Thúc hỏi anh:
Anh có ý định làm người hùng của thế kỷ chắc? Vìệc phi thường bắt nguồn từ những người bình thường. Nhưng nếu việc định cư tỵ nạn bất thành và anh đã chọn cái chết như thư trước. Nếu chết được tại trụ sở LHQ hoặc tòa nhà trắng Hoa Kỳ thì không gì hơn Và hô to khẩu hiệu.''Freedom and Humanright for Vietnam''. Chắc chắn anh sẽ trở thành ngưòi bất tử, sử xanh lưu truyền.
Nhưng nếu có làm thì không nên làm dổm như năm xưa tự thiêu cho đạo pháp rồi đổi ý nhé.
Anh cảm thấy hỗ thẹn khi đọc đoạn văn nầy của em, một sự hỗ thẹn thật là mỉa mai đau xót. Không phải hỗ thẹn cho cá nhân anh, mà hỗ thẹn cho những người mình yêu mến như em chẳng hạn. Cảm giác hỗ thẹn, khó chịu hiện ra trên da thịt anh như anh vừa cảm thấy có một con đỉa bám trong chỗ kín của mình, khi mình đang đứng trước một đám đông, không thể thọc tay vào đó mà lôi đầu nó ra được. Với giọng văn trên của Thúc, em đã hiển nhiên xem anh là một kẻ vô danh tiểu tốt, một kẻ khùng đi kiếm hư danh đến nỗi phải mang cái chết ra làm một trò cười cho em mình.Thúc không hiểu rằng anh đã có chút ''tiếng tăm'' rất sớm nên anh cũng đã chán ngấy cái danh hão trần gian. Sau khi chính phủ Ngô Ðình Diệm sụp đổ, một người đã tự nguyện thiêu thân như anh mà vẫn còn sống sót là đã được xem như ''thánh sống'', chính vì lý do ấy mà anh ớn cái hư danh rất sớm trong đời mình. Phải nói rằng Trời cho anh được nếm trải một sự "nổi danh" trong giới tu hành để anh thực chứng cái tính tham danh một cách sâu xa và lòng ghen tuông trong giới tăng lữ. Khi con người ghen tuông đố kỵ nhau về danh vọng thì ghê lắm. Người ta thường có câu hai cô ca sỹ khen nhau bao giờ?
Tôn giáo nào cũng có sự ganh tỵ trong hàng ngũ tu sỹ cả. Sự ganh tỵ của giới lãnh đạo tôn giáo có tính cách ''thượng thừa'' hơn sự ganh tỵ của người thường. Sau khi ra khỏi nhà tù cộng sản, anh có cơ hội đọc Kinh Thánh và tin Chúa; anh đã đi tìm hội thánh Tin Lành để học đạo. Khi biết anh là một cựu đại đức trở về với Chúa, nhiều người Tin Lành cũng đã làm cho anh nổi danh một lần nữa. Dĩ nhiên là có nhiều người vì yêu Chúa mà đã yêu anh, nhưng cũng không làm sao tránh được những con người bộp chộp, thích thổi phồng sự thật làm cho mình bị hiểu lầm rất vô duyên đó. Cứ mỗi lần được nổi danh là bị hiểu lầm, bị tâng bốc, bị hạ bệ, bị ghen tuông. Cho nên anh không ham sự nổi danh như Thúc nghĩ. Người tham danh vọng nhất trên đời là giới tăng lữ của các tôn giáo. Tham danh vọng và tham quyền lợi vật chất thường đi đôi với nhau. Nhưng anh là một đại đức trẻ được một chút tiếng tăm rồi mới cởi áo ra đi. Ai đã kinh nghiệm được, hoặc bị nổi danh rồi thì cũng có những giây phút thèm khát được tự do một mình, và nhất là được đến một nơi nào đó không ai biết mình để thoát khỏi sự ''nổi danh''. Muốn được nổi danh chưa phải là một điều xấu, nhưng khó mà tìm thấy cái gì chính đáng trong tham vọng được nổi danh. Trong thế giới của những người sống ẩn dật không thiếu những con người bất đắc chí, bất mãn, chán đời, hận đời, chủ bại, hoặc là người siêu kiêu ngạo chỉ vì không được nổi danh. Dĩ nhiên chúng ta cũng không nên vơ đũa cả nắm, vì qua lịch sử, dư luận, sách báo và cả huyền thoại nữa, cũng đã có những người ẩn dật vì cần sự yên lặng để suy niệm ý nghĩa của cuộc đời. Ngày nay người ta đã khám phá ra một trong những cách làm cho mình nổi danh là ''biết ẩn dật''.
Nhu cầu được nổi danh, nhu cầu được kính trọng là hai nhu cầu bức thiết của giới tu sỹ. Một người phàm bị chưởi, bị làm nhục, y vẫn có thể bỏ qua được, vì y còn phải làm ăn sinh sống. Nhưng một vị tu sỹ cảm thấy mình chưa được kính trọng đủ, cũng đã bị thương tổn rồi. Người tu sỹ rất bận tâm chiếm hữu sự kính trọng của hàng đệ tử. Cái Tôi của giới tu hành to gấp nhiều lần cái Tôi của người thường. Có người tỏ ra khiêm cung, giải thoát cũng là một cách tìm kiếm sự tôn kính cho mình. Một nhu cầu rất lớn của giới tăng lữ nói chung là cái Giáo Uy trên chính chiếc áo tôn giáo của họ. Trong cuộc đời anh, anh đã được gần ba vị tu sỹ đáng kính, đáng yêu nhất đối với anh. Những vị tu sỹ nầy không phải là những con người siêu phàm hay đắc chứng gì đâu. Họ chỉ là những con người chân thật với tất cả những cái gì đơn sơ hồn hậu của họ. Nhưng họ cư xử với mọi người không vì uy tín, uy thế, thể diện, hay là tiếng tăm của họ. Họ không hề đối xử với anh hoặc với những người khác bằng sự dè dặt, đề phòng hoặc kiểu cách gì cả. Họ là những con người tuyệt vời nhất trong hàng ngàn tu sỹ mà anh thật sự có cơ hội gần gũi. Vì mỗi khi được gặp một trong ba vị ấy, anh cảm thấy rằng họ đối xử với anh bằng chính con người của họ nhiều hơn là bằng tước hay phẩm trật tôn giáo trong họ. Ba vị nầy đến từ ba tổ chức tôn giáo khác nhau: Vị thứ nhất là Hòa Thượng Thích Thanh Trí Chùa Báo quốc Huế. Vị thứ hai là Linh Mục Ðỗ Bá Aí, người coi sóc nhà Thờ Ða Nghi Cổ Lũy nơi làng quê của anh, và vị thứ ba là Mục Sư Ông Văn Huyên, Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Ngoài ba vị trên ra, anh còn một vị khác nữa; vị nầy không bao giờ đi tu, nhưng cũng có những đức tính trung thực tuyệt vời hơn ba vị trên, đó là nhà thơ Bùi Giáng. Những con người như trên quả thật hiếm có vô cùng.
