Mặc dầu đã nói ở phần trên, nhưng bây giờ tôi muốn ghi thêm cho anh mô vài đối chiếu về thiền và sụ cầu nguyện. Thiền đúng nghĩa là không có mục đích gì cả, vì bao lâu thiền giả còn nhắm vào một mục đích thì bấy lâu ông ta vẫn còn bị trói chặt ở ngoài cái dụng của thiền. Tuy nhiên từ khởi đầu đến từng giai đoạn một; khi hành trì thiền định, thiền giả phải có một số mục đích tương đối khác nhau như sau:
Trong khi mới tập tểnh vào thiền định, thiền giả phải hạn chế các mục đích lớn để loại bỏ những tham vọng cao xa như muốn thành Phật, muốn đi thăm các thế giới vô hình, vô tưởng. v. v. Vì các ý muốn trên cũng là những vọng tưởng đưa thiền giả đến sự sai lạc, dễ bị tẩu hỏa nhập ma. Sau cùng thiền giả phải dần dần loại bỏ tất cả mục đích để đạt đến cái không mục đích. Thật ra "đi đến cái không mục đích" tự nó là một mục đích quá lớn rồi. Cho nên thiền giả hay dùng lối thiền triệt tiêu tám cửa thức (self- emptiness) của nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, mạt-na, a-lại-gia bằng cách tách rời sáu căn ra khỏi sáu trần. Vì họ có quan niệm lục căn lục trần vọng tác vô biên chi tội. Lục căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, xúc giác và ý nghĩ. Lục trần là sắc tướng mà mắt thấy, âm thanh tai nghe, mùi mà mũi ngửi, vị lưỡi nếm, nhiệt, gió, cứng mềm mà xúc giác cảm nhận, và ý tưởng cảm nhận từ cuộc đời mà ý nhận biết và suy tư. Nếu tách sáu căn ra khỏi sáu trần thì đã làm trống không con người phàm tục rồi. Nhưng trên thực tế tôi chưa gặp ai ngồi thiền mà đóng được sáu căn tách khỏi khỏi sáu trần. Trừ trường hợp người bị gây mê để giải phẩu, người bị tai nạn hôn mê, ngất xỉu sâu. Các trường hợp nầy là bất tỉnh chứ không phải đoạn căn hay đoạn trần. Còn trong hành thiền, có khi người ta tưởng rằng gần như mình đã đóng được mà thôi! Khi ngồi lâu thành quen, thiền giả có những giấc ngủ thiền (thùy miên). Trường hợp nầy rất tốt cho người bị bịnh mất ngủ.
Trên lý thuyết, thiền cũng có một mục đích quan trọng, đó là loại bỏ hết mọi khôn ngoan, ưu phiền để tâm trở nên như con trẻ. Trong thực tế, nếu ai có khả năng loại bỏ khôn ngoan và kinh nghiệm sống để trở nên như con trẻ thì chính người ấy đã quá khôn ngoan, quá bản lĩnh rồi, làm sao mà thành con trẻ được nữa! Thật là oái ăm, vì để đạt đến cái đích mình muốn, thiền giả phải cố gắng hết sức để hủy diệt cái đích cần phải đạt. Nếu ai thật sự đi vào thiền định một cách bền bỉ để trở thành một thói quen, chắc chắn người ấy chuồc lấy một hậu quả khó sống hòa nhập với người lân cận. Trong giới tu sỹ cũng thế; hễ ai chịu khó ngồi thiền nhiều là đã có một khoảng cách với những anh em khác. Người ngồi thiền quá nhiều là người bất bình thường và dễ có ý định tự tử!
1. Mục đích riêng:
2. Mục Ðích chung
Cầu nguyện cho các vấn đề Hội Thánh, các vấn đề của người thân, bạn bè, của người lân cận, quê hương, đất nước, các nước khác như tại nạn chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, các vấn đề tội lỗi của thời đại; ví dụ các tệ nạn xã hội khác nhau, các vấn đề khó khăn về truyền giáo....
3. Mục đích cầu thay
Là cầu nguyện cho tha nhân hoàn toàn. Bất kỳ họ là những người ngoại đạo, hoặc là anh em trong cùng một đức tin với Chúa. Bất kỳ là một người hay nhiều người. Bất kỳ người mình đã quen hay chưa quen biết. Bất kỳ họ ở đâu trên thế giới. v. v. Ví dụ một người con Chúa ở bất kỳ một nước nào khác, khi nghe Việt nam có thiên tai, có chiến tranh, có nghèo đói, có sự bắt bớ đạo; người ấy thấy lòng mình được cảm động để cầu nguyện cho Việt nam. Hoặc chính người con Chúa tại Việt Nam cũng cầu nguyện cho các hội thánh, các dân ở vùng núi, ở Phi Châu, hoặc là ngay ở các nước văn minh bên Âu Mỹ, khi họ cảm thấy nặng lòng về các vấn đề tội lỗi, các vấn đề chiến tranh, thiên tai. v. v. Trong Kinh Thánh, Chúa Jesus nói trước các dấu hiệu của thời kỳ sau rốt, Người dặn dò các môn đồ hãy nhớ cầu nguyện nhiều cho các ngày ấy. . . Khi cầu thay cho ai, người cầu nguyện phải cảm nhận một cách sâu xa các nan để của người ấy. Nội tâm của người cầu nguyện phải được mặc với nỗi đau thương hoặc nan đề của ngưòi mình đang cầu thay cho. Ví dụ tôâi cầu thay cho anh, tôi phải mang nặng nan đề của anh trong lòng tôi khi tôi đến cầu nguyện với Chúa. Kinh Thánh dạy mỗi con cái Chúa mang gánh nặng cho anh em mình. Tâm tình cầu thay là một tâm tình thoát ra khỏi chính mình để đặt vấn đề của người khác như là vấn đề của chính mình khi cầu nguyện với Chúa.
