Câu đi sau bài đọc hôm nay giúp chúng ta hiểu rõ hơn những gì đi trước: “Thật thầy bảo thật anh em, trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi họ thấy Con Người đến trong vương quốc của Người” (Mt 16:28).
Người Địa Trung Hải thời xưa và hiện nay chính yếu hướng về hiện tại. Họ thật khó nghĩ đến và nhiều khi không thể nghĩ đến “tương lai.” Điều tốt nhất họ có thể mường tượng ra được gọi là “sắp tới.” Việc sinh hạ một em bé là một biến cố sắp tới cho một người mẹ mang thai. Mùa gặt là biến cố sắp tới từ một khu trồng trọt đã phát triển.
Quan điểm này là chứng cớ hiển nhiên trong lời xác quyết của Đức Giêsu rằng những ai nghe Người nói sẽ vẫn sống khi Thiên Chúa ban các ơn sủng của Người trên mọi thế hệ qua sự trung gian của Con Người.
Đức Giêsu đã chết, đã chỗi dậy, và đã lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Và tuy vậy Con Người vẫn chưa đến trong vương quốc của Người. Đó là một trì trệ lâu dài (bây giờ đã hàng thế kỷ) mà nó gợi lên một ý tưởng mơ hồ về một “tương lai” thực sự giữa một số Kitô Hữu vùng Địa Trung Hải.
Trong cuộc đời của Người, Đức Giêsu có thể đoán trước một số điều xấu sẽ xảy ra. Các kẻ thù có thế lực của Người ngày càng gia tăng. Họ mong muốn đưa Người vào cái chết, điều đó thật rõ ràng.
Sau khi các môn đệ cho biết là người ta đề cao thanh danh của Đức Giêsu, coi Người ngang hàng với Êlida, Gioan Tẩy Giả, và các người danh tiếng khác, Đức Giêsu không thể quay lưng lại với số phận đáng ngại mà Người đã bắt đầu nhận thấy ở chân trời.
Nhưng khi Người tuyên bố điều hiển nhiên đó cho các môn đệ, ông Phêrô kéo Người sang một bên và nói ông có các kế hoạch khác cho Đức Giêsu. Giờ đây ông Phêrô và Đức Giêsu tham dự trong một chiến thuật thông thường của người Trung Đông về vinh dự: thách đố và phản công. Một người cho rằng họ có vinh dự, người kia thách đố điều tự nhận ấy. Người này phải bảo vệ hoặc chứng minh điều tự nhận hoặc họ sẽ bị ô nhục, xấu hổ.
Điều vinh dự mà Đức Giêsu tự nhận là Thiên Chúa muốn Người bị đau khổ và chết dưới bàn tay của các kẻ thù (người phải chết), nhưng Thiên Chúa sẽ ban vinh dự lớn lao hơn nữa khi nâng Người dậy từ cõi chết.
Điều ông Phêrô thách đố là: “Xin Thiên Chúa đừng để điều ấy xảy ra” (c. 22). Đức Giêsu vừa mới nói rõ thánh ý vinh dự của Thiên Chúa, và ông Phêrô tìm cách chuyển hướng Đức Giêsu đừng chu toàn điều ấy. Ông muốn Thiên Chúa thay đổi điều ấy. Đức Giêsu nhận ra rằng ông Phêrô đang thách đố sự trung thành của Người với Thiên Chúa, mà đó chính là vinh dự của Người.
Sự phản công của Đức Giêsu là gọi ông Phêrô “Xatan”, một tên cám dỗ sự trung thành. Đức Giêsu tiếp tục sự xỉ nhục bằng cách nhắc cho ông Phêrô rằng ông chỉ thấy kiểu cách suy nghĩ của con người và không hiểu kế hoạch của Thiên Chúa.
Cảnh tượng này âm vang một thách đố trước đây về sự trung thành của Đức Giêsu với Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu thanh tẩy, Thiên Chúa tuyên bố Người là một “con trai được ưa thích” (Mt. 3:17). Ngay lập tức, Đức Giêsu được các thần khí đưa vào hoang địa, nơi đây, sau bốn mươi ngày chay tịnh, quỷ thử thách sự trung thành của Người và cám dỗ Người không vâng lời Thiên Chúa (thách đố). Với mỗi một thử thách trong ba thách đố này, Đức Giêsu tìm cách phản công khéo léo, trích dẫn Kinh Thánh chống với sự tấn công bằng Kinh Thánh của quỷ.
Các câu 27-28 là một tái định nghĩa khác về vinh dự. Hiển nhiên những câu này diễn tả một sự trái ngược. Điều mà xã hội coi là vinh dự (tránh thập giá; giữ mạng sống) thì bị từ chối. Điều mà xã hội coi là nhục nhã (vác thập giá; mất mạng sống) thì được định nghĩa là thật vinh dự.
Những tuyên bố này thì mơ hồ, tuy nhiên có những cổ vũ tương tự trong văn chương cổ. Trong Anabasis, Xenophon nhận xét rằng những binh lính nào tìm cách gìn giữ mạng sống mình trong chiến trận thì thật ô nhục, nhưng những ai phấn đấu dù có chết thì tốt hơn, nhất là khi còn sống sót. Gioan (15:13) nhận xét rằng thật vinh dự dường nào để hy sinh mạng sống vì sự trung thành trong tình bạn.
Tất cả những tuyên bố này, dù mơ hồ thế nào, là điển hình của các văn hóa mà lời nói thì gợi ý hơn là rõ ràng. Những cổ vũ của Đức Giêsu làm tan vỡ quan điểm văn hóa thông thường về một đời sống vinh dự và mời gọi những ai lắng nghe Người hãy nghĩ đến việc tái định hướng cuộc đời mình qua những phương tiện làm mất phương hướng. Đó là một thông điệp thích hợp cho những ai đang tìm hướng đi mới trong cuộc đời.