Theo lời lẽ trong lá thư của Thúc, chú đã xem nỗi khổ và hoàn cảnh khó khăn của anh hiện tại chỉ như một trò hề trước mắt chú. Anh đã mang nhiều vết thương rồi nên những câu văn bất nghĩa của chú viết trong đoạn thư nầy không làm cho anh đau đớn thêm. Trường hợp của anh, nếu không được tỵ nạn, thì chỉ còn con đường chết. Vì anh đã tố cáo tội ác cộng sản và đường dây gián điệp tôn giáo của họ. Nếu anh không chấp nhận một cái chết hải ngoại, anh phải chịu một cái chết trả thù trong tay cộng sản rất đau đớn. Chúng sẽ tra tấn anh vừa để trả thù vừa để khai thác. Chúng cần biết ai là người dính dấp vào việc cho anh ra nước ngoài hợp pháp sau khi passport của anh đã bị tịch thu. Anh không dám tin rằng mình có thể chịu đựng nổi những đau đớn thân xác do sự tra tấn, và có thể vì vậy mà những người đã giúp mình ra đi sẽ trở nên kẻ bị mình hại. Chết còn dễ hơn là sống mà bị tra tấn. Ðó là lý do anh phải nghĩ đến một cái chết cho anh, nếu tất cả mọi cố gắng không có kết quả.
Sau khi đã ra khỏi Việt Nam, anh nhận thấy thực trạng nhân quyền của Tây, của Mỹ không giống như những gì mình đã nghe, đã tin. Ðặc biệt là nhân quyền tại Ðức vốn đã bị người nước nghèo lạm dụng khai thác quá cỡ, trong khi tính kỳ thị dân tộc nơi người Ðức khá sâu sắc, đặc biệt nhất là người Ðức trong vùng cộng sản cũ. Kỳ thị chủng tộc là một đức tính man rợ trong nhân loại. Cho dù người có trình độ văn hóa cao, văn minh kỹ thuật tiến bộ tới đâu, tính kỳ thị chủng tộc của họ vẫn là đức tính phi nhân, rất đáng sợ, vì không có một thái độ nhân đức nào của mình có thể thay đổi tính kỳ thị chủng tộc nơi người kỳ thị. Ai bị kỳ thị rồi mới thấy nó kinh khủng và nghiệt ngã đến mức nào. Thật ra tính kỳ thị chủng tộc là một tội ác của Satan trong con người. Nó điều khiển cho con người thù ghét nhau, khinh miệt nhau để phá hủy văn minh đạo đức của con người. Con người nào cũng thích văn minh, thích bày tỏ tính đạo đức, nhưng người kỳ thị không làm như vậy. Một đứa trẻ còn ngây thơ trông rất dễ thương, nhưng nếu đã bị lây nhiễm tính kỳ thị chủng tộc, thì nó biết cách trừng liếc, chọc ghẹo, hoặc tỏ ra một nét mặt hoặc thái độ, hoặc tính cách xấu xí và ác cảm của nó đối với người ngoại quốc. Một đứa bé non choẹt đã biết căm ghét khinh miệt người ngoại quốc rồi. Một người sống bụi đời lang thang, hôi hám cũng có thể tỏ ra kinh ghét, căm thù người ngoại quốc. Một người bán hàng, một nhân viên văn phòng, người kiểm soát vé xe lửa cũng có thể bày tỏ tính kỳ thị chủng tộc. Trước chỗ đông đúc, người kỳ thị chỉ có thái độ lạnh lùng hoặc lườm mắt bỉu môi. Nhưng khi mình ở một nơi thanh vắng là họ hăm dọa ngay bằng tất cả khả năng căm ghét khinh miệt của họ đối với mình. Người kỳ thị rất hèn nhát, họ hay dùng số đông để áp đảo số ít. Nếu ai biết cách gọi cảnh sát đến can thiệp thì họ đồng loạt chối hoàn toàn như không biết gì cả. Riêng những người ngoại quốc vào nước Ðức tỵ nạn vì mục đích kinh tế, làm ăn bất hợp pháp, thì họ không sợ người kỳ thị. ''Mặc xác mày. Tao cho mày kỳ thị, tao lo kiếm tiền rồi về chứ có ở mãi đây làm gì. Mày khinh tao, tao cũng biết khinh mày''. Những người nầy càng bị kỳ thị, họ càng tỏ ra bất cần và cứ tìm mọi cách lợi dụng hoàn cảnh để kiếm tiền. Chỉ những người ngoại quốc nào muốn tìm hiểu cuộc sống văn minh nhân bản với dân tộc Ðức mới ngán ngẫm và bực bội thái độ kỳ thị chủng tộc. Những người nầy sẽ dần dần muốn xa lánh nước Ðức. Còn những kẻ chỉ biết lợi dụng cuộc sống giàu có của Ðức thì họ phải đeo đẳng ở lại vì mục đích riêng của họ tại nước Ðức. Như thế sự kỳ thị chủng tộc của người Ðức chỉ đem đến tai hại cho người Ðức trước tiên. Một là họ làm cho xã hội Ðức thiếu bầu không khí nhân bản đáng phải có. Hai là dân tộc Ðức mất dần những người ngoại quốc tốt. Ba là gây thêm tính chai lỳ cho người ngoại quốc nào muốn bòn rút vật chất của xã hội Ðức. Nếu không được tái sinh bởi Ơn Cứu Chuộc của Thượng Ðế, những người kỳ thị chủng tộc không thể nào thay đổi tính kỳ thị được.
Anh nghĩ rằng chính sách xã hội, văn hóa, chính trị và giáo dục của chính phủ Tây Ðức đã đem lại những kết quả tích cực trên đời sống con người, nhờ vậy người dân Tây Ðức có tinh thần kỷ luật cao và ít khi để lộ tính kỳ thị. Tại Tây Ðức, có nhiều vùng rất đẹp và con người ở đó lịch sự, nhân ái. Anh đến Freiburg, Landshut, Aurich, Bad Oeyhausen, Pfortzheim, Lüdenscheid, Stuttgart, Dortmund... gặp nhiều người Ðức lịch sự, thân ái. Trên thực tế, số người kỳ thị tuy rất ít, nhưng lại nổi bật và gây ấn tượng sâu sắc. Có khi tính kỳ thị chủng tộc xuất hiện nơi một con người lịch lãm, trí thức; không hung hản, không cộc cằn, nhưng rất lạnh lùng và nghiệt ngã. Ở vùng Ðông Berlin, anh hay bị trừng mắt, bị nhỗ nước bọt, hoặc suýt bị đánh vô cớ. Anh phải cầu nguyện cho họ nhiều lắm mới thấy lòng mình bớt tổn thương. Trong sâu xa của linh hồn anh, anh nghe Chúa nhắc nhở rằng ''con phải học tập yêu thương họ, ta muốn con đem tình yêu của ta đến cho họ. Ta yêu họ, nhưng họ chưa biết. Con phải làm cho họ biết tình yêu của ta''. Chúa thật là tuyệt vời. Nếu không có Chúa trong lòng, mình khó mà tha thứ cho ai được. Tiếc thay nhiều sắc dân ở các quốc gia chậm phát triển đã đến tỵ nạn trá hình trên nước Ðức và gây thêm nhiều nan đề xã hội. Sự kiện nầy càng tạo ra nguyên cớ để người kỳ thị lộng hành. Anh được gặp nhiều người Ðức rất nhân hậu, họ không có máu kỳ thị; nhưng cũng có những người Ðức lịch sự, văn minh mà không dấu được tính kỳ thị chủng tộc. Ðặc biệt những người Ðức đã trở về làm con Ðức Chúa Trời thật sự là những người dễ gần gũi nhất, họ hoàn toàn được giải thoát khỏi tính kỳ thị chủng tộc. Bản thân anh cũng bởi Ơn Chúa mới chiến thắng được tính kỳ thị. Vì anh bị khổ sở bởi những người kỳ thị nên Chúa đã chỉ cho anh thấy rõ ràng rằng anh cũng có máu kỳ thị mà trước đây anh không biết. Từ đó anh đã ăn năn với Chúa, anh được Chúa tha thứ và giải phóng ra khỏi tình trạng tội lỗi nầy.
