Câu nói của Thúc và của nhiều người mà anh quen biết lâu nay là "Huệ Nhật đã xù Phật". Phật mà còn xù được thì đâu phải là Phật. Phật là Phật chứ làm gì có Phật dổm và Phật chính cống. Nhưng Phật mà còn bị xù là Phật dổm rồi! Ðã là phật dổm thì sự chung thủy đặt vào đó sẽ đem lại kết quả gì? Bởi vậy nên người ta nói " há miệng mắc quai".
Quả thật :
Lưỡi không xương nhiều đường lắc léo
Thúng không vành nó méo tứ phương
Nếu mà cái lưỡi có xương
Thế gian mới hết lắm đường thị phi! (Ca dao VN)
Và anh nói tiếp:
Chúa Phật luôn có tình thương
Không như người khác đạo thường ghét nhau
Trang kinh miệng đọc thuộc làu
Trang lòng chênh lệch từ đầu tới đuôi
Hỡi ơi chân lý con người
Là chân với cẳng muôn đời chọi nhau
Xa chùa mới biết Chúa đau
Trở về chỉ thấy chiếc đầu tròn vo!
Ít ai khẩu Phật tâm xà?
Nhiều ai tâm Phật khẩu xa Bồ Ðề?
Cái cao siêu của đạo lý không bao giờ bàn cho hết được. Kinh Phật có câu: Ðạo cảm thông không thể nghĩ bàn. Tuy nhiên, khi mình còn mặc chiếc áo tu hành đi giảng đạo, mình phải thành thật với lòng tin của tín đồ mà mình đã làm cho họ kỳ vọng nơi mình, và mình phải chân thành với ý niệm đi tu từ ban đầu của mình. Người mới tầm sư học đạo ban đầu thường quyết chí tu hành hơn những người đã cầu đạo lâu năm. Sống càng lâu trong thế giới tu hành, thân thể con người bên trong chiếc áo tu sỹ dần dần cảm nghiệm một thói-quen-thất-bại nên phải tự lừa dối mình. Tự lừa dối mình là một căn bịnh rất phổ thông trong giới tu sỹ. Tuy nhiên mình có thể tự lừa dối mình, nhưng mình không thể lừa dối tín đồ. Vì tín đồ đặt cả lòng tin vào nơi mình. Mình phải chịu trách nhiệm khi chính mình đã xây dựng niềm tin nơi họ. Khổ nỗi khi con người đã đạt đến thói quen tự lừa dối mình, họ cũng không dễ gì mà chân thành với người khác được nữa. Khi con người đã tự lừa dối mình, họ có nhu cầu cần được người khác tin họ! Càng kéo dài cuộc sống thầy tu, họ thường xuyên không thấy sự chiến thắng tội lỗi trong bản thân mình; dù cố gắng đến mấy, nhưng thất bại nội tâm và thân xác vẫn là chuyện bình thường. Trên tiến trình tu niệm thường xẩy ra những phân vân trong người tu sỹ: Hoặc cứ thả liều chăng? Hoặc cứ tiếp tục con đường đi tu? Hoặc là quyết định cởi áo ra về? Kẻ rút lui chưa chắc là kẻ đã bỏ cuộc. Kẻ còn mặc chiếc áo tu hành chưa chắc là kẻ còn tu! Vì trên thực tế anh đã thấy những người cởi áo tu lại là người chân tu. Ngược lại trong số những người còn mặc áo tu, đang giảng đạo lại có những tay đang ấp trứng rắn. Nếu có ai tinh ý đi tìm kẻ không tu trong giới mặc áo tu và kẻ không tu trong giới thôi mặc áo tu, người ta sẽ thấy kẻ không tu vẫn là con số đông rất đáng ngạc nhiên. Nhưng làm sao để có một dữ liệu thống kê về điều đó? Không phải ai cũng muốn tự lừa dối mình, nhưng một người bình thường mà mặc vào một ''địa vị thánh'' rất dễ bị rơi vào thế kẹt của sự lừa dối kỳ cục nầy. Người tu hành chân chính phải xứng đáng về mặt tu hành hơn là xứng đáng về mặt học thức. Anh cho rằng sự thực hành về các giáo lý ấy mới là quan trọng. Anh xem con người và hành động của họ quan trọng hơn những quyển sách mà họ viết ra. Anh muốn tìm một sự thực chứng chứ không chỉ đeo đuổi lý thuyết. Một người đi tìm chân lý trong các lý thuyết cao siêu của tôn giáo là một người rất thường bị đi tàu bay giấy. Lý thuyết cao siêu nhưng con người không thực hành được thì có khác gì châu ngọc mà đeo trên cổ heo! Khi lớn lên anh mới hiểu được rằng chiếc áo tu hành cũng là một chiếc còng đạo lý khóa cổ tù nhân. Trong sự tu hành mệt mỏi, có người chỉ dám thành thật nói ra bằng những câu thơ vô danh viết lên vách tường của các lăng tẩm. Anh đọc được vài câu thơ khá hay trên mộ bia của cụ Tôn Nhơn tại chùa Báo Quốc Huế:
Xa xôi quá đường về nơi thiên quốc
Mỏi chân rồi người hỡi Thích Ca ơi!
Và hai câu sau đây bên chậu hoa của chùa Trà Am, Huế
Ði tu sao giống đi tù
Tù còng số tám, tu còng áo tu
Không phải người tu hành nào cũng cảm nhận như thế, cũng không phải người tù nào cũng thấy bị mất tự do. Nếu người tu sỹ có máu nghệ sỹ, thì từ đây xẩy ra một sự nhầm lẫn hoặc sự pha trộn trong bản thân con người ấy. Ðó là sự nhầm lẫn hoặc sự pha trộn giữa một con người tu sỹ và con người nghệ sỹ, hoặc là giữa một nhà triết học với một đạo sỹ. Nếu vai trò người tu sỹ trong họ đã phạm giới, họ gọi ông nghệ sỹ ra bào chữa; nếu vai trò đạo sỹ trong họ gặp một ngõ bí, họ mời ông triết gia ra biện bạch; nếu vai trò người nghệ sỹ lãng mạn quá, họ mời ông tu sỹ ra khuyên răn. Thật ra trong con người tu sỹ có cả con người nghệ sỹ, con người triết học và đôi chút mơ hồ về một đạo sỹ nữa. Cho đầy đủ hơn, chúng ta phải công nhận rằng trong mỗi con người (dù đi tu hay không đi tu) còn có thêm hình bóng của một con ác quỷ nữa. Chẳng có kinh nghiệm nào mà không phải trả một cái giá của sự sống thật. Trong con người thiên nhiên, anh quen biết nhiều người tu hành, cũng rất đạo đức. Họ có đời sống đạo đức vì con người bẩm sinh của họ tốt mà lại được sinh ra và lớn lên trong môi trường giáo dục tốt. Nếu cởi chiếc áo tu ra thì tánh tốt trong họ cũng không vì thế mà bị đổi thay. Trong khi một con người vốn có tính ba xạo thì mặc mấy lớp áo tu cũng vẫn còn ba xạo. Có khi vì chiếc áo tu mà anh ta được thêm điều kiện để sự ba xạo của anh ta dễ thành công hơn.
Tự do tư tưởng và tự do tín ngưỡng là những thứ tự do nội tại, không thể kềm chế bằng bạo lực bên ngoài được. Tuy nhiên bên trong mỗi con người vẫn có một loại trở lực làm cho sự tự do nội tại bị mất thong dong. Người ta không hề mất tự do tư tưởng dù đã bị Cộng Sản còng cả hai tay và hai chân bỏ vào xà lim. Ngược lại có những người tu sỹ được tự do làm lành nhưng không dễ gì làm được. Con người có thể nói rất lành nhưng thực hành rất ác. Ðứa con bất hiếu nhất vẫn muốn dạy cho con mình đức tính hiếu thảo, và còn biết dạy rất hay nữa kìa. Ðứa ăn trộm có thể viết một quyển sách rất hay về đức tánh thật thà, không tham lam. Người nói dối hay nhất là người nói dối một cách thật thà và hùng hồn.
Giống như Hồ Chí Minh giết hại, bỏ tù hàng chục triệu người, sau đó nói "không có gì quí hơn độc lập tự do". Ông ta chủ trương chiến tranh phá hoại, đặt mìn, phá hệ thống giao thông cầu cống, san bằng mọi phương tiện sinh hoạt của người dân, tản lạc dân vào chui rúc trong các tập thể nhỏ để dễ nắm đầu, để thực hiện chính sách phi nhân ấy, ông dùng một danh từ rất gọn: sơ tán. Khi gây hấn để tạo chiến tranh, gây cho đối phương của mình vào cái thế tham chiến, trong cảnh máu rơi thịt rớt, ruộng đồng làng mạc tan hoang, Hồ Chí Minh đọc diễn văn động viên tinh thần chiến tranh và nói rằng giải phóng dân tộc, đánh thắng giăc Mỹ, ta xây dựng gấp mười ngày nay.
Một phần tư thế kỷ sau khi CSVN "đánh thắng", toàn dân mới thấy những gì Mỹ và miền Nam đã xây dựng trong thời chiến tranh đều bị Cộng Sản phá hoại trong thời ''hòa bình''! Nhà lầu dùng để nuôi heo, phi trường thì đào lên để trồng khoai, người trí thức phải đạp xích lô hoặc bị đày đi kinh tế mới. Kẻ thất học chỉ cần phấn đấu lên đảng viên đảng CSVN, có khẩu súng trong tay là chễm chệ ngồi trên ngai lãnh đạo. Trong khi một đảng viên tầm thường như Phạm Huy Phước vẫn đốt hàng trăm ngàn đô la Mỹ trong một đêm cờ bạc ở Ma-Cao. Thế mà vẫn chưa nghèo, Phạm Huy Phước tặng cho 5 bà vợ bé mỗi bà một chiếc xe Mercedes mới toanh. Tiền đâu mà Phạm Huy Phước làm được điều đó? Dựa vào ai mà y tự tung tự tác dể dàng như thế? Trong hàng ngũ 2 triệu đảng viên đảng CSVN, có biết bao nhiêu con người như Phạm Huy Phước còn ăn trên ngồi tróc?
Khi người cộng sản càng tham lam vơ vét vật chất trong người dân, họ càng muốn phá hoại niềm tin tôn giáo của người dân nhiều hơn nữa. Tại sao? Tại vì người CS thấy rằng nếu người dân càng có niềm tin và đạo đức tôn giáo, họ càng dễ nhận diện ra sự tham lam bất chính của đảng Cộng Sản. Muốn phá hoại tôn giáo hay nhất là vu oan những âm mưu chính trị cho các nhà tu hành thật để bỏ tù họ, kế đó dựng lên những người tu sỹ bất chính để làm bù nhìn lãnh đạo tôn giáo. Vì Cộng Sản biết rằng chỉ có những người tu sỹ bất chính mới là những người tiêu diệt tôn giáo sâu sắc nhất. Chỉ có những người tu sỹ bất chính mới làm cho người tín hữu mất niềm tin vào tôn giáo. Anh có thể kể tên một vài người tu sỹ chính cống đã được Cộng Sản tái đào tạo thành những tu sỹ lệch lạc để sử dụng vào các mục đích cài hoa cho mặt trận phá hoại tín ngưỡng của chúng. Những tu sỹ nầy hiện nay vẫn là những người quen biết với anh. Khi người dân không thể tin vào tôn giáo nữa (vì thấy người tu sỹ còn sống bất chính), họ bắt đầu bớt oán trách sự tham lam gian ác của đảng viên đảng CSVN! Thế là xã hội càng thêm loạn lạc, sự gian ác càng được diễn ra một cách bình thường, và đảng CSVN càng có lý do để thực hiện độc tài cai trị đất nước. Anh có thể nói rằng đảng Cộng Sản không bao giờ dám đưa dân tộc tới chỗ văn minh thịnh vượng. Lý do thứ nhất, vì bản chất người cộng sản vô thần đều là những con người ác, thiếu văn minh. Lý do thứ hai, (người cộng sản cũng đã thấy) đó là một xã hội tự do, công bằng no ấm và văn minh là một xã hội hoàn toàn trái ngược với sự cai trị độc tài, phi nhân của Cộng Sản.
Trở lại những vấn đề em đặt ra cho anh về việc tu hay không tu. Anh tự thấy mình không thể nào tu được như thế, bèn cởi áo ra về để tìm ý nghĩa trong cuộc sống tự nhiên. Thế thôi. Nếu bị khinh rẽ, bị hiểu lầm, anh không ngại bằng sự lừa dối lòng tin của tín đồ, và sự lừa dối chính mình. Mặc dầu anh biết có những tín đồ sẵn sàng trao cho mình một niềm tin và chịu sự lừa dối, vì họ có nhu cầu tôn giáo, họ cần có người tu hành để nương tựa, để hiến dâng, để tin cậy và tôn kính... Ngay cả đối với những người nầy, anh không muốn lừa dối họ. Anh sợ mình trách mình hơn là sợ người khác trách mình. Anh sợ mình không thể tha thứ cho mình hơn là mình bị người khác xét đoán. Kẻ thành thật đi tu mà phải cởi chiếc áo tu còn khó hơn kẻ lợi dụng chiếc áo ấy. Nhưng người tu thành thật hay người tu không thành thật thì Tu lâu ắt phải lên sư cụ chớ sao!
Theo tinh thần Ðại Thừa Phật Giáo thì Phật tại tâm. Nếu y vào tất cả tổ chức, chùa chiền, hình tượng, sách vở, nghi thức mà tìm cầu Ðức Phật là hoàn toàn tà đạo (nói đúng theo kinh điển ).
