Cả 4 Tin Mừng đều kể lại câu chuyện Đức Giê-su chịu phép rửa, điều đó cho thấy biến cố này rất quan trọng. Nhưng mỗi vị thánh sử đều nhấn mạnh trên điểm này hay điểm nọ. Và quả thật ích lợi khi chúng ta tiếp cận mầu nhiệm dưới nhiều góc độ khác biệt nhau và bổ túc nhau. Thánh Lu-ca, được chúng ta đọc trong năm nay, nhấn mạnh tới 3 điểm mà các trình thuật khác không nêu bật: 1- Đức Giê-su chịu phép rửa “như toàn dân”...; 2- Chính khi “đang cầu nguyện” mà Người nhận lãnh Thánh Thần...; Sau cùng, tiếng nói đến từ trời xác nhận Người được “Cha sinh ra hôm nay.”
Theo phụng vụ, phép rửa này của Đức Giê-su đến ngay sau các cử hành long trọng của lễ Giáng Sinh và Hiển Linh. Điều đó có thể khiến chúng ta lầm lẫn. Với Lu-ca, chúng ta đã nghe trình thuật các thiên thần xưng tụng căn tính thần linh của Hài Nhi Bê-lem: “Hôm nay đã sinh ra cho anh em một Đấng Cứu Độ. Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa!” Chúng ta cũng đã cùng với Mát-thêu nghe nói đến việc các đạo sĩ vinh sang rực rỡ đến “bái lạy Đức Vua dân Do-thái.” Cuối cùng, Lu-ca đã thuật lại cho chúng ta câu nói gây kinh ngạc mà cậu bé Giê-su thốt lên với song thân lúc 12 tuổi: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Thành thử chúng ta quá biết rõ Đức Giê-su là “ai” rồi. Nhưng đã chẳng như thế khi Đức Giê-su xuất hiện bên bờ sông Gio-đan hôm nay. Đấy là một kẻ vô danh. Người còn chưa kêu gọi môn đệ nào. Người còn chưa bắt đầu sứ vụ. Người đã chẳng mở miệng rao giảng. Đó chỉ là một chú thợ mộc nghèo hèn, đến từ một ngôi làng chẳng hề ai biết. Nhưng đấy cũng là một con dân Do-thái hành đạo, trung thành, mà Lu-ca bảo là đang làm y như thiên hạ. Chi tiết này chẳng phải được tình cờ ghi nhận. Ta hãy đón nhận nó như một lời mời gọi ngỏ với cuộc sống thụ tẩy của riêng mình.
Chúng ta cũng vậy, đối với nhiều hành vi tôn giáo của mình, chúng ta đã chẳng đơn giản hòa mình vào trong một đoàn dân sao? “Y như toàn dân chịu phép rửa”, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa. Bao thập niên nay, người ta đã thấy nhiều ki-tô hữu trong thực tế đã từ bỏ kiểu trung thành đơn giản này, đặt lại vấn đề nhiều truyền thống đáng tôn trọng... ví dụ họ chẳng còn cho con cái mới sinh chịu rửa tội, chẳng còn đến nhà thờ cử hành phép hôn phối, chẳng còn trung thành đi lễ Chúa nhật... Điều đó có thể xuất phát từ ý muốn sống chân thực. Nhưng trong các thái độ ấy, khi muốn tỏ ra phản chứng, chẳng có một thói kiêu căng ngấm ngầm, từ chối “làm như mọi người”, “làm như bổn đạo” sao? Tuy nhiên chúng ta biết rõ: chẳng có cuộc sống ki-tô hữu đơn độc. Một ki-tô hữu đơn độc mau chóng thành một ki-tô hữu chết. Nhập vào “đoàn dân Giáo hội” là một nhu cầu sinh tử. Và hiệu quả đầu tiên của phép rửa chính là làm cho chúng ta đi vào trong gia đình các con cái của Thiên Chúa, thành anh em của Đức Giê-su, Đấng từng sống cuộc sống của dân mình, cách đơn giản.
Khác với các tác giả Tin Mừng kia, Lu-ca trình bày cho thấy Thánh Thần tuôn tràn trên Đức Giê-su không phải như hậu quả của việc Người chịu phép rửa, nhưng như hoa quả của việc Người cầu nguyện. Ta biết rằng Lu-ca chẳng bỏ lỡ cơ hội nào để nêu bật hai điểm này: cầu nguyện... Thần Khí... Hiển nhiên Đức Giê-su đã chẳng chờ hôm đó để được đầy tràn Thần Khí Thiên Chúa. Nhưng qua lần cầu nguyện này, trong sự thân tình với Cha, Người nhận lãnh một sự tuôn tràn Thần Khí mới mẻ, như sách Công Vụ sẽ kể lại cho chúng ta nhiều trường hợp tương tự. Thành ra ít nhất ở đây chẳng phải là một loại ơn thánh hóa cá nhân cho bằng là một ơn đoàn sủng, như người ta hay nói hiện nay. Đặc tính của đoàn sủng, đó là ơn Thánh Thần ban vì lợi ích của cộng đoàn, không phải cho bản thân, nhưng cho mọi người khác. Và rõ ràng là Đức Giê-su hôm nay nhận lấy ơn gọi để bắt đầu sứ vụ công khai của mình. Và chính Người sẽ nhắc lại điều đó. Vì sau một cuộc tĩnh tâm 40 ngày trong hoang địa, chúng ta gặp lại Người đưa ra bài giảng đầu tiên trong hội đường Na-da-rét mà rằng: “Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi... Người đã xức dầu cho tôi... Người đã sai tôi đi công bố Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn...”
