Anh Hai viết:
“Tôi khen ngợi sự hoàn thiện chức năng bác sỹ của Jahn là để so sánh sự vô trách nhiệm của thượng đế. trong một bức thư dài hơn 150 trang cho tôi, anh viết: “Khi một kỹ sư chế ra một cái máy, nếu máy không chạy được, kỹ sư phải chịu trách nhiệm. . . “ Vậy thì ai chịu trách nhiệm về sự sáng thế nầy?”
Tôi trả lời:
Anh so sánh Thượng Ðế với một cá nhân con người nhỏ bé, hạn hẹp là sai. Bác sỹ Jahn là một người tốt, nhưng khả năng làm việc tốt của bác sỹ Jahn không thể nào so sánh với Ðấng sáng tạo vũ trụ vô biên được. Bác sỹ Jahn cũng là một người Tin Lành. Ông ta khiêm tốn, và không tự cho mình là người hoàn thiện như anh nghĩ. Anh Hai là bạn của ông ta, không nên mượn danh ông ta để nói phạm thượng đến Thượng Ðế. Anh Hai lấy tư cách gì mà đòi hỏi ai chịu trách nhiệm về sự sáng thế nầy? Anh đã ý thức hết trách nhiệm của bản thân anh khi anh còn sống trên đời nầy chưa? Anh đã hoàn tất trách nhiệm với bản thân, phụ mẫu, họ hàng gia tộc, vợ con, tôn giáo, xã hội, quốc gia đồng bào chưa? Có bao giờ anh biết cám ơn Trời vì đã ăn cơm trời, uống nước trời và thở không khí trời cho chưa? Ðiều quan trọng là chính anh tìm ra khuyết điểm của mình để “tu sửa”. Những người vô ơn bạc nghĩa, người ăn trái mà không biết Ðấng dựng nên cây cối, đất đai, thời tiết, vạn vật... không phải là người đạo đức đâu! Tôi mong anh nhận thức được sự thiếu sót của chính mình.
Khi một kỹ sư chế ra cái máy, ông ta đã nghiên cứu những quy luật vật lý và kỹ thuật cơ khí. Kỹ sư không chế ra qui luật và vật chất, nhưng ông ta tìm ra và đựa vào các quy luật ấy rồi sử dụng những vật chất do Thượng Ðế dựng nên để chế ra cái máy. Nếu ông ta có một sai sót nào đó khiến cho máy không hoạt động được, ông ta phải chịu trách nhiệm với những sai sót của mình, với khách hàng, với nghề nghiệp của ông ta. Cái máy là vật vô tri giác, nó chạy được hay không là do kỹ thuật ứng dụng vào nó đúng hay sai. Còn Thượng Ðế dựng nên con người có linh hồn, có trí khôn, có cảm giác, có tự do nên con người phải có trách nhiệm về hành động của mình. Con người không chịu trách nhiệm về tốc độ và vòng quay của trái đất, nhưng con người phải có trách nhiệm về tư tưởng, hành vi của mình.
Con người không chịu trách nhiệm về mặt trời mọc ở phương đông và lặn ở phương tây, nhưng con người có trách nhiệm với sự hiểu biết của mình sau khi nhận thức được sự diệu dụng của Ðấng dựng nên vũ trụ. Thậm chí con người còn phải chịu trách nhiệm về quá trình sử dụng những lợi ích thiên nhiên được ban cho họ trên trái đất, và phải biết làm cách nào để tránh gây ra sự ô nhiễm, hư hại cho chính mình. Kinh Thánh dạy rằng Thượng Ðế dựng nên vũ trụ và ban cho loài người quyền quản trị để họ làm lợi cho chính họ. Vậy đừng so sánh con người, là một loài thọ tạo với Thượng Ðế, là Ðấng Sáng tạo. Cũng đừng so sánh con người là một linh vật với cái máy vô tri do con người học cách chế ra. Con người như anh Hai, dám nói là mình muốn chứng quả ngay trong đời nầy được: “sự giải thoát và đều có thể thực hiện được nếu có quyết tâm sự giải thoát ngay chính trong thế gian nầy và ngay bây giờ”, thì chắc chắn anh Hai phải biết trách nhiệm về hành động và tư tưởng của mình chứ? Chỉ có con người mới biết phạm tội, chỉ có con người mới ý thức được điều lành và điều dữ. Cái máy cày không biết phạm tội, con vật không biết phạm tội. Và không ai kết tội cái máy cày hay con vật cả. Con người là một linh vật, phải biết trách nhiệm của mình, và cũng rất cần khiêm tốn học hỏi thêm. Còn trách nhiệm về sự sáng tạo vũ trụ là việc của Ðấng Tạo Hóa. Nếu anh hai chân thành đặt câu hỏi nầy cho Thượng Ðế, Tôi tin chắc rằng Người sẽ làm cho anh Hai thỏa mãn. Người đã hứa: Hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và sẽ mở cửa cho ai gõ. (Luca, 11:10)
