Thư em viết:
Oklahoma Cty May 21. 99.
Anh Nhật.
Cám ơn anh đã viết thư và có lời hỏi thăm đến gia đình. Cũng cám ơn đã trả lời những thắc mắc. Nhưng phần trả lời thế có cường điệu lắm không? Nè. Ðừng chơi trò ''cả vú lấp miệng em'' ai không biết giáo hoàng không phải là người đại diện cho anh. Vậy chắc ông đại diện cho tôi?
Anh trả lời:
Trước đây em đã đề cập về Ðức Giáo Hoàng với anh. Trong thư trước, anh đã viết cho em rằng Ðức Giáo Hoàng không phải là người đại diện Chúa cho anh. Những gì em hỏi anh về Ðức Giáo Hoàng là hoàn toàn nằm ngoài sự hiểu biết của anh. Vì anh tin Chúa, nên em đem vấn đề đạo Chúa để hỏi anh. Bất cứ điều gì thuộc về đức tin của anh, anh trả lời được. Ngoài ra, anh chưa hiểu biết đủ về Ðức Giáo Hoàng. Khi anh tin Chúa, chính Người bày tỏ Người cho anh, chứ không ai đại diện Chúa cho anh cả. Thật tình chỉ có thế, không cường điệu gì đâu. Em thấy câu nào trong thư anh là cả vú lấp miệng em ?
Trong lá thư vừa qua, em lại nhắc đến vai trò Ðức Giáo Hoàng một lần nữa khi nêu thắc mắc về đức tin của anh. Buộc anh phải nói rằng anh tin Chúa khi chưa gặp Ðức Giáo Hoàng. Ðức tin của anh được hình thành nhờ đọc Kinh Thánh. Sau khi thấy lòng mình có đức tin, anh đi tìm hội thánh (giáo hội) để học hỏi thêm. Anh đã tin Chúa và thờ phượng Người hơn 18 năm qua. Anh đến với nhiều hội thánh khác nhau, kể cả giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã do Ðức Giáo Hoàng lãnh đạo. Anh đã lắng lòng quan sát, kiếm tìm sự hiện diện của Chúa qua các giáo hội để cảm nghiệm về đức tin của các con chiên trong những giáo hội khác nhau ấy. Ðức tin của anh không bị lệ thuộc tuyệt đối vào bất cứ một giáo hội nào, và cũng không dừng lại trong những hình thức nghi lễ khác nhau của các giáo hội ấy. Khi đã nếm trải tình yêu nhiệm mầu trong Ơn Cứu Chuộc của chúa Jesus, mình có thể sinh hoạt trong bất cứ một hội thánh nào mà nơi đó Lời Chúa được tôn trọng, được rao giảng và được làm theo, và nhất là được thể hiện sự sống đạo như thức ăn có chất bổ dưỡng và ngon ngọt trong đời sống đức tin. Học Lời Chúa và nhìn vào thực tế cuộc sống, chúng ta thấy thời đại hôm nay là thời kỳ mạt vận của trần gian. Dù văn minh tới đâu, con người cũng không chiến thắng được tội lỗi. Anh cho rằng nhờ Ơn Chúa để chiến thắng tội lỗi của bản thân mình là một phước hạnh, một kết quả vô cùng quý báu. Trong Ơn Chúa, anh tin chắc rằng Người đã trả cái giá tội lỗi cho cá nhân anh. Chắc chắn linh hồn mình được về thiên đường sau khi từ giã cõi trần. Ðây là một điều rất quan trọng. Anh biết nhiều người khác tôn giáo tự cho rằng chính họ tạo ra địa ngục và thiên đường cho họ, nhưng anh không tin như thế. Ngày nay dù khôn hay dại, con người vẫn dễ nhận ra tội lỗi của mình để ăn năn đối với Trời. Ông Trời mới là Ðấng phán xét tội lỗi của con người. Ông Trời là Thiên Chúa. Thờ Chúa tức là thờ Trời. Ðạo Chúa gồm nhiều giáo phái khác nhau. Dù các giáo phái ấy có điều gì đáng chê như em nói cũng không ảnh hưởng đến đức tin của anh. Vì đức tin của anh được hình thành do đọc Kinh Thánh, qua sự chiêm ngưỡng sức sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giê-Xu là Ðấng cứu chuộc mình khỏi tội lỗi, chứ không phải một giáo hội nào cứu chuộc mình đâu. Một cách ngắn gọn, đức tin của anh là thế.
Ngày xưa đi tu trong Phật Giáo, anh học những giáo lý sâu xa và phức tạp khiến cho sự tu hành có cái vẻ cao siêu, nhưng với anh thì rất mệt mỏi và gặp nhiều mâu thuẫn khó nói lắm. Nay anh tin Chúa và sinh hoạt trong Hội Thánh Tin Lành. Càng hiểu Ðạo, anh càng thấy cá nhân mình nhỏ bé, sự hiểu biết của anh còn ít ỏi lắm, nhưng tâm hồn mình được yên nghỉ thảnh thơi. Chúa đã ban cho anh một sức sống mới để vừa chiến thắng những thói quen tội lỗi, vừa vượt khỏi những mặc cảm tội lỗi; nhờ vậy anh tin rằng sự chết của Người là một sự chết thật sự cho những điều gian ác của riêng anh. Chúa yêu tất cả con người, và tình yêu Người đến với từng người một, dù con người gian ác tới đâu Người cũng yêu họ và muốn dắt dìu họ ra khỏi sự ác. Cái thâm sâu của Ðạo Chúa đối với anh là tình yêu của Thượng Ðế trong Chúa Jesus Christ, Ðấng từ Trời xuống, chứ không qua trung gian một con người nào khác. Giáo Hội là nơi mình được học hỏi và giao thông với những người cùng có một đức tin. Giáo Hội luôn có những trật tự và những khiếm khuyết nhất định. Vì giáo hội là tập hợp những con người, và con người thường có những khuyết điểm. Chỉ có Chúa mới là Ðấng trọn vẹn, cho nên người ta không vì những sai lầm của giáo hội mà không thờ Chúa. Cũng không thể thờ Chúa mà sống tách rời khỏi giáo hội. Theo Kinh Thánh, giáo hội là Thân Thể mầu nhiệm của Ðấng Christ. Anh nói thật với em, không phải đơn giản mà hiểu được lẽ đạo mầu nhiệm nầy đâu. Cũng không phải nhờ kiến thức cao siêu và đầu óc thông thái mới hiểu được chân lý nầy đâu. Tuy nhiên bất cứ một con người nào có đức tin, có lòng thành, có sự khiêm tốn nhận biết bản thân mình là tội nhân trước Ðấng Tạo Hóa và cần được Người tha tội trong sự chết cứu chuộc của chúa Jesus, chắc chắn người ấy được Người soi sáng để nhận biết chân lý Cứu Rỗi của Người.
