Trong cuộc đấu tranh của Phật Giáo, anh không hề đổi ý định tự thiêu như Thúc đã nghĩ. Năm 1963, khi tình nguyện tự thiêu, anh mới tròn 18 tuổi (tuổi thật của anh), quý thầy phải dè dặt giữ anh lại để tránh sự mang tiếng. Họ đưa anh vào Saigon, ở trong chùa Xá Lợi, chùa Giác Sanh hàng tháng để chuyên trì tụng kinh Pháp Hoa mỗi ngày với ba vị tự thiêu khác lớn tuổi hơn anh, nhưng phát nguyện sau anh. Ðó là Thích Phước Ðường, em ruột HT. Thích Thiện Châu. Hai anh em tu sỹ nầy đang sống tại Pháp. Một người tình nguyện tự thiêu khác là Thích Phi Văn. Nghe nói thầy nầy đã xuất tu và chết trong chiến tranh. Một người nữa lúc đó đang ở Sàigòn là Sư bà Diệu Huệ, mẹ của đại sứ Bửu Hội. Khi tình hình tranh đấu của Phật Giáo có một vài biến chuyển, ba anh em tình nguyện tự thiêu nầy được đưa về Nha Trang. Sư bà Diệu Huệ tự thiêu khi ba anh em đã rời khỏi Saigon. Về tới Nha Trang, anh vẫn quyết định tự thiêu ngay trong cuộc biểu tình đòi xác ni cô Diệu Quang trước tòa hành chánh tỉnh Khánh Hòa, nhưng cũng bị làm hỏng do sự hỗn loạn với cảnh sát vào buổi chiều ngày 16.8.1963. (cần xem lại mốc thời gian trong quyển lịch sử PGVN Ðấu Tranh của Tuệ Giác). Tiếp theo đó, thầy Ðức Minh đã điện về Quảng Trị nhắn bố anh vào để ngăn cản. Bố anh vào Nha Trang khóc thảm thiết. Ðến bây giờ anh cũng không tự mình giải thích nổi tại sao lúc đó anh rất yên lặng, quan sát tình cảm của mọi người đối với cái chết tình nguyện của mình. Họ càng tỏ ra yêu quý, kính trọng anh, anh lại càng muốn chết cho họ. Nhất là khi nhớ tới những bạn bè của anh bị cảnh sát đánh bằng sợi lòi tói buộc cục bù-lon trước đầu dây. Những chiếc đầu cạo trọc bị vút bù-lon lủng lỗ rất sâu. Nhìn các vết thương ấy trên đầu anh em mình, máu chảy dài xuống cổ áo cà-sa; anh không muốn làm gì hơn là tẩm xăng tự thiêu để phản đối. Thậm chí anh còn tưởng tượng nếu được đốt lên ngọn lửa bằng chính xác thân mình, anh sẽ chạy thẳng vào văn phòng tỉnh trưởng tỉnh Khánh Hòa để đánh thức họ. Tinh thần đấu tranh phàm tục ngày ấy là như thế. Bây giờ còn sống để nghe Thúc và nhiều anh em khác mai mỉa mình, anh cảm thấy có ý nghĩa hơn là được chưng bức ảnh ngồi trên bàn thờ một cách vô tri và luôn luôn bị hiểu lầm, bị lạm dụng. Sau khi toàn bộ chùa chiền bị Ngô triều phong tỏa, anh bị cảnh sát Nha Trang tìm bắt nên trốn về Quảng Trị. Ðến cuối tháng 10/1963, phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến Huế điều tra về nhân quyền của chính phủ Ngô Ðình Diệm; anh được thầy Chánh Trực, thầy Ðức Huy tổ chức cho tự thiêu tại khách sạn Thuận Hóa Huế. Nhưng cũng bất thành do sự chậm trễ của ban tổ chức tại nhà chị Như Ý số 29 đường Nguyễn Thành, Thành Nội Huế. Anh muốn ghi lại một trong những lý do tại sao anh còn sống, và tại sao anh không phải là người thay đổi ý định tự thiêu như hàng vạn người gán ghép suốt mấy chục năm qua. Có lẽ người ta có nhiều lòng ''từ bi'' quá nên nhìn anh như một người đáng ghét, vì anh không bị lửa đấu tranh thiêu cháy cho người ta tôn thờ. Anh đã tình nguyện tự thiêu mà vẫn còn sống để được nhiều ''tiếng tăm'' là điều đáng ghét thứ nhất. Anh sống, nhưng không còn đi theo tôn giáo mà mình đã từng tình nguyện hy sinh cả mạng sống của mình, là điều đáng ghét thứ hai. Nhưng tại sao anh còn sống? Thúc cho rằng anh đã làm dổm như năm xưa tự thiêu cho đạo pháp rồi đổi ý nhé. Ðây là một câu văn rất bất nhân của Thúc và một số phật tử khác. Kể từ khi anh được Ơn Cứu rỗi của Chúa Jesus, biết bao nhiêu người đã tạt thẳng vào mặt anh câu nói đó. Hàng trăm thái độ đối với anh như vậy đã chứng minh sự ảnh hưởng của triết học từ bi trong Phật Giáo gieo vào tâm địa của khá nhiều người Phật tử Việt Nam những đức tính gì? Trong câu văn của Thúc, em không ngần ngại bày tỏ một sự tiếc rẻ, sao anh Nhật không chết cháy đi trong các dịp tự thiêu hồi đó! Không riêng gì em nghĩ như thế đâu. Một vài vị cao tăng cũng đã nói lên điều ấy cho anh nghe rồi. Nhưng anh vẫn tin rằng ai muốn thành Phật đều không muốn sự chết chóc nào cả, dù sự chết chóc ấy là tự nguyện. Ðạo Từ Bi trong sách vở và Ðức Từ Bi trong con người khác nhau xa lắm em ạ. Thật là đáng tiếc nếu anh đã chết cho những thành công mà 40 năm sau chưa mấy ai nhận thức được sự vô nghĩa của tinh thần tình nguyện đầy nhiệt huyết ấy! Anh rất muốn viết thêm về câu chuyện mình đã tự thiêu và được sống sót cho đến hôm nay. Nhưng càng nhớ tới càng thấy không hấp dẫn tý nào cả. Ðó là buổi sáng 30 tháng 10 năm 1963, trong lúc anh đang ở quê trốn tránh lệnh truy nã của ông Lâm Em, trưởng ty cảnh sát Nha Trang, Ðại Ðức Thích Ðức Huy đến tại làng Cổ Lũy hỏi anh: Huệ Nhật còn ý nguyện tự thiêu nữa không? Anh trả lời còn. Ðại đức Ðức Huy trao cho anh một miếng giấy học trò viết mấy chữ bằng bút chì để ra chợ Quảng Trị gặp chị Liên, thợ may. Những chữ bằng bút chì ấy là "May cho em một bộ đồ tây". Chị Liên là một nữ Phật Tử tại chợ quảng trị. Tại đây, chị Liên đã có sẵn cho anh một bộ đồ tây quần dài xanh, áo sơ mi trắng. Anh thay áo quần tây vào người, gói bộ áo cà sa vào một tờ báo. Nhận 15 đồng bạc, ra bến xe đi Huế với một tờ giấy khác, cũng viết bằng bút chì: "Chị ơi may cho em một chiếc áo mới". Còn một việc nữa anh phải thuộc lòng trong bụng, đó là địa chỉ vào tới Huế: Tiệm may số 29 Nguyễn Thành, Thành Nội Huế; nơi đây anh phải gặp chị Như Ý để trao tờ giấy trên. Anh đến Huế vào khoàng 14g30 chiều hôm đó. Chị Như Ý đã chuẩn bị cho anh một chiếc xích lô, và một chiếc xe mobylet, một bộ ca sa vàng, một chiếc áo mưa hiệu Belair mầu nâu đậm để trùm bên ngoài che áo cà sa, dù mưa hay không mưa. Tháng Mười ở Huế thường có mưa nên nguỵ trang che áo cà sa bằng áo mưa là rất hợp lý. Ở đây cũng có cả hộp quẹt diêm và xăng để anh tẩm vào trong người với nhiều lớp áo cà sa trước khi ngồi lên xe xích lô, hoặc là xe Mobylet. Một gói thuốc Ruby để làm bộ hút thuốc lúc bật lửa. Người tài xế xích lô của anh lúc đó là ai thì anh chưa biết, nhưng người tổ chức cho anh tự thiêu là một sinh viên tên Khiết. Trước khi thực hiện đưa anh đến khách sạn Thuận Hóa tự thiêu, anh Khiết phải đi dò tình hình lần chót. Nơi đây phái đoàn Liên Hiệp Quốc đang ở lại để tiến hành điều tra về vi phạm tự do tín ngưỡng tại Huế. Trong lúc anh Khiết đi tiền trạm, một người em gái của chị Như Ý khuyên anh nên bỏ ý định tự thiêu, vì chú Huệ Nhật còn quá nhỏ. Cô ta khóc lóc bảo chú Huệ Nhật còn quá nhỏ, nên khoan tự thiêu vội. Trong lúc đang bàn cãi, anh Khiết