Lời Phật dạy:
Nhược dĩ sắc kiến ngã = Nếu dựa vào hình thức để tìm ta
Dĩ âm thanh cầu ngã = Dựa vào âm thanh để tìm cầu ta
Thị nhơn hành tà đạo = Ðó là người thực hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai = Không thể gặp Phật được.
Thật ra cái nhìn của Phật Giáo rất rộng. Nhiều người theo đạo Phật muốn binh vực tôn giáo của mình, nhưng chưa hình dung nổi tầm vóc mênh mông của Phật Giáo. Trong nghĩa rộng của Phật học, người ta xem tất cả các pháp trên thế gian đều là Phật Pháp. Nhất thiết thế gian pháp giai vi Phật Pháp nghĩa là như thế. Anh đã từng nghe một vài vị cao tăng giảng rằng ''chủ nghĩa Cộng Sản cũng không ngoài Phật Giáo''. Vậy nói cho cùng, việc anh rời bỏ đời sống của một người phật tử để thờ Chúa cũng không sai với giáo lý đại thừa của Phật Giáo như Thúc và nhiều người nghĩ đâu. Trừ một số người nặng tình cảm tôn giáo, hoặc có tâm địa biên kiến cảm thấy khó chịu. Nhưng ngược lại nếu bây giờ anh bỏ Chúa để thờ bất cứ một Ông nào khác đều sai với Kinh Thánh cả.
Phật Giáo rất rộng, nên đúng và sai không có biên giới. Có khi bỏ Phật mà lại đúng hơn là cứ đường đường theo đạo Phật một cách hữu sắc vô hương. Phật Giáo là một tôn giáo có nhiều giáo lý mênh mông bát ngát đến nỗi người đi theo có khi đã đi lạc đường gần hết một đời mà vẫn không biết. Nhưng đức tin đi trong Chúa là đi trong Ðường Hẹp, bước ra khỏi Kinh Thánh là thấy lạc đường ngay. Ngày nay có một số giáo hội vẫn thờ Chúa, nhưng không làm theo Kinh Thánh. Nhiều tín đồ của họ không hiểu về Ðấng mà họ thờ là ai một cách rõ ràng. Sự thờ Chúa như thế đã từng bị Chúa quở trách từ trong thời Cựu Ước: ''Dân nầy lấy môi miếng mà thờ ta, chứ lòng dạ chúng nó xa ta lắm'''. Chúa Jesus phán rằng ''Hãy đi cửa hẹp vào Nước Trời, vì cửa rộng và đường thênh thang dẫn xuống địa ngục; quá nhiều người chọn lối đi dễ dãi đó! Còn cửa hẹp và đường chật dẫn vào Nguồn Sống, lại có ít người tìm thấy'' (Mathew 7:13-14).
Sau khi học được một phần Kinh Thánh, anh hiểu nôm na lời Chúa dạy mình cách thờ phượng Chân Lý như sau: Ðức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Người thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy (Giăng4:24). Mỗi một ngày anh nghe tiếng Chúa phán trong linh hồn anh như sau: "Ðã là dòng dõi của Thượng Ðế, chúng ta đừng lầm tưởng Thượng Ðế giống như vàng, bạc và đá được chạm trổ do nghệ thuật và sáng kiến của loài người. Trước kia loài người không biết Chúa, Người đã rộng lòng tha thứ, nhưng bây giờ Chúa truyền cho mọi người khắp thế giới phải ăn năn thờ lạy Người'', (Công Vụ 17:29-30 TKHD) trong khi kẻ nghèo khổ thiếu thốn thì con quên chăm sóc, không kính trọng. Chúa dạy: ''Ai thương người nghèo tức cho Thượng Ðế vay mượn''. (Châm Ngôn 19:17 TKHD). Ðiều răn thứ hai trong mười điều ghi rõ: ''Không được làm cho mình tượng của các thú vật bay trên trời, đi trên đất, hay lội dưới nước. Không được quỳ lạy hoặc thờ phượng các tượng ấy, vì Ta, Chúa Hằng Hữu, Thượng Ðế các ngươi rất kỵ tà''. (Xuất Êdíptô 20:4 TKHD)
Anh gặp nhiều bạn bè, dù thân đến mấy họ cũng cho rằng Huệ Nhật là kẻ xù Phật, hay phản đạo. Thế nhưng anh biết rất chắc chắn họ chưa hề thấy Phật là ai cả ngoài những trang kinh trên giấy và ảnh tượng trong chùa cộng với truyền thống tôn giáo lâu năm. Ðức Phật trong lòng những người ấy chẳng qua là một loại ''Ðức Phật'' tình cảm tôn giáo cố chấp mà thôi. Cũng có người đã cởi áo tu, ra đời sống sa đọa, thế nhưng vẫn không bị mang tiếng phản đạo. Và anh cũng biết có người còn mặc áo tu mà làm bậy bạ vẫn không bị ai nói người đó là phản đạo. Chỉ có người dám cả gan từ bỏ tổ chức tôn giáo, truyền thống giữa thế gian để thờ Trời như anh mới bị xem là kẻ ''phản đạo''. Chữ phản đạo nghe nặng nề đầy phẫn hận. Ai biết nghĩa của chữ Ðạo và chữ Phật , chắc họ không bao giờ nói anh xù Phật, hay phản đạo đâu. Nếu Phật mà xù được thì đâu phải là Phật nữa! Cũng như Ðạo mà xù được cũng chẳng phải là Ðạo. Có người nói có thực mới vực được Ðạo. Những người nói như thế chưa hiểu đúng nghĩa của chữ Ðạo. Ðạo vực con người, chứ con người làm sao mà vực được Ðạo? Người ta cứ tưởng Ðạo là những tổ chức tôn giáo, những chùa chiền và nhà thờ, những tràng phan bảo cái, những hình tượng bằng vàng, bạc, đồng, đất, xi măng; những đoàn người tu sỹ tán tụng những bài kinh ngày đêm, những triệu tín đồ đua nhau làm lễ hàng tuần...! Những Ðức Phật được định nghĩa trong kinh đều đã bị con người hiểu lầm do vô tình cũng như cố ý. Khổ một nỗi cho anh:
Lặng thinh đau đớn vô ngần,
Nói ra lộn ngược hồng trần làm sao?
Khi tự nhận biết mình không thích hợp với nếp sống thầy tu, anh can đảm cởi áo ra về. Ðiều ấy đúng với lương tâm và ý nguyện của mình từ khi còn nhỏ mới bước vô chùa, và đúng với giáo lý Ðức Phật mà anh hiểu. Thúc chưa hiểu gì về Phật, nên Thúc dám nói anh xù Phật, vả lại có lẽ Thúc ngầm ý không tôn trọng người nên mới bạo phổi lộng ngôn như thế. Ngày xưa khi Phật tại thế, trong lúc người đang giảng Kinh Pháp Hoa, đến Phẩm Phương Tiện; có hằng trăm tăng chúng đệ tử không hiểu thấu, họ không nghe tiếp bài giảng của Phật nữa và đứng dậy ra đi, nhưng người vẫn tôn trọng thái độ đứng dậy ra đi của họ những người ấy.
Thúc ạ, có nhiều người nhờ nhà chùa mà được ăn học để đạt đến địa vị trong tôn giáo và xã hội, cho nên họ đưa cả bà con họ hàng vào chùa tu học. Kế làng anh có một làng mà hầu hết gia đình nào cũng đưa một vài đứa con vào chùa. Có những gia đình anh biết rõ; trong đó người cha là một cựu đại đức, các con, cháu nội ngoại của ông đều có người làm đại đức và thượng tọa; còn chắt chiu thì hiện đang làm chú tiểu. Dĩ nhiên những gia đình ấy không thể bị ai nói là ''xù Phật''. Họ còn được khen là gieo giống bồ đề sai trái. Câu ca dao ''Con vua thì được làm vua, con sãi nhà chùa được quét lá đa'' là thế đó. Nhưng trong thời đại sắp tận thế, con sãi nhà chùa có thể vừa hốt những lá đa, vừa cổ xúy tín đồ nổi loạn để ủng hộ chủ nghĩa chính trị gian ác, vừa lật đổ những chính phủ khác tôn giáo của mình để góp phần ảnh hưởng sâu sắc vào cục diện thế giới, để đưa dân tộc đến tình trạng cùng khốn, phân rẽ, hiểu lầm nhau như chúng ta ngày nay.
Anh đọc lịch sử Ðức Phật Thích ca nên ao ước đi tìm chân lý chứ không phải vì nhà nghèo mà nương thân cửa từ bi để kiếm sống như nhiều người khác. Khi vào chùa tu học, anh lao động cật lực mới có miếng cơm ăn học; chùa không phải nuôi mình tất tần tật. Khi ở chùa, anh làm việc và học tập tận tuỵ. Nhà chùa cũng cần những con người sản xuất, chứ không chỉ nuôi họ ăn không. Khi còn ở tuổi thiếu niên, anh đã siêng năng làm việc, làm ra nhiều lợi lộc hơn cả số lượng vật chất mà anh cần. Trồng trọt, làm ruộng, tụng kinh bộ, đi cúng để có tiền công đức mua sắm áo quần sách vở. Một chú tiểu phải thức dậy lúc 04 giờ sáng, và được đi ngủ sau 22 giờ đêm. Anh không hỗ thẹn với bất cứ một ngày nào mà anh đã học đạo trong chốn thiền môn. Anh cũng không bao giờ quên những ngày tháng quý giá của tuổi thơ khi mình được học những điều hay, điều quý trong đời sống nhà tu. Khi lớn lên, anh mới khám phá ra rằng tội lỗi sinh sôi nẩy nở trong con người trưởng thành nhiều hơn trong con người trẻ thơ. Mặc dầu anh đã muốn hiến dâng mạng sống mình cho Ðạo Pháp, nhưng sau những lần đáng ra là đã chết, anh vẫn còn được sống. Anh được sống mới khám phá ra rằng lòng hy sinh tận tụy của mình chỉ bị lạm dụng quá sức tưởng tượng. Không phải tất cả những người đã tự thiêu đều xả thân vì đại nguyện cả đâu, cũng không phải tất cả những người đã xả thân vì đại nguyện đều tránh khỏi bàn tay lèo lái, lạm dụng của chủ nghĩa cuồng mê chính trị cả đâu.
Anh còn sống sót như hôm nay để được gặp Chúa và được nói lên một phần sự thật của mình là một phước lành vô lượng, cho anh trước hết, và cho bất cứ ai muốn tìm kiếm chân lý. Khi còn sống ở trong chùa, dù được giáo hội thương mến, nhưng tự bản thân anh thấy mình không tu được trong chùa nữa, anh rút lui. Tự thấy mình không xứng đáng làm bậc thế gian sư và quyết định trả lại chiếc áo thế gian sư ấy cũng là một thái độ hành đạo tích cực với bản thân mình rồi. Ðối với ý nghĩ con người, việc anh từ bỏ đạo Phật để thờ Chúa là một sự phản bội, nhưng theo anh hiểu và anh tin rằng Phật không nhìn anh như thế. Nếu Ðức Phật đã là một Ðấng Giác Ngộ như trong kinh dạy, thì chắc chắn người lấy làm vui mừng khi nhìn thấy anh tìm gặp Ðấng Tạo Hóa để thờ phượng. Ðức Phật nào mà không vui khi thấy lòng anh thanh thản giải thoát khỏi những tội lỗi trần thế hơn khi chưa biết Chúa? Trong chùa có nhiều người tốt, cũng có người xấu, nhưng người tốt và người xấu khác với người tu thành thật. Anh thấy rằng con người càng trưởng thành thì trí tuệ càng phát triển, nhưng lại càng vấp thêm lỗi lầm. Hoàn cảnh bên ngoài không thể thay đổi bản chất lỗi lầm của con người một cách cụ thể như chúng ta tưởng. Hành vi con người có khi được thay đổi do điều kiện sống, do trình độ nhận thức và thói quen được rèn luyện, nhưng bản chất tội lỗi trong mỗi con người vẫn còn đó vừa tiềm ẩn vừa bộc lộ. Người thành thật đi tu phải là một người nhận biết tội lỗi của chính mình trước tiên. Người biết nhận ra tội lỗi của mình thì dễ tìm đến với Chúa hơn. Kinh Thánh dạy ''Mọi người đều đã phạm tội. Tiền công của tôi lỗi là sự chết. (Roma 6:23). ''Ai cho rằng mình không có tội là tự dối với lòng mình. Nhưng ai xưng tội mình ra thì Người là thành tín và công bình tha tội lỗi của chúng ta và làm cho chúng ta sạch mội điều gian ác''.(1Giăng 1:8-9)
Lúc còn bé, anh tha thiết đi tu sau khi đọc lịch sử Ðức Phật Thích Ca. Anh mơ ước một cái gì thiêng liêng đằm thắm, một cái gì chân thành giản dị trong chốn tu hành. Tuổi thơ của anh đã học thuộc nhiều bài kinh, kể cả những bài thần chú. Ðến bây giờ, các bài thần chú nầy vẫn còn thuộc làu, dù đã trên 30 năm anh không đọc lại. Khi còn bé anh không thể nào hình dung nổi những phẩm trật, những giới luật đã chia con người thành giai cấp phức tạp phía sau chiếc áo tu hành. Trong khi tất cả các giai cấp và giới luật ấy chỉ có thể kềm giữ phần nào hành vi tiêu cực của nhà tu chứ không thể thay đổi bản chất con người họ được. Kềm giữ được một ít hành vi tiêu cực nầy để nẩy sinh ra những hành vi tiêu cực khác tệ hại hơn, nhưng người ngoài làm sao thấy? Khi ra đời và tiếp xúc với nhiều người, anh mới hiểu rằng ở ngoài đời có nhiều người mang sẵn tư chất thật thà và đạo đức một cách tự nhiên; lòng họ tin tưởng các vị tu hành như những bậc thánh nên họ càng dễ sống đạo đức một cách chân thật đơn sơ hơn cả người tu hành. Khi những con người đơn sơ chân thật ấy dấn thân vào đời sống tu hành, từng trải những học thức, nghi lễ, giới phẩm tôn giáo; sau đó họ được kính trọng, được hầu hạ... Từ cái địa vị tu hành đó mà phẩm chất tín thành quý báu thời ban sơ học đạo của họ bị mất dần chứ không thể thêm lên được. Sự khôn ngoan và thói quen đạo đức được bồi đắp do học thức và sự luyện tập, nhưng đạo đức bị mất dần do đạt được địa vị và quyền lợi bởi những khôn ngoan ấy!
