Tuần qua chúng ta suy nghĩ về tội như một vi phạm giữa cá nhân, là điều chia rẽ các phần tử của cộng đồng Kitô Hữu. Khi tội nhân từ chối không nhận tội, nó bị quăng ra ngoài cộng đồng. Khi tội nhân nhìn nhận lỗi lầm, sự tha thứ của cộng đồng lại đưa họ trở về tư cách thành viên. Sự hòa giải (“tha thứ từ tâm hồn,” c. 35) thì giả định và được dựa trên sự tha thứ.
Bài đọc hôm nay đưa ra hai ý tưởng. Tâm điểm của các ý tưởng này là cách “thành viên của giáo hội” phải đối xử với nhau như thế nào. Ý tưởng thứ nhất trong câu Đức Giêsu trả lời cho ông Phêrô là các môn đệ của Đức Giêsu phải luôn luôn tha thứ cho nhau (“bảy mươi lần bảy”), không có giới hạn. Ý tưởng thứ hai, được thấy trong dụ ngôn, là chiều kích cộng đồng của sự tha thứ.
Chúng ta hãy nhìn kỹ vào dụ ngôn này (cc. 23-35).
Các nông dân Địa Trung Hải ở thế kỷ thứ nhất hiểu tội là những vi phạm giữa cá nhân, theo kiểu các món nợ. Đó là điều Đức Giêsu dạy các môn đệ hãy xin Thiên Chúa: “Tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6:12). Với người Tây Phương quen với nền kinh tế được thúc đẩy bởi đồng tiền, các món nợ luôn được diễn dịch thành “nợ tiền.” Vì kinh tế là thể chế chủ yếu của văn hóa chúng ta, mọi thứ được nhìn từ một quan điểm kinh tế. Trong những vụ tịch thu ma túy, chúng ta không nghe nói về những người được thoát khỏi sự nghiện ngập tương lai, nhưng thay vào đó là giá trị đô la của số ma túy tịch thu. Trong các thiên tai chúng ta không nghe nói về sự bất hạnh của nạn nhân nhưng thay vào đó là sự thiệt hại kinh tế về mặt tiền tệ.
Các tổ tiên đức tin của chúng ta thì không như vậy, vì nợ của họ không phải là một loại kinh tế dựa trên đồng tiền. Đời sống của họ được dựa trên những tương giao giữa cá nhân ngay cả trong điều mà chúng ta coi đó là sự giao dịch “kinh tế”. Trong một văn hóa như thế, mục đích của sự trả giá thì không có tính cách kinh tế nhưng giữa cá nhân với nhau. Việc mua bán là kết quả mà đã thấy rõ. Người mua trả giá và người bán sẵn sàng ưng thuận bởi vì cả hai đang xây dựng sự tương giao cá nhân được gọi là tình bạn (x. St 18:22-23; Gia 2:23). Bạn thì trung tín: người bán sẽ luôn đặt giá và người mua sẽ luôn có được giá tốt.
Thật vậy, người bán cảm thấy phải đặt giá thấp cho những người ở địa vị thấp, và đặt giá cao cho những người có địa vị cao và những khách hàng chỉ mua có một lần. Cộng thêm sự bấp bênh của kiểu thương mại này vào các loại thuế (nhiều khi từ 35 đến 40 phần trăm sản phẩm nông nghiệp của dân quê) mà người mua phải trả, thật dễ để thấy tại sao các nông dân rất quen với nợ.
Mọi người trong dụ ngôn này thì thuộc về một dòng họ rất lớn, “như một gia đình.” Khi nhìn đến sổ sách trong gia tộc, ông vua nhận thấy có một đầy tớ nợ ông một số tiền không thể trả nổi. (Một “talent” tương đương với 6,000 “denarii”; một “denarii” gần bằng một ngày lương. Mười ngàn “talent” sẽ đòi hỏi hơn 164,000 năm làm việc, bảy ngày một tuần).
Nhưng ông vua này để ý đến thanh danh của mình. Nếu ông đối xử khắc nghiệt với người đầy tớ trong nhà, các người dưới sẽ cho là ông không biết xấu hổ, một người không có vinh dự. Vì thế ông vua quyết định hành động “thương xót” và tha nợ. Ông được thêm vinh dự bởi quyết định này hơn là ông khăng khăng đòi nợ.
Trong lối đối xử vừa sửng sốt và vừa buồn, người đầy tớ được tha nợ này xoay sang một đầy tớ khác trong cùng một nhà và từ chối không tha thứ cho một món nợ nhỏ hơn nhiều. Nó không muốn bắt chước lối đối xử nhân từ của vua chủ. Nếu ông chủ bỏ qua cách đối xử của đầy tớ này, ông sẽ trở nên một trò hề. Để bảo vệ danh dự của mình, ông chủ không có lựa chọn nào khác hơn là đưa tên đầy tớ trơ tráo này vào nơi thích hợp của nó: nhà tù!
Luân lý của câu chuyện Đức Giêsu kể là các thành viên của cộng đồng phải đối xử với nhau như Thiên Chúa đã đối xử với họ. Họ phải chọn con đường vinh dự và tha thứ cho nhau “từ tâm hồn.” Huấn lệnh của Đức Giêsu lập lại sách Lêvi 19:17: “Ngươi không được để lòng ghét anh em ngươi… ngươi phải yêu thương láng giềng của ngươi [được hiểu ở đây là một người Ít-ra-en đồng hương, một thành viên trong nhóm] như chính ngươi.” Người Hoa Kỳ tha thứ và yêu thương nhau từ tâm hồn như thế nào?