Anh Hai viết:
(2) Anh nhắc đến vụ tự thiêu hụt của anh, may mà anh bị thiêu hụt không thì anh đời đời bị thiêu đốt dưới dịa ngục của Thiên Chúa Giáo. Riêng tôi, tôi lại thấy sự bí nhiệm của Chư Thiên Hộ Pháp, các người đã thấu thị được tư tưởng và sự nông nỗi của anh, nên loại anh ra khỏi vòng những người tự thiêu để bảo vệ Ðạo Pháp và Dân Tộc.
Tôi trả lời các ý trên của anh, với những câu hỏi đơn giản: Làm sao anh thấy được sự bí nhiệm và sự thấu thị của Chư Thiên Hộ Pháp? Ðây là câu nói thành thật, hay là một câu bạo ngôn đối với tín ngưỡng của anh? Hay là anh có đủ lý trí và phương pháp “khoa học” nào để hiểu thấu các người? Hay là anh đã thành chánh quả nên mới thấy được các người bằng thần thông? Tôi nghĩ rằng những lời lẽ mà anh Hai biểu lộ trong lá thư nầy chứng tỏ rằng anh Hai chưa thành chánh quả.
Anh Hai viết:
(3) Anh đã kể với tôi rằng có một vị sư đã tranh luận không lại với anh. Anh bảo: ông ta thua anh. Bây giờ anh tin Chúa và được Chúa mặc khải thì anh huynh hoan như vậy. Còn vị sư kia trung thành với lời dạy của Phật là không nên dại dột phí sức phí thời gian vào việc lý luận việc anh tin thì anh cứ tin để sau nầy anh được vào nước Thiên Ðường của Ki-Tô Giáo còn vị sư kia nếu tu hành đàng hoàng thì khi chết được vào Niết Bàn của Phật Giáo.
(4) Thánh kinh là một quyển sách cóp nhặt nhiều từ các nguồn tôn giáo khác. Vì Thượng Ðế chẳng trao quyền gì hay ho tốt đẹp cho Jesus. Tư tưởng và hành trạng của Thượng Ðế chẳng có gì nổi bật cho nên thánh kinh toàn là những điều rỗng tuếch. Khi dịch T. K ra ngôn ngữ dân tộc nào thì san định lại, (cắt xén và thêm bớt) lại cho phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc đó nên dịch đúng nguyên ngữ thì chẳng ai mà tin Thượng Ðế. Do đó T. K không phản ánh trung thực của nguyên bản, mặc dầu nguyên bản cũng chẳng ra gì. Khi những nhà thần học của giáo hội thiết lập hệ thống của họ thì họ tập trung tất cả những kinh sách mà họ tìm thấy và tùy nghi sắp xếp. Chúng ta hoàn toàn không biết rằng những kinh sách đó mà ngày nay gọi là Cựu Ước có còn giữ y nguyên như khi những người đi thâu thập nói là họ tìm ra hay là họ đã thêm vào, sửa chữa, cắt bớt hay tô điểm thêm.
Cứ cho như thế đi, họ bỏ thăm để quyết định xem sách nào là lời chúa, và sách nào không, trong số những sách mà họ làm ra với những tài liệu thâu thập được. Họ đã bác bỏ rất nhiều, họ bỏ phiếu loại bỏ những sách coi là nghi ngờ, ví dụ như: những sách gọi là Apocrypha và những sách nào được đa số phiếu thì được bầu làm lời của chúa (Selected work of Tompaine, The age of reason P. 293).
Một người có lý trí nào cũng có thể nhận ra rằng trong KT có những điều hoàn toàn phản bội lại lý trí, vì tính chất mong manh của KT nên giáo hội đã khuyến cáo:
- Kinh Thánh là lời chúa là chân lý.
- Giáo hội có độc quyền giải thích Kinh Thánh
- Giáo hội dạy làm sao con chiên phải vâng phục như vậy, không được cãi.
- Ðức tin phải vượt lên trên lý trí con người.
- KT không những đã phản bội lý trí mà còn chống lại khoa học:
- Chuyện trái đất là trung tâm vũ trụ và mặt trời xoay quanh trái đất. Chuyện nầy đã đưa đến việc thiêu sống Guordano Bruno và giam lỏng Galiler bởi vì họ đã nói khác đi do quá trình khám phá và nghiên cứu.
