Anh Hai thân mến,
Sau chuyến thăm và tặng Kinh Thánh cho anh trong dịp tết vừa qua, tôi nghĩ rằng có lẽ chúng ta đã gặp nhau tạm đủ, chắc anh Hai không viết thư cho mình nữa. Nhưng hôm nay tôi lại được thư anh. Thật là vui mừng cho tôi.
Lá thư cuối cùng của anh viết tại Cầu Hai, Thừa Thiên ngày 1-3-1998 vừa mới đến trong tay tôi. Cầm phong bì dày cộm, lòng tôi vui mừng và xúc động, vì anh vẫn chịu khó viết cho tôi. Chúng ta còn cơ hội trao đổi kinh nghiệm đức tin và tôn giáo với nhau.
Nhưng khi đọc thư anh, tôi cảm thấy buồn và xót xa theo từng trang một. Quả thật sau những trao đổi ban đầu, mà anh là người khởi xướng, đã khiến cho tôi thích thú và có nhiều tình cảm quí mến đối với anh. Nhưng sau khi đọc xong lá thư Cầu Hai nầy, tôi cảm thấy thất vọng.
Ðứng trên lý lẽ và kinh nghiệm Ðức Tin, tôi dứt khoát nói rằng lòng tin kính chân thành không cho phép chúng ta nhạo báng, cười cợt một cách vô ý thức trên lòng tin của người khác. Nếu niềm tin tôn giáo giúp cuộc sống chúng ta về mặt đạo đức, tâm linh và siêu nhiên thì không bao giờ chúng ta thích nhạo niềm tin của người khác. Hành động nhạo báng niềm tin của người khác là kết quả của lòng khô cứng trong con người không có niềm tin mà chỉ có một loại tôn giáo vô tín. Thái độ đó chứng minh rằng niềm tin tôn giáo của người ấy không mang lại cho bản thân mình đức tính và hành vi đạo đức. Kinh thánh dạy rằng: “ Hãy khước từ những cuộc tranh luận điên dại và ngu xuẩn vì biết nó chỉ sinh ra tranh chấp cãi cọ mà thôi. “ (IITi-Mô-Thê 2:23)
Tôi quí mến anh qua sự giới thiệu của Alfred Jahn. Khi anh viết thư cho tôi và anh đề cập đến niềm tin tôn giáo, tôi cảm thấy vui và sẵn sàng phúc đáp. Tôi đã viết cho anh với lòng thành và niềm vui thỏa của đức tin mình trong Chúa Jesus Christ. Ðôi lúc giọng văn của tôi hơi thẳng thắn, vì tôi muốn gởi đến anh nỗi lòng của tôi.
Qua những lá thư dài, chúng ta trao đổi một số kinh nhiệm và kiến thức Phật Giáo với Ðức Tin của Chúa trong Kinh Thánh. Những trao đổi nầy không cần thiết phải gây gổ nhau. Nay tôi tiếp tục trích lại từng đoạn trong lá thư cuối cùng của anh để trả lời một lần cuối. Tôi tự thấy mình có phần nào trách nhiệm trong một số hiểu lầm (hoặc vô tình hoặc cố ý) của anh suốt thời gian chúng ta viết thư cho nhau.
Mỗi khi trích dẫn thư tay của anh, tôi xin giữ lại hầu hết cách viết của anh. Dù anh mệt, không viết được, nhưng anh đã đọc lời cho đứa cháu viết lại. Tôi quý trọng sự cố gắng của anh.
Trở lại lá thư cuối cùng anh đã viết:
Cầu Hai ngày 1-3-1998
Anh Huệ Nhật.
Nhận được lá thư của anh vào ngày 8-12-1997, đáp lời mời của mấy cái đám cưới, nên không viết trả lời cho anh được. Ðến khi tương đối rảnh thì lại cận ngày Noel, vào những ngày nầy mà nói chuyện không tin Chúa, đôi khi nặng lời cả với Chúa thì anh lại trách tôi rằng: “Ðây là một câu văn bạo phổi, giống như người điếc không sợ súng, người kém cỏi không sợ sai. Anh dám nói phạm thượng đến Ðấng mà tôi kính thờ. “
Nhưng rồi lá thư cũng không viết được, tôi phải đi về quê (Cầu Hai, Huế) để dự giỗ bố tôi (3/2 Âm lịch). Ở đây, trong khi chờ đợi giỗ, tôi viết thư nầy. Bức thư phải được nhờ một người cháu viết hộ.