Mafia cộng sản Việt Nam vẫn lợi dụng tối đa về luật pháp và nhân quyền của Ðức để rải dân mình ra loạn xạ, gây thêm lý do cho người kỳ thị chủng tộc hành động hung dữ. Ngay cả những người Ðức không kỳ thị cũng phải bực mình đối với cộng đồng người Việt ở phía Ðông. Phước thay, phần lớn người Ðức tỏ ra rất bao dung, luật pháp Ðức thì không chấp nhận sự kỳ thị. Khổ một nỗi luật pháp là luật pháp, tính người là tính người. Bao giờ dân tộc chúng ta biết đoàn kết, biết xây dựng cho nhau một quốc gia đáng sống, để ai cũng biết tự trọng và được đi thăm nước ngoài mà không mang bị tiếng đi tìm tự do, tìm miếng cơm manh áo? Trời cho chúng ta có đất đai, có tài sản thiên nhiên phong phú, nhưng tại con người chúng ta không biết yêu thương đoàn kết mà chỉ biết hận thù nên hàng triệu người Việt Nam đã phải ra đi một cách nhục nhã. Tại một số nước khác, người Việt Nam đem theo cá tính của mình để xâu xé nhau, thóa mạ nhau nhằm bù lại những ngày còn sống trong nước chưa có điều kiện cắn xé nhau đủ! Tại vùng Ðông Ðức, tháng nào mà anh không nghe tin tức người Việt Nam giết nhau, đó là một tháng dễ thở. Có khi ba vụ giết nhau giữa người Việt Nam xẩy ra trong một tuần lễ. Nội chừng đó cũng đủ cho một số người Ðức coi mình là một loài thú dữ hai chân. Họ quên rằng trong tất cả loài vật trên thế gian nầy, loài người là hung ác nhất chứ không riêng gì người Việt Nam chúng ta. Kinh Thánh đã viết: ''Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất xấu xa; ai có thể biết được. Ta, Ðức Chúa Trời, dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm.'' (Giê-rê-my 17:9-10).
Hiện nay vài chục ngàn người Việt xin tỵ nạn ở Ðức không nêu được lý do chính trị đúng đắn. Mafia cộng sản dạy cho họ phải khai lý lịch giả, tên tuổi, địa chỉ giả để chính phủ Ðức không tìm ra manh mối của họ. Khi chính phủ Ðức cần đến sự cộng tác của chính phủ CSVN, thì CSVN (là mafia đầu nậu) có lý do để nói rằng "tại Việt Nam, chúng tôi không có tên và địa chỉ những người nầy". Thế là nước Ðức phải nuôi ba bốn chục ngàn người Việt như gà ấp trứng cho vịt. Chưa đủ, số người Việt nầy ra đi vì mục đích kiếm ăn theo mê hồn trận của mafia cộng sản, do đó vừa lãnh tiền nhân đạo xong, họ tức khắc bỏ trại để đi buôn lậu thuốc lá, ăn cắp, và giành dựt chém giết nhau. Họ ăn cắp cả đường dây điện thoại quốc tế, làm thẻ điện thoại giả, làm vé xe giả, nhiều thứ giấy tờ giả... gây thiệt hại kinh tế và trật tự xã hội cho nước Ðức hàng ngày. Các tòa đại sứ Việt Cộng ở Ðức, Balan, Tiệp, Nga là nơi điều hành và cung cấp những giấy tờ giả mạo cho nạn nhân của họ được kéo dài những ngày kiếm ngoại tệ ở hải ngoại. Ðây là một thứ tội ác của Cộng Sản mà anh mới biết sau khi tỵ nạn ở Ðức.
Anh đã biết được tội ác của Cộng Sản, do đó Cộng Sản đã đưa người vào trại tỵ nạn Ðức để hăm dọa anh. Anh đang nằm giữa hai gọng kềm oan nghiệt. Một bên là chính phủ Ðức chỉ xem anh như một thứ tỵ nạn kinh tế trong hàng chục ngàn người Việt do mafia cộng sản tổ chức. Một bên là an ninh chìm cộng sản có thể giết anh, vì anh nhìn thấy tội ác của chúng ở nhiều nơi mà lại có khả năng truyền thông tố giác tội ác của chúng ra trước dư luận quốc tế. Anh đã nhiều lần chết, nên không sợ chết; mà chỉ sợ mình chưa nói được điều mình muốn nói trước khi chết. Anh chẳng những muốn nói với đồng bào, đồng hương, mà còn muốn nói với đứa con trai duy nhất của anh đang sống tại Mỹ nữa. Từ lâu anh im lặng, không cho nó biết những nguyên nhân đổ vỡ gia đình anh. Anh sợ tuổi thơ của nó bị tổn thương vì lỗi lầm của cha mẹ. Vì yêu con, anh đã nhẫn nhịn cho đến nay. Và cũng vì vậy mà nó đã bị người mẹ xuyên tạc về người cha của nó. Làm sao anh không buồn trong khi đã sống cả một năm lận đận trong trại tỵ nạn, anh đã viết thư cho con anh ở Mỹ mà không có một chữ trả lời? Khi mẹ nó gài một cái bẫy để lường gạt anh và ăn cắp nó đem đi xa, anh đã vô cùng đau đớn. Vì yêu con, anh đã yểm trợ cho cả hai mẹ con ngót 4500 đô-la từ Việt Nam gởi ngược qua Thái Lan và Mỹ trong khi mình rất nghèo và phải gánh một đống nợ do mẹ nó quỵt bạn bè và cả ngân hàng quận 1, Saigon. Vì yêu con mà anh đã nhịn nhục rất lâu dài để dắt dìu mẹ nó ra khỏi con đường ác, tiếc thay mẹ nó là người đam mê sự ác đến nỗi biến điều lành ra điều oan trái rồi dẫn nó trốn đi. Vì yêu con mà anh đành chịu nhục chấp nhận tờ giấy bảo lãnh của mẹ nó để ra đi, để rồi chính tờ giấy bảo lãnh ấy đã suýt kéo anh vào con đường gián điệp tôn giáo của Cộng Sản gian ác. Anh đã thoát chết trong đường tơ kẻ tóc mới được đến nơi đây. Cho nên trước khi chết, anh phải viết lại cho nó đôi dòng.
Anh vẫn luôn cám ơn Trời, vì Trời đã cho anh có một đứa con trai. Trời cho anh được bồng ẳm, nuôi nấng, nô đùa với nó hơn mười năm tại quê nhà. Dù trải qua biết bao ngang trái, nhưng sức mạnh của Tình Yêu Thiên Chúa trong lòng anh vẫn giữ được những ngày êm ấm thật sự với tuổi thơ của con mình. Vì anh biết rằng khó mà có một đứa con nào trưởng thành với hạnh phúc khi tuổi thơ của nó mang những tổn thương do cha mẹ nó gây ra. Những khi cô đơn nhất, anh nhớ lại những ngày được nuôi nấng, nô đùa với con mình khiến cho lòng mình cảm thấy sự an ủi. Nay là lúc mình phải nói ra sự thật khi nó đã đến tuổi trưởng thành. Chính anh đã không để cho con anh mất mẹ nó, và anh tin rằng sự xuyên tạc của mẹ nó không thể đánh mất hình ảnh một người cha trong tâm hồn nó sau khi hiểu ra sự thật. Khi con anh khôn lớn, nó có con đường riêng của nó và tự chịu lấy trách nhiệm. Khi còn bé, con anh là một đứa trẻ thông minh và được anh săn sóc với tình yêu thương trong Chúa. Chính bản thân nó cũng đã kinh nghiệm về phép lạ của Chúa. Nó là một đứa trẻ được sống sót nhờ Chúa cứu qua một phép lạ lớn lao sau khi bị trụy tim mạch do sốt xuất huyết mà bác sỹ đã bó tay. Khi còn ở Việt Nam, anh vẫn liên lạc với nó bằng E.Mail rất tốt. Anh không tin rằng một đứa con như thế lại trở nên từ bỏ cha mình khi chưa hề thấy cha mình đã làm điều gì gian ác đối với bản thân mình, với mẹ mình và với xã hội. Nhưng trên thực tế hơn một năm nay, anh không hề nhận được tin tức của nó, dù nó biết anh đang sống thất thểu ở Ðức và mong tin nó mỗi ngày. Chính nó đã biết một số khó khăn về giấy tờ xuất cảnh du lịch của anh vào giữa năm 1998. Ðây cũng là một sự việc khác thường nữa, có liên quan tới mẹ nó, và rất có thể bàn tay tội ác Cộng Sản nhúng vào đây. Mẹ nó là một người đàn bà đặc biệt, xem chuyện vui chơi trác táng và những trò chính trị bí mật là trên hết. Bà ta muốn được tiếng anh hùng hơn là hạnh phúc gia đình. Dù anh đã bỏ qua cho bà rất nhiều lần lầm lỗi, nhưng bà ta vẫn gài anh vào một cái bẫy, hoặc là phải chết, hoặc là phải làm việc cho Cộng Sản mới được sống yên thân!