4. Mục đích cầu nguyện cho kẻ thù
Cũng là mục đích cầu thay, nhưng rất quan trọng cho đời sống thiêng liêng của chính người cầu nguyện. Chúa Jesus dạy: "Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các người được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Người khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng người gian ác" (Ma-thi-ơ 5:44b-45). Ðây là điều rất quan trọng đối với người tin Chúa. Vì nếu mình biết chắc rằng Chúa yêu mọi người như Người yêu mình, dù ai phạm tội đến mấy, Chúa vẫn yêu họ như Người đã yêu mình. Chúa không yêu tội lỗi trong con người, nhưng Người yêu từng con người. Dù con người vẫn tiếp tục phạm tội và vẫn tiếp tục từ chối tình yêu của ngài, Người vẫn nhịn nhục, chờ đợi họ quay lòng về để nhận Ơn Cứu Rỗi của Người. Vì vậy một người tin Chúa phải có bổn tính của Chúa trong cuộc sống mình, đó là yêu thương kẻ thù nghịch. Muốn làm được điều nầy, người tin Chúa phải cầu nguyện, phải chúc phước cho kẻ thù nghịch. Khi cầu nguyện cho họ, mình mới hiểu được tại sao Chúa yêu họ như Người đã yêu mình. Khi cầu nguyện cho kẻ thù, chúng ta sẽ thấy Chúa làm cho lòng mình trở nên yêu thương họ, và tình yêu ấy có sức mạnh diệu kỳ như thế nào trong cuộc sống thực tế của mình. Nếu không cầu nguyện cho kẻ thù, con người chúng ta không thể tha thứ cho kẻ thù của mình được đâu. Hoặc là cầu nugyện cho kẻ thù để được Chúa ban cho mình tấm lòng tha thứ. Hoặc là bởi tấm lòng tha thứ mà chúng ta có thể cầu nguyện cho kẻ thù. Diều nầy hoàn toàn không có trong giáo lý nhà Phật.
5. Mục đích tối hậu cả riêng lẫn chung
Càng cầu nguyện, càng được gần Chúa để cá nhân mình và anh em mình càng trở nên giống Chúa hơn.
Sau đây tôi chỉ nêu lên vài kết quả cụ thể của sự cầu nguyện mà đời tôi đã gặp, đã chứng kiến như sau:
Tháng 7 năm 1981, sau khi vợ tôi bị tù về (vì tội vượt biên), bà ta bị bịnh gì tôi không hiểu, chỉ thấy hai gót chân đau nhức vô cùng, nhất là khi có ai đụng tới. Khi ngủ, bà phải gác hai chân lên cao, khi thức dậy, phải bồng ẳm và giúp vệ sinh cá nhân. Bà ta bịnh bốn tháng tròn như vậy. Hồi đó có bác sỹ, nhưng thiếu thuốc. Vào một buổi chiều thứ Tư, một số anh chị em thuộc Hội Thánh Trần Cao Vân đến thăm gia đình chúng tôi. Trong số đó có hai vợ chồng anh cựu du đãng khét tiếng là Bùi Trọng Tín và chị Nương cũng mới tin Chúa; anh Lê Khắc Tự, một giải phóng quân xuất ngũ mà cũng tin Chúa. Họ cầu nguyện cho vợ tôi lúc 4 giờ chiều. Khi vừa cầu nguyện xong, anh Lê Khắc Tự nói: Chúa phán trong lòng tôi rằng bịnh chị sẽ lành ngay trong hôm nay. Dù lòng tôi chưa dám tin chắc như vậy, nhưng đến tối khoảng 10 giờ tự nhiên vợ tôi đi lại như không hề đau đớn gì cả. Từ đau đến lành bịnh hầu như không có một dấu hiệu hay một khoảng cách nào đặc biệt. Cho đến nay bịnh không hề tái phát.
Tháng 12 năm 1986, con trai tôi là Nguyễn Nhật Phương, 7 tuổi, bị sốt xuất huyết, trụy tim mạch, máu đông lại và hầu như tắt thở. Bác sỹ cấp cứu hết mình, nhưng không có kết quả. Vợ tôi kêu gào cầu nguyện với Chúa bên giường cháu trong bịnh viện. Lúc đó bản thân tôi như đã chìm vào đớn đau tĩnh lặng, tôi không mở miệng cầu nguyện được nữa, nhưng tôi nghe lời cầu nguyện của vợ tôi. Mắt tôi dán vào đứa con đang tắt thở để nói lời vĩnh biệt. Thình lình miệng con tôi xì một tiếng rất mạnh. Tiếp theo là nó nói một câu rất rõ: "Cảm tạ Chúa, Người đã cứu con". Từ đó con tôi vùng vẫy và nó nói mê liên tục trong vòng vài chục phút. Bác sỹ đang toát mồ hôi nhưng buông tay la lớn: "Xong rồi, đã qua cơn hiểm nghèo". Bác sỹ phải gấp rút tiếp sức cưú một em bé gái cũng trong tình trạng trụy tim mạch như con tôi. Tiếc thay em ấy qua đời chỉ mấy phút sau đó. Chuyện xẩy ra trong bịnh viện Nhi Ðồng I.
