Anh Hai viết:
(11) Ðã là sự thật (chân lý) thì bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào (không gian thời gian) cũng là sự thật chứ không phải vì con người mất phẩm chất nói ra sự thật đó thì sự thật đó cũng mất bản chất theo người nói. Trường hợp PCT, ông ta có một lý trí vững vàng và sáng sủa, chứ không mê muội. Anh có đọc chuyện "quả báo làm mẹ đau khổ" không. PCT rơi vào trường hợp tương tự.
(12) Về PCT, anh lấy tiêu chuẩn đạo đức phật giáo để lên án PCT. Do đó tôi cũng phải dựa vào một phần nào tiêu chuẩn đạo đức thiên chúa giáo để phê phán PCT, chỉ có thế thôi. So sánh tội lỗi của PCT với các vị giáo hoàng thì PCT chưa thấm vào đâu. Anh đừng cho tôi là đang xỉa xói thiên chúa, với một tên vô danh tiểu tốt như tôi là cái gì, hơn nữa anh là tin lành, có phải là thiên chúa giáo đâu.
Tôi trả lời:
Chúng ta nên quên chuyện PCT đi. Con người chúng ta chưa ai dám tự cho mình tốt hơn ai. Sự phạm giới như PCT thì ở trong chùa không thiếu gì. Không cần mất công với những chuyện lẩm cẩm đó. Có khi một nhà sư vì muốn tạo cho mình một uy thế lãnh đạo trong giáo hội nên đã cố gắng giữ được giới tà dâm bề ngoài. Tôi muốn nói là bề ngoài đời sống ông ta thì không ai thấy ông ta phạm giới tà dâm với ai cả. Nhưng thực tế, ông ta muốn hạ uy tín người bạn đồng liêu của mình nên đã gài bẫy cho một nhà sư khác vào một hoàn cảnh éo le để nhà sư kia bị cám dỗ và đã phạm giới tà dâm, trót lỡ có một đứa con vơí một nữ Phật Tử. Từ đó nhà sư kia bị mất uy tín nên không thể tranh chấp quyền lực trong giáo hội nữa. Cả hai nhà sư nầy hiện nay vẫn sống gần nhau. Vị sư âm mưu gài bẫy cám giỗ nay đã lên tới chức Hòa Thượng. Tôi thường thăm viếng họ. Vị sư đã trót có một đứa con thì lúc nào gặp tôi cũng vui mừng, cảm động, khiêm tốn. Tôi kính trọng và yêu quí vị sư nầy hơn. Nhưng vị sư đã từng gài bẫy "bạn đồng tu của mình" thì lúc nào gặp tôi cũng khích bác, chọc ghẹo đức tin của tôi. Tôi biết ông ta gồng mình đùa dỡn với tôi để đánh trống lảng những đối với mưu mẹo của ông nói trên, vì tôi biết khá kỹ những việc ấy.
Tôi muốn nói với anh rằng dầu con người có mặc bao nhiêu chiếc áo khác nhau, nhưng cái chất tội lỗi trong họ vẫn ác như nhau. Dù họ là người tu sĩ giữ được một số giới luật bề ngoài, nhưng bề trong vẫn có những tội lỗi khác có khi trầm trọng hơn cả những giới mà họ đã từng vi phạm. Ðạo giáo không bao giờ dạy con người làm ác cả. Nhưng con người vốn có bản chất làm ác núp trong chiếc bóng tôn nghiêm của đạo giáo để che đậy cái ác của mình. Chúa Jesus phán rằng: "Hễ ai ngó người đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi." (Ma-thi-ơ 5:28). Chúa muốn dạy cho chúng ta nhìn thấy tội lỗi cả trong bản chất của con người mình, chứ không chỉ nhìn bề ngoài. Mỗi người chúng ta đều là người; bẩm sinh đều có nhu cầu tình dục từ trong bản năng. Nhưng con người hơn con vật là có lý trí, có luân lý đạo đức, hôn nhân gia đình, có lương tâm để thực hiện điều đó đúng chỗ, đúng lúc, đúng vị trí, đúng người, đúng ý nghĩa. Thiên Chúa không nhìn con người trên chức quyền địa vị của họ để buộc tội, nhưng Người nhìn trong lòng họ để cáo trách và nâng đỡ họ thoát khỏi tội lỗi. Tôi tin rằng Thượng Ðế nhìn linh hồn đức giáo hoàng và linh hồn một ông vua, cũng như linh hồn của một người bình dân đều dáng quý như nhau. Dù màu da có khác, địa vị, học thức có khác, nhưng linh hồn con người vẫn có giá trị như nhau trước mặt Chúa.
