Thúc viết:
Ðọc thư anh, cả nhà ngồi ăn bình luận, Anh đúng là người ''Ðại Trí'' mà anh Ðại trí thật. Từ một chú bé sáng trường làng, chiều chăn trâu Ðã đến chùa húi đầu hôm sớm kinh kệ, học hành đạo pháp. qua hơn một thập niên lên đến chức Ðại Ðức, Thông thạo Phật Pháp. Biết rõ ngọn ngành Rồi ''xù'' Phật. Ðến cuối thập niên 70 bắt đầu biết đến Kinh thánh, Tin Chúa. Dù theo sau đến muộn nhưng hiểu rõ Kinh thánh hơn những người 18 đời theo chúa ở Jérusalem. Một ngày nào đó chắc anh lại xù Chúa của giáo phái Tin lành nhảy qua rao giảng đức tin với Mohamét?
Anh được sinh ra ở quê ngoại, làng Ðại Hòa. Khi mới bỏ bú đã phải về quê nội ở làng Cổ Lũy. Lớn lên 7 tuổi được gia đình cho vào Huế đi học, nhưng bị Việt Minh bắt buộc phải về quê, vì trong thời gian 1951-1953, lúc đó Huế thuộc vào vùng đất hội tề do quân Pháp bảo hộ. Về quê, anh mới biết chăn trâu. Ði học trường làng một buổi, chăn trâu một buổi. Bây giờ nhớ lại mà yêu kính cha mẹ mình hơn, vì họ đã chân lấm tay bùn bên cạnh con trâu để cho mình học xong tiểu học. Học xong tiểu học mới có khả năng học tiếp để vào đại học. Ðối với anh, như thế cũng đã quý lắm rồi. Ngày nay càng đi xa, càng hiểu biết thêm, anh càng quý cái thời thơ ấu vừa được chăn trâu, vừa được đi học. Bây giờ chỉ ôn lại những kỷ niệm về con trâu thôi, anh không thể nào quên được cái tình đằm thắm giữa con trâu với người nông dân Việt Nam.
Bên cạnh những công lao khó nhọc mà con trâu đóng góp vào miếng ăn, manh áo cho anh, nó còn để lại trong lòng anh những tình cảm trọn đời không bao giờ phai nhạt. Anh mơ ước có dịp viết về những con trâu của gia đình anh. Trong số đó có một con tên là trâu Xe. Vâng tên nó là con trâu Xe, nó hiểu anh, nó yêu anh, nó vâng lời anh và nó trung thành, chịu khó, ngoan ngoản vô cùng. Con trâu Xe làm việc quanh năm với gia đình anh. Hết cày bừa vụ chiêm là đến mùa đi kéo gỗ. Sau mùa kéo gỗ nó đạp lúa; hết đạp lúa nó bắt đầu cày vỡ đất, và cày cấy vụ hè thu. Có một bận cha mẹ anh gặp cảnh mất mùa mà phải bán con trâu Xe để lấy tiền trả nợ. Hồi đó anh buồn lắm, vì đã bán con trâu nên mình không được chăn trâu nữa. Hơn một năm sau, vào một đêm cả nhà thức giấc lo sợ vì nghe tiếng sột soạt ngoài vườn như ai đang đập phá cái gì đó. Cha anh nhìn thấy một bóng đen lù lù cứ cà cà, húc húc vào bụi tre. Khi đốt đèn lên thì đó là con trâu, và ngạc nhiên hơn nữa đây chính con trâu của mình đã bán đi hơn một năm trước, nay nó tìm về nhà. Con Xe đã nhận ra chủ cũ, nó ngoan ngoan đứng im cho cả nhà rờ rịt. Anh không bao giờ quên những giây phút đầy tình thương khi cả gia đình rơm rớm nước mắt với con vật trung thành như thế. Cả nhà yêu con Xe quá nên cha mẹ anh đã vay lúa để chuộc nó lại. Hồi đó anh còn bé quá, không thể nào leo lên lưng trâu một mình. Con Xe biết ý anh. Mỗi lần anh muốn leo lên lưng nó, hai chân trước nó quỳ xuống cho anh leo lên. Năm 1953, con trâu Xe theo anh Cảnh đi cày thuê tại làng Ðông Dương và đã bị trúng đạn chết. Anh Cảnh hớt hải chạy về nhà báo tin, mang theo cái niệt tròng cổ của con Xe. Nhìn anh Cảnh nước mắt đầm đìa, cả nhà khóc lóc thảm thiết. Cả nhà quên vui mừng vì anh Cảnh còn sống, nhưng đau buồn nhìn cái niệt cổ của con Xe khi nghe tin nó đã bị bắn chết rồi. Sau trận giặc, bố anh đã cùng anh Cảnh trở lại nơi con Xe bị bắn để chôn cất nó. Gia đình anh vẫn giữ lại cái niệt choàng cổ con trâu Xe cho đến khi Tây đốt nhà.