Khi vào chùa, tâm nguyện của anh là đi tìm một ý nghĩa của đời sống thiêng liêng. Khi lớn lên trong đời sống thiêng liêng ấy anh trực nhận ra rằng con người vẫn là người, dù mặc chiếc áo nào cũng là người cả. Người tín đồ đến chùa với lòng thành kính, dễ tin. Người tín đồ sống va chạm với cuộc đời trần tục nên khi bước chân vào chùa với cảnh thanh tịnh tôn nghiêm, lòng họ trở nên thanh thản trong chốc lát; từ đó họ nghĩ rằng người tu hành sống thường xuyên trong cảnh thanh tịnh ấy và ngày đêm tụng kinh trì giới, chắc chắn quý ngài phải là thánh thiện lắm. Ðó cũng là một lý do quan trọng mà tôn giáo tồn tại. Nào ai hiểu được rằng trong cảnh thanh tịnh quen thuộc ấy, tâm hồn những người tu hành có khi âm thầm nuôi nhiều tham vọng hơn người ngoài đời nữa, nhưng do hiểu biết sâu rộng mà người ta có thể điều chỉnh phong cách cho có vẻ thanh cao đạo vị. Tuy nhiên, cái phong cách thanh cao đạo vị chỉ mới bày tỏ hành vi bề ngoài. Còn những mâu thuẩn rất lớn bên trong bản thân người tu hành mỗi giờ mỗi phút đẩy người tu hành vào ngõ bí của sự thiếu thành thật với chính mình. Dần dần sự thiếu thành thật sẽ quen thuộc đến nỗi nó không còn được nhận ra nữa, vì cái phong cách đạo đức bên ngoài vẫn có khả năng che đậy những rối rắm nội tâm rất tinh vi. Khi con người không thành thật với bản thân mình, làm sao họ thành thật với tha nhân?
Người đời mà thiếu thành thật còn dễ biết, người tu hành mà thiếu thành thật thì rất khó biết. Anh đã gặp một vài tên giết người cướp của bị giam chung trong tù, anh đã tìm thấy trong họ có những đức tính thành thật hơn một số thầy tu có tiếng tăm mà anh từng quý trọng. Vì vậy anh nghĩ rằng đánh giá đạo đức con người mà chỉ dựa vào chiếc áo, địa vị và hoàn cảnh họ sống bên ngoài thì rất dễ sai lầm. Anh đi tu khi còn là một đứa trẻ. Anh tìm thầy học đạo, thức khuya dậy sớm chuông mõ, lau bàn quét bụi, hầu hạ thầy như hầu vị Phật sống. Thậm chí cái tăm xỉa răng của thầy, những vật dụng cá nhân lẻ tẻ của thầy, anh cũng cảm thấy thiêng liêng. Kính Phật thì phải trọng tăng. Nhưng khi lớn lên, mình khám phá ra một đều đơn giản, đó là con người vẫn là con người có đủ tánh tốt, tánh xấu bẩm sinh. Qua quá trình xã hội hóa, phong cách hành vi con người có thay đổi tùy theo trình độ nhận thức, và thói quen, nhưng về bản chất thì không thay đổi cụ thể được. Những giới luật được trang bị bên ngoài càng tố giác con người bất lực với tội lỗi bên trong. Người giữ nhiều giới nhất là người đang phạm nhiều giới nhất. Hoặc nói khéo léo một chút, người mang trên mình nhiều giới luật càng có nhiều nguy cơ phạm giới hơn.
Khi anh đến với Chúa, hay nói đúng hơn là Chúa đã đến với lòng anh; một việc quan trọng đầu tiên mà Người làm cho anh, đó là Người tiếp nhận cả con người anh vào trong sự chết của Chúa Jesus Christ trên thập giá. Nếu anh bằng lòng buông bỏ cả bản thân mình vào trong sự chết của Người, thì bản chất tội lỗi (tính ác) của anh phải chết trong sự chết ấy, Từ đó Người đổi lại cho anh một đức tính mới mà có thể nói rằng đó là Tính Thiện. Trải qua một thời gian học Lời Chúa, tiếp xúc với Chúa bàng đức tin, cầu nguyện, tâm niệm về tình yêu thiêng liêng của Người, anh khám phá ra trong đời sống nội tại của mình có một Con Người Mới thật thà, nhân hậu, can đảm, nhu mì... Ðúng như Kinh Thánh đã diễn tả. Con người mới nầy mới đúng là con người mới thiêng liêng do Chúa tái sinh và biến hóa. Anh cam đoan rằng trên thế gian nầy không một bảo vật nào có giá trị như Con Người Mới mà Chúa đã tái sinh cho anh. Vì Con người Mới nầy là cội rễ của hạnh phúc thật, là bằng chứng về sự vĩnh cửu của linh hồn sau khi thân xác trở về với cát bụi. Không phải anh tự ép xác tu trì khổ hạnh để có được Con Người Mới nầy đâu. Anh chỉ bằng lòng lắng nghe tiếng gọi thiêng liêng của Chúa: ''Hãy đến với ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ''. Bằng lòng lắng nghe tiếng gọi đơn giản nầy, rồi thèm thuồng một sự yên nghỉ, nói cho Người nghe những gì sâu thẳm trong linh hồn mình, và từ đó mình nghe thêm Lời Phán của Người và sự biến hóa nhiệm mầu xẩy ra cho bản thân mình: một Con Người Mới như đứa con ra khỏi lòng mẹ. Ðứa con ấy hoàn toàn không toan tính gì trong bụng mẹ cả, nhưng nó đã lọt lòng để biết khóc, biết ăn, biết nhận tình yêu và biết hưởng thụ tình yêu và lớn lên từng giờ.
Việc tu hành thất bại trong anh khi anh ở trong Chùa là một điều anh cũng không ngờ. Càng lớn lên thêm, mình càng tìm thấy điều đó trong bản thân mình và cả những người xung quanh, do đó anh dạn dĩ bước ra dù có bị chê bai nhạo báng, bị thiệt thòi nhiều mặt. Lý thuyết của đạo bao giờ cũng cao siêu. Những giáo lý cao siêu làm cho con người thêm khôn ngoan, thông thái, nhưng bản chất tội lỗi trong con người không nhờ đó mà được thay đổi. Nhờ đọc Kinh Thánh mà anh có đức tin. Khi học Kinh Thánh với đức tin, anh nghiệm thấy rằng sự khôn ngoan thông thái tỷ lệ nghịch với bản tính đạo đức trong con người. Nhưng ngược lại lòng Tin Kính lại tỷ lệ thuận với bản tính đạo đức trong con người. Chỉ có loài người mới biết Tin Kính vào Ðấng Thiêng Liêng. Một con người dạn dĩ, tỏ ra tự chủ đến nổi tự coi mình là thượng đế của mình, thì khó mà có lòng tin kính như khi mới vào học đạo. Người đó phải là một người siêu kiêu ngạo. Lời của sự sống chỉ cần ghi một câu rất ngắn mà ngàn đời không thay đổi: Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau (Châm ngôn 16:18) Nếu em hỏi anh rằng ở trong chùa không có sự tin kính thì tại sao có chữ Kỉnh Phật phải trọng tăng ? Anh sẽ hỏi lại rằng kính tăng là kính con người thầy tu hay kính chiếc áo thầy tu? Theo anh, trọng Phật là phải kính con người, chứ không phải kính chiếc áo trên con người. Vì đã là con người, luôn luôn có cái đáng kính, nếu mình chịu khó hiểu sâu xa về con người. Nên nhớ rằng chiếc áo không thay đổi được bản chất con người, cho nên kính trọng con người qua chiếc áo là dễ đi lạc đường lắm. Người đời còn biết nói câu gần chùa kêu Phật bằng anh. Nhưng kính con người cũng chưa thấy được Ðạo đâu, vì trong con người tuy có những cái đáng kính nhưng cũng luôn có những cái đáng kinh phải nhờ quyền năng thiên thượng làm cho nó chết đi thì mới giải thoát được.
Sau khi ra khỏi chùa gần tám năm anh mới nghe Bùi Giáng khuyên đọc Kinh Thánh. Nếu không phải Bùi Giáng khuyên, anh không đọc đâu. Khi có dịp đọc Kinh Thánh, anh giật mình nghe Chúa Jesus nói Hỡi Cha là Chúa của trời đất, tôi khen ngợi Cha, vì Cha đã che giấu những điều nầy đối với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ; mà tỏ ra cho những con trẻ hay. (Mathêu 11:25). Người khôn ngoan thông thái rất khó mà có được tấm lòng tin kính như con trẻ. Ở trong sách Côlôse 2:23, anh cũng giật mình khi đọc những câu của thánh Phao Lô đã được ghi lại suốt gần 2000 năm qua: Dầu bề ngoài có vẻ khôn ngoan là bởi thờ lạy theo ý riêng, cách khiêm nhượng và khắc khổ thân thể mình; nhưng các thứ ấy không ích chi để chống cự lòng dục của xác thịt.
Kinh Thánh không nói những điều cao siêu quá sức hiểu biết của chúng ta, nhưng nói những sự thật nhằm giúp con người tìm kiếm Ðấng Tạo Hóa Duy Nhất để mà tôn thờ. Vì sự tôn thờ Ðấng Chân Thiện có năng lực đưa con người thoát ra khỏi tội lỗi. Những tội lỗi xấu xa nhất và những phước lành quý báu nhất trong con người đều được Kinh Thánh đề cập đến. Khi con người tôn thờ Ðấng Tạo Hóa Duy Nhất (Chân Thiện) trong Kinh Thánh, linh hồn họ được quay về đúng nguồn cội mà từ đó họ đã lạc mất; họ được Người giải phóng ra khỏi tội tánh của mình. Kinh Thánh dạy rằng "mọi người đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Thượng Ðế" (Roma 3:23a). Theo kinh thánh, tội lỗi có từ trong tội tánh (sự nhiễm nguyên tội) rồi mới xuất hiện trên hành vi. Hành vi tội lỗi, hay hành vi thánh thiện mới chỉ là sự biểu hiện bên ngoài mà thôi. Hành vi có thể thay đổi tùy theo điều kiện ngoại cảnh tương hợp với ý chí và sự nhận thức bên trong con người, nhưng tội tánh rất khó thay đổi.
Khi nói tới điểm nầy, anh không đồng ý với giáo lý đạo Phật cho rằng tội tánh bổn không. Thật ra, hành vi của tội lỗi chỉ mới là bông trái của tội lỗi. Giải quyết vấn đề tội lỗi là giải quyết với bản chất của tội lỗi. Bản chất của tội lỗi có tính ''thần linh'' trong đó, chứ không chỉ là hành động đơn thuần của con người vật lý. Bởi vậy các tôn giáo mới nói tới hình ảnh của ma quỷ trong tội lỗi. Tại sao Phật Giáo là một tôn giáo đề cao lý trí, đề cao khoa học mà lại có thần chú trừ tà? Nếu thần chú trừ tà có quyền lực mầu nhiệm, thì có nghĩa là tội lỗi cũng có quyền lực mầu nhiệm. Nếu thần chú trừ tà chỉ là một phương tiện dạy đạo thôi, thì giáo lý ấy là một phương tiện vô tri được dùng để lừa phỉnh niềm tin hay sao? Và như thế thì niềm tin chân chính cũng bị lừa phỉnh bởi giáo lý chân chính sao?
Trong đạo Chúa, điểm nầy khác hẳn với đạo Phật. Sự chết cứu chuộc của Chúa Jesus đối với người tin kính Người sẽ trở thành sự chết của tội tánh trong người ấy đang khi còn sống giữa thế gian. Nếu chân lý nầy không xẩy ra trong một người thì người ấy không bao giờ hiểu được sự tái sanh mà Chúa Giê-Xu đã dạy. Nói cách khác, nếu một người không tin vào sự chết cứu chuộc của chúa Giê-Xu là sự chết cho chính mình, người ấy không bao giờ có được kinh nghiệm về sự chết của tội tánh trong bản thân mình cũng như sự sống phục sinh của Chúa trong bản thân người ấy.