Năm 1987, tại Hội Thánh Phạm Thế Hiển Quận 8, có một em bé chừng 6 tuổi, bị bịnh nặng nằm tại binh viện Nhi đồng II, nhưng vì bịnh trạng quá ngặt nghèo, bác sỹ cho cha mẹ đem về trước khi em bé tắt thở. (Trong chế độ XHCN của ta, khi thấy bịnh nhân không thể qua khỏi bác sỹ khuyên gia đình đem về cho chết ở nhà. Vì mỗi khi bịnh nhân chết ở bịnh viện là một thất bại trắng trợn làm mất tiếng tốt của bịnh XHCN). Cha mẹ em đem con về và hoàn toàn tuyệt vọng. Hôm đó em bé được đưa vào Hội Thánh Phạm Thế Hiển để nhờ cầu nguyện. Ông Mục Sư Huỳnh Thiên Bửu kêu gọi toàn thể anh em trong Hội Thánh ai được cảm động cầu nguyện thì bước lên đặt tay vào thân thể em bé để cầu nguyện. Tôi là một trong những người bước lên đặt tay cầu nguyện cho em bé ấy. Buổi cầu nguyện xẩy ra vào một buổi tối thứ Năm. Sau khi cầu nguyện xong, ai nấy ra về. Vào sáng Chúa Nhật sau đó tại nhà thờ, tôi hỏi thăm ông Mục Sư Huỳnh Thiên Bửu về sức khỏe của em bé. Ông Mục Sư chỉ cho tôi "kia kìa, em bé đang chạy kìa". Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy em bé ấy mặc chiếc áo đỏ chạy nhảy với các em khác giửa hai hàng ghế trong nhà thờ.
Những kết quả trên chưa phải là lớn nhất; theo tôi, kết quả lớn nhất của sự cầu nguyện là được Chúa thay đổi tâm tánh con người mình để càng ngày càng được gần Chúa, giống Chúa hơn. Chính mỗi người con của Người phải khám phá ra điều nầy khi đã tin Chúa và đã đạt đến một sự tương giao mật thiết với Người bằng tấm lòng cầu nguyện. Bản thân tôi đã tin Chúa gần 20 năm nay. Kết quả thiêng liêng mà tôi nhận được trong sự tương giao cầu nguyện với Chúa là quá lớn. Những vị thiền sư chưa bao giờ có được kết quả như tôi. Ngay đức Thích Ca cũng chưa bao giờ nói đến một kết quả nào lớn lao như kết quả mà tôi nhận được trong Chúa. Ðó là sự định tâm, sự sáng suốt bình tịnh, sự bình an, sự tái sinh, được nên thánh, sự chiến thắng điều ác và lòng vui mừng vì tin chắc vào nước trời vĩnh cửu.
Vậy, nếu thiền là dùng sức riêng của con người nhằm vứt bỏ mọi khôn ngoan thế trí biện thông cũng như sở tri chướng và phiền não chướng để tự biến mình thành trong trắng, bình an, hồn hậu như trẻ thơ... là một điều con người không bao giờ làm nổi, vì càng làm như thế, kết quả càng ngược lại. Nhưng Chúa Jesus phán: "Thưa Cha, con cảm ơn Cha là Chúa Tể của trời đất, vì Cha dấu những điều nầy đối với những người khôn ngoan, thông thái, nhưng bày tỏ cho những kẻ bé mọn. Vâng, thưa Cha vì điều nầy đẹp ý Cha. Cha ta đã ban mọi sự cho Con. Không ai biết Con ngoại trừ Cha, cũng không ai biết Cha ngoại trừ Con và những kẻ mà Con muốn bày tỏ cho họ. Hỡi những kẻ mệt mỏi và nặng gánh ưu tư, hãy đến cùng Ta. Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ." (Ma-thi-ơ 11:25-28). Tôi là một người được yên nghĩ trong Chúa. Thật là tuyệt vời. Cảm tạ Chúa vô cùng. Nói hoài cũng không hết lời cảm tạ.
Nếu thật sự đến với Chúa, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình chỉ là con người nhỏ bé, mỏng manh. Tâm hồn mình chỉ là bé nhỏ nhưng đáng được nghỉ ngơi hơn những người tự cho mình là khôn ngoan. Lòng người càng khôn ngoan theo thế gian càng bận mưu toan, tính toán; chẳng thể nào yên nghỉ được. Bởi vậy, sự yên nghỉ nầy cần được Chúa ban cho. Mình chỉ là người tiếp nhận. Khi mình từ chối sự yên nghỉ của Chúa để cố tạo sự yên nghỉ cho mình tức là mình càng không yên nghỉ. Cũng vậy, mình càng tự hủy bỏ thế trí biện thông, là mình càng động não nên cũng cần thêm thế trí biện thông để làm công việc "từ bỏ" thế trí biện thông. Tôi chưa thấy ai đạt đến một tình trạng tâm hồn yên tĩnh, hồn nhiên, tự tại nhờ dụng tâm nghiên cứu học hỏi và dụng công thiền định hết cả. Còn những người có dụng công tu thiền ít nhiều và tỏ ra mình có kết quả thì nhiều lắm. Theo Phật Giáo, ai tỏ ra mình đã đạt đạo, ấy là kẻ tự phủ nhận sự đạt đạo của mình. Vì đó là một sự ngã chấp tinh vi. Vậy thì cuối cùng sẽ được cái gì? Mình tự nhận mình chưa thành Phật để gián tiếp chứng minh rằng mình đã thành Phật rồi ư? Mình tự nhận mình vô ngã để che đậy cái ngã hiển nhiên to đùng như "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn" ư? Sự trá ngộ nầy đã lan tràn suốt nhiều ngàn năm nay rồi. Sách Ê-sai29: 14 đã ghi: Thiên Chúa sẽ huỷ phá sự khôn ngoan của người khôn ngoan, tiêu trừ sự thông thạo của người thông thạo. sách Châm ngôn 9:10 cũng viết: Kính sợ Thiên Chúa, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan. Nhìn biết Ðấng thánh, đó là sự thông sáng. Chỉ có đứa bé biết nằm yên một cách tin cậy trong vòng tay cha mẹ mới là một đứa bé yên nghỉ, và đó quả thật là một đứa bé khôn ngoan. Một người khôn ngoan trong Thượng Ðế cũng như một đứa bé yên nghỉ trong tay cha me nó vậy.
