Sự tin tưởng vào sự sống lại dường như là bản năng của con người nên ngay từ xa xưa người ta đã tìm cách bảo quản thân xác để khỏi bị tan rữa, như các xác ướp ở Ai Cập. Nhưng thành thật mà nói, có ai muốn sống lại trong một thân xác già yếu, xấu xí, bệnh hoạn? Nghĩ cho cùng, ước mơ được sống trường sinh chỉ có thể trả lời bằng sự phục sinh của Chúa Giêsu.
Tối hôm qua, toàn thể Giáo Hội đã long trọng cử hành lễ Phục Sinh của Chúa Giêsu với các nghi thức đầy ý nghĩa. Đó là biến cố quan trọng nhất trong Kitô Giáo, bởi vì nếu Chúa Giêsu không sống lại, có lẽ Kitô Giáo cũng đã tàn lụi với thời gian. Nói cách khác, nếu thân xác của Đức Giêsu cũng bị mục nát trong lòng đất như bao nhiêu người khác thì số phận con người chẳng có gì thay đổi: chết là hết. Nhưng Đức Giêsu đã sống lại.
Sự Phục Sinh của Đức Giêsu là sự kiện duy nhất trong lịch sử loài người, do đó, những ai theo Chúa Kitô thì quá vui mừng, sung sướng vì biết rằng chết không phải là chấm dứt sự sống, mà nó chỉ là một sự biến đổi cực kỳ quan trọng để chúng ta đi vào thế giới bên kia sống với Thiên Chúa.
Trong tâm trạng vui mừng đó, có lẽ chúng ta muốn biết sự phục sinh của Chúa Giêsu xảy ra như thế nào. Nhưng chúng ta thất vọng khi nghe các đoạn phúc âm quá đơn sơ vào tối hôm qua cũng như hôm nay, trong đó – các phụ nữ, có bà Maria Mácđala, và các tông đồ – chỉ thấy ngôi mộ trống, chứ không được tận mắt thấy Đức Giêsu phục sinh!
Tại sao lại như vậy? Đó là một biến cố độc nhất vô nhị trong lịch sử thì lẽ ra Giáo Hội phải chọn những đoạn phúc âm nào nghe có vẻ hùng tráng, quyền lực, như đoạn phúc âm của Mátthêu, trong đó thánh sử viết: “Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi” (Mt 28:1-5).
Tại sao Giáo Hội không chọn đoạn phúc âm hùng mạnh này để mở đầu cho mùa Phục Sinh? Thắc mắc của chúng ta cũng đã được các học giả Kinh Thánh nghĩ đến từ lâu, và họ đã khổ công tìm kiếm mọi tài liệu trong lịch sử để có thể kết luận rằng, sự thật là không ai được chứng kiến sự phục sinh của Đức Giêsu bởi vì không ai dám nghĩ rằng người chết sẽ sống lại để chờ đợi, mà sự kiện đầu tiên sau cái chết của Đức Giêsu là ngôi mộ của Người thì trống rỗng!
Câu hỏi được đặt ra ở đây là nếu sự thật đúng như thế, tại sao lại có sự khác biệt giữa các thánh sử? Giáo Hội dạy rằng các phúc âm không phải được sáng tác như kiểu cách chúng ta hiểu ngày nay với sự ghi chép ngay tại chỗ những gì mắt thấy tai nghe. Các phúc âm được thành hình sau khi Chúa Giêsu lên trời và nhiều nhân chứng đầu tiên đã từ trần. Có thể nói, các phúc âm được phát triển, tiến hóa theo thời gian, dựa trên sự tường thuật chứ không phải chữ viết và cũng bị thay đổi theo lòng đạo đức của những người theo Chúa Kitô thời bấy giờ. Bởi thế có nhiều sự kiện không thể kiểm chứng được, trong khi Giáo Hội lại không muốn trình bày về Chúa Giêsu theo cảm tính mà không theo sự thật.
Sự thật không thể chối cãi là Đức Giêsu đã sống lại vĩnh viễn trong một thân xác hoàn toàn mới, và đã xuất hiện với nhiều người thời bấy giờ mà họ đã kể lại cho các thế hệ sau này được biết. Chúng ta sẽ nghe thêm về sự xuất hiện của Đức Giêsu Phục Sinh trong các Chúa Nhật tới, hôm nay, chúng ta sẽ dựa vào các bài đọc để suy diễn và tìm ra một vài ý nghĩa nào đó giúp cho đức tin của chúng ta.
Trước hết, tại sao bà Maria Mácđala ra mộ từ sáng sớm chứ không phải các ông tông đồ? Dựa vào tâm lý thông thường của con người, chúng ta có thể nói rằng các bà nhiều tình cảm hơn các ông, vì tình cảm dạt dào dành cho Đức Giêsu, các bà đã ra mộ từ sáng sớm để tiếp tục công việc tẩm liệm cho Đức Giêsu. Nhưng nếu đã chết thì tẩm liệm để làm gì?