Anh xin mở một dấu ngoặc : (Thành Phật là một kết quả do con người hành động, nhưng đức tin không hoàn toàn chỉ do con người hành động). Ðức tin đến từ 2 chiều. Một là do con người cần có niềm tin, hai là do Thượng Ðế ban Ơn Người để con người nhận được đức tin. Do đó, đức tin là cái chìa khóa cho con người được vào nơi giao thông với Thượng Ðế. Khi con người không có đức tin, hoặc từ chối đức tin, họ vẫn cố gắng tìm cho ra điều tốt, nhưng càng tìm càng thấy khó, do đó họ nghĩ ra nghi lễ, giới luật tôn giáo để nhờ đó mà làm điều tốt. Dù cố gắng đến mấy đi nữa, những điều tốt của con người vẫn bị giới hạn. Vậy trong đức tin của Thượng Ðế, con người được sự thể nhập điều tốt-bị-giới-hạn vào trong Ðấng Vô Hạn. Từ đây điều tốt tương đối của con người được thánh hóa thành điều tốt vô ngã. Giải pháp để giúp con người thể nhập hai nửa đức tin bản ngã và vô ngã (bản ngã là thuộc về con người, vô ngã là thuộc về Thượng Ðế) là sự chết cứu chuộc và sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Jesus. Ðó là sự chết của tội tánh, và sự phục sinh của từ tâm. Từ tâm mà anh đề cập ở đây là cái thiện vô ngã và thiêng liêng có thật trong tâm linh con người sau khi người ấy từng bước kinh nghiệm về cái chết của tội tánh để được biến đổi từng phần trong sâu thẳm tâm hồn.
Ðây là một tiến trình đổi mới mà Kinh Thánh gọi là tiến trình nên thánh, hay là sự thánh hóa. Tiến trình nầy là sự sống thật xẩy ra trong đời sống của người tin Chúa, chứ không phải chỉ lý thuyết mơ hồ như các giáo lý tôn giáo. Nếu ai thật tâm đi tìm điều tốt đẹp trọn vẹn thì cứ đến nơi Chúa Cứu Thế Jesus mà nhận chứ không cần càu nhàu phê phán những người đã nhận được. Với kinh nghệm đức tin trong bản thân anh, anh tin quyết rằng một con người thật sự được tái sinh bởi Ðức Thánh Linh là một con người rất khó phạm tội. Ðây là bằng chứng lớn nhất về nước thiên đường đời sau mà Chúa cho họ nhìn thấy ngay khi còn sống trong đời nầy. Giải quyết được tội lỗi mới là giải thoát. Chưa giải quyết được vấn đề tội lỗi thì mặc bao nhiêu chiếc áo thầy tu, dù học bao nhiêu giáo lý cao siêu củng chỉ là những lá bùa giả dối giống vải thưa che mắt thánh mà thôi. Muốn giải quyết tận gốc rễ tội lỗi phải đến với Thiên Chúa. Muốn đến với Thiên Chúa là phải vào cánh cửa Giê-Xu. Người là con đường, là chân lý, là sự sống. Người là Ngôi Lời của Thiên Chúa ban đến cho nhân loại.
Từ khi có đức tin, anh thờ Chúa một cách giản dị chân thành, sung sướng vô cùng. Vua Salomon cầu khẩn Chúa để xin Người ban cho sự khôn ngoan. Nhờ sự khôn ngoan của Chúa mà nhà vua hiểu rằng " Sự kính sợ Ðức Chúa Trời là khởi đầu sự tri thức; còn kẻ ngu muội khinh bỉ sự khôn ngoan và lời khuyên dạy". (Châm Ngôn 1:7). Trở lại với câu nói của Chúa Jesus "Hỡi Cha là Chúa của trời đất, tôi khen ngợi Cha, vì Cha đã che giấu những điều nầy đối với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ mà tỏ ra cho những con trẻ hay." (Mathêu 11:25). Thiệt tình mà nói, khi anh chưa tin Chúa, nhưng đọc tới đây, anh cảm thấy Lời Chúa Jesus bao trùm những gì cao siêu mà anh được hiểu trong Phật Giáo. Chúa Jesus đã tóm tắt giáo lý thiền học cao siêu vào trong một câu nói thật đơn giản. Do đó anh Kính trọng Người. Từ cảm nghĩ kính trọng Người, anh đã được soi sáng để biết thêm về Người, để rồi anh tin và thờ Người lúc nào mình chẳng hay. Một lòng tin như thế mà cứ cất giấu trong bụng thì chẳng mấy ai biết được. Nhưng không ai cất giấu niềm tin chân lý và phước hạnh thiêng liêng thật bao giờ. Khi đi nhà thờ để tìm hiểu thêm về Chúa, anh mới gặp những sự hăm dọa, bắt bớ, giam cầm của chế độ cộng sản, nhửng thóa mạ, những hiểu lầm của người thân, của bạn bè ... Tuy vậy, những khó khăn đó không đáng chi nếu so với niềm an vui và phước lạc mà anh nhận được từ trong Chúa Jesus. Nếu người ta giết anh đi, anh cũng không mất mát gì cả ngoài cái thân xác hư nát yếu đuối hay sa ngã nầy.
Từ năm 1957, anh đã học Kinh Phật, đã biết các nghi lễ căn bản của người phật tử, nhưng đến năm 1959 anh mới vào chùa. Hồi đó chưa có GHPGVNTN. Với lòng thành muốn tu học, anh cần cù làm việc, nên không bị trách móc một điều gì nghiêm trọng. Ngược lại anh đã được khen. Dĩ nhiên là anh cũng có nhiều khuyết điểm, nhưng hình như không ai quan tâm đến những khuyết điểm nghiêm trọng trong lòng mình. Khi lớn lên anh mới khám phá ra việc tu hành không đơn giản như tuổi thơ mình suy nghĩ. Tự biết mình không thể nào tu được, anh thực hiện đúng nghi lễ trả y bát cho thầy và ra khỏi nhà chùa; chứ không phải theo một cô nào, hay vì một nguồn lợi nào để phải thay áo như bao người khác. Anh là một đại đức duy nhất đã "làm lễ thôi tu"! Các vị khác chỉ cởi áo một cách thầm lặng khi mọi sự đã rồi. Hoặc là họ cởi áo lúc nầy, nhưng mặc vào lúc khác.
Năm 1972 là năm cao điểm của cuộc chiến tranh, nhưng anh vẫn cởi áo thôi làm thầy tu. Thời đó hàng trăm ngàn người chen nhau đi tu, vì có hai cái lợi lớn: trốn lính và được tiến thân. Khi cởi áo tu, anh phải chấp nhận mọi thiệt thòi từ tinh thần đến vật chất. Nhưng được mang theo trong mình một điều rất quý: sống đơn sơ thành thật hơn. Suốt thời gian còn mặc áo tu, anh sử dụng ưu thế của một đại đức để giúp đồng bào nạn nhân chiến cuộc. Khi cởi áo anh cũng làm việc như vậy trong giáo hội và cả ngoài đời. Anh không tham lam, không tham nhũng, mặc dù trong thời đó, môi trường công tác xã hội cứu trợ là một môi trường tham nhũng béo bở nhất của giới tôn giáo. Biết bao nhiêu tu sỹ nhờ đồ cứu trợ Mỹ mà làm nên lâu đài sự nghiệp cho giòng họ mình. Còn anh, hoàn toàn không tham nhũng. Không phải anh tốt hơn người ta, nhưng vì anh luôn luôn nghĩ đến cái chết. Người muốn tu thật sự mới gặp nhiều điều chán nản khó chịu. Sau khi tự thiêu không thành, tâm trạng anh luôn đợi chờ một cái chết để được giải thoát khỏi kiếp thầy tu bất khả. Anh luôn luôn bị ám ảnh về một cái chết trong cuộc chiến nội tâm, và sợ mang theo tội lỗi để vào địa ngục; nếu mình mặc chiếc áo cà sa không đúng với lương tâm của một người tu sỹ được kính trọng. Anh đau khổ với những ý nghĩ dằn vật ấy nhiều hơn là sung sướng với sự kính trọng mà mình có được khi trở thành một đại đức. Tâm trạng anh lúc đó là như vầy:
Ta nghe viễn mộng mơ hồ
Âm ba lạnh ngắt cơ hồ tình hoang
Vì duyên gặp mộng bên đàng
Ta nghe một tiếng oanh vàng quặn đau
Tĩnh ra mới biết nỗi sầu
Ca sa còn mặc, chiếc đầu tròn vo! (1971)
Ca Sa hai chiếc bốn bề
Một còn phủ thể, một về hư vô !
Mẹ ơi! Theo gót tháng ngày,
Con lê những bước đọa đày truân chuyên
Ðắm chìm vào cõi thua hơn
Tấm thân bèo bọt tủi hờn ngày xưa
Bao giờ cho đến bao giờ
Ðồi hoang mà nở giấc mơ đạo vàng???
Một người thật thà hay bị lừa phỉnh. Khi cởi áo ra khỏi chùa, anh bị một chiếc áo cà sa khác lừa phỉnh một trận gần đứt hơi. Số là ra khỏi chùa một năm, anh được những người bạn đồng tu giới thiệu cho một người nữ Phật Tử để cưới làm vợ. Anh vẫn sống gần gũi nhà chùa và nhà chùa vẫn thương anh. Bạn bè trong chùa lo đám cưới cho anh. Những người bạn còn tu đến dự và tổ chức nghi lễ cưới vợ cho anh. Người tu hành mà cởi áo ra đời để được chính thức cưới vợ thật là một việc quan trọng khó quên. Cưới vợ xong, anh đi công tác Ðà Nẵng. Mới ở Ðà Nẵng có hai tuần, anh được điện tín từ một người hàng xóm, người hàng xóm nầy cũng là một cựu Ðại Ðức rất chơn chất thật thà. Bản tin đó vô cùng ngộ nghĩnh: Huệ Nhật, về gấp để giải quyết việc nhà. Du đã công khai ngủ với vợ mày. Ký tên: Từ Hỷ. Trước khi về tới nhà, anh ghé chùa gặp Du. Du là một Ðại Ðức cùng lớp với anh, cũng là bạn chí cốt của anh trong chùa. Pháp hiệu của Du là Thích Phước Mỹ. Anh vội vã về Saigòn hỏi Người Phước Mỹ: Tại sao thầy ngủ với vợ tôi ? Người tu sỹ trả lời gọn lõn: Vợ mày, mày không ngủ thì tao ngủ! Thật ra chính người bạn nầy đã giới thiệu người đàn bà ấy cho anh và khuyên anh cưới cô ta làm vợ, vì cô ta đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn, nếu có một người chồng nâng đỡ thì cô ta rất biết ơn. Du, người bạn của anh nói rằng "cô ấy có vẻ yêu tao, nhưng tao không yêu cô ấy được. Tao là con trai một, nếu cởi áo ra là bị đi lính ngay, mẹ tao sẽ chết mất. Mày cưới cô ta là mày cứu cô ta và cứu cả tao nữa và nhất là giúp cho chùa khỏi mang tiếng." Một người như anh, sống trong chùa từ khi còn bé, chẳng ai dạy cho mình một vài kiến thức về tình yêu và hôn nhân. Tuy kiến thức về tình yêu và hôn nhân không có, nhưng sự bận tâm về điều ấy thì nhiều hơn người thường. Khi bước ra khỏi chùa, một trong những sự vấp váp vừa buồn cười vừa tội nghiệp của anh, đó là ái tình. Anh mới ở trong chùa ra chưa tới một năm, tuy đã biết hoang đàng, nhưng chưa đủ can đảm để lập gia đình; mặc dù rất muốn làm quen phụ nữ. Từ chùa ra sống ngoài đời, anh mang một mặc cảm ''sợ bị quê'' khi các cô biết quá khứ đi tu của mình. Nay được người bạn thầy tu giúp đỡ giới thiệu cho mình một vị hôn thê mà cô ta có quen với thầy tu rồi, chắc chắn cô ta dễ cảm thông mình; thật là ''may mắn''. May mắn hơn nữa là khi bằng lòng cưới cô ta thì bạn bè trong chùa hợp lại giúp mình tổ chức hôn lễ đàng hoàng.
Hồi còn làm thầy tu, anh chơi thân với dân biểu Nguyễn Trọng Nho. Hai vợ chồng nầy rất cảm thông anh. Khi cởi áo ra đời, anh chị Nho vẫn thương anh. Khi anh báo cho anh Nho và chị Bằng về việc mình cưới vợ, họ tủm tỉm cười và tỏ ra thông cảm. Hai vợ chồng dân biểu Nguyễn Trọng Nho đã tặng cho anh hai chiếc nhẫn cưới. Một đại đức cởi bỏ áo cà sa mà được vài phật tử trí thức thông cảm thì thật là một sự an ủi lớn lao. Nay anh vẫn nhớ hai vợ chồng anh Nho, chị Bằng mãi. Hiện giờ họ và con gái Quỳnh Như của họ ở đâu anh không biết. Trước 30.4.75, chị Bằng, vợ anh Nho rủ anh tìm đường chạy. Anh trách chị ấy sao nỡ bỏ đi khi đất nước đã hòa bình! Anh em mình nên nắm tay nhau mà xây dựng quê nhà. Sau khi thấy Cộng Sản gian ác quá, anh hối hận về câu nói ấy, nhưng không gặp lại họ nữa.
Mới được bạn bè trong chùa cưới vợ xong, lại bị một người bạn chùa ấy ôm mất vợ! Thấy mình bị lường gạt tháu cáy bởi người bạn tu hành, anh không biết làm gì hơn là khuyên vợ mình cứ tiếp tục ''sinh hoạt với người tình'' ấy tốt hơn là sinh hoạt kiểu tay ba. Anh bảo bà ta đừng bao giờ quay lại với anh nữa. Anh buồn tới mức không còn trách móc ai được một câu. Tiếc thay, việc sai lầm rất mau mắn được thực hiện, nhưng công nhận một sự sai lầm quả thật là gian nan! Người ta có thể mang theo sự lỗi lầm suốt cuộc đời còn hơn là từ bỏ nó cho cuộc sống mới mẻ, nhẹ nhàng hơn. Vài tháng sau, nàng trở về báo cho anh biết rằng nàng đã có thai. Anh hỏi. Với ai ? Nàng đáp: Với Huệ Nhật chớ ai nữa! Anh hỏi lại: Tại sao cái bụng nầy không do Phước Mỹ mà phải là Huệ Nhật? Nàng bảo: Huệ Nhật đa nghi! Ông là chồng tôi, mắc mớ chi tôi phải để cho mình mang thai với một người khác? Ðây là một câu nói đầy triết lý và rất đáng sợ đối với anh lúc đó. Anh chỉ khuyên nàng cứ đẻ ra rồi giao cho anh nuôi với điều kiện cả ba người phải đi thử máu để biết đứa bé là con ai.