Tôi biết bản thân mình không có gì trong sạch nên tôi mới tìm kiếm Con Ðường để tập tểnh học theo sự trong sạch. Tôi bỏ cha mẹ họ hàng mà đi tu cũng vì nguyện vọng ấy, chứ không phải vào chùa kiếm cơm ăn, học để vinh thân như nhiều người khác. Tôi tận tụy kiếm tìm chân lý, và tôi cũng đã sẵn sàng chết cho chính nghĩa, vì tưởng rằng chính nghĩa giữa trần gian nầy có giá trị vĩnh cửu. Trong khi đem hết nhiệt tình như thế, tôi cũng không thể hiểu được rằng mình dâng con tim cho đảo tứ điên tam. Nhưng Thiên Chúa đã nhìn thấy tôi và cứu tôi ra khỏi bóng tối của trần gian. Không phải bởi tôi nhìn thấy Người, nhưng Người nhìn thấy tôi từ trước. Từ khi được Ơn Cứu Rỗi, tôi nhận biết năng lực thiêng liêng của Thiên Chúa là thật. Thật lòng nương tựa vào Thiên Chúa, tôi đã vượt qua rất nhiều cạm bẫy của Satan. Ðiều nầy quá rõ ràng cho tôi đến nỗi tôi chỉ biết tôn vinh, cảm tạ Chúa cho đến khi mình nhắm mắt lìa đời. Dù ai có hiểu lầm, có khinh ghét tôi vì tôi tin Chúa, họ cũng không thể nào kéo tôi xa cách tình yêu của Người được.
Anh viết:
(13) Trở lại cái ý của tôi trong những thư đầu tôi không có ý triển khai việc truy những chân lý mà chỉ gợi ý cho anh rằng:
Anh nên đọc lại phẩm phương tiện trong kinh Pháp Hoa, nhưng anh đã bôi bác hai chữ phương tiện. Chứng tỏ anh không hiểu được dụng ý của tôi dù rằng anh đã được thiên chúa mặc khải hoặc là thiên chúa che mù anh. Trong phẩm ấy (tôi không giám nhắc lại hai chữ phương tiện) khi đức phật sắp đi vào nội dung của kinh thì có 500 vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, . . . đứng dậy rời khỏi đạo tràng. Ðức phật đã không ngăn cản và để cho họ ra đi. Theo tôi suy luận, thì duyên gặp phật của họ chỉ đến đó thôi chứ phật không vơ vào để có số đông. Riêng anh thì không phải vậy vì anh nghĩ rằng pháp phật không chân lý bằng pháp chúa.
Tôi trả lời:
Trong thư trước anh Hai có nhắc đến Phẩm Phương Tiện. Tôi không trả lời chi tiết, vì tôi cho rằng các điểm khác trong thư anh là quan trọng hơn (đối với tôi). Nhưng tôi không hề bôi bác hai chữ phương tiện như anh viết trong thư nầy. Không hiểu tại sao anh Hai hay hiểu thừa những điều tôi không viết, còn những điều tôi viết thật cẩn trọng thì anh Hai lại hiểu thiếu một cách khập khiểng?