Để hiểu sự việc này, chúng ta phải trở về tục lệ chôn cất và niềm tin của người Do Thái ở thế kỷ thứ nhất. Đối với họ, không có sự tách biệt giữa thân xác và linh hồn con người. Khi nào còn thân xác thì người ta còn phải chịu sự đau khổ về thể xác. Do đó, họ cho rằng khi người chết nằm trong mộ là khi bị dòi bọ rúc rỉa, rất đau đớn mà tẩm liệm là thoa dầu lên thân xác thì có thể xoa dịu được. Và cho đến một năm sau, khi thân xác đã rữa, chỉ còn bộ xương, họ sẽ đến thu gom các xương đó và cho vào một bình sành, được chôn lần thứ hai và chờ đợi ngày sống lại. Họ tin rằng, Thiên Chúa sẽ làm cho con người sống lại như người ta dệt vải trên một cái khung – khung đó là bộ xương của con người – nên mất bộ xương là mất hy vọng sống lại! Hiểu như thế, chúng ta mới thấy các bà đã hốt hoảng thế nào khi không thấy thi hài của Đức Giêsu còn trong ngôi mộ.
Điểm thứ hai, những người đầu tiên được thấy ngôi mộ trống là các phụ nữ chứ không phải là các ông tông đồ. Sự kiện này khiến những ai cho rằng sự phục sinh của Đức Giêsu là một sự bịa đặt thì họ phải sững sờ, suy nghĩ. Ngày xưa, các phụ nữ là công dân hạng hai, không được tín nhiệm như các ông nên không ai dùng các bà làm nhân chứng trước tòa. Do đó, nếu sự phục sinh của Đức Giêsu là sự bịa đặt thì chẳng lẽ các môn đệ của Đức Giêsu lại ngây thơ đến độ dùng các phụ nữ là nhân chứng đầu tiên! Nói cách khác, sự phục sinh của Đức Giêsu là một thực tại, không phải sự bịa đặt của các môn đệ, họ thấy sao thì kể lại như vậy.
Điểm thứ ba là các khăn liệm vẫn còn sót lại mà xác thì không. Ở đây chúng ta có thể suy diễn rằng khăn liệm tiêu biểu cho sự chết của loài người. Đã là con người thì ai cũng phải chết. Sự chết giống như khăn liệm thắt chặt thân xác chúng ta, kềm giữ chúng ta trong nấm mồ. Nhưng Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết bằng sự sống lại. Nhưng sự sống lại này không phải là tạm thời mà vĩnh viễn. Điều đó có nghĩa thân xác mới của Đức Giêsu không cần đến khăn liệm nữa nên nó được bỏ lại trong ngôi mộ trống.
Qua một vài suy diễn trên, chúng ta thấy sự phục sinh là một thực tại đầy hy vọng cho những ai theo Chúa Kitô. Hy vọng đó không phải là vô căn cứ mà có nền tảng là chính Chúa Kitô, và còn được củng cố bằng lời chứng của các tông đồ như chúng ta được nghe T. Phêrô làm chứng về Chúa Giêsu trong bài đọc một hôm nay.
Đoạn văn này, được gọi là Tin Mừng Tiên Khởi, tóm lược cuộc đời của Đức Giêsu và sự phục sinh của Người, và điểm quan trọng là T. Phêrô tuyên xưng rằng, “Người [Đức Giêsu] là Đấng mà Thiên Chúa đặt làm thẩm phán xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng: bất cứ ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.”
Cuộc đời của Đức Giêsu minh chứng cho chúng ta thấy rằng Người là một thẩm phán dùng tình thương chứ không phải quyền lực để xét xử chúng ta. Người đã sống tình yêu một cách thực tế qua sự hy sinh cuộc đời mình để minh chứng rằng tình yêu thì quan trọng hơn tất cả. Do đó, Đức Giêsu không sống lại trong sấm sét, hay sau trận động đất kinh hoàng để làm người ta sợ hãi mà đi theo Chúa. Nhưng Chúa Giêsu sống lại cách âm thầm mà chỉ những ai yêu mến Chúa mới có thể nhận ra ý nghĩa của sự sống trong sự chết. Ngôi mộ trống và khăn liệm tượng trưng cho vật chất, danh vọng, và quyền lực ở đời này, tất cả sẽ vô giá trị khi bước vào sự sống đời sau.
Ngày nay, chúng ta cũng có thể gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh khi thể hiện tình yêu trong cuộc sống hàng ngày, đối với tha nhân, nhất là đối với những người gần gũi với chúng ta. Đi theo Chúa Kitô Phục Sinh có nghĩa chúng ta phải đổi mới cái nhìn của mình đối với mọi người. Đừng để các thành kiến, các thói quen xưa cũ trói buộc chúng ta trong một lối sống, dù là đạo đức, mà nó có thể gây đau khổ cho người khác.
Chúng ta hãy làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh bằng một cuộc đời hy sinh, phục vụ vô vị lợi để minh chứng cho mọi người thấy rằng tình yêu thì có sức mạnh, và sức mạnh ấy có thể chiến thắng ngay cả bản thân của chúng ta.