về báo tin là hỏng hết rồi, vì phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã ra phi trường Phú Bài về Sai Gòn. Ban tổ chức vội vàng đưa anh qua nhà ông Cẩm Thành ở số 38 đường Phan Bội Châu-Ngã Giữa, gần cửa Ðông Ba để nghỉ qua đêm. Nhà ông Cẩm Thành là một tiệm thêu, có đứa con trai bị gù lưng nhưng chơi nhạc rất giỏi. Ðây là một gia đình tín đồ Phật Giáo thuần thành lắm. Ngủ lại đây một đêm và một ngày, chiều tối hôm sau anh được đưa lên chùa Từ Ðàm và được ngủ trong phòng thầy Trí Quang. Lúc ấy thầy Trí Quang đang ẩn náu trong tòa đại sừ Mỹ tại Saigon. Phòng thầy Trí Quang là nơi an toàn, vì mỗi lần công an mật vụ của ông Cẩn vào lục lọi chùa Từ Ðàm đều không đá động đến phòng thầy Trí Quang. Anh ngủ trong đó một đêm nữa thì sáng hôm sau nghe tin quân đội làm đảo chánh, lật đổ chính phủ Ngô Ðình Diệm. Anh được xem như một người hùng của Phật Giáo Việt Nam từ đó. Nhưng ai có ngờ anh phải học thêm những bài học chua xót về sau vì sự nổi tiếng, sự kính trọng, sự ganh tỵ vô cùng mỉa mai và hết sức oan trái. Thật là may mắn cho anh, vì lúc đó anh còn ngây thơ quá, chưa ý thức được sự nổi tiếng của mình, mải cho đến khi giáp mặt với những thái độ ganh tỵ của những người chung quanh xẩy ra liên tục mới làm cho anh hiểu được thế nào là ''một thánh sống nhăn răng''. Ví dụ như khi có nhiều người tín đồ đến hỏi thăm anh, các phóng viên đến phỏng vấn anh là quá đủ cho các vị lớn tuổi bực nhọc, mỉa mai, chọc ghẹo. Người ta thật sự ghen ghét vì thấy một chú tiểu được nổi tiếng hơn các vị thượng tọa! Mùa hè năm 1967, anh đang làm nhiệm vụ tri khách (người tiếp khách) của Phật Học Viện Nha Trang. Vào một buổi sáng nọ, anh tiếp một người khách Mỹ, thế mà sau đó bị thầy Thích Ðỗng Minh mắng. Khi anh chưa kịp giải thích cho thầy Ðổng Minh biết về trách nhiệm tiếp khách của anh, thầy ấy đã vụt lên đầu anh bằng cái chỗi lông gà đến mức tưa hết cả cán chỗi. Bị đánh oan, anh giận đến nỗi không cảm thấy đau một tý nào. Khi cây chỗi lông gà không còn một chút gì để đánh tiếp, thầy Ðổng Minh mới tạm ngừng tay. Ông không ngờ rằng anh vẫn nhìn thẳng vào mắt ông như một sự thách thức tĩnh táo. Anh đã nhìn rất thẳng với thái độ bất phục khi ông đang thở hổn hển. Trưa hôm đó anh mới thấy đầu và tay mình rướm máu. Những ngón tay của anh bị sưng vù vì bản năng che cái đầu trọc của mình. Một cái móng tay của anh bị máu bầm đen thui cả tháng sau mới được lột ra. Nhìn hai bàn tay, rờ lên chiếc đầu trọc, anh cảm thấy cái giá mình phải trả để đi tìm chân lý trong giới thiền môn vẫn chưa đắt lắm. Ba bốn ngày sau anh vẫn không thể cầm bút hay cầm đũa ăn cơm được. Thế mà vẫn chưa yên, một buổi sáng tinh sương kia, anh lại bị một chuyện khác. Số là nội quy Phật Học Viện buộc mọi người phải thức dậy trước 05 giờ sáng sau hồi chuông tịnh niệm. Anh đã thức dậy, đang lúi húi quỳ trên giường để xếp mền, thình lình bị thầy Ðổng Minh len lén từ đằng sau đánh vào mắt cá anh với cái dùi mõ. Thầy cho rằng đã đến 5 giờ mà anh chưa đặt chân xuống giường nên phải đánh cho nhớ. Cái dùi mõ gõ lên mắt cá anh với sức lực của thầy Ðổng Minh là một võ sư Bình Ðịnh! Anh đau điếng mà phải lặng im. Cái lặng im của kẻ cô đơn và yếu đuối có một sức mạnh riêng ở bên trong tâm chí. Lại thêm một tuần không mang sandal được, vì cái mắt cá rưng vù, và đáng buồn hơn nữa là ngày Chúa Nhật không thể tham gia đá banh với các bạn. Ðây là những kỷ niệm mà anh bị tổn thương sâu sắc sau khi còn sống sót vì sự thiêu hụt. Ngày nay, thay cho ký ức bị tổn thương, anh nhận được phước lành và thấy Thượng Ðế yêu mình hơn những gì mình có thể hiểu được. Sự ganh ghét của một số người lớn đối với anh sau khi anh còn sống sót trong ''vinh quang'' đã dạy anh nhiều bài học sống đạo thực tế nhất cho ngày hôm nay. Anh đã chứng kiến những trận đòn như thế xẩy ra với một người tên là L.Q.Ð (nay là một kiến trúc sư ở Mỹ), một người tên là P.N. (nay là một thượng tọa đang chống cộng). P.N. đã từng nổi tiếng là một tăng sinh bê bối, lưu vong phiêu bạt kỳ hồ, nhưng cuối cùng đã thành một bậc Thượng Tọa chống Cộng Sản tại Việt Nam. Nhưng ai mà đếm hết những ông tu sỹ ngày xưa từng đi biểu tình đòi hỏi giải phóng lao tù, nay lại đi theo Việt Cộng làm công an bắt người bỏ tù mà không cần kết án? Riêng anh là một người gặp nhiều khó khăn vô kể kéo dài dài với thầy Thích Ðổng Minh. Nếu anh viết ra nhiều quá, sẽ không tốt đẹp gì. Con người mà! Phước thay cho bất cứ ai biết tự công nhận mình là một con người. Và ngược lại, đáng mỉa mai thay cho bất cứ ai dám tự nhận mình là một bậc thế gian sư. Chuyện Thầy Ðổng Minh với anh là chuyện dài xe cán chó. Viết ra sẽ thành tiểu nhân mất. Anh để cho những người đã biết chuyện có cơ hội thảo luận lấy với nhau. Nay thầy Ðổng Minh đã thành một vị Hòa Thượng. Sau khi Tin Chúa, anh vẫn thăm viếng, chuyện trò, chào hỏi H.T Thích Ðổng Minh mỗi khi có dịp tiện, vì anh biết Chúa ban ơn cho anh nhiều gấp vạn lần hơn đối với những gì thầy Ðổng Minh cư xử với anh. Chuyện đánh đập trên thân xác mà anh kể ra đây không thấm béo gì nếu anh viết thẳng ra những hành động khác của ông đối với anh hàng chục năm sau đó. Nếu anh viết thành một quyển sách, chắc chắn sẽ làm cho người đọc thấy anh không tốt, chưa tha thứ, hoặc là người đọc không thể nào tin nổi. Nếu im lặng tuyệt đối, anh vẫn cứ bị hiểu lầm hoài. Sự thật luôn luôn có sức mạnh vô song của nó, nhưng không phải lúc nào nói ra sự thật đều được tốt đẹp hết đâu. Có những sự thật đau lòng đến nỗi không ai muốn nghe, không ai muốn tin, nên không thể nào nói ra được ! Có người trọn đời giữ kín sự thật như thế cho đến khi xuống mồ. Tại sao người ta chịu đựng hay như thế? Những người đi tu trong thời chiến tranh được ăn học, không phải đi lính, dù kỷ luật nghiêm đến mấy họ cũng phải tuân theo một cách biết ơn. Tuy nhiên vẫn có người ngã quỵ, họ nghĩ rằng thà chấp nhận đi lính mà được sống ngay thẳng vẫn còn hơn. Thế rồi họ đã mất trong cuộc chiến. Anh gặp nhiều khó khăn hơn hết là vì cái địa vị ''thánh sống'' mà người ta gán cho anh sau ba lần tự thiêu mà vẫn còn sống. Một người trẻ tuổi đã tình nguyện tự thiêu, nhưng cuối cùng vẫn sống để được xem như là một vị thánh sống trước mặt các bậc thầy cao cả thì làm sao mà không gai mắt cơ chứ? Người tu hành rất cần đạt tới địa vị thiêng liêng cho chính bản thân mình. Muốn đạt đến địa vị thiêng liêng trọn vẹn nhất là tỏ ra mình đã giải thoát, xem sự hữu hình chỉ là