Người xưa có một quan niệm về vũ trụ rất ngộ nghĩnh. Họ chia nó thành ba tầng thế giới chồng lên nhau giống như ba tầng bánh “ga tô”. Tầng trên cùng là nơi Chúa ngự được gọi là trời hay thiên đường. Tầng giữa nơi có loài người sinh sống được gọi là thế giới sinh vật, còn tầng chót là nơi con người sẽ đến sau khi chết, được gọi là âm phủ hay thế giới người chết.
Từ khi Adam, Eva phạm tội, tầng giữa tức thế giới sinh vật càng ngày càng trở nên tồi tệ. Vì thế các thánh nhân đã cầu xin Chúa từ trời ngự đến cứu giúp trần thế hỗn loạn của họ. Chẳng hạn, ngôn sứ Isaia đã nài xin Chúa “Sao Ngài không xé bẩu trời xuống với chúng con?” (Is 64: 1) và tác giả Thánh vịnh cũng kêu cầu: “Lay Chúa, xin hãy xé bầu trời ra và xuống với chúng con” (Tv 144:5)
Chúng ta phải đọc bài Phúc Âm hôm nay trong bối cảnh này. Bài Phúc Âm mô tả ba biến cố xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Trước hết, là bầu trời mở ra trên Chúa Giêsu, tiếp đến là một con chim bồ câu từ trời xuống bay lượn trên Chúa Giêsu và trên nước. Và cuối cùng là tiếng nói từ trời thốt ra: “Con là Con Ta rất yêu dấu”. Bây giờ chúng ta hãy xét kỹ hơn từng biến cố một.
Trứơc hết là biến cố bầu trời mở ra trên Chúa Giêsu. Theo những điều đã nói ở phần trên chúng ta có thể hiểu rõ ý nghĩ của biến cố này. Lời cầu xin của các thánh nhân đang được đáp trả. Chúa đã xé bầu trời đến trần gian để chỉnh đốn sự hỗn loạn nơi đây. Nói cách khác, việc Chúa Giêsu xuất hiện và chịu phép rửa nơi sông Giodan đánh dấu bình minh của một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.
Từ đó chúng ta bước sang xem xét biến cố kế tiếp cũng xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Thần Khí Chúa dưới hình một con chim bồ câu từ tầng trời mở toang bay xuống lượn vòng trên Chúa Giêsu và trên mặt nước. Sự kiện này nhắc ta nhớ lại lúc bắt đầu tạo dựng thế giới Thần khí cũng bay là là trên nước giống như vậy. Sách Sáng Thế đã mô tả giây phút oai nghi ấy như sau: “Từ nguyên thuỷ …. Thần lực Chúa chuyển động trên mặt nước. Đoạn Chúa truyền lệnh: ‘Hãy có ánh sáng - lập tức ánh sáng liền xuất hiện’.” (St 1: 1-3). Như thế sách Sáng Thế là nền tảng giúp ta hiểu ý nghĩa biến cố thứ hai này. Chim bồ câu bay lượn trên Chúa Giêsu và trên nước là hình ảnh muốn báo cho chúng ta biết sắp có một cuộc tạo dựng mới xảy ra. Chúa sắp sửa tái tạo và canh tân thế giới chúng ta. Người sắp sửa thực hiện lời hứa qua môi miệng ngôn sứ Isaia; “Ta sắp tạo dựng một trái đất mới, những sự việc đã qua sẽ không còn được nhắc nhở nữa…. Trên trái đất mới này chỉ toàn là sự vui mừng và hạnh phúc” (Is 65: 17-16)
Chúng ta hãy tiếp tục xét đến biến cố thứ ba cũng là biến cố sau cùng xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Bầu trời vừa mở ra thì có chim bồ câu lượn là là trên mặt nước và có tiếng nói từ trơi vọng xuống: “Con là Con Ta yêu dấu”. Ý nghĩa của biến cố thứ ba này thật rõ ràng; Chúa Giêsu được xác nhận là Con Thiên Chúa, là “Adam mới”, là trưởng tử của công cuộc tạo dựng mới. Khi bình luận về vai trò của Chúa Giêsu được ví như Adam mới trong cuộc tân tạo. Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Côrintô những dòng sau: “Người thứ nhất tức Adam từ đất mà ra, và thuộc về đất, người thứ hai tức Đức Giêsu từ trời mà đến…. chúng ta đã mang trong mình hình ảnh con người bởi đất - tức Adam cũ - thế nào, thì chúng ta cũng mang hình ảnh con người bởi trời - tức Adam mới – như thế ” (1 Cr 15; 47-49)
Tóm lại, ba biến cố xảy ra ngay khi Chúa Giêsu chịu phép rửa mặc khải cho ta biết ba điều:
Từ đó, chúng ta rút ra kết luận thực tiễn sau đây: Chúng ta là công dân của hai thế giới, nghĩa là chúng ta mang trong mình hình ảnh của Adam thứ nhất lẫn Adam thứ hai, nên chúng ta chia xẻ sự sống với cả hai vị này. Chúng ta từng cảm nghiệm được sức lôi cuốn về mặt xác thịt của Adam thứ nhất và sự thôi thúc tinh thần của Adam thứ hai. Điều này cắt nghĩa được lý do chúng ta thường bị xâu xé về mặt tâm linh. Vì chúng ta vừa bị lôi cuốn làm điều tốt, đồng thời bị lôi cuốn làm điều xấu. Trong thư gởi tín hữu Rôma, chính thánh Phaolô đã nhắc lại sự xâu xé tâm linh này: “Tôi không làm điều tôi muốn, mà lại làm điều tôi ghét ” (Rm 7: 15)
Và như thế bài Phúc Âm hôm nay làm nổi bật hai sự kiện. Sự kiện thứ nhất là cách đây hơn 2.000 năm Thiên Chúa đã xuống trần gian, nơi con người Chúa Giêsu để bắt đầu công cuộc tái tạo. Sự kiện thứ hai mà bài Phúc Âm cho biết là mỗi người chúng ta là một phần trong cuộc tái tạo này. Chúa tái tạo chúng ta khi chúng ta chịu phép rửa tội bằng cách tháp nhập chúng ta vào thân thể Đức Giêsu, Con của Người. Tuy nhiên, Chúa giao cho chúng ta trách nhiệm hoàn tất việc tái tạo của riêng chúng ta bằng cách chúng ta cầu nguyện và nhận lãnh bí tích đặc biệt là bí tích Thánh Thể mà trong vài phút nữa chúng ta sẽ chia sẻ cùng nhau. Và cuối cùng, chúng ta nên nhớ rằng chỉ khi nào chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu chúng ta mới có thể gọi Chúa là Cha, và đồng thời chỉ khi nào Thiên Chúa là Cha thực sự của chúng ta. Chúng ta mới được chia sẻ sự sống vĩnh cửu với Người.
Để kết thúc, chúng ta hãy đọc lại lời thánh Phaolô nhắn gởi chúng ta trong bài đọc thứ hai hôm nay;
“Bất cứ ai trong bất cứ dân tộc nào mà kính sợ Thiên Chúa và thực thi công chính thì đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel loan tin bình an qua con người Đức Giêsu là Chúa cả muôn loài ”.