Khi từ chối làm việc cho Cộng Sản, một mặt anh bị Cộng Sản đe dọa, một mặt anh bị bà ta đặt ra điều kiện mới cho anh. Nhưng anh không chấp nhận. Thế là từ bên Mỹ, bà hủy giấy bảo lãnh ngay mà không báo trước. Nhưng bà không ngờ việc làm của bà đã bị trễ. Văn phòng ODP vẫn tiếp tục gọi anh đi. Khi văn phòng ODP gọi anh, bọn công an chìm cộng sản đến hăm dọa anh: ''Biết được một ít đường dây công tác hải ngoại, nhưng không chịu phục vụ mà cứ khăng khăng ra đi theo địch là phản quốc''. Cảm thấy mạng sống của mình bị đe dọa, anh phải lo lập lại gia đình để chứng minh cho Cộng Sản thấy rằng ''tôi chỉ muốn yên thân''. Nhưng bà ta và Cộng Sản đã phá hoại việc anh lập lại gia đình bằng một lý do đơn giản: Ông còn tờ hôn thú với bà vợ ở bên Mỹ''. Trên thực tế thì bà ta đã ký đơn ly dị 10 năm nay, nhưng không đưa ra tòa án xác nhận. Nay anh đã ra nước ngoài, bà ta cũng không cùng với anh xác nhận tờ ly dị.
Bà ta có hành động dai dẳng nầy vì mục đích duy nhất là kềm kẹp anh cho bằng được theo mệnh lệnh của CSVN. Anh đã bán hết nhà cửa, bỏ công việc để đi Mỹ. Cuối cùng không được đi Mỹ, vì đã từ chối mê hồn trận của bà ta và của Cộng Sản. Anh muốn sống yên thân ở Việt Nam cũng không được yên thân. Buộc lòng anh phải ra đi. Vì đã có thẻ IOM, đã được khám bịnh và chủng ngừa tại Việt Nam, nên anh nghĩ rằng qua đây là anh sẽ được chính phủ Mỹ cho nhập cảnh. Khi tới Mỹ, anh cần ngay một ờ giấy ly hôn với bà vợ ''đặc biệt'' nầy. Vì khi anh còn ở VN, bà ta dùng tờ hôn thú để tiếp tục phá hoại cuộc sống của anh. Bà biết anh nằm trong tay các đồng chí của bà, nên anh ở trong thế bí hoàn toàn. Bao nhiêu lần anh đã tha thứ cho bà, nhưng con người nầy xem sự tha thứ như cỏ rác. Bây giờ qua đây, anh có muốn lập lại gia đình cũng không được, vì bà ta vẫn không muốn cùng anh hủy tờ hôn thú. Bà lặn rất sâu, không hề liên lạc trực tiếp với anh, nhưng vẫn điều tra vòng vòng qua những người bạn của anh để thu lượm tin tức về anh và bêu xấu anh trong giới Tin Lành.
Người đàn bà nầy trổ tài rất khéo trên nhiều lãnh vực giao tiếp xã hội, tôn giáo, nhưng chưa hề biết làm vợ một lần nào dù đã trải qua một số đời chồng. Sống trong trại tỵ nạn, anh không đủ tiền để nhờ luật sư tiến hành thủ thục ly dị vợ ở một quốc gia khác. Anh đã viết thư cho một vài mục sư trong các giáo hội Tin Lành để xin sự giúp đỡ, vì bà ta đang làm việc trong giáo hội Tin Lành. Nhưng tiếc thay thư của anh gởi cho mục sư đã bị lọt vào tay của bà ấy! Còn những mục sư khác dù đã nhận được thư anh, nhưng không hề có một câu an ủi đáp lại. Lại có những mục sư khác không thể tin vào thư từ của anh, vì họ đã bị bà ta chinh phục. Có thể họ đang bận tâm thể hiện ''tình yêu thương'' theo bài giảng của họ ở những miền xa xôi hoang đảo nào đó. Hoặc có thể một số mục sư Tin Lành không tin tưởng anh là một con người thành thật, trong khi anh đã đặt tin tưởng quá nhiều vào những mục sư trong giáo hội. Cũng có thể họ là những cánh tay của bà ta, hay ít nhất họ là những người sợ dính líu vào tai họa cộng sản, sợ bị trả thù một cách mờ ám.
Những ông mục sư mà anh liên lạc đều là những người anh tin tưởng và kính trọng, nhưng anh không ngờ rằng họ chẳng còn tin mình nữa. Ðúng là xa mặt cách lòng, thật đáng mỉa mai! Cả chục lá thư được chính thức gởi qua bốn vị mục sư mà chẳng được gì. Một lá đã lọt vào tay bà ấy. Một lá chỉ được trả lời theo cách tránh né. Hai lá khác không hề được phúc đáp! Những lá khác nữa không thể làm cho họ tin đâu là sư thật. Nếu anh được công khai đối thoại với bà ấy trước một tòa án, anh sẽ có đủ bằng chứng để binh vực mình. Bà ta biết điều nầy cho nên tìm đủ mọi cách để ngăn cản con đường qua Mỹ của anh. Nếu còn sống, anh vẫn còn ý muốn làm sáng tỏ vấn đề. Cũng có thể bà ta là một người phục vụ hai mặt, cả Mỹ lẫn Việt Cộng, cho nên Mỹ không muốn anh khui ra chuyện nầy. Hồ sơ của anh đã chính thức gởi cho Mỹ lần thứ nhất vào lúc 10 giờ ngày 19.4.1999 tại Berlin, và lần cuối cùng vào ngày 7.01.00 tại Frankfurt. Nhưng đến nay anh không có một câu trả lời. Mạng sống của anh trước hai chính phủ Mỹ và Cộng Sản Việt Nam chỉ nhỏ hơn hạt bụi. Nhưng anh tin rằng sự nhân từ và sự công bằng của Thiên Chúa lớn hơn cả thế giới nầy. Anh tin rằng lòng ngay thẳng của anh sẽ được Chúa bảo vệ. Cuối cùng nếu cả nước Mỹ, nước Ðức và cả giáo hội Tin Lành đều không nghe được tiếng kêu cứu thiết tha của anh, thì anh xem sự bất nghĩa giữa trần gian đã thắng chính nghĩa. Khi trút linh hồn, anh vẫn mang theo sự chân thành với chính mình. Và như thế sự gian ác u tối của trần gian cũng không thể thắng được lòng ngay thẳng, thành thật mà Chúa đã tái dựng trong anh. Trong trường hợp nếu sự chết xẩy ra với anh thì cũng là một niềm vui, dù đây là giả thiết tiêu cực nhất. Anh vẫn tin rằng sẽ có một ngày Chúa cho anh thấy ánh sáng cuối đường hầm. Chân lý mạnh hơn tất cả, dù sống hay chết.
