Chữ baptism (rửa tội), được dịch từ tiếng Hy Lạp, thực sự có nghĩa “nhúng hay dìm vào một chất lỏng.” Trong vùng Trung Đông thời xa xưa, nước, lửa, và gió (hay thần khí) được coi là những chất lỏng có thể đổ trên hay đổ vào người ta.
Ông Gioan thi hành việc dìm vào nước trong chỗ nước cạn của sông Giođan, có lẽ sau mùa mưa (cuối tháng Chín đến cuối tháng Tư) khi nước ấm hơn. Bồn nước dùng cho nghi thức thanh tẩy của người Do Thái thì không được hâm nóng ngoại trừ một ít người thật giầu (ít hơn 2 phần trăm dân số sống ở thành phố).
“Các nhóm” đến với ông Gioan (từ Giêrusalem, mọi thành Giuđê, vùng Giođan, c. 5) bởi vì thời xưa chỉ đi thành nhóm mới an toàn. Lý tưởng là đi với họ hàng gần và họ hàng tự tạo ra.
Hơn nữa, thời xưa, đi xa được coi là lối cư xử lệch lạc trừ khi người ta có một lý do rõ rệt như đi hành hương hay đến nghe một ngôn sứ.
Dĩ nhiên ông Gioan kêu gọi từng người sám hối, nhưng ông tập hợp họ thành nhóm, như chúng ta sẽ thấy.
Qua lời nói và biểu tượng, ông Gioan rao giảng về sự sám hối, nhất là sám hối cả nhóm, có thể nói, sự cải thiện toàn dân Ít-ra-en (xem c. 2). Y phục của ông Gioan (áo bằng lông lạc đà, giây da thắt lưng) và thực phẩm (châu chấu và mật ong) về biểu tượng, đã nối kết ông với Samson, Samuen, và Êlida, là những người đại diện cho truyền thống chống lại sự bất công và là mô hình cách mạng về việc đổi mới xã hội trong Cựu Ước.
Lời rao giảng của ông Gioan thách đố một vài nhóm hãy cải thiện. Hiển nhiên, vị ngôn sứ này và các khán giả có cảm tình với ông thì bất mãn với tình trạng hiện tại. Trong cuộc đời của Đức Giêsu, sự biến hình và sự phục sinh phải được coi là những biểu tượng của sự biến đổi mà chúng mời gọi sự hoán cải, sám hối, canh tân, thay đổi xã hội, cách mạng, và thay đổi tình trạng con người cách quyết liệt.
Ở một mức độ thật hiển nhiên, ông Gioan thách thức giới thượng lưu hãy cải thiện đời sống của mình. Vinh dự trong xã hội mà các giá trị cốt lõi là sự tôn kính và ô nhục thì có tính cách cha truyền con nối. Một người được sinh ra thì đã có địa vị tôn kính, bất cứ họ có thể là gì. Hãy tưởng tượng sự chấn động ông Gioan gây ra bởi công khai và lớn tiếng gọi người Pharisêu và Xađuxê “đáng kính” là “rắn đẻ hoang”! Câu “lũ rắn độc” gán ghép tư cách phụ hệ của họ cho loài rắn chứ không phải loài người và trực tiếp chối bỏ vinh dự mà họ tự nhận!
Đoán trước phản biện từ đám đông, ông Gioan tiếp tục thách đố nền tảng vinh dự về sinh học nói chung (“Abraham là tổ phụ của chúng tôi”) và thay vào đó, ông thúc giục họ hãy sống luân lý có nền tảng (“hãy sinh hoa quả tốt”). Điều quan trọng không phải mình là ai nhưng mình làm gì.
Ở một cấp độ ít hiển nhiên, ông Gioan thách đố hàng tư tế quý tộc. Trong khi nhiều người nghĩ rằng xã hội Giuđê trong thế kỷ thứ nhất ở Palestin có sự tách biệt giữa hàng tư tế đối với toàn thể dân chúng, sự phân chia này thực sự nhiều hơn giữa hàng thượng tế (giới thượng lưu ở Giêrusalem) và dân chúng và các tư tế bình thường (như ông Dacaria, cha của Gioan) sống trong các làng quê.
Sự đàn áp trên dân chúng và các tư tế bình thường bởi giới thượng lưu ở Giêrusalem và người La Mã quan thầy của họ thì được cảm nghiệm trong việc đánh thuế quá đáng, tịch thu tài sản tổ tiên, và thường xuyên thiếu hụt thực phẩm, trong số những điều khác. Điều này góp phần lớn vào sự bất an của xã hội và mong muốn thay đổi. Là con của một tư tế bình thường, điều này giúp ông Gioan tận mắt cảm nghiệm vấn đề. Điều đó đã linh hứng và hình thành lời rao giảng có tính cách ngôn sứ của ông.
Ông Gioan kết thúc sự rao giảng với việc vận dụng đến biểu tượng của các chất lỏng (nước, lửa, gió-khí thế). Biểu tượng việc dìm người Ít-ra-en sám hối trong nước sẽ được thay thế với một việc dìm có tính cách phán xét bởi “đấng sẽ đến” trong chất lỏng của “gió thiêng liêng hay thần khí” và lửa. Bây giờ là lúc để thính giả sám hối và thoát khỏi sự phán xét.
Với các tín hữu thời nay ở Hoa Kỳ, mùa Vọng thường có nghĩa tưởng nhớ đến sự sinh hạ của hài nhi Giêsu và chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh trọng đại theo truyền thống bác ái đối với người nghèo và tặng quà. Cường độ mầu sắc chính trị trong hoạt động của ông Gioan khiến tín hữu thời nay phải dừng lại và suy nghĩ. Chúng ta có làm phai nhạt sự thách đố của ông Gioan không?