Trong những năm gần đây, Giáo Hội Hoa Kỳ bị rúng động về bản báo cáo của bồi thẩm đoàn tiểu bang Philadelphia về việc các giáo sĩ lạm dụng tình dục, nhất là vụ ĐHY McCarrick đã phạm tội lạm dụng và sách nhiễu tình dục các chủng sinh sau nhiều năm nhưng Giáo Hội không có biện pháp thích ứng.
Giáo dân có nhiều phản ứng khác nhau, nói chung là tức giận và cảm thấy xấu hổ với người ngoài Công Giáo và họ mất niềm tin nơi các vị lãnh đạo tinh thần. Nhiều học giả Công Giáo cũng lên tiếng tìm hiểu nguyên do. Chính ĐGH Phanxicô thì cho rằng chủ nghĩa giáo quyền (clericalism) là nguyên do sâu xa của khủng hoảng lạm dụng tình dục. Chủ nghĩa giáo quyền được diễn tả là một thái độ lệch lạc đối với giáo sĩ mà nó đưa đến hậu quả là một “sự tôn kính quá đáng và thừa nhận họ [giáo sĩ] có ưu thế về đạo đức”. ĐGH Phanxicô nhận xét rằng thái độ đó có thể “được cổ vũ bởi chính các linh mục hoặc bởi giáo dân”. (Nguồn: https://www.theamericanconservative.com/dreher/the-cost-of-clericalism-rick-fitzgibbons/)
Nhân dịp này, và qua bài phúc âm hôm nay, chúng ta nên có một cái nhìn chính xác về người lãnh đạo tinh thần. Nói chung, chúng ta thường có thái độ tôn sùng các linh mục, giám mục như thần thánh, mà quên rằng các linh mục, giám mục, hay các giáo sĩ nói chung, cũng là con người, cũng có những khuyết điểm bình thường, họ cũng đang cố gắng sống đúng với ơn gọi của mình. Một khi có cái nhìn chính xác, chúng ta đừng kỳ vọng quá đáng vào các giáo sĩ, để rồi khi thấy khuyết điểm của các đấng ấy, chúng ta sẽ tuyệt vọng. Sự mất tin tưởng nơi các vị lãnh đạo tinh thần sẽ ảnh hưởng xấu đến đức tin của chúng ta.
Trong bài phúc âm hôm nay, Đức Giêsu muốn các môn đệ có cái nhìn chính xác về chính mình khi Đức Giêsu mở đầu với câu hỏi, “Người ta nói thầy là ai?” Câu hỏi này không có nghĩa Đức Giêsu muốn biết dân chúng thời ấy nghĩ gì về mình. Nhưng câu hỏi này là để gợi ý cho các môn đệ hãy suy nghĩ về sự mong đợi của họ nơi Đức Giêsu. Do đó, sau khi họ trả lời, “có người cho Thầy là ‘Gioan Tẩy Giả, người khác cho là Êligia, người khác nữa cho là một trong các ngôn sứ’”, thì Đức Giêsu đặt câu hỏi, “Còn anh em nói thầy là ai?”
Chúng ta có thể biết một người theo địa vị hay danh xưng của người ấy, tỉ như linh mục, giám mục, bác sĩ, tiến sĩ, thương gia hay kỹ sư, v.v., nhưng sự mong đợi của chúng ta nơi người ấy thì tùy theo cái nhìn chủ quan của chúng ta. Nếu chúng ta cho rằng bác sĩ, tiến sĩ phải giỏi; linh mục, giám mục phải thánh thiện, thì khi họ không sống đúng với sự mong đợi đó, chúng ta thất vọng.
Trong bài phúc âm, ông Phêrô đã lên tiếng trả lời rất đúng về Đức Giêsu, “Thầy là Kitô” – chữ Kitô có nghĩa người được xức dầu, được Thiên Chúa chọn cho một công việc đặc biệt nào đó – nhưng sự mong đợi của ông nơi Đức Giêsu thì không chính xác. Do đó, khi Đức Giêsu lên tiếng cho biết là Người sẽ bị khổ hình thập giá, bị giết chết thì ông Phêrô đã lên tiếng ngăn cản, và bị Đức Giêsu quở trách rất nặng, “Xa-tan, hãy lui ra đằng sau. Anh không suy nghĩ theo đường lối của Thiên Chúa mà của loài người”.
Có lẽ ông Phêrô và nhiều người Do Thái thời bấy giờ đang mong đợi một đấng cứu tinh về mặt quân sự và chính trị. Đó là điều đương nhiên, vì họ đang sống trong sự nô lệ cho đế quốc La Mã. Họ nhìn theo đường lối của loài người – cái gì mạnh thì thắng thế, các gì yếu thì thua thiệt. Sự mong đợi của họ là được tự do, được sung sướng vật chất giống như những người đang cai trị họ. Bởi thế, khổ hình thập giá đối với họ là một thất bại.
Nhưng chiến thắng quân sự hay thành công chính trị chỉ là một giải pháp ngắn hạn. Nhiều đế quốc, nhiều triều đại hùng mạnh trong quá khứ, giờ đây chỉ còn trên các trang giấy. Nhiều văn minh lẫy lừng một thời, bây giờ đã lỗi thời. Dần dà, người ta nhận ra rằng văn minh của con người không phải để giết hại hay đàn áp lẫn nhau, nhưng là để giúp nhau phát triển con người đến mức tối đa trong mọi lĩnh vực. Là một con người thì ai ai cũng phải có cơ hội đồng đều để phát triển khả năng, để có công ăn việc làm, và để có một đời sống hạnh phúc.