Bây giờ anh nhớ lại một điều. Khi còn là một Phật tử, mình không có cái nhìn thiêng liêng về hôn nhân và vợ chồng như người theo đạo Chúa. Lúc đó những người bạn Công Giáo của anh tỏ ra rất buồn khi thấy vợ chồng anh bỏ nhau, trái lại những người bạn trong chùa cho rằng, vợ chồng mà không thương nhau nữa thì thôi. Anh thấy làm theo ý các bạn trong chùa coi bộ đơn giản hơn. Vợ anh đã bỏ anh, anh đành bỏ vợ, nhưng chiếc nhẫn vẫn đeo trong tay mà không một chút bận tâm. Sau nầy tin Chúa, anh mới hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của tình chồng nghĩa vợ; cho nên sự đổ vở gia đình lần thứ hai sau khi đã tin Chúa mới là một sự thất bại nặng nề nhất cho đời sống của anh. Hồi chưa tin Chúa, anh thường đặt lương tâm mình lên trên hết. Khi biết bà vợ bội tín mang cái bầu, mà chưa chắc là của mình, anh sẵn sàng nuôi đứa nhỏ. Anh chỉ cần biết nó là con ai. Anh hứa rằng nếu sau nầy biết nó không phải con anh, anh cũng nuôi và yêu nó. Thật đáng thương cho cái lương tâm trước sự lươn lẹo, vì lời ngay thẳng chân thật không làm sao có giá trị đối với những con người ưa lươn lẹo! Người tu sỹ ấy chỉ biết đi trốn vì rất sợ thử máu. Là người bị cắm sừng, thấy vậy anh càng nghi ngờ đứa con kia là của Phước Mỹ chứ không phải của mình. Cuối cùng anh quyết định nuôi đứa trẻ. Nếu không nuôi đứa trẻ, lỡ ra nó là con mình thì tội lỗi nhiều hơn. Nuôi đứa trẻ, nếu nó không phải con mình thì vẫn có phúc. Khi chấp nhận nuôi đứa trẻ thì phải chấp nhận nuôi cái bầu. Nuôi cái bầu của một người vợ bất trung, lại còn không chắc chắn cái bầu ấy là của mình hay của người "bạn tu hành", quả thật là éo le, không đơn giản. Thế nhưng anh cứ nghĩ nếu mình đã chết vì tự thiêu thì sao. Nay mình còn sống, cứ thách thức với đời, thử coi sự đời đưa đẩy mình đi tới đâu cho biết. Với cái tính thách thức liều mạng như thế mà anh cũng được hưởng biết bao nhiêu phước lành của Trời ban. Bởi thế, sau nầy ba chữ Cám Ơn Trời trong tâm anh luôn luôn sống động. Ðứa trẻ ra đời rạng rỡ. Anh làm gà trống nuôi con. Sống bên cạnh nhà thơ Bùi Giáng. Lại cũng có một người đàn bà Ðức rất phúc hậu đem lòng quý mến giúp đỡ cha con anh. Người đàn bà Ðức nầy có những đức tánh rất tốt hiếm có. Từ đó anh biết làm thơ ca ngợi hài nhi:
Dung nhan từ thuở ra chào
Mở mắt từ cõi cỏ rào bờ mương
O - oe tiếng khóc vô thường
Hân hoan nhập cuộc sa trường đười ươi
Hỗn mang một kiếp con người
Em vô lượng mĩm nụ cười ban sơ
Ngủ yên nào có giấc mơ
Say sưa nào biết tiếng thơ cội nguồn
Ðạo? Ðời? Ai nỡ bán buôn?
Mẹ? Cha? Ai biết cội nguồn uyên nguyên?
Trong em vĩnh thế mây thiền
Nhân gian vướng bận tồn liên nát bàn
Sơ nguyên em ngủ khôn hàn
Thong dong tuyệt đỉnh mây ngàn lắng nghe
Ở trong sa mạc nhiêu khê
Mẹ cha em đã trăm bề tùm lum...
....................................
Mẹ đi theo gót niết bàn
Niết bàn nàng biết đã tan hôm nào
Chú gà cồ ngồi che gió lạnh
Con gà con vừa nở nguy nga
Tiếc thay giữa trận phong ba
Gà ơi ngậm đắng cho hoa tươi cười
Hoa lên tô thắm tình đời
Trần ai ghen ghét miệng cười môi che
Casa hai chiếc bốn bề
Một còn phủ thể, một về hư vô!
........................................................
Nhưng tuyệt vời nhất là mình yêu đứa con đỏ hõn. Nuôi một đứa trẻ là một phần thưởng quý nhất mà Trời ban cho anh, dù cuộc sống của anh đã bao lần vấp ngã. Anh thật sự cảm thấy mình mang ơn những đứa con của mình. Vì sự hiện diện của chúng trong vòng tay mình từ khi chúng mới lọt lòng để mình được bồng ẳm, săn sóc nô đùa... Là cả một bầu trời thân yêu. Ðó là chưa nói đến những bài học quý giá mà mình học được nơi trẻ thơ. Tiếc thay cho đến hôm nay anh vẫn chưa biết chắc nó là con mình hay con ''ngài tu sỹ''. Dù chưa biết nó là con ai, nhưng trong tình yêu thiêng liêng, anh vẫn thấy nó là con mình. Không biết ngày hôm nay người bạn ấy ở Paris có còn chiêm bao gì về những đứa con rơi của ông ta không. Ông ta cũng là một người tu hành rất đặc biệt, sau nầy anh mới biết ông ta có khá nhiều đứa con rơi dù là một người không bị mang tiếng xù phật như anh. Nay ''người'' đang ở Pháp, có gia đình.
Anh đã cho con anh biết sự thật về cha mẹ của nó, vì nó vừa giống anh vừa giống ''người bạn'' ấy của anh. Con anh đã trưởng thành, khi biết được sự thật, dù có buồn, nhưng sự thật cũng không nên che giấu mãi. Anh đã xin lỗi con anh, bởi vì mình làm một người cha mù mờ như thế chắc chắn không thể nào tránh được ít nhiều sự tổn thương cho con mình. Anh cũng giúp nó gặp lại người mẹ ruột của nó. Con anh đã tha thứ cho mẹ nó và cũng đã tha thứ cho anh. Nó cư xử với anh rất tốt. Bây giờ anh tin chắc rằng Thiên Chúa đã ban cho anh đứa con quý giá vô song nầy, tình yêu mầu nhiệm của Người cũng chữa những vết thương cho cả cha con anh.
Khi còn ở trong Phật Giáo, những vết thương nầy không thể nào xóa bôi được. Anh tạ ơn Ðức Chúa Trời đã phù hộ cho cha con anh. Cận ngày 30.4.75, cơ quan Terres Des Hommes rút về Tây Ðức, anh gởi con anh đi theo trong phái đoàn trẻ mồ côi ấy. Lúc đó nói mới được 13 tháng tuổi. Anh cứ tưởng rằng cha con chỉ xa nhau một thời gian ngắn để tránh cuộc chiến khốc liệt mà thôi. Ðâu ngờ sau đó anh vào tù. Ngồi trong tù, anh mừng cho con mình, vì nghĩ rằng nếu nó ở lại Việt Nam trong khi mình bị tù như thế thì ra sao nhĩ! Nó đã được nuôi nấng chăm sóc trong tình yêu cho đến khi trưởng thành. Tuy tuổi thơ của nó đã trải qua những ngày xa vắng anh, vì anh bị tù tội và nó cũng gặp nhiều ngang trái của sự đời khi làm con nuôi một gia đình người Ðức. Trải qua biết bao nhiêu ngang trái mà con anh vẫn luôn luôn biết ơn người nuôi dưỡng nó một cách sâu xa. Khoảng 1979, lúc nó mới hơn 4 tuổi, người ta đã tìm cách giúp nó liên lạc với anh. Lúc 16 tuổi, người nuôi nó đã dẫn nó về VN thăm anh. Năm 1992, nó về thăm anh nữa, anh đã đưa nó đi về Quảng Trị bằng xe lửa. Nó được ra thăm Bà Dì, người em ruột của Bà Nội nó, là người đã sinh chú Thúc của nó đấy! Nó được thăm những dấu tích ngày xưa anh chăn trâu, làm ruộng, thăm bà con nội ngoại của bố nó. Sau đó hai cha con anh quay lại Sài Gòn bằng xe gắn máy. Hai cha con lênh đênh trên quốc lộ Một suốt năm ngày đường thật là thú vị. Ðến nay con gái anh đã tìm gặp mẹ ruột nó ở VN để giải quyết với nhau về những khoảng cách giữa hai con người. Ôi. Tạ ơn Chúa, vì trong Người, phước hạnh và sự tha thứ đã chữa lành những vết thương do lỗi lầm. Trong lá thư trước, Thúc đã hỏi anh về đứa con ở bên Ðức "có gì bí mật không", anh đã trả lời ngắn gọn, nhưng rất thành thật. Bây giờ anh nói thêm một vài chi tiết nho nhỏ cho em nghe là như thế đó. Anh không có điều gì bí mật với em cả.
Nay đọc câu Kinh Thánh: Mọi sự hiệp lại làm ích cho người yêu mến Chúa (Roma 8:28), anh chưa thấy mình yêu Chúa nhiều, nhưng Chúa yêu anh nhiều quá. Nghĩ chừng đó cũng đủ cho lòng mình biết tạ ơn Người đến rơi nước mắt. Bây giờ anh có một đứa con gái lớn để tâm sự. Nó yêu anh, và anh yêu con mình với tình yêu cha con trong Tình Yêu Thiên Chúa. Tuy nhiên về mặt giấy tờ thì nó đã được làm con nuôi một gia đình người Ðức sau khi anh không thể cùng lên máy bay qua Ðức với nó vào đầu tháng 4.1975. Chính vì vậy mà bây giờ nó không thể bảo lãnh cho anh ở lại Ðức được. Nhờ được giáo dục tốt, đứa con gái anh đã làm được những việc rất lớn cho bản thân và gia đình. Nó đã tìm thăm người mẹ ruột để tha thứ những lỗi lầm cho bà, để được cảm nghiệm cái tình yêu thiêng liêng của người mẹ ruột dù không trọn vẹn lắm. Khi nghe đứa con trai của anh đã qua Mỹ, nó cũng qua Mỹ tìm thăm em nó. Nó đã chờ đợi suốt hai tháng ròng rã để được gặp em ruột, nhưng bà Muộn và các anh chị em bà ta đã không cho nó gặp em. Chờ mãi không liên lạc được với em, nó phải về Ðức.
Ngày cởi áo tu ra đời, anh tin rằng Ðức Phật lấy làm hài lòng với sự đơn sơ chân thật của anh. Bỏ tu chùa, anh tu thiền tại gia rất kiên trì. Thiền là con đường tu tắt. Khi ngồi thiền anh đã gặp nhiều cảnh lạ lùng giống như bà Thanh Hải Vô Thượng Sư. Bạn bè anh đã lo sợ vì anh ngồi thiền siêng năng quá có thể bị tẩu hỏa nhập ma! Ngồi thiền và thấy những cảnh huyễn hoặc trong thiền còn thú vị hơn cả đi du lịch dạo khắp thế giới. Những cảnh trong thiền đẹp tuyệt vời. Có khi thân thể mình uốn éo, tay mình bắt ấn chú rất thần bí. Có khi gặp các vị bồ tát, thiên long bát bộ, gặp ma quỷ, gặp cả ''kiếp trước'' của mình, hoặc ngao du nghe nhạc trên không trung, thấy vô vàn mầu sắc trong không gian vô tận. Nhưng thầy của anh cho biết rằng đó là ảo giác của nội tâm.
Khi thân thể mình đã đạt đến một sự yên tịnh nhất định, những dữ kiện ảo ở đâu trong vô thức từ từ hiện ra trong lúc thiền định. Có người cho đó là sự ngộ đạo, hay là thành Phật, giống như bà Thanh Hải Vô Thượng Sư. Thật ra một người chuyên tâm ngồi thiền trong vài ngày đầu cũng có thể thấy các cảnh giới đó rồi. Nó nằm trong vô thức chứ không ở đâu xa. Có người phải chịu khó kiên tâm ngồi vài ba tháng mới thấy các biến cố huyễn hoặc ấy. Phái thiền mà anh học là Thiền Pháp Hoa của Phổ Quang Phật ở Phú Nhuận. Vị Phật sống nầy có thân người nhỏ gọn, nhưng nét mặt khôi ngô, thanh tú, mặc áo trắng, hút thuốc ba số 555, có ba hay bốn vợ, và có người em ruột cũng tu thiền tại Nha Trang được gọi là Chân Sư. Những bài giảng hùng hồn và sâu sắc của ông đã cho anh hiểu rằng ông đã thành Phật rồi và muốn quay lại thế giới Ta Bà nầy để hóa độ chúng sanh. Hồi đó anh rất thích nghe những bài giảng đầy ý nghĩa nhiệm mầu của người. Những bạn thiền của anh trong phái nầy là những người trí thức khá mộ đạo. Họ rất tha thiết kiếm tìm sự giải thoát, nhưng giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn cho rằng đây là một phái thiền tà đạo. Theo giáo lý của phái thiền nầy thì các cảnh giới mà thiền giả đạt được như trên chỉ là những mật pháp, những hiện tượng của ngoại-đạo-thiền hay tà-thiền mà thôi. Phái thiền nầy cao hơn thiền của bà Thanh Hải Vô Thượng Sư nhiều lắm, bằng chứng là thiền giả không cần sử dụng nước tắm rửa của sư phụ thải ra; không cần cất giữ những "vật dụng cá nhân" của thầy mình để đạt đến sự mầu nhiệm như những đệ tử của bà Thanh Hải Vô Thượng Sư. Ngoài ra thiền không nhấn mạnh lắm về sự chiến thắng tội lỗi.
