Anh viết:
Từ khi tôi theo đạo phật, tôi không những nghiên cứu kinh điển đạo phật mà còn các tôn giáo khác nữa. Ðể củng cố đức tin của mình với đạo phật do đó tôi đọc nhiều loại sách nghiên cứu về các loại sách tôn giáo. Chẳng hạn như:
- Gia Tô Bí Lục
- Tại sao tôi không phải là một tín đồ của Bertran Russeell.
- Ðối thoại với giáo hoàng gioan phao lồ tạp chí giao điểm xuất bản năm 1995 tại California Hoa Kỳ
. .
Nếu anh nhận là đang đi tìm chân lý thì nên nghiên cứu kỹ trước khi quy y.
- “Ðã trót tương phùng trong một quán”.
- “Dẫu trà ôi chuyện nhạt cũng là duyên”.
- Anh kể với tôi những bí nhiệm ơn trên, thì chúng tôi cũng đạt được những bí nhiệm hơn nhiều.
Bấy nhiêu chắc đã đủ với tôi, không muốn kéo dài việc nhốt mình trong cái không khí lý luận.
Phạm Văn Hai
Tôi trả lời:
Ðọc thư anh, tôi nhận thấy anh là một người trí thức Phật Giáo chuyên lục lọi những loại sách rác rến chuyên nói xấu đạo của người khác một cách thiếu khoa học. “Ðể củng cố đức tin của mình với đạo phật”, anh nghiên cứu những quyển sách xấu xa bất chính. Ðạo Phật không dạy về Ðức Tin, vậy anh cũng cố Ðức Tin Ðạo Phật để làm gì?
Ba quyển sách anh liệt kê trên có hai quyển mà tôi đã đọc:
- Tây Dương Gia Tô Bí Lục
- Ðối Thoại với Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ (ÐTVÐGH) của tạp chí Giao Ðiểm xuất bản năm 1995 tại California Hoa Kỳ.
Hai quyển sách nầy không có giá trị khoa học, không có giá trị lịch sử, và cũng không có giá trị về trí thức nhân bản. Hai quyển sách nầy không thể đại diện cho sự hiểu biết đứng đắn của lương tâm con người trí thức Phật Giáo. Ðó là những cuốn sách thuộc loại rác rến nhảm nhí của những người thiếu lương tâm nhân bản.
Quyển Tây Dương Gia Tô Bí lục viết ra trong thời nào? Viết ở đâu? Dựa vào những nguồn tài liệu nào? Người viết nhằm mục đích gì? Sau đó ai thấy người viết đã bị hố, vì các lý luận sai sự thật và sai lịch sử quá trắng trợn nên đã thu hồi để khỏi mất uy tín? Ðây là quyển sách do nhà xuất ban Khoa Học Xã Hội của Cộng Sản Việt Nam ấn hành. Chính người viết và nhà xuất bản cũng phải tự ém nhẹm sự sai lầm, ngu dại của mình sau khi đã lỡ cho xuất bản quyển Tây Dương Gia Tô Bí Lục năm 1981. Thế mà nay anh đem ra để biện bác với tôi. Chẳng lẽ trong bộ nhớ “Phật Học, Tri thức, khoa học” của anh chỉ có các thứ ấy thôi sao? Cách đây 16 năm, khi đọc Tây Dương Gia Tô Bí Lục, tôi rất lấy làm hỗ thẹn cho sự hiểu biết ít ỏi và lòng dạ đầy ác tâm của tác giả. Tuy nhiên tôi cũng có một hy vọng rằng thời gian sẽ là người thầy giúp tác giả thấy được cái ngu trong quyển sách của mình. Nhưng chỉ vài tháng sau đó là họ thấy ngay. Họ sợ dư luận, sợ phản tác dụng nên vội vàng thu hồi quyển sách ấy. Nếu quyển sách ấy còn lại đâu đó thì nó là bằng chứng hùng hồn về sự ngu dại dột của những người chống đạo Chúa.