Anh Hai bảo tôi nên đọc lại Phẩm Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa vì mục đích gì? Phải chăng anh tự cho rằng anh đã "ngộ" chân lý hơn cả Xá Lợi Phất? Trên thực tế, có một chi tiết cỏn con nhưng rất cụ thể trong Phẩm Phương Tiện nầy đã bị anh Hai làm sai lạc. Ðó là con số năm ngàn vị Tỳ-Kheo, Tỳ-Kheo-Ni, Ưu-Bà-Tắc, Ưu-Bà-Di đứng dậy khỏi chỗ ngồi, chứ không phải "có 500 vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di... đứng dậy" như anh Hai viết đâu. Tôi cũng xin nhấn mạnh cho anh Hai rõ là năm ngàn vị đệ tử đứng dậy trước mặt Ðức Phật sau khi họ không thể hiểu, không thể tin thêm những gì người đang dạy lúc đó. Họ là những người trực tiếp nghe Phật dạy, và cũng trực tiếp từ chối, không muốn nghe thêm. Ngay lúc đó, chính Xá Lợi Phất, một đại đệ tử của Phật cũng không hiểu ý Phật muốn dạy cái gì nên đã ba lần nài xin Ðức Phật giải bày. (Ðạo Phật Ngày nay của Nikkyô Niwano, Trần Tuấn Mẫn dịch, trang 119-120. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam xuất bản năm 1997). Vậy nay anh Hai đã hiểu rốt ráo về Phẩm Phương Tiện nầy hơn cả Xá Lợi phất lúc sinh tiền hay sao mà anh Hai nhắc đi nhắc lại cho tôi như thế? Anh Hai đã đạt được Tứ Vô Lượng Tâm như Phật chưa? Anh Hai thật sự chứng ngộ được Như Lai Tự Tánh và Như Lai Trí Tuệ để thấu rõ vô lượng quá khứ, vô lượng tương lai một cách phù hợp với "khoa học và lý trí" con người như anh Hai thường nhấn mạnh chưa? (Xin xem thêm sách đã dẫn, trang 116, lời Phật giảng cho Xá Lợi Phất). Nếu anh Hai chưa hiểu hết, sao anh Hai lại tin? Sao anh Hai không đứng dậy mà ra đi một cách thẳng thắn như năm ngàn vị trên? Hãy nói rõ về sự giác ngộ của chính anh, xin đừng lấp lững theo loại triết lý nuốt trộng mượn của những người khác. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đã biết chữ mà không biết nghĩa, nào có ích chi! Vậy anh Hai hãy nói theo tinh thần Phật Thừa trong nội tại và tuệ giác của anh Hai đi. Năm ngàn người ấy can đảm thật. Ðích thị, họ ngay thẳng như đứa trẻ la lên khi nó nhìn thấy ông vua ở truồng (Chuyện ngụ ngôn của Andersen Ðan Mạch 1805-1875). Nhưng tiếc thay, tôi đang thấy anh Hai làm người "nâng áo vô hình" của vua ham áo đẹp đi dạo ngoài phố chợ.
Tôi đã đọc phẩm kinh nầy nhiều lần. Với sự hiểu biết Phật Học của tôi qua phẩm kinh nầy thì tôi theo Chúa và học Kinh Thánh là hoàn toàn phù hợp với ý của đức Phật. Tôi không rời bỏ Ðức Phật như năm ngàn vị đệ tử của Người, nhưng tôi đã học kinh nầy khá kỷ và nhận thấy rằng những phân tích về NGHIỆP trong phẩm nầy rất sâu sắc. (xem Ðạo Phật Ngày Nay, Một Diễn Dịch Mơí Về Ba Bộ Kinh Pháp Hoa, của tác giả Nikkyô Niwanô. Bản dịch Trần Tuấn Mẫn. Trang 130-131-132). Nhưng nhờ học Kinh Thánh, tôi mới thấy quan điểm của Phật Học về nguồn gốc tận cùng của NGHIỆP không cụ thể như vấn đề tội lỗi mà Kinh Thánh đã dạy. Do đó cách giải quyết cái NGHIỆP như kinh Phật dạy, tuy lý lẽ rất là hay, nhưng từ xưa đến nay chưa có ai thành công cả. Nếu anh Hai thấy có ai thành công, cứ chỉ cho tôi như tinh thần Giác Tha của Phật Thừa trong Kinh nầy đã dạy.