Em hỏi anh:
Tài sản của các giáo hội có được đầu tư vào các hoạt động với số tiền khổng lồ như thế ai tán thán? Nhưng có điều ấu trĩ lắm cũng biết được cái gì làm khuynh loát nội tình chính trị của các nước nhỏ, các nước chậm phát triển trên thế giới. Cái gì đổi trắng thay đen. Cái gì gây nên chiến tranh?, Cái gì tạo hòa bình?
Anh trả lời:
Anh chưa hiểu rõ ý của Thúc trong câu với số tiền khổng lồ như thế ai tán thán? Nhưng xin nói gọn là tài sản của giáo hội Công Giáo La Mã không liên quan đến đức tin của anh. Hơn nữa anh không biết những việc nầy. Làm sao em biết được cái gì làm khuynh loát nội tình chính trị của các nước nhỏ, các nước chậm phát triển trên thế giới. Cái gì đổi trắng thay đen. Cái gì gây nên chiến tranh? Cái gì tạo hòa bình? Niềm tin thiêng liêng của anh không bị ảnh hưởng đến tiền bạc của bất cứ một giáo hội nào. Nếu không bởi sự thương xót của Thượng Ðế, chẳng có một giáo hội nào có thể thuyết phục anh tin Chúa, chẳng có giáo hội nào giải quyết được vấn đề tội lỗi cho anh.
Anh muốn hỏi lại em:
Những gì Thúc viết ở trên, em có biết chắc chắn không? Em có bằng chứng rõ ràng, cụ thể không? Em bảo ấu trĩ lắm cũng biết được! Anh không tin như thế. Anh mong em viết rõ hơn. Anh cũng không hiểu nổi những câu hỏi của em do đâu mà có. Những cái gì đổi trắng thay đen. Rồi Cái gì gây nên chiến tranh? Cái gì tạo hòa bình? Tại sao em lại hỏi anh những chuyện có vẻ lớn lao đầy phù phiếm như thế? Ðọc thư em, anh có cảm tưởng rằng hình như có ai ngồi sau lưng em để gợi ý cho em hỏi móc anh chơi.
Trong tình anh em, anh có thể nói rằng tôn giáo nào cũng có tiền và cũng có kinh doanh cả. Tôn giáo là một môi trường "kinh doanh" béo bở. Riêng tiền dâng hiến của hàng tỷ tín đồ cũng đã nhiều lắm rồi. Tiền dâng hiến không phải là tiền kinh doanh, nhưng không tuyệt đối không có sự kinh doanh trong đồng tiền dâng hiến. Kinh doanh chân chính không phải là tội. Phật giáo là một tôn giáo ít kinh doanh, nhưng điều ấy không có nghĩa là họ không cần tiền. Nhà chùa giầu hay nhà thờ giầu không phải là điều đáng trách. Em nên nhớ rằng Thiên Chúa Giáo là một tôn giáo có nhiều hoạt động nhân đạo nhất trên thế giới. Dù Thiên Chúa Giáo được truyền vào Việt Nam sau Phật Giáo, nhưng Phật Giáo Việt Nam sau 1963 đã phỏng theo nhiều hoạt động từ thiện, giáo dục của đạo Chúa ở Việt Nam. Còn về bạc tiền của các giáo hội, anh tin rằng em không biết hết đâu; mà ví dụ như em có biết cũng không giải quyết được gì cả. Nếu anh nói cho em về bạc tiền của tôn giáo mà chính anh đã biết được, có lẽ em cũng không thể tin rằng anh nói thật. Anh muốn tránh những điều tế nhị nầy, vì nó là một vấn đề nhạy cảm, dễ đem đến những đụng chạm vô ích. Kể cả khi còn đi tu và sau khi ra khỏi chùa cho đến bây giờ; anh luôn thận trọng với tiền bạc. Anh cám ơn Trời một cách sâu xa đối với thân phận mình, vì từ lâu cuộc sống của anh trong cũng như ngoài chiếc áo tu sỹ chưa bao giờ bị liên lụy đến tiền bạc. Ðối với anh, nghèo cũng là một sự phước hạnh, mặc dầu anh vẫn muốn mình giàu. Anh nghĩ rằng nếu sống nghèo mà khỏi vào địa ngục, anh chọn sự nghèo khó. Dĩ nhiên không ai muốn mình nghèo khổ đến nỗi sinh ra bất an, bất nghĩa. Nhưng sự giàu sang vật chất đã từng tạo ra bất an, bất nghĩa. Nếu giàu sang trong lương thiện cũng quý lắm chứ. Ai quá chú trọng đồng tiền là dễ bị nó lái cuộc đời mình. Anh không quá chuộng người giàu, không coi rẻ người nghèo, và không mặc cảm về sự thiếu thốn của mình. Giá trị con người không chỉ căn cứ vào vật chất. Khi đọc những câu Kinh Thánh sau đây, lòng anh cảm tạ Chúa nhiều lắm, vì những lời nầy đã đem đến cho anh những kinh nghiệm sống đạo: "Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn." (1.Ti-mô-thê 6:10), và câu:''Vã, sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn'' (1.Tim-mô-thê 6:6). Ai làm ra đồng tiền một cách lương thiện và biết sử dụng đồng tiền đúng nghĩa là người rất có phước. Tôn giáo nào đã sử dụng đồng tiền sai mục đích đạo lý, em cứ việc nói thẳng với họ. Tiền riêng trong túi mình, mình còn sử dụng sai; làm sao dám đòi hỏi các tôn giáo sử dụng tiền đúng theo ý mình? Mối liên hệ giữa anh em mình có liên quan gì đến tiền bạc của các tôn giáo đâu?