Quyển Ðối Thoại Với Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ. . . của nhóm Giao Ðiểm gồm 18 tác giả cùng nhau viết cũng tệ hại như Gia Tô Bí Lục. Họ là những người dùng mắt để đọc chữ mà không hề dùng trí để đọc nghĩa. Anh nên đọc thêm bài viết của ông Ðỗ Mạnh Tri nhan đề là Ngón Tay Và Mặt Trăng (Nói với 18 tác giả của Giao Ðiểm). Ông Ðỗ Mạnh Tri, có lẽ một người Thiên Chúa Giáo Việt Nam ở hải ngoại có một cái nhìn triết lý trên cơ sở Thánh Kinh, truyền thống văn hóa đông cũng như tây. Ông có một cái nhìn sâu nhiệm vừa bác học, lại vừa bình dân qua lịch sử triết lý và tư tưởng. Ông cũng có một số nhận xét muốn gởi gắm đến các tác giả của quyển Ðối Thoại Với Giáo Hoàng. Hy vọng rằng 18 tác giả của sách “Ðối Thoại” ấy cũng đã đọc ông Ðỗ Mạnh Tri. Tôi mong họ viết lại ít nhiều để bày tỏ sự hiểu biết tốt hơn của họ, chứ đừng im hơi lặng tiếng như chiếc pháo sau khi nổ tan tành.
Tôi nhận thấy nhóm Giao Ðiểm “độc thoại tập thể” đúng hơn là đối thoại. Giọng văn họ biểu lộ đức tính sân si, hồ đồ, thiếu đạo đức. Họ tự chứng minh tinh thần dân tộc cực đoan, quá khích, đầy mặc cảm của mình. Quyển sách nầy không nêu lên tinh thần cầu tiến của những Phật Tử chân chính. Họ lấy cớ đối thoại với Ðức Giáo Hoàng để tung ra những lập luận tối tăm, phẫn hận bị dồn nén lâu ngày. Tiếc thay họ đã phơi bày căn bịnh u trầm của họ từ lâu một cách quá lộ liễu. Căn bịnh u trầm nầy đã đưa dân tộc ta vào những hiểu lầm, phân rẽ và chết chóc tang thương mà chính tôi đây, khi còn trai trẻ, cũng đã từng bị lôi cuốn vào trong những cơn lốc ấy một cách nhiệt tình và đầy ngu dại! Các tác giả của hai quyển sách nói trên đã ném đá nhưng không kịp dấu tay. Thậm chí có người đã ném đá vào lịch sử rồi mà cứ tưởng tay mình đang nắm cả “Chân Không Diệu Hữu” để “cứu nguy dân tộc”. Dầu sao hai quyển sách ấy mới chỉ là hai viên đá cuội nhỏ đại diện cho sự thiển cận rất to. Cơn lốc phân rẽ đã và đang thổi vào vết thương dân tộc suốt bốn mùa trong mỗi năm, nhưng dân ta có quá nhiều than xác chai lì nên chẳng mấy ai cảm nhận máu chảy ruột mềm!
Ngoài ông Ðỗ Mạnh Tri còn một người Việt nam khác viết phê bình về 18 tác giả của quyển “Ðối Thoại” ấy nữa. Nếu anh Hai thích tìm hiểu thì nên đọc để rút kinh nghiệm. Ðó là ông Dương Ngọc Dũng viết quyển Nhận Ðịnh Về Các Trí Thức Phật Giáo Trong Nhóm Giao Ðiểm. (Phê bình quyển “Ðối Thoại Với Ðức Giáo Hoàng”). Sau khi đọc ông Dương Ngọc Dũng, tôi rất ngạc nhiên về sự hiểu biết kỹ lưởng, chi tiết và sâu sắc của ông Dũng về Phật Học, về Kinh Thánh cũng như về lịch sử tôn giáo. Ðối với tôi, trình độ hiểu biết như thế là do sự nghiên cứu công phu, dày dạn. Ông Dương Ngọc Dũng là một người thông thái có trí nhớ đáng phục. Ông Dương Ngọc Dũng đã viết thẳng thừng và phê phán rất nặng đối với “các trí thức Phật Giáo Giao Ðiểm”, và đối với cả thầy Nhất hạnh, Suzuki, Minh Châu, Phạm Công Thiện, Nguyễn Ðăng Thục... Có nhiều trưng dẫn về Phật Học trong quyển sách nhỏ của Ông Dương Ngọc Dũng mà trước đây tôi chưa hề đọc. Nhưng những điều mà tôi đã học lúc ở chùa, dù đã bỏ quên suốt 30 năm qua; nay tôi đọc lại trong quyển sách ấy khiến cho tôi cảm phục những hiểu biết tổng quát và chi ly trong bộ nhớ của ông Dương Ngọc Dũng. Tôi nhận thấy ông Dương Ngọc Dũng là một nhà nghiên cứu Phật Học lỗi lạc nhất từ trước đến nay. Về cách “lột mặt nạ” của ông Dũng trên các bộ mặt “trí thức phật Giáo Giao Ðiểm” thì tôi cảm thấy đau lòng. Có lẽ “thẳng mực tàu là đau lòng gỗ”.
