Thiên Chúa giống như điều gì? Câu trả lời cho câu hỏi thông thường này thường phản ánh văn hóa của người hỏi hay người trả lời. Dụ ngôn hôm nay cho biết một trong nhiều câu trả lời của Đức Giêsu cho câu hỏi này. Không nên ngạc nhiên rằng trong dụ ngôn này Thiên Chúa đối xử phù hợp với các giá trị của người Trung Đông.
Một cách tổng quát, người Hoa Kỳ tin rằng “luôn luôn có nhiều hơn nữa từ nơi xuất phát”, dù là dầu hỏa, công việc, tiền bạc, hay bất cứ gì. Thái độ này khiến người Hoa Kỳ thật khó để hiểu được các ý niệm tỉ như thiếu hụt, tuyệt chủng, hay bất cứ gì tương tự.
Tổ tiên của chúng ta trong đức tin vùng Địa Trung Hải thì tin rằng “không còn gì nữa nơi xuất phát.” Mọi thứ (công việc, của cải, vinh dự, hay bất cứ gì có thể mường tượng ra) thì có giới hạn về số lượng và đã được phân phối. Công việc ở vườn nho thì đã đầy. Có người thợ nào dám nghĩ là có thêm công việc?
Hơn nữa, xin một công việc là tước đoạt của chủ nhân những gì ông có. Đây là một sự xấu hổ. Thay vào đó, công nhân phải được chủ nhân mời làm việc cho ông. Chủ nhân trong dụ ngôn này đi ra năm lần trong một ngày để tìm người thợ và mời họ, và mỗi lần ông thuê ai đó nếu gặp. Lối đối xử như thế của người chủ và người thợ thì rất vinh dự, bởi vì nó tôn trọng ý tưởng văn hóa rằng mọi lợi ích – kể cả công việc – thì giới hạn.
Ở Hoa Kỳ, công nhân đi tìm việc, chủ nhân thuê các công nhân giỏi nhất, họ đồng ý với một số lương và tôn trọng một thói quen gọi là “thâm niên.” Không có điều nào giống như thế trong thế giới Địa Trung Hải và không có yếu tố nào nói trên được thấy trong dụ ngôn này.
Chỉ có người được thuê đầu tiên được chủ nhân hứa trả “lương công nhật bình thường.” Họ đồng ý và chấp nhận. Với người thứ hai (và giả sử là các nhóm thợ sau đó), chủ nhân nói: “Tôi sẽ trả cho anh bất cứ gì đúng.”
Vào cuối ngày, chủ nhân trả lương thợ bắt đầu từ người được thuê sau cùng. Đây là một điểm quan trọng của tường thuật, nếu không câu chuyện sẽ sụp đổ vì những người được thuê trước sẽ không có lý do để ở nán lại nếu họ được trả lương trước. Điểm này cũng cho thấy chủ nhân người Địa Trung Hải xưa có hai vai trò: ông là chủ nhân nhưng cũng có thể là một bề trên.
Bề trên là một người có phương tiện dồi dào để có thể tự do đối xử với người khác (thường là địa vị thấp hơn) “như thể” họ là phần tử của gia đình. Không ai có thể trả giá hay “chiếm được” sự đối xử đó, nhưng mọi người trong thế giới Địa Trung Hải xưa và nay đều tìm cách có được một bề trên.
Chủ vườn nho đối xử với người được thuê sau cùng một cách độ lượng và tử tế, “như thể” họ là bà con. Họ không làm gì để “chiếm được” sự đối xử như thế. Chủ vườn nho cho họ “điều gì đúng” với người bà con. Đồng thời, chủ nhân đối xử với người được thuê đầu tiên phù hợp với sự ưng thuận của họ. Nếu muốn, chủ nhân có thể không lưu tâm đến sự ưng thuận và đối xử với người được thuê đầu tiên một cách rộng lượng, “như thể” họ là bà con. Nhưng ông không làm như thế. Với người được thuê đầu tiên, chủ vườn nho muốn là chủ nhân; với người được thuê sau cùng, chủ vườn nho muốn là một bề trên.
Những người được thuê đầu tiên phải sửng sốt khi biết họ không khác gì hơn “người làm thuê”. Làm thế nào họ có thể trả thù chủ vườn nho? Bằng cách ném một “cái nhìn độc ác” trên sự giầu có của chủ nhân! Bản dịch tiếng Việt “có phải ngươi ghen tị” thay cho tiếng Hy Lạp, “Có phải mắt ngươi độc ác?” “Ghen tị” là chữ dịch đúng khi người ta nhận thức rõ sự hiểu biết của người Trung Đông về sự ghen tị. Nó không đơn giản là khao khát điều gì đó mà người khác có (ví dụ, một vườn nho giống như của ông ấy), nhưng là khao khát đúng món đồ đó (ví dụ, chính vườn nho đó). Một sự khao khát bao gồm ước muốn là cái chết của chủ nhân hay, nếu không được, ước muốn hoàn toàn phá hủy vườn nho đó. Trong bất cứ trường hợp nào, người ghen tị hy vọng rằng chủ nhân món đồ cuối cùng sẽ mất nó.
Bài học của Đức Giêsu thì không phải về kinh tế nhưng về Thiên Chúa từ một viễn cảnh của người Trung Đông. Được ám chỉ trong sự giải thích của Đức Giêsu là việc Thiên Chúa chọn đối xử với người ta có thể phản ảnh cách người ta đối xử với Thiên Chúa. Những ý tưởng như thế đụng chạm với các ý tưởng kinh tế của người Hoa Kỳ về cơ hội bình đẳng, giao kèo, thâm niên, và tương tự. Thiên Chúa phải đối xử thế nào từ một viễn cảnh của người Hoa Kỳ?