Tôn giáo nào cũng cần tài chánh để hoạt động. Có những tu sỹ sống nghèo nàn khiêm tốn, đồng thời cũng có những tu sỹ giữ uy quyền tăng lữ cao và duy trì quyền sử dụng các nguồn tài chánh tôn giáo của họ. Giáo lý, giới luật luôn luôn dạy người tu hành sống nghèo khó, nhưng giữ đúng giới luật là điều rất khó. Một trong những nghĩa chính của chữ Tỳ Kheo là người hành khất, nghĩa là người ăn xin, hoàn toàn vô sản. Nhưng chuyện ấy xưa rồi, ngày nay chỉ còn trong các câu kinh, câu kệ mà thôi. Thực tế là mỗi người tín đồ cúng dường thầy một ít, tự nhiên tích thiểu thành đa. Sự giầu có của giới tăng lữ giống như nước lụt mưa phùn tháng Giêng ở Quảng trị đó mà! Em thắc mắc với anh về chuyện tài chánh của một tôn giáo khác, trong khi anh em mình chưa biết rõ căn nguyên cội rễ của nó; làm vậy có vô duyên không? Các câu hỏi tiếp theo về chiến tranh, hòa bình, khuynh loát nội tình chính trị của các quốc gia nhỏ.v.v. Anh không đủ tư liệu để trao đổi với em. Tiếc thay, anh không phải là nhà chính trị, không phải nhà nghiên cứu tôn giáo, không phải nhà sử học, không phải nhà kinh tế, tài chánh gì cả. Anh cảm thấy hình như em nêu lên một số thắc mắc, nhưng không phải vì muốn tìm hiểu mà muốn tỏ cho anh thấy rằng sự hiểu biết của em về điều nầy là ''chiến đấu'' lắm. Nếu em có nhiều tài liệu và hiểu rõ ràng chính xác, hãy viết ra cho đời xem chơi !
Thúc viết:
Ấu trĩ lắm cũng biết được cái gì làm khuynh loát nội tình chính trị của các nước nhỏ, các nước chậm phát triển trên thế giới Cái gì đổi trắng thay đen.
Như thế chứng tỏ rằng em đã hiểu biết khá nhiều cả về lãnh vực chính trị quốc tế nữa. Vậy em đặt câu hỏi cho anh để làm gì? Nếu có bằng chứng cụ thể về việc ai khuynh loát nội tình chính trị của các nước nhỏ, em sẽ làm được gì với các bằng chứng ấy? Em quan tâm đến cả vấn đề thế giới chậm phát triển, nhưng tiếc thay anh không làm sao hiểu hết các vấn đề lớn lao của các nước khác. Người hiểu biết khác với người muốn tỏ ra mình hiểu biết. Vậy anh hỏi em ít câu để chúng ta cùng giúp nhau hiểu và thông cảm. Anh không hỏi em về những điều xa xôi của các nước khác, anh chỉ hỏi vài câu về nước Việt Nam mình mà thôi.
1.Tại sao miền Nam Việt Nam có hai ông tổng thống chống cộng theo đạo Thiên Chúa do dân bầu lên, trong khi 80% dân chúng không theo đạo Chúa?
2.Tại vì 80% dân chúng miền Nam theo tôn giáo truyền thống lâu năm nhưng thiếu sự đoàn kết, hay tại vì họ có ''thừa sự đoàn kết'', rủi thay không có một người nào đủ tài năng ra làm tổng thống?
3. Theo anh nghĩ, chủ nghĩa Cộng Sản không thích hợp với văn hóa Việt Nam, không thích hợp với trào lưu văn minh, tự do của nhân loại, nhưng những người Cộng Sản ở Việt Nam thì dù gì cũng còn mang giòng giống Việt Nam phải không?
4. Ví dụ một nước nhỏ xíu như nước Chàm ở xứ mình: xưa nay có giáo hội nào bỏ tiền ra khuynh loát hay sao mà bây giờ con cháu người Chàm chỉ được nhìn ngắm những ngọn tháp kỷ niệm chơ vơ? Họ có quyền gì trên những kỷ niệm thiêng liêng của tổ tiên họ đâu? Tại ''giáo hội'' nào?
5. Có giáo hội nào khuynh loát dân tộc Campuchia không? Hàng ngàn năm trước, tổ tiên của Khờ-Me Ðỏ đã từng theo tôn giáo nào mà hôm nay họ hung dữ như Hitler vậy? Khờ-Me Ðỏ khốn nạn hơn cả Hitler, vì họ tự tiêu diệt dân tộc mình.
6. Có phải những người cộng sản chủ trương sát hại tập thể trong chiến tranh Việt Nam tại Huế, và nhiều nơi khác là do một giáo hội nào xúi dục? Những kẻ giết người đó không dính dấp gì đến giòng máu và văn hóa Việt Nam cả hay sao? Có phải CSVN giết hại đồng bào Việt Nam cho nên CSVN không được xem là người Việt Nam?
Muốn hiểu sự bất hòa của người Việt trong giai đoạn lịch sử cận đại, khi tôn giáo từ ngoại quốc được truyền vào Việt Nam, em nên đọc quyển Luận Án Tiến Sỹ của ông Cao Huy Thuần. Quyển luận án nầy đã được viết cách đây mấy chục năm. Tác giả nêu lên những vết thương to lớn của dân tộc trong các thế hệ trước. Ðó là những mâu thuẫn giữa niềm tin tôn giáo tây phương và tinh thần dân tộc cực đoan trộn chung với thành kiến hẹp hòi kỳ thị tín ngưỡng từ vua quan đến bình dân, cũng như đức tin mãnh liệt của những người Việt Nam mới theo đạo Chúa. Trong giai đoạn lịch sử cận đại, đạo Chúa có dựa vào thế lực đế quốc Pháp để phát triển tại Việt Nam. Anh đồng ý. Nhưng đó là những sai lầm của một số nhà truyền giáo và của đế quốc vào thời đó. Dầu người truyền giáo có khi dựa vào thế lực trần tục, nhưng bản chất của Ðạo không bao giờ dạy con người làm như thế. Không phải nhà truyền giáo nào cũng dựa theo đế quốc như người ta nghĩ, cũng như không phải tất cả những ngừời Phật Tử đều theo Việt cộng như một số người cho rằng gia đình tổng thống Ngô Ðình Diệm nghĩ. (Gia đình tổng Thống Ngô Ðình Diệm có thật sự nghĩ như thế hay không? Chúng ta hãy cùng nhau làm sáng tỏ điều nầy để lịch sử khỏi bị hiểu lầm, vết thương dân tộc ở điểm nầy cần được chữa lành).