Trong thời gian bị Cộng Sản bỏ vào xà lim, anh chăm chỉ ngồi thiền. Anh tụng kinh siêng năng trong xà lim. Nhưng tâm hồn vẫn lạc loài, u uẩn, không biết sau khi chết mình sẽ ra cái gì? Khi ra khỏi xà lim, anh được giam trong phòng tù tập thể, anh cũng hướng dẫn cho vài bạn tù ngồi thiền. Sống chung trong tù với nhiều người sỹ quan cao cấp, cựu công chức cao cấp, những nhà trí thức miền Nam, những nhà tư bản giầu có, anh chứng kiến những cuộc giành ăn, giành chỗ nằm và sự sợ hãi của nhiều người trong họ. Anh nhận thấy rằng những người miền Nam bị Cộng Sản bỏ tù, phần đông là những người không nuôi một lý tưởng nào cho quốc gia dân tộc ngoài những lợi ích trước mắt của họ. Họ chỉ được một cái là không quá gian xảo tập thể, không láo lường tập thể, không khát máu tập thể, không cuồng tín tập thể như Cộng Sản. Anh chỉ được gặp một số ít người có khí tiết và đạo đức. Những người tiêu biểu đáng kính trọng nhất mà không bao giờ anh quên, đó là Linh Mục Ðỗ Bá Ái, GS Ðoàn Viết Hoạt, và anh Nguyễn Chí Thiệp, phó tỉnh trưởng Quảng Nam và anh Phạm Quốc Bảo, một người trí thức, trẻ tuổi nhưng rất cốt cách.
Nằm trong nhà tù cộng sản, anh nhớ thời tổng thống Thiệu, khoảng thời gian 1966-1967, anh có dịp bị tù vì tham gia biểu tình chống sắc luật 23/67. Lúc đó anh đã gặp những nữ tù nhân Việt Cộng, là những người phụ nữ bị tra tấn, nhưng họ kiên cường, can đảm, và rất thương nhau. Anh đã có cảm tình với Việt Cộng qua dịp ở tù chung với những phạm nhân chính trị đó dưới chính phủ Nguyễn Văn Thiệu trong lao xá an ninh quân đội Chợ Lớn. Khi Việt Cộng chưa chiến thắng thì họ biết hy sinh và binh vực, bảo vệ nhau; nhưng sau khi chiến thắng rồi, họ trở nên những con thú cắn xé nhau bằng những chiến dịch thanh trừng nội bộ rất dã man. Bây giờ họ trở nên quá gian ác đối với đồng bào sau khi đã chiến thắng bằng máu dân lành và máu đồng chí của họ. Nhưng chế độ VNCH có một điều rất dở, đó là tra tấn tù nhân. Anh biết một số người không theo VC, nhưng đã bị hiểu lầm, bị bắt oan, bị tra tấn dã man. Nhiều người đã bị sự tra tấn của cảnh sát VNCH vô tình ''rèn luyện'' thành VC. Vì người ta nghĩ rằng chỉ có đi theo VC mới có thể trả thù được mà thôi; thà đi theo VC để trả thù còn hơn là chịu oan một cách vô nghĩa. Dĩ nhiên sau nầy anh mới hiểu được cách tra tấn âm thầm rất thâm độc của VC đối với tù nhân. Tù nhân bị VC bỏ đói, bị bắt buộc phải làm việc cho đến kiệt sức để không còn thời gian và tâm trí mà oán trách chế độ CS nữa. CS có cách tra tấn hay đến nỗi chỉ có người ở tù lâu năm mới nhận thức được tính dã man của nó. Còn chế độ VNCH thì tra tấn ào ào, quát tháo tục tĩu đối với tù nhân khiến người ở xa cũng biết được. Hồi đó tại nhà giam khu an ninh quân đội Chợ Lớn, anh bị giam trong một căn phòng xa khu vực tra tấn, nhưng nửa đêm anh nghe tiếng kêu la đau đớn của những người tù bị tra tấn. Chỉ nghe tiếng kêu la của họ cộng với tiếng nạt nộ của cảnh sát hằng đêm như thế mà anh cũng đã kết luận được rằng một chế độ cư xử với kẻ thù như thế là vô tình tạo thêm nhiều kẻ thù nguy hiểm hơn để sau cùng phải bị thua trận mà thôi. Anh đã được xem hầu hết các dụng cụ tra tấn của cảnh sát VNCH. Anh mơ ước làm sao quê mình có một chế độ chính trị mà con người đừng tra tấn thân xác và tinh thần tù nhân! Sau nầy qua Ðức, anh được đi thăm một bảo tàng tra tấn của Ðức. Mỗi khi nhìn thật kỹ các dụng cụ tra tấn con người, anh cảm thấy rờn rợn tận trong xương tủy.
Qua những từng trải tù tội, tu hành và dấn thân vào cuộc sống, anh nhận thấy rằng nỗi đau tinh thần trong con người mới là nỗi đau kinh khủng. người cộng sản rất có tài khai thác những phương pháp gây ra sự đau đớn tinh thần cho nạn nhân của họ. Bởi thế sự tra tấn trên thân xác tù nhân không làm cho người ta đau đớn lâu dài bằng sự phẫn uất trong tâm hồn. Khi con người phẫn uất, họ không còn sợ sự đau đớn trên thân xác nữa. Ví dụ như khi anh bị thầy Ðổng Minh cố tình đánh oan anh, anh cứ để cho ông đánh đến toát mồ hôi, tái xanh cả mặt mày mà anh không cảm thấy đau đớn gì lắm. Sau đó anh nhìn thẳng vào mặt ông và hỏi ''thầy vừa ý chưa?''. Hỏi được câu đó là lòng anh cảm thấy hỷ hả như mình đã trả thù được rồi. Nhưng vết thương trong tâm hồn anh kéo dài hàng chục năm cho đến lúc gặp Chúa Jesus mới được chữa lành.
Anh đã quen thân với nhiều em mồ côi, và những em bị cha mẹ bỏ rơi. Tâm hồn các em nầy có những vết thương rất lớn. Chúng không ý thức hết nỗi đau của mình, nhưng chúng tự trả thù những nỗi đau ấy bằng cách làm bậy bạ, gây ra sự phạm pháp để phản kháng; nhất là chúng hay đốt lửa trên da thịt, hoặc lấy dao rạch sâu lên da thịt mình để nhìn xem những vết sẹo do mình làm ra. Những hành động đó chẳng qua là bông trái của những vết thương trong tâm hồn các em ấy. Khi ở Chùa, anh cũng gặp một số tu sỹ muốn tu quá chừng mà không tu nổi, họ tự giận mình và đã ngồi vào bàn kinh để đốt từng ngón tay của họ và quyết chí thệ nguyện giữ giới. Thề nguyện thì cứ thề nguyện, nhưng phạm giới thì cứ phạm giới. Người ta nói lực bất tòng tâm cũng có thể áp dụng cho những trường hợp nầy được. Có một ông bạn của anh sau mấy lần thề nguyện mà vẫn bị thất bại. Một hôm ông ta hận mình quá đến nỗi mất bình tĩnh. Ông ta kê bộ phận sinh dục lên một cái thành ghế và chặt đứt nó đi. Sau khi được đưa vào bịnh viện, ông ấy cứ thui thủi một mình và trốn vào núi đi tu cả năm sau mới về. Không hiểu sao trong giới tu hành ít ai quan tâm đến những vấn đề nầy.
Bây giờ có Chúa, anh thấy một cách cụ thể rằng khi mình có tội lỗi, hoặc bị mặc cảm tội lỗi, hoặc bị tổn thương sâu sắc trong tâm hồn, mình có đốt bao nhiêu ngón tay, cắt da xẻ thịt đến mấy cũng không làm cho những vấn đề ấy tan biến đi đâu. Thượng Ðế có giải pháp thực tế, rốt ráo, trọn vẹn trong sự Chết Cứu Chuộc của Con Một Người để chúng ta đem những tổn thương, những thất bại, những tội lỗi, những kiêu ngạo, những hận thù của mình đến bàn giao cho Người trong Con ấy trên thập tự giá. Tội lỗi và những vết thương của chúng ta có một chỗ chết trong sự chết của Con Một Ðức Chúa Trời, kế đến chúng ta bắt đầu sống lại một Con Người Mới bằng sức sống mới của Con Một ấy. Từ đó cả tâm hồn và thân xác mình đều được khỏe mạnh và sáng suốt để nhìn đời một cách rộng mở, thân ái, nhẹ nhàng. Không có gì tuyệt vời hơn! Quả thật ''Ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời'' là chân lý tuyệt đối. Bởi thế, anh không bao giờ quên những người quen thân của anh đã từng là du đảng trộm cướp, đã từng nghiện ngập ma túy xì ke, nhưng sau khi quay về với Chúa; họ đã được chữa lành một cách kỳ diệu không thể nào chối cãi được. Những con người nầy đã trở nên vui sống, biết ơn Chúa và đem Tin Lành Cứu Rỗi của Chúa qua đời sống mình đến với nhiều người đã bị sa ngã, bị tổn thương như họ. Ðã gần 20 năm nay, anh vẫn bị biết bao nhiêu là thử thách, nhưng Chúa vẫn dắt anh đi từng bước vững vàng để chiến thắng điều ác và vẫn được bình an.
Hồi chưa tin Chúa, trong thời gian còn ở tù, anh cao hứng coi bói chỉ tay, nói liều mạng mà ai cũng cho là đúng, điều đó khiến cho anh nghi ngờ cả về mình! Hình như khi con người ở vào hoàn cảnh bất an, ai nói gì họ cũng dễ tin. Nhưng sau nầy có được một số từng trải trong đức tin theo Chúa, anh mới thoát khỏi những ràng buộc của mê tín dị đoan ấy. Về vấn đề nầy, Kinh Thánh dạy rất rõ, chứ không mập mờ như những giáo lý khác. Dù anh tin Chúa trong thời cộng sản, và bị Cộng Sản khủng bố về đức tin, nhưng chính những thử thách đó mới thật sự chứng minh cho anh thấy sự hiện hữu của Chúa như Kinh Thánh đã rao báo trước. Dù đối diện với biết bao gian nguy trước gọng kềm cộng sản khi mình đã là người thờ Chúa, thế nhưng anh có đủ hạnh phúc, bình an trong tâm hồn để xem sự bắt bớ của Cộng Sản chỉ như trò hề của kẻ ác mà thôi. Chúa đã cất đi sự sợ hãi và thù oán trong lòng anh đối với Cộng Sản. Ngược lại, Cộng Sản thấy anh tin Chúa, bèn rình mò, dọa nạt, bắt bớ, hỏi cung. Anh có thể viết lại một quyển sách riêng về những sự khủng bố, sự nghi ngờ, sự thăm dò của hệ thống công an chìm và nổi trong guồng máy chế độ cộng sản đối với một cựu đại đức mà ''dám'' bước qua hàng rào tôn giáo như anh. Sự khủng bố, bắt bớ, rình mò của Cộng Sản có khi chi ly, cẩn thận, có khi tự nhiên cởi mở, có khi khủng bố bất ngờ, và những tráo trở giữa bọn công an chìm nổi khác nhau. Kẻ đánh người thoa, kẻ tra người dụ, kẻ cho cư ngụ, người lại trục xuất, kẻ gây đau nhức lại có người an ủi... Nào là quản chế tại gia, nào là đuổi ra khỏi thành phố, nào là chất vấn liên tục, nào là dụ khị để anh làm công an chìm theo dõi những sinh hoạt trong hội thánh. Nhưng sự bình an của Chúa đã ban trong lòng anh đủ sức vô hiệu hóa tất cả những hăm he trừng trợn, hoặc dụ khị gài bẫy của Cộng Sản. Quả thực sự bình an trong Chúa Jesus là một sự bình an phi thường làm cho kẻ cô đơn trở nên can đảm, kẻ yếu đuối có sự vững tin, mềm dẽo, bình thản trước những nguy nan, kẻ có tội biết mình được tha thứ. Nếu Ðức Phật nhìn thấy điều lành đã xẩy ra trong anh, chắc chắn Người hài lòng. Còn những bạn bè, thân nhân, thiên hạ, không ai giải quyết những đau đớn trong tâm hồn mình được đâu. Cũng như không ai phá hủy được niềm vui và sự bình an Chúa đã ban cho mình. Họ chỉ khen và chê theo ý thích của họ mà thôi. Nếu như Ðức Phật không vui với điều lành đang xẩy ra trong anh, thì tại sao anh phải bận tâm? Ðã là Ðức Phật, sao lại không vui với điều lành của người có đức tin trong Chúa? Ðiều lành ấy là sự bình an trong tâm hồn trước nghịch cảnh éo le, sự nhịn nhục độ lượng trước kẻ ác, sự vui mừng khi thấy gánh nặng tội lỗi của mình được Chúa cất đi. Và điều lành ấy là sự nhận biết bản ngã xấu xa của mình để cho nó chết mỗi ngày trong Sự Chết của Chúa Jesus như Kinh Thánh dạy. Căn cứ theo tinh thần Ðại Thừa Phật Giáo, thì nhờ theo Chúa mà anh từng bước thực hành đúng theo đạo Phật hơn cả khi còn làm một ông đại đức cứ nghiền ngẫm các giáo lý như sau:
Chư ác mạc tác = Không làm những việc ác,
Chúng thiện phụng hành =Thực hiện những việc lành
Tự tịnh kỳ ý = Tự giữ tâm hồn thanh tịnh
Thị chư Phật Giáo = Ðó là Phật Giáo
Thế nhưng bây giờ anh hỏi ngược lại rằng ai là người không làm những việc ác mà lại thực hiện đủ những việc lành, đồng thời giữ tâm hồn hoàn toàn thanh tịnh mới thật sự là Phật Giáo? Câu hỏi nầy sẽ gợi ý cho chúng ta thấy rằng trên thế gian chưa hề có một người nào là Phật Giáo cả. Khi Thái tử Tất Ðạt Ða sống trong thành Ca-tỳ-la-vệ không phải là một người hoàn toàn không có lỗi lầm, cũng không phải là một người hoàn toàn vui vẻ bình an. Thái tử đã làm cho phụ vương đau khổ, làm cho bà vợ buồn lo, và chính thái tử là một người ưu sầu chán nản trước cuộc sống sanh, lão, bịnh, tử.
