Anh chị em thân mến,
Chỉ còn một tuần lễ nữa là đến lễ Thăng thiên. Tin Mừng hôm nay thuật rằng trước khi Đức Giêsu lên trời, Người đã hứa gởi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta để giúp chúng ta chu toàn sứ mạng mà Người đã giao cho chúng ta, tức là loan báo Tin Mừng khắp thế giới. Chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong ngày được Rửa tội và Thêm sức. Nhưng chúng ta có ý thức Người đang ở trong chúng ta không, và có nghe theo sự hướng dẫn của Người không?
Bị đuổi khỏi Giêrusalem do cuộc bách hại mà những người Do Thái phát động chống các kitô hữu, phó tế Philíp lánh sang miền Samari. Ông dùng dịp này để loan Tin Mừng Đức Giêsu Kitô cho dân Samari. Nhiều người Samari đã xin lãnh nhận phép rửa. Hoạt động truyền giáo của Philíp đã có tiếng vang đến tai các tông đồ, nên ít lâu sau, chính Phêrô và Gioan đích thân đến Samari và đặt tay xin Thánh Thần xuống trên các tân tòng Samari.
Khi hồi tưởng biết bao ơn lành mà Thiên Chúa đã ban cho mình, dân Israel vui mừng cất tiếng tung hô Người và còn kêu mời cả trái đất hợp tiếng tung hô nữa.
So với dân Israel, dân kitô hữu chúng ta còn được Thiên Chúa ban nhiều ơn lành hơn gấp bội. Lẽ nào chúng ta không cất tiếng tung hô Người?
Bức thư 1 Pr do Thánh Phêrô gởi cho các tín hữu đang bị bách hại vì đạo Chúa để chỉ dạy họ cách làm chứng niềm tin giữa hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ấy:
Trước khi đi vào cuộc chịu nạn chịu chết, Đức Giêsu an ủi các môn đệ. Người sẽ không bỏ các ông bơ vơ như những đứa con mồ côi, nhưng Người sẽ ban cho họ một Đấng phù trợ khác đến ở với họ luôn mãi, đó là Chúa Thánh Thần.
Bài đọc 2 hôm nay trích từ thư thứ nhất của Thánh Phêrô gởi các tín hữu để an ủi và khuyến khích họ giữ vững đức tin trong hoàn cảnh bị nghi kỵ, thù ghét và bách hại. Tại sao hôm nay Giáo Hội muốn cho chúng ta nghe lại đoạn thư ấy?
Thưa vì sự bách hại, dưới hình thức này hay hình thức khác, là điều tín hữu không thể tránh nếu họ thực sự sống Tin Mừng. Ta còn có thể nói: chịu bách hại là một thành phần của việc sống đức tin. Lịch sử đã cho thấy rằng khi Giáo Hội gặp bách hại thì đức tin của tín hữu mạnh thêm; còn khi Giáo Hội bình an thì đức tin yếu đi.
Bởi thế, trước tiên là Đức Giêsu, và kế đó là Thánh Phêrô trong đoạn thư hôm nay, không coi bách hại là một tai họa, nhưng trái lại là một mối phúc: “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6,22-23).
Đức tin luôn bị xét xử! Vì thế, khi đứng trước tòa án của dư luận, trước sự chỉ trích của những người chung quanh, người tín hữu đừng buồn và đừng sợ, nhưng hãy coi đây là dịp tốt để làm chứng về niềm hy vọng sống động của mình.
Nhưng để có thể bình thản và lạc quan như thế, chúng ta hãy nhớ lời Đức Giêsu nói hôm nay: “Thầy không để anh em mồ côi đâu… Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bào chữa khác đến với anh em luôn mãi… Người ở lại với anh em và trong anh em”.