Những nghi ngờ thiển cận ấy, cũng như tính che giấu sự thật của lịch sử vì một vài cảm thính chủ quan đã vô tình tạo ra tai họa phân rẽ trong dân tộc của chúng ta suốt mấy trăm năm rồi. Mục đích sau cùng của người theo Chúa là được cứu rỗi linh hồn vĩnh viễn sau khi lìa đời. Nhưng khi đang sống giữa trần gian, họ vẫn là những người Việt Nam cùng giống cùng giòng, cùng chung một truyền thống văn hóa với những người không theo đạo. Những sự cọ xát, giao lưu, tôn giáo, văn hóa và tư tưởng Ðông &Tây thường đem đến kết quả phong phú cho dân tộc Việt nam. Phải không?
Riêng về những lỗi lầm tôn giáo và lịch sử, anh nghĩ rằng đó là nỗi đau của loài người nói chung, và của dân tộc ta nói riêng, để chúng ta cùng nhau rút tỉa bài học kinh nghiệm. Một số lỗi lầm xa xưa nào đó cũng như hiện tại của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo trên thế giới không thể đem đổ lên cả thảy cho những người Việt Nam đang thờ Chúa chân chính hôm nay. Ðạo Phật hay đạo Chúa đều từ nước ngoài đến Việt Nam, chỉ khác một điều là Phật Giáo đến trước và đã được thấm nhuần vào văn hóa Việt Nam lâu hơn. Ngày xưa nước Tàu đô hộ Việt Nam cả ngàn năm, nhưng không biết có nhà sư nào bên Tàu đã dựa vào thế lực của nước họ để đem đạo Phật và luân lý Nho Học vào Việt Nam hay không. Trong lịch sử văn hóa Việt Nam cận đại, đã có thời Nho Giáo lấn lướt Phật Giáo khá tệ hại, em có biết không? Theo anh nghĩ trần gian nầy luôn luôn xẩy ra những kèn cựa như thế trong mọi lãnh vực. Cha con từ bỏ nhau, vợ chồng oán ghét nhau, anh em ruột tranh chấp quyền lợi với nhau... Tôn giáo, chính kiến, quốc gia, ý thức hệ, phong tục, luân lý xã hội đều có những tranh chấp, chèn ép, cọ xát nhau qua các thời đại.
Là một người từng sống trong thế giới tôn giáo qua các chính phủ miền nam Việt Nam, lại trải qua một phần tư thế kỷ dưới chế độ cộng sản, anh rất muốn được nghe những nhà lãnh đạo của các tôn giáo có một lần ăn năn công khai về những sai lầm mà họ đã vô tình hay cố ý hướng dẫn tín đồ của họ đi ra khỏi tình đoàn kết dân tộc. Nếu các giáo hội biết ăn năn, nếu các nhà lãnh đạo Miền Nam trước đây biết bày tỏ một lời xin lỗi với đồng bào; đó là bằng chứng cụ thể cho chúng ta thấy rằng họ có một cái gì đáng quý trọng hơn những con người theo chủ nghĩa CS.
Tại Việt Nam, năm 1990, Linh Mục Chân Tín đã công khai đề cập đến 3 đề tài ăn năn sám hối. Một là Giáo Hội phải ăn năn về những sai sót của mình trước Thiên Chúa và trước dân tộc. Hai là con chiên phải ăn năn những tội lỗi của mình trước Chúa, ăn năn những thiếu sót của mình đối với đất nước. Ba là đảng và chính phủ CSVN phải ăn năn về những sai sót của mình trước toàn dân. Chỉ vì ba bài giảng kêu gọi ăn năn ấy mà LM Chân Tín bị chính quyền CSVN quản thúc 3 năm vào một chỗ heo hút. Sau nầy công an cộng sản lại ám sát người, nhưng hành động tội ác của họ đã thất bại. Cộng Sản rất sợ ăn năn, vì tội ác của họ quá lớn đối với dân tộc và đối với cả nhân loại. Nhưng những người yêu hòa bình, yêu công chính thật sự không phải sợ hãi khi cần phải xét lại những khuyết điểm của mình. Nhất là những người đã có trách nhiệm lãnh đạo tôn giáo và chính trị, từng có những ảnh hưởng lên đời sống nhân dân. Nếu tự cho tôn giáo mình là từ bi, bác ái thật sự, chúng ta càng không nên đỗ tội hay kết án nhau quá đáng, vì ngày nay chúng ta cần bày tỏ lòng bao dung, tha thứ nhau để xây dựng tình đoàn kết dân tộc trước hiễm họa gian hùng cộng sản. Ngay cả khi không có hiễm họa nào hết, lòng độ lượng và tinh thần đoàn kết của dân tộc cũng cần được thể hiện một cách thực tế. Thế gian ấy không thiếu chi những con người theo đạo, nhưng không hết lòng sống đạo; họ hay lợi dụng cơ cấu, phe phái dưới danh nghĩa đạo để bài xích, thóa mạ nhau. Nếu ai cũng biết tự giác với tấm lòng sống đạo đúng như tôn giáo của mình dạy thì không có gì đáng phiền phức cả. Trên thực tế, ai dám nêu cao Chân Lý mà mình tin và nhận cũng bị những người mê tín dị đoan đả kích. Ðó là việc thường tình!
Khi chúng ta đứng trong tôn giáo nầy nhìn qua tôn giáo khác với những thành kiến, nghi kỵ, hoặc thiếu thiện cảm; chúng ta dễ thấy hàng tỷ lỗi lầm nơi họ; còn ''mình thì đúng đắn'' hoàn toàn. Ngày xưa anh cũng lớn lên trong bối cảnh ghét người có đạo. Nay anh hiểu rằng những thành kiến ấy không giúp chúng ta nhìn thấy chân lý mà chỉ làm cho mình hao hụt nhân đức, và phân rẽ tiềm năng dân tộc. Ngày nay anh theo Chúa và bị nhiều người chỉ trích. Trong số những người chỉ trích anh, cũng có những người tốt đã từng là bạn thân của anh nữa. Trong lãnh vực đức tin, và nhất là vấn đề xuất thế, lắm khi bạn thân, họ hàng, hay người tốt vẫn không cùng có một ý hướng với mình; cho nên chúng ta không thể tránh được những sự chỉ trích của người khác. Sự chỉ trích cực đoan, quá khích chỉ làm tổn hại tình người mà thôi.
