Anh viết:
Giác ngộ là toàn bộ nền tảng triết lý của đức phật đặt trên hai cột trụ: Tứ diệu đế và Bát Chánh Ðạo. Các kinh điển phật giáo chỉ là cách giải thích rộng hẹp cạn sâu mà thôi. Thiết nghĩ tôi không cần phải giải thích hai cột trụ đó, bởi vì anh từng là một đại đức. Nội dung của Bát Chánh Ðạo không có gì là huyền bí mà ở trong tầm thực hiện của tất cả ai muốn giải thoát, không kể là tăng hay tục, nam hay nữ, thậm chí cũng bị giới hạn bởi tôn giáo. Tôn giáo nào cũng thực hiện được nó đòi hỏi phải có:
- Ðời sống đạo đức.
-Thân tâm an tịnh.
-Trí tuệ chiếu sáng.
Chắc có lẽ nhờ được mặc khải mà anh nhận ra rằng Bát Chánh Ðạo không thể thực hiện được nên anh đã phải cải đạo và còn thách thức nữa.
Tôi xin trả lời:
A. Về nhận xét của anh trên hai giáo lý Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo, tôi khuyên anh nên cẩn thận. Coi chừng anh vô tình hay cố ý xuyên tạc Phật Giáo của anh. Anh hiểu quá ít về Phật Học, hay anh lý luận một cách bất cẩn như kẻ điếc không sợ súng? Trước khi nói "Giác ngộ là toàn bộ nền tảng triết lý của đức phật đặt trên hai cột trụ: Tứ diệu đế và Bát Chánh Ðạo", anh nên xem lại bản thân mình đang đứng trên vị trí nào trong toàn bộ giáo lý Phật Học. Ðại chúng bộ? Thượng tọa bộ? Tục Ðế? Chân Như Ðế? Lý thuyết hay là một chuyện, nhưng ai đã thực hiện được? Nếu một lý thuyết hay đến nỗi không một ai thực hiện được thì chúng ta phải xét lại cái giá trị đích thực của nó. Anh ca ngợi giao lý Bát Chánh Ðạo, nhưng lời lẽ anh viết cho tôi đang phản ảnh đức tính ở ngoài Bát Chánh Ðạo. Nếu anh muốn, tôi sẽ chứng minh từng câu một trong thư của anh.
Nhờ lý thuyết bơi lội, người ta thực hành bơi lội. Bơi lội qua sông, qua eo biển hẹp. Nhưng làm sao anh bơi lội qua đại dương mênh mông? Làm sao anh tự áp dụng Tứ Diệu Ðến và Bát Chánh Ðạo để vài tỷ kiếp sau anh thành Phật trong khi mỗi ngày anh không thực hiện nó được một khắc? Phật Giáo nói: Nhất niệm sân tâm khởi, năng thiêu thiên vạn công đức chi lâm. Nghĩa "Chỉ cần một ý niệm sân si khởi lên là đủ thiêu cháy ngàn vạn rừng công đức rồi!" Trong những lá thư của anh viết cho tôi đã chứa biết bao nhiêu ý niệm sân si, anh đếm hết không? Vậy, con ngưòi cần được cứu ra khỏi cái biển tội lỗi, nhiên hậu họ mới có thể học làm lành trong Ơn Cứu Rỗi ấy.
B. Anh cho rằng "Nội dung của Bát Chánh Ðạo không có gì là huyền bí mà ở trong tầm thực hiện của tất cả ai muốn giải thoát, không kể là tăng hay tục, nam hay nữ, thậm chí cũng bị giới hạn bởi tôn giáo", nhưng anh không chỉ cho tôi một người nào đã thực hiện được giáo lý Bát Chánh Ðạo như câu hỏi của tôi trước đây? Tôi chưa thấy một ai dám tự xưng mình đã thực hiện được giáo lý ấy. Riêng anh: những lời nhận xét phạm thượng, nông nổi của anh về Chúa và Kinh Thánh là bằng sống động nhất để thấy sự giả hình của anh đang nghịch lại với giáo lý Bát Chánh Ðạo.
C. Anh cho rằng để thực hiện được hai giáo lý diệu kỳ trên, đòi hỏi phải có:
- Ðời sống đạo đức.
-Thân tâm an tịnh.
-Trí tuệ chiếu sáng.