Ngày xưa khi các tín hữu bị bách hại ở Giêrusalem phải trốn sang Antiôkhia, họ bị dân chúng miền này mỉa mai gọi họ là “Kitô hữu”, ngụ ý đó là những kẻ khờ dại sống theo giáo lý của một tên Giêsu nào đó xưng mình là Kitô. Nhưng không ngờ cái tên “Kitô hữu” ấy lại diễn đạt rất đúng tính cách của người tín hữu. Đúng vậy, tín hữu của Đức Giêsu là người muốn bắt chước Đức Kitô đến nỗi trở thành một Kitô khác.
Nhưng làm thế nào để được như vậy? Thưa nhờ Chúa Thánh Thần:
Yêu không chỉ là cảm xúc mà còn là sống, cho nên yêu thì tất nhiên thể hiện ra bằng hành động: hành động trước mặt người mình yêu để người ấy vui lòng; và hành động theo ý người mình yêu ngay cả khi người ấy không có mặt.
Bởi thế Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các giới răn của Thầy”.
Có nhiều cuộc ra đi nhưng mang những ý nghĩa khác nhau:
Đức Giêsu không bao giờ bỏ chúng ta ở lại trong cảnh mồ côi thiếu thốn. Người để lại cho chúng ta hai trợ lực rất hữu hiệu, một là bí tích Thánh Thể mà chúng ta có thể đến hằng ngày, hai là Chúa Thánh Thần vẫn luôn ở bên cạnh để hỗ trợ chúng ta từng giây từng phút.
Một ngày lộng gió, tôi đứng trên bờ biển với cảm giác ớn lạnh.
Nhưng tôi thấy những con chim biển chẳng chút sợ gì những đợt gió mạnh ấy, trái lại còn thích thú nữa.
Có lúc chúng lướt theo gió, có lúc chúng bay ngược chiều gió, chúng lao vút lên trời, rồi chúng đâm nhào xuống đất. Nhưng lúc nào chúng cũng biết vận dụng sức gió, và có thể nói sức mạnh của chúng chính là sức mạnh của gió.
Rồi tôi chợt hiểu câu nói của Đức Giêsu: “Thầy không để chúng con mồ côi. Thầy sẽ ban cho chúng con một Đấng Phù Trợ khác, đó là Chúa Thánh Thần”. (Flor McCarthy, “Learning from the sea-gulls”)
Chủ Tế: Anh chị em thân mến
Trung thành tuân giữ các điều răn của Chúa là phương thế tốt nhất để bày tỏ lòng yêu mến Chúa. Với tâm tình mến yêu Luật Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin.
1. Hội Thánh luôn cần nhiều vị mục tử thánh thiện và khôn ngoan / để hướng dẫn và củng cố niềm tin của dân Chúa trên đường lữ thứ trần gian / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Thánh Thần / soi sáng và nâng đỡ các vị mục tử trong đời sống mục vụ thường ngày.
2. Hòa bình và phát triển là hai mục tiêu mà bất cứ ai đang sống trên trái đất đều mong muốn / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / ban cho thế giới một nền hòa bình thật sự / nhờ đó các quốc gia có thể phát triển / mọi người được an cư lạc nghiệp / và ấm no hạnh phúc.
3. Người kitô hữu sẽ không bao giờ dám hiên ngang sống đức tin / cũng như sẽ khó trung thành với Chúa và Hội Thánh / nếu không có Chúa Thánh Thần thúc giục và nâng đỡ / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / ban Thánh Thần của Người / để soi sáng / hướng dẫn / và trợ giúp các tín hữu trong mọi lúc mọi nơi.
4. Điều răn Chúa là rào chắn bảo vệ người tín hữu khỏi rơi xuống vực sâu tội lỗi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết luôn mến yêu và trung thành tuân giữ các điều răn của Chúa / nhờ đó mà tránh được những lỗi lầm tai hại.
CT: Lạy Chúa Giêsu, Chúa hòa ban Thánh Thần cho các tông đồ để các đấng đi đến tận cùng trái đất làm chứng cho Chúa. Xin cũng ban Thánh Thần, để chúng con trở nên chứng nhân can trường của Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị…