Thúc viết tiếp:
Hơn 20 năm không động tĩnh gì, giờ nổi chống cộng như bão cấp 12 và giật trên cấp 12. Thơ làm nhanh hơn đạn ra khỏi nòng súng liên thanh, cao vút hơn hỏa tiển xa hơn vệ tinh, nhiều hơn mức sản xuất dây chuyền của các nước công nghiệp tây phương. Nè làm thơ nhiều có tiếng đời Ðường không ai qua Lý Bạch, nhưng phải nể Thôi Hiệu qua mấy bài thôi. Có lần đến Thăm Hoàng Hạc Lâu định Hứng vịnh thơ nhưng thấy trên tường đã có bài của Thôi Hiệu nên chỉ chép đem về không hó hé.
Thúc cho rằng anh làm thơ nhiều, nhanh. Ðoạn văn nầy Thúc cường điệu quá. Ðối với anh, thơ xuất hiện trong mình nhiều hơn mình làm ra nó. Làm thơ cũng giống như giải trí, tìm sự an ủi thanh bình trong nội tâm. Thơ xuất hiện như một cái gạch nối của vần mạch ngôn ngữ giữa mình và sự vật để mình được nói chuyện với cây cỏ, tâm sự với cái móng tay, với sợi tóc bạc của mình, với ngọn lá đang rụng hay đã rụng mùa trước... Sống trong trại tỵ nạn, anh trở thành tỷ phú của thời gian. Nhờ đó mà viết được đôi điều cho chú đây. Có lẽ sau 23 năm bị kềm kẹp dưới chế độ cộng sản, biết bao nhiêu nỗi niềm bị đè nén, khi mới ra khỏi quê nhà, sự cảm xúc bị đè nén ấy có cơ hội để thoát ra từng chút một. Dần dần nó sẽ chựng lại để nấu chín một vần thơ mới nơi chốn tha hương trường kỳ nếu được sống sót thêm. Thúc đã nhắc đến Ðường Thi. Anh biết một bậc sư phụ về Ðường Thi hiện nay còn sống tại Việt Nam, và cũng là một thi sỹ mênh mông, đó là Tuệ Sỹ. Hồi anh mới tin Chúa, chỉ có một mình Tuệ Sỹ tỏ ra đã đọc Kinh Thánh nhiều hơn anh, và nhìn thấy cái hạnh phúc của anh trong Ðức Tin vào Thiên Chúa, sau đó không bao lâu Tuệ Sỹ bị tù. Từ 1984 đến nay anh không gặp lại Tuệ Sỹ nữa. Dù trong giới tu hành với nhau, nhưng anh luôn nhìn Tuệ Sỹ là một nghệ sỹ hơn là một bậc sa môn. Tuệ sỹ là một người đắm đuối trong suy tư, say sưa trong nghệ thuật, nhưng chưa bao giờ tự cho rằng mình là người học cao hiểu rộng. Hiểu biết như Tuệ Sỹ mới có thể gọi là đại trí, chứ không phải anh. Nhưng cũng may cho anh là không phải đại gì cả ngoài cái đại đức mà anh đã thấy nặng quá, không làm sao gánh nổi.
Giờ hỏi nhỏ anh chuyện nầy. Ðịnh diệt trừ bạo quyền Cộng Sản thành công. Rồi đã có kế hoạch lập chính quyền mới chưa? Mô hình ra sao? Theo giáo phái, chủ thuyết nào? Chứ Việt nam đã có 2 chủ thuyết bất thành rồi đó, Một Tư bản cho miền nam tạo một nền đệ nhất cộng hòa cho gia đình trị họ Ngô. Một cho đệ nhị với bầy bù nhìn Thiệu Kỳ Khiêm .V.V. Hiện tại đang theo học thuyết Mác Xít Lê Nin Nít lãnh đạo đất nước mà như anh nói là một lũ mafia. Việt nam chưa có chính quyền. Chế độ Saigon trước là nguỵ quyền. ''Ngụy quyền là một lũ ăn cắp. Bọn hưởng thụ trên xác chết của lính chiến, bọn nhảy đầm trên nước mắt của góa phụ, bọn uống sâm banh bằng nước mắt cô nhi, bọn cười đùa trên nỗi khổ đồng bào, Bọn kên kên rúc ruột, mổ mắt tổ quốc, xé thịt quê hương''.(mượn hồi ký của nhà văn Duyên Anh trong hồi ký traị tập trung). Bọn Bắc bộ phủ là Phỉ quyền, Phỉ quyền là một bọn ăn cướp. Bọn nầy ác ôn hơn bọn ăn cắp. bọn nầy chuyên phô trương là cướp chính quyền. Cướp được chính quyền quản lý hộ khẩu, nhà tù, traị tập trung như nấm đày đọa Dân tộc và ngu dân xã hội.
Thế nên có người thơ đề:
''Ngày xưa roi điện thì còn
Bây giờ roi gạo hao mòn thịt xương''.
Cũng như các đoạn thư trên của Thúc, các câu văn nầy rất là sáo rỗng. Thúc thuộc lòng văn của Duyên Anh khá bộn! Nếu đây là văn của Duyên Anh thì thật là nông cạn. Anh không thấy gì hay ho, không thấy gì đúng đắn, không thấy gì lương thiện, không thấy một ý nghĩa xây dựng nào trong giọng văn chưởi rủa chính trị hồ đồ của Duyên Anh. Ông ta sống một cuộc đời công tử viết văn. Cũng như nhiều người miền Nam trước 1975, quen cuộc sống trưởng giả nên khi vào trong nhà tù cộng sản, Duyên Anh không chịu nỗi sự khủng bố, sự đói khát, dơ dáy, nóng bức, thiếu thuốc Capstan, Ruby, Pall Mall. Trong điều kiện đó, Duyên Anh đã phản bội bạn tù để làm ăng-ten cho Cộng Sản nhằm kiếm chút ưu tiên. Anh nghe nói sau nầy ra nước ngoài, Duyên Anh đã bị trả thù. Thật đáng thương cho một người khôn lanh, có tài, nhưng thiếu khí tiết nam nhi. Lối văn chưởi rủa của Duyên Anh đối với Cộng Sản cũng như đối với Quốc Gia chỉ là sáo ngữ, rỗng tuyếch, toàn từ ngữ dao to búa lớn mà không để lại một dấu vết dựng xây nào cả. Duyên Anh làm như anh ta không hề nhảy đầm, không hề uống sâm banh ở miền Nam trước 1975 bao giờ. Làm ăng-ten để phản bội niềm tin của anh em bạn tù, cốt chỉ được nhận một vài cục đường tán, được nhận đồ tiếp tế thăm nuôi sớm hơn những người tù khác một chút, đó là bọn gì? Khi còn ở trong tù, mùa hè 1977 anh chỉ được gặp Duyên Anh có mấy hôm ở phòng số 6, khu C1, trại giam số 4 Phan Ðăng Lưu, chưa kịp hỏi thăm nhau thì đã bị đổi phòng, rồi mất biệt.