Có thương mới chịu ngàn đau xót
Biết gạn đục trong nước vẫn còn
Ngày nay người theo đạo Chúa ở các nước Âu-Mỹ, khi nghĩ đến Phật Giáo cũng như các cội ngưồn triết học, văn hóa Á Ðông, họ tỏ ra kính trọng và muốn tìm hiểu một cách nghiêm túc; chứ không bài bác tôn giáo khác một cách hồ đồ như nhóm Giao Ðiểm, tác giả “Gia Tô Bí Lục” và cũng như anh Hai Bảo Lộc. Ngày nay thái độ thân thiện và tinh thần học hỏi về các nền văn hóa, tôn giáo khác của những người Tây Phương đã nói lên tính cởi mở và tinh thần tôn trọng văn hóa Á Ðông ở nơi họ. Họ biết tôn trọng các giá trị tinh thần khác nhau của nhân loại, chứ không nhạo báng tư tưởng và niềm tin của người khác một cách mọi rợ như nhóm Giao Ðiểm.
Dù đạo Chúa bị bắt bớ, bị chê cười, nhưng hiện nay đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Gần một chục triệu người Việt Nam đã tin Chúa. Trong lịch sử cận đại, hàng ngàn người Việt Nam đã chịu tử đạo để giự đức tin của mình. Ðó là bằng chứng hùng hồn về tình yêu của Thiên Chúa đối với một dân tộc còn đi trong tối tăm.
Tôi tự hỏi rằng Phải chăng sự la lối và phê bình quá nông nổi của nhóm Giao Ðiểm và của anh Hai phát xuất từ một mặc cảm bị thua kém, tính ấu trĩ của giới trí thức không phải là trí thức? Tôi nghĩ Phật và Chúa không cần chúng ta đem những lý luận thô thiển của mình để binh vực các đấng ấy đâu. Chúa và Phật muốn chúng ta thành thật với chính mình dù mình hiểu hay chưa hiểu hết những gì các đấng ấy đã truyền dạy. Năm ngàn đệ tử của Ðức Phật công khai đứng dậy ra đi vì không hiểu những gì người dạy. Ðó là thái độ chân thật mà được Phật đã tôn trọng và không ngăn trở họ. Tôi tin chắc rằng Ðức Phât không xem rẻ đức tin của tôi như anh Hai và nhiều người khác trong Ðạo phật đã làm. Ngày xưa Ðức Phật là một người có lòng đi tìm chân lý như tôi bây giờ.
Về những bí nhiệm mà anh cho rằng anh “cũng đạt được những bí nhiệm hơn nhiều”, tôi xin chúc mừng anh. Tuy nhiên tôi cũng xin lưu ý với anh Hai rằng những mầu nhiệm thiêng liêng chân chính luôn mang đến cho con người thái độ tin kính, và thỏa lòng với đức khiêm tốn, lòng thương xót, sự bao dung, nhân từ độ lượng. Còn sự bí nhiệm đến từ hoang tưởng của bóng tối phàm nhân chỉ gây cho con người kiêu căng, khích bác, phạm thượng và lừa dối cả với chính mình nữa.