- Chuyện Chúa dựng ra con người cách đây khoảng từ 6. 000 năm đến 10. 000 năm. Nhưng khoa học cho biết con người xuất hiện trên trái đất nầy cách đây nhiều triệu năm. Nếu theo thuyết tiến hóa Darwin, con người từ loài vật tiến hóa lên mà thành, thì không có chuyện sáng tạo, không có tội tổ tông, KT như thế hoàn toàn bị phủ nhận nên các giáo hội tin chúa bắt buộc phải chống lại khoa học.
Theo như phán đoán của khoa học thì Adam và Eva không phải là thuỷ tổ của loài ngưởi thì làm gì có tội tổ tông nếu không có tội tổ tông thì làm gì có chuyện chúa giáng trần chuộc tội cho loài người. Nếu vậy những tôn giáo tin chúa hoàn toàn đã được xây dựng trên những ảo tưởng.
II. Hai chương I và II sáng thế ký trong thánh kinh hoàn toàn mâu thuẫn nhau:
- “Cái vòm trời, cái trời” - bằng đồng thau mà chúa đã vất vả dùng cả ngày thứ hai xây dựng nên với những cửa có thể đóng mở tùy nghi đã được chứng minh là hoàn toàn không có. Ðó chỉ là ảo giác.
- T. K có đến hai Jesus khác hẳn nhau: một Jesus trong Ma-thi-ơ và một Jesus trong Luca. Mà hai ông nầy lại là hai ông lẩm cẩm nói rằng Jesus là giòng dõi của David. Jesus là con của Thánh ma (Holy ghost) thì cần gì phải kể lể dài dòng là thuộc giòng cao sang làm chi. Có lẽ là các ông ấy sợ người đời nhầm lẫn Jesus là con ông thợ mộc không được cao sang cho lắm. Hai ông nầy còn lập ra hai gia phả từ vua david cho tới Jesus.
(5). Tất cả những thế hệ tiếp nối Adam và Eva cho tới Jesus toàn là tên Do thái. Không hề thấy một tên công gô hay tên Việt nào, vậy thì nếu Adam là tổ tông thì có thể là tổ tông dân Do thái mà thôi, hay cùng lắm là tổ tông của các sắc dân quanh vùng do thái, ấy vậy mà các sắc dân ấy lại là Hồi giáo, làm sao lại có thể là tổ tông của nhân loại được.
Ðã không phải là tổ tông của loài người là làm gì có tội tổ tông. Không có tội tổ tông thì cần gì ai chuộc tội hay cứu tội. Vai trò Jesus trở nên thừa thải và vụng về. Anh theo Thiên chúa có khi nào ngoái nhìn lại quá trình hình thành cái trần gian nầy của T. C không.
Nhà văn Lâm Ngữ Ðường con của một vị mục sư thì viết rằng mặc dầu cha ông là mục sư đã giảng đạo lâu năm ông vẫn hoàn toàn không tin ở Thánh kinh. Ông cho rằng nếu quả có một đức chúa cha như đã được mô tả thì ông nầy thật vô cùng tàn ác! Ông ta đã giận dữ giết chết không biết bao nhiêu là người. Adam và Eva chỉ có ăn một quả táo cấm mà thôi, mà đã bị trừng phạt quá nặng nề. Nào là bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, nào là biết xấu hỗ, biết đói rách phải làm lụng vất vả mà kiếm sống.
Ðúng là việc làm vụng về không tiên liệu được khả năng của mình mà tự nhận là toàn năng. Tàn ác hơn nữa là tất cả con cháu của Adam và Eva cũng bị trừng phạt luôn nếu ai lầm lẫn thì trừng phạt người ấy thôi chớ sao lại trừng phạt cả con cháu người ta, tức là cả nhân loại ngày nay. Khi nhận ra (???) sự vụng về của mình nên hối hận và ổng cho đứa con độc nhất (Jesus) xuống thế để cứu nhân loại thì nhân loại giết đứa con nầy một cách hết sức đau đớn, thế mà đức chúa cha im re không phản ứng gì cả và ngụy tạo rằng Jesus tình nguyện chịu đau đớn để chuộc tội cho nhân loại. Ðều nầy cũng vụng về. Trên đời nầy không có ai chịu tội dùm được cho ai cả. Ai làm thì người ấy chịu mà thôi. Vả lại nếu chúa Jesus đã chịu tội cho nhân loại thì sau chúa Jesus, nhân loại (kể cả những Christians) phải hết tội, phải sung sướng lắm mới đúng chớ tại sao vẫn đau khổ đến thế nầy? Người ta còn nhân danh chúa đi chém giết nhau suốt bao nhiêu thế kỉ. Nếu chúa có quyền phép, tại sao chúa lại dung túng điều đó. Ðúng là không biết lượng được khả năng của mình.