Phần chúng ta thì sao? Cũng chẳng phải chỉ qua lời cầu nguyện mà chúng ta có thể nhận được đầy tràn Thánh Thần như thế, nhận được đoàn sủng như thế, vốn sẽ thúc đẩy chúng đi loan báo Tin Mừng, phục vụ anh em, làm chứng cho đạo? Chúng ta đã chẳng có khuynh hướng xem việc cầu nguyện như một hành vi riêng tư sao, chỉ cần thiết cho việc duy trì đời sống nội tâm của mình? Bí tích ban Thánh Thần, mang danh hiệu “Thêm sức” theo truyền thống, bổ túc cho bí tích Rửa tội, là bí tích tuôn tràn Thần Khí cách mới mẻ. Thế mà bí tích này hướng chúng ta đến việc làm chứng nhân, đến trách nhiệm phúc âm hóa thế trần.
Mạc khải này chẳng gây ấn tượng khi nghe sao? Chúng ta hãy để mình kinh ngạc. Chớ gì mấy tiếng đó đừng bị ta không thèm để ý, tỏ ra dửng dưng, như thể chúng chẳng có ý nghĩa gì. “Ngày hôm nay...” “Cha đã sinh ra Con...” Đây là câu minh nhiên nhắc lại điều mà các thần học gia gọi là “việc nhiệm sinh vĩnh cửu của Ngôi Lời giữa lòng Ba Ngôi Thiên Chúa.” Anh thanh niên làng Na-da-rét, tín hữu Do-thái hành đạo như toàn dân, thực ra đầy tràn một mầu nhiệm khôn tả. Người được Thiên Chúa “sinh ra” trong một thứ Hiện tại vĩnh cửu, thường tồn. Chúng ta thiếu từ ngữ để nói lên mầu nhiệm này. Và mọi hình ảnh đều vô ích. Dù sao hãy cố gắng đừng giản lược, thu gọn Đức Giê-su vào trong đầu óc nhỏ bé của chúng ta. Hãy để mình chìm ngập, như lời loan báo của Gioan Tẩy giả, “trong Thánh Thần và lửa” hầu khám phá Ngôi vị khôn tả giấu ẩn đằng sau chú thợ mộc đơn hèn. Vâng, chúng ta cần phải nhiệt thành nhảy vào trong Thiên Chúa với một con tim cháy bỏng lửa nội tâm, thay vì lạnh lùng lý luận với duy bộ não phàm nhân của mình.
Vào khoảng cuối thế kỷ VI Công nguyên, tại thành Công-tăng-ti-nô-pô-li có một thượng phụ tên là Gioan nhiều phẩm cách và đức hạnh. Ông hăng hái làm việc lành phúc đức và sống kham khổ nhiệm nhặt đến độ được gọi là “Gioan, người chay tịnh.” Bất hạnh thay, ông vấp phải một khuyết điểm trầm trọng là kiêu ngạo. Lòng kiêu ngạo này khiến ông ganh tị với Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô I. Ông từng nói với khâm sai của Đức Giáo Hoàng rằng: “Hà cớ gì Ghê-gô-ri-ô lại là thủ lĩnh Giáo hội? Công-tăng-ti-nô-pô-li rộng lớn hơn Rô-ma, hoàng đế cũng đóng đô nơi này. Đây là thủ đô của đế quốc, vậy nó cũng phải là thủ đô của Giáo hội nữa chứ! Điều ấy có nghĩa chính ta phải là Giáo hoàng mới đúng.” Một ngày kia, dường như không còn kìm nén được lòng ganh tị của mình, ông đã viết gởi Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô I một phong thư, ký tên như sau: “Gioan, Giám mục toàn cầu, nghĩa là thủ lĩnh toàn thể Giáo hội.”
Thánh Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô rất khổ tâm. Người tự nghĩ: “Thủ lĩnh Giáo hội chắc chắn là ta rồi, vì thánh Phê-rô từng làm Giám mục Rô-ma và ta là người kế vị. Ta sẽ đáp lời ông ấy rằng thủ lĩnh Giáo hội chính là ta, nhưng để xoa dịu tính kiêu ngạo và lòng ganh tị của Gioan, ta sẽ cho ông ấy biết: Thủ lĩnh Giáo hội thì không như các bậc vua chúa trần gian, chuyên đòi danh dự và quyền lực lớn lao rồi cậy vào đó mà kiêu ngạo. Ta sẽ trả lời ông theo những gì Chúa Giê-su đã dạy.” Người đã viết thư phúc đáp mà ký tên như sau: “Ghê-gô-ri-ô, tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa.” Từ đó về sau, tất cả các vị giáo hoàng đều ký như thánh Ghê-gô-ri-ô I.
Là Ngôi Hai, Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, nhưng Đức Giê-su đã trình làng như một kẻ vô danh, khiêm hạ, đứng bên cạnh các tội nhân, nhờ Gioan ban phép rửa!