Sự giả hình của Satan có khi tinh vi đến nổi người phàm mắt thịt rất khó nhận ra. Nhưng khi một người trở về làm con Thiên Chúa, Người ban cho người ấy Ðức Thánh Linh, để người ấy có sự sáng của Người mà nhận biết chân và giả. Giống như chúng ta đi đêm phải có ngọn đèn. Ngọn đèn là điều kiện khách quan, còn con mắt mở ra hay nhắm kín lại là điều kiện chủ quan. Ðêm tối, mở mắt, nhưng còn cần đến ngọn đèn. Ôi đêm đen thật là rùng rợn! Cũng bởi sự soi sáng của ngọn đèn Thánh Linh, Thánh Phao Lô viết rằng: “Nào có lạ gì đâu, quỉ satan hiện nguyên hình Thiên Sứ Sáng láng”. (IICô-rin-tô 11:14). Cũng vì ý nghĩa chân giả bất minh ấy, Chúa Jesus nhắc nhở môn đệ Người: Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé. Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được. Nào có ai hái trai nho nơi bụi gai, hay là trái vả nơi bụi tật lê? Vậy, hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu. . . . Ấy vậy các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được. (Ma-thi-ơ 7:15-20)
Thư anh còn có câu sau đây:
“Nếu anh nhận là đang đi tìm chân lý thì nên nghiên cứu kỹ trước khi quy y. “
Tôi trả lời anh:
Chắc anh Hai đã biết rằng nhiều người Á Ðông sinh ra trong gia đình Phật Giáo, họ theo truyền thống đó mà trở thành Phật Tử khi còn bé. Tôi cũng vậy. Khi còn bé gia đình tôi dạy những điều xấu xa của Ðạo Chúa khiến con tim thơ dại của tôi có ác cảm với đạo Chúa. Ðọc lịch sử Ðức Thích Ca, lòng tôi muốn học theo người. Khi ấy mình còn nhỏ quá, chưa có đủ trí khôn để suy nghĩ kỹ trước. Ngay cả Ðức Phật cũng thế. Người đi tìm chân lý và đã quy y theo nhóm Khổ Hạnh Ðầu Ðà trong khi người chưa biết nhóm nầy tu theo những giáo lý sai lạc.
Hồi còn tu bên Phật Giáo, có một lần tôi xin vào dòng Thiên An Huế để thăm linh mục Nguyễn Công Phương. Nhân dịp Noel năm 1967, tôi ở lại đêm trong dòng Thiên An Huế. Tôi được LM đan viện trưởng Lê Văn Thái và các vị khác trong dòng tu nầy tiếp đãi ân cần. Lúc đầu tôi nghi ngờ rằng họ chơi trò xã giao. Nhưng sau khi trở về chùa, tôi nhớ lại từng chi tiết và cách thức họ đón tiếp, kính trọng, săn sóc tôi. Một vị linh mục tại đó nói: “Chúng tôi rất vui mà tiếp thầy Huệ Nhật, vì chúng tôi tin rằng thầy là khách mà Chúa đưa đến với chúng tôi”. Hồi đó tôi không tin tưởng họ lắm. Nay trở về trong tình yêu Thiên Chúa, tôi được học và sống với ý nghĩa nầy trong Kinh Thánh: Hãy hằng có tình yêu thương anh em. Chớ quên sự tiếp khách; có khi kẻ làm điều đó, đã tiếp đãi thiên sứ mà không biết. (Heb-bơ-rơ 13:1-2). Vâng đây là câu Kinh Thánh dễ hiểu, nhưng không thể thực hiện một cách hết lòng nếu không có đức tin trong Chúa. Bây giờ tôi mới biết rằng họ đối xử tốt với tôi vì họ sống theo đức tin trong Lời Chúa. Tôi học thêm câu Kinh Thánh nầy: Trong anh em có người nào khôn ngoan thông sáng chăng? Hãy lấy cách ăn ở tốt của mình mà bày tỏ việc mình làm bởi khôn ngoan nhu mì mà ra. Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng lẽ thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác thịt, về ma quỉ... (Gia cơ 4:13-15).