Những kỷ niệm về con trâu Xe, con trâu Sây, con trâu Chảng vẫn còn trong anh như những mảnh tình quý giá của quê hương xứ sở, nơi mà cha mẹ mình chôn nhau cắt rốn đưa cuộc đời mình lớn lên để có ngày hôm nay. Ôi nơi ấy ngày xưa chưa hề có chủ nghĩa Cộng Sản, đất nước ta tuy nằm dưới ách đô hộ của Pháp, nhưng đâu có bị khốn khổ, bị cơ hàn, bị kềm kẹp, bị lưu vong nhục nhã như ngày hôm nay! Khi Cộng Sản vào chiếm miền Nam, bao nhiêu con trâu của nhà nông phải vào hợp tác xã nông nghiệp. Những con trâu bị sung vào hợp tác xã là trở thành những con vật vô chủ, chúng không còn được chăm sóc bằng tình cảm của một người chủ nữa. chúng trở thành tài sản chung không ai chăm sóc, ốm o gầy còm và chết dần chết mòn; cuối cùng chỉ để làm thịt cho đảng viên cán bộ Việt Cộng ăn nhậu. Ðúng là ghe chung làm cầu, trâu chung làm thịt. Ôi Hồ Chí Minh, Ôi Cộng Sản làm sao giúp họ nhận ra những gian ác vô vàn của họ để họ thay lòng đổi dạ ăn năn? Sau nầy anh hay nằm mơ về con trâu trong giấc ngủ, nhớ nhiều nhất là những lúc mình đứng trên lưng trâu ca hát ê a trong thời thơ ấu. Con trâu cũng như con chó, đi xa đến mấy nó cũng nhớ đường về nhà. Bởi vậy mà quê anh có câu: Lạc đường theo đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu.
Ðừng nói gì đến triết lý cao siêu, giữa loài người chúng ta, nếu đi tìm cái đức tính trung thành như con trâu và con chó cũng đã là một việc không mấy dễ dàng rồi. Người ta có thể trung thành với phe phái, với quyền lợi, với danh vọng nhiều hơn là trung thành với bản tính chơn chất mà họ vốn có từ khi còn thơ ấu. Bản tính chơn chất của thời thơ ấu không do con người tự sáng tạo, nhưng khi lớn lên người ta đã vội xa lìa. Thúc ạ, có bao giờ em nhớ lại những ngày chiến đấu chống Cộng Sản trước đây không? Có bao giờ em nhớ về quê nhà đang quằn quại dưới gông cùm cộng sản không? Có bao giờ nước mắt em chảy ra vì cuộc ly hương đau xót của dân tộc Việt Nam sau 30.4.1975 không? Có bao giờ em nhớ tới người anh ruột mình bị Cộng Sản giết chỉ vì cái "tội" có hiếu với cha mình không? Nếu còn một chút niềm đau về cái chết của anh ruột mình trong bàn tay Cộng Sản, chắc em không thể nào nhạo báng Nguyễn Chí Thiện, một con người cam chịu đau khổ tận xương tủy suốt 27 năm trong lao tù cộng sản. Nếu có những tình cảm ruột thịt, chắc em không nỡ viết cho anh một lá thư bất nhẫn, thiếu ý thức như thế đâu. Con người ta thường có những hành động ngu si vì thiếu cái tình nhiều hơn là thiếu lý trí. Và con người ta cũng đã gian ác vì thừa lý trí chứ không phải vì thừa tình cảm đâu. Ðọc thư em, anh sợ rằng em đang thiếu cả hai thứ: tình cảm và lý trí.
Anh không bao giờ coi rẻ những ngày ấu thơ quý giá bên cạnh cha mẹ, anh chị em, họ hàng, làng xóm, kể cả con trâu, bờ ao và luống cày. Ðó là một phần của hồn quê, của tình dân tộc trong lòng anh muôn thuở.
Thuở ấy tôi ngồi trên lưng trâu
Hăm ba chữ cái học thuộc làu
Thức theo tiếng gáy gà canh sáng
Một buổi đến trường, buổi chăn trâu
(Trích trong Ngày Ðó, nxb Trẻ, Saigon 1996)
Và
Ba em đi cày ruộng
Em dắt trâu ra đồng
Chiếc cày đi thẳng luống
Trâu và người sống chung
Mẹ em làm cỏ lúa
Ruộng xanh thắm mầu quê
Cánh diều em bay tỏa
Chào hoàng hôn trên đê.
(Trích trong Quê Nhà, nxb Văn Nghệ Saigon 1997)
Anh không phải Ðại Trí, anh cảm thấy hỗ thẹn khi ai nói mình là đại trí dù họ thành thật hay mỉa mai. Anh trân quý sự chân tình, và anh tin rằng chân tình thông minh hơn lý trí. Nếu không có cái chân tình, thì lý trí chỉ là con ác quỷ vô liêm sỉ không khác chi người cộng sản. Anh cũng không thông thạo Phật Pháp như Thúc gán ghép. Ngay cả Thúc là người trong gia đình mà anh cũng không hiểu đủ, làm sao Thúc biết anh có thể tinh thông Phật Pháp? Em dùng đại ngôn để mỉa mai anh, hay để thành thật khen ngợi đều sai hết. Anh chỉ là một người đi tu. Học để mà hành. Học mà không hành được thì anh bước ra ngoài đời để sống thật với con người tầm thường bình dị của mình. Lắm khi anh cảm thấy thích thú với cuộc sống bụi đời chân thật của anh, dù bị hiểu lầm, bị coi khinh. Nhưng anh rất ngán ngẫm, cô đơn khi được người ta kính trọng từ đằng xa vì mình còn chiếc áo tu trên người. Anh đã được làm một đại đức trong giới tu hành Phật Giáo. Anh đã được yêu thương và được kính trọng, đồng thời cũng đã bị hiểu lầm một cách rất khôi hài. Nếu viết ra những chuyện mà anh bị hiểu lầm một cách oan nghiệt, hoặc được kính trọng một cách quá mấu, chắc chắn người đọc khó mà tin, còn ai đã biết rồi thì tức lộn gan, hoặc cười ra nước mắt. Chiếc áo ca sa chỉ bằng những tấm vải nhuộm mầu, nhưng vì ý ''nghĩa cao siêu'' của nó mà người mặc vào đã kinh nghiệm biết bao chuyện tréo cẳng ngỗng khó nói vô cùng ; muốn khen cũng ghê mà chê cũng gớm.