Đây là quan điểm rất phù hợp với Thiên Chúa Giáo, bởi vì mọi người đều được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa nên mọi người đều bình đẳng về phẩm giá và phải được đối xử công bằng. Những quốc gia nào tôn trọng các quyền căn bản của con người, các quốc gia ấy sẽ tiến bộ hơn, đời sống người dân ấm no hơn. Đó là lý do các quốc gia Tây Phương, vì chịu ảnh hưởng của Kitô Giáo, thì tiến bộ hơn các quốc gia vô thần, hoặc theo các tôn giáo khác.
Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, các quốc gia tiền tiến Tây Phương tìm cách xa rời Kitô Giáo và ngày càng dựa vào khoa học. Hậu quả là xã hội, thay vì hạnh phúc, lại nhiều xáo trộn. Tin tức hàng ngày đầy dẫy những tội ác, những sa đọa, những đau khổ vì đủ mọi lý do.
Chung qui là vì ảnh hưởng của tội nguyên tổ vẫn còn. Loài người không muốn vâng theo đường lối của Thiên Chúa. Hạnh phúc của con người vẫn đặt nặng trên vật chất hơn tinh thần. Bản tính ích kỷ vẫn trùm lấp lòng vị tha, bác ái. Con người muốn hưởng thụ hơn là phục vụ. Quyền lực vẫn là điều mơ ước, danh vọng vẫn là điều con người say mê tìm kiếm. Hậu quả là con người lại gây đau khổ cho con người và thay vì được giải thoát, con người lại nô lệ cho chính bản thân đầy tham vọng.
Khi theo Chúa Kitô chúng ta mong đợi gì nơi Chúa? Chắc chắn là sự cứu độ. Nhưng sự cứu độ ấy cần được hiểu như thế nào?
Đoạn cuối của bài phúc âm hôm nay cho thấy sự cứu độ của Chúa Giêsu thì có điều kiện. Chúa nói, “Ai muốn theo tôi thì hãy quên mình đi, hãy vác thập giá của mình, và theo tôi. Vì ai muốn cứu mạng của mình thì sẽ mất, nhưng ai mất mạng sống của mình vì tôi và vì phúc âm, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”
Trước hết, phải nói ngay là “quên mình đi” không có nghĩa là những ai theo Chúa thì không còn giá trị của một con người. “Quên mình” ở đây có nghĩa đừng theo ý riêng của mình mà hãy theo đường lối của Thiên Chúa. Đó là một thập giá của mỗi người. Chúng ta phải vượt qua được ý muốn riêng tư của mình để đặt Chúa và phúc âm lên trên hết, trên cả mạng sống của chúng ta. Vào thời của Chúa Giêsu, điều này có nghĩa các môn đệ phải từ bỏ sự mong đợi về Chúa Giêsu như kiểu cách thế gian là mong được thành công vẻ vang và có được quyền thế, giầu sang và danh vọng.
Quyền thế tự nó không xấu, nhưng sự nguy hiểm của quyền thế là không còn muốn lắng nghe và đón nhận sự thật. Quyền thế làm cho người nắm quyền nghĩ rằng bất cứ gì họ làm đều đúng nên không cần phải nghe ai khác. Trong khi đó, Thiên Chúa lại muốn chúng ta khiêm tốn bằng cách lắng nghe người khác để biết rõ về chính mình.
Sự giầu sang vật chất cũng vậy. Thiên Chúa dựng nên cả một vũ trụ vật chất cho loài người vui hưởng, nhưng sự nguy hiểm của giầu sang vật chất là khiến chúng ta lạc mất hướng đi. Vật chất có giá trị, nhưng các giá trị ấy không thể thỏa mãn con người cách trọn vẹn. Có những niềm vui mà tiền của không thể mua được, tỉ như, niềm vui xuất phát từ sự hy sinh, từ sự phục vụ quên mình.
Và danh vọng, tự nó không xấu, nếu đó là kết quả của một lối sống tốt. Một y sĩ giỏi thì tự nhiên nổi tiếng, ai cũng biết. Nhưng sự nguy hiểm của danh vọng là người ta có thể dùng đủ mọi cách – dù xấu xa; và mọi phương tiện – dù bất chính, để đạt được danh vọng. Danh vọng có thể làm người ta mù lòa, không biết được sự thật về chính mình.
Theo kiểu nói của Chúa Giêsu, quyền thế, giầu sang, danh vọng được người đời coi là lẽ sống thì đối với Chúa Giêsu, điều đó có thể dẫn người ta đến sự chết. Cái chết ở đây có nghĩa là nô lệ cho bản thân, chiều theo các xu hướng xấu của bản tính con người, nói chung là tội lỗi.
Tóm lại, qua bài phúc âm hôm nay, chúng ta nên tránh những lầm tưởng về Chúa Giêsu. Chúng ta không theo Chúa để được lợi lộc ở thế gian này, dù trong bất cứ ơn gọi nào. Chúng ta không theo Chúa để được Chúa làm mọi sự cho chúng ta, còn chúng ta chỉ là những bù nhìn, không có giá trị. Nhưng chúng ta theo Chúa để thấy được giá trị của một con người – giá trị đó xuất phát sự cố gắng chiến đấu với bản thân để có những hy sinh âm thầm cho gia đình, cho tha nhân, và để phục vụ một cách vô vị lợi.