Cũng như nhiều người nghe ông Gioan Tẩy Giả rao giảng (Luca 3:1-14), Đức Giêsu một nghệ nhân cũng được khích động để đến nhận phép rửa của ông này. Các học giả tin rằng với phép rửa này, Đức Giêsu cũng trở nên một môn đệ của ông Gioan, và cho đến khi ông Gioan bị tù và bị chết, chính Đức Giêsu ban phép rửa của ông Gioan cho những người khác (xem Gioan 3:22; 4:2).
Trong các tường thuật của Mátthêu, Máccô, và Luca về phép rửa của Đức Giêsu, lời chứng của tiếng nói từ trời thì rất quan trọng. Đức Giêsu được nhận biết là “Con trai của ta, người yêu dấu, ta rất hài lòng về người” (Luca 3:22).
Thế giới Địa Trung Hải xưa tin rằng người nam đặt một người tí hon đã phát triển đầy đủ (một hạt giống) vào người nữ (chỉ được coi là một cánh đồng cho hạt giống này). Vì chưa có được sự hiểu biết hiện thời về sinh sản và thiếu các thử nghiệm quan hệ cha con tối tân của thời đại chúng ta (xem Ds 5:11-31 về thử nghiệm của họ), những người này hoàn toàn không thể chứng minh quan hệ cha con ở mức độ sinh học.
Vì lý do này, việc thừa nhận quan hệ cha con cách công khai và có tính chất xã hội bởi người nam thì rất quan trọng. Hành vi này không chỉ ban cho đứa trẻ một vị trí hợp pháp và thích hợp trong cộng đồng nhưng còn công khai buộc người cha phải chấp nhận trách nhiệm về trẻ này. Trong bản dịch của Luca về phép rửa của Đức Giêsu, tiếng từ trời nhận biết Đức Giêsu là “Con Trai của ta, người ta yêu dấu, ta rất hài lòng về người.”
Đây là một loại cảm nghiệm nào của loài người mà trong đó Đức Giêsu nghe có tiếng nói từ trời nói với mình? Các học giả nhận xét rằng đó là một cảm nghiệm trong trạng thái ý thức bị biến đổi hoặc một cảm nghiệm về thực tại khác. Trung bình, 90 phần trăm văn hóa thế giới thường có các nghiệm như thế và thấy chúng hữu ích và có ý nghĩa trong khung cảnh văn hóa của họ. Chỉ có Tây Phương kỹ nghệ hóa tìm cách ngăn cản khả năng chung này của loài người. Ngay cả các học giả nào quả quyết rằng phép rửa của Đức Giêsu là một sự dẫn giải của thánh sử thì họ cũng phải nhìn nhận rằng thánh sử này đã xây dựng cách khôn ngoan trên văn hóa và tạo được điểm hợp lý văn hóa rất thuyết phục. Sự biến hình của Đức Giêsu và những lần xuất hiện của Đức Giêsu phục sinh cũng thuộc về loại cảm nghiệm này của loài người.
Các phả hệ trong thế giới xưa phục vụ nhiều mục đích khác nhau và rất thường được viết lại để phù hợp với mục đích. Phả hệ của Đức Giêsu trong Mátthêu mở đầu Phúc Âm này và xác nhận căn tính của Người là một con trai của Đavít và con trai của Abraham (Mt 1:1-17). Phả hệ của Luca lại được đặt vào ngay sau tiếng nói từ trời tuyên bố Đức Giêsu là người yêu dấu và Con Trai được hài lòng (Luca 3:23-28). Cũng như tiếng vọng từ trời, mọi ghi nhận vào phả hệ này đều lập lại câu “con trai của” như để nhấn mạnh đến lời chứng của Thiên Chúa về Đức Giêsu. Trong câu cuối cùng, Đức Giêsu được nhận diện là con trai của Adong, con trai của Thiên Chúa. Đây đúng là điều tiếng này nói!
Một chức năng khác của phả hệ là để ghi nhận và phê chuẩn tình trạng xã hội của một người, cấp bậc vinh dự của một người. Các phả hệ thời xưa thường được viết lại để nói lên điểm này, như hai phả hệ khác biệt được tường thuật bởi Luca và Mátthêu cho thấy. Bất kể sắc thái đặc biệt nào mỗi thánh sử muốn tạo ra, cả hai chắc chắn lưu tâm đến việc trình bày Đức Giêsu như một người có danh giá.
Đây là điều đặc biệt quan trọng trong trường hợp của Đức Giêsu, vì những hoàn cảnh khác thường về sự thành thai. Các phả hệ này không để sự hồ nghi về vị thế danh giá của Đức Giêsu trong xã hội, bất kể nguồn gốc của Người. Từ quan điểm này các phả hệ còn là các họa đồ hướng dẫn các tương tác xã hội. Dân ở Nagiarét nào mà hỏi, “Đây không phải là con trai của ông Giuse sao?” (Luca 4:22) thì hoặc đã quên hay không biết đến toàn thể thân thế của Đức Giêsu như được vẽ ra trong phả hệ này.
Vinh dự được gán cho Đức Giêsu cách công khai khi chịu phép rửa và được nhấn mạnh trong phả hệ của Luca lại có một hậu quả khác trong câu chuyện phúc âm. Trong từng cuốn Phúc Âm nhất lãm (Mátthêu, Máccô, và Luca), phép rửa của Đức Giêsu được theo sau bởi sự cám dỗ trong hoang địa. Trong thế giới Địa Trung Hải, mọi xác nhận vinh dự đem lại một thách đố. Người ta rất muốn thử thách người được vinh dự để xem họ có thể làm cho người này bị vấp ngã, bị xấu hổ hay không.
Khi tiếng nói từ trời quy cho Đức Giêsu một thứ hạng vinh dự hiếm có, mọi người trong nền văn hóa này để mong muốn rằng thứ hạng đó sẽ bị thử thách, nhất là bởi thần khí này hay thần khí khác nó đầy dẫy trong bầu khí chung quanh con người. Đức Giêsu không sa ngã. Thật vậy, Người đã giữ vững tình trạng vinh dự. Hơn nữa, bởi chống lại những cám dỗ và đánh bại đối thủ, thứ hạng vinh dự của Đức Giêsu lại gia tăng. Chiến thắng này đưa thêm vinh dự đạt được vào vinh dự được gán cho Người bởi tiếng nói từ trời.
Các dẫn giải thần học ngày nay về phép rửa như một nghi thức tháp nhập Giáo Hội thường làm lu mờ thực tại văn hóa căn bản mà từ đó nghi thức này phát triển. Một cái nhìn tươi mới vào phép rửa của Đức Giêsu trong bối cảnh văn hóa của nó giúp chúng ta quý trọng sự phong phú của truyền thống chúng ta.