Trong bức thư dài hơn 150 trang, anh đã viết rằng:
(1) “Tôi được Phật Học Viện (PHV) Già Lam gọi về với tư cách là cựu tăng sinh PHV”. Trong buổi họp mặt ấy các người tham dự chắc không biết anh bây giờ đã đổi khác. Tại sao họ không biết? Làm sao mà biết được khi anh đã trở thành đứa em của Chúa Jesus Christ. Tại sao tôi gán cho anh như vậy, bởi vì Jesus có thời kỳ là một vị tăng Phật Giáo. Xin đọc The Last years of Jesus Chirst và The Last Teachings of Jesus Christ của Elizabeth Clave Prophet và cuốn Jesus in India của Hogen Kersten; The Last Years of Jesus Revealed của Dr. Charles Francis Potter. Mà anh thì cũng từng là đại đức, biết đâu vài năm sau anh cũng tự xưng là em của Jesus như Hồng Tú Toàn của Thiên Ðịa Hội bên Tàu. Cho nên trong ngày họp mặt lần đó anh đã không đảnh lễ và không niệm danh hiệu Phật trước bàn thờ bổn sư. Ðiều nầy dễ hiểu thôi bởi vì anh đã thuộc làu Lu-ca 14:26. Lu-ca 12:51-53.
Tôi trả lời anh như sau:
Trong dịp tôi được dự Ngày Về Cội của cựu tăng sinh Phật Học Viện tại chùa Già lam năm 1997, ở đó không có một người nào chưa biết tôi đã tin Chúa như anh viết trong thư. Nhiều tu sỹ Phật Giáo và nhiều phật tử trước đây không biết tôi, nhưng sự kiện tôi trở về trong Chúa đã khiến họ biết tôi nhiều hơn.
Anh cho rằng “bởi vì Jesus có thời kỳ là một vị tăng Phật Giáo”. Tôi nghĩ điều nầy hoàn toàn sai lầm. Không có một tài liệu nào đáng tin như thế đâu. Anh luôn luôn đề cao tinh thần khoa học và lý trí con người, nhưng anh chỉ dựa vào những quyển sách thiếu khoa học và thiếu chứng cớ để lập luận các vấn đề lịch sử một cách rất bừa bãi. Tôi chưa hề đọc những sách anh đã nêu, nhưng theo như anh giới thiệu thì tôi cho rằng đó là những sách không có giá trị về lịch sử, và cũng không khoa học gì mấy đâu. Anh là người có tâm hồn tìm tòi các sách nói xấu về đạo Chúa hơn là người muốn tìm hiểu đạo Chúa. Có một điều rất khác nhau giữa anh và tôi: tôi quyết chí học theo Ðạo Phật và dấn thân tu hành 15 năm với lòng thành. Bởi lòng thành tu học nên tôi đã trở nên một vị đại đức. Nhưng sau cùng tôi nhận thức rằng giáo lý Phật Giáo không đúng chân lý và không có khả năng giúp con người giải thoát khỏi tội lỗi; mặc dầu trên lý thuyết, Phật Giáo có nhiều điều nghe hấp dẫn. Sau khi đọc Kinh Thánh trực tiếp, Lời Chúa đã dẫn tôi vào đức tin. Tôi được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ Ơn Cứu Rỗi, và tôi chiến thắng nó trong năng quyền của Chúa một cách thực tế. Vì vậy, tôi tin Chúa một cách tự nhiên. Anh không giống như vậy. Anh tự cho mình là trí thức Phật Giáo, nên anh giới thiệu sự hiểu biết về đạo Chúa trong anh bằng nhũng tài liệu của những người vô tín nói xấu đạo Chúa. Tâm hồn anh đã bị nhiễm nhiều thứ kiến thức ô tạp như thế làm sao hiểu được Kinh Thánh một cách đích thực? Dù anh theo tôn giáo nào, tấm lòng anh cũng rất quan trọng. Ðạo lý là thức ăn cho tâm hồn. Kính Thánh bảo rằng Lời Chúa là thức ăn nuôi linh hồn. Nhưng lòng anh đã trở thành một cái kho chứa tài liệu tà đạo. Những thứ anh đọc đã làm cho sai lạc để nghĩ rằng “vài năm sau tôi sẽ tự xưng là..” Ðây cũng là lý do mà tôi nói anh bạo phổi, điếc không sợ súng. Rất tiếc, tôi phải viết thẳng như thế cho anh!