sắc sắc không không. Nhưng cái đáng ghét nhất cho anh là một người đi tu trong chùa nay ra khỏi chùa, theo đạo khác, và kể lại vài sự thật chút chút mà người ta không muốn ai biết. Thật ra anh không thích nói những điều ấy. Mà nói nghe kỳ lắm. Chỉ mới xì ra một tý mà đã cảm thấy khó chịu rồi. Tại em và một số người đã vặn vẹo, mai mỉa anh từ lâu, buộc anh phải nói một vài phần trăm cho Thúc chừa cái tật cố ý hiểu lầm đó thôi. Riêng anh ngày nay đã được bàn giao cho Chúa bao giàn. Anh tự nói về mình như sau: Ngày xưa có cúng ở chùa Năm 1965, anh về thăm Huế, Thầy Chánh Trực khuyên anh đừng đến thăm nhà chị Như Ý, vì nơi đây đã bị cảnh sát Thừa Thiên cào bằng rồi. Anh hỏi: vì sao, thưa thầy?. Thầy trả lời: Thằng Khiết theo Việt Cộng bị bại lộ. Cả gia đình bị bắt. Nhà bị niêm phong. Anh thăm nhà thêu Cẩm Thành. Ông Cẩm Thành tỏ ra rất dè dặt. Anh hỏi về chuyện chị Như Ý, nhưng ông cụ Cẩm Thành không muốn trả lời. Ông bảo rằng cái thằng Liên Thành gian ác lắm. Ấp úng với anh mãi rồi ông ôm mặt khóc và van anh: nếu thương tôi, thầy đừng nói đến chuyện đó nữa. Liên Thành là tên ông trưởng ty cảnh sát Thừa Thiên hồi thời đó. Năm 1966, anh bất ngờ gặp chị Như Ý tại chùa Già Lam Gò Vấp; vừa mới chào qua một tiếng, anh chưa kịp hỏi thăm tin tức, chị Như Ý đã biến mất. Năm 1968, tết Mậu Thân, đứa con trai gù lưng của ông Cẩm Thành bị bắn chết trong lúc đang dùng chiếc xe Mini Lambretta tải đạn và làm giao liên nội tuyến cho Việt Cộng. Anh không có tin tức gì thêm về người sinh viên tên Khiết, nhân vật chủ chốt tổ chức cho anh tự thiêu tại Huế ngày 30.10.1963. Ðại Ðức Thích Ðức Huy đã đi tuyên úy Phật Giáo, thôi tu sau khi giải ngũ tuyên úy quân đội, nay là con rễ bà Bùi Ðình Lạc, một người tín đồ rất tốt đối với anh. Hình như thầy Ðức Huy đang ở Long Khánh. Thầy Chánh Trực đã được suy tôn Hòa Thượng, và đã qua đời khoảng 1996 tại Huế khi đang giữ chức vụ lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh Quảng Trị. Tuy đứng trong giáo hội quốc doanh, nhưng H.T Thích Chánh Trực là một người chịu rất nhiều đau khổ dưới chế độ cộng sản. Người cũng là một nhân chứng sống trong chế độ cộng sản, anh không hiểu sao người ra đi rất bất ngờ. Rất bất ngờ! Hoà Thượng Chánh Trực là sư huynh của anh. Bổn sư của anh là Ðại lão Hòa Thượng Kim Tiên bây giờ. Giữa năm 1998 anh có thăm thầy anh trước khi ra đi. Thầy anh vẫn yêu anh dù biết anh tin Chúa. Ông bà Cẩm Thành qua đời đã gần 30 năm nay vì tuổi già. Vậy nếu anh đã được tự thiêu tại Huế vào chiều 30.10.1963 là anh đã hy sinh cho Ðạo Pháp hay cho Cộng Sản? Ai đã cứu anh sống? Nếu anh có một đức tin để nói rằng Ðức Chúa Trời đã cứu tôi, thì có lỗi gì mà phải chịu sự chỉ trích suốt 20 năm qua? Trăm năm trong cõi người ta Phật Giáo Việt Nam đã đánh gục chính phủ Ngô Ðình Diệm để thế vào những chính phủ khác tồi tệ hơn mà sau nầy mình mới biết. Khi chính phủ Ngô Ðình Diệm không còn, anh được sống trong ''vinh quang'' của một người được gọi là ''thánh sống'' để tiếp nhận sự kính trọng dư thừa của phật tử trước con mắt ganh tỵ của những người thầy mà mình kính yêu. Chính vì sự sống sót của anh, anh mới hiểu được rằng ai đã mong mình chết cho "đại nghĩa" để đặt mình lên "bàn-thờ-tranh-đấu", ai đã thương yêu mình và muốn mình sống để phục vụ giáo hội. Ai đã tổ chức cho sự chết của anh, để sau đó anh trở nên nổi tiếng như một cái gai trong con mắt của họ, khiến cho họ thấy vai trò lãnh đạo của mình không được nổi bật như một chú tiểu mang danh ''thánh hụt" (danh từ được gán cho anh). Anh xin nhắc lại một lần nữa rằng sự ganh tỵ về uy tín trong giới tăng lữ không chỉ xẩy ra cho riêng anh, không chỉ xẩy ra trong một tôn giáo. Ít nhất là hai tôn giáo mà anh đã thật sự đi theo để được mục kích về sự ganh tỵ, giành giật nhau để bảo vệ uy tín trong giới tu sỹ trước tín hữu. Người tu sỹ quá cần uy tín, quá sợ mất uy tín nên không dám sống thật. Tình thầy trò, tình đồng môn đều hóa ra cỏ rác khi uy tín của mình bị đe dọa. Người tu sỹ cần có uy tín để thuyết phục tín đồ. Tu sỹ mà không có tín đồ là tu sỹ mạt rệp. Vì bảo vệ uy tín cho mình, người tu sỹ dám làm những tội ác mà người tín đồ không dám làm. Khi còn trẻ tuổi, người tu sỹ còn dễ khiêm tốn, dễ nhịn nhục, nhưng khi đã có chức vụ, họ cần uy tín và sự kính trọng lắm. Riêng anh, đã nhiều lần bị tung hê và bị chọc ghẹo cùng xẩy ra một lúc ngay trong chốn thiền môn. Anh làm công tác nhang đăng, lo hương khói, lau bàn quét bụi trên chánh điện, nên hay lấy chuối trên bàn Phật chia cho anh em ăn. Nhân đó một người bạn thân vui tính gọi anh là Thánh Chuối. Người đặt cái tên Thánh Chuối cho anh là Hoàng Hải, một người bạn rất vui tính, nay cũng ra đời lấy vợ, có 8 cô công chúa ở Nha Trang. Hoàng Hải là một con người trung thực, giữ được tính hồn nhiên của tuổi trẻ khá lâu dài. Anh lại thích anh em gọi mình là Thánh Chuối, vì được gọi Thánh Chuối một cách tự nhiên như vậy, sự ganh ghét của một vài bề trên trở nên được hóa giải nhẹ nhàng. Anh bắt đầu chú ý đến một bài học mới cho chính mình. Sống để làm gì, chết để làm gì? Mùa thu năm 1964, trong cuộc tranh đấu chống tam-đầu-chế Thiệu Kỳ Hương, anh đã trốn vào Saigòn xin tự thiêu một lần nữa. Tại sao anh phải còn đi tìm cái chết sau thời gian đã nguội? Tinh thần hy sinh trong anh không nóng cháy như năm 1963 nữa, nhưng lòng anh càng chán ngán kiếp sống thầy tu. Anh chứng kiến những chuyện buồn trong giới tu hành mà lòng đau xót, vừa giận vừa thương, vừa buồn vừa ghét. Sự kính trọng và khinh bạc tranh chiến nhau trong linh hồn mình. Anh nghĩ mình có tội với mẹ mình. Vì ý nguyện đi tu mà anh đã làm khổ cho mẹ anh lắm. Bà không muốn anh đi tu. Bà muốn nuôi anh ăn học. Thế nhưng anh đã cãi mẹ của anh. Anh cư xử bạc nghĩa với mẹ anh, mà cứ tưởng rằng mình hăng hái tu hành là có quyền cãi mẹ. Mẹ anh qua đời, hồi đó anh về nhà chỉ tụng kinh và để tang cho bà. Sau đó anh không có một cơ hội nào nữa để xin lỗi mẹ. Sống cô đơn trong chùa, biết con đường tu cũng không hơn gì ngoài đời mấy cả; thế mà mình đã làm cho mẹ đau khổ. Không ai yêu mình như mẹ mình cả. Và đây là động lực sâu xa nhất để anh đeo đuổi một cái chết sám hối. Anh ăn năn đau đớn vô cùng. Có những đêm dài anh cắn chiếc gối để tiếng khóc không đến tai những thầy tu ngủ cạnh giường. Nhưng một người đã biết và đem chuyện khóc đêm của anh kể cho người khác nghe và chọc ghẹo. Người đó là Ðặng Ngọc Chức (Thích Tịnh Minh), hiện nay là một