Tôi nghĩ rằng ai đã có ba thứ trên thì không cần phải nhờ vào hai giáo lý cao xa ấy nữa. Tại sao anh không nghĩ rằng ba đức tánh trên là mặt trăng, còn hai giáo lý trên là ngón tay Cồ Ðàm? Anh nên nhớ rằng khi tôi tu bên Phật Giáo, tôi đã tuyệt vọng vì không hề thấy ai thực hiện được các giáo lý ấy, dù họ rao giảng rất giỏi. Ai thành thật tin và tu theo giáo lý ấy thì mình thấy sự thất bại ngay.
Người tín đồ tôn giáo luôn luôn tin tưởng rằng các bậc tu sỹ đã hành trì các giáo lý mà họ rao giảng hằng ngày. Họ đã "xã thân" từ bỏ cuộc đời phàm tục để chuyên tâm tu niệm thì chắc chắn họ phải có sự thực chứng về giáo lý cao siêu mà họ dạy. Nếu không tin như thế, chẳng có ai theo đạo. Tôi cho anh biết, ai thật lòng đi tu, trước hết người ấy tự thấy mình có nhiều tội hơn hết.
Anh viết:
Rà soát lại từng hành trạng và tư tưởng của Thượng Ðế so với Bát Chánh Ðạo thì đúng bát Chánh Ðạo là lý thuyết không tưởng đối với ông ta. Như anh đã nhận xét về Bát Chánh Ðạo. Do đó đối với phật giáo những vị như thượng đế, Jesus cũng ở trong vòng lục đạo (cõi trời). Phật được tôn xưng là Thiên Nhân Sư. Hồi anh còn là đại đức anh còn nhớ 10 hiệu phật không? Xét theo ý nghĩa của 10 hiệu thì Thượng Ðế không có 1 hiệu nào.
Tôi xin trả lời
A. Anh lấy tư cách gì, khả năng gì và anh dựa vào tiêu chuẩn nào để "Rà soát lại từng hành trạng và tư tưởng của Thượng Ðế"? Nội mấy đứa con của anh, anh đã rà soát hết tư tưởng và hành trạng của chúng được chưa? Ðức Phật cũng có tính khiêm tốn ôn nhu, sao anh không học theo đức tánh đó? Anh làm cho tôi nghĩ đến người mù bẩm sinh phân tích sự sáng! Người điếc giảng giải về âm nhạc!
B. Xin hỏi anh Hai: làm sao anh biết Phật là Thiên Nhân Sư? Anh đọc văn tự mà biết phải không? Văn tự đây:
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai
(Kinh Kim Cang).
Vậy coi chừng anh đã theo tà đạo mà lâu nay chưa biết rằng mình vẫn theo tà đạo.
C. Anh viết: trong mười danh hiệu Phật không bao giờ có danh hiệu của Thượng Ðế. Vô tình mà anh viết đúng. vì Kinh Thánh dạy rằng Danh Người là danh trên hết mọi danh (Philip 2:9b). Nên hiểu rằng Thượng Ðế là Ðấng Sáng Tạo vạn vật, ngoài Người ra, tất cả đều là vật thọ tạo mà thôi. Ngôi vị và phẩm chất đã khác nhau trong căn bản, vậy so sánh bao nhiêu danh hiệu cũng không đúng chỗ. Từ "Thượng Ðế" cũng chỉ là một từ tương đối mà con người muốn bày tỏ ý nghĩa tột cùng cao trọng của Người. Khi con người khiêm cung giao tiếp với Người mới cảm nhận rằng Người là Ðấng vô lượng vô biên. Phật thì ai cũng thành được. Vì Phật là một chúng sinh được dựng nên như mọi chúng sinh, nhưng nhờ tu hành mà thành Phật. "Chúng sanh là Phật sẽ thành". Ngược lại, Chúa là Ðấng Tạo Hóa duy nhất có một và thật, là Ðấng Tự Hữu Hằng Hữu.
Anh Hai viết:
Ðứng vào quan điểm đạo đức phật giáo thì thượng đế đã phạm một tội lớn, và lẽ dĩ nhiên chịu một quả báo lớn: Ba hoa chích chòe, không liệu được sức mình, độc ác diệt chủng liệu bài học ngàn vàng có cứu được thưọng đế ra khỏi vòng của nghiệp lực không.