Một trong những giáo điều mà Lâm Ngữ Ðường cho là sai lầm nhất của đạo Cơ Ðốc là sự hiện hữu của một địa ngục vĩnh cửu với những hình phạt tàn ác nhất. Một người dù tội lỗi đến đâu thì sau khi bị trần phạt rồi cũng có ngày được tha. Không có lý do gì trừng phạt người ta mãi mãi. Chỉ có những kẻ bịnh hoạn mới nghĩ ra những cách trừng phạt như vậy. Thì ra tôn giáo tin chúa này thường được đánh bóng bằng hình ảnh một vị Thượng Ðế nhân từ bác ái, lại đặt nền tảng trên sự đe dọa đầy ác tính và vô lý. Té ra được mặc khải có nghĩa là được bưng bít che mất lý trí!
Nếu đi tìm chân lý mà chọn con đường rời bỏ lý trí thì chỉ có nước đi vào hố thẳm mà thôi, chẳng ích gì, ngoại trừ đi là danh và lợi. ”
Tôi trả lời:
Ðoạn thư nầy anh viết khá cẩu thả, những danh từ riêng cũng không viết hoa. Chính thư tôi đã viết cho anh mà anh cũng không nhớ hết. Anh lặp lại sai lạc cả ý của tôi. Tôi giữ nguyên mọi cung cách trong thư anh, và chỉ trả lời ngắn gọn.
Cả đoạn thư dài trên đây của anh không cho tôi thấy tấm lòng tìm kiếm chân thiện mỹ của anh. Anh không muốn hiểu Kinh Thánh thì đúng hơn là anh không đủ trình độ hiểu biết. Có một số câu trong Kinh Thánh đã bị hiểu sai. Như một người lợi dụng nước đục để thả câu, anh bám vào đó để lý lẽ một cách khoái chí. Lối lập luận vừa hồ đồ, vừa hạ đẳng, vừa ấu trĩ và đầy phạm thượng của anh cũng không cho tôi thấy anh là một huynh trưởng G. Ð. P. T chân chính.
Ðọc thư anh, tôi nhận ra một ác cảm, một ác tâm của anh với người có đức tin theo Chúa. Thật phiền khi đọc những kiến thức thô thiển vụn vặt như thế. Nhưng vì thương anh, tôi viết trả lời cho anh hiểu. Ðối với anh, tôi kính trọng anh là một con người có học, có niềm tin tôn giáo, là một huynh trưởng G. Ð. P. T cấp Tín, được hấp thụ giáo dục Phật Giáo từ tuổi nhi đồng cho đến trưởng thành; được qua các khóa huấn luyện Lộc-Uyển và A-Dục, đã từng dắt dìu lớp trẻ trên con đường tín ngưỡng, từng nắm giữ một tờ báo của thanh niên Phật Giáo như anh đã tự giới thiệu. Ngày nay tôi nhìn thấy trong anh một điều quý báu hơn tất cả những gì anh đã tự giới thiệu. Ấy là hình ảnh thiêng liêng của Ðấng Tạo Hóa trong mỗi con người chúng ta. Dù anh có tin Người hay không thì linh hồn anh vẫn đáng quí hơn tất cả châu báu trên thế gian nầy. Ðó là lý do thúc dục tôi trao đổi với anh qua những lá thư dài. Kinh Thánh dạy “Vì sự khôn ngoan quí giá hơn châu ngọc” (Châm Ngôn 8:11a).