Một người ngồi thiền càng nhiều càng dễ muốn tỏ ra mình thông thái, uyên thâm, huyền bí với mọi người, người ấy không thể thấy mình nhỏ dại, khờ khạo, và quá nhỏ bé trước sự mênh mông vô lượng của Thượng Ðế. Vì căn bịnh ngồi thiền phát xuất từ virus kiêu ngạo: "tự mình thắp đuốc lên mà đi".
Trong một gia đình có cha, mẹ, con cái sống chung thì không thể nào cả nhà cùng ngồi thiền, hoặc không thể mỗi người trong nhà đều là thiền giả được. Nhưng một gia đình Cơ Ðốc giáo cùng cầu nguyện với nhau. Ngoài ra mỗi cá nhân có thể cầu nguyện riêng với Chúa mà không sợ bị ai quấy rầy. Rất hiếm thấy những em bé, người trẻ tuổi ngồi thiền hằng ngày. Nhưng trong gia đình Cơ Ðốc Giáo thì các em bé cũng như người trẻ tuổi vẫn cầu nguyện hằng ngày vì đó là cách tương giao giữa họ cới Chúa. Trong thực tế, sự cầu nguyện là hơi thở, là lẽ sống hàng ngày của người theo Chúa. Nhưng người ngồi thiền thì không thể đạt đến sự thiền định tự nhiên hàng ngày được. Phần đông người ta chưa đạt đến trạng thái bình an giác ngộ thì đã đạt đến trạng thái tẩu hỏa nhập ma rối! Người cầu nguyện có thể cầu nguyện ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, hay bất cứ tư thế nào ngay khi họ đang họ đang hiện hữu. Còn người ngồi thiền phải chọn lúc, chọn nơi, chuẩn bị thế ngồi, nhiên hậu mới tập ổn định nội tâm cho khỏi tán loạn. Người Cơ Ðốc cầu nguyện là người đến với Chúa trong lượng Ðức Tin Chúa ban cho mình và với Lời Chúa. Người ngồi thiền là người từ chối tất cả ngoại cảnh và nội tâm để đạt đến cái "không gì cả". May thay chưa mấy ai đạt đến cái "không gì cả" nên số người tẩu hỏa nhập ma do thiền định vẫn còn giới hạn.
Tôi đã nhận được nhiều kết quả trong sự cầu nguyện với Chúa. Cũng nhờ đó mà tôi khám phá ra Suzuki chỉ là một nhà tri thức sách vở mà thôi. Bộ Thiền Luận gồm 3 quyển của Suziki do Trúc-Thiên dịch, nếu người không thực hành thiền và cũng không có kinh nghiệm về sự cầu nguyện, thì không thể nào thấy được cái sai tinh vi của Suzuki. Thiền Luận quyển Trung, chương V, mục Cầu nguyện và Niệm Phật, trang 483-487. Nơi đây Suzuki trích dẫn hai câu Kinh Thánh, Lời Chúa Jesus nói trong sách Ma-thi-ơ 6: 6-7, nhưng ông không ghi đầy đủ: "Song khi ngươi cần nguyện, phải vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện Cha ngươi, ở nơi kín nhiệm đó; và Cha ngươi là Ðấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi. Vả, khi các ngươi cầu nguyện, đừng lải nhải như dân ngoại; vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm. Vậy, các ngươi đừng như họ; vì Cha các ngươi biết các ngươi cần sự gì trước khi chưa xin Người". Suzuki không trưng dẫn trọn vẹn câu Kinh Thánh nầy. Suzuki đọc quyển Imitation of Christ của một vị tu sỹ nào đó, tiếc quá tôi cũng nghe nhiều người nói quyển Imitation of Christ mà chưa có cơ hội đọc. Suzuki cũng trưng dẫn ba thí dụ của ba vị tu sỹ có những cách cầu nguyện khác nhau. Một vị thì đi làm hòa với từng anh em khác. Một vị thì đi thăm viếng những người bịnh, và một vị kia thì ẩn cư trong tịch mịch. Khi đọc, tôi có cảm tưởng rằng ba vị nầy có vẻ như là ba tu sỹ Công Giáo La Mã. Người Công Giáo La-mã có những cách tu hành, khắc khổ và tĩnh lặng giống Phật Giáo. Có khi họ cấm khẩu (tịnh khẩu), cấm phòng (nhập thất); hoặc hành trì theo những "hạnh" mà họ cho rằng Chúa có dạy trong Kinh Thánh. Do đó người Công Giáo tuy đi tìm tha lực, nhưng cũng cố gắng bằng sự dọn mình tu niệm (tự lực trước). Trên lý thuyết, đó là sự dọn mình để được gặp Chúa. Nhưng gặp Chúa nhanh chóng nhất là ngã vào lòng Chúa càng sớm càng tốt, chứ không phải cứ làm công đức trước (dọn mình theo quan niệm thế gian) rồi mới tìm gặp Chúa sau.