Anh Hai thân mến,
Sau khi đọc lá thư cuối cùng của anh, tôi cảm thấy khó trả lời. Nó trở thành một gánh nặng trong lòng tôi. Vì bức thư của anh chứa đầy sự nhạo báng mỉa mai. Sau một tháng suy gẫm và cầu nguyện, tôi phải viết cho anh một lần cuối cùng. Khi thật lòng cầu nguyện với Chúa, tôi thấy tình yêu trong lòng tôi đã chiến thắng những tỵ hiềm kích bác mà anh gởi đến cho tôi. Sự chiến thắng nầy quả thật là một hạnh phúc lớn cho bản thân tôi trước. Tuy nhiên giữa hai chúng ta, sau một thời gian dài trao đổi; tôi vẫn muốn được gạn đục khơi trong. Cái gì hay thì mình trân trọng, cái gì vô ích, vô nghĩa thì mình phủi sạch cho nhẹ lòng và nhẹ chân. Vì mình còn đi trên linh trình về miền Vĩnh Cửu trọn lành, một vài hạt cát nhỏ trong chiếc vớ có thể làm cho chân khó chịu, và khiến bước đi mất vẻ thong dong thoải mái trên đường dài.
Tôi trân trọng chào anh và chúc anh khỏe mạnh. Nếu còn viết thêm, anh nên viết lịch sự hơn, có cở sở thực tế hơn. Nếu không có gì tốt hơn thì chúng ta chấm dứt ngang đây. Cuối cùng tôi vẫn luôn cám ơn anh đã chịu khó viết cho tôi. Tôi luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ anh hiểu biết thêm về Chúa nếu lòng anh thật sự muốn điều đó. Tôi sẽ đọc lại tất cả những gì chúng ta đã viết cho nhau để hiệu đính lại các lỗi chính tả. Tôi sẽ in lại thành một quyển sách, và sẽ gởi cho anh một bản. Hy vọng rằng nhiều người đọc thư của chúng ta sẽ cho chúng ta thêm nhiều nhận xét thú vị hơn.
Cuối cùng xin cám ơn anh Hai thêm một lần nữa. Vì qua cuộc đối thoại nầy, tôi được ôn cố tri tân. Tôi được hồi niệm ơn lành của Chúa và được ấp ủ với hạnh phúc của mình khi đã quay về với Cứu Chúa Jesus. Tôi có thêm những chiêm nghiệm về ý nghĩa mà sự chết của Người xẩy ra trong bản ngã hư hoại đầy tội lỗi của tôi, cho tôi từng bước sống lại trong năng lực phục sinh của ngài, để trở nên một tín đồ của Ðấng Cơ Ðốc.
Nguyện Chúa an ủi anh Hai và chỉ dạy cho tôi nhận biết những lời văn thiếu gây dựng mà tôi vô tình viết cho anh Hai. Kính chúc anh Hai và gia quyến vạn an. Cầu xin Chúa ban phúc lành cho anh Hai và dòng dõi con cháu của anh bây giờ cũng như về sau có cơ hội nhìn biết Ðức Chúa Trời, là Ðấng dựng nên vạn vật. là Cha Yêu Thương của nhân loại.
Gởi anh Hai
Chút lòng tri ngộ gởi anh Hai
Niệm, tưởng ngàn thu hẳn khá dài
Ai lấy tay mình đo hết được,
Trăm năm, một khắc sớm chiều phai
Chút lòng tri ngộ gởi anh đây
Lời lẽ tương thông giữa chốn nầy
Khẽ tiếng sương reo hồn xúc động
Một niềm tin tưởng vượt từng mây
Mãi ngắm quê nhà hoa lá bay
Mùi hương cây cỏ tỏa đêm ngày
Giọt sương rơi xuống miền đất rộng
Thức giọt trần ai mắt đã cay
Xin gởi về anh nỗi xót thương
Làm duyên tao ngộ giữa con đường*
Nhìn ra phía trước xuân còn rộng
Ngoái lại đằng sau những đoạn trường.
*“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau” Bùi Giáng
Sài Gòn mùa hạ 1998
Nguyễn Huệ Nhật