Anh sẽ chấp nhận một cái chết thoải mái nếu như mọi cố gắng để sống vẫn bất thành. Anh đã được dọn sẵn cho mình một ý niệm về sự chết mất và sự sống còn. Chết là một giấc ngủ tuyệt vời cho người yêu mến Chúa. Dầu vậy anh vẫn muốn sống, dù một cuộc sống có vất vả, mệt nhọc. Thúc đọc bài thơ Trở Về Gió Bụi trong tập thơ Nước Mắt Việt Nam của anh thì sẽ thấy sự sống và sự chết đối với anh nhẹ nhàng như thế nào. Trong hai tập thơ Ngày Ðó và Quê Nhà xuất bản tại Việt Nam, anh đã viết những bài thơ đón chào sự chết. Suốt nửa thế kỷ qua, anh đã đối diện biết bao nhiêu cái chết, nhưng nay vẫn còn sống. Nhờ vậy mà anh nhận biết ý nghĩa và bàn tay của Ðấng Tạo Hóa.
Trước sau vóc dáng con người
Chẳng ai nhìn thấy nụ cười ban sơ
Mỏi mòn ta vẫn đợi chờ
Mấy lần đã chết, bây giờ còn đây
(Chào Cõi Chết, trích trong Ngày Ðó)
Trời sinh ra con người mình giữa đời nầy, dù đau đớn đến mấy, anh cũng cám ơn Trời trong tất cả những ngày mình được sống. Sau cùng thì ai cũng chết. Ðiều quan trọng hơn hết là sau khi chết, đức tin cho thấy linh hồn mình sẽ đi về đâu(?). Sự nhân từ của Chúa mà anh kinh nghiệm được và Ðức Tin trong Người mà linh hồn anh sở đắc là bằng chứng và giải đáp cho anh về câu hỏi nầy. Sự sống Chúa đã tái sinh trong con người lầm lạc của mình để dắt dìu mình mỗi ngày ra khỏi tội lỗi là bằng chứng chắc chắn nhất để được về với Người sau khi từ giã cõi đời. Vậy anh sẽ chết hay sống như thế nào còn tùy thuộc rất nhiều trong niềm tin mà Chúa đã ban cho anh, chứ không đơn giản là mình muốn chết hay muốn sống. Việc chưa xẩy đến và có thể không xẩy đến như điều mình đang suy nghĩ. Trong tình anh em, anh khuyên Thúc không nên khích bác những người đang ở trong cảnh khó khăn. Ngày nay đang ở trong cảnh khó khăn, nhưng anh vẫn cảm thấy mình là một người đang có phước. Phước ấy là anh còn viết được những dòng chữ nầy cho em, cho đồng bào, đồng tộc và bạn bè, cho con cái mình trước khi mình nhắm mắt. Anh lại được nói về Tình Yêu của Thượng Ðế. Anh tin rằng dù anh chết hay sống, lá thư nầy cũng đến tay em và đến tay con trai anh hiện đang ở Mỹ. Chỉ một vài hy vọng nhỏ nhoi nầy anh đã cảm thấy hạnh phúc rồi. Biết bao nhiêu triệu người đã chết mà chưa nói được những gì họ muốn nói? Nhưng anh, hiện vẫn còn sống và đang được nói lên nguyện vọng, ý nghĩ của mình, dù chỉ mới nói một phần tương đối mình cất dấu từ lâu.
Mấy hôm nay anh lại tiếp tục nhờ các tổ chức giáo hội bên Mỹ, nơi mà bà vợ đặc biệt vủa anh đang sinh hoạt, để nhờ họ giúp đỡ anh giải quyết mối liên hệ gia đình. Vì vậy mà anh nhận được một E.mail của con trai anh từ bên Mỹ. Nó tố cáo ''tội ác'' của anh là làm mất uy tín của mẹ nó. Có lẽ những lá thư của anh gởi đến các vị mục sư Tin Lành bên Mỹ khiến cho bà ta cảm thấy bị mất uy tín, nên đã hành hạ con mình. Bà ta đã sử dụng đứa con để làm vũ khí giành lấy uy tín cho riêng bà. Bà đã làm cho con anh biết rằng chỉ có ''cha mày là gian ác mà thôi''. Vì vậy nó không nhìn nhận anh là cha của nó nữa. Một đứa con đã coi cha mình như một kẻ khốn nạn vì cha mình làm mất uy tín của mẹ mình! Thật là đơn giản. Nó chưa hề biết mẹ nó chẳng những đã làm mất uy tín của cha nó, mà còn suýt làm mất mạng của cha nó nữa. Nó chưa biết rằng mẹ nó đang xây uy tín và tiếng thơm bằng tội lỗi, một thứ uy tín không bao giờ bền giữa cõi phù du.
Ðây là tình trạng điều ác đang tạm thắng điều lành khi sự thật chưa được làm sáng tỏ. Con anh là nạn nhân của sự giáo dục xuyên tạc do người mẹ đặc biệt nầy gây ra. Nó vốn vô tội. Một bà mẹ đã giáo dục cho đứa con của mình khinh bỏ cha nó một cách vô cớ quả là một tội ác sâu sắc. Con anh chẳng vui sướng gì khi nó nghĩ rằng cha mình chỉ là một thằng khốn kiếp. Ðể bảo vệ tuổi thơ trong sáng và vô tội của nó, anh chưa bao giờ cho nó biết những lỗi lầm của mẹ nó. Anh đã sợ rằng những lỗi lầm của cha mẹ sẽ ảnh hưởng xấu lên cuộc đời của con cái. Vì vậy mà anh nhịn nhục, im lặng suốt 20 năm qua. Không có một đứa con nào lớn lên mà sống một đời đạo đức nhờ tội ác của cha mẹ. Cũng không có một đứa con nào sống hạnh phúc nhờ khinh cha mẹ. Thế nhưng kết quả hiện nay vẫn là thê thảm. Ðứa con của anh đã nghe lời mẹ quá vội vàng đến nỗi coi cha mình như một kẻ khốn nạn, đáng khinh.
Anh đau lòng vô cùng, nhưng anh lại học được một kinh nghiệm mới. Cái kinh nghiệm của một người cha yêu con, yêu lẽ phải nhưng vẫn bị đứa con khước từ. Ðây là một kinh nghiệm mới mẻ, hiếm có, khiến cho anh thấy được nỗi đau của Thiên Chúa trên thập tự giá khi Người bị loài người đóng đinh để Người chết thay cho tội ác của họ. Anh đau đớn đến nỗi không một ai có thể an ủi được mình ngoài sự đau đớn của Chúa Jesus. Quả thật có một nỗi đau đớn riêng tư, thầm kín mà không một con người nào có thể thấu hiểu được, dù nỗi đau nầy vẫn rất nhỏ nhoi đối với nỗi đau của Chúa Jesus trên con đường thập tự giá. Suốt 20 năm, người cha sống nhịn nhục, chịu đựng đau đớn cho con vẫn không đủ ảnh hưởng tốt trên đứa con ấy. Trong khi một vài lời nói dối đơn phương của mẹ nó cũng đã đủ cho nó tin quyết rằng cha nó là một kẻ khốn nạn đáng nguyền rủa. Thật là tội nghiệp cho con anh. Mẹ nó cần uy tín đến nỗi phải giết chết lòng hiếu thảo của con mình và biến nó trở thành một đứa con khinh cha một cách oan nghiệt, mà trong linh hồn nó vẫn tin rằng mình làm như thế là đẹp ý Chúa.