Anh Hai viết:
“Anh thắc mắc tại sao trong các chùa bán đủ loại đầu sách mà không bày bán kinh thánh. Anh mới cải đạo nên anh không hiểu gì nhiều về giá trị của kinh thánh (trong và ngoài giáo hội). Tôi thách thức tôn giáo tin chúa nào giám phổ biến rộng rãi kinh thánh đến mọi người. Một nhà hùng biện Mỹ cuối thế kỷ 19 Robert Ingersoll sau khi đọc hết và đọc kỷ cuốn thánh kinh, ông đã đưa ra lời thách thức rằng: Ông sẽ tặng 1000 Ðô la Mỹ (1890) cho bất cứ vị linh mục nào lên bục giảng ở nhà thờ để giảng những đoạn trong Thánh Kinh do chính Ingersoll chọn lựa. Trong nhiều năm không có một người nào giám nhận lời. Từ đó chúng ta đoán ra trong kinh thánh có những đoạn như thế nào. Hơn nữa thời buổi kinh tế thị trường mà anh bày bán những gì có người mua, chứ không loại trừ, kể cả sách phản bác phật giáo. Bây giờ các cửa hàng gọi khách hàng là thượng đế, mà khách hàng đã là thượng đế thì mua thánh kinh làm gì do đó chùa không bày bán thánh kinh là lẽ dĩ nhiên. Vì thánh kinh họ viết thì mua làm gì. “
Tôi xin trả lời:
Trong thư trước của tôi, tôi không hề “thắc mắc tại sao trong các chùa bán đủ loại đầu sách mà không bày bán kinh thánh”. Anh nên đọc lại thư tôi để tránh sự hiểu lầm. Kinh Thánh là Lời Chúa, do đó Chúa có năng quyền gìn giữ nó thông qua lịch sử nhân loại và những ai tin Người. Ai tin Người không thờ quyển Kinh Thánh như một tượng giấy vô tri, nhưng Lời chép trong Kinh Thánh là Lời Sống trong cuộc đời của họ. Anh Hai nên hiểu rằng trong quyển Kinh Thánh cũng có chỗ ghi lại lời của ma quỉ, lời của phàm nhân nữa. Kẻ vô tín không bao giờ hiểu được Kinh Thánh đúng nghĩa, vì họ không có sự sống linh nghiệm của Thánh Linh trong lòng. Giống như lời anh truyền lại cho con anh, không bao giờ các đứa con hàng xóm hiểu ý anh một cách thấu đáo như chính con anh, vì những đứa con hàng xóm chưa sống trong tình cha con của anh. Việc nhà chùa chỉ bán sách bói toán mê tín dị đoan mà không để Kinh Thánh ngang với các sách ấy là đúng lắm. Vì họ biết người mê tín dị đoan tin theo tà đạo, ưa thích những gì ngoài Kinh Thánh mà thôi. Họ khai thác cái lợi trên thị trường mê tín dị đoan mà thôi.
Anh Hai viết: anh “thách thức tôn giáo tin chúa nào giám phổ biến rộng rãi kinh thánh đến mọi người”. Như thế thì anh Hai giống như một người vừa mù, và vừa điếc, vừa mất cảm giác. Nếu không, tại sao mà anh không hề biết rằng Kinh Thánh là quyển sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất thế giới, được nhiều độc giả nhất thế giới từ vua chúa đến bình dân? Kinh Thánh là quyển sách được in ấn với kỹ thuật cao nhất, tinh vi nhất đẹp nhất và cẩn trọng nhất trên thế giới suốt mấy ngàn năm qua rồi. Anh có biết hiện nay có bao nhiêu đài phát thanh rao giảng về Kinh Thánh không? Riêng tiếng Việt Nam cũng đang được dùng để đọc Kinh Thánh trên hàng chục đài phát thanh, và kể cả hàng mấy chục thứ tiếng của người thiểu số ở Việt Nam nữa. Nghĩa là người nào muốn nghe Lời Chúa thì chỉ cần có một cái radio với tầng sóng ngắn là có thể nghe được hàng chục đài trong một ngày, dù người đó sống trong bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào tại Việt Nam. Kinh Thánh là quyển sách được vui mừng tặng không cho bất cứ ai thích đọc, như một người bạn của tôi đã gởi tặng cho anh Hai quyển Kinh Thánh trong dịp tết vừa qua, sau khi ông ấy nghe tôi nói về anh Hai, người muốn xin tôi một quyển Kinh Thánh. Chính Lời Chúa Jesus cũng đã phán: Tin Lành nầy về Nước đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Ma-thi-ơ 24:14)
Anh nói “Một nhà hùng biện Mỹ cuối thế kỷ 19 Robert Ingersoll. . . đã đưa ra lời thách thức rằng: Ông sẽ tặng 1000 Ðô la Mỹ (1890) cho bất cứ vị linh mục nào lên bục giảng ở nhà thờ để giảng những đoạn trong Thánh Kinh do chính Ingersoll chọn lựa.”