Về phần tôi, tôi sung sướng khi thấy Chúa Thánh Linh soi rọi, dẫn dắt, cáo trách, an ủi, tỉa sửa cho tâm linh và thân thể của tôi rất nhiều. Những chứng cớ mà Thượng Ðế thi hành trên cuộc sống của mình là bằng chứng quí giá rằng cuộc đời của mình được thánh hóa, được ra khỏi tội lỗi mà Kinh Phật gọi là những ác trược, kiếp trược, kiến trược, mạng truợc, phiền não trược, chúng sinh trược. Tôi thành thật và sung sướng mà thưa với anh Hai về một số kinh nghiệm của tôi. Ðó là nhờ học Kinh Thánh, nhờ ánh sáng của Lới Chúa, tôi hiểu thêm giáo lý đạo Phật một cách khách quan hơn cả khi tôi còn ở trong chùa. Bởi vậy tôi dễ thông cảm đối với các vị tu hành thiền môn ngày nay, mỗi khi thấy sự vướng mắc của tâm thức họ trên cả ba mặt: Thị Tánh, Thị Tướng, và Thị Hạnh của họ. (Từ Thị Hạnh nầy do tôi nói thêm.) Cho nên tôi cũng hiểu tại sao các nhà triết học tây phương có thể thấy được cái hay trong Phật Học. Nhưng các nhà đạo học, thiền học đông phương thì không thấy được cái sâu xa trong Kinh Thánh nên vẫn giữ thái độ kiêu ngạo một cách vừa tinh vi, vừa dại dột, vừa che giấu vừa trắng trợn, mà tiêu biểu nhất là anh Hai và nhóm Giao Ðiểm, cũng như nhiều vị tu hành mà tôi từng gặp bấy lâu nay. (dĩ nhiên là không phải tất cả đâu nhé!). Ðể kết thúc đoạn thư liên quan đến Phẩm Phương Tiện, tôi xin trích dẫn các câu Kinh Thánh sau đây đã được viết ra rất nhiều ngàn năm trước. "Ai đã lấy lòng bàn tay mà lường biển, lấy gang tay mà đo các tầng trời? Ai đã lấy đấu mà đong buị đất? Ai đã dùng cân mà cân núi, và dùng thăng bằng mà cân gò? Ai lường được Thần của Ðức Chúa trời, và làm mưu sĩ Người đặng dạy Người điều chi? Nào Người đã bàn luận với ai? Ai đã dạy khôn cho Người và dạy Người đường công nghĩa? Nào ai đã đem sự thông biết dạy Người, và chỉ cho Người lối khôn ngoan? Kìa, các dân tộc khác nào một giọt nước nhỏ trong thùng, và kể như là một mảy bụi rơi trên cân. " (Ê-Sai 40:12-15a). Những câu Kinh Thánh nầy đã được dịch từ lâu, và được tìm thấy nguyên văn bản cổ tại Tử Hải. Người biết tôn trọng sự thật không vội nói rằng đây là những câu Kinh Thánh đã bị dịch sai hay bị sửa lại.
Càng nghiên cứu vũ trụ, các nhà khoa học càng thấy mình đang lấy gang tay mà đo các từng trời! Chỉ có những người tưởng mình hiểu biết nhiều mới dễ sanh tâm kiêu ngạo và bị vấp ngã. Người khiêm tốn đặt lòng tin vào Ðấng Tạo Hóa có được sự thanh thản, vui mừng và yên nghỉ trong tâm hồn. Vì thế Kinh Thánh dạy rằng "Sự tin kính và sự thỏa lòng là mối lợi lớn" (1Timôthe 6:6). Người nào không có sự tin kính, thiếu sự thỏa lòng là người dễ bất mãn, dễ kiêu căng và dễ phạm tội.