Ðúng là tôn giáo có thể đưa ra những giáo lý hấp dẫn, nhưng con ngừời thường là bất năng, không dễ gì thực hiện được. Nhưng ai quay về với Ðức Chúa Trời, Người dắt dẫn họ, thánh hóa họ và ban cho họ một sức sống mới để thực hiện được nhiều việc lành tốt hơn các tôn giáo rất xa.
Khi đã gặp Chúa thật sự, linh hồn con người biết được sự vui mừng thiêng liêng đến nỗi không ai ngăn cản được. Sống trong xã hội CS mà rủi ro bị vướng vào tù tội hoặc bị nghi ngờ về chính trị thì tâm trạng mình luôn luôn cảm thấy sợ hãi. Thế nhưng khi anh gặp được Ơn Cứu Rỗi nhiệm mầu của Chúa Jesus, lòng anh vui mừng ca hát. Ði đâu anh cũng thích nói về Chúa Jesus. Công an càng kêu lên hạch hỏi anh, anh càng có dịp cho họ biết niềm vui sướng của anh trong Ơn Chúa. Những lời thị phi của giới tôn giáo trong và ngoài chiếc áo cà-sa đâu có ý nghĩa gì đối với lòng tin vào Ðấng Tạo Hóa toàn năng đã được ngự trong tâm hồn anh. Chúa dạy rằng:Ta có nước hằng sống. Ai khát mới được uống. Ai uống vào không còn khát nữa mà trở thành một mạch nước trong người đó chảy văng ra cho sự sống đời đời. (Giăng 4:14). Ðây là Chân lý và sự sống. Bất cứ ai có lòng thành tìm kiếm đều được gặp. Chân Lý không phải do mình chế tạo ra, mà do Thượng Ðế. Thượng Ðế là Chân Lý. Mình không thể làm ra Chân Lý, nhưng mình có thể tìm ra chân lý. Ai có tấm lòng khao khát Chân Lý thì Chân Lý sẽ tìm người ấy và bày tỏ cho y biết về Chân Lý. Con người hữu hạn không thể đến với Ðấng Vô Hạn, nhưng Ðấng Vô Hạn sẵn sàng tìm đến con người hữu hạn, nếu y khát khao Người. Có người cho rằng tâm mình tạo ra Chân Lý. Vâng, đó là một thứ chân lý chủ quan của bản ngã. Cái chân lý mà do tâm mình tạo ra chỉ giới hạn trong phạm vi của cái tâm bản ngã chủ quan ở mỗi người. Còn Chân Lý hằng hữu không bị ảnh hưởng gì đối với tâm của mình cả. Dù tâm mình tin hay không tin thì Chân Lý vẫn là chân lý. Theo anh nghĩ, có một sự nhầm lẫn khá trầm trọng trong tri thức của một số người. Ðó là Ðức Tin và Sự Giác Ngộ. Hai điều nầy đã bị hiểu sai lạc vì những nhà trí thức không có đức tin, hoặc không biết gì về giác ngộ, hoặc không có cả hai. Họ lạm dụng, ngụy trang đức tin bằng sự giác ngộ hay sự hiểu biết. Anh muốn viết điều nầy vào một cơ hội khác.
Anh đã có những kinh nghiệm về sự thần tượng hóa một cách quá thiêng liêng đối với chiếc áo tu sỹ, nên chiếc áo ấy đã trở thành cái ngục tù đạo đức cho người nào muốn sống thành thật với chính mình. Chiếc áo tu sỹ không thể mang anh vào cõi giải thoát được. Ai còn mặc, anh vẫn tôn trọng, nhưng anh rất sợ mình mặc chiếc áo tu sỹ ấy. Vì chiếc áo đó mà mình bị hiểu lầm hoàn toàn, và trở nên cô đơn trong những điều tốt đẹp không thật, cũng như phải che giấu những điều "xấu xa bình thường". Ðó là kinh nghiệm riêng của anh. Người khác có kinh nghiệm khác. Nhưng dù kinh nghiệm gì thì kinh nghiệm, nhưng đã mặc chiếc áo tu hành lên trên con người bình thường thì đã giam mình vào ngục tù lừa dối với chính mình. Một ngưởi thật sự tu hành hành là một người hoàn toàn không màng gì đến chiếc áo ấy. Nếu lúc đầu đã muốn đi tu, và đi tu thành thật thì sau đó hẳn sẽ khám phá ra một chân lý cụ thể nhất trong người mình là không thể tu được. Ðiều nầy nói ra rất kỳ cục, khó ai tin được, nhưng mà rất đúng với 99%. Ði tu là điều quý, nhưng quý hơn nữa là không lợi dụng chiếc áo tu để làm những điều trái với lẽ đạo, với lương tâm.
Thông thường, người ta theo một tôn giáo là làm theo một nề nếp của thói tục và niềm tin truyền thống. Ví dụ người sinh ra trong gia đình đạo Hồi, tự nhiên là theo đạo Hồi. Ai sinh ra trong gia đình và xã hội Phật Giáo thì theo đạo Phật. Ở đây, anh không giống như họ. Anh học đạo vì tìm chân lý sống, chứ không chỉ tìm lý thuyết suông trong sách vở và trong phong tục truyền thống của ngươi xưa để lại. Ngày nay cũng có người đi đạo Chúa nhưng bỏ đạo Chúa qua đạo Phật, vì họ theo đạo Chúa, chứ không theo Chúa. Họ chưa gặp Chúa, lấy gì mà bỏ! Họ chỉ sinh hoạt trong giáo hội mang danh Chúa. Số người như vậy cũng có, hoặc ngược lại cũng có những người vốn sinh ra trong gia đình theo đạo Phật nhưng được gặp Chúa như anh. Cũng có người quan niệm qua loa rằng đạo nào cũng tốt cả. Những người nầy nhìn tôn giáo với nhản quan và lý thuyết chung chung, họ không thật sự hiểu biết hay tin theo một tôn giáo nào cả; họ sống theo thói quen cũ chứ không sống theo sự sống mới.
Thói quen và nề nếp suy nghĩ của con người luôn luôn cũ, chỉ có sự sống là mới. Sự dấn thân của anh khác họ. Ngày xưa, Nepal là một xã hội Hinduism, Thái tử tất Ðạt Ða được sinh ra ở đó. Khi chưa đi tu, dù ở trong cung vua hoàn toàn cao sang đầy đủ, nhưng tâm hồn người rất đau khổ. Vì người thao thức kiếm tìm chân lý. Nghĩa là thái tử Tất Ðạt Ða lúc đó chưa tìm thấy chân lý trong đạo Hinduism. Về mặt đời sống gia đình, Thái tử Tất-Ðạt-Ða đã cưới vợ một cách rất vất vả, vì Ðề-Bà-Ðạt-Ða, người anh em chú bác ruột của người cũng yêu nàng Gia-Du-Ðà-La, nhưng lúc thi tài lại không thắng nổi thái tử Tất-Ðạt-Ða nên đành để mất người trong mộng. Bị mất người yêu, Ðề-Bà-Ðạt-Ða đã kéo dài tình hận cho đến lúc thái tử Tất-Ðạt-Ða thành Phật rồi mà vẫn còn tìm cách phá hoại sự thuyết pháp của người. Thái tử Tất-Ðạt-Ða đã hy sinh cuộc sống cao sang, từ bỏ tình phụ tử, thê nhi, ngôi báu, âm thầm trốn khỏi hoàng cung để đi tìm cho bằng được con đường thoát khổ. Với lòng hy sinh phi thường như thế, người vẫn bị một phần nhân loại hiểu lầm cho đến ngày nay. Nhưng nên nhớ rằng nỗi khổ của thái tử Tất Ðạt Ða là nỗi khổ của nhiều người từ trước cũng như bây giờ. Sự hy sinh của Thái tử Tất Ðạt Ða là một sự hy sinh trần thế. Từ bỏ ngai vàng trần thế để đi tu là một việc bình thường chứ không phải là một việc siêu phàm. Vì Thái tử tất Ðạt Ða là một con người bình thường, do đó người từ bỏ ngôi vua trần thế để đi tìm chân lý phi thường vĩnh viễn. Con người đi tìm chân lý vĩnh viễn cũng là một việc bình thường.
Từ xưa đến nay nhân loại vẫn đi tìm cái vĩnh viễn. Nhưng Chúa Jesus là Ðấng siêu phàm vĩnh viễn mà hiện ra như một con người hèn hạ tầm thường giữa cõi tạm bợ mới là phi thường. Vừa qua, anh gặp một bác sỹ người Nepal, anh khoe mình là người từng theo học giáo lý của Ðức Phật, nào ngờ mình khoe Phật Giáo với một người trí thức Hinduism không ưa Phật Giáo. Anh bị ông ta dạy cho một bài học: ''Dân Nepal chúng tôi vẫn xem Hinduism là quốc giáo suốt nhiều ngàn năm nay chứ không phải Phật Giáo đâu, thưa ông!''. Suýt chút nữa anh đã vô tình làm mếch lòng một con người có đầy dẫy tôn giáo của mấy ngàn năm! Thái tử Tất-Ðạt-Ða đã từ bỏ hạnh phúc trần gian một cách can đảm như thế, nhưng vẫn bị người khác đạo cho là xù Hinduism và xù cha mẹ, vợ con mình. Người tu theo đạo khổ hạnh của 5 anh em Kiều Trần Như suốt 6 năm ròng rã. Cho đến khi kiệt sức mà vẫn chưa tìm ra chân lý. Người đã quyết định từ bỏ họ. Người chấp nhận sự mắng nhiếc là xù thầy, phản bạn đối với 5 anh em Kiều Trần Như. Người vẫn ra đi và ngồi một mình dưới cội Bồ Ðề mà thề rằng Nếu không tìm ra chân lý, ta thà chết chứ không rời bỏ chỗ nầy. Người hành động như thế vì tha thiết với Chân Lý chứ đâu phải vì hết chịu nổi sự đói khát nên phải xù khổ hạnh Ðầu Ðà. Thúc nên nhớ rằng lúc ấy người vẫn chưa thành Phật. Sau hơn 2500 năm, nhân loại có bao nhiêu tỷ người, nhưng Thúc có thấy thêm một người nào thành Phật như người nữa không?
Thúc chưa hề đi tu, đừng vội mỉa mai người tu. Người thành thật đi tu mới khám phá ra một sự thật, đó là lâu nay con người không thể nào đơn phương tu thành thánh được. Sức mạnh của tham dục và tội ác trong một con người thường là mạnh hơn cái thiện trong con người ấy. Sự ngu dại trong con người lớn hơn sự thông sáng của họ. Nhân loại càng văn minh về mặt khoa học kỹ thuật, càng nghèo nàn về mặt tinh thần, càng làm thêm nhiều tội lỗi hơn ngày xưa. Tu là một hành động cao cả, nhưng mấy ai dám vỗ ngực cho mình đã thành công? Người mặc được chiếc áo tu trọn đời vẫn chưa dám cho rằng mình đã tu thành công. Tu là làm cho con người tốt hơn. Tốt hơn (?) Có những tiêu chuẩn và giá trị khác nhau về chữ tốt hơn nầy. Theo anh nghĩ, đi tu để giảm bớt tốc độ xấu hơn đã là một điều thiên nan vạn nan rồi. Càng sống thêm, con người càng khôn ngoan về trí tuệ, nhưng lại càng xa dần bản tánh thiện của tuổi thơ. Người ta có thể làm được tất cả những hình thức nghi lễ trang nghiêm, hiểu rất nhiều triết lý, đạo lý cao siêu, nhưng tu cho tốt như khi mình còn bé thì là một chuyện khác hẳn. Cho nên có những người nhận thức được sự bất lực của mình trong việc tu chứng, họ cần được cứu thoát khỏi u trầm nhờ tha lực thiêng liêng.