Những bài học thất bại trong thực tế đời sống tu hành ngày trước đã cho anh kinh nghiệm quý báu để sống với Ðức Tin vào Thiên Chúa trong hiện tại. Ðó là người ta chí thành đi tu, nhưng những việc lành ngay trong bản thân mình vẫn không dễ gì thực hiện được. Nhưng khi người ta có Ðức Tin trong Chúa, điều trước hết là tấm lòng của người tin được Chúa thay đổi; biết bao nhiêu sự gian ác, dối trá trong tấm lòng cũ đã chết đi để nhường chỗ cho điều lành của Chúa hiện ra. người tin Chúa thật cũng là người khám phá ra chân lý mà Kinh Thánh đã ghi lại từ ngàn xưa:''Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được? Ta, Thiên Chúa dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm''. (Giê-rê-my 17:9-10). Bởi thế người Việt Nam ta có câu ''Chỉ có ông Trời mới hiểu thấu lòng người'', trong khi con người với nhau thì họ bảo rằng: ''tri nhân, tri diện bất tri tâm''. Nếu anh đã không chí thành tu niệm trong Phật Giáo thì chắc chắn anh cũng không thể chí thành trong sự tìm kiếm Ân Hồng Cứu Chuộc của Chúa đâu. Không bao giờ có một linh hồn dối trá nào tìm thấy chân lý, dù chân lý luôn luôn lăn lóc theo họ. Theo anh hiểu, Ðạo Phật Việt Nam không phản ảnh tất cả những gì của Ðức Thích Ca dạy. Chưa hẳn tất cả những người mặc áo cà sa, những phật tử đi chùa đã làm theo đúng lời Phật dạy bằng kẻ theo Chúa như anh. Chưa chắc một vị pháp sư có Phật Tâm như một bà già trầu. Trong các tổ chức Phật Giáo ngày nay có rất nhiều điều chống lại giáo lý Ðức Phật mà ít ai quan tâm. Kể ra thì tốn giấy mà lại mếch lòng. Ðức Phật dạy điều lành. Những điều lành ấy luôn luôn nằm trong sách vở. Trong các lý thuyết ấy, Phật cũng nói thêm một điều rằng suốt 49 năm ta chưa nói gì cả. Ngày nay kinh điển được chép lại quá nhiều (thiên kinh vạn quyển), nhưng người thực hành ở đâu? Em chỉ cho anh vài người có xương có nạc để anh học hỏi, anh xin cám ơn. Anh chưa thấy ai thực hành đúng như kinh sách nói. Anh cũng vậy. Nói ra thì kẹt. Trung ngôn nghịch nhĩ mà! Một người phàm thật đáng quý trọng hơn một ông thánh dổm.
Người thật tâm tu hành mà nói thật là gì?
Nói thật là bị khinh,
Làm thinh là bị lạy
Còn người tu hành theo thói quen và biết thụ hưởng danh lợi thì không nói gì?
Không nói thật, khỏi bị khinh
Cứ làm thinh là được lạy.
Nếu chúng sanh tu hành diệt dục một cách thành công như kinh Phật dạy thì thế gian nầy hoàn toàn không có bất cứ một sinh vật nào tồn tại. Bởi vì lúc đó tất cả bốn loài (thai sanh, noãn sanh, hóa sanh, thấp sanh), nghĩa là từ con người cho đến con ốc, con vi trùng, con sán lãi, con bò cạp, con bò chét đều thành Phật hết nên không còn sinh vật nào bị luân hồi vào thế giới nầy nữa. Tại sao loài khủng long đã bị diệt chủng? Nếu lấy Phật Học ra mà giải thích thì chỉ có loài khủng long tu thoát kiếp khủng long nên bây giờ không còn con khủng long nào. Hiện nay nhiều loài động vật đang có nguy cơ bị diệt chủng, trong khi loài người sanh sản ngày càng đông dù đã có kế hoạch hóa gia đình. Vậy phải chăng các loài đang bị diệt chủng là nhờ chúng tu hành theo Phật Giáo có kết quả hơn loài người? Loài người sinh sản đông quá chứng tỏ số người thành Phật chứng quả Vô-Sanh-Vô-Tử là không có ai ngoài thái tử Tất Ðạt Ða? Nghiên cứu kỹ giáo lý Diệt Dục, chúng ta thấy rằng đạo Phật đưa ra một giải pháp tiêu diệt toàn bộ sự sống của thế giới sinh vật. Cho nên một trong những câu kinh mà các nhà sư đọc tụng lúc cúng vong là:
Hữu sanh hữu tử hữu luân hồi = Có sanh, có tử, có luân hồi
Vô sanh vô tử vô khứ vô lai = Không sanh, không tử, không đi, không về
Nếu tất cả sinh vật được thành Phật như giáo lý Phật Giáo thì chẳng những thế giới nầy hoàn toàn bị bỏ trống, không còn một con người, một con chuột xạ hay bất cứ một con vi trùng nào. Khi ấy mọi sinh vật đều thành Phật và về đến Niết Bàn cả thảy, mà Niết Bàn là nơi chân không diệu hữu, nghĩa là nơi không có nơi nào, hay là nơi không có gì gọi là một nơi được nữa. Còn bao lâu nữa thì đạo Phật đưa thế giới đến kết quả ấy? Nếu đúng như thế thì đâu có gì phải xây dựng, đâu còn gì để nói đạo và đức?