Chữ Ngụy Quyền dùng để chỉ cho chế độ miền Nam là một lối dùng chữ tuyên truyền tâm lý chính trị rất độc đáo, rất thành công của Cộng Sản. Người cộng sản rất khôn lanh trong việc ác, nhưng dốt nát trong việc lành. Nghĩa là họ xuyên tạc sự thật rất tài tình, nhưng không bao giờ họ biết thành thật là gì! Chữ ngụy quyền họ dùng ở đây rất có tác dụng tâm lý. Khi người ta nghe chữ ấy là nghĩ ngay đến cái chế độ miền Nam bất chính, bất nghĩa, ngụy tạo. Nhưng thật ra nó hoàn toàn sai. Nó sai một cách rất độc hiễm. Chế độ miền Nam hợp pháp giống như chế độ miền Bắc sau hiệp định Genève 1954. Dù hiệp định Genève đã chia cắt đất nước, nhưng cả hai chế độ Bắc và Nam tại Việt Nam sau hiệp định Genève 1954 đều là hợp pháp, ít nhất là hai năm đầu. Tại miền Bắc, chủ nghĩa cộng sản vô thần ngoại lai cai trị mới là nguỵ quyền. Cơ chế cộng sản tổ chức chặt chẽ để tiêu diệt tinh thần dân chủ tự do triệt để đầy sắt máu. Một bài thơ văn nghệ nói về cờ đỏ đầy đường phố của Trần Dần là đủ ngồi tù mọt gông rồi. Thế thì về mặt bản chất, chế độ miền Bắc mới thật sự là ngụy. Vì chính phủ độc đảng của Bắc Việt không do dân bầu, nhưng do đảng độc tài đạo diễn hay ngụy tạo với một hình thức gọi là dân chủ tập trung. Nội cái chữ dân chủ tập trung cũng đủ nói lên bản chất ngụy tạo, hàm hồ hàm chứa, cả vú lấp miệng em rồi.
Dưới chế độ cộng sản, dân làm chủ tập thể hay dân chủ tập trung có nghĩa là một đảng viên ra lệnh cả đoàn dân phải nghe theo răm rắp. Dân bị bắt buộc phải ca ngợi Ðảng như nàng Kiều phải ca ngợi Hoạn Thư trong khi cánh tay Hoạn Thư phang nàng Kiều những lằn roi rướm máu. Ðảng nghi ngờ dân là Ðảng bỏ tù dân. Dân nghi ngờ Ðảng là dân bị Ðảng tiêu diệt bằng mọi cách. Ba mệnh đề cơ cấu chính trị khôi hài, giả trá, bẩn thỉu, lường gạt, tráo trở tai ngược, vô liêm sỹ nhất trong chế độ cộng sản, đó là Ðảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ. Một kẻ ít học, mới biết đánh vần a,b,c như Ðỗ Mười cũng thừa biết đây là ba mệnh đề gian trá mỉa mai nhất của Cộng Sản vô thần. Một sự mỉa mai cay nghiệt như thế mà hàng triệu đảng viên học thuộc lòng, rồi bắt dân học thuộc lòng, viết thành khẩu hiệu treo đầy đường như những câu thần chú của thầy phù thủy. Thực tế độc tài đảng trị, lừa bịp nhân dân của đảng CSVN đã phản chiếu lên ba mệnh đề chính trị láo khoét trên đã chôn vùi giá trị Hồ Chí Minh vĩnh viễn. Hình tượng Hồ Chí Minh được chính ông và đảng CSVN đã lấy máu của dân để xây dựng, thì cũng chính sự độc tài trơ trẻn, sự khát máu tanh hôi của ông và của bè lũ môn đồ của ông đem chôn trong đống rác cộng sản gian hùng như một thứ uế vật gian tà mà người có lương tâm cảm thấy tởm lợm đến nỗi không diễn tả được cái cảm giác gớm ghiếc của mình.
Hiện nay còn rất nhiều người cộng sản cuồng tín chưa biết giá trị của Hồ Chí Minh đã thiu thối theo cái xác chết đang được bêu mỗi ngày tại Hà Nội. Thế nhưng Duyên Anh cũng không hiểu, và hầu như Thúc là một sỹ quan QLVNCH cũng chưa hiểu được cái lối dùng chữ hàm hồ, gian ác của Cộng Sản. Thậm chí hiện giờ vẫn còn người miền Nam vô tình tự nhận hai chữ ngụy quyền ấy cho mình mới là tội nghiệp nữa chứ! Ngược lại, cho đến bây giờ, nhiều người Bắc sau 1975, dù cộng sản hay không cộng sản vẫn quen dùng chữ nguỵ quyền khi nói tới chế độ miền Nam ; dù rằng họ hiểu được một phần về chính nghĩa của chế độ miền Nam, nhưng họ vẫn gọi chế độ miền Nam là ngụy quyền. Sự tuyên truyền bịp bợm của Cộng Sản đã dẫn người ta vào một lối mòn của thói quen lầm lạc lười suy nghĩ rất khó trị liệu. Cái thành công tuyên truyền, cái sâu sắc tâm lý chiến của kẻ ác là ở chỗ đó.
Khi so sánh chiến thuật tâm lý chiến của Bắc Việt và Nam Việt, anh hình dung Bắc Việt là một tay ão thuật già dặn chuyên lường gạt chơi cờ ba lá với một đứa trẻ Nam Việt bị hội chứng down thuộc con nhà trung lưu. Cả một cái Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Miền Nam, cộng thêm một cái Nha Tuyên Uý Phật Giáo chỉ giúp cho mấy ông đại đức tuyên úy được mặc quân phục đi chơi. Trước 30.4.1975, anh có vài người bạn văn nghệ sỹ, nhà báo. Họ là những sỹ quan hoặc là những cây bút của tờ báo thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Miền Nam. Anh thấy họ là dân viết văn, làm báo theo kiểu ngày cà phê thuốc lá, đêm whisky nhảy đầm, và sản xuất ra bài vở chống cộng cầm chừng cho Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị thuộc bộ Quốc Phòng tại Saigon. Làm công việc đó, họ được yên thân, vì khỏi ra chiến trường cầm súng. Họ không tha thiết đến một lý tưởng chính trị nào cả. Anh quen một thiếu tá nhà văn nổi tiếng nọ, tên là CTB. Ông thiếu tá nầy viết bài cho các báo rất nhanh. Mỗi đêm cứ la cà ở những cái bar để uống ké bia 333 khỏi trả tiền, chẳng bao giờ ông ta đề cập đến hiểm họa của đất nước. Những người anh ruột của ông ta cũng là những sỹ quan cao cấp trong quân lực VNCH từ 1959. Miền Nam có được mấy vị tướng trong sạch và cam chịu chết vì danh dự của người chiến sỹ trước vận mệnh đất nước như tướng Lê Văn Hưng, như đại tá Lộc? Những ông tướng hy sinh đầy khí tiết thì có thể không nhiều, nhưng anh hồn tử sỹ thì hàng triệu người.
Anh không hiểu tại sao quân lực VNCH đến nay vẫn chưa ngồi lại với nhau để tự kiểm điểm lại mình để vượt qua những mặc cảm thất bại, để cùng nhau nhận một phần trách nhiệm, đồng thời xem ai là những người đã thật sự hy sinh vì dân vì nước. Bây giờ chúng ta không phải đấu tranh cho riêng chế độ VNCH nữa, nhưng nên nhớ rằng trong lòng dân Việt ngày nay, chế độ Việt Nam Cộng Hòa là chế độ lương thiện và có chính nghĩa so với chế độ Cộng Sản vô thần tà đạo. Chúng ta tạm thời thua lũ người cường bạo, nhưng chính nghĩa đã được soi tỏ, đã được lòng dân nhận diện sau vài thập niên trực diện với cộng sản vô thần. Sống lưu lạc ở đất khách quê người, chúng ta có quyền, có phương tiện, có tự do để ngồi lại với nhau bằng một ý thức tình tự dân tộc, một niềm tin cho thế hệ tiếp theo mới phải chứ. Nếu mỗi cá nhân chúng ta biết hy sinh một phần về cái tôi thì chắc chắn ngồi lại với nhau được.