Anh học được bài học nầy một cách bình an sau hai ngày đêm nghe mọi cảm giác chết điếng trong thân thể và linh hồn mình. Ðây là một kinh nghiệm rất mới lạ khi anh đã có Chúa. Kinh nghiệm nầy còn lớn hơn cả cái kinh nghiệm lúc anh chuẩn bị tẩm xăng vào người để tự thiêu năm 1963. Một cảm giác cô đơn tuyệt đối khi anh đang phiêu bạt giữa trời Âu lạnh giá. Cái cảm giác cô đơn đến nỗi linh hồn anh muốn cảm tạ niềm cô đơn nầy và được sống với nó hơn là có đủ vợ, con thân thuộc một cách giả dối, bất nghĩa. Anh không muốn ai xen vào sự cô đơn nầy để chia xẻ với mình một lời an ủi. Sự cô đơn đã trở thành thiêng liêng, giải thoát khi nó trở thành một của lễ tạ ơn Chúa. Rõ ràng là chỉ có Chúa mới nắm trọn nỗi cô đơn của anh để đặt vào tình yêu vô lượng của Người. Người đã soi sáng cho anh hiểu được nỗi đau của Thánh Gióp đoạn 16 trong Cựu Ước một cách thấm thía hơn. Sự cô đơn đã làm cho anh được hòa nhập vào trong cây cỏ, với ngọn đèn đêm, với đường rây xe lửa để thật sự thấy rằng không một tế bào vật chất nào mà không có con mắt của Ðấng Tạo Hóa nhìn xem. Không có một ý nghĩ nào trong linh hồn mình mà không được Người lắng nghe và quan phòng. Một nỗi cô đơn tuyệt diệu khiến cho thân thể anh không còn cảm giác lạnh khi đứng dưới bầu trời âm 5 độ, vì biết Chúa đang đọc từng cảm giác riêng tư nhất của mình. Ðây là một sự cô đơn tuyệt vời, vì mình được thoát ra khỏi trần lụy để được thể nhập trong Tình Yêu của Ðấng Tạo Hóa khi niềm đau của mình được chạm vào sự đau đớn tủi nhục vô độ mà Người đang gánh cho mình trên thánh giá. Ðến đây anh mới thấm thía lời Chúa Jesus phán: Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta: ai không vác cây thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta. (Matheu 10 :37-38).
Tình yêu cha mẹ, vợ con vẫn còn là tương đối, nếu so với tình yêu của Thiên Chúa, nhất là khi tình yêu cha mẹ vợ con mà còn bị vướng vào tội lỗi để phải vào địa ngục. Anh tin chắc cuối cùng chân lý sẽ thắng. Khi viết những dòng chữ nầy anh vẫn yêu con và muốn nó cứ tiếp tục yêu mẹ nó. Mong rằng ngày mai khi biết ra sự thật, con trai anh vẫn can đảm tha thứ cho mẹ nó. Vì hễ bất cứ đứa con nào còn buộc tội cha mẹ là đứa con rất đau khổ. Anh thèm khát sẽ có một ngày mình được gặp nó. Hai cha con sẽ nhận ra nhau, tha thứ cho nhau bằng tình yêu trong mỗi giọt máu hồng trên Thập Tự Giá. Quên hết những oan nghiệt đàng sau. Dẫn nhau đi về phía trước. Bước trên dư luận phù phiếm mà vẫn ra đi gieo giống Tin Lành. Ðôi khi cha mẹ cũng có những sai lầm cần được con tha thứ. Con có những sai lầm cần được cha mẹ ấp ủ thương yêu và dung chịu. Trước mặt Ðấng Tạo Hóa, chúng ta đều là con cái của Người. Trong đức tin, anh thấy rằng những xa cách, những oan nghiệt của cha con anh sẽ được Chúa chữa lành. Ngay cả mẹ nó cũng vậy. Nếu bà ta không bị lệ thuộc vào tính sỹ diện cá nhân, không bị lệ thuộc vào guồng máy chính trị phàm tục, chắc chắn bà ta sẽ được Chúa chữa lành vết tích lầm lỗi. Khi ấy bà ta không còn phải sợ hãi dư luận nữa mà can đảm, chân thật làm sáng tỏ chân lý trong linh hồn mình. Có người đợi khi hấp hối mới nói ra sự thật. Nhưng theo anh, mình nói ra sự thật càng sớm càng tốt. Vì một ngày được sống và được nói sự thật là một ngày quý báu giữa trần gian nầy. Sự thật giải phóng con người, chứ con người không thể giải phóng sự thật nổi đâu. Viết tới đây anh lại càng thêm tin quyết vào Lời Chúa. Vì chỉ có Chúa mới thấy rõ lỗi lầm trong con người và Người đem đến cho họ tình yêu thương và lòng tha thứ dồi dào. Người muốn con người nhận lấy tình yêu và sự tha thứ của Người bằng hành động ăn năn xưng tội. Thái độ ăn năn xưng tội với Chúa là một thái độ khiêm nhu chân chính nhất mà bất cứ ai cũng có thể làm được và không sợ mất mặt với đời. Vì sự vinh quang của Thượng Ðế che phủ tất cả những u tối xấu xa của người biết mình có lỗi. Một vị vua, một ông tổng thống biết xin lỗi toàn dân đã là một hành động đáng yêu rồi. Huống hồ gì một con người biết xin lỗi một con người, và đặc biệt hơn nữa là một con người biết xin lỗi Ðấng Tạo Hóa của mình. Cám ơn Chúa. Quả thật Kinh Thánh dạy thực tế vô cùng cho những người có đức tin trong Chúa.
Trước đây anh định nhờ Thúc, vì Thúc đã có lòng giúp anh khi nhận những hồ sơ của anh từ Việt Nam gởi qua. Thúc đã hiểu phần nào về tình trạng nguy hiểm của anh trong chế độ cộng sản. Anh đã viết cho Thúc một lá thư và nhét vào đôi giầy của con Thúc, nhờ nó đưa cho Thúc để Thúc tìm cách cứu anh. Anh đã nhờ Thúc liên lạc với FBI. Thúc đã hỏi thăm các luật sư và hội cựu tù nhân cộng sản. Mới hai năm trước đây Thúc đã viết thư cho anh biết sự quan tâm của em đối với tai họa của anh. Thế nhưng nay Thúc lại nhạo báng về cái chết của anh, cả trong quá khứ cũng như hiện tại. Ðúng là tình cảm con người lắc léo quá phải không em? Khi còn ở Việt Nam, anh đinh ninh rằng nếu mình bị giết trước khi được nói ra sự thật, em mình là Nguyễn Thúc, người có biết về những rắc rối chính trị của mình, chú ấy sẽ là một nhân chứng cho mình, để mình khỏi bị xuyên tạc về sau, có thể di hại cho đời sống nội tâm của đứa con trai duy nhất của anh. Anh không ngờ anh đã quá tin Thúc và đã đánh giá tình cảm và sự nhận thức của Thúc quá cao. Ðây là một sai lầm của anh nữa khi quá chân thành và tin người không đúng chỗ. Nhưng anh không hối tiếc vì đã quá tin em cũng như đã đặt niềm tin vào các ông mục sư. Anh miệt mài viết những dòng thư nầy cho em để giữ cho mình một tình thương đồng tộc, dù em vẫn chưa hiểu anh và cư xử bất nhân đối với anh.