Suzuki cho rằng Thiền của Phật Giáo Chân Tông và sự cầu nguyện của người Tin Lành có những điểm giống nhau. Ví dụ như sự nương tựa và tin cậy cao nhất vào tha lực. Suzuki chỉ mới phân biệt hai trạng thái nương tựa tha lực của người cầu nguyện với Ðấng Christ và người thiền định Phật Giáo Chân Tông, nhưng ông chưa phân biệt được sự khác nhau trong nội tâm cũng như ngoại cảnh của cả hai con người khác tín ngưỡng nầy. Người Cơ Ðốc có đức tin (năng tín) vào Thiên Chúa và (sở tín). Còn thiền giả Chân Tông Phật Giáo không có đức tin (năng tín), cũng không có đối tượng để tin (sở tín). Một sự khác nhau quan trọng nữa là Ðấng Ðáng Ðược Tin (sở tín) của người Cơ Ðốc là Thiên Chúa, Ðấng có thật. Còn tha lực (sở tín) bên Phật Giáo Chân Tông thì do tâm thiền giả tự tạo ra. Và tận cùng thì vẫn không có đấng nào đáng tin ngoài chính mình. Ðức Tin của người Cơ Ðốc là tin vào Chúa vì Người là thực hữu, chứ không phải Người thực hữu do con người có đức tin. Nghĩa là con người tin Người hay không tin Người thì Người vẫn hiện hữu và hằng hữu. Làm sao Suzuki hiểu được điều nầy khi ông chưa bao giờ tiếp nhận đức tin của Chúa? Suzuki chưa hiểu gì về sự cầu nguyện trong giới người Tin Lành. Vậy Suzuki có ảnh hưởng khắp thế giới hay không thì cũng chẳng có ý nghĩa gì đến tôi. Dù Suziki, Nhất Hạnh, hay cả đức Ðạt Lai Lạt Ma nổi tiếng đến mấy, tôi đoan chắc rằng họ chưa bao giờ cầu nguyện với Chúa. Chưa hề cầu nguyện với Chúa mà dám so sánh sự cầu nguyện của người tin Chúa với sự thiền định của người tu thiền. Suzuki và Nhất Hạnh quen rao giảng những điều do tưởng tượng lâu ngày trong Phật giáo, giống như lộng giả thành chân. Nhưng vấn đề cầu nguyện với Chúa là một thái độ đức tin thật được giao thông với Ðấng Tạo Hóa. Ðiều nầy Suzuki và Nhất Hạnh chưa bao giờ có, do đó sự tưởng tượng của họ không còn che giấu được nữa. Chưa bao giờ anh vào nhà người ta hết cả, vậy làm sao anh biết cái gì khác, cái gì gống với nhà anh để so sánh? So sánh như thế làm cho tôi nghi ngờ luôn cả những gì anh nói về nhà mình!
Theo lời dạy bảo của Chúa Jesus thì thời đại nầy ma quỉ cũng mang nhiều ảnh hưởng đến nhân loại, chứ không riêng gì Suzuki hay là Ðạt Lai Lạt Ma. Ngay trong giới người tin Chúa không thật lòng, vẫn bị cáo trách là hành động phát xuất từ Satan giả hình: Nào có lạ gì, chính quỉ Satan mạo làm thiên sứ sáng láng (II. Corinto 11:14).
Chẳng có một người Cơ Ðốc nào bồn chồn lo ngại về các ảnh hưởng của Suzuki và Ðức Ðạt Lai Lạt Ma như anh Hai đã viết. Ngày nay thầy Thích Nhất hạnh có ảnh hưởng lớn ở châu Âu về môn Thiền. Nhưng thầy đã đi quá xa khi thầy viết về thiền và Thánh Linh của Chúa trong trang 66, 67, 68, 69, sách LivingBuddha, LivingChrist--nxb Rider, London, Sydney, Auckland. Johannesbu. Thầy Nhất Hạnh là một nhà nghiên cứu chứ không phải là người hành đạo. Thầy Nhất Hạnh hiểu biết về thiền, nhưng về Chúa Thánh Linh sự cầu nguyện của người Cơ đốc thì thầy Nhất Hạnh chưa hề biết. Là một nhà văn, một học giả uyên bác, một nhà cải cách giáo hội Phật Giáo, thầy Nhất Hạnh được một số người trí thức Âu Châu chú ý. Trong số người Âu Châu đọc sách và nghe thầy Nhất Hạnh giảng luận cũng có nhiều người tín đồ Cơ Ðốc mạnh mẽ. Họ muốn tìm hiểu để so sánh với kiến thức tây phương của họ. Nhưng tìm hiểu để được đông phương hóa đời sống nội tâm của họ lại là một chuyện khác. Ngày nay người Á Châu như chúng ta đã bị âu hóa từ gót chân lên tới đỉnh đầu, từ lỗ tai nghe nhạc cho đến cách suy nghĩ. Chúng ta không còn nhiều tính chất Á Châu nên người tây phương có vẻ tiếc cho chúng ta hơn là họ muốn được trở thành nửa mất gốc, nửa học đòi như chúng ta!
