Bài phúc âm hôm nay tường thuật lại một biến cố để giúp chúng ta thấy được bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu khi Người biến hình trên núi. Biến cố này được Giáo Hội dành ngày 6 tháng Tám hàng năm để mừng kính, được gọi là lễ Chúa Hiển Dung (hay Chúa Biến Hình).
Sống trong thời đại giầu sang vật chất và tân tiến hiện nay, nhiều khi đức tin của chúng ta bị lung lay, do đó, khi nghe đoạn phúc âm này, có lẽ chúng ta ao ước phải chi mình cũng được có mặt vào thời ấy như các tông đồ, được thấy sự vinh hiển của Chúa thì có lẽ đức tin của chúng ta sẽ mạnh mẽ lắm!
Nhưng sự thật thì Phúc Âm cũng cho biết ông Phêrô – người có mặt trong biến cố biến hình hôm nay – đã ba lần từ chối sự quan hệ với Thầy Giêsu khi Người bị bắt. Và hầu hết các môn đệ từng đi theo Đức Giêsu, từng ăn uống trò chuyện, từng sống với Đức Giêsu, cũng đã bỏ Thầy Giêsu mà chạy trong khổ hình thập giá dù rằng đã được cho biết trước.
Đức Giêsu hiểu được tâm trạng nói chung của loài người chúng ta. Là con người, ai cũng ngại hy sinh, sợ đau khổ. Ai cũng muốn sống sung sướng, hạnh phúc. Bởi thế các môn đệ ngày xưa và chúng ta ngày nay đi theo Chúa Giêsu là mong được Chúa giúp đỡ những khi gặp khó khăn. Điều đó không có gì sái quấy. Nhưng nếu chúng ta chỉ nhìn đến hạnh phúc, sung sướng ở đời này thì chúng ta đã hiểu sai về những giảng dậy của Chúa Giêsu. Tương tự như các môn đệ ngày xưa, sau khi được chứng kiến những điều lạ lùng Đức Giêsu làm như chữa lành các bệnh tật, trừ quỷ, làm thực phẩm hóa nhiều để nuôi hàng ngàn người ăn, cho kẻ chết được sống lại, v.v., tất cả những điều đó tạo một ấn tượng phi thường về Đức Giêsu và các môn đệ nghĩ rằng Đức Giêsu là một siêu nhân, họ mong được lợi lộc khi đi theo Người, họ đặt nhiều kỳ vọng nơi Người theo cái nhìn chủ quan của họ, bởi đó các môn đệ không thể chấp nhận được sự thất bại của Thầy Giêsu.
Đức Giêsu biết như thế và để chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ chấp nhận được con đường thập giá mà Đức Giêsu sẽ phải đi qua, Người báo trước cho các ông rằng, “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy” (Lc 9:22). Rồi tám ngày sau đó, Đức Giêsu đưa ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện để thấy sự biến hình của Người như được tường thuật trong bài phúc âm hôm nay.
Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, “lên núi” có nghĩa sự thanh thoát của tâm hồn để vươn đến Thiên Chúa, và cầu nguyện là “đối thoại” với Thiên Chúa. Nhưng ba môn đệ đã chìm vào giấc ngủ. Khi giật mình tỉnh dậy, khi thấy Đức Giêsu chói lòa ánh sáng trong sự vinh hiển, ông Phêrô mới ú ớ thốt lên rằng, “Thầy ơi, chúng ta ở đây thì tốt quá…”. Ông không hiểu ông nói gì. Ông vẫn ở trong tâm trạng “chưa thanh thoát”, ông vẫn còn chìm sâu trong những tham vọng của con người, ông muốn ở mãi trong vinh quang của Thầy Giêsu mà quên đi lời tiên báo về khổ hình thập giá.
Biến cố Chúa Biến Hình được Giáo Hội cho chúng ta nghe trong thời gian mùa Chay cũng để chuẩn bị cho chúng ta chấp nhận được con đường khổ nạn của Chúa Giêsu mà sau cùng là cái chết nhục nhã trên đồi Canvê vào thứ Sáu Tuần Thánh.
Cái chết của Đức Giêsu chắc chắn đi ngược lại kiểu cách suy nghĩ thông thường của thế gian. Khi xã hội đề cao những ai là “siêu nhân” – ở trong phim ảnh hay thực tế ngoài đời – không bao giờ chúng ta thấy các nhân vật ấy thất bại mà họ luôn chiến thắng, luôn thành công. Cũng thế, khi chúng ta tôn sùng ai, khi coi ai là thần tượng, chắc chắn chúng ta không muốn thấy thần tượng ấy bị loại trừ, bị thất bại trước kẻ thù. Do đó, khi đứng trước khổ hình thập giá của Đức Giêsu rất có thể chúng ta bị lung lay đức tin, thực tế là chúng ta không muốn chấp nhận con đường thập giá của Đức Giêsu mà đó lại là lời mời gọi của Đức Giêsu: “Những ai muốn theo Tôi thì hãy từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình mà theo Tôi” (Mt 16:24).