Kể từ khi nhận biết tình yêu Thiên Chúa, anh thấy những người ưa xoi bói, ưa chỉ trích vẫn đáng thương hơn là lấy làm khó chịu đối với họ. Những người ấy không ý thức hết những mặc cảm thua kém, lòng ganh tỵ, đầu óc bè phái hẹp hòi của họ. Chúa là Ðấng cứu rỗi linh hồn mình, chứ không phải các tổ chức tôn giáo cứu rỗi linh hồn mình. Ai mải nhân danh đạo đức, nhân danh truyền thống dân tộc một cách quá khích để thóa mạ các tôn giáo khác, là người tự phơi bày tính cố chấp và lòng hẹp hòi của mình. Nếu em mang một thành kiến hẹp hòi để tò mò tra cứu những sai lầm hàng trăm năm trước của một tôn giáo mà em vốn không ưa thích, cuối cùng em chỉ hụp lặn trong những thành kiến sai lầm cũ rích, phiến diện và không giải quyết được gì cả. Chưa nói đến khả năng hạn hẹp của em không thể nào hiểu những điều sai, điều đúng của các tôn giáo ấy một cách cặn kẽ. Nếu đạo Thiên Chúa hoàn toàn xấu và hoàn toàn bị đế quốc lợi dụng thì không thể nào tồn tại và phát triển để làm phong phú cho nền văn hóa và tín ngưỡng tại Việt Nam nói riêng, và thế giới nói chung. Nếu đạo Thiên Chúa hoàn toàn xấu thì không làm sao có những nhà truyền giáo để lại cho dân tộc Việt Nam cả một pho Quốc Ngữ được Việt hóa một cách hoàn chỉnh cho chúng ta như bây giờ. Thời kỳ đầu của chữ Quốc Ngữ đã có người bị ''kết tội'' học chữ ''ngoại lai'', bỏ chữ ''thánh hiền''. Hồi đó cũng như bây giờ chúng ta vẫn xem chữ Tầu là chữ của ''thánh hiền''. Ngày xưa chữ Hán của Tầu đã được cha ông chúng ta cải biến thành chữ Nôm, nhưng đã mấy ai học được nhiều như chữ Quốc Ngữ. Nếu đạo Thiên Chúa ''xấu'' thì ít nhất cũng đã có hàng ngàn bà xơ nuôi hàng trăm ngàn trẻ mồ côi, trẻ tật nguyền, và hàng chục ngàn người cùi Việt Nam trong đó có Hàn Mặc Tử, suốt mấy trăm năm qua.
Ai dụng tâm tìm hiểu những điều hay của các tôn giáo khác rất có ích cho đời sống tinh thần của mình, nhưng ai cứ để thành kiến của mình sai khiến mình đi moi móc những bất đồng trong các tôn giáo khác để tranh chấp hơn thua là tự đánh mất cơ hội tiếp thu những điều hay cần thiết cho chính mình. Kinh Thánh bảo rằng người ấy nhìn thấy cọng rác trong mắt anh em, nhưng không thấy cây đòn tay trong mắt mình.
Theo anh, những tác giả chỉ trích đạo Chúa trong quyển ÐTVÐGH đã tỏ ra quá khích, quá dại dột vì kiến thức hẹp hòi và những thành kiến bó rọ của họ. Nếu các chỉ trích đạo Chúa trong quyển sách ấy được viết với lời lẽ ôn hòa, bày tỏ tinh thần xây dựng, có đạo tâm đúng với ý nghĩa từ bi của Phật Giáo, chắc chắn có nhiều người cảm mến. Còn về nội dung của quyển sách ấy có điểm nào sai sót một cách tương đối vẫn có thể cảm thông được. Sự hiểu lầm khách quan, không cố ý vẫn còn có cơ hội sửa chữa. Nhưng những thành kiến hẹp hòi với sự ác ý có chủ tâm thì hết thuốc chữa. Ðó là một loại tội lỗi nhân văn. Các thứ ấy đóng thành đá trong lòng người làm xơ cứng cả sự hiểu biết về đạo lý cao thượng; dù lời nói, câu văn của họ khi mới nghe qua có vẻ như cao thượng.
Tại Việt Nam, năm 1981 Việt Cộng thực hiện một chiến dịch bắt bớ đạo và phá hoại sự đoàn kết giữa các tôn giáo quốc nội bằng cách cho xuất bản quyển Tây Dương Gia Tô Bí Lục. Ðây là một quyển sách bóp méo sự thật, kỳ thị tôn giáo với một trình độ rất ấu trĩ. Người viết không căn cứ vào sử liệu khách quan, không có bằng chứng cụ thể, lại cố tình hư cấu những vấn đề lịch sử một cách tiểu xảo đầy ác ý. Chính phủ Việt cộng cho ra quyển sách nầy được 2 tháng là đã bị nhiều người chê khinh về sự dốt nát và ác tâm của tác giả cũng như nhà xuất bàn Khoa Học Xã Hội. Thế là Việt Cộng vội vàng thu hồi quyển sách ấy, vì đã thấy rõ tính cách phản tác dụng của nó. Mục đích tối tăm của họ đã trở thành gậy ông đập lưng ông. Người cộng sản dù rất khôn lanh việc ác, nhưng dốt nát việc lành. Thế mà ngày nay có những người ''trí thức'' hải ngoại đang nhai lại phế liệu của Việt Cộng. Cách đây mấy chục năm, ông Cao Huy Thuần viết luận án tiến sỹ với đề tài Ðạo Thiên Chúa và Chủ Nghĩa Thực Dân tại Việt Nam. Ông ta trích dẫn các chứng từ trong những kho sử liệu mật của Phương Tây về các nhà truyền giáo Thiên Chúa đã dựa vào thế lực đế quốc để truyền đạo vào Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc. Ông Thuần nói rằng cần nêu lên những sử liệu đã từng bị đế quốc che giấu, chứ không phải vì ác ý mà khơi lại những căm thù cũ nhằm gây thêm phân rẽ trong hàng ngũ dân tộc mình. Dù có ác ý hay không có ác ý, những điều ông Cao Huy Thuần viết đều căn cứ vào sử liệu. Những người trong cuộc cần lắng lòng nghe để rút tỉa bài học kinh nghiệm, nếu mỗi bên tin rằng truyền thống văn hóa hay đạo giáo của mình là chân thiện mỹ. Ai đã tin rằng mình có chân lý trong tim thì không cần phải tỏ ra hung dữ cộc cằn làm gì. Dù tôn giáo mình là chánh đạo, nhưng cách truyền giáo của những tu sỹ thiếu sự chánh trực, thì giáo hội nên nhận lỗi. Giáo Hội nhận lỗi thành thật là một cách làm sáng danh Chúa. Ngược lại, những sự kiện bắt bớ, sự sát hại người có đạo là những tội ác không nên ca tụng. Có như thế mới chứng tỏ rằng chúng ta là hậu duệ của một dân tộc yêu chân thiện mỹ.