Anh Hai nên nhớ rằng Kinh Thánh là quyển sách có nhiều người đọc nhất trên thế giới. Là một quyển sách mà tự cổ chí kim được nhiều nhà nghiên cứu tham khảo nhiều nhất. Là một quyển sách được bảo tồn hằng ngàn nguyên bản cổ để đối chiếu và dịch thuật ra nhiều ngôn ngữ nhất trên hành tinh nầy. Là một quyển sách được giữ gìn, tôn trọng nguyên bản, không ai được phép sửa chữa hoặc thêm bớt dù chỉ một chữ, một ý. Anh dựa vào đâu để cho rằng Kinh Thánh là quyển sách “được sửa đổi tuỳ theo mỗi bản dịch, tuỳ theo ngôn ngữ, thuỳ theo thời đại. ”? Anh còn cho Kinh Thánh “bị cắt xén thêm bớt và là sách rỗng tuếch sách phản lại lý trí và chống khoa học. ” Như thế thì trong Kinh Phật có câu Án Mọ Ni Hồng chắc anh đọc hoài mà không bao giờ thấy rổng tuếch cả? Anh nên cho tôi biết Yết Ðế Ba La Yết Ðế và Án Mọn Ni Hồng có ý nghĩa gì sau đó tôi sẽ giúp anh hiểu về Phật Giáo kỹ hơn. Nếu anh là một nhà thức giả có lý luận, có chứng từ và đủ sự khôn ngoan để chứng minh các điều ấy một cách cụ thể, tôi sẽ phục anh. Tiếc thay, anh chỉ dựa vào đoạn chương thủ nghĩa trong một vài bài viết cuả những người vô danh tiểu tốt, hoặc của tà tâm, thiểu trí để anh làm nền tảng lý luận; còn hàng vạn luận đề về Kinh Thánh trải qua hàng ngàn năm nay được có mặt trên khắp thế giới thì anh không hề tham khảo.
Có bao giờ anh nghe nói về các cổ bản Kinh Thánh viết tay bằng tiếng A-Ram, Hê-Bơ-Rơ, La-Tinh, và Hy- Lạp chưa? Anh có biết các nền văn minh cổ xưa ấy đã bảo tồn và lưu truyền Kinh Thánh như thế nào không? Anh có biết bộ sách Ê-Sai đã được tìm thấy trong một cái chum đất chìm sâu dưới Biển Chết không? Anh có biết bộ sách nầy đã được các nhà khảo cổ dịch thuật và so sánh với các bản dịch của sách Ê-Sai suốt mấy ngàn năm mà không hề bị sai sót một chữ, một ý nào cả không? Ðây là bằng chứng mà Thiên Chúa đã gìn giữ Lời Người không hề sai sót như Chúa Jesus đã phán: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi. “ (Mathêu 24:35). Quá trình bảo quản Kinh Thánh và Kinh Phật trong lịch sử cũng đã khác nhau nhiều. Dù Kinh Thánh Cựu Ước được ghi lại nhiều ngàn năm trước khi Ðức Phật ra đời, nhưng người Do Thái vẫn bảo tồn vô cùng cẩn thận. Còn Kinh Phật thì năm trăm năm sau khi Phật nhập diệt rồi, các đệ tử mới ngồi nhớ lại và ghi ra trên lá cây. Kinh Phật không có một cổ bản nào trong vòng bảy trăm năm sau khi đức Thích Ca trút hơi thở cuối cùng. Anh thử so sánh hai bộ Ðại Tạng Kinh bằng Hán Văn và Pa-li thì sẽ thấy khác nhau và mâu thuẫn nhau như thế nào. Thật sự nghiên cứu thì mới biết được. Nuốt trộng một vài quyển sách của một hai cá nhân ác ý thì không phải là người có cái tâm ngay thẳng để nghiên cứu.
Trong lá thư trước, anh tự nhận mình là “kẻ mất dạy.” Vì quý mến anh mà tôi đã tin rằng anh nói như thế chỉ để đùa chút xíu mà thôi. Nhưng sau một năm tiếp xúc với anh bằng thư, tôi hiểu ra rằng anh tự nhận mình mất dạy để né tránh bị phê bình, tránh trách nhiệm đối với những lá thư tiếp theo. Anh đã tự giới thiệu mình như là một trí thức Phật Giáo và đã học đạo từ lúc còn thơ ấu. Hiện nay mỗi ngày anh tụng kinh, niệm Phật và ăn chay. Những người như anh còn đông đúc lắm. Tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm về họ trong giới thiền môn.