Ðối với anh, Robert Ingersoll là nhà hùng biện, nhưng đối với tôi, thì ông ta là một người mù lòng và đầy kiêu ngạo một cách ngu xuẩn. Không bao giờ có một nhà truyền giáo nào muốn lấy 1000 đô-la của ông ta. Không bao giờ có một nhà truyền giáo nào lại chấp nhận đem lời thiêng liêng của Cha Thiên Thượng mà hơn thua với một loại người “hùng biện” kiêu căng như thế. Họ thừa biết rằng những con người thích lý lẽ như vậy không không bao giờ khát khao chân lý, nhưng chỉ nhằm cãi lẽ, huyênh hoang. Kinh Thánh là Lời Hằng Sống, kẻ vô tín bị mù lòng, họ không làm sao thấy ý nghĩa trong Kinh Thánh được. Khi anh xin tôi một quyển Kinh Thánh, tôi ghi nhớ trong lòng và đi kiếm cho bằng được để tặng anh, vì tôi không bao giờ nghĩ rằng anh là loại người “hùng biện” như Robert Ingersoll cả. Kinh Thánh đối với một người như thế thì giống như một chuổi ngọc đeo vào cổ heo mà thôi. Với các lý lẽ cùn theo kiểu Robert Ingersoll của anh không bao giờ nhìn thấy chân lý đúng nghĩa.
Có một điều anh Hai chưa biết. Ấy là khi tuyên thệ nhậm chức, tất cả những vị tổng thống Hoa Kỳ đều đặt tay lên quyển Kinh Thánh vì họ tin rằng Lời Chúa là chân lý thiêng liêng. Hiến pháp Hoa Kỳ có thể thay đổi, nhưng Kinh Thánh vẫn còn đời đời. Anh Hai có biết bao nhiêu triệu người Mỹ đọc Kinh Thánh và Thờ Chúa không? Ngay cả Liên Xô cũ dưới chế độ ”Duy Vật biện chứng bách chiến bách thắng”, đã từng xem tôn giáo là “thuốc phiện đầu độc sự tiến bộ của quần chúng”; nhưng vẫn có hàng chục triệu người tin theo Kinh Thánh. Trên thế giới có hàng tỷ người tin theo Kinh Thánh và thờ Chúa.
Phần còn lại trong đoạn thư nầy, tôi không hiểu anh đọc thế nào mà đứa cháu của anh viết lại rất lủng củng. Tôi không dám sửa văn của anh. Tôi khuyên anh suy nghĩ lại một điều như sau: Trước đây tôi chưa nghe ai nói “khách hàng là Thượng đế” cả. Câu nầy mới xuất hiện trên thị trường kinh tế Việt Nam sau mấy năm “đổi mới tư duy, kinh tế thị trường” bát nháo. Chính những người đã từng độc chiếm thị trường, và xem khách hàng như kẻ được ban phát, nay phải học đòi để nịnh nọt khách hàng bằng những lời nhố nhăng nhằm che đậy cái kinh tế độc quyền thất bại của mình. Những người đó hầu hết là người vô tín hoặc học đòi theo vô tín. Bản thân họ chưa hề hiểu nghĩa đen của chữ thượng đế là gì. Riêng anh, một người trí thức Phật Giáo có ý hướng tâm linh, không nên sử dụng thứ phạm ngôn, khiếm nhã ấy trong câu văn của mình.