trong những giáo sư của trường Cao Cấp Phật Học Vạn Hạnh Phú Nhuận. Tịnh Minh làm việc chung với Trần Tuấn Mẫn. Anh được gặpTrần Tuấn Mẫn tại Nhà Văn Hóa Thế giới T.P Berlin vào cuối tháng 3.99, trong khi ông đang tuyên truyền "chính nghĩa tự do tôn giáo" cho Cộng Sản tại Hội Nghị Văn Hóa về Việt Nam. Chính miệng Trần Tuấn Mẫn nói trước một cuộc hội thảo quốc tế về Việt Nam rằng "tại Việt Nam trong chế độ cộng sản, tôi không thấy có chùa chiền hay nhà thờ nào bị tịch thu, bị đập phá cả"! Thật là tội nghiệp cho sự nói dối trắng trợn, dở khẹc của ông giáo sư trường cao cấp Phật Học quốc doanh Phú Nhuận! Năm 1964, anh thật đã chán ngán về cái danh hão của vị Thánh sống được gán cho mình trước sự ganh tỵ của một số thầy tu có quyền uy trực tiếp trên đời sống tu học của anh. Khi nhìn biết một sự ganh ghét xấu xa, những hành vi giả hình của người tu sỹ thuộc bậc anh, bậc thầy của mình, anh có cảm giác gớm ghiếc, khinh bạc và nghĩ đến cái chết để được giải thoát. Anh cảm thấy cần một cái chết để giải quyết những hậu quả phiền toái về sự sống sót của anh. Sau nầy anh mới hiểu trong nhiều trường hợp, người sống thường không tôn trọng ý nguyện thật của người chết. Người sống hay vẽ vời nhiều ý nghĩa cho người chết để lạm dụng. Anh có quen một bà già ăn xin, khi còn sống chẳng mấy ai quan tâm giúp đỡ, ủi an. Một hôm bà chết bên góc núi gần một ngôi chùa. Nhà chùa vận động những gia đình gần đó góp tiền để xây một cái miếu ngay nơi chỗ bà co ro nằm chết. Từ đó cái miếu ấy luôn luôn có chuối, chè, nhang khói âm u và nhiều người đến cầu xin khấn vái. Người ta thấy vị tu sỹ trong chùa đã làm một việc thiện lớn lao: xây miếu cho người ăn mày. Dân địa phương gọi cái miếu ấy là miếu Bà Cụ. Nhưng nào mấy ai biết đến một việc: khi còn sống, có lần bà cụ già ấy từng xin vào chùa ở để làm công quả, nhưng đã bị nhà sư từ chối. Người già như vậy không thể nào làm công quả được, chùa không phải là viện dưỡng lão. Bà cụ nghèo ấy không hiểu được rằng bản thân mình đã trở nên vô dụng nên đã oán trách vị sư. Hơn 30 năm rồi, anh trở về miền Trung, có dịp ghé thăm chùa ấy. Vị sư đã viên tịch. Di ảnh vị sư đội mũ Tỳ Lư ngồi trang nghiêm trên bàn thờ Tổ. Cái miếu Bà Cụ được người ta trùng tu, sơn phết thật đẹp và viết thêm hai chữ Miếu Bà. Bên trong miếu, người ta thờ một con cọp, hai con ngựa, một con khỉ và cả một lố búp bê. Người ta cúng cả hoa quả nylon nữa. Mỗi buổi kinh chiều, chú tiểu vẫn đốt nhang trên bàn thờ tổ cho vị sư và ngoài cái miếu nhỏ bé kia. Tôn giáo là thế. Nó tồn tại để đáp ứng các nhu cầu nghi lễ, tín ngưỡng của trần gian. Nó trở thành truyền thống văn hóa từ đời nầy qua đời khác, chẳng ai biết rõ chân lý là gì. Người ta tưởng rằng Ơn Cứu Rỗi của Thượng đế cũng chỉ là một thứ tôn giáo do con người nghĩ ra! Bây giờ anh còn sống thì bị chế nhạo, nhưng giá như anh đã chết rồi, chắc em cũng cảm thấy mình có người anh đã "hy sinh cho Ðạo Pháp"!!! Với anh, nếu ngày xưa đã chết thì cũng đã mất hút trong sự hiểu lầm mãi mãi, cũng sớm bị lãng quên như bao nhiêu hạt bụi trần. Nếu ai còn nhớ thì cũng chỉ nhớ cái phù phiếm, hư vọng mà thôi. Nhưng anh vẫn được sống và được học biết thêm cả đời lẫn đạo, thật là đáng quý. Ðiều cao quý nhất là nhận biết Ðấng Tạo Hóa của mình trước khi nhắm mắt. Khoảng cuối năm 1964, GHPGVNTN đấu tranh chống chính phủ tam đầu chế Thiệu Kỳ Hương, anh thấy mình có cơ hội tự thiêu một lần nữa. Anh rời Phật Học viện Nha Trang vào lúc nửa đêm. Người bạn thân nhất của anh khóc òa khi tiễn anh đi, nhưng anh không khóc. Người bạn ấy là Thích Phước Hùng, tục danh là Trần Kim Long. Hai đứa chơi thân với nhau hơn anh em ruột. Nhiều lần cãi lộn với nhau, giận nhau, nhưng hai người vẫn chơi với nhau thân thiết. Tuy nhiên, sau nầy anh tin Chúa, tình bạn cũng nguội dần, vì Long cho rằng sự kiện anh tin Chúa là mộ sự phản bội. Anh lặn lội vào Saigon trên con đường bão lụt. Xác trâu bò chết sình lên dọc đoạn đường Ba Ngòi vào Phan Rang. Những đoạn đường hư hỏng phải tăng bo. Anh ra đi tìm cái chết để giải quyết một ý nghĩ nợ nần gì đó trong nội tâm. Lòng ăn năn với linh hồn mẹ mình, nhớ đến tình cảm chan chứa của những người tín đồ yêu quý mình như người thân thích của họ, đó là bà Trần Ðình Lạc và bà chị ruột tướng Ðỗ Mậu. Anh cũng mang theo cả tiếng khóc của Trần Kim Long. Với tâm trạng như thế, anh muốn tìm một cái chết không vô ích mà lại được giải quyết những vướng mắc mệt mỏi trong lòng. Thật tình anh hoàn toàn không có một chút gì ham tiếng tăm như hàng ngàn người sau nầy đã gán cho. Một mình đến Sai gòn, anh tìm Việt Nam Quốc Tự. Trình diện quý TT. Trí Quang, Thiện Minh, Tâm Châu và Trí Thủ. Họ lặng lẽ gật đầu đồng ý cho anh thỏa nguyện tự thiêu. Họ còn dặn dò đừng nghe ai xúi mà tự thiêu một cách vô tổ chức để lợi bất cập hại. Các thầy cho anh làm việc trong phòng ấn loát do Ðại Ðức Thích Châu Toàn chỉ huy tại Việt Nam Quốc Tự. Phòng ấn loát cho ra truyền đơn, tài liệu tranh đấu. Chỉ có thành phần đáng tin cậy mới được lai vãng ra vào. Anh làm việc với Ðại Ðức Châu Toàn, một con người tròn trịa, dễ thương làm sao! Một hôm trời xế chiều, Ðại Ðức Châu Toàn đi đâu về với nét mặt biến sắc rất khó hiểu. Anh nghĩ chắc là có tin mật vụ len lõi vào khu nầy chăng? Ðại Ðức Châu Toàn không giải thích cho anh, nhưng nhìn anh với đôi mắt vừa thân mến, vừa tức bực khó hiểu; rồi bỏ ra ngoài. Trông thầy có vẻ như không tha thiết gì với những đống truyền đơn ấy nữa. Một mình anh ngồi trong phòng kín, nóng bức, khó chịu, cô đơn. Anh nghĩ mình sắp chết mà không được tụng kinh, mình làm việc nhiều quá cả ngày lẫn đêm với Ðại Ðức Châu Toàn. Có lẽ Ðại Ðức Châu Toàn biết mình sắp có cơ hội được tự thiêu nên thương mình mà tỏ thái độ như thế chăng? Anh định mở cửa đi ra, nhưng cửa đã khóa bên ngoài. Thầy Châu toàn nhốt anh trong phòng ấn loát. Vì sao? Anh nằm đó thắc mắc và chờ đợi. Nhìn qua khe hở vách ván, anh thấy Ðại Ðức Châu Toàn nói chuyện với TT Thiện Minh ngay trước sân Việt Nam Quốc Tự. Phải đợi rất lâu cho đến khi thấy hai người nói chuyện xong anh mới dám kêu. Thầy Châu Toàn lưỡng lự, nhưng rồi cũng vào mở cửa cho anh. TT Thiện Minh nhìn ra đường với nét mặt rất nghiêm nghị. Ánh nắng buổi chiều sau một cơn mưa nhỏ đang rọi lên nét mặt thông thái làm nổi bật nét uy nghi của một vị thầy khả kính. TT Thiện Minh nhìn cao lên trời hướng ra ngoài cổng chính đường Trần Quốc Toản, rồi quay lưng đi vào khu văn phòng