Thế gian có nhiều sự ác hơn sự lành nên Chúa hoạch định chương trình giải cứu con người ra khỏi sự ác trước khi thế gian bị hủy diệt. Khi đã tiếp nhận tình yêu Thiên Chúa, tôi biết rằng năng lực thiêng liêng thực hữu trong tâm trí mình và thay đổi tâm trí mình ngay trong nội thức mà Chúa Jesus gọi là sự tái sinh. Từ đây mình mới nhận ra điều lành và điều dữ của chính mình và với tha nhân một cách sáng suốt và thành thật hơn. Sự khám phá nầy là điều quý báu nhất cho bất cứ ai khát khao chân lý, khao khát đạo đức thật.
Không bao giờ có người phàm mắt thịt mà sống trọn vẹn tuyệt đối như sách vở nói đâu. Ðáng tiếc thay cho kẻ “khẩu Phật tâm xà” ham thích sự tối tăm một cách tinh vi và trắng trợn. Họ đeo cái mặt nạ ”trí tuệ, lương tâm và khoa học” để ngụy trang cho ác tưởng và lời nói ngang ngược của họ. Tôi thử hỏi, anh dựa vào “khoa học” nào để nói Thiên Chúa là một loài trong Lục Ðạo mà giáo lý nhà Phật gọi là loài Trời?Anh căn cứ vào “khoa học” nào để đọc thần chú Yết Ðế Ba La yết Ðế là chân lý đáng tin cậy và không “chống lại khoa học và lý trí con người” Như anh viết? Anh nên nhớ rằng lý trí con người cũng chỉ có hạn, khoa học cũng chỉ có hạn. Trình độ hiểu biết của khoa học chưa giải thích thông suốt các vấn đề vật chất trong vũ trụ, huống hồ là các vấn đề mênh mông siêu hình! Về vấn đề nầy mà cứ nhắc tới lý trí và khoa học chẳng khác chi người dốt mà ưa khoe chữ. Sách truyền Ðạo có câu sau đây do vua Salomon ghi lại: “Ta cũng chuyên lòng học biết sự không ngoan và sự ngu dại điên cuồng; ta nhìn biết điều đó cũng là theo luồng gió thổi. Vì nếu sự không ngoan nhiều, sự phiền não cũng nhiều; ai thêm tri thức, ắt thêm sự đau đớn. “ (Truyền Ðạo 1:17-18).
Thượng Ðế biết rõ sự hạn hẹp trong tri thức của loài người, do đó Người hiện ra làm người giữa trần gian để bày tỏ Con Ðường và Chân Lý của Người. Người nào chỉ biết dựa vào sức riêng của mình để tìm Chân Lý tuyệt đối thì giống như kiến bò miệng chén. Con kiến không biết mình bò trên miệng chén.
Kinh Thánh có nhiều chỗ khó hiểu, tôi đồng ý. Vì Kinh Thánh là Lời Sống, sự sống thể hiện trong tâm hồn và qua hành động tin kính. Người Tin Chúa cũng tin rằng Kinh Thánh là Lời Chúa nói cho riêng mình, người ấy suy gẫm luôn mới nhận thêm nhiều ý nghĩa và sự sống của những câu Kinh Thánh; chứ không phải chỉ dựa vào văn tự và nghĩa chết thôi đâu. Thánh Phao lô nói “Văn tự làm cho chết song Thánh Linh làm cho sống. “ (II Cô-rin-tô, 3:6b).
Anh Hai nhắc đến ông Lâm Ngữ Ðường, một người trí thức từng lý luận sai lạc về đạo Chúa. Nhưng anh Hai biết một mà chưa biết hai. Lúc còn trẻ Lâm Ngữ đường tỏ ra không hiểu biết về Lời Chúa, nhưng đến khi tuổi già, ông có nhiều kinh nghiệm chín chắn hơn nên đã quay về ăn năn xin Chúa tha tội. Sau khi nhận được Tình Yêu và Sự Tha Thứ của Thiên Chúa, ông Lâm Ngữ Ðường đã viết một quyển sách làm chứng lại về Ơn Cứu Rỗi mà Chúa đã ban cho bản thân ông. Sách nầy đã được dịch ra nhiều thứ tiếng; có cả bản dịch tiếng Việt! Tiếc thay anh Hai chưa đọc tới.