Anh Hai viết:
Về phía phật giáo thì anh đã tự nhận là đã ngồi thiền và đạt nhiều kinh nghiệm hơn cả Suzuki, cả thầy Thanh Từ thậm chí cả ông nhất hạnh; về phía đạo tin lành thì anh lại tự nhận rằng chỉ có mỗi một mình anh đích thật được thiên chúa mặc khải, còn các linh mục, mục sư khác không được như anh. Hay! Hay! Hay!
Anh Hai thân mến,
Chỗ nầy cũng bị anh hiểu sai nữa rồi. Khi trao đổi ý kiến với nhau, chúng ta không nên thêm vào những gì không có trong ý kiến của người mà mình đang đối thoại. Tôi có tự cho mình đạt nhiều kinh nghiệm hơn Suzuki, thầy Thanh Từ và thầy Nhất Hạnh đâu? Tôi có tự cho rằng một mình tôi được Chúa mặc khải đâu? Anh đang có bức thư của tôi trong tay anh, nên xem kỹ lại. Nhận ra sự thiếu sót nầy của mình, anh sẽ hiểu rằng Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh niệm, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Ðịnh, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn... tuy nghe rất hay, nhưng không ai thực hiện được đâu!
Về ba nhân vật Suzuki, HT Thanh Từ và HT Nhất Hạnh, tôi vẫn kính trọng họ. Họ là những bậc thầy của tôi ngày trước. Nhưng nay tôi là người trưởng thành, tôi có quyền nhận xét một vài điểm đúng, sai của họ chứ! Chắc chắn họ cũng là những người trần mắt thịt như chúng ta. Không cần phải thần tượng họ một cách quá đáng. Ðối với Suzuki và Thầy Nhất hạnh, tôi không cho rằng mình hiểu nhiều hơn họ. Và việc hiểu nhiều, hiểu ít để hơn thua nhau ở đây đối với tôi không quan trọng. Ðiều quan trọng là tôi có dấn thân thực hành Thiền, và tôi có đức tin để biết và kinh nghiệm về sự Cầu Nguyện với Chúa. Chắc chắn Thầy Nhất Hạnh và Suzuki chưa bao giờ quì gối cầu nguyện với Chúa, nhưng họ đã dám viết ra những điều mà họ chưa từng trải. Chính họ đã làm cho tôi nghi ngờ về lòng thành thật của họ trên các vấn đề khác mà từ lâu họ đã viết ra tràn lan. Anh Hai cũng nên nhớ thêm rằng tôi đã là một người có đi tu mới biết mình không tu được. Nay tôi Tin Chúa và biết Chúa có quyền năng thật. Ðối với tôi, kinh nghiệm sống trong Ðạo dù là ít, nhưng vẫn có thực chất hơn kiến thức về Ðạo mà chỉ gom nhặt từ sách vở. Ví dụ một tên trộm có thể nói về đạo đức rất hay, nhưng thực chất hắn có nhiều kinh nghiệm trộm cắp và nói dối chứ không có kinh nghiệm về đạo đức và sự thật thà. Loại người ăn trộm “kinh nghiệm tinh thần” còn khốn nạn hơn cả những người rủi ro nghèo đói nghèo bị lâm vào cảnh trộm cắp vật chất.
Anh viết:
Theo tôi “bất khả tư nghì “ là một nhóm từ biểu diễn điều không thể hình dung và định nghĩa được, như từ thượng đế chẳng hạn, dạng toán học:
“Bất khả tư nghì<=> Thượng Ðế
=> Bất khả tư nghì <=> bất khả tư ngạ
=> Thượng Ðế <=> Hạ Ðế
Diễn tả không được vì không có đủ ngôn ngữ vào thời điểm ấy để xử dụng. Chứ không phải có một thượng đế trên vũ trụ nầy.
Tôi không như Nietzsch tin có thượng đế để rồi tuyên bố thượng đế đã chết, theo tôi chẳng có thượng đế nào hiện hữu để mà có thượng đế chết.
Tôi không tin vào thánh kinh vì những điều ghi trong ấy lôi thôi không có thực thể và chống lại lý trí con người và khoa học nữa.
Tôi lại không tin vào anh vì anh đã tin vào cái không thể tin được và nhất là anh vẫn là tên phạm phu (chữ của Nietzsch. -
Tôi giữ nguyên cách viết của anh trong đoạn thư nầy và xin khỏi trả lời cho anh, vì tôi không hiểu đủ lối viết văn “dạng toán học” của anh. Khi trao đổi kinh nghiệm về niềm tin và sư sống với nhau, mỗi người chúng ta đều có một khả năng giới hạn. Nhưng nếu tin tưởng và tôn trọng nhau, chúng ta luôn luôn gặt hái những ích lợi đáng có.