Anh viết những ý nghĩ nầy trong khi anh chưa được tiếp xúc nhiều với các hội đoàn hải ngoại. Biết đâu quân lực VNCH đã làm một cái gì thật tốt đẹp với nhau rồi mà anh chưa hay. Khi nghe tin Tướng Hoàng Cơ Minh đã đi tìm từng người chiến hữu để kêu gọi tinh thần chiến đấu, khi gặp các chiến hữu trong MTQGTHGPVN, trong Liên Minh Việt NamTự Do, và các chiến hữu của các tổ chức khác ở nước Ðức, anh vô cùng xúc động đối với tinh thần đấu tranh của họ. Anh nhớ tướng Nguyễn Cao Kỳ có viết một câu trong hồi ký của ông rất có ý nghĩa. ''Một người Việt Nam không có quá khứ, giống như một người Mỹ không có tương lai''. Câu nầy anh đã đọc lâu rồi từ trong nước, nay viết lại mà sợ không đúng nguyên văn. Trưng dẫn ý của tướng Nguyễn Cao Kỳ là anh muốn nói rằng chúng ta làm gì thì làm, nhưng chúng ta không thể phủ nhận hết quá khứ của chúng ta. Quá khứ thành công hay thất bại đều là quá khứ của chúng ta. Chúng ta không thể tái tạo quá khứ, hay là không thể sửa lại quá được, nhưng chúng ta phải công nhận giá trị của một quá khứ chung để cùng ôn cố tri tân cho ngày sắp tới. Dân chúng miền Bắc VN thì anh không hiểu lắm, anh chỉ biết rằng họ là nạn nhân của độc tài cộng sản, nhưng dân miền Nam VN thì anh có đủ tư cách mà nói rằng họ thật sự luyến tiếc chế dộ VNCH sau khi kinh nghiệm với loài quỷ đỏ cộng nô. Anh suy nghĩ rất nhiều về câu nói của vua Bảo Ðại: Ý Dân là ý Trời
Và anh tự nghĩ rằng
Yêu dân mới biết lòng dân
Công bình mới biết cán cân công bình.
Chúng ta phải biết tự chê mình trước khi mong cầu sự tiến bộ. Anh phê bình những cái dở của miền Nam cũng chỉ vì yêu quý và thương tiếc chế độ có chính nghĩa của miền Nam. Nếu cá nhân anh bị phê bình để được xây dựng, anh sẽ xem người chỉ trích đúng là người giúp mình tiến đến sự tốt hơn, người chỉ trích không đúng cũng nhắc mình tự xét lại mình một cách cẩn trọng hơn nữa. Còn người chỉ trích bậy bạ thì mình không nên để bị vướng víu dưới chân.
Vì yêu các vị tu sỹ Phật Giáo mà anh rất lấy làm xót xa và tức giận khi được đọc hồ sơ của 240 vị sĩ quan tuyên úy PG trong quân lực VNCH. Trong 240 vị đã có trên 225 vị bị lính viết thư tố cáo lên nha tuyên úy Phật Giáo về việc thầy thích ăn chơi, còn hầu hết đều có dính vào những chuyện phù phiếm tào lao điên khùng khác. Càng đọc càng tức chết đi được. Những ông sỹ quan tôn giáo ấy không hiểu vai trò chiến tranh chính trị của mình trong quân ngũ, thậm chí khi Cộng Sản vào tới Sàigon rồi, họ vẫn cứ đinh ninh rằng mình là thầy tu thuần túy trước mặt Cộng Sản. Thế nhưng Cộng Sản nhìn họ bằng con mắt đúng nghĩa chiến tranh chính trị. Và sỹ quan chính trị bị trả thù trong nhà tù học tập cải tạo lâu hơn sỹ quan cầm súng. Mỹ đã bỏ ra biết bao nhiêu của cải cho một đồng minh Nam Việt bị hội chứng down đứng ra chơi cờ ba lá với một tay ngáo ộp đảng Cộng Sản Hồ Chí Minh. Một trong những lý do khiến Mỹ rút lui, có lẽ vì đã nhận ra điều đó.
Anh nhớ lại cái não trạng chiến tranh Nam Bắc Việt Nam thật là lạ. Ðối với miền Bắc, càng chết họ càng nhảy vào trận chiến như nhũng con thiêu thân. Họ có những câu khẩu hiệu mà ai cũng học nằm lòng như ''Ðánh ! Ðánh! Chỉ còn cái lai quần cũng đánh!'' Ngược lại, Hoa Kỳ và VNCH thì hăng hái đến mấy cũng không muốn kéo dài cuộc tàn sát dã man nữa. Anh cảm thấy tiếc, vì miền Nam có tự do, có chính nghĩa mà không ai có đủ khả năng, bản lĩnh chính trị để đưa đất nước đến thành công. Chế độ miền Nam dù sao cũng có tự do hơn nhiều, nếu so với miền Bắc. Nhưng tự do mà không được xây dựng với ý thức trách nhiệm và tinh thần tự chủ, không đặt tinh thần kỷ luật và quyền lợi quốc gia lên trên, để mạnh ai nấy thao túng một cách vô tội vạ như thế thì phải thua thôi chứ sao. Sỹ quan cao cấp sát hại nhau hàng loạt như vụ trực thăng bắn rốc-két sát hại các tướng lãnh trong Chợ Lớn. Những ông tướng võ biền ưa bạt tai sỹ quan thanh tra Mỹ như tướng Lam Sơn được tinh thần tự ái dân tộc cực đoan ca ngợi, nhưng thực chất những ''huyền thoại'' như thế rất phản chính trị. Khi Mỹ không chịu chết cho miền Nam Việt Nam nữa thì bị người ta cho là Mỹ phản bội đồng minh. Trong khi đó những cấp lãnh đạo coi thường nhau, chơi xỏ nhau như Hoàng Ðức Nhã với một vài tướng lãnh trong bộ quốc phòng, khi họ thấy cái Tổng Ủy Dân Vận đầy kiêu ngạo hống hách. Những con người lãnh đạo như thế thì được coi là những người chống cộng cùng mình. Thời cụ Ngô lãnh đạo có tổ chức Dân Sự Vụ chuyên trách về chính trị quần chúng rất hay thì bị lọt vào bàn tay thao túng của đảng Cần Lao thiểu số. Thời tổng thống Ngô Ðình Diệm có câu Tổ Quốc Trên Hết rất hay, nhưng sau đó đã bị bỏ quên. Miền Nam suốt thời kỳ tổng thống Ngô Ðình Diệm, cho đến ông tống thống Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ đều thiếu chương trình giáo dục chính trị nghiêm chỉnh trong học đường cũng như trong quần chúng. Nếu mỗi phía biết nhận ra cái sai của mình kịp thời trước toàn dân, anh tin chắc rằng Cộng Sản thua chúng ta. Nếu ngày nay chúng ta biết nhận thức cũng không muộn. Ngày hôm nay, bất cứ ai còn bảo thủ bè phái cá nhân là còn vô tình đem dâng chỗ dựa cho loài quỷ đỏ tồn tại lâu dài hơn. Loài quỷ đỏ rất có tài trà trộn, len lõi vào mọi ngõ ngách.