chính ở cuối dãy nhà dành cho các bậc cao tăng. Nghe cửa mở, anh nhìn ra, nhưng không nhìn được nét mặt của Ðại Ðức Châu Toàn, chỉ thấy chiếc áo nâu sòng sau lưng. Hình như thầy Châu Toàn không muốn nhìn anh. Anh ra ngoài và đi một mạch lên khu nhà của các bậc cao tăng. Vừa mới đến cửa ngoài, anh nghe bên trong có cuộc cãi vã dữ dội. Tiếng TT T.Q sắc sảo quát tháo như dao chém thớt. Có tiếng người đáp lại giọng trầm, bình tĩnh hơn và nhỏ nhẹ hơn. Ðó là tiếng của TT T.C. Thế là anh nghe lóm một cuộc cãi lộn giữa hai vị thầy của mình. Anh chỉ nhớ chút ít về nội dung cuộc tranh cãi mà thôi. Một vị muốn đẩy cuộc đấu tranh đến lúc nào lật đổ được tam-đầu-chế Thiệu Kỳ Hương (hình như lúc đó còn chống cả ông Phan Huy Quát nữa. Thúc xem lại lịch sử các chính phủ thay đổi cấp kỳ vào thời điểm đó, nay anh không có tư liệu để xem). Hoặc ít nhất họ phải tuyên bố một lời nhượng bộ Phật Giáo. Nếu không như thế, Phật Giáo sẽ công khai tuyên bố bất hợp tác. Một vị cho rằng mục đích tranh đấu là đòi hỏi công bằng, tự do, dân chủ cho Phật Giáo đồ chứ không phải để lật đổ hết chính phủ nầy đến lật đổ chính phủ khác. Có tiếng T.T Thiện Minh dõng dạc hỏi rằng: Tôi xin hỏi, bây giờ mục đích tranh đấu của chúng ta là gì? Giáo hội bị chia rẽ, ai là người được lợi? Lúc ấy không có mặt TT Trí Thủ và Huyền Quang ở đó. Những gì anh nghe được chỉ là rất ít, nhưng quá đủ để mà buồn. Lúc còn trẻ tuổi ở trong chùa tu học, chưa bao giờ anh nghĩ rằng các bậc cao tăng có thể sân si và choảng nhau đến thế. Với tâm trạng hụt hẫng, hoang mang, tủi hỗ, anh đi xuống khu nhà bếp nhìn các tăng ni, tín đồ đang nhiệt tình nấu nướng cho hàng ngàn người ăn mỗi ngày. Trở về phòng ấn loát, muốn hỏi Ðại Ðức Châu Toàn, nhưng anh chỉ nghe một câu trả lời ''Uỷ biết để làm chi?'' Khi còn nhỏ, anh vẫn được quí thầy gọi là Uỷ. Cuộc tranh đấu chưa có kết quả, nhưng mục đích tranh đấu có vẻ như không còn nữa. Mỗi đêm, hàng chục ngàn tín đồ vẫn kéo đến Việt Nam Quốc Tự để nghe những bài giảng đấu tranh. Nhưng sau đó những bài giảng chuyển qua đề tài cầu nguyện quốc thái dân an. Khi bầu không khí đấu tranh dịu xuống, công việc phòng ấn loát thưa dần. Tăng ni trở về địa phương chờ lệnh mới. Mỗi ngày anh thường đi bộ từ Việt Nam Quốc Tự qua chùa Từ Quang của TT T.C bên đường Phan Thanh Giản, nay là Ðiện Biên Phủ. TT T.C thân người nhỏ gọn, mềm mỏng, luôn hỏi thăm anh: Chú có khỏe không? Ăn uống gì chưa? Thái độ của người có vẻ dè dặt, hiền từ, nhưng không thân thiện lắm đối với anh. Còn TT T.Q thì trái lại, có khi người rất gần gũi, có khi người quát tháo cả những chuyện mà mình chẳng hiểu đầu đuôi ra làm sao hết. Anh cũng ít gặp các người ấy. Nhưng sau vụ nghe lõm cuộc cãi lộn ấy, anh chú ý lắng nghe các cuộc đàm tiếu nội bộ về sự phân rẽ giữa hai phe trong PG: phe Huế và Bắc Kỳ. Ðại diện hai phe ấy là TT T.Q (phe Huế), TT T.C (phe Bắc kỳ). Anh là một đứa nhỏ đi tìm một cái chết, không muốn xen vào sự bất đồng của các bậc cao tăng đáng kính của mình. Nhưng tâm trạng anh không làm sao xua tan được những tiếng cãi cọ của các người ấy. Thậm chí khi nằm ngủ cũng nghe văng vẳng trong trí óc mình. Những giấc chiêm bao mệt nhọc hoành hành trong giấc ngủ ban đêm. Ban ngày thỉnh thoảng nghe TT T.Q chưởi TT T.C với những lời rất nặng trước mặt anh, trong khi không có TT T.C ở đó. Anh hay qua chùa Từ Quang Chơi thì không nghe TT T.C chưởi ai cả mà chỉ có nét mặt buồn. TT T.C khuyên anh về lại Nha Trang ăn học để sau nầy Phật Sự còn cần các chú. Sống để lo Phật sự. Chết như thế cũng đã nhiều lắm rồi... Cuộc tranh đấu chống Thiệu Kỳ Hương không còn mục đích rõ rệt. Nhưng muốn ngưng cũng không có lý do. Ðồng bào vẫn chờ đợi nghe Ðại Ðức Hộ Giác thuyết pháp nẩy lửa. Thùng Phước Sương Việt Nam Quốc Tự mỗi đêm vẫn hốt cả tạ tiền giấy. Một hôm vào lúc nửa đêm, có một vị sư trẻ tự thiêu bằng vài lít dầu hôi lấy trong nhà bếp. Nghe nói dầu hôi ít, không đủ lửa để mà chết, vị sư trẻ lăn lóc quằn quại trên sân cỏ. Hằng ngàn tăng ni và tín đồ đạp lên nhau khóc, la, cầu cứu, thêm xăng, tạt nước, trùm mền. Ðang ngủ, anh bị đánh thức bởi những tiếng la, nhưng không dám chạy ra vì sợ bỏ văn phòng ấn loát sẽ bị mật vụ vào đốt hay là lấy cắp truyền đơn bí mật. Ðêm đó chỉ một mình anh ngủ trong phòng ấn loát. Thầy Châu Toàn về chùa Trúc Lâm ở Gò Vấp. Sáng hôm sau anh nhìn thấy những dấu vết hoang tàn của cuộc tự thiêu không cháy. Mền, chiếu, bao bố, thùng, giầy dép, áo quần, nón, mũ, đèn cầy và nhang ngổn ngang trên bãi cỏ phía sau hành lang của hậu liêu Việt Nam Quốc Tự. Không có nghi lễ cho người tử đạo, nghĩa là vị sư ấy chưa chết, nhưng đã được đưa đi bịnh viện hay ở đâu đó chẳng ai hay. Anh muốn hỏi tin tức cụ thể, nhưng chỉ nhận được nhiều câu trả lời khác nhau, có khi trái ngược nhau nữa, mặc dầu ai cũng tự xưng rằng mình là người chứng kiến từ đầu chí cuối! Mấy ngày sau lại nghe xôn xao, một vị sư trẻ tên L.V ''lủi lộn vào'' trong khu nhà tắm các ni cô giữa lúc họ đang tắm. Ông L.V nầy anh quen từ khi mới vào chùa học đạo ở Huế, khoảng 1960, sau nầy trở thành một kỳ nhân đáng nể trong giới ''cao thủ võ lâm''. Anh qua thăm TT T.C lần cuối. TT cho anh 300 đồng và chiếc áo Nhật Bình mầu lam của TT vừa mới may xong gói trong tờ báo. Ðôi mắt vừa thân mến, vừa ngại ngùng, TT T.C tiển anh ra khỏi phòng một cách lặng lẽ. Cái chết tự thiêu không còn thúc dục lòng anh nữa. Anh trở về Nha Trang với tâm trạng nhạt thếch, nhưng được bạn bè đón nhận, vui mừng, an ủi và khích lệ. Kể từ đây anh ít bị chọc quê hơn. Anh chỉ tóm tắt chừng đó để trả lời Thúc về câu "không nên làm dổm như năm xưa tự thiêu cho đạo pháp rồi đổi ý nhé". Những vấn đề nội bộ của một tôn giáo lớn quá tầm mức anh suy nghĩ. Qua những giai đoạn tranh đấu khác nhau, anh không hiểu hết, và dù có biết nhiều hơn, anh không thể viết nhiều được. Càng suy nghĩ, anh càng cảm thấy rằng dân tộc Việt Nam ngày nay muốn trốn chạy sự thật. Miền Nam, miền Bắc đều cố tình trốn chạy sự thật của mình. Hơn 30 năm rồi, nước nhà càng thêm nghiêng ngửa. Một số tướng lãnh miền Nam còn sống, họ đã rải rác cho ra những cuốn hồi ký. Anh vẫn chờ đợi tiếng nói của các bậc thầy tranh đấu năm xưa gởi đến đồng bào vài câu an ủi. 24 năm qua dưới gông cùm chủ nghĩa Cộng Sản, biết bao nhiêu vị cao tăng phải chịu tù đày vì muốn bảo vệ bản hiến chương và sự thống nhất của GHPGVHTN. Nhưng những vị khác vẫn lặng tiếng im hơi, giữ thái độ điềm nhiên tọa thị. Một