Ðọc quyển Luận Án Tiến Sỹ ấy, anh hiểu chính xác hơn về các lời đồn xưa nay. Xem xong, anh thấy hầu hết các phe trong nước đều đã làm cho nhau thành nạn nhân của sự cố chấp, tính hẹp hòi và sự cuồng tín, cực đoan. Ðã là đế quốc thì thường là ngang ngược. Nhưng tinh thần dân tộc cực đoan và sự thiếu sáng suốt của chúng ta cũng đã gây thêm những hậu quả đau thương không kém. Thật đáng tiếc cho một giai đoạn lịch sử Việt Nam, khi mà hàng trăm người tuẫn đạo dưới chân voi và đao phủ thủ. Anh nghĩ rằng lòng tin và sự hiểu biết về đạo Chúa của người Việt Nam cách đây mấy trăm năm tuy rất xác quyết, nhưng chưa phong phú, chưa trưởng thành như hôm nay. Bên cạnh đó, não trạng của những người Việt Nam còn nặng luân lý Ðông Phương cực đoan và tinh thần chống Pháp thời ấy cũng gay gắt hơn con người bây giờ. Dù chỉ vô tình, chúng ta không nên xúi nhau lặp lại những mối thù của lịch sử nữa. Chúng ta không thể chấp nhận lỗi lầm của người đi trước, nhưng không vì thế mà cứ oán ghét họ đến nỗi phải kéo lê thê lòng thù hận thêm lâu dài. Em thử coi chế độ giáo dục của Cộng Sản luôn luôn chú trọng đến một mục đích huân tập tính căm thù. Trẻ em lên ba, lên bốn đã phải học những bài ca, những câu chuyện căm thù đế quốc hàng trăm năm trong quá khứ. Suốt nửa thế kỷ qua, kết quả nền giáo dục hận thù của CSVN đã và đang đưa các thế hệ trẻ vào ngõ cụt như thế nào? Còn gì để chối cãi nữa không?
Ngày nay chúng ta đã đi quanh vòng trái đất, đã có cơ hội nhìn xa thấy rộng, vậy hãy nhìn nhận nỗi đau của dân tộc bằng trí tuệ và tâm tình trưởng thành, phóng khoáng hơn với tinh thần trách nhiệm cao hơn. Dù tình yêu dân tộc chưa phải là tình yêu siêu việt tuyệt đối, cũng chưa phải là con đường giải thoát về niết bàn hay thiên đường, nhưng đây là một phần rất quan trọng trong tình yêu nhân bản và không thể thiếu trong bất cứ người Việt Nam nào. Em là một Phật tử, em tin rằng nơi ở cuối cùng đời sau của linh hồn em là nơi Hoa Khai Kiến Phật Ngộ Vô Sanh, hoặc cao siêu hơn nữa là Nơi Không Có Nơi Nào (Chơn Không Diệu Hữu). Còn anh là một con chiên, anh tin rằng nơi ở cuối cùng của linh hồn anh là Thiên Ðường. Nhưng dù gì đi nữa, hiện tại chúng ta đang là người Việt Nam, con cháu chúng ta trong các thế hệ sau vẫn là người Việt; tình yêu dân tộc của chúng ta dù là một tình yêu trần thế, nhưng không thể coi thường hay bỏ qua được. Hãy xây dựng một tình yêu dân tộc hài hòa cởi mở khi còn sống để chứng tỏ rằng mình muốn đời sau linh hồn được hưởng một kiếp sống tốt hơn thế giới hôm nay. Các Ðấng thiêng liêng có tình yêu thiêng liêng. Con người phàm tục có tình yêu phàm tục. Nhưng con người phàm tục vẫn nhận được tình yêu thiêng liêng khi họ biết tìm đến Ðấng Thiêng Liêng thật sự. Dĩ nhiên nhiều người hiểu chữ Thiêng Liêng theo nhiều góc cạnh khác nhau, và cũng có người tin rằng họ tạo ra được tình yêu thiêng liêng cho họ. Ngược lại, có người tin rằng tình yêu thiêng liêng có sẵn trong Ðấng tạo Hóa. Ðiều quan trọng là đừng để cho mình thừa đức tính kiêu căng tự phụ mà thiếu sự khiêm tốn và lòng thành thật khi nói đến các vấn đề thiêng liêng. Thật là đáng xấu hỗ, vì một số dân tộc trên thế giới ngày nay vẫn còn căng thẳng bởi tỵ hiềm tôn giáo. Nhưng đó là căn bịnh tội lỗi muôn đời trong loài người. Chân lý Cứu Rỗi của Thiên Chúa đã giúp anh vượt ra khỏi những ràng buộc của hình thức tôn giáo, trong khi nội bộ nhiều tôn giáo trên thế gian nầy đã tự phân rẽ và tranh chấp nhau hàng ngày. Nếu các tôn giáo đem sự bình an đầy đủ đến cho thế giới nầy, Ðức Chúa Trời đã không thực hiện chương trình cứu rỗi làm chi. Chúa Jesus đến khi nhân loại đã có nhiều tôn giáo. Chúa Jesus không thêm cho thế giới một tôn giáo, nhưng Người đem Ơn Cứu Ðộ của Ðấng dựng nên vạn vật và nhân loại, điều mà chưa có tôn giáo nào đem đến cho nhân loại.