Trong khi trình độ nhận thức và kỷ năng tuyên truyền chính trị của Miền Nam lỏng lẻo như thế, Miền Bắc đã làm điều nầy rất kỹ trong mọi tầng lớp nhân dân, học sinh và cán bộ. Tất cả văn thơ, triết lý, tư tưởng, tôn giáo, xuất bản, phát thanh, báo chí, cách ăn nói, trong mọi giới đồng bào đều hướng về một cổ máy của đảng CSVN với mục đích đấu tranh chính trị. Tại sao họ làm ác mà lại thành công ? Tại sao chúng ta ngay thẳng, có chính nghĩa lại thất bại ? Hãy suy nghĩ cho kỹ đi. Có những người ngay thẳng, có chính nghĩa nhưng không biết giá trị của chính nghĩa nên để tuột mất khỏi tầm tay. Có kẻ đem hết sức mình để làm ác cũng chỉ thành công tạm thời. Em hãy xem ngày nay Tố Hữu đã thừa nhận một bài thơ bịp bợm hạng nhất của mình trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ðó là bài thơ Hoan Hô Chiến Sĩ Ðiện Biên. Xin xem quyển bình luận văn chương nhan đề Chân Dung Và Ðối Thoại của nhà thơ cộng sản Trần Ðăng Khoa do nhà xb Thanh Niên Hà Nội tái bản lần thứ 9, 1999, từ trang 14-20; mục chân dung Tố Hữu. Anh xin dài dòng trích nguyên văn trong một đoạn đối thoại nầy bắt đầu từ trang 14 Tố Hữu nói:
- 'Bài ''Hoan hô chiến sỹ Ðiện Biên'' thì cũng chẳng có gì phải nói thêm nữa. Mình đã viết cả ra rồi. Có gì cũng nói tuột ra hết. Thơ mình là thế, là cứ nói thẳng tuồn tuột., chẳng có gì khuất khúc cả.
- Vâng, bài thơ nói được nhiều điều lắm. Ðầy ắp tư liệu thông tin. Nhưng có thông tin mà bạn đọc bây giờ tò mò muốn biết thì bài thơ lại không nói đến. Ấy là thông tin về tác giả. Khi viết bài thơ nầy, anh đang ở đâu?
Tố Hữu ngồi im lặng. Ánh mắt bỗng xa vợi. Hình như ông đang lục trong trí nhớ, cố tìm một hình ảnh nào đó, một bóng dáng nào đó của kỷ niệm xa mờ.
- Chịu, không thể nhớ được. - Tố Hữu quay về phía tôi. - Mình già rồi, u mê rồi. Có lẽ các anh ở cục tác chiến, quân bưu, các anh ấy nhớ, chứ mình thì quên mất rồi. Cái bản ấy, nó có cái tên là Khau Khau gì đấy. Hồi đó, mình là trưởng ban tuyên truyền. Suốt ngày chỉ hong hóng chờ tin tức từ chỗ anh Trường Chinh, hoặc là chạy sang bên bộ Tổng, Quân uỷ trung ương, chỗ anh Văn, hỏi xem có đánh nhau ở đâu thì viết bài tuyên truyền. Mà viết xong cũng chẳng biết đưa cho ai nữa. Hồi ấy, phương tiện tuyên truyền của ta còn nghèo lắm, sơ sài lắm, đâu có được phong phú như hồi chống Mỹ. Công cụ tuyên truyền chỉ có mỗi tờ báo Nhân Dân với cái đài 500 oát. Còn phần lớn là tuyên truyền mồm qua cánh dân công. (bỏ bớt 2câu).... Còn chuyện Ðiện Biên Phủ thì sau nầy mới rầm rộ. Hò kéo pháo là sau này, chứ lúc đó làm gì có Hò kéo pháo. Ðiện Biên bấy giờ im ắng lắm. Ta âm thầm chuẩn bị lực lượng. Không ai có thể nghĩ được rằng, ta lại có thể đưa được quân, đưa được pháo vào Ðiện Biên. Thực tế khách quan thì không thể làm được. Ðường sá hiểm trở lắm, toàn những đèo dốc, vực thẳm. Gay go nhất là việc vận chuyển lương thực, thực phẩm. Cái này, phải nói là dân mình ghê gớm thật. Chỉ có đôi vai, đôi bồ, khá hơn thì cái xe đạp tồng tộc, mà rồi từ Thanh Hóa, từ đồng bằng Bắc Bộ mò mò đưa gạo lên. Hạt gạo nặng bằng hạt máu. Phải nói ý chí của dân mình rất ghê gớm. Họ nhịn đói, nhịn khát, ăn lá lảu dọc đường. Dừng nghỉ thì nói chuyện thịt bò, nói chuyện nướng chả, làm thịt cầy, cứ như mình đang liên hoan, đang ăn thịt, mà toàn là ăn thịt ...mồm.
- Vậy tin toàn thắng đến với anh lúc nào?
- Lúc ấy khoảng 5 rưởi hay 6 giờ chiều ngày 7-5. Rừng đã nhá nhem tối mới có điện từ chỗ anh Trường chinh xuống. Mình mừng quá. Cái chuyện Hỏa tốc, hỏa tốc - Ngựa bay lên dốc ấy là có thật. Ðấy là con ngựa của chú liên lạc ở chỗ anh Trường Chinh. Và chỉ có mỗi một con ngựa với chú liên lạc, chứ làm gì có Ðuốc chạy sáng rừng, với Làng bản đỏ đèn đỏ lửa. Khi viết thì mình viết thế. Viết thế mới tạo được không khí, chứ làm gì có lửa mà đỏ rừng đỏ bản. Thực tế lúc ấy, nhìn ra xung quanh, rừng núi tối mù mù. Chỉ có vài ngôi nhà ở triền núi xa xa có ánh lửa le lói, chắc họ đang nấu cơm hay nướng sắn gì đó. Thế mà mình viết: Ðuốc chạy sáng rừng - Loa kêu từng cửa. Cũng chẳng có loa đâu. Mà loa với ai. Dân ở xa. Ở gần dân e bị lộ. Nguyên tắc là bí mật tuyệt đối. Cơ quan trung ương ở trong rừng, ở giữa lau tre. (bỏ bớt 6 câu). Bí mật là một nguyên tắc. Vậy thì loa với ai. Thế mà vẫn loa kêu từng cửa. Làng bản đỏ đèn đỏ lửa. Hầy. Nghe vui hỉ, nghe cũng rậm rạp đấy chứ hỉ. Rồi Tố Hữu quay lại mấy anh em, nheo nhẹo một bên mắt, vẻ trẻ trung tinh nghịch - Này, xem ra không thể tin cánh văn nghệ được đâu hỉ. Phịa, toàn là phịa. Chỉ có điều là mình phịa như thật, nên người ta cũng tha cho. (sách đã dẫn trang 14-16).
