng con để được tràn đầy sự hiện diện của Chúa.
Nhất là, xin Chúa chúc lành cho mọi phần tử trong gia đình của chúng con. Cầu mong sao tâm trí họ mở ra đón nhận lời Chúa. Cầu mong sao đôi tay họ giang rộng cho những ai có nhu cầu. Và cầu mong sao tâm hồn họ luôn hướng về Chúa.