Sức sống mới (từ trong tình yêu thiêng liêng) Chúa ban cho anh đã giúp anh dám tin con người, và cũng dám nói ra những lỗi lầm của mình mà không sợ bị ai chê cười. Anh tin rằng mọi người dưới bầu trời đều có tội. Tội lỗi là một phần quan trọng trong bản tánh loài người, chứ không chỉ riêng cá nhân ai. Vậy trước hết mình nên vượt qua những mặc cảm tự tôn, tự ty để tự xét về tội lỗi của mình mà ăn năn, sám hối...Khi nói tới tội lỗi, chắc hẳn chúng ta cũng nghĩ đến những tội gì? Nguyên do từ đâu? Tội ấy đã phạm với ai? Ăn năn hay sám hối với ai? Ai là người có tư cách tha thứ tội lỗi? Tha thứ như thế nào? Theo anh, đây là một trong những điểm khác nhau rất thú vị giữa Kinh Phật và Kinh Thánh.
Hãy xem giáo lý nào chỉ rõ căn nguyên tội lỗi của con người và đem đến cho con người một giải pháp thực tế để giải quyết các tội lỗi ấy một cách căn cơ nhất, kết quả nhất trong từng con người một. Hãy thử nghiệm đi, em sẽ thấy kết quả và tìm ra kết luận cho chính mình. Người phật tử chân chính, hay con chiên chân chính là người muốn thoát ra khỏi tội lỗi của chính mình. Vì thế họ tìm hiểu và học hỏi với nhau, tôn trọng sự dị biệt của nhau, làm ích thêm cho nhau chứ không bao giờ muốn đem đến những hiềm khích với nhau.
Hai thế kỷ vừa qua, thực dân Pháp đã đô hộ Việt Nam, nhưng dân tộc chúng ta không chỉ phải chịu đựng một cái ách thực dân Pháp mà còn phải gánh những cái gông của các thế lực chính trị thiểu số khác nhau trong nước. Một phần do sự sa sút, lạc hậu, bất lực của triều Nguyễn, một phần do những bất hòa liên tục giữa các lực lượng chống Pháp; tiếp đến là những sai lầm của các chế độ chính trị hai miền nam bắc Việt Nam sau hiệp định Genève 1954. Nhưng nói cho cùng, kẻ lường gạt gian hùng hiểm độc nhất và lâu dài nhất trong nước là Cộng Sản dưới trướng Hồ Chí Minh.
Ðảng Cộng Sản Việt Nam là một bè đảng vô cùng hiễm độc, nhưng tiếc thay các thế lực chống cộng của người Việt trong cũng như ngoài nước đã không chuẩn bị đầy đủ về đường lối, chính nghĩa và lập trường chính trị của mình trong ý thức chung về tinh thần đoàn kết dân tộc. Mãi đến hôm nay tinh thần dân tộc của chúng ta vẫn còn bị manh mún trong nhiều tầng lớp, nhiều thành phần, nhiều tôn giáo khác nhau; trong khi đại đa số dân chúng là nạn nhân bị phân rẽ do những manh mún sâu sắc ấy. Qua những di lụy lịch sử, một phần dân tộc tính của người Việt Nam ngày nay là tính chia rẽ mà chúng ta cần ý thức để loại bỏ. Khi em đứng vào hàng ngũ dân tộc thì em xây dựng sự đoàn kết dân tộc; chứ không thể gây chia rẽ theo bè phái và tôn giáo trong hàng ngũ dân tộc nói chung. Tầm vóc đức tin vào tôn giáo có thể lớn hơn tinh thần dân tộc trong chúng ta, nhưng dân tộc chúng ta đã dung nạp nhiều tôn giáo để phát triển. Chúng ta không thể tìm ra một phe nhóm hay một đảng phái nào trọn vẹn, sáng suốt, không có tỳ vết. Anh không đứng vào một phe nhóm nào cả, nhưng anh tôn trọng những người yêu nước khác nhau. Chúng ta không phải là cộng sản độc tài, nên không thể buộc người khác phải theo một chủ nghĩa, một đường lối duy nhất của mình. Một điều còn làm cho anh thất vọng, đó là nhiều người Việt Nam chúng ta chưa thật sự biết đoàn kết đúng nghĩa với tinh thần dân tộc của mình. Ai cũng thấy phe mình là trên hết. Người nào không giống mình là mình đá dò lái tối đa.
Ðoàn kết dân tộc không nhất thiết là phải giống nhau từng chi tiết. Dân tộc Việt Nam vốn có nhiều sắc dân. Tuyệt đại đa số là người kinh. Nhưng người kinh mang nhiều sắc thái văn hóa, truyền thống, niềm tin tôn giáo khác nhau cũng như những sắc tộc trên núi. Chúng ta hãy cùng đi đến sự tôn trọng lẫn nhau trong những dị biệt ấy. Trừ những tội ác bất khả dung như tội ác cộng sản, chúng ta nên tìm những ưu điểm của nhau và tôn trọng những sự khác nhau. Sự tôn trọng nhau là cả một thái độ biết sống chung, chứ không chỉ là đầu môi chót lưỡi. Kể cả người cộng sản nào nhận biết những sai lầm hay tội ác của mình và bày tỏ sự ăn năn chân thành đều là những người đáng quý. Chúng ta Hòa, nhưng không nhất thiết phải Ðồng. Những người cộng sản nào còn có lương tâm và tình tự dân tộc, chúng ta cần giúp họ phát triển tinh thần nầy cao hơn nữa, nhưng cũng phải biết dè chừng cái bẫy dò của quỷ vô thần, vô đạo. Dè chừng không có nghĩa là phải diệt sạch cả lũ vô thần, trong khi trên thực tế chúng ta đang là những người bại trận! Hiện nay Cộng Sản nắm quyền thống trị đất nước, chúng ta chỉ lưu vong phiêu bạt, không làm gì được nên chỉ đánh võ mồm và đòi tiêu diệt hết Cộng Sản tức khắc (?) Không cần làm anh hùng rơm đánh võ mồm như thế đâu. Bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào, khi chưa nhìn thấy được giá trị và sức mạnh của sự đoàn kết dân tộc thì đừng vội xưng hùng xưng bá vô ích. Rất nhiều con cóc thấy mình có thể to hơn con bò trong khi vi trùng nhỏ li ti sinh sản trong thân thể chúng rất nhanh mà chúng chẳng hay.