Anh Hai viết: “Cho nên trong ngày họp mặt lần đó anh đã không đảnh lễ và không niệm danh hiệu Phật trước bàn thờ bổn sư. Ðiều nầy dễ hiểu thôi bởi vì anh đã thuộc làu Lu-ca 14:26. Lu-ca 12:51-53.”
Ðây cũng là một sai lầm của anh nữa. Là một Phật Tử, có bao giờ anh vào thánh đường để thờ Chúa không? Tôi trở về chùa là để thăm các thầy các bạn chứ không phải để lễ lạy hình tượng do người ta mua về để đầy nhà chùa. Kinh Thánh dạy rằng Thượng Ðế dựng nên vạn vật, nhưng riêng con người là một linh vật mà Người đặt hình bóng của Bổn Tính Người vào. Vậy con người chỉ có thờ lạy Thượng Ðế, ngoài Thượng Ðế ra không ai đáng cho con người thờ lạy. Những bậc phụ mẫu, vĩ nhân, thầy tổ thì chúng ta yêu kính, noi gương; chứ không cần phải thờ lạy họ. Ðặc biệt hình tượng vô tri vô giác, dù là của bất cứ ai cũng không đáng cho con người thờ lạy. Khi học điều nầy trong Kinh Thánh, tôi tin và thực hiện một cách chân thành nên tâm linh tôi nhẹ nhàng. Tôi không cảm thấy mình xa cách với những bài học của Chân Thiền. Bài học thì không xa, nhưng thực tế trong lòng người thì cách xa nhau lắm. Vì bài học là chữ trên giấy (lúc nào nghe cũng hay cả); còn thực tế là ác tưởng, tham dục, ích kỷ, bè phái... càng biết càng phải lánh xa. Nhìn bề ngoài, người ta chỉ thấy bề ngoài rối ước đoán bên trong một cách mù mờ; chính vì thế, các nhà tôn giáo gây ra sự hiểu lầm cho tín dồ nhiều hơn là đưa họ vào chân lý. Ngược lại, ai thật lòng tin Chúa và nương nhờ vào sự dắt dẫn của Người thì người ấy nhận biết chân lý một cách xác tín, vững vàng với những kinh nghiệm thiêng liêng, kỳ diệu. Nhờ đó họ dứt khoát không lạm dụng nghi lễ tôn giáo để giảng dạy ngững lý lẽ mơ hồ thoạt nghe giống như chân lý.
Về những câu Kinh Thánh trong sách Luca 14:26 và 12:51-53, tôi nghĩ rằng anh chưa hiểu Kinh Thánh đâu. Anh làm cho tôi nghi ngờ luôn cả lòng thành của anh đối vơí Kinh Phật nữa. Theo kinh nghiệm của tôi, một người hiểu Kinh Phật chân chính cũng có thể hiểu được một số ý nghĩa mà Chúa dạy trong Kinh Thánh. Ngược lại những người đọc Kinh Thánh một cách nuốt trộng và không có tấm lòng tìm hiểu chân lý, thì người đó dù là Phật Tử trí thức đi nữa cũng không thể hiểu Kinh Phật đúng nghĩa. Trước khi giải thích cho anh, tôi phải viết lại nguyên văn các câu Kinh Thánh nầy, vì đây là những câu Kinh Thánh rất quan trọng mà linh hồn tôi tiếp nhận được khi nghe tiếng gọi đầy năng quyền của Chúa Jesus:
“Các con tưởng ta đến để đem hòa bình cho thế giới sao? Ta bảo các con: không, thật ra là đem sự phân rẽ; vì từ nay một gia đình năm người sẽ chia rẽ, ba chống hai và hai chống ba; họ chia rẽ cha chống con trai, con trai nghịch cha, mẹ chống con gái, con gái nghịch mẹ, mẹ chồng chống nàng dâu, nàng dâu nghịch mẹ chồng. “ (Luca 12:51-53)
“Nếu ai đến theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em và chính mạng sống mình, thì không thể nào làm môn đệ ta. “ (Luca 14:26)