Tôi xin trả lời:
Tôi nghĩ rằng chỗ nầy anh đã quá phạm vào giáo lý đạo Phật bằng ý riêng của anh. Trong Phật Giáo không hề có giáo lý nói về Thượng Ðế. Phật Giáo không tin Ðấng Tạo Hóa, không tin Thần Linh mặc dù tin có thần thông vi diệu. Tuy nhiên thầy Nhất Hạnh và nhiều bậc tu hành bên Phật Giáo đã nghiên cứu Kinh Thánh một cách trân trọng. Tôi đã đọc một số sách của thầy Nhất Hạnh mà trong đó thầy đối chiếu Kinh Phật với Kinh Thánh. Mặc dầu có những chỗ tôi không đồng ý với thầy Nhất Hạnh. Quan điểm Phật Giáo không bao giờ dám lạm ngôn như câu văn của anh. Anh có quyền và có tự do tin hay không tin Thượng Ðế. Anh Tin, nghĩa là anh tiếp nhận Người cho chính anh. Anh không tin, nghĩa là anh từ chối Người. Dù anh tin, hay anh không tin, Người vẫn hằng còn, vì Người là Thượng Ðế hằng hữu.
Anh viết:
(8) Vô ngã! lẽ dĩ nhiên là anh không còn tin nữa, bởi vì nếu anh tin, tất là anh chửi lại Thượng Ðế, một người luôn luôn đề cao cái ngã của mình một cách không vững vàng. nhưng anh thử nhớ lại hồi còn là một Ðại Ðức thì những gì tạo nên ngã. Hoặc anh chứng minh cho tôi thấy ngã hiện diện như thế nào.
Tôi trả lời:
Ðoạn văn nầy anh viết rất lộn xộn, tôi không hiểu ý của anh muốn nói gì. Chẳng lẽ anh không hiểu Ngã và Vô Ngã là gì? Hình như anh ham lý lẽ quá nên không thật sự đọc lá thư của tôi một cách nghiêm túc. Anh chưa hiểu được ý chính trong thư tôi. Tôi không bao giờ nói tin hay không tin vô ngã, và điều ấy cũng không hề xúc phạm đến ai. Tôi chỉ nói rằng người ta càng diệt NGÃ thì càng làm cho cái NGÃ to thêm mà thôi. Anh có tính lười suy nghĩ, nhưng rất hăng hái chỉ trích. Kinh nghiệm về sự diệt ngã của tôi là sau đây:
Khi tôi diệt được cái TÔI
Là khi tôi lớn hơn TÔI rất nhiều
Khi tôi làm được mọi mọi điều
Là khi tôi lớn hơn nhiều TÔI kia
Khi tôi té ngã bên lề
là khi tôi nhận biết về cái TÔI
Anh viết:
(9) Anh kể cho tôi biết các loại các thứ tình yêu mà Thượng Ðế dành cho loài người qua hành động (sáng thế) và tư tưởng (Thánh kinh) của thượng đế thì như đã nhận định ở trên. Anh lại cho tôi biết thêm rằng có ba thứ tình yêu. Ðiều đó làm cho tôi tức cười bởi vì tôi là 1 phật tử, lẽ dĩ nhiên là tôi có học kinh Duy Ma Cậc kinh đề cập tới lý thuyết bất nhị. Hai còn không có huống nữa là ba. Tôi hỏi anh trong quá trình hình thành cái trần gian nầy Thượng Ðế đã dùng loại tình yêu nào? Phiền hà quá.
Tôi xin trả lời:
Trong thư trước của tôi có đề cập đến tình yêu khiến cho anh bảo rằng tình yêu là cảm thọ. Tôi nhắc lại thư trước, anh đã hiểu lầm về hai chữ tình yêu của tôi như sau: "Anh nói Thượng Ðế là Tình Yêu. Về mặt sự thì chấp nhận được, nhưng về mặt lý, thì tình yêu chỉ là một cảm thọ. Theo Phật Giáo thì cảm thọ cũng là vô thường, nếu Chúa là Tình Yêu thì Chúa cũng là một thứ cảm thọ nên cũng vô thường, tức là không có Thượng Ðế. Ðừng bắt tôi tin cái thứ vô thường".
Ðoạn thư trên của anh đã nhắc tôi nhớ lại bên Phật Giáo nói nhiều về từ bi nhưng họ vẫn cho từ bi là cảm thọ, thuộc về ái nghiệp cần phải đoạn diệt. Nhưng trong ngôn ngữ Phật Giáo, Ðức Phật được gọi là "Ðức Từ Bi". Tiện đây tôi giới thiệu cho anh về ý nghĩa của tình yêu trong Kinh Thánh và trong ngôn ngữ Hy-Lạp. Trong ngôn ngữ Hy-Lạp, chúng ta thấy có ba loại tình yêu khác nhau. Một thứ tình yêu được gọi là tình yêu bản năng. Tình yêu nầy thuộc về bản năng của loài vật. Nó không có trí khôn, cũng không có sự thay đổi. Tiếng Hy-Lạp gọi tình yêu nầy là EROS. Mỗi loài vật được Chúa dựng nên và Người ban cho một thứ bản năng sinh tồn, bản năng yêu thương. Con mèo biết thương con. Con gà mái thương con. Loài ong, loài kiến biết làm việc và bảo tồn sinh sản giòng giống. Loài ong không bao giờ biết học tập để làm cho cái tổ của nó tốt hơn. Con mèo không bao giờ nghiên cứu cách dấu con và bảo vệ con của nó, nhưng hàng ngàn năm nó vẫn biết làm công việc ấy một cách rất khéo léo mà chẳng có ý thức gì cả. Tình yêu EROS nầy không có ý thức, không có trí khôn, không có tiến bộ, không có sự giáo dục hay tu hành gì cả.