Ngay khi còn ở trong Chùa anh đã có những thắc mắc như trên. Khi người tu hành học giáo lý, đạo lý để tư duy và thực hành, người ấy có cái quyền suy nghĩ phải trái theo nhận thức của mình. Ví dụ như trường hợp người Phật tử đã qua đời, nhà chùa tổ chức lễ cầu siêu cho linh hồn người ấy. Trong các kinh cầu siêu có một bài thần chú đọc lên bảy lần thì tất cả các tội lỗi của người đã chết được tiêu tan. Anh đã nhiều lần đọc bài thần chú ngắn ấy. Thần chú thì hoàn toàn không có ý nghĩa, vì đó là ngôn ngữ bí mật. Nhưng giáo lý dạy rằng người sống mà đọc bài thần chú ấy cho người chết, thì người chết hoàn toàn hết tội. Có một lần anh suy nghĩ rằng chính bản thân mình là một người xuất gia tu hành mà không thắng được nhiều loại tội lỗi; thế nhưng mình đọc bài thần chú ''Thất Phật Diệt Tội Chơn Ngôn'' bảy lần thì tội lỗi người chết kia được tiêu tan sạch sẽ. Làm sao mình biết điều nầy đúng hay sai? Khi đã tự hỏi như thế, anh không giải đáp cho mình được gì cả, nhưng anh nghĩ rằng ít ra mình cũng đọc cho thân nhân họ yên tâm. Và cứ hàng năm đến ngày cúng giỗ người chết, bài thần chú kia được đọc lại bảy lần nữa. Nếu bài thần chú ấy có linh nghiệm thì sau khi đã đọc bảy lần đầu tiên cũng đủ làm sạch tội lỗi cho người chết rồi; tại sao mỗi năm phải đọc lại bảy lần nữa? Vậy sự hóa kiếp luân hồi của linh hồn ấy xẩy ra khi nào? Theo Phật Giáo thì người chết xuống âm phủ sau bảy tuần lễ là được đi đầu thai kiếp khác. Vì vậy, sau khi chôn người chết xuống mồ, người ta tụng kinh cho người chết sáu tuần liên tục cho đến tuần thứ bảy thì tổ chức lễ Thất Tuần (49 ngày) cho người chết rất trịnh trọng. Nhưng nếu sau tuần thứ bảy linh hồn người chết đã đi đầu thai thì tại sao năm nào cũng cúng và đọc tiếp bài thần chú ấy? Theo anh biết, nghi lễ cần phải được làm, còn chân lý đúng hay sai, chẳng quan trọng.