Tôi có thể nói rằng nhờ có học chút ít Kinh Phật, nhờ thật lòng đi tu trong Phật Giáo, nên khi đọc những câu Kinh Thánh trên, tôi bị thu hút ngay, và vì thế mà tôi quan tâm, suy gẩm về ý nghĩa của Lời Chúa. Tôi được đọc những câu Kinh Thánh trên trước khi tôi tin Chúa. Mới đọc qua lần đầu là tôi bị thu hút ngay về cách diễn tả giá trị chân lý vĩnh cửu của Chúa Jesus. Vì sao anh biết không? Vì người xuất gia đầu Phật là người “cát ái từ sở thân”, “Cát ái ly gia” cũng ý nghĩa tương tự như thế. Nghĩa là người phải cắt đứt tình yêu cha mẹ, vợ con, họ hàng thân thuộc; phải từ bỏ tất cả những ràng buộc trần thế để dứt khoát tìm con đường giải thoát. Ðó là ý nghĩa của một sự phân rẽ bản thân mình khỏi trần thế, dù rằng kinh Phật không nhấn mạnh rõ ràng như lời Chúa phán. Vì giá trị của con đường giải thoát là vĩnh viễn. Còn giá trị tình cảm cha mẹ, vợ con, giữa trần thế dù cao quí đến mấy cũng chỉ tạm thời trong thế gian nầy (cõi Ta Bà) mà thôi.
Trong thiền môn, trước khi một người thọ giới xuất gia, người ấy có làm một nghi lễ Lạy Lục Phương. Trong nghi lễ Lạy Lục Phương, có một phương được tượng trưng cho ý nghĩa lạy phụ mẫu và cửu huyền thất tổ. Vì sau khi đã thọ giới xuất gia thì trọn đời người đó trở thành bậc “thế gian sư “ đáng tôn trọng hơn cha mẹ của người ấy nữa, cho nên giới luật không cho phép người ấy lễ lạy cha mẹ, vì làm như thế là “tổn đức” cho cha mẹ mình. Thái độ của thái tử Tất Ðạt Ða từ bỏ phụ vương, hiền thê, bào nhi và xã tắc để đi tìm chân lý cũng như thế đó. Lúc ấy thái tử Tất Ðạt Ða đã chứng kiến sự đau khổ dường như phi lý của cuộc đời, nên người quyết chí dứt bỏ cả hoàng cung thân yêu với thần dân quí mến mà đi tìm con đường giải thoát vĩnh viễn hơn là chấp nhận tình cảm ruột thịt, đồng bào, và ngôi vua cao sang quyền quí của hạnh phúc trần gian tạm bợ. Tấm gương quyết chí tầm sư học đạo của thái tử Tất Ðạt Ða rất đáng tôn trọng, vì thái tử đã dứt bỏ tất cả những vinh quang có sẵn giữa trần gian mà lầm lũi đi tìm con đường ép xác khổ tu suốt sáu năm trời đằng đẳng, cho đến khi chính mình trực nhận ra con đường ép xác khổ tu ấy là sai lầm, thái tử mới dứt khoát đi kiếm một chỗ ngồi thiền.
Nhờ có học Phật nên tôi mau hiểu những lời dạy trong Kinh Thánh. Lời Chúa ngắn gọn, súc tích; Người nói ra với năng quyền của Ðấng nắm Chân Lý, khiến tôi cảm thấy đáng tin vô cùng. Sau khi tôi tin Chúa, có một số bạn bè trong giới tu sĩ và cựu tu sĩ Phật Giáo tưởng rằng tôi đã “dám” tin Chúa sau ngày Giải Phóng thì có nghĩa là tôi có một mối lợi lớn về chính trị hoặc tài chánh của “ai” đây. Ðó là lý do khiến họ đến thăm hỏi tôi và nhờ tôi giới thiệu “đường dây” cho họ tin theo. Có người còn hứa sẵn sàng làm bất cứ điều gì mà “ai đó” giao cho họ. Bởi thế, mỗi khi đọc câu nói của Chúa Jesus Christ: “Các con tưởng ta đến để đem hòa bình cho thế giới sao? Ta bảo các con: không, thật ra là đem sự phân rẽ. “(Lu-ca 12:51), tôi càng thấm thía về Lời Chúa. Bởi vì Chúa cho tôi thấy rằng thế gian là cõi tội lỗi đau thương và tạm bợ. Thế gian không cần sự bình an đâu. Thế gian chỉ thích gian ác và bất ổn mà thôi. Chúa biết rằng đem sự bình an đến thế gian giống như đeo chuỗi ngọc cho cổ con heo vậy. Vì thế, Chúa phân rẽ sự lành ra khỏi thế gian để sự bình an của Người không thuộc về thế gian nữa. Sự phân rẽ ở đây là sự lành và sự ác. Cha con ruột thì có mối liên hệ huyết thống. Nhưng nếu người cha làm lành mà đứa con làm ác, thì sự lành và sự ác của họ cũng đã phân rẽ họ. Sự phân rẽ ấy là quyền năng của Chúa. Vì Chúa là chân lý, thế gian là phù du. Ai theo Chúa là ở trong Chân lý. Ai theo thế gian là ở trong phù du.
