Thế giới Địa Trung Hải sống bởi một niềm tin sâu đậm vào các thần thánh mà họ hiện diện rất đông không đếm nổi và phần lớn sự tiêu khiển của họ là can thiệp một cách thất thường vào đời sống hàng ngày của con người. Các văn hóa Địa Trung Hải cá biệt, như Ý hay Tây Ban Nha, dựa vào một chuỗi bùa hộ mệnh, các câu thần chú, hay các dấu hiệu khác để tránh khỏi sự tấn công của các thần khí này.
Trong thế giới này, màu xanh dương là một mầu được ưa thích vì tin rằng có một sức mạnh đặc biệt bảo vệ khỏi các thần khí. Dân ở đó sơn khung cửa sổ và khung cửa chính mầu xanh hoặc đeo băng vải hay mặc y phục mầu xanh chính vì lý do này. Những người khác thì đeo các mề đay đặc biệt, bùa ngải, bùa hộ mệnh, mà được bảo đảm là ngăn cản những sự tấn công.
Bấy giờ, trong việc thanh tẩy, khi tiếng từ trời nhận biết Đức Giêsu là “Con Trai của ta, người được Yêu Dấu; ta rất hài lòng về người” (Lc 3:22), thì tất cả các thần khí đều nghe lời ca tụng này. Mọi người quê quán ở Địa Trung Hải đều biết điều gì phải và sẽ xảy đến trong cuộc đời của Đức Giêsu. Các thần khí sẽ thử thách Người để xác định xem lời ca tụng này có thực sự đúng hay không, và nếu có thể đúng, các thần khí sẽ tìm cách làm cho Đức Giêsu thi hành điều gì đó làm phật lòng Thiên Chúa.
Vì thế, điều không ngạc nhiên là cảnh tượng kế tiếp trong cuộc đời Đức Giêsu mà Luca trình bày là “sự cám dỗ.” Đức Giêsu thì tràn đầy Thánh Thần. Người được dẫn đưa bởi một thần khí tốt vào hoang địa, môi trường sống thông thường của các thần khí, ở đây Người chiến đấu với một thần dữ, là quỷ.
Điều rất ngạc nhiên trong tường thuật của Luca là Đức Giêsu không mặc y phục mầu xanh dương hoặc sử dụng một bùa hộ mệnh hoặc ngay cả các câu thần chú đặc biệt nào để bảo vệ. Thay vào đó, Người trực tiếp tham dự cuộc đối thoại diện đối diện với thần dữ này trong một cuộc tranh luận về Sách Thánh.
Ba lần Đức Giêsu bị cám dỗ thi hành điều gì đó mà sẽ khiến Người là một đứa con làm phật lòng. Ba lần Đức Giêsu trả lời với một đoạn trích từ Sách Thánh (Đnl 8:3; 6:13; 6:16) để chế ngự sự cám dỗ. Quỷ cũng trích Sách Thánh chống với Đức Giêsu (Tv 91:11-12, thánh vịnh đáp ca của Chúa Nhật này) nhưng vẫn không thành công làm Người vấp ngã. Đức Giêsu chiến thắng cuộc tranh luận này, và quỷ từ giã Người “cho đến khi có cơ hội” (xem Luca 22:3).
Câu chuyện cám dỗ này được dựa trên và được thận trọng trau chuốt theo khuôn khổ những cám dỗ ở sa mạc của Ít-ra-en trong cuộc Xuất Hành từ Ai Cập. Luca xếp đặt những cám dỗ này khác với Mátthêu để chấm dứt với Đền Thờ Giêrusalem là cám dỗ sau cùng. Giêrusalem và Đền Thờ là chủ đề xuyên suốt cho Luca, như ngọn núi là cho Mátthêu.
Hiển nhiên, câu chuyện chiến thắng quỷ dữ của Đức Giêsu thì không được Luca có ý định làm mô hình cho Kitô Hữu mà họ cũng chiến đấu chống với các thần dữ. Không Kitô Hữu nào có được các quyền năng mà ở đây Đức Giêsu bị cám dỗ sử dụng cách sai lầm.
Trong câu chuyện cám dỗ này, mục đích của Luca là trình bày Đức Giêsu chính là người mà Gioan Tẩy Giả đã tiên đoán: “người quyền thế hơn” (Luca 3:16). Thật vậy, sau này trong Phúc Âm, Đức Giêsu sẽ diễn tả chính mình và hoạt động của Người với cùng cách nói: chỉ có một “người quyền thế hơn” hoặc “người mạnh hơn” quỷ mới có thể xua trừ các ác thần (Luca 11:22).
Các độc giả đầu tiên của Luca thắc mắc, “tại sao tôi phải tin vào Đức Giêsu?” thì được những câu trả lời phù hợp về văn hóa. Đức Giêsu trưng bày một mức độ khác thường để chế ngự sự sống và thiên nhiên. Người có được một khả năng để bảo vệ và duy trì vinh dự của mình và tránh sự xấu hổ. Cho đến khi Người bị bắt, bị xử, và bị chết, không có ai – loài người hay thần khí – thành công trong việc làm nhục Người, làm Người vấp ngã, hoặc khiến Người thất bại với vị thế và mục tiêu được Người khẳng định. Quả thật Đức Giêsu là “người quyền thế hơn.”
Nói chung, người Hoa Kỳ không tin rằng các thần khí có thể gây cho họ những khó khăn. Sự tin tưởng của nền văn hóa này là điều làm cho nhân vật hài hước của Flip Wilson, là Geraldine, khiến người ta phải bật cười với câu bào chữa: “Quỷ khiến tôi làm điều đó!”
Nhưng người Hoa Kỳ hiểu về quyền lực. Họ đặc biệt hiểu và bực bội việc lạm dụng quyền hành bởi những người mà lẽ ra họ phải sử dụng quyền ấy cho ích lợi của người khác. Các học giả vạch ra rằng, trong các Phúc Âm, Đức Giêsu không sử dụng quyền hành của mình một chút nào ngoại trừ đối với các thần khí và quỷ. Nhìn từ quan điểm này, việc từ chối lạm dụng quyền hành của Đức Giêsu đem cho người Hoa Kỳ điều gì đó rất thích hợp để suy nghĩ.