Cộng Sản đang bị loại ra khỏi niềm tin của lòng dân tộc. Chủ nghĩa Cộng Sản đã chết. Nhân loại đã chứng thực rằng chủ nghĩa Cộng Sản là một chủ nghĩa của Satan. Khẩu súng và những xâu còng của họ đang tiêu diệt họ bởi tư tưởng gian hùng phi nhân của họ. Kẻ ác không tồn tại lâu. Chính điều nầy thúc dục chúng ta thiết lập tinh thần đoàn kết, văn minh, trưởng thành trong ý thức chính trị và văn hóa dân tộc càng thêm khẩn thiết hơn. Vì chính chúng ta sẽ là những lực lượng quan trọng để làm chất xúc tác vực lại quê nhà sau hậu quả cộng nô. Cộng Sản vô thần là một chủ nghĩa quỷ quyệt, những việc ác họ làm rất rập ràng, ranh mảnh, tinh vi, có hệ thống. Nếu chúng ta chỉ giành giật sự chống cộng riêng rẽ mà không biết kết hợp với nhau thì kết quả chẳng đi tới đâu. Muốn chống cộng phải biết đoàn kết với nhiều người, phải biết tôn trọng những người chống cộng ở những mặt trận khác mình, phải có tấm lòng tìm cầu tha lực thiêng liêng nữa. Phải biết tận nhân lực mới tri thiên mệnh.
Sở dĩ những người Cộng Sản sợ những người có đức tin tôn giáo là vì con quỷ trong lòng họ sợ quyền năng của Ðấng Thiêng Liêng. Cộng Sản rất sợ người tin Chúa, vì người tin Chúa tuy không làm chính trị chống cộng, nhưng đức tin của họ vững mạnh trong Lời Chúa khiến cho lý thuyết cộng sản khó ảnh hưởng vào tâm hồn người tin Chúa. Cộng Sản rất thích xuất bản các phim ảnh và sách báo nhạo báng Thiên Chúa để gây lũng đoạn hàng ngũ dân tộc và làm mất đức tin của tín hữu Thiên Chúa giáo. Nhưng các chiến thuật phá hoại tôn giáo như thế không làm mất đức tin người tin Chúa. Vì người tin Chúa học Kinh Thánh rất kỹ. Ngày nay chiến thuật phân rẽ dân tộc của Cộng Sản là dùng những người trí thức không cộng sản sẵn có tính cực đoan và háo danh, háo thắng để chống những người có đức tin. Ðó là chính sách ném đá dấu tay khá thiện nghệ của loài quỷ đỏ. Cộng Sản có khá nhiều lý lẽ tinh vi để dẫn lạc những người có đức tin hời hợt trong những tôn giáo khác nhau, đang khi chưa tiêu diệt được các tôn giáo ấy. Riêng người tin Chúa không chỉ nhìn tội ác bó rọ trong chủ nghĩa vô thần Cộng Sản, nhưng họ còn nhìn thấy những mầm móng tội lỗi trong thế giới tự do quá trớn đầy sự cám dỗ của vật chất và lòng tham vô đáy của con người nữa.
Nếu chúng ta không biết đoàn kết, hoặc không có khả năng đoàn kết, con cháu chúng ta sẽ phải tiếp tục gánh lấy hậu quả. Chúng ta không thể đổ lỗi cho ai được. Vì không ai có đủ sức cấm cản tinh thần đoàn kết của chúng ta. Mình có tự do để tỏ thái độ đoàn kết, có tự do để tỏ thái độ phân rẽ, và cũng có tự do đứng ngoài cả hai thái độ đó như người vô trách nhiệm. Anh cũng đã thấy một số người Việt Nam không đứng vào một đoàn thể nào trong cộng đồng dân tộc, họ muốn đứng ngoài để chỉ trích tất cả các giới khác. Hoặc đứng ngoài để kiếm tiền bằng mọi cách. Hãy tìm kiếm những điểm giống nhau mà thương nhau hơn là khai thác những sự bất hòa của lịch sử để tiếp tục gây thêm những phân rẽ tai hại. Hãy vượt qua những sai lầm quá khứ, là những vết thương chung của ngày hôm qua. Ðừng để những vết thương ấy có khả năng làm đau chúng ta mãi. Chúng ta cần biết tự xét và biết phản tỉnh về một số quan niệm cực đoan phát xuất từ mặc cảm nhược tiểu hoặc mặc cảm thất bại của mình. Cái mặc cảm nhược tiểu, mặc cảm thất bại của chúng ta có khả năng hành hạ chúng ta và con cháu chúng ta rất sâu sắc. Nó chẳng những không giúp chúng ta thấy được khuyết điểm để thay đổi một cách tích cực mà lại còn nung nấu trong chúng ta những đức tính và thói quen chủ bại, đổ thừa, đùn đẩy trách nhiệm cho hoàn cảnh, hoặc cho người khác. Ngược lại những mặc cảm nhược tiểu và mặc cảm thất bại là những mặc cảm tự tôn, tính tự hào quá lố cũng đã gây ra những hậu quả thương đau không kém cho dân tộc mình. Chúng ta cần cùng nhau học lại bài học của mình. Hãy can đảm thừa nhận điểm yếu của mình để dụng tâm khai thác những điểm mạnh. Nhìn những dấu chân té ngã của người đi trước để tránh chứ không phải để bươi móc thêm mà tiếp tục xô nhau vào đó một cách đau thương hơn. Trong những chế độ sai lầm vẫn có những con người tốt muốn phục hưng đất nước, nhưng tiếc thay họ chưa gặp thời. Nói cách khác vận nước chưa tới. Số người tốt ít hơn số người xấu. Từ xưa, tổ tiên chúng ta đã nhận biết Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, thế thì hôm nay chúng ta đừng dại dột bỏ qua chân lý đó. Vận nước phải tới, và đang đi tới trước mắt. Hãy chịu khó đọc cho được nỗi đau xót của toàn dân dưới ách cộng sản sẽ thấy chúng ta cần làm gì để nắm lấy vận nước. Dù muốn dù không, nỗi đau của dân tộc vẫn tiềm tàng gây ảnh hưởng vào đời sống của chúng ta và con cháu chúng ta sau nầy nữa, nếu hôm nay chúng ta không biết giải quyết với nhau.