Cao hơn tình yêu bản năng là tình yêu khôn ngoan, có trí tuệ, có chọn lựa, có tính toán, có lành và có dữ. Tình yêu nầy hiện diện trong loài người mà anh cho là cảm thọ, tiếng Hy-Lạp gọi là PHILEO. Ðời sống con người càng văn minh hiểu biết, tình yêu nầy càng phong phú và phức tạp, từ cá nhân đến tập thể, từ cộng đồng đến quốc gia dân tộc, từ truyền thống xa xăm trình độ học thức, từ lương tri đếntội ác. Tình yêu nầy rất "tốt đẹp và vô vị lợi" như tinh thần giải phóng nô lệ, tinh thần bao dung không kỳ thị. Nó mang tính chất thiêng liêng như tình cha nghĩa mẹ. Nhưng trong mọi tình huống, mọi cảm thức, tình yêu nầy vẫn hàm chứa tính ác độc ích kỷ. Ví dụ cha mẹ và con cái cũng có lúc thù hận nhau. Vợ chồng cũng có thể đi đến phản phúc lăng mạ nhau làm hại nhau đến tận cùng...
Cao hơn nữa là một loại tình yêu thiên thượng. Tình yêu nầy vô biên vô lượng, yêu không điều kiện. Tình yêu nầy không hề thay đổi. Ðây là tình yêu của Ðức Chúa trời đối với nhân loại. Loài người cần đến với Chúa để nhận Tình Yêu nầy. Tiếng Hy-Lạp gọi Tình yêu nầy là AGAPE. (Tôi đã viết rõ trong thư trước). Ba loại tình yêu nầy không có gì mâu thuẩn với thuyết Bất Nhị, hay thuyết Nhất Nguyên nào cả. Ví dụ tôi nói "một con gà đẻ ba cái trứng". Anh vịn vào "ba cái trứng" để đề cao thuyết Bất Nhị, nghĩa là anh đã ra khỏi đề tài tôi muốn thưa với anh. Tôi không hiểu cái gì đã khiến anh không thấy Nhị Nguyên hay Nhất Nguyên nơi "ba cái trứng" và "một con gà"? Ở đây, tôi không đề cập đến nhất nguyên hay nhị nguyên gì cả, vì những thứ triết học ấy không giúp chúng ta nhìn ra tội lỗi của mình đâu! Trong tình yêu Agape của Ðấng Tạo Hóa, các thứ triết học "nhất nguyên, nhị nguyên" ấy chỉ là cỏ rác phù du thôi anh ạ.
Thực chất, ai là người thật sự cảm nhận được Tình yêu Cứu Ðộ của Thiên Chúa mới thấy được tình yêu trong con người mình còn yếu ớt, mỏng manh và tạm bợ, ích kỷ vô cùng, mặc dầu nó luôn tỏ ra rất cao thượng. Tình Yêu của Thượng Ðế đối với tôi là kinh nghiệm sống của Ðức Tin mà Chúa đã ban cho tôi. Kinh Thánh ghi lại rằng: Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi. ( Cô-rin-tô 13:3). Chính đây là một sự đánh thức quan trọng đối với tôi, vì tôi có chút ít kinh nghiệm của một người từng chịu chết cho Phật Giáo trong năm 1963. Hồi đó, người ta ca ngợi hành động hy sinh tự thiêu của tôi quá nhiều đến nỗi tôi bị ảnh hưởng đến nỗi đã hiểu sai tinh thần và tình cảm của quần chúng đối với bản thân tôi. Sau khi tin Chúa, tôi nhận biết về mình rõ hơn, và nhờ đó, tôi nhìn thấy mối liên hệ giữa các nhân mình đối với dân tộc và tôn giáo một cách chính xác hơn. Ðặc biệt là ý nghĩa và nối liên hệ về tinh cảm, tình yêu của cá nhân mình giũa thế giới mình đang sống.