Các giáo hội của đạo Chúa ở châu Âu có thể đã không cung cấp đủ thức ăn thiêng liêng cho tín đồ của họ; hoặc bởi họ đã không nhận lãnh thức ăn thiêng liêng trong Lời Chúa, do đó những con chiên đói phải đi tìm thức ăn bất cứ ở đồng cỏ nào. Với những người tín đồ như thế, ai giảng hấp dẫn, ai có tiếng tăm là họ nghe. Họ nghe xong lỗ tai nầy sẽ mất đi nơi lỗ tai khác. Rất ít ai biết được cái sai của thầy Nhất Hạnh, vì họ chỉ hiểu phiến diện một bên hoặc là thiền, hoặc là Thánh Linh (theo kiểu sách vở) mà thôi. Ðó là tai họa của tri kiến. Thánh Linh mà hiểu biết qua nghiên cứu chứ không qua sự mạc khải của Chúa Jesus thì sao gọi là "Thánh Linh" được! Thầy Nhất Hạnh hiểu Thánh Linh qua trạng thái tâm lý như thiền là một điều vô cùng sai lạc.
Sự sa sút Ðức Tin của nhiều người tây phương đã làm cho tâm hồn họ trở nên trống trải. Do đó họ luôn đi tìm cái gì lạ tai, cái gì có mùi vị mới. Tôi cũng nghĩ rằng đó cũng là đặc tính cởi mở của người Tây Phương đối với những nền văn hóa khác. Và đây là những gì mà Chúa Jesus tiên báo trong Matheu 24, Mark 13 và Luca 21. Mọi sự đã, đang và sẽ bị sàng sảy. Chỉ có chân lý hiện hữu và hằng hữu. Cái gì không đúng với chân lý thì dù hay ho, hấp dẫn đến mấy cũng sẽ phai tàn.
Trả lời câu 2-3-4-5 của đoạn thư anh: Việc mua bán nhà thờ từ tôn giáo nầy qua tôn giáo khác cũng không có gì lạ đối các nước Âu Mỹ. Chỉ có Phật Giáo như anh Hai vốn đã quen cố chấp để làm thiêng liêng hóa những ngôi chùa vật chất nên không dám bán chùa. Do đó anh Hai đem sự kiện mua bán nhà thờ vào đây để chứng minh cho sự thịnh đạt của Phật Giáo thì cũng thừa. Nếu Phật Giáo thịnh đạt mà thế giới an bình thật sự thì tôi mừng lắm. Nhưng tôi tin chắc rằng Chúa đã thấy trước tất cả vấn đề của thế giới. Vì Người là Ðấng dựng nên vũ trụ. Nếu ai thật lòng tìm hiểu Kinh Thánh thì sẽ không bao giờ ngạc nhiên về các vấn đề xẩy ra như anh Hai viết cho tôi. Chúa Jesus còn cho biết rằng: Các ngươi hãy giữ, kẻo bị cám dỗ; vì có nhiều người sẽ mạo danh ta mà đến, và nói rằng: ấy chính ta là Ðấng Christ, thì giờ đã đến gần, các ngươi đừng theo họ. (Luca21:8) Người cũng loan báo trước rằng thiên tai, dịch lệ, những cuộc động đất, đói kém, hận thù, chiến tranh, những sự bắt bớ hành hạ người theo Chúa; sự bội đạo xẩy ra, sự nghịch lại luân thường đạo lý, anh em ruột thịt, cha con, mẹ con phản nghịch, tố cáo những người tin Chúa. Ðó là những điều phải xẩy ra cho chúng tôi biết về chứng cớ của những ngày bại hoại cuối cùng bắt đầu lộ diện. Nhưng ai tin Chúa bền đỗ, trung tín thì một sợi tóc trên đầu cũng không mất đâu. (Luca:21:18 và 25-26-27): "Sẽ có các điềm lạ trong mặt trời, mặt trăng cùng các ngôi sao; còn dưới đất, dân các nước sầu não rối loạn vì biển nổi tiếng om sòm và sóng đào. Người ta nhơn khi đợi việc hung dữ xẩy ra cho thế gian, thì thất kinh bạt vía, vì các thế lực trên trời sẽ rúng động. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con người dùng đại quyền đại vinh mà ngự trên đám mây. "
Chúa dạy chúng tôi đừng quá ham ăn uống, đừng quá âu sầu lo lắng, mà luôn tỉnh thức cầu nguyện để ngày ấy con cái Chúa được gặp Người. Trong thời cuối rốt, ma quỷ cũng nổi lên dùng những dấu kỳ phép lạ lừa phỉnh nhiều người đã từng theo Chúa. Còn "tội lỗi thì gia tăng mà tình yêu thì nguội dần trong nhiều người. " (Ma-thi-ơ 24:12).