Một trong những quan niệm về đạo đức cách mạng của người cộng sản là lừa phỉnh để đạt đến thành công. Khi sự lừa phỉnh của họ có kết quả như ý muốn, họ rất kiêu hãnh chứ không phải hỗ thẹn đâu. Ðặc biệt hơn nữa là họ lừa phỉnh đồng bào ruột thịt của họ. Ngày nay ai cũng thấy văn hóa cộng sản là văn hóa tuyên truyền bịp bợm. Té ra bài thơ nổi tiếng trong chiến dịch Ðiện Biên của Tố Hữu chỉ là một sự lừa bịp hoàn toàn như ông đã thú nhận. Dân tộc chúng ta đã bị lọt vào cái bẩy văn hóa lừa mị của Cộng sản quá sâu. Cả Tố Hữu lẫn đàn em mình đều khoe khoang tài nói láo trong văn chương tuyên truyền bịp bợm của mặt trận Việt Minh. Dân bị lùa vào sự chết để thí mạng cho đảng CS khoe chiến thắng. Xương máu của ai đã trả giá đắt như thế để con cháu mình được ''thừa hưởng'' cái xiềng của đảng CSVN suốt nửa thế kỷ qua? Cũng trong quyển sách nầy, Trần Ðăng Khoa, người thi sỹ thần đồng của Cộng Sản, ngay khi còn nhỏ đã được Xuân Diệu dạy rằng Ở nước ta khen thì rất dễ, khen sai có khi cũng được các cơ quan, đoàn thể hoan nghênh, nhưng chê thì khó khăn lắm, kể cả chê đúng, đôi khi cũng phiền toái vô cùng (Chân Dung Và Ðối Thoại của Trần Ðăng Khoa trang 32). Ngày nay Trần Ðăng Khoa đã dùng lời tự thú của Xuân Diệu để khoe rằng '' Ở nước mình, người ta thường cố gắng làm chết những người đang sống và ra sức cứu sống những kẻ đã chết. Rồi đấy, cậu sẽ xem, sau khi Xuân Diệu chết rồi, họ sẽ lôi cả chỗi cùn rế rách của Xuân Diệu ra mà tung hô. Cái dở của tớ nó cũng khen um lên. Những bài hạng C rồi sẽ thành A hết! Ông bỗng khịt mũi, - Không khéo đến cả cứt của tớ nó cũng bảo là vàng''. (Chân Dung Và Ðối Thoại của Trần Ðăng Khoa trang 49).
Ðọc Trần Ðăng Khoa, chúng ta thấy người cộng sản rất kiêu hãnh về tài lường gạt dân chúng của mình. Cộng Sản đã lừa bịp toàn dân một cách thành công. Cộng Sản đã lừa bịp được dư luận thế giới. Miền nam không đủ bản lĩnh, thiếu tài năng là phải thua thôi. Nhưng Hoa Kỳ đã nhận thức ra kịp thời để rút lui khỏi cuộc chiến đẩm máu ấy. Sau cùng Hoa Kỳ phải bỏ một đồng minh cà khịa để chiến thắng Cộng Sản bằng chiến thuật chính trị, khoa học với một tầm vóc vĩ đại hơn trận chiến máu lửa nhiều. Thật đáng phục.
Anh suy nghĩ rằng hiện nay Hoa Kỳ đang chờ đợi xem bao giờ đồng minh Nam Việt cũ của họ hiểu nổi bài học cay đắng ấy để trưởng thành về nhận thức chính trị. Hoa Kỳ đã chịu một vết thương khá sâu sắc vì đã nhầm lẫn giúp một đồng minh chưa biết hết chính nghĩa của mình để mà tự vệ; trong khi đó họ phải đánh lại một kẻ thù Cộng Sản quốc tế dùng con bài thí mạng cùi của Chí Phèo CSVN. Cộng Sản Bắc Việt sẵn sàng chịu chết, giống như Chí Phèo tự cào cho mặt mình chảy máu mới làm cho nhà giầu Bá Kiến lụy phiền. Dù phải chịu thua trận là một điều không ai muốn, nhưng một kẻ mạnh như Hoa Kỳ mà chấp nhận vết thương thua trận để rút ra khỏi cuộc chém giết một kẻ thù sẵn sàng chịu chết như thế thì quả thật là một phước lành. Ngày nay được tự do nói chuyện với những tay Việt Cộng còn say máu chiến tranh cùng nằm trong trại tỵ nạn, anh nói với họ rằng một kẻ thừa vũ khí như Hoa Kỳ mà đã chấp nhận thua các anh mới thật là anh anh hùng. Còn các anh thí mạng cùi của dân mình để chiến thắng trong chiến tranh nhưng rồi sớm thất bại trong hòa bình. Chính vì thất bại trong hòa bình nên CSVN đã lùa các anh đi làm mafia ở Ðông Âu. Thực tế đã chứng minh điều đó, họ không thể chối cãi được. Nếu chịu học bài học lịch sử thì mới thấy giá trị đích thực của bài học lịch sử. Nếu không đủ can đảm học bài học sai lầm của lịch sử thì chẳng khác chi người hèn nhát trốn tránh thái độ khiếp nhược của mình.
Dù sao sự thành công của kẻ tà đạo chỉ nhất thời. Ngày nay dù đảng Cộng Sản có ca tụng Hồ Chí Minh đến mấy, cái xác chết ấy cũng không vì thế mà bớt đi mùi tanh tưởi của nó. Lòng dân đã quằn quại trong sự lừa bịp của Cộng Sản quá nhiều. Có thể nói rằng nhờ sự gian ác vô độ của Cộng Sản mà người dân Việt Nam trở nên quý mến anh chàng chiến sỹ ''nhảy đầm'' của Việt Nam Cộng Hòa ngày trước. Ngày nay người dân nhớ lại những sai sót của chế độ miền Nam mà cảm thấy thương mến. Họ không đa mưu, nhưng họ không gian ác. Họ còn có thể sửa chữa được. Người dân nào đã không ủng hộ các chính phủ Miền Nam trước đây, thì cũng đã trải qua một phần tư thế kỷ tan nát, phân ly, đói khổ, xích xiềng đầy nước mắt, mồ hôi và máu oan. Chế độ cộng sản thì gian ác hết thuốc chữa. Kẻ tà đạo luôn luôn có phương pháp tà đạo, vì mục đích tà đạo, nên kết quả cũng rất tà đạo. Nhưng chúng ta là chính đạo, từ lâu nay ai cấm chúng ta làm những công việc hướng dẫn quần chúng theo phương pháp và mục đích chính đạo? Thật ra chúng ta có làm, nhưng không làm một cách tận tụy đến nơi đến chốn. Vậy bây giờ bắt tay nhau mà làm cũng không muộn đâu.
Anh đã thật sự gặp những chiến hữu trong Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Dân Tộc của tướng Hoàng cơ Minh tại một số nơi trong nước Ðức. Quả thật họ là những con người yêu nước có kỹ thuật, kỹ luật với tinh thần ý thức chính trị rất cao. Chính vì thế mà Cộng Sản khiếp sợ, nên đã tìm đủ mọi cách để đánh phá họ. Nhưng anh nghe nói ở Mỹ, có một số người trong MTQGTNGPDT đã hành động như mafia. Họ gây tai tiếng cho MT và làm tổn thương đến những cái chết hy sinh hiếm hoi ở rừng Trường Sơn. Hãy đợi xem ánh sáng ngọn đèn lịch sử. Có thể một số cá nhân làm hoen ố một đường lối, một lý tưởng, một mục đích và thanh danh của một tổ chức. Chúng ta không vì nhiều kẻ ác mà bôi nhọ luôn cả số ít người lành và xuyên tạc mục đích chung của dân tộc mình. Tiếng dữ đồn xa, tiếng lành đồn gần. Thúc nên hiểu rẳng ý thức chính trị là bộ não điều khiển nòng súng. Không giống như một ông tướng nọ chỉ biết dùng tay bắn một viên đạn vào đầu người tù binh trói cánh, nhưng trong đầu ông tướng ấy không hề có một chút hiểu biết về hậu quả của hàng tỷ viên đạn chính trị bắn ngược lại, tiêu diệt cả chế độ của mình nhanh chóng cấp kỳ. Phải chăng đó là một trong những cách tự phản tuyên truyền đau đớn nhất mà hậu quả còn kéo dài tới hôm nay? Anh nghĩ họ thừa biết cái sai của họ, nhưng tiếc thay họ không đủ can đảm thừa nhận, vì lòng tự ái vặt quá cao. Ôi! Những anh hùng hảo hán cầm thanh bảo kiếm đáng ''bậc thầy'' của Thúc, cũng đã từng là bậc lãnh đạo của chúng ta!