Con người làm ác thì dễ, nhưng làm lành thật sự là rất khó khăn. Khả năng để làm ác nơi con người rất dày dặn, nhưng khả năng làm lành nơi con người rất mỏng manh. Bởi vậy, một người thật sự đi tìm điều lành là một người chẳng những tự mình yêu mến điều lành mà còn trân quý bất cứ một tha lực thiêng liêng nào tiếp sức cho điều lành của mình được thể hiện. Có người tin vào tha lực. Có người chỉ tin vào tự lực. Quan niệm về tha lực thiêng liêng cũng không chỉ có một. Có người tin vào linh lực của cái tượng gỗ. Có người tin vào linh lực con xích thố của Quan Công trong chùa Tàu. Có người tin vào linh lực của Cô Ba đồng cốt. Có người tin linh lực của Thiên Cơ. Có người tin linh lực của Bình Vôi, Ông Táo. Có người tin linh lực của Mẹ Sanh Mẹ Ðộ. Có người tin linh lực của miếu Bà Ngũ Hành. Có người tin linh lực của đền Ông Thầy, am Bà Chúa Sứ. Có người tin linh lực của Phật Bà Quán Thế Âm. Có người tin linh lực của Ðức Mẹ Maria. Có người tin linh lực của Các Thánh. Có người tin linh lực của Bồ Tát Chuẩn Ðề. Có người tin linh lực của Hồn Thiêng Sông Núi. Có người tin linh lực của bụi chuối cây đa. Có người tin linh lực của Cửu Huyền Thất Tổ. Có người tin linh lực của các ngôi sao và quẻ dịch. Có người tin linh lực của Thần Chuột, Thần Bò, Thần Cọp, Thần Cẩu, Thần Khỉ, Thần Rắn, Thần Thổ Ðịa, Thần Năm Ông... Hoặc có người tin linh lực của bùa ngãi, thần chú, ấn quyết, thôi miên, thầy pháp thuật... Cũng có nhiều người trí thức chủ trương tự lực, họ cho rằng ''ta là chúa tể của ta''.
Tất cả những linh lực ấy phát xuất từ đâu? Giáo lý nào đã xác nhận những ''tha lực thiêng liêng'' đó? Ðức Phật không phải là Ðấng tha tội, cũng không phải là Ðấng xét đoán kẻ có tội. Người cũng không phải là Ðấng ban phước hay giáng họa. Người dạy đệ tử đừng kêu cầu người. Nhưng hàng tỷ người vẫn cứ kêu cầu người thường xuyên. Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, các nhà tư tưởng lớn của Phương Tây, các Thánh cũng không hề xác nhận rằng họ sẵn sàng phù hộ cho loài người sau khi họ chết. Thế nhưng người ta có nhu cầu khẩn đảo nên cứ lạy lục kêu cầu các vị ấy. Kinh Thánh dạy rằng chỉ có một Ðức Chúa Trời là Ðấng xét đoán, là Ðấng tha tội, là Ðấng cứu rỗi, là Ðấng ban phước, là Ðấng tái sinh linh hồn con người. Nhưng vẫn có hàng trăm triệu người không kêu cầu Ðức Chúa Trời mà lại chăm chỉ đi kêu cầu thần sông thần núi, thần gió thần mây, thần cây thần nước... Và cả thần cảm giả mạo.
Bao lâu thế gian còn tồn tại, các giáo lý niềm tin đa thần trên vẫn còn cơ sở để được tồn tại trong con người. Cộng Sản vô thần ưa bài bác tôn giáo, nhưng chỉ có một danh từ chung chung để gọi những người không vô thần là Duy Tâm. Nếu không có kinh nghiệm của Thánh Linh trong Thượng Ðế Ngôi Ba, anh tin chắc rằng không ai có thể xác tín về cái thiện và cái ác một cách rốt ráo được. Có khi ác và thiện rất là tương đối, thế mà còn bị hóa trang, bị che đậy, bị vẽ vời rối mù giữa thế giới chúng ta. Nếu không được sự soi sáng, sự mặc khải thiên thượng; thì trí tuệ con người không đủ khả năng hiểu biết một cách rốt ráo. Nếu có tấm lòng tìm hiểu, chúng ta sẽ thấy có cái ác tuyệt đối và cái thiện tuyệt đối nữa. Anh tin Lời Chúa.
Kinh Thánh dạy rằng Thượng Ðế là Ðấng nhân lành tuyệt đối. Satan là biểu tượng cho cái ác tuyệt đối. Thật ra lý trí loài người không thể thấu suốt hai vấn đề đối lập: Thiện tuyệt đối và Ác tuyệt đối. Về lãnh vực đức tin, khoa học hầu như chưa có khả năng giải quyết. Các nhà triết học ưa bẻ sợi tóc ra làm mười để xếp những chuyện nầy vào triết lý nhất nguyên, rồi nhị nguyên. Anh nghe đồn rằng ngày nay có cả triết lý tam nguyên nữa. Triết học là sản phẩm trí tuệ có giới hạn của con người. Vượt qua giới hạn trí tuệ là đức tin, hay niềm tin. Nhưng cũng có lắm khuynh hướng phủ nhận đức tin. Khổ nỗi, nhiều người không chịu thấy rằng chỉ có đức tin mới phủ nhận đức tin. Người vô thần không chấp nhận sự hiện hữu của Linh, nhưng người vô thần không thể không có niềm tin. Ðó là niềm tin Vô Thần. Vì người vô thần không thể chứng minh được là ''không có thần'', nhưng họ vẫn tin không có thần. Cũng như người Phật Tử không thể chứng minh được không có Thượng Ðế, nhưng họ tin rằng không có Thượng Ðế.
Nếu quan sát vũ trụ vạn vật một cách cẩn trọng, người ta tin Thượng Ðế dễ hơn là không tin Thượng Ðế. Cả một vũ trụ mênh mông, trật tự, linh hoạt, hài hòa sống động như thế mà người ta dám tin rằng không do ai làm ra cả. Khó tin như thế mà họ vẫn tin. Khi nhìn vũ trụ mênh mông kỳ diệu, người ta càng khó phủ nhận một bàn tay đầy quyền phép đã dựng nên. Kinh Thánh dạy rằng:''Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời. Bầu trời giải tỏ công việc tay Người làm. Ngày nầy giảng cho ngày kia, đêm nầy tỏ tri thức cho đêm nọ''.(Thi-thiên 19:1.2) và trong sách Giê-rê-mi 10:12-13, những ngàn năm trước Kinh Thánh cũng đã viết : ''Chính Thượng Ðế đã làm nên đất bởi quyền năng Người, đã lập thế gian bởi sự khôn ngoan Người, đã dương các từng trời ra bởi sự thông sáng Người. Khi Người phát ra tiếng, thì có tiếng động lớn của nước trong các từng trời; Người làm cho hơi nước từ đầu cùng đất bay lên, làm cho chớp theo mưa dấy lên, kéo gió ra từ trong kho Người''. Vậy không tin bàn tay Thượng Ðế dựng nên vũ trụ mới là một điều kỳ cục, tin có Ðấng Tạo Hóa dựng nên trời đất mới là điều tự nhiên và hợp lý. Người có niềm tin tôn giáo thì mặc nhiên chấp nhận một hay nhiều Ðấng thiêng liêng nào đó.
Ðến đây anh cảm thấy mình đi vào những chuyện mênh mông vô định rồi. Ý anh chỉ muốn nói là trong các niềm tin khác nhau của thế gian, ai có niềm tin cho rằng vũ trụ mênh mông vô lượng nầy không do bàn tay vô hình sáng tạo; đó mới là một niềm tin vô lý. Ngược lại, ai có niềm tin rằng vũ trụ mênh mông nầy phải có một bàn tay vô hình sáng tạo, đó là niềm tin chắc chắn nhất. Khi người ta không có đức tin vào Ðấng Tạo Hóa thì người ta không thể giải thích được nguồn gốc sự hiện hữu của vũ trụ. Có vô số sự kiện khách quan mà lý trí con người không đủ khả năng để giải thích. Vì thế Chúa đã ban Kinh Thánh để hướng dẫn con người đến đức tin. Theo anh, ngoài Kinh Thánh ra, chưa có một quyển sách nào hướng dẫn con người một cách rốt ráo về đức tin hay niềm tin. Nếu không dựa vào Kinh Thánh, làm sao mình biết đặt niềm tin của mình vào chân linh hay là tà linh? Linh thiện hay là linh ác? Hay là linh vớ vẩn ngoài bụi chuối cây đa, bình vôi, ông táo, nếu không thật sự được Thượng Ðế dắt dẫn? Thượng Ðế là Thần, ai đến với Người sẽ nhận được ơn phân biệt các thần, khi đó mới khỏi bị lạc vào mê hồn trận của tà thần, cũng khỏi lạc vào mê hồn trận của những điều lành giả dối do nhiều tôn giáo khác nhau bày vẽ ra đầy dẫy giữa thế gian.
Khi đã biết mình phải trả một cái giá như thế nào vì một ước nguyện bắt chước thái tử Tất Ðạt Ða đi tìm chân lý, anh đã dấn thân tham gia một số việc để hiểu mình và hiểu đạo hiểu đời. Những gì còn ít ỏi mà anh viết cho em đây đã thật sự xẩy ra cho anh, mà đến hôm nay, nếu không ở trong sự thương xót của Chúa Jesus, chắc chắn anh vẫn chưa học xong điều mình cần phải học. Một người thao thức về ý nghĩa cuộc đời thì sống ở đâu hắn cũng ưa suy tư và quan sát. Anh cũng thế, suy tư trong tâm hồn, quan sát và đối chiếu sự việc xẩy ra giữa mình và anh em. Những va chạm buồn, vui, ngộ nghỉnh có khi hàng chục năm sau mình mới thấy được một phần nào ý nghĩa. Chúng ta bỏ hết cả đời để học cũng không hiểu hết tất cả điều lành và điều ác. Người tự mãn với điều lành của y là một người rất đáng nghi ngờ, giống như nhiều người có thói quen vỗ ngực khoe lương tâm mình.
Anh cảm nhận rằng điều lành vô ngã thật sự mới là điều lành thiêng liêng. Khi mình nhận được một năng lực thiêng liêng của Thượng Ðế, để từ đó các điều lành vô ngã được phát huy và tăng trưởng qua đời sống của mình. Ðây quả là một kinh nghiệm vô cùng quý báu mà anh tìm thấy trong đức tin vào Thiên Chúa. Khi ấy mình mới hiểu được cái thật nghĩa của Hành Nhi Xả. Vì một bản ngã đã biết hành, rồi sau đó lại biết xả thì làm sao mà trở nên vô ngã? Khi đã ý thức về hành và xã thì cũng đã ý thức về bản ngã. Ví như một bà vợ kia sau mỗi lần bị chồng bắt gặp ngoại tình, bà ta luôn luôn cam kết về đức tánh chung thuỷ của mình đối với chồng một cách rất thiết tha. Người vợ ấy cần được cứu ra khỏi cái mâu thuẫn nội tại của bà ta, vì khi nói về đức tánh chung thủy, bà ta rất thành thật; nhưng khi ngoại tình, bà ta cũng tỏ ra con người thật của bà đó chứ. Cái gì khác nhau giữa một con người thật và lòng thành thật của người ấy ? Một người chồng quen đi mây về gió cũng rất thích ca ngợi lòng chung thủy, và nhất là đòi hỏi vợ mình phải chung thủy. Vì sao? Vì y có kinh nghiệm với đàn bà nhiều quá. Trong khi ấy, một người đàn ông tin tưởng vợ, biết tôn trọng vợ mình, biết tự trọng và không lăng nhăng lại rất dễ bị vợ cho mọc sừng.
Riêng tại Việt Nam, anh thấy nhiều người vợ sẵn sàng chung thủy, chịu đựng mọi bề với những ông chồng vũ vu, nhậu nhẹt, chuyên môn đi gió về mây. Nhiều ông chồng cư xử với vợ mình như bạo chúa cư xử với thuộc cấp, thế nhưng người đàn bà Việt Nam đã cam chịu suốt bao nhiêu ngàn năm! Bản thân mỗi con người chúng ta cũng cần được cứu ra hỏi những mâu thuẫn nội tại như thế đó. Nhận diện cái mâu thuẫn nội tại trong chính mình là một sự khó khăn, không đơn giản như mình thấy sự mâu thuẫn của người đàn bà ngoại tình đâu. Sự cứu rỗi của Thiên Chúa nhằm cứu con người ra khỏi tội lỗi là một Ơn Cứu Rỗi nhiệm mầu. Ðó mới là ánh sáng thật soi vào nơi tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng (Giăng 1:5). Bởi vậy, một người đã được Chúa cứu rỗi là một người hạnh phúc, không có gì phải sợ bị chê cười nhạo báng. Ở đâu cũng có những sự trái khuấy cả. Lòng dạ con người thường có nhiều trái khuấy nhất. Ðừng dại dột vội vàng nhạo báng nhau! Nhạo báng tha nhân là một đức tính xấu xa, hẹp hòi. Châm ngôn VN có câu Bảy mươi chưa què chớ khoe thân lành. Khoe thân lành là khoe cái bản ngã. Ðể tránh bị mang tiếng là khoe bản ngã, người ta đưa ra một phương pháp diệt ngã. Nhưng người ta không biết hết về cái ngã của mình. Bởi thế, người nào diệt ngã thì người đó cũng làm cho cái ngã càng lớn thêm.
Có bài thơ Diệt Ngã như sau
Khi tôi diệt được cái tôi
Là khi tôi lớn hơn tôi rất nhiều
Khi tôi làm được mọi điều
Là khi tôi lớn hơn nhiều tôi kia
Khi tôi té ngã bên lề
Là khi tôi nhận biết về cái tôi