Khi tôi đọc những điều nầy và chứng kiến những gì xẩy ra trong tôi, trong hoàn cảnh của tôi, trong gia đình ruột thịt của tôi và trong thế giới chúng ta đang sống mỗi ngày; tôi biết rõ là những gì Chúa báo trước đang tuần tự xẩy ra. Vì vậy, đức tin của tôi lại càng thêm mạnh mẽ trong Lời Chúa. Chúa còn cho biết là sự bội đạo, sự phản lại đức tin, và sự gớm ghiếc cũng xẩy ra trong giáo hội nữa. Trong sách Khải Thị, thánh Giăng còn cho biết một hình ảnh Hội Thánh của Chúa cũng bội nghịch công khai như một người vợ bỏ chồng đi ngoại tình. Vậy ở bên các nước Âu Mỹ, một số người có tinh thần cởi mở mà đem thiền vào trong nhà thờ, còn một số người khác theo tà giáo cũng rải rác khắp mọi nơi là không có gì đáng ngạc nhiên. Chính mắt tôi thấy và gặp họ bên nước Ðức, tại Việt nam, Manila, Hòa Lan. Trong đoạn thư nầy, câu 3, và câu 4, anh viết: "Phải nói rằng hiện nay trên thế giới đức tin TC hiện nay đang lung lay." Anh Hai lấy làm hãnh diện vì thấy mình không có Ðức Tin trong Chúa, anh cũng tỏ ra sung sướng khi ước ao rằng Ðức Tin Thiên Chúa bị lung lay, sụp đổ. Còn tôi thì cảm thấy đau lòng khi nhận biết rằng nhiều người thân của mình còn bước đi trong vô tín, kiêu ngạo, đui mù tâm linh mà lòng vẫn không hay biết. Ngày xưa Chúa Jesus đã nói trước tất cả những điều tai hại mà Satan muốn vẫy vùng trong thời kỳ sau rốt để nghịch lại với điều lành. Nguồn cội của điều lành là lòng tin kính Ðấng Tạo Hóa.
Câu 4 trong đoạn thư nầy, anh viết: Chính Chúa cũng run... Ðây là một câu văn bạo phổi giống như người điếc không sợ súng, người ngu dại không sợ sự sai sót của mình. Tư cách là một "phật tử chân chính", anh đã phạm thượng đến Ðấng mà tôi kính thờ! Hy vọng một ngày nào đó anh biết mình sai, và Chúa sẽ tha thứ cho anh. Nếu anh nhận ra lỗi lầm của mình một cách thống thiết, Người sẽ tha thứ cho anh vô vàn tội lỗi khác mà chưa ai thấy. Trong anh có một linh hồn mà Chúa yêu quí như Người yêu quí linh hồn tôi. Chúa dạy rằng giá trị của một linh hồn là quí hơn tất cả châu báu trên trần gian nầy. Còn các người bỏ đạo nầy theo đạo khác là chuyện thường tình mà thôi. Ai cũng có quyền sử dụng tự do tín ngưỡng của mình. Ai chưa thật sự đến uống nước của Chúa Jesus cho, thì họ còn khát mãi nên vẫn tiếp tục tìm.
Khi ở bên Phật Giáo, tôi có nhiều đau đớn nội tâm không ai soi sáng, nhiều thói hư tật xấu như mọi người, nhưng không có một sức sống thiêng liêng để chế ngự, tôi thất vọng vô cùng. Tôi tha thiết tìm kiếm sự giải thoát, nhưng không thể nào gặp được. Tuy vậy lúc đó tôi không hề nghĩ rằng đạo Chúa và Kinh Thánh là Lời Chân Lý và Sự Sống mà Người đã rao báo từ nhiều ngàn năm. Cũng vì vậy, tôi quyết định tự thiêu hiến dâng thân mình cho Ðạo Pháp còn hơn là sống mà nhìn biết sự bất chính nằm trong tất cả hình thức thiêng liêng đáng trọng theo con mắt người đời. Sự bất chính lắm khi trông rất là thánh thiện mà ít ai biết.
Tôi không cho rằng mình bỏ đạo Phật qua đạo Chúa, nhưng tôi bỏ sự lạc đường ngày trước để nhận lấy ánh sáng và sức sống trong Cứu Chúa Jesus. Thái Tử tất Ðạt Ða cũng đã mất sáu năm lạc đường trong hạnh Ðầu Ðà. Còn tôi thì mất 20 năm. Nhưng 20 năm ấy rất có lợi cho tôi, vì sự lầm lạc xưa của tôi đau thương bao nhiêu, thì ngày nay tôi càng trân quý sự bình an thánh khiết trong Chúa bấy nhiêu. Chúa ban cho tôi biết bao nhiêu Ân huệ về sự đổi mới tâm hồn, tôi chỉ biết tạ ơn Người. Tôi không có gì lo lắng đâu. Anh Hai nhớ lo cho bản thân anh, cho linh hồn anh và vợ con anh thì tốt hơn. Ðể vắn tắt đoạn nầy, tôi tặng anh một vần thơ ngắn:
Gần chùa kêu Phật bằng anh
Ra đi lòng mãi chân thành nhớ thương
Nỗi đau nào giữa đêm trường
Ði tìm tự tánh soi đường biển khơi
Phước thay sự chết Con Trời
Chết trong bổn ngã con người ăn năn
Bước vào sự sống phục sinh
Giã từ phần mộ vui miền thái an
Gần chùa kêu Phật bằng anh
Xa chùa mới thấy ngọn ngành bổn lai
Thị phi nào có lâu dài
Tâm trung nghĩa tín trọn đời còn nguyên.
*17. Tôi không có ý kiến gì về đoạn thư nầy của anh.