là họ chỉ anh hùng trong sa mạc. Hai là họ đã trót trao cán dao cho sát thủ nên bây giờ lấy sự im lặng làm ý nghĩa thanh cao? Anh tin rằng dưới ánh sáng mặt trời không có gì bí mật mãi mãi. Ôi mới đó mà đã tròn 35 năm rồi. Thầy Châu Toàn đột ngột ra đi trong khi đang đọc diễn văn mãn khóa học ở trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (vào mùa hè năm 1966?). Thầy Thiện Minh đã bị Cộng Sản tra tấn đến chết trong nhà tù Bình Tuy năm 1979. Thầy Trí Thủ đã tử tuất trong âm mưu đen tối của Cộng Sản ngày 02, tháng 4, năm 1984. Thầy Tâm Châu sống ở đâu, hơn 34 năm rồi anh không gặp lại. Thầy Trí Quang, anh được gặp đôi lần, nhưng khi chào thầy là thầy sa sầm nét mặt, vì thầy ghét cay ghét đắng đạo Chúa. Thầy Huyền Quang ngồi tù, rồi bị quản chế liên tục từ sau 30.4.1975 đến nay. Thầy Quảng Ðộ, và quý thầy khác cũng từ quản chế qua tù, từ tù qua quản chế suốt hai thập kỷ. Những Thầy Ðức Nhuận, Như Mãn, Tuệ Sỹ, Trí Siêu, Không Tánh, Nguyên Giác, Chơn Nguyên, Trí Hải, Minh Mẫn, Huệ Trung, Thiện Trí, Nguyên Thảo, Pháp Tạng, Như Tạng, Ðức Thiện (Thiền Tôn)... có vị bị Cộng Sản giết một cách kín đáo thật là nhanh chóng sau 30.4.75 như thầy Như Mãn (Quảng Ngãi) bị đánh cho đến chết. Có vị bị tử hình tại chỗ như Văn Ðức (Phổ Ðà, Ðà lạt). Bị Cộng Sản thủ tiêu rất sớm như Hạnh Minh (Từ Ðàm Huế). Bị mất tích như Ðồng Bổn, Minh Tâm (Gò Vấp). Bị đá qua đá lại giống quả bóng, đó là thầy Thông Bửu, đệ tử Bồ Tát Thích Quảng Ðức (Phú Nhuận). Có vị bị kết án tử hình rồi đổi ra 20 năm khổ sai như Tuệ Sỹ, Trí Siêu. Có vị chịu khổ sai 24 năm mà chưa có án. Có vị đã ra khỏi tù nhưng sống vất vưởng không chốn dung thân lại còn bị phật tử hiểu lầm như một kẻ vừa giết cha giết mẹ đó là Nguyên Thảo, Lê Ðăng Pha. Lê Ðăng Pha bị hiêu lầm oan khuất nhất. Sau 12 năm bị tù, Pha có về ở chung với anh vài tháng. Anh em có nhiều tâm sự đến rơi nước mắt. Hầu hết đều bị giam trên hàng chục năm, và hiện nay đang bị quản chế. Có những người trong số họ hiện nay đang bị xiềng chung với những Ðại Ðức vô danh trên các trại cưỡng bách lao động tập trung miền rừng núi Sông Bé, Phú Văn, Ðắc Lắp, Bù Ðăng, Bù Ðớp, Bố Lá, Tân Hiệp, Tân Uyên, D.30, Phan Ðăng Lưu, Chí Hòa...Và cả hàng trăm nhà tù ở Bắc Việt nữa. Ôi nhân quyền, ôi tự do tín ngưỡng mà Cộng Sản đã đem đến cho Việt Nam! Trăm năm trong cõi phù du Nếu dám vỗ ngực tự cho mình là một Phật tử chân chính, em nên yêu cầu các vị thầy của em phải làm sáng tỏ vấn đề. Ai đã lợi dụng niềm tin tôn giáo để đưa dân tộc vào tay Cộng sản? Ai đã cố ý? Ai đã vô tình? Ai đã bị lường gạt bây giờ sợ mở miệng mắc quai? Chuyện sờ sờ mới nửa thế kỷ đi qua mà tại sao nhiều người trong chúng ta hầu như không thích quan tâm đến nữa? Ðâu có phải chỉ vì đô la mà họ làm bộ lãng quên? Phải chăng người ta sợ trách nhiệm lịch sử nên chỉ muốn phủi tay để khỏi bận tâm suy nghĩ đến bài học lịch sử nữa? Kẻ còn sống mà biết suy nghĩ những bài học đã qua mới là đáng quý. Cách những ngàn năm xa tắp, trước khi thái tử Tất Ðạt Ða được sinh ra tại thành Ca-Tỳ-La-Vệ, bên miền đất Do Thái xa xôi kia, tại núi Nebo, trên đỉnh Pisgah, Moise ở vào 120 tuổi; khi được nhìn thấy miền đất Naphtali từ Gilead đến Ðan, ông cầu nguyện với Chúa Hằng Hữu rằng Cầu xin Chúa dạy cho chúng con biết đếm các ngày của chúng con, hầu cho chúng con có được lòng khôn ngoan (Thi-Thiên 90:12). Anh thường tự hỏi, tại sao Moise tới 120 tuổi rồi mà vẫn cầu nguyện xin cho mình cho một tấm lòng khôn ngoan? Là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Do Thái, nhưng sao Moise không cầu nguyện cho mình có một bộ óc thông minh mà chỉ cần một tấm lòng khôn ngoan? Moise lại phải cầu xin Chúa Hằng Hữu dạy cho mình biết xem xét lại (đếm) những ngày đã qua của đời mình để có được một tấm lòng khôn ngoan. Ôi, nếu con người không biết rút kinh nghiệm về những ngày đã qua của mình trước mặt Chúa Hằng Hữu, họ thường phải nói rằng Khóc hỗ ngươi, cười ra nước mắt ! Vua Salomon cũng đã cầu xin Chúa Hằng Hữu ban cho mình sự khôn ngoan. Với sự khôn ngoan đáng quý ấy, nhà vua đã viết trong sách Truyền Ðạo rằng : Hư không hư không, cả thảy đều hư không. Cũng sách Truyền Ðạo 4:13, vua Salomon viết: Một kẻ trẻ tuổi nghèo mà khôn, hơn một ông vua già mà dại chẳng còn biết nghe lời khuyên can. Trong đoạn 10: 5-7, vua Salomon viết như một lời tiên tri cho Việt Nam ngày nay: Có một tai nạn ta đã thấy dưới ánh mặt trời, như một sự lỗi lầm do quan trưởng phạm: ấy là kẻ ngu muội được đặt ở nơi cao, còn người giầu lại ngồi chỗ thấp. Ta đã thấy kẻ tôi tớ đi ngựa, còn quan trưởng đi bộ như tôi tớ vậy. Anh đã cố gắng tu học, đến 1968 thọ Cụ Túc giới tại Phật Học Viện Nha Trang. Năm 1969, anh không chịu xin hoãn dịch để đầu quân nhập ngũ tại trung tâm 1 Ðà Nẵng, nhưng bị trả về vì lý do sức khỏe. Trở về chùa, anh cố gắng tu học thêm như để nấu chín nỗi buồn và nhất là để gia đình ruột thịt vừa lòng. Mùa hè đỏ lửa 1972 anh được giáo hội giao nhiệm vụ trưởng ban cứu trợ và tạm cư cho đồng bào nạn nhân chiến cuộc toàn quốc. Ðây là chức vụ cao nhất mà anh được giáo hội uỷ thác trong những ngày còn làm ông đại đức. Về Huế, Quảng Trị, anh được thoát chết trong trận Cầu Dài (Ðại Lộ Kinh Hoàng) ngày rằm và 16 tháng Ba âm lịch 1972. Ở Huế, anh lập trại tạm cư Phú Xuân Vĩ Dạ. Vào Ðà Nẵng, anh thành lập trại tạm cư Trung Nghĩa. Ðồng bào như gà con lạc mẹ, quân đội chạy tán loạn như chim lạc đàn. Những người lính lột bỏ quân phục, chôn súng, tháo giầy, chỉ còn mặc chiếc áo thun và quần xà lỏn chạy lẫn lộn trong dân. Giới tôn giáo chất hàng đống thực phẩm cứu trợ để tranh cãi nhau về các chữ ký, con dấu trên những văn bản đáng nghi ngờ và không đáng nghi ngờ. Trong một chuyện cãi vã về tham nhũng, mất mát, một người bạn của anh, Ðại Ðức Thích Lưu Bổn đã nhảy xuống giếng tự tử tại chùa Phật Học Ðà Nẵng. Ðây là vị Ðại Ðức thứ hai, bạn của anh đã tự tử. Nhìn xác chết tức tưởi của thầy Lưu Bổn, anh hiểu một phần nào về sự tổn thương mà người tu sỹ nầy không sao chịu đựng nổi. Tự xét lại mình, anh đã mấy lần muốn chết mà vẫn còn sống. Sau tang lễ vội vàng của thầy Lưu Bổn, anh rời Ðà Nẵng vào Saigon tháng 8.1972. Về Saigon, anh vẫn bị ám ảnh, nghĩ đến một cái chết cho mình để được rảnh nợ. Một người bạn thân của anh là Ðại Ðức Thích Minh Trí, từ trường Bồ Ðề Quảng Ngãi viết thư vào khuyên anh nên đọc truyện kiếm hiệp cho khuây khỏa. Ðọc Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung, đọc