Chữ Hy Lạp thường được dịch là “điếc” đôi khi có nghĩa là “câm”. Thật vậy, trong Mátthêu 11:5 và Luca 7:22, người điếc thì nghe được, trong khi trong Mátthêu 9:32; 12:22; và Luca 11:14, người điếc thì nói được. Sự kết hợp của hai nghĩa với một từ Hy Lạp thì có thể hiểu bởi vì hai khả năng này có liên quan với nhau. Nói bao gồm khả năng bắt chước những gì người ta nghe được.
Trong câu chuyện này, Máccô có ý muốn nói đến “điếc” bởi vì ông thêm một từ Hy Lạp rất đặc biệt có nghĩa “không thể nói cách rõ ràng.” Sự kiện người này có thể nói, điều đó gợi ý rằng có lẽ ông ta không điếc bẩm sinh, hoặc thính giác của ông không hoàn toàn bị mất.
Trước hết, Đức Giêsu đưa ông này vào chỗ “riêng tư”. Với bản chất công khai và tọc mạch của văn hóa Địa Trung Hải, sự riêng tư là điều không thể trên thực tế. Ngoài ra, người ta có khuynh hướng đứng rất gần với nhau. Va chạm hoặc dựa vào người khác thì hoàn toàn không thành vấn đề. Điều Đức Giêsu thi hành ở đây là có được một chút không gian dễ thở cho chính mình và thân chủ của Người.
Thứ hai, trong nền văn hóa này, trước sự sẵn sàng va chạm với người khác, việc Đức Giêsu đặt tay thì không quan trọng như trong văn hóa sạch sẽ và giữ khoảng cách của Tây Phương. Thời xưa, bàn tay là phương tiện thông thường mà qua đó một người chữa lành truyền sức mạnh chữa bệnh sang thân chủ. Vào những lúc khác, y phục của người chữa lành truyền đi sức mạnh chữa bệnh mà người chữa lành không biết hay không cố ý (Máccô 5:28-29). Nhiều khi người chữa lành có thể có hiệu quả chỉ bởi lời nói từ xa (Luca 7:7).
Thứ ba, nhổ nước bọt là một điều phổ thông của người Trung Đông để chống với sự dữ. Người nào hồ nghi người kia có “con mắt dữ” thì sẽ nhổ nước bọt để làm chệch hướng hoặc để vô hiệu hóa sức mạnh ấy. Người ở Galát “nhổ nước bọt” khi họ thấy ông Phaolô là người họ hồ nghi có “con mắt dữ” (Gal 4:14, dịch theo nghĩa đen). Những người chữa lành theo truyền thống thì thường dùng cách này để phòng ngừa sự dữ.
Thứ tư, Máccô thận trọng tường thuật chữ Aramaic được Đức Giêsu sử dụng: ‘eppattah, hoặc được chuyển âm sang tiếng Việt là “Ép-pha-tha”. Người xưa tin rằng những chữ này có sức mạnh. Nếu được chuyển dịch, chữ này sẽ mất sức mạnh của nó. Bởi thường thuật chữ Aramaic nguyên thủy, Máccô nhấn mạnh đến sức mạnh của Đức Giêsu như một người chữa lành truyền thống. (Xem Chúa Nhật 13, khi nâng dậy một thiếu nữ đã chết).
Kết quả: ngay lập tức đôi tai của người này mở ra, sự ràng buộc ở lưỡi được cởi ra, và ông nói được rõ ràng.
Một lần nữa Đức Giêsu ra lệnh cho đám đông đừng nói với ai, nhưng càng ra lệnh họ lại càng hăng hái công bố điều đó. Thế hệ học giả trước đây cho rằng sự ngăn cấm lạ thường này là một phần của “bí mật mêsia” trong Phúc Âm Máccô. Các học giả ngày nay vạch ra rằng vấn đề này thì phức tạp hơn.
Trước hết, trong thế kỷ thứ nhất của Kitô Giáo, không có ý niệm đơn độc, đồng nhất, được chấp nhận rộng rãi về ai là Mêsia và điều gì người này được mong đợi sẽ hoàn thành. Thay vào đó, có nhiều nhận xét mâu thuẫn và trái ngược về Mêsia mà việc giữ điều đó bí mật thì không cần ám chỉ mục đích sâu xa; đơn giản nó chỉ là một niềm tin. Người ta ít bối rối để đối phó với điều đó.
Thứ hai, vinh dự đòi hỏi rằng mỗi người phải ở trong các mối quan hệ vinh dự phát xuất từ tình trạng sinh hạ. Với sự di chuyển và hoạt động chữa lành, Đức Giêsu đã bước ra khỏi các ràng buộc về thứ hạng vinh dự của Người và bây giờ đặt ra một sự đe dọa nghiêm trọng đối với nền văn hóa. Là một người có vinh dự, Người phải thi hành tối đa để giữ thông tin có thể nguy hại này được giấu kín khỏi sự nhận biết của công chúng.
Thứ ba, chiến thuật phổ thông nhất để bảo vệ vinh dự của gia đình Đức Giêsu là sự bí mật, mưu mẹo, và nói dối. Bởi thúc giục sự bí mật nơi những người hàm ơn, Đức Giêsu có thể tiếp tục sứ vụ của mình để có lợi cho mọi người kể cả gia đình, bà con, và hàng xóm của Người. Dĩ nhiên, về lâu dài, điều này không hữu hiệu.
Các tín hữu Tây Phương cầu kỳ về khoa học sẽ muốn tranh luận xem người đàn ông này có “thực sự” điếc và lưỡi có bị cột lại hay không để có thể nhận biết những gì Đức Giêsu thực sự thi hành “về phương diện khoa học.” Người thời xưa thì không lưu tâm gì đến điều này. Bất cứ điều gì “thực sự” xảy ra, Đức Giêsu đã phục hồi ý nghĩa cho đời sống các thân chủ của Người. Đó là ý nghĩa của sự chữa lành. Tình tiết này có thể đem lại ý nghĩa mới mẻ nào cho đời sống của tín hữu ngày nay?