Một số bạn cũ của tôi bên Phật Giáo đã hiểu lầm sự theo Chúa của tôi một cách rất trắng trợn, tôi đã phải nói cho họ biết rằng chính tôi đã tìm thấy Ðức Tin lạ lùng của Thiên Chúa do đọc Kinh Thánh. Tôi đem những câu Kinh Thánh ra để giải thích ý nghĩa của đức tin mà tôi vừa mới nhận được. Từ đó họ dần dần xa lánh tôi và phao những tin đồn xấu xa sau lưng tôi. Dầu vậy, tôi vẫn thường thăm viếng họ. Tuy số người nầy không đông đúc lắm, nhưng họ thường gây ra những ảnh hưởng xấu giữa một bầu không khí đáng ra phải được chân tình. Trong số những người đã xuyên tạc, nhạo báng đức tin cũng có vài anh em ruột thịt họ hàng của tôi nữa. Họ vừa âm thầm, vừa công khai vận động đánh đập tôi và nói xúc phạm đến Chúa. Những điều đó càng giúp tôi nhìn thấy sự ứng nghiệm của Lời Chúa trong đời sống đức tin của mình ngay khi mình đang sống giữa thế gian nầy. Ðúng là anh em ruột thịt phân rẽ nhau khi có người chân thành tìm kiếm Chúa của thiên đường, và có người cương quyết chống đối lại đức tin ấy. Ðức tin và lòng vô tín, sự ác và sự lành, sự ô uế và sự thánh thiện, sự tục tằn thô bạo và sự nhịn nhục yêu thương quả thật khác biệt nhau và xa nhau lắm anh ạ. Ðó là một phần của ý nghĩa về sự phân rẽ mà Chúa Jesus Christ đã nhấn mạnh trong Thánh Kinh. Lắm khi sự gian ác còn được ngụy trang bằng triết học, khoa học, bằng cả ý thức hệ. Người không có ánh sáng của Thiên Chúa không làm sao nhận biết được điều nầy.
Thưa anh, trong Luca 14:26 còn có bản dịch như sau: “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta. “ Theo bản dịch nầy, ngôn ngữ mà Chúa Jesus sử dụng có ý nghĩa nhấn mạnh, đập thẳng vào tình cảm cá nhân nặng tình cảm trần thế của những người ùn ùn theo Người. Các tình cảm trần thế thường gây cản trở sự quyết tâm dứt khoát của người đi tìm chân lý. Ðây là loại tình cảm mà anh gọi là “cảm thụ” không đáng tin, có phải không? Tình cảm cha mẹ với con cái rất cao quý giữa trần gian, nhưng có lúc tình cảm ấy đã đưa con người vào địa ngục. Bởi thế Chúa muốn chúng ta nhận biết tình yêu của Người đối với chúng ta, nhiên hậu chúng ta có thể yêu nhau bằng tình yêu thiêng liêng hơn cả tình yêu nặng tính trần thế, dù đó là tình yêu cha mẹ. Từ khi tiếp nhận tình yêu Chúa Cứu Thế, tôi đã biết yêu cha mẹ tôi hơn.
Phật Giáo gọi tình yêu là ÁI NGHIỆP, vì họ chỉ nhìn thấy tình yêu trần thế, thứ tình yêu mà từ ngữ Hi-lạp gọi là yêu phileo. Trong đạo Chúa, tôi nhận được tình yêu thiên thượng, từ ngữ hy lạp gọi là Agape mà tôi đã giải thích cho anh.