Hậu quả của chính sách hời hợt đã gây ra biết bao nhiêu triệu người đau khổ dưới xích xiềng cộng sản, nhất là những anh hùng đã dấn thân vào trận mạc để chịu chết cho kẻ sống còn ôm gói ra đi an toàn mà kiếm đô la. Biết bao nhiêu thế hệ còn mang những oan khiên? Miền Nam không trang bị nhận thức chính trị từ trên xuống dưới, cho nên sau khi vừa mới bị Mỹ rút lui là tự buông súng ngay. Miền Nam ỷ vào tiền tài, vũ khí của Mỹ nên quên béng nền tảng chính trị trong toàn dân. Ðây là nhận xét của cá nhân anh, ai thấy anh nhận xét sai thì cứ làm rõ chân lý của mình. Và đặc biệt đừng tỵ hiềm nhau mà phải biết tôn trọng sự kiện lịch sử khách quan.
Năm 1959 tại làng anh, một toán thanh niên Cộng Hòa của Ngô Ðình Nhu cầm gậy gộc đi gác đêm. Toán thanh niên nầy thường hay đến quấy nhiễu quanh khu chùa làng, vì họ ghét Phật Giáo. Một hôm họ vào trong chùa và tiểu tiện ngay trong cái chuông để trên bàn kinh. Ðêm đó anh lên chùa tụng kinh xong, ngủ lại trong nhà ông Thầy Hậu; nữa đêm nghe họ nói chuyện oang oang, tự động mở cửa vào chùa, anh có thể nhận ra giọng nói của từng người một. Người nói rõ nhất là ông Lê Văn Trợ, một người mới theo Công Giáo khá nổi tiếng trong xã Hải Ba. Anh nhắc lại điều nầy để thấy rằng thời chính phủ Ngô Ðình Diệm đã bỏ bê chăm sóc tình cảm người dân quá cỡ rồi. Một hành động như thế của thanh niên Cộng Hòa đã làm cho biết bao nhiêu người dân trong làng khinh ghét cả chế độ Ngô Ðình Diệm và ghét luôn cả đạo Chúa. Dân quê thấp cổ bé họng bị áp bức đã quen, nhưng những chuyện ngu xuẩn ấy làm họ nhớ lâu lắm. Sau nầy Lê Văn Trợ lên làm trung đội trưởng Dân Vệ xã Hải Ba bị du kích Việt Cộng bắn chết ngay trong làng Phương Lang. Thử hỏi ai phải chịu trách nhiệm đối với hành động của Lê Văn Trợ và toán thanh niên Cộng Hòa trong đêm đó? Nhắc lại chuyện nầy mà đau xót, kính xin các linh mục Công Giáo và những nhà chính trị thời Ngô Ðình Diệm cảm thông dùm.
Ngày nay đem Lê Văn Trợ và thanh niên Cộng Hòa ra để so sánh với những tên công an xã, bí thư chi bộ xã thì cái lũ Cộng Sản con nầy còn ác hiễm hơn Lê Văn Trợ nhiều. Cộng Sản không ngu xuẩn đến nỗi tiểu tiện vào một nơi tôn nghiêm, nhưng Cộng Sản thâm độc đến nỗi tiêu diệt tín ngưỡng bằng nhiều cách tinh vi hơn hành động của vài anh thanh niên Cộng Hòa của ông Ngô Ðình Nhu ấy. Cộng Sản rúc rỉa hết xương tủy của dân và rình mò từng nhà đẻ kềm kẹp mút chỉ. Tổng thống Ngô Ðình Diệm tuy được tiếng liêm khiết, nhưng để cho anh em ruột và tay chân thao túng chính trường một cách vô tội vạ thì cũng đủ cho lịch sử thấy phần trách nhiệm ở nơi ông. Thật ra thời tổng thống Ngô Ðình Diệm là thời yên ổn, sáng giá nhất của Việt Nam Cộng Hòa đã bị đánh mất. Ai chịu trách nhiệm? Không thể đổ lỗi cho một mình ai được. Chúng ta phải cùng chịu trách nhiệm. Hơn 30 năm rồi, chúng ta nên cùng nhau ý thức tinh thần trách nhiệm để đem lại tình đoàn kết. Nhờ đó mới mong chiến thắng một kẻ thù hung hản nhất của dân tộc: Chủ nghĩa Cộng Sản. Ngày nay chúng ta có thể đồng ý rằng một nhà chính trị tài ba phải là một người biết đặt uy quyền, uy tín quốc gia lên trên uy tín của cá nhân mình. Nhà chính trị thành công là biết xây dựng uy tín cá nhân mình để phục vụ cho uy tín quốc gia, chứ không bao giờ làm ngược lại. Nhà chính trị không thể thành công nhờ những đàn em thao túng chính trường một cách vô tội vạ, trong khi dân lành bị bỏ rơi cho quỷ đỏ khai thác, lợi dụng. Ấy thế mà miền Nam chưa có ai sáng chói hơn Ngô Ðình Diệm. Cộng Sản đã triệt để khai thác nhược điểm nầy để lọt vào dinh Ðộc Lập, vào hàng ngũ trí thức, tôn giáo, sinh viên, thợ thuyền, lao động và ngay trong hàng ngũ công chức, quân đội VNCH ! Từ cô gái bán bar, bán nước mía, bàn chè chuối, sinh viên học sinh, nhà sư, đến người đàn bà lấy Mỹ đều có sự hiện diện của điệp viên cộng sản; nhất là hai tôn giáo lớn, Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo đều có chốt cộng sản cài vào. Ngày nay chúng ta cần bình tĩnh mà học lại bài học của mình cũng chưa muộn. Bao lâu còn nóng giận, còn phân rẽ nhau, bấy lâu còn chứng tỏ mình chưa thuộc bài. Kẻ hung hăng bạ đâu là đánh lộn, bạ đâu chỉ trích nhau túi bụi vẫn chưa phải là kẻ mạnh. Nhiều khi vì mặc cảm thua kém nên phải tỏ ra hung hăng. Như thế đâu phải là anh hùng! Thùng rỗng vẫn kêu to.
Nhà chính trị là phải biết tự lượng giá đường lối, chính sách của mình để tiến bộ. Ngày nay, nếu mọi thành phần người Việt ở hải ngoại biết ôn cố tri tân, chắc chắn Cộng Sản phải sợ. Chúng ta nhắc lại để học một bài học đắt giá đáng tiếc ngàn đời, để còn cơ hội thương yêu đoàn kết lại với nhau, chứ không phải để phân rẽ nhau thêm nữa. Một số người Phật Tử còn căm thù những chính phủ Thiên Chúa Giáo cũng là cực đoan nốt. Tất cả các phe phái chống Cộng Sản đều đã vô tình làm lợi cho Cộng Sản. Âu đó cũng là vận nước.