Khi nhìn lại các biến cố trong lịch sử cứu độ, điều may mắn là chúng ta thấy được kết quả, và qua đó chúng ta hiểu được ý nghĩa của các biến cố, từ đó rút ra được một bài học cho chính mình.
Trước hết, làm thế nào ba tông đồ trong bài phúc âm hôm nay, tuy đã được chứng kiến sự vinh hiển của Đức Giêsu nhưng họ vẫn vấp ngã, vẫn bị rúng động đức tin khi đối diện với thực tại đau khổ?
Câu trả lời có lẽ nằm ở điểm họ thiếu cầu nguyện. Khi tâm hồn chúng ta không thanh thoát để vươn đến Thiên Chúa, chúng ta sẽ vướng bận với mọi sự của thế gian, chúng ta sẽ quên đi mục đích của đời sống và hậu quả là chúng ta sẽ chạy theo những hư ảo.
Hình ảnh của các tông đồ say ngủ thay vì cầu nguyện, có lẽ cũng không khác gì chúng ta ngày nay khi theo Chúa Kitô. Chúng ta muốn sống trong sự mơ màng vinh quang của Chúa (chứ không phải của chúng ta), hơn là tỉnh thức đối diện với thực tại là chúng ta chưa chu toàn bổn phận của một Kitô Hữu. Chúng ta muốn có vinh dự là người Công Giáo nhưng không muốn vác thập giá của chính mình. Chúng ta muốn Giáo Hội được nổi tiếng là tốt đẹp nhưng không tiếp tay xây dựng. Chúng ta đề cao Thiên Chúa trong nhà thờ mà quên đi Thiên Chúa hiện diện trong người khác.
Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta nhận định rõ ràng chúng ta là ai, sống ở đời này để làm gì, và sau cùng chúng ta sẽ đi về đâu. Đó là điều được T. Phaolô nói trong bài đọc hai hôm nay: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Phil 3:20-21).
Sự phục sinh là điều Đức Giêsu đã báo trước cho các tông đồ, nhưng các ông không hiểu cho đến sau khi Đức Giêsu trải qua khổ hình thập giá, chịu chết và sống lại. Lúc bấy giờ, sau khi hàng trăm môn đệ được thấy tận mắt Chúa Kitô trong Thân Xác Phục Sinh, họ không còn vấp ngã đức tin dù bị bách hại, bị tra tấn thật ghê sợ và sẵn sàng chấp nhận cái chết bởi vì họ đã thấy được phần thưởng của sự đau khổ.
Đây là bài học thứ hai của chúng ta để áp dụng vào đời sống. Không ai muốn đau khổ, nhưng cũng không ai tránh được sự đau khổ mà nhiều khi do người khác gây ra. Đứng trước sự đau khổ, chúng ta có thể lựa chọn, hoặc là tiêu cực: than trách, cay đắng, căm hờn; hoặc là tích cực: chấp nhận sự rủi ro, đau buồn xảy đến và cố gắng nhận ra được một lợi ích cho chính mình. Lợi ích của sự tích cực chấp nhận đau khổ là vì chúng ta không thể làm mất đi sự đau khổ đã xảy ra, nhưng khi sống trong sự cay đắng, căm hờn điều đó lại kéo dài thêm sự đau khổ cho chính mình.
Đức Giêsu đã thấy trước khổ hình thập giá vì Người không thể chối bỏ một sự thật rằng Người là Thiên Chúa, đó là điều mà một số thượng tế Do Thái thời bấy giờ vì ghen tị nên không thể chấp nhận và họ tìm cách loại trừ Người. Đối diện với thập giá, Đức Giêsu có thể từ chối, có thể dùng quyền năng riêng để thoát khỏi, nhưng đó là điều dễ dàng vì phù hợp với bản tính yếu đuối của con người – loài người chúng ta sợ hy sinh, sợ đau khổ, thích được sống theo ý riêng của mình. Ngược lại khi chấp nhận khổ giá, Đức Giêsu minh chứng cho chúng ta thấy rằng sự đau khổ là những cơ hội để hun đúc con người chúng ta trở nên có giá trị khi cố gắng vượt qua.
Mùa Chay là thời gian tốt để chúng ta nhìn lại lối sống của mình. Lối sống ấy có phản ảnh các chân lý được Chúa Giêsu tiết lộ trong các phúc âm hay không? Tiếng Chúa Cha phán bảo hôm nay, “Đây là Con yêu dấu của Ta, hãy lắng nghe lời người”, có được chúng ta đón nhận hay không?
Biến cố Chúa biến hình để củng cố niềm tin của các tông đồ trước khổ hình thập giá của Thầy Giêsu thì biến cố ấy cũng giúp chúng ta tin rằng những hy sinh hãm mình, những chấp nhận đau khổ của chúng ta để noi gương Chúa Kitô trong con đường thập giá không phải là vô ích. Cũng như Chúa Kitô chỉ vinh hiển sau khi trải qua khổ hình thập giá thì cuộc đời của chúng ta cũng chỉ hạnh phúc khi can đảm vác thập giá đời mình mà theo Chúa Kitô.