Anh viết:
Suốt trong các thư của tôi, tôi không hề tự nhận mình là một trí thức phật giáo mà chỉ là một huynh trưởng G. Ð. P. T, và mỗi huynh trưởng có một mức độ căn bản về ngũ minh: nội minh, nhân minh, thanh minh, công xão minh, y phương minh.
Tôi trả lời:
Anh không tự nhận mình là một trí thức Phật Tử từ lúc thơ ấu; rồi trở thành huynh trưởng cấp Tín. Anh được tốt nghiệp qua hai khóa huấn luyện Lộc-Uyển và A-Dục. Anh chuyên tâm nghiên cứu các tôn giáo và nắm một tờ báo của giới trẻ trong Phật Giáo. Anh là người dẫn đầu của giới thanh niên Phật Tử. Anh còn bảo rằng:” mỗi huynh trưởng có một mức độ căn bản về ngũ minh: nội minh, nhân minh, thanh minh, công xão minh, y phương minh. Anh cũng xác nhận rằng: Từ khi tôi theo đạo phật, tôi không những nghiên cứu kinh điển đạo phật mà còn các tôn giáo khác nữa. ”
Căn cứ vào “lý lịch trích ngang” do anh giới thiệu, căn cứ vào lời lẽ trong thư anh, tôi xem anh là một trí thức Phật Tử chứ gì nữa!
Anh viết tiếp:
Bức thư nầy được viết bởi đứa cháu gọi là ông nội trẻ tôi không muốn trở lại không khí lý luận cho nên tôi không đọc lại. Nếu có lỗi chính tả thì xin anh thông cảm. Những số ghi chú sau mỗi câu trích tiếng Việt điều có câu tiếng anh tương ứng, nếu cần thì tôi gởi sau.
8. Anh viết cho tôi rằng: “Trích thư của tôi” “vì lời văn và ý nghĩa mà anh viết cho tôi một cách bộc trực thẳng thắn chứng tỏ rằng anh Hai chưa có hạnh phúc và còn mang nhiều biên kiến nặng nề lắm”. Thư nầy chắc bộc trực thẳng thắn hơn.
Vì đó đường đi của lời văn và trong cái thư đầu tiên viết cho anh tôi đã lưu ý anh rằng: “ Tôi là đứa mất dạy”, bây giờ thì anh tin rồi chứ gì. Té ra thiên chúa mặc khải cho anh để anh xem bói cho tôi. Xin cám ơn anh nhiều. Thank you very much for it.
Khi còn ở bên phật giáo anh biết hạnh phúc là gì rồi mà anh lại còn nói anh Hai chưa có hạnh phúc.
Tôi trả lời:
Ðúng là lời văn và lý lẽ của anh trong các thư đầu có mùi vị bộc trực nên tôi thích đọc. Tuy nhiên những lý luận bộc trực ấy tỏ ra anh còn bơi lội trong rừng sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Anh cũng cho tôi thấy anh còn mù mờ ngay cả trong giáo lý đạo Phật của anh (dù anh là trí thức Phật Tử). Bởi thế, tôi cho rằng anh chưa có hạnh phúc thật sự trong niềm tin tôn giáo của anh. Anh cũng tự cho mình là “đứa mất dạy” thì tôi cho rằng đó là cách anh chuẩn bị để né tránh trách nhiệm đối với những lập luận thiếu thiện chí đã có chủ ý từ trước. Làm sao anh công nhận mình là mất dạy trong khi anh mặc chiếc áo tràng mỗi ngày trên người và ăn chay, tụng niệm trước Tam Bảo, gia đình, vợ con?
Anh Hai viết tiếp:
“còn cuộc xử án sau cùng của thượng đế mới là bản án không một ai chối cải được. Lúc đó thì có tâm phục, khẩu phục cũng trể rồi”. Ðiều đó tôi biết mà anh và lúc đó tôi cũng chẳng còn minh mẫn để biết mình bị trừng phạt như thế nào.
Tôi trả lời:
Theo Kinh Thánh, sẽ đến lúc Chúa chỉ cho chúng ta thấy lại tất cả hành vi thiện ác của mình trên trần gian. Ðiều nầy thì không ai tránh khỏi và cũng không ai chối cãi được. Vậy đừng chạy trốn bằng cách tự cho rằng lúc đó “tôi chẳng còn minh mẫn”.