Mỹ giúp miền Nam súng ống, tiền của thì ông Diệm xem như đó là sự viện trợ dành cho Công Giáo, chứ không phải cho toàn dân. Tài lực đã đổ vào các vùng dinh điền của Công Giáo. Cách ba ngàn thước đường là có một nhà thờ cao nghều nghệu khiến cho đa số những người không theo đạo Chúa nghĩ rằng các nhà thờ ấy được tiền viện trợ của Mỹ xây lên. Bột Bắp Do Dân Chúng Hoa Kỳ Tặng Nhân Dân Việt Nam là những chữ to tổ bố có hai bàn tay xiết chặt trên bao bì, thế nhưng đại đa số dân làng anh phải mua lại từ tay những người công giáo được cha cung cấp nhiều đến nỗi ăn không hết! Anh không bao giờ quên được chuyện nầy, vì hồi đó anh biết mẹ anh đã đem từng lá thuốc Phù Lai, Cẩm Lệ quý giá của bà để đổi bột bắp cho anh ăn. Anh còn nhớ tên những người công giáo nào đã trao bột bắp cho gia đình anh! Giai đoạn bột bắp do dân chúng Hoa Kỳ tặng nhân dân Việt Nam là lúc Thúc còn quá nhỏ nên không nhớ. Chính một số sai lầm của người lãnh đạo giáo hội đã làm cho dân chúng ghê sợ giáo hội của Chúa, chứ thật ra hầu hết tín đồ Thiên Chúa Giáo là bị động mà thôi.
Viết tới đây anh không làm sao không nhắc lại một kinh nghiệm đau thương đối với giới tu sỹ của các tôn giáo cũng như các lãnh tụ chính trị. Các linh mục, các đại đức thượng tọa, các mục sư... Khó nhìn nhận lỗi lầm của họ hơn người thường. Vì địa vị lãnh đạo tinh thần của họ quá thiêng liêng khiến họ không dám công khai nhận lỗi. Dĩ nhiên là có người nhận lỗi, nhưng khó lắm. Bao giờ chúng ta học được tinh thần dân chủ và quyền thông tin của dân chúng như Hoa Kỳ? Hãy xem hai vị thổng thống Nixon và Clinton đã phải trình bày những sai sót của mình trước pháp luật và công chúng là như thế nào? Khuyết điểm đạo đức cá nhân của một vị lãnh tụ tột đỉnh không thể ra ngoài con mắt luật pháp và dân chúng. Sau khi họ nhận lỗi, dân chúng Hoa Kỳ vẫn yêu quý họ chứ có nhạo báng mỉa mai ghim gút họ như thói quen văn hóa chúng ta đâu! Ngược lại Hồ Chí Minh có con rơi, Lê Duẩn có nhiều vợ bé, đi đâu cũng làm dê húc càn thì cấm nhắc đến. Càng bị cấm, người dân càng truyền miệng và nhớ lâu. Dù độc tài đến mấy, CSVN cũng chỉ kềm kẹp được cái miệng chứ làm sao cấm được ý nghĩ trong lòng người dân.
Bây giờ em hãy tìm xem lại cuốn phim tài liệu về phong cách ăn nói của bà Ngô Ðình Nhu trong khi bà đang đi vận động giải độc dư luận quốc tế về ''tự do tín ngưỡng'' tại miền Nam hồi đó, em sẽ thấy lối ăn nói và phong cách của bà đã làm hại cho uy tín miền Nam đến mức nào. Những con người như thế làm sao chinh phục được lòng dân và sự ủng hộ quốc tế? Làm sao kêu gọi được sự ủng hộ của thế giới? Thái độ ngang ngược của bà Ngô Ðình Nhu không can hại gì đến chính phủ Ngô Ðịnh Diệm cả hay sao? Không vô tình đẩy xa lòng dân vào phe cộng sản sao? Không bị CSVN khai thác sao? Tổng Thống Ngô Ðình Diệm liêm khiết, yêu dân, yêu nước; anh đồng ý. Nhưng một đứa em dâu của Tổng Thống đã thao túng cả quốc hội và chính phủ của ông, ăn nói vô lễ với đồng bào thì ai chịu trách nhiệm? Gia đình cụ Ngô Ðình Diệm chịu hậu quả đau đớn trong thoáng chốc. Bản thân những con người ấy trước đây đã không biết nhận lỗi để tỏ ra tôn trọng người dân, ngày nay những người đứng trong phe nhóm của họ cũng cứ bảo thủ che giấu cho gà nhà của mình. Kết quả là người dân không còn biết tin ai nữa. Nêu cao những điểm sáng chói của tổng thống Ngô Ðình Diệm là một điều đáng làm, nhưng không thể nêu cao những điểm sáng chói vì mục đích che đậy những sai sót quan trọng vì tính bảo thủ phe phái. Tổng thống Ngô Ðình Diệm là một nhân vật lịch sử chứ không phải chỉ là người thuộc ''phe giáo chống phe lương'' như thành kiến của một số thầy tu đã gieo vào lòng tín hữu. Nếu lấy tinh thần cục bộ để binh vực một nhân vật lịch sử là vô tình hạ thấp tầm vóc lịch sử của nhân vật ấy và làm cho lịch sử bị hiểu sai.
Các chính phủ miền Nam tiếp nhau đi vào thua trận. Ðể có sự công bằng, Phật Giáo ngày nay cũng nên xem lại bao nhiêu phần trăm mình đã tranh đấu cho tự do tín ngưỡng, bao nhiêu phần trăm mình trao tay cho Việt Cộng. Một số nhà nhà lãnh đạo phật giáo đã không làm tròn trách nhiệm thiêng liêng về đạo lý, vì đã dùng uy tín tôn giáo của mình để đưa người dân vào sự lệch lạc nhận thức chính trị; vô tình làm lợi cho chủ nghĩa cộng sản gian tà hại dân hại nước. Chưa nói đến những hình thức tôn giáo trá hình để che đậy bàn tay cộng sản mà các chính phủ Miền Nam không đủ khả năng, không đủ bản lĩnh để lật tẩy.