Ðôi Bạn Chân Tình của Herman Hesse, anh nghĩ rằng mình cũng nên sống để biết thêm ý nghĩa cuộc đời ra sao. Chết lúc nào chả được. Phải sống như một người thường mới hiểu thêm ý nghĩa của một người tu, dù bị khinh chê, nhạo cười, anh chấp nhận hết. Anh lạy TT Trí Thủ để cởi áo ra về sau khi từ giã ý nghĩ tự vẫn. Nầy cõi chết em ơi chờ ta nhé ...Cả vạn lần nữa, anh vẫn cám ơn Ðức Chúa Trời, vì chìa khóa của sự sống và sự chết đều nằm trong tay Người. Thân thể anh còn được sống cho đến hôm nay là một sự mầu nhiệm vô cùng, nhưng còn mầu nhiệm hơn thế nữa là linh hồn anh được chuộc về trong giòng huyết Chúa Jesus. Cho nên bây giờ sống hay chết không quan trọng bằng tên của mình đã được ghi trong nước Thiên Ðường. Sự kiện anh bị nhiều người hiểu lầm, hoặc bị xuyên tạc cũng chỉ là phù du bụi bặm. Ngày nay cuộc sống vẫn đầy dẫy những khó khăn, nhưng anh sẵn sàng đối diện với nó, vì anh có đức tin trong Chúa. Nhớ lại ngày xưa khi còn ở trong chùa, có lúc anh không biết mình là ai. Sống liều thì uổng phí, tìm chân lý thì quá mông lung. Ai là người không đi theo cộng sản sau 30.4.1975 thì cuộc sống của họ đầy khó khăn và sợ hãi, nhất là những người từng bị nghi ngờ, bị bỏ tù. Thơi gian anh đã được thả ra khỏi tù, mỗi khi nghe công an gõ cửa xét hộ khẩu là xanh mặt. Nhất là những khi nhận được giấy gọi hay là chỉ gọi miệng lên văn phòng công an là toát mồ hôi trong bàn tay. Cuộc sống luôn luôn làm cho mình sợ hãi. Nhưng sau đó không bao lâu thì anh đọc Kinh Thánh và tin Chúa; lòng anh trở nên vui vẻ bình an. Lúc đó anh càng bị theo dõi nhiều hơn nữa, nhưng trong sự bình an của Chúa, mình xem những thái độ hăm dọa, vặn hỏi của công an chẳng có gì đáng sợ cả. Ðó là những dịp mình được nói cho họ nghe sự vui mừng của người có Ðức Tin theo Chúa. Có khi anh cảm thấy công an sợ mình hơn là mình sợ công an. Mà đúng, cộng sản sợ anh thật, vì họ nghĩ rằng chắc là có một lực lượng ngoại quốc nào đã vào tới Việt Nam để xúi anh bỏ đạo nầy qua đạo khác nhằm mục đích tạo nguyên cớ tôn giáo để lật đổ chính quyền cộng sản. Anh đã được một sự bình an như thế là do đâu? Ðó là Chúa ở trong anh và làm cho thật thà, anh vui vẻ khỏe mạnh trước mặt những người ác. Sau nầy tiếp tục đọc Kinh Thánh anh mới thấy Kinh Thánh đã nói trước điều nầy suốt mấy ngàn năm trong sách Matheu 10:16.23. Chuyện đang xẩy ra cho mình một cách thực tế như thế, khi về nhà đọc Kinh Thánh gặp Lời Chúa Jesus nói đúng y như thế nữa thì làm sao mà không tin được cơ chứ. Thế nhưng anh càng an vui với đức tin trong Chúa bao nhiêu thì sự hiểu lầm càng xuất hiện trong não trạng của người cộng sản, rồi sự hiểu lầm đã xẩy đến trong gia đình anh, bạn bè và nhất là giới tu sỹ trong chùa. Trong số nhiều người không hiểu anh, có Hòa Thượng Thích Thanh Trí và Hòa Thượng Thích Trí thủ là 2 vị thầy thật sự yêu anh. Cả đến sau khi anh trở thành người con Chúa mà Hòa Thượng Trí Thủ vẫn ôn tồn đáp lại lời chào của anh, trong khi Hòa Thượng là người có một chút khó tánh, là hễ đã không ưa ai, Người không muốn nhìn mặt họ nữa. Sinh nhật cuối cùng của Hòa Thượng Trí Thủ năm 1983, anh được gọi về dự tiệc. Trong bữa tiệc, các thầy trêu chọc, mỉa mai anh là mục sư, hoặc thế nầy thế nọ. Nhưng chính Hòa Thượng Trí Thủ vẫn ôn tồn giảng một bài giảng cuối cùng về ý nghĩa Nhất Thiết Duy Tâm Tạo giữa đại chúng. Lắng lòng nghe đạo từ của Hòa Thượng, anh biết Hòa Thượng muốn nhắc nhở riêng cho anh về niềm tin mà anh đã theo Chúa; dầu người không hiểu rằng chân lý mà lòng anh đã tìm thấy còn vượt lên trên cả những tình và nghĩa của con người. Ðâu ngờ đó là lần cuối cùng mà anh được gặp vị thầy khả kính. Anh thường về thăm chùa và thăm thầy bạn. Chính vì thế mà anh hay chạm phải những nỗi nhọc nhằn nơi thiền môn mỗi khi trở về thăm viếng, và không dễ gì cùng nhau đàm đạo. Ðôi khi anh chào hỏi các thầy, nhưng được đáp lại bằng những câu trêu chọc, hoặc mỉa mai. Lời mỉa mai của giới tu hành thường nghe êm ái, ngọt lịm; mà chất chứa biết bao mùi vị thấm thía, thâm trầm ý nhị, cay chua. Nếu không như thế thì họ nhìn đi nơi khác, xem anh như người xa lạ không bao giờ chào hỏi. Có đôi lần họ xua đuổi anh đi. Có một lần anh bị một vị tăng thóa mạ với những lời hoàn toàn không đúng sự thật. Họ tỏ ra kiêu hãnh hùng hồn với những lời vu khống mà trong thâm tâm họ, họ thừa biết đó là sự dối trá. Ðứng trước mặt họ, anh phải mang một chiếc thập giá trong tim mình mới đủ sức nhịn nhục. Về tới nhà, anh hao tốn khá nhiều nước mắt để cầu nguyện cho họ và cầu nguyện cho mình giải thoát khỏi những cái ách kỳ thị tôn giáo khủng khiếp đó. Càng thấy mình khỏe mạnh vui tươi, họ càng tỏ ra bực dọc. Tuy thế, đôi lần anh ''may mắn'' được vài vị gặp riêng ôn tồn trò chuyện thật là tuyệt vời. Có ông thượng tọa nọ ngày xưa hay đánh lộn với anh lúc hãy còn làm chú tiểu, sau khi hai người trở thành Ðại Ðức thì chơi thân với nhau vì cùng đi một loại xe Vélosolex. Nay ông đã thành Thượng Tọa, nhưng khi gặp nhau ngoài đường, anh chào ông tới mấy tiếng ông cũng tảng lờ, vô cảm như bức tượng ngồi trên xe. Tại sao họ lạnh lùng như thế? Phải chăng đây chỉ tùy thuộc vào mỗi cá nhân, hay có cả những ảnh hưởng của quan niệm và phong cách văn hóa, tôn giáo trầm lặng của Ðông Phương huyền bí? Nhu mì? Cao siêu? Tuy nhiên cũng có nhiều anh em khác không bao giờ thay đổi tình cảm và cách cư xử đối với đức tin vào Chúa của anh. Họ đã đến với anh hoặc anh đến với họ bình an vô sự. Có người vẫn chơi thân với anh dù đã bị cảnh cáo đôi lần. Cách gì đi nữa, đức tin của anh vẫn lớn lên trong hồng ân Thiên Chúa giữa những thế sự thăng trầm như bấy lâu nay. Ðể tránh dài dòng, anh tóm tắt như sau: Anh thường về chùa thăm thầy và bạn. Một người bạn cựu tu sỹ nắm tay đấm, dộng vào mặt anh: Anh lúi húi lau miệng và nói: Người ấy vô tình chứng minh cho anh rằng (*) Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai - Nguyễn Du Thúc ạ, ví dụ như anh đã đổi ý định tự thiêu để được sống thì có gì xấu xa mà em phải mỉa mai trêu cợt không nên làm dổm như năm xưa tự thiêu cho đạo pháp rồi đổi ý nhé? Thúc muốn nhìn kẻ khác chết như trò hề để lấy làm vui phải không? Anh không trách em về sự nhạo cười của em đối với cái chết của anh, nhưng anh tiếc cho tình anh em chúng ta khi em coi thường cả những việc quan trọng của anh em mình.Chuyện tự thiêu của anh 1963-1964
* Lần thiêu hụt thứ nhất
* Lần thiêu hụt thứ nhì
Bây giờ có Chúa ở cùng vui thay.