Việc anh tự thiêu, hay không tự thiêu trước đây, Thúc hoàn toàn không biết gì cả. Vì lá thư nầy không phải viết riêng cho Thúc nữa, nên anh muốn được cơ hội nói thêm vài chuyện đã qua. Lỡ ra anh có về với Chúa sớm, con trai anh nó sẽ có dịp biết chút ít về cha nó. Lạ quá, người cha nào cũng rất thèm khát được con cái hiểu mình. Thượng Ðế cũng muốn loài người yêu Người và hiểu biết về Người, vì Người là Cha của nhân loại. Trong ý nghĩ nầy, anh muốn kể cho em về tâm tình của một vài người cha mà anh đã quen biết như sau:
Một cụ già kia có đứa con trai duy nhất sinh ra ở Nha Trang. Khi còn trẻ, ông đã vấp một lỗi lầm đối với người vợ và đứa con trai. Khi vợ ông chết, ông đã bị đứa con trai ấy quay lưng từ bỏ. Ông ta cảm thấy hỗ thẹn nên đã từ giã quê nhà đi lang thang suốt 36 năm. Cuộc sống lang thang của ông đã bị Việt Cộng bắt giam vào một trại lao động tập trung suốt 18 năm ròng rã. Ðến lúc quá già yếu, sắp qua đời, ông gặp anh trong một hoàn cảnh đặc biệt của một loại nhà tù. Ông cụ nầy gởi gắm cho anh những điều tâm sự và lỗi lầm quá khứ của mình. Ông rất muốn được đứa con trai mình tha thứ. Anh đã lắng nghe, và đem nỗi lòng của ông về Nha Trang. Năm 1992, nhân dịp anh đưa đứa con gái đi một vòng non nước bằng xe gắn máy, anh ghé Nha Trang tìm được người con trai của ông cụ ấy. Người con trai ấy đã có gia đình, khi nghe được sự ăn năn thống hối của người cha nên anh ta cũng nhận ra phần lỗi về mình. Anh tìm cách giúp cho người con ấy được gặp cha. Hai cha con đã gặp nhau vài lần trước khi ông chết. Ba năm sau người con trai ấy đưa hài cốt cha mình về nơi tổ phụ. Anh không bao giờ quên được thái độ tha thiết của ông khi mong con mình hiểu mình và tha thứ cho mình trước giờ nhắm mắt. Ôi sự thèm khát của người cha muốn được con mình hiểu mình quả là thiêng liêng làm sao! Và cũng phước thay cho một người con đã được giải quyết một nỗi giận hờn đối với cha mình trước khi ông tắt thở, lại còn biết phần lỗi của mình sau bao nhiêu năm ăn ở bạc nghĩa với cha.
Một người cha khác đã từ con vì nó nghiện ma túy, phá hoại gia sản quá nhiều. Nhiều lần người cha nầy đã mong sao cho đứa con mình chết đi. Ðưá con nầy đã sống lang thang và bị Cộng Sản bắt giam vào trại tập trung lao động hơn 15 năm. Họ đã mất tin tức của nhau hoàn toàn. Một hôm anh gặp đứa con ấy trong một nông trường cải tạo lao động tại Sông Bé. Cộng Sản không cho ai liên lạc với gia đình khi đã bị ''thu gom''. Cộng Sản xem những người ấy là ''tàn dư của chế độ cũ'', là ''rác rến, Mỹ Ngụy''. Những thành phần nầy bị cưỡng bách lao động cho đến chết. Sau khi nghe được tình cảm của người con nầy, anh đi tìm địa chỉ của người cha. Khi ấy người con đã 50 tuổi, người cha thì gần 80 tuổi. Thúc có biết không, vừa nhận ra hình ảnh đứa con mình còn sống, mặc dù người cha đã quá già, nhưng ông ta muốn được gặp đứa con hư ấy ngay tức khắc để cho nó ăn một món gì ngon nhất trước khi ông ta nhắm mắt lìa đời.
Anh đã có cơ hội giúp đỡ nối lại những cuộc đoàn viên của tình cha con, mẹ con như thế và học được biết bao ý nghĩa sống giữa cuộc đời. Nhưng một người cha khác có những đứa con "làm cách mạng" vào bưng đi theo Cộng Sản, sau 30.4.1975, những đứa con nầy từ Bắc Việt trở về Miền Nam. Ông cụ chỉ vui mừng gặp các con ông trong mấy tháng. Sau đó ông sớm chứng kiến nhiều cảnh trả thù hung ác của con ông và các đồng chí của chúng đối với đồng bào mình. Vì thế ông đã cương quyết từ con và từ luôn cả chế độ Cộng Sản gian hùng. Ông bỏ Ðà Nẵng vào Sài Gòn sống lang thang khi tuổi đã già. Một hôm ông ngủ ngoài đường, bị công an thu gom đưa vào trại tập trung. Ông đã sống âm thầm trong trại tập trung nầy suốt 18 năm như một nhân vật khó hiểu. Ông không khai tên thật của mình. Sau khi các con ông, những đảng viên, bác sỹ, giám đốc đã tìm ra tông tích của ông, ông vẫn không chấp nhận nhìn mặt chúng. Từ Ðà Nẵng, những người con nầy gởi quà vào trại tập trung Sông Bé cho ông, nhưng ông vẫn cương quyết từ chối. Ông chấp nhận cuộc sống đói khổ cơ cực, cô đơn trong trại tập trung cho đến chết. Khi ông chết, anh đã có mặt bên ông. Lúc ấy ông đã hơn 90 tuổi. Một cái chết gần như không nhắm được hai con mắt ! Ðó là một cụ già cao tuổi nhất, có cuộc sống yên lặng nhất, có thái độ đau buồn nhất vì đã vỡ mộng đối với loài ma cộng sản và kinh tởm Cộng Sản đến nỗi chết mà không nhắm mắt., vì cộng sản đã biến những đứa con của ông trở thành những người gây tội ác.
Các câu chuyện trên đây là có thật và anh vẫn còn giữ hình ảnh của họ. Nếu còn được sống, anh sẽ cho ra một quyển sách có hình ảnh sự thật về tội ác cộng sản đối với hàng trăm ngàn người mồ côi, góa bụa, vô gia cư trong thời chiến tranh, và nhất là hậu quả của chính sách kinh tế mới sau 1975 cũng như các nông trường lao động cải tạo. Anh chỉ tiếp xúc được trên một ngàn trường hợp mà thôi! Anh cảm thấy rùng mình về những ''phương pháp làm sạch xã hội'' của Cộng Sản suốt 24 năm qua cho đến bây giờ. Nếu anh không viết kịp thì sẽ có người khác tiếp tục, vì tài liệu nầy đã được ra nước ngoài. Có thể Cộng Sản giết anh, vì chúng đã cho người vào trại ty nạn hăm dọa anh. Anh đã trình bày cho chính quyền Ðức, nhưng anh cảm thấy tình cảm của hệ thống chính trị xã hội của các nước văn minh giầu có đang trở thành máy móc. Lòng dạ người Ðức đang chai dần, không dễ gì họ tin người tỵ nạn VN! Nhân quyền là hai chữ viết rất to trên giấy, trong hiến pháp để người ta tô vẽ vinh quang cho quốc gia, dân tộc và xã hội. Nhưng trong mỗi trái tim của người giàu có, người có quyền, nhân quyền có hình dáng riêng; ai va chạm vào đó để trở thành nạn nhân của nó mới nhận biết được. Có thể người Ðức vì quá ngán ngẩm tình trạng tỵ nạn của nhiều người ngoại quốc cũng như người Việt Nam, nên họ sẽ từ chối anh, do đó anh đã chuẩn bị sẵn sàng.