Sau khi lật đổ chính phủ Ngô Ðình Diệm, tình thế càng thêm thê thảm. Miền Nam thua là đúng. Ai là người yêu nước khi nghe, biết điều nầy cũng lấy làm tiếc và không muốn gây thêm phân rẽ vô ích nữa. Giả thử Mỹ cứ giúp miền Nam đánh thắng cộng sản bằng quân sự thì tình hình chính trị có tốt hơn không? Hay là sự chiến thắng quân sự (nếu có) của miền Nam chỉ làm cho dân tiếp tục hiểu lầm và luyến tiếc Cộng Sản? Mỹ không chỉ muốn thắng Cộng Sản bằng vũ khí như thắng một tên Chí Phèo chuyên thí mạng cùi. Mỹ muốn thắng cả chính trị, kinh tế, khoa học kỷ thuật và nhất là về mặt ý thức hệ phân minh. Mỹ đã vứt súng cho Cộng Sản thắng về mặt quân sự, vì thấy CSVN hiếu chiến hiếu sát. Mỹ đã hy sinh cho chiến trường Việt Nam quá nhiều tiền của, nhất là 58.000 sinh mạng con em của họ. Mục đích viện trợ của Mỹ và các nước thuộc thế giới tự do tại chiến trường Việt Nam lớn hơn tầm nhìn của các chính phủ miền Nam. Vì các chính phủ miền Nam không đủ con mắt trí tuệ để nhìn xa, Mỹ phải từ bỏ họ chứ không phải là phản bội. Các chính trị gia miền Nam đã không hiểu hết những mục đích và ý nghĩa mà Mỹ đã cam kết viện trợ. Ðồng ý là Mỹ cam kết giúp miền nam Việt Nam chống Cộng Sản, nhưng Mỹ không hề cam kết giúp các phe phái miền nam Việt Nam xâu xé nhau. Mỹ không thể tiếp tục viện trợ cho những chính phủ bất lực không hiểu thấu lòng dân. Mỹ không thể vừa chịu chết cho Miền Nam, lại vừa chịu mang tiếng xâm lăng đối với dân tộc Việt Nam trước dư luận quốc tế. Mỹ đã nhận thức được tính hiếu sát trong chiến lược thí mạng cùi của Bắc Việt (chiến thuật biển người). Chính vì vậy mà Mỹ rút lui để khỏi bị lún sâu vào một cuộc chiến mà kẻ thù là những con người sẵn sàng chịu chết.
Dân Việt ở miền bắc càng bị giết nhiều, đảng cộng sản Bắc Việt càng được tiếng là anh hùng can đảm, ngoan cường.v.v. Câu khẩu hiệu "sanh Bắc tử Nam" của Cộng Sản nghĩa là càng chịu chết càng làm cho kẻ thù phải nhờm tởm mà rút lui. Một mặt Hoa Kỳ muốn ngăn chận tai họa cộng sản quốc tế tại Ðông Dương, một mặt cộng sản quốc tế và cộng sản Việt Nam đã gài bẩy kéo Hoa Kỳ vào cuộc chiến Ðông Dương khiến cho họ bị sa lầy vào một cuộc chiến ý thức hệ, mà càng kéo dài càng có lợi cho phe cộng sản. Khi VC yếu, họ núp lén trong dân để thực hiện chiến thuật du kích; khi mạnh, họ đưa cuộc chiến ra trận địa. VNCH chỉ thụ động tự vệ cho đến lúc phải mỏi mòn. Miền Bắc tuyên truyền ''tất cả cho đồng bào miền Nam ruột thịt''. Miền Nam thủ thế, bắt bớ tra tấn làm mếch lòng dân chúng thêm lên. Cộng Sản nắm được tâm lý chủ hòa của những quốc gia giầu có, và tâm lý chủ chiến của những nước nghèo mạt để gây ra chém giết; được thì ăn cả, ngã thì về không. Cộng sản xúi người nghèo căm thù người giầu, nước nghèo căm thù nước giầu để gây chiến tranh. Chính nhờ Hoa Kỳ chấp nhận rút lui khỏi cuộc chiến rối mù và bị động ở Ðông Nam Á, họ mới đi đến những thắng lợi lớn hơn mà không tiêu hao xương máu.
Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã tạo cho mình một thần tượng nhất thời để làm công cụ chiến tranh cho cộng sản quốc tế. Họ đã thành công nhất thời và ngắn ngủi. Nhưng vết thương của dân tộc Việt Nam do cộng sản gây ra thì hậu quả sẽ còn dài. Nếu chúng ta ở hải ngoại mà không chịu học bài học lịch sử của mình thì hậu quả của vết thương dân tộc càng kéo dài hơn nữa. Ngày nay Cộng Sản đã tự lột mặt nạ để bêu cái bộ mặt quỷ đỏ Hồ Chí Minh. Trong thất bại, toàn dân, toàn quân đã thấy sự thật. Ðừng vội trách ai mà hãy biết tự trách mình trước đã. Sau khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đỗ, Mỹ vẫn tiếp nhận cả triệu người Việt Nam sống tự do trong đất nước của họ. Ấy thế mà số người Việt Nam nầy vẫn tiếp tục cấu xé nhau. Các nước Âu Mỹ đã dùng tàu để vớt biết bao nhiêu ngàn người Việt Nam đem về nuôi nấng. Phải chăng chúng ta đã chứng tỏ cho cả thế giới biết rằng hầu hết những thuyền nhân liều mạng ra đi chỉ vì miếng cơm manh áo hơn là vì lý tưởng tự do? Anh thử nghĩ nếu ba triệu người Việt Nam ở hải ngoại biết đoàn kết thì cái vốn trí tuệ, tài chánh và uy tín quốc tế của ba triệu người nầy sẽ là một tài nguyên quốc gia khổng lồ mà Cộng Sản phải run sợ. Khi ấy thế giới sẽ nghiêng tình cảm về phía những người chống độc tài cộng sản. Ngày nay, nếu chúng ta chưa hiểu được bài học thua trận, chưa biết đoàn kết; điều nầy là lỗi ở chúng ta chứ không do một bà cụ già nào ở Châu Phi, hay một cô bé nào ở sóc Bam-Bô hết cả! Nếu chúng ta không chịu học bài học thất bại thì hãy khoan nói tới thành công. Thất bại là mẹ của thành công. Con người có lý tưởng độc lập dân tộc, tự do dân chủ phải là con người vừa kiên trì vừa phóng khoáng, vừa cầu tiến vừa nhìn xa thấy rộng, chứ không thể chỉ vội vã hơn thua để lấy tiếng cá nhân nhất thời cho một vài cá nhân lẻ tẻ, một vài phe nhóm hẹp hòi, hay một vài niềm tin cục bộ.
Ngày nay, người Việt Nam ở nước ngoài phải hiểu rõ bản chất hai chữ nhân quyền và tự do hơn những người VN trong nước, vì ở bên ngoài chúng ta kinh nghiệm được thực tế của "nhân quyền". Ở nước ngoài, chúng ta có quá nhiều tự do đến nỗi xài không hết nên phải sử dụng vào các mục đích hạ bệ nhau, chưởi lộn nhau. Người Việt Nam trong nước chỉ biết nhân quyền bằng tưởng tượng, ''tự do'' với công an chìm nổi khắp mọi nơi, thật là đáng thương. Thậm chí người ta không dám nhắc đến hai chữ nhân quyền nữa. Một số người đã hiểu được và muốn giúp dân chúng hiểu ý nghĩa nhân quyền đã bị Cộng Sản bỏ tù mọt gông, hoặc bị kẹp sát bẹ sườn.
Mỹ có vật chất, có vũ khí, nhưng các chính phủ miền Nam chúng ta phải trang bị nhận thức chính trị trong toàn quân, toàn dân thì sự sử dụng viện trợ Mỹ mới có hiệu năng đúng nghĩa và đạt được mục đích. Vì thiếu chính trị, miền Nam đã vô tình để cho chữ ngụy quyền trở nên có tác dụng trong tâm lý quần chúng và nhất là tâm lý kẻ thù muốn tìm mọi cách để phỉ báng chúng ta. Mỹ đã không muốn trang bị cho miền Nam những vật chất như một nhà giầu cho con mình ăn chơi, mà không đi học hành một nghề nghiệp chuyên môn nào tới nơi tới chốn. Dù không phải một người làm chính trị, nhưng anh cho rằng làm chính trị là phải coi trọng chính trị. Giống như làm người thì phải biết coi trọng linh hồn vậy.