*18. Anh nói: "người ta sắp lên sao Hỏa định cư rồi mà mình còn ngồi đây nói chuyện xưa". Theo tôi, còn lâu người ta mới có thể lên định cư ở sao Hỏa. Chưa có bằng chứng gì để thấy loài người có thể định cứ ở đó. Ngay cả những bí mật về trái đất, người ta chưa biết hết mà đã để tội lỗi làm hỏng trái đất cũng khá nhiều rồi. Khi viết câu trên, anh đã tự chứng minh thái độ chánh tư duy, chánh niệm của anh là hoàn toàn đúng sự thật. Người sống theo giáo lý Bát Chánh Ðạo không phát ngôn bừa bãi lôm côm như thế đâu.
*19. Tôi không có khả năng bàn sâu với anh trong câu 19 nầy. Xin anh thông cảm.
* 20. Tôi được anh Hai cho biết ngày xưa anh từng là một chủ bút của tờ báo Gia Ðình Phật Tử. Vậy là anh có tài năng viết lách, thật đáng quí. Tôi cám ơn anh đã viết thẳng thắn như lòng anh suy nghĩ. Nhưng anh cho rằng sợ viết và nói nhiều sinh ra vọng ngôn (trang 14, thư anh). Câu nầy cho tôi hiểu rằng anh đã tự nhận cái tánh không thật thà của một người trí thức phật tử trong anh.
* 21. Trong thưa anh, anh cũng nhắc lại đứa con út của anh chê tôi hiểu Phật Giáo chỉ ngoài bề mặt, vậy chắc là cháu nó thông minh và hiểu sâu về bề trong của Phật Giáo lắm? Một đứa trẻ thông minh hiểu sâu sắc về tư tưởng, giáo lý và triết học như thế cũng cần được giúp đỡ thêm về sự phát triển của tâm hồn và nhân cách. Nhất là tâm hồn biết kính trọng, biết lễ phép, biết lắng nghe những người thiện hữu trí thức của cha mẹ mình. Khi cháu chỉ "đọc ké" thư tôi viết cho thân phụ của cháu, cháu không thể hiểu nhiều được đâu. Khi cháu dám đọc thư của tôi đã viết cho anh, rồi vội vàng nhận xét như thế, tôi sợ rằng anh đã thiếu sót trong việc giáo dục con cái. Giá như cháu có thông minh thật, thái độ đó của cháu cũng là một thái độ kiêu ngạo, non nớt, thiếu lễ phép. Nhưng cái lỗi của một đứa bé đọc lén thư tôi viết cho cha nó cũng chưa nghiêm trọng lắm đâu, điều nghiêm trọng là người cha của nó đã lấy hành động thiếu giáo dục của con mình để khoe sự uyên thâm của Phật Giáo mà mình tin theo gần hết một đời người. Coi chừng anh đang vô tình đẩy con anh xuống hố. Cái hố kiêu ngạo, cái hố dại dột, cái hố u minh tăm tối của "trí tuệ" con người từng đưa họ vào địa ngục mà họ cứ hiêu hiêu tự đắc, thật đáng thương. Ðức Chúa Trời ban ơn cứu rỗi, soi sáng và dắt dẫn chúng ta ra khỏi sự ác, vì Người biết chúng ta hoàn toàn bất lực đối với sự ác. Những ai Tự mình thắp đuốc lên mà đi tìm chân lý hằng hữu là những người không bao giờ đạt được mục đích. Thoạt mới nghe thì rất hay, nhưng có thật lòng áp dụng mới thấy ngọn đuốc tự lực của mình thiếu sót, u tối, mù mớ, không vẹn toàn, và đầy dẫy mâu thuẫn.
Khi anh đề cập đến Bao Công xử án lúc nào cũng đạt đến khẩu phục, tâm phục. Ðó là phim ảnh, nghệ thuật, là thứ đóng kịch, giải trí và kiếm sống của các nghệ sỹ ca kịch sân khấu trần gian. Những vở kịch như thế chỉ có ý nghĩa để dạy đời một cách tương đối. Còn cuộc xử án sau cùng của Thượng Ðế mới là bản án không một ai chối cãi được. Lúc đó dù có tâm phục, khẩu phục cũng đã trễ rồi. Vậy bây giờ chúng ta nên ý thức về thân phận tội nhân của mình đối trước Tình Yêu và sự Công Bình của Ðấng Tạo Hóa đem đến cho mình để tiếp nhận Người cho chính mình là tốt nhất.
Loài người là tạo vật quý báu nhất của Ðấng Tạo Hóa. Vì yêu con mình mà người cha đi tìm từng đứa một để dẫn chúng về nhà, và tha thứ mọi lỗi lầm, sai lạc cho con. Có nhiều đứa con đã trở về trong nhà Cha yêu quí, nhưng cũng không thiếu những đứa con ngỗ nghịch ngang ngược, chúng từ chối tất cả. Bởi thế Người tạo ra luật nhân quả công bình. Người ban cho chúng ta tình yêu và sự tha thứ, nếu từ chối tình yêu của Người chúng ta không chạy đi đâu ra khỏi luật nhân quả công minh của Người đâu.
Tôi viết thư nầy cho anh cả sáu tuần nay mà chưa xong. Tuổi già khiến cho mình chậm chạp, trong khi ngày rời khỏi thế gian dường như lấp ló trước mắt mình rồi. Mong anh thông cảm. Mong thư anh, dù trễ cũng viết cho tôi anh Hai nhé.
Kính chúc anh và gia đình vạn sự bình an.
HN