Sống hay chết đều nằm trong tay Chúa. Cộng Sản giết anh, sách của anh sẽ được nhiều người đọc hơn và dư luận sẽ phê phán tội ác tội ác của chúng đích đáng hơn để ngày sau thế hệ con cháu chúng ta biết đường mà tránh. Tại vùng anh tỵ nạn, mafia Việt Nam giết nhau là chuyện bình thường. Họ vứt thây trong các khu rừng không xa thành phố lắm. Có lẽ người Ðức thừa biết, nhưng họ không mấy bận tâm đến cái giống ''người châu Á'' dã man đã bị nhiễm chất độc cộng sản. Cũng có thể người Ðức áp dụng phương pháp dĩ độc trị độc nhằm giảm bớt số người lợi dụng luật tỵ nạn để nhập cảnh bất hợp pháp, làm hại đến kinh tế và trật tự xã hội của nước Ðức. Không dễ gì người ta đọc được mặt trái của nhân quyền trên một dân tộc văn minh như Ðức sau thế chiến thứ hai! Người Ðức chi nhiều tiền viện trợ nhân đạo cho các nước nghèo và họ được tiếng tốt từ bên ngoài. Nhưng trong phạm vi nước Ðức thì người Ðức bị dân tỵ nạn oán trách nhiều hơn là được biết ơn. Mỗi ngày chính phủ Ðức bỏ ra số tiền khổng lồ để nuôi hàng trăm ngàn người tỵ nạn đang tạm trú tại nước Ðức, nhưng việc đó không che đậy được thái độ và tính khí kỳ thị chủng tộc của một số rất ít cảnh sát và cán bộ xã hội trong vùng Ðông Ðức cũ, mặc dù phần đông người tỵ nạn chỉ đến quấy rối xã hội Ðông Ðức cũ mà thôi. Những nhân viên xã hội hay cảnh sát Ðức có thái độ kỳ thị người ty nạn đều là những công chức của chế độ cộng sản Ðông Ðức còn lưu lai. Người đói cần được ăn, người giầu cần sỹ diện; nhưng cả hai đều cần nhân nghĩa. Trên thực tế thì nhân nghĩa vẫn bị chà đạp ngang xương mà không mấy ai bận tâm. Nhìn hàng ngàn con người sống trong các trại tỵ nạn Ðức từ năm nầy qua năm khác; họ không có việc làm, không có tương lai, họ sợ ban ngày vì buồn chán, họ thức ban đêm vì khổ tâm, họ oán trách luôn cả luật tỵ nạn của nước Ðức. Họ nghĩ rằng phải chi nước Ðức đừng có luật tỵ nạn, thà họ chết ở quê nhà còn hơn là nuôi hy vọng qua đây để trở nên lỡ làng, dở sống dở chết. Nhưng chính phủ Ðức đã bỏ hàng khối tiền để nuôi họ năm nầy đến năm khác, tại sao chính phủ Ðức phải quan tâm đến nỗi khổ của những người khách không mời nầy chứ!. Người tỵ nạn đã đem gánh nặng ''nhân quyền'' đến cho nước Ðức vì nước Ðức có tiền của và có nhân quyền.
Ngày xưa nếu lửa đã đốt anh chết thì anh chỉ thỏa nguyện trong ''chính nghĩa của trần gian''. Khi còn trẻ, anh đã quá nhiệt tình với chính nghĩa trần gian mà không hay biết. Nhưng anh cũng không hỗ thẹn, không tiếc với lòng nhiệt thành quá cỡ của mình đối với một tôn giáo mà mình quý trọng, đối với những bậc thầy mà mình yêu kính đến nỗi đã dâng hết niềm tin cho họ. Sau nầy anh biết rằng mình còn được sống là do Ơn Trời mầu nhiệm chứ không do ai cả. Vì mỗi hạt bụi trần vẫn bay trong sự nhìn thấy và sự tể trị từ trước vô cùng đến sau vô tận của Ðấng Chí Cao. Ai cũng thấy hành động tự thiêu của Hòa Thượng thích Quảng Ðức là Bồ Tát hạnh, nhờ đó, Phật Giáo đã chiến thắng chính phủ bất công tôn giáo của gia đình tổng thống Ngô Ðình Diệm. Nhưng chính Hòa Thượng Quảng Ðức trước khi nhắm mắt hy sinh cũng không biết rằng cái chết của mình vẫn bị lợi dụng, bị vắt hết những ý nghĩa của nó để giáo hội bị chia rẽ tang thương hơn. Tại sao Thúc không nói những sự phân rẽ ấy trong giáo hội là hành động xù Phật? Tại sao Thúc lại cho rằng anh đổi ý định tự thiêu? Phải chăng vì Thúc là một ''Phật tử chân chính'' nên muốn anh mình chết cháy hơn là được sống? Thúc đã xem kết quả chiến thắng của Phật Giáo sau 1963 như thế nào chưa? Thúc có biết tại sao những anh hùng Phật Giáo đã lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chính phủ Ngô Ðình Diệm nay lại thản nhiên nhìn các bạn đồng môn của mình bị giết, bị tù đày; các chùa chiền bị đóng cửa, các trường Bồ Ðề bị tịch thu trong chế độ Cộng Sản không? Nếu Thúc muốn chỉ trích một kẻ chưa chết mà đang được phước như anh, xin hãy đánh giá lại kết quả của những vị đã đốt ngọn lửa thiêng suốt 36 năm qua như thế nào! Thúc có biết câu chuyện trái tim Hòa thượng Quảng Ðức đã đốt trong ngọn lửa 4000 độ mà vẫn không cháy phải không? Thúc có tin câu chuyện nầy là có thật không? Vậy nay trái tim ấy nằm ở đâu mà để cho cộng sản điều khiển Phật Giáo quốc doanh lộng hành đến thế? Tại sao HT. Trí Quang không hề lên tiếng sau khi CSVN đã phá nát giáo hội PGVNTN? Phải chăng HT. Trí Quang cho rằng CSVN có tự do tín ngưỡng hơn thời tổng thống Ngô Ðình Diệm? Phải chăng HT Trí Quang không biết lý do tại sao HT Thích Thiện Minh đã bị tra tấn cho đến chết ở Bình Tuy? Phải chăng ông cũng không biết lý do tại sao HT Trí Thủ và HT Thanh Trí, Ðôn Hậu phải chết chỉ vì tĩnh ngộ sau khi đã trót tin theo Cộng Sản? Phải chăng HT. Trí Quang cũng không biết lý do tại sao HT Quảng Ðộ, và Huyền quang vẫn bị giam suốt mấy chục năm nay? Một người hăng hái đấu tranh như Hòa thượng Thích Trí Quang đã từng đóng góp tích cực vào việc lật đổ hầu hết những chính phủ miền Nam, nhưng sau khi Việt Cộng chiếm đoạt miền Nam để thi hành chính sách giết người cướp của thì HT Thích Trí Quang đã làm gì hơn 20 năm nay? Theo Phật thì mặc áo cà sa, theo ma thì mặc áo giấy, theo ''con cấy'' thì ở truồng. Ðó là ''luật tự nhiên'' phải không em? Anh hỏi cho Thúc chừa cái tật nói phét đó mà thôi. Những chuyện nầy anh biết rõ hơn Thúc nhiều lắm. Chỉ ngại nói ra không ích lợi gì trong lúc nầy.
Lặng thinh, đau tận đáy lòng
Nói ra rầu rĩ rêu rong rú rừng!