Vậy khi đọc Kinh Thánh, hay ngay cả Kinh Phật, anh Hai nên hiểu cái ẩn ngữ, hoặc là cái dụng ý chìm trong các câu văn để có thể thấy ra sứ điệp đích thực. Tôi nêu một thí dụ về ẩn ngữ và câu văn nghịch lý của Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-867) để anh Hai suy nghĩ và có thể đối chiếu thêm. Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền nói:
”Sãi núi tôi sao phải nói lên ở đây? Chỉ vì cầu đạo quí ông cứ tìm kiếm mãi, tâm không dứt được niệm.. Quí ông cầu chân lý! Theo chỗ thấy của sãi núi tôi thì dứt hết là tự nhiên quí ông ngồi trên đầu Báo Hóa Thân Phật. Mười Ðịa Bồ Tát chẳng qua như đứa trẻ hầu. Hai Phần Diệu Giác như gông đeo cùm khóa, La Hán Bích Chi chỉ là bùn phân, Bồ Ðề Niết Bàn như hàm thiết buộc ngựa lừa. . . Nầy, quí ông cầu chân lý! Muốn ngộ vào chánh tông (thiền), chớ để thiên hạ phỉnh mình. Trong cũng như ngoài, gặp chướng ngại nào cứ đạp ngã ngay; gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, gặp La Hán hoặc họ hàng thân thiết, giết hết, chớ ngần ngại, đó là con đường độc nhất để giải thoát. Ðừng để bất cứ ngoại vật nào trói buộc mình; hãy vượt lên, hãy bước qua, hãy tự do. Tôi thấy suốt trong thiên hạ những vị gọi là cầu đạo không ông nào đến vơí tôi tự do và độc lập hết. Hễ gặp việc, tôi đạp nhào hết, không cần biết họ đến với tôi bằng cách nào. Họ ỷ mạnh tay, tôi chặt đứt tay; họ ỷ giỏi nói, tôi bóp câm miệng; họ ỷ tinh mắt, tôi đập đui mắt. Quả thật bao năm rồi chưa một ông nào đơn độc đối diện với tôi, hoàn toàn tự do, hoàn toàn độc lập. Ông nào cũng mắc phải như nhau những trò lừa dối không đâu của hàng cổ đức. Tôi không có gì để cho quí vị. Tất cả những gì tôi có thể làm được là tuỳ bịnh mà cho thuốc, là giải phóng cho quí vị tất cả triền phược. -
Nầy, chư vị cầu chân lý, hãy tỏ ra độc lập, tự cường. Tôi trân trọng đặt vấn đề ấy cùng quý vị. Suốt năm mươi năm gần đây, tôi chỉ chờ có vậy, mà chưa được gì hết. Người ta đến với tôi hoàn toàn là người ma, những súc sanh cổ quái vất vưởng bờ tre, rừng bụi, đồng hoang cỏ dại, điên khùng, gặp gì cắn nấy, dơ dáy thối tha. . . Quý vị tìm chân lý, những gì qúy vị thọ dụng hiện giờ đây có khác gì với chư Phật chư Tổ đâu. Nhưng qúy vị không tin tôi, mảng đi tìm ngoài, mà cả bên trong vẫn không có gì nắm giữ được. Quí vị chấp theo lời tôi nói, nhưng thà dứt tuyệt tất cả tham cầu, đừng làm gì hết. Trân trọng. ” (Thiền Luận của Suzuki quyển thượng, trang 572, 574-575 mục 3 đoạn 5. Bản dịch của Trúc Thiên, xuất bản năm 1993).
Anh hiểu như thế nào với các câu trên? Có giống như “Yết đế ba la yết đế ba la tăng yết đế bồ đề tát bà ha” mà anh đã hỏi tôi trong thư trước không? Anh còn nhớ là tôi đã hỏi lại anh cái gì trong tâm trí anh khi anh đọc câu thần chú nầy không? Và hiện nay tôi vẫn chưa được nghe anh trả lời cụ thể! Thầy phù thủy không dám đọc thần chú trước minh sư đâu. Tay ngang không dám múa rìu qua mắt thợ đâu. Còn anh Hai, anh là phù thủy hay minh sư?!