Ngày xưa cầu đạo cạo đầu
Bây giờ Ðạo tỏ nhiệm mầu trong Cha.
Ngày xưa mặc áo ca sa
Bây giờ miệng cứ hát ca Ơn Trời
Ngày xưa xác tả hồn tơi
Bây giờ Thiên Chúa ban Lời yêu thương.
Ngày xưa lặn lội miên trường
Bây giờ Sự Sống, Con Ðường, Giê-Xu
Ngày xưa sương gió mịt mù
Bây giờ thấy Ðấng Thiên Thu trong hồn
Ngày xưa chết hụt, chưa chôn
Bây giờ chết thật, linh hồn tái sinh.
Ðiều hay điều dở chẳng qua tạm thời
Rằng ai nhận biết Ơn Trời
Là người sống lại trong Lời Thiên Thu.
* Lần thiêu hụt thứ ba
Tự do tín ngưỡng: thầy tu bị xiềng
Khi còn Cộng Sản cuồng xiên
Ðộc tài độc đảng nhân quyền ở đâu?
Bởi trần gian chẳng hiểu ta đâu
Ðã bao lớp tóc trên đầu
Chỉ thành sương tỏa ra câu thơ buồn
Tiếng thơ không gọi được hồn
Nước mắt thêm nặng vong, tồn, cô, lưu
Xưa trần thế gọi tỳ khưu
Nay thì dâu biển gắn câu bụi đời
Trước sau vóc dáng con người
Chẳng ai nhìn thấy nụ cười ban sơ
Mỏi mòn ta vẫn đợi chờ
Mấy lần đã chết, bây giờ còn đây...
Người ta hay gọi anh là mục sư.
Anh bảo: Không. Tôi chỉ là một tín hữu Tin Lành.
Nhưng hầu như ai cũng muốn gọi anh là mục sư.
Họ nâng cao chức tước để tiện tô mầu.
Sự chọc ghẹo dễ châm thêm lửa giận.
Anh cố nói lại cho đúng sự thật rằng
Tôi là sư mục chứ không phải mục sư.
- Ðồ phản đạo.
Dù bị đánh, tôi vẫn hạnh phúc hơn người đánh tôi.
Trong Thượng Ðế, mình dễ thắng hận thù.
Anh càng nhịn nhục,
Họ càng thấy anh đáng ghét hơn
Một người khác mắng thẳng vào anh:
- Ðồ vô liêm sỹ. Bị đập vào mặt mà không biết giận.
Rồi đuổi anh đi,
Tố cáo anh đã bội phản chén cơm chùa.
Vào một dịp khác, anh đến chùa G.L
Gặp các thầy để hỏi thăm chương trình đi phúng điếu
Hòa Thượng Trừng San qua đời tại Nha Trang.
Khi đang họp mặt.
Một vị cựu đại đức (nay là một giáo sư tiến sỹ L.K.T)
Thẳng thắn yêu cầu Huệ Nhật ra khỏi nơi đây.
Bất ngờ bị yêu cầu rời khỏi chúng Dược Vương,
Anh tưởng mình đang nằm mộng trong một giấc chiêm bao.
Những trang giáo lý cao siêu
Của ngàn năm bay vù vù trong đầu người cầu đạo
Như tiếng ong thợ quạt gió ủ mật,
Xen lẫn tiếng chuông chùa huyền bí
Vang vọng mùi trầm hương trong khe đá Hy-Mã-Lap sơn.
Anh muốn ôm lấy họ mà khóc, và để nói đôi lời:
- Nếu không yêu nhau, chẳng một đạo nào có ý nghĩa cả.
Chỉ một câu ngắn ngủi như thế,
Nhưng dễ gì có dịp nói ra.
Khi có dịp nói, dễ gì được ai nghe.
Ai đã nghe, dễ ai thấy rõ sự chân thành !
Có người liếc đôi mắt ''từ bi'' thảng thốt:
- Thôi đừng nói nữa. Ði! Ði!
- Vâng. Xin chào!
Anh đã rời chốn thiền môn êm ả
Cố lặng lẽ ra đi, mang theo kỷ niệm cay nồng
Của thời tuổi trẻ, nơi mình chưa dâng hết mạng sống và tuổi xuân.
Nay phải nghe lắm người nhắc nhở nhiều lần:
- Huệ Nhật phải nhớ hạt cơm chùa đã nuôi mình ăn học.
Dường như người ta cố ý cho rằng
Kẻ biết ơn Trời là kẻ phản bội cơm chùa.
Hạt cơm chùa không phải hạt cơm trời sao?
Họ không phân biệt hạt lúa nào đã có mặt từ khi sáng thế.
Hình như đất, nước, gió, lửa kết thành hạt cơm ấy
Chỉ do mồ hôi nước mắt của người mắng mỏ anh?
Không có ai sáng tạo?
Chỉ có chùa, anh mới được ăn cơm chùa?
Âm vang lời nhắc nhở lòng biết ơn
Sao nghe như hờn oán, trách móc, mỉa mai, ích kỷ !
Lòng từ bi nào bắt buộc sự biết ơn?
Ai là người thay mặt đàn na thí chủ?
Giá như anh có cơ hội chứng minh tấm lòng tri tạ,
Người ta thấy anh càng đáng ghét hơn không?
Ai muốn thấy anh là thằng phản bội như đã nghĩ sẵn trong đầu ?
Ôi thương thay,
Ai không bị xích xiềng trong gông cùm thành kiến?
Ai đã nhìn qua bờ bên kia không thấy toàn là ão vọng
Mà không chút giận hờn, phe phái, hơn thua...?
Tiếng thở dài nào không mang âm hưởng câu thần chú
Của thời làm chú tiểu quét lá đa
khi chưa kịp học thuộc lòng đã phải nhận đòn roi
''Lên non sợ trèo ải, ở sãi sợ Lăng Nghiêm''
Ngọn lá vàng mùa thu rụng ở Châu Âu,
Gió lạnh tê người gợi về dấu vết xa xưa...
Câu chuyện mới hôm nào còn thì thầm trên đất Việt.
Tình quê thèm khát được nói thật nhiều.
Anh chiêm bao thấy mình đang nằm mộng:
Ðây đó đồn rang rảng Huệ Nhật đã đui một con mắt.
Nghe vậy, anh mĩm cười híp cả hai con
Như giả bộ bắt chước Bùi Giáng
Treo màn trên chiếc giường mây
Chui xuống gầm giường trốn muỗi bên bờ sông Tân thuận.
Anh cứ che, che cho họ cứ việc đồn.
Khi đứng giữa thanh thiên bạch nhật,
Anh mở to hai con mắt. còn nguyên
Thế là có người đè anh xuống toan móc bớt một con mắt.
Lý do được nêu lên không bằng lời, nhưng bằng ý chí:
Nếu để cho mày cứ mở to hai con mắt như thế,
Thì lời đồn từ lâu sai hết hay sao?
Anh đau quá.
Miệng ú ớ đọc câu thơ thần... bí :
Chân lý có chi mà lấn?
Hễ ai chấn, nó sẽ ly
Ai có chí, nó sẽ lân
Có chân, chưa chắc có lý!
Chợp mắt thức dậy
Thấy linh hồn mình ngồi ôm hy vọng tràn trề...
Từ lâu mình vẫn còn đó...Một tình quê!
Mắt xa xăm nhìn qua tuyết trắng
Tìm dấu vết Việt Nam hình hài chữ S
Mắt nhắm nghiền vẫn thấy non nước trong lòng đây.
Ngổn ngang trăm mối xưa rày
Xa quê, ai đến nơi nầy oán nhau?
Bỗng nghe tóc bạc trên đầu
Bay qua mấy chặng biển dâu quê nhà
Trăm năm trong cõi người ta
Anh em nào chẳng phải là anh em?
Từ bi, bác ái chong đèn
Cãi nhau chí chóe lạ quen sá gì!
Lời kinh bác ái từ bi
Vang trong ngõ hạnh đền nghì trúc mai (*)