Bao giờ con người có kinh nghiệm về Tình Yêu thiêng liêng Agape rồi mới thấy tư tưởng triết học là như mây bay gió thoảng. Khi ấy chúng ta biết rằng sự sống trong Ðức Chúa Trời vốn nhẹ nhàng thanh thoát, yên tịnh và hạnh phúc hơn bất cứ một lý lẽ nào.
Thư anh viết, từ câu 10 trở đi: "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Anh nại ra sự gia hộ của Phật A Di Ðà và Bồ tác Quán Thế Âm và anh kết luận rằng câu đó nghịch lý.
Sự giaỉ thoát không những có thể được thực hiện trực tiếp mà còn phải được thực hiện trực tiếp bởi chính mình, chính tự lập của con người và lại càng không phải qua trung gian của bất cứ ai tha lực của chư phật, bồ tát theo quan niệm giải thoát của Tịnh Ðộ Tông hay Mật Tông chỉ có tác dụng cứu độ. Ðưa con người đến cảnh giới cao hơn cho sự tu tập, nhưng ở đó chính con người, trong thế giới tây phương cực lạc, cũng phải tự mình thực hiện sự giải thoát, bằng sự tự mình chứng đắc, giác ngộ chứ không phải do ai ban cho sự giải thoát và đều có thể thực hiện được nếu có quyết tâm sự giải thoát ngay chính trong thế gian nầy và ngay bây giờ. Hai chữ "ơn trên", người tin chúa hiểu là quyền năng của Thiên Chúa hoặc chư thánh thần, nhưng người phật tử thì hiểu là "tha lực" đó là một thứ năng lực khác ngoài tự lực là năng lực của chính mình. "Tha lực" có tính trợ duyên tức là giúp thêm cho tự lực, chứ không có tính quyết định như "ơn trên của Thiên Chúa bên Ki- Tô giáo". Ngoài ra người phật tử còn hiểu là tha lực hiện có ngoài không gian, nằm trong vũ trụ lực, do tâm thức con người tạo nên chứ không phải do đấng thiêng liêng nào sinh ra, kể cả phật lực là lực do các ngài tự tu mà thành chứ không được ai ban phát cho cả.
Tôi xin hỏi lại anh Hai
Anh Hai cho rằng "phải tự mình thực hiện sự giải thoát, bằng sự tự mình chứng đắc, giác ngộ chứ không phải do ai ban cho sự giải thoát và đều có thể thực hiện được nếu có quyết tâm sự giải thoát ngay chính trong thế gian nầy và ngay bây giờ. " Vậy ngay trong thế gian nầy và ngay bây giờ đã có bao nhiêu người giải thoát rồi? Anh Hai đã giải thoát chưa? Nếu chưa, thì bao lâu nữa anh Hai mới "quyết tâm sự giải thoát ngay chính trong thế gian nầy"? Phật Giáo có câu: Niệm một câu nam Mô A Di Ðà Phật - Dứt tám mươi ức kiếp sinh tử trọng tội. Vậy anh Hai đã niệm bao nhiêu câu rồi, và anh Hai đã biết chắc bao nhiêu vạn ức kiếp sanh tử trọng tội của anh Hai đã được tiêu trừ rồi? Khi niệm như thế là anh Hai tự lực hay có nhờ tha lực của A Di Ðà Phật? Tại sao không niệm một câu gì khác của mình hay của Phật khác mà phải niệm A Di Ðà mới tiêu hết tội? Anh Hai có đủ chứng cớ "khoa học" và "lý trí" để giải đáp cho tôi các câu hỏi nầy không?
Lại thêm câu nầy của anh Hai nữa: "Ngoài ra người phật tử còn hiểu là tha lực hiện có ngoài không gian, nằm trong vũ trụ lực, do tâm thức con người tạo nên chứ không phải do đấng thiêng liêng nào sinh ra. " Vậy trái đất quay chung quanh mặt trời lâu nay là do anh Hai tự lực hay là tha lực? Tại sao lực của anh Hai nằm trong vũ trụ mà còn gọi là tha lực làm gì? Và anh Hai đã có lực của mình trong vũ trụ thì cần chi phải nhờ Phật lực của A Di Ðà? Và câu "Ngưỡng mong Chư Phật từ bi gia hộ" mà anh đọc hằng ngày nghĩa là gì? Tại sao nói Phật không gia hộ, không ban phước mà lại cầu Phật gia hộ?