Thế nhưng người người ta hay chê sự xưng tội của con chiên theo Chúa. Họ bảo rằng cứ làm tội cho đầy mình rồi đi xưng tội và được Chúa tha, dễ quá! Sau nầy anh đã tin Chúa, đã từng xưng tội với Chúa, đã từng ăn năn tội, và đã từng cảm nhận ơn tha tội của Chúa; anh nhận biết rằng đây không phải là một nghi lễ mà là một lẽ đạo quan trọng phải thực hành theo lời dạy của Chúa trong Kinh Thánh. Chúa dạy người có tội phải ăn năn để được tha. Thái độ ăn năn thống hối về tội lỗi của con người được Chúa xem là một của lễ có giá trị cao hơn muôn vàn bảo vật. Một người thật lòng ăn năn, xưng tội với Chúa sẽ kinh nghiệm được sự tha tội do Chúa đem đến cho người ấy. Khi đã kinh nghiệm được sự tha tội từ nơi Thiên Chúa, người ấy khó tái phạm hơn những người chỉ đọc thần chú mà lòng không ăn năn gì cả. Suốt cả Kinh Thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước, lẽ đạo ăn năn xưng tội với Chúa được xem là rất quan trọng. Khi người tin Chúa thực hành đúng như Lời Người dạy trong Kinh Thánh thì mới thấy kết quả thực tế. Bởi vậy, anh sung sướng mà nói với em rằng Chân Lý Cứu Rỗi của Chúa là Chân Lý mà người tin rờ đụng được, kinh nghiệm được chứ không phải chỉ là lý thuyết suông như các tôn giáo khác. Vậy, Ðạo mà không có một giải pháp quyền năng dứt trừ tội lỗi cho con người thì những lý thuyết làm lành lánh dữ chỉ là mầu mè bên ngoài mà thôi. Lẽ thật là rõ ràng, khi con người còn chất chứa tội lỗi trong thân phận tội nhân thì họ không thể nào làm được điều lành đúng nghĩa đâu. Giống như một người có tội đang bị kết án, y không còn tự do để xây dựng quốc gia xã hội, y phải ngồi tù để trả xong nợ tội của y trước đã. Chúa Jesus đến để làm của lễ chuộc tội cho tội nhân, sau đó tội nhân được sạch tội bởi quyền năng thiêng liêng và sự tha thứ của Thượng Ðế. Khi con người đã được giải phóng ra khỏi tội lỗi thì mới được tự do để làm điều lành. Nhiều người tự cho mình không có tội, không cần ai tha tội; chính những người đó là những người kiêu ngạo, không thể làm việc lành thật đâu. Người kiêu ngạo là người hay khoe việc lành chứ không thể làm lành lánh dữ được, vì cái tội kiêu ngạo ở trong bản thân họ là đầu mối của vô số tội lỗi khác; họ không thể nào xa lánh được sự kiêu ngạo trừ phi chịu hạ mình, xé lòng ăn năn với Thượng Ðế. Ví dụ một đứa con bất hiếu không bao giờ tự nó biến thành người con có hiếu khi còn tiếp tục thái độ không xin lỗi cha mẹ nó.
Suốt dòng lịch sử, con dân Chúa đã trải qua biết bao nhiêu sai lầm cần phải được ăn năn thống hối. Lịch sử giáo hội Thiên Chúa Giáo cũng bị những sai lầm rất lớn nên Karl Marx có cơ sở bài bác, và nhóm Giao Ðiểm có lý do tìm tòi bắt bẻ. Anh viết ra điều nầy Thúc sẽ cảm thấy khó chịu, nhưng anh phải viết về những nhận xét thật lòng của mình. Ðó là nói về những con người tốt mà anh đã gặp. Những người tốt tu hành trong chùa, những người can đảm đấu tranh, biết hy sinh mình cho đại nghĩa là những người tốt, nhưng người tốt chưa hẳn là người chân tu! Nếu cởi chiếc áo ra, họ vẫn là những người tốt, nhưng khi mặc chiếc áo tu vào để đi giảng đạo, họ chưa hẳn là những người chân tu. Anh nói lại một lần nữa rằng người tốt chưa hẳn là người chân tu, có những người chân tu nhưng lại chưa tốt. Bởi vì nếu đã tốt thì chẳng cần phải đi tu, mà đã đi tu thật lòng thì mấy ai dám vỗ ngực tự cho mình là người tốt? Trong khi ngoài đời cũng có nhiều người tốt mà họ không tu. Chân tu nghĩa là tu thật lòng. Tu thật lòng chưa có nghĩa là tốt liền mà lại là rất quằn quại, dù người tu là người tốt hay người xấu (nhưng thật lòng muốn tu) đều trải qua những sự dằn vặt nội tâm. Tu thật lòng có nghĩa là tự mình tranh chiến với cái xấu trong bản thân mình một cách thật lòng. Ðó là một cuộc chiến nội tâm kinh khủng lắm em ạ.
Người không tranh chiến với nội tâm của mình, hay không chống cự lại với tư dục của mình vẫn có thể thản nhiên mặc chiếc áo tu hành một cách bình an tự tại giống như đã giải thoát rồi, giống như không còn bận bịu gì nữa cả. Nhiều người mặc áo tu, nhưng rất hiếm người tu. Có những con người thích hợp với đời sống thầy tu (dù tu được hay tu không được), họ vẫn mặc chiếc áo thầy tu thoải mái. Vì quen mặc chiếc áo thầy tu, lắm khi họ nghiểm nhiên tự xem như mình đã tu hành nhiều lắm rồi.
Sự theo Phật trong tâm hồn con người rất là rộng nghĩa, rộng đến nỗi có một vị tổ trong thiền tông Trung Hoa nói rằng ai gặp Phật phải giết Phật đi mới gọi là tu giải thoát. Dĩ nhiên chữ "giết Phật" phải hiểu theo nghĩa của ''thiền''. Có người vừa chợt hiểu ý nghĩa nầy đã vội vã tự cho rằng mình đã giác ngộ rồi. Hiểu biết và giác ngộ xa nhau biền biệt mà lại nhầm lẫn với nhau rối mù.
Nhưng sự theo Chúa trong đức tin thì cụ thể hơn nhiều. Vì Kinh Thánh dạy đâu ra đó, dù rằng sự hiểu biết và đức tin cũng rất khác nhau. Cái gì cao siêu khó hiểu thì vẫn là cao siêu khó hiểu. Cái gì dễ hiểu nhưng khó thực hành thì cứ là dễ hiểu nhưng vẫn khó thực hành. Cái dễ và cái khó đối với người nầy không giống với người kia. Nhưng khi con người được Chúa ban cho một sức sống để nhận biết những điều mà bình thường họ không biết nổi; từ đó, những con người khác nhau, xa lạ với nhau lại trở nên gần nhau, cảm thông nhau, khiêm tốn với nhau, yêu mến tin cậy nhau hơn cả tình ruột thịt. Ðó là điều quan trọng khiến người ta cùng có một kinh nghiệm về sức sống của Một Ðức Chúa Trời Ba Ngôi vô biên vô lượng. Sự sống đó vượt lên trên mọi hình thức tôn giáo. Hình thức tôn giáo lắm khi chỉ để che đậy những cái-thật-sự-vô-đạo bên trong con người. Thoát ra khỏi những lề mề tôn giáo, Bùi Giáng làm bạn với trẻ con một cách chân thành như những người bạn tri giao giữa cõi phù du bụi bặm. Cũng thế, Tế Ðiên Hòa Thượng không ngồi giảng đạo trên tòa sen đầy tràng phan bảo cái, không viết những quyển sách giáo lý cao siêu, nhưng người đã sống lưu linh lưu địa ở đầu đường xó chợ, chung đụng với phường vô lại, la lết nhậu nhẹt với kẻ vô gia cư đầu trộm đuôi cướp, kẻ cùng đường bạc vận. Những con người sống thật hết mình như thế nếu được đọc Lời Chúa họ tin Người dễ hơn những người ưa sống giả hình. Vì sao? Ðơn giản thôi: họ sống thật và khát khao tìm kiếm chân lý. Tế Ðiên Hoà Thượng hay Bùi Giáng không tự cho mình là những người siêu phàm, họ vẫn sống tự nhiên như mọi người; vui, buồn, giận, ghét, thương yêu với cuộc-sống-thật một cách hết lòng, đơn sơ trần trụi giữa cuộc sống đời thường. Ðối với họ, sự sống không cần phải hóa trang bề ngoài bằng những chức tước, phẩm trật, bằng nghi môn lộng lẫy và hình tượng mạ vàng... Họ bày tỏ tình cảm giận hờn, yêu mến tự nhiên của mình. Nhưng người ta cho rằng Bùi Giáng hay Tế Ðiên Hòa Thượng là những người lập dị. Khi họ còn sống thì bị coi thường, bị hất hhủi; đến khi họ chết đi, người ta bắt đầu moi ra những tưởng tượng về các nhân vật ấy để đưa họ lên tới các từng mây! Ðúng là thế gian. Tiếng Việt có chữ thế gian hiểu theo nghĩa nôm là gian thế đấy!