Thoạt nghe hai chữ cầu nguyện giống như là cầu xin. Nên nhớ rằng sự cầu nguyện khác với sự đọc những bài kinh viết sẵn mà người ta gọi là đọc kinh.
Ðối với người mới tin Chúa, sự sống của Chúa được tái sinh trong họ giống như một bào thai trong bụng mẹ. Mọi sự đều có hệ thống tử cung của mẹ lo liệu hết. Bào thai ấy lớn lên từ từ cho đến lúc phải rời bụng mẹ thành một con người độc lập, tự thở hít không khí như mẹ nó. Ðó là một đứa trẻ. Ðứa trẻ tuy yếu hơn người lớn, nhưng hệ miễn nhiễm hoạt động mạnh, nhanh nhạy. Ðứa trẻ cần có thêm nhiều thứ để phát triển như thực phẩm mềm như sữa. Ðặc biệt là nó cần tình thương và sự vuốt ve, sự quan tâm chăm sóc từ bên ngoài. Khi cần giúp đỡ, đứa trẻ chỉ khóc lên là có người lớn đến ngay. Cái khóc của đứa trẻ có ý nghĩa của sự cầu nguyện. "con có khóc mẹ mới cho bú" cũng thế.
Kinh Thánh diễn tả đức tin của một người mới tin Chúa giống như một đứa trẻ mới lọt lòng vậy. Sự cầu nguyện đơn sơ, chân thành của người mới tin Chúa cũng như thế. Nếu là một người tin Chúa thật thì sức sống của Chúa trong người ấy sẽ lớn dần lên như đứa trẻ lớn dần mỗi ngày. Sức sống ấy tuy khá mạnh mẽ, nhưng còn rất non nớt, nhưng nó mọc chồi đơm trái rất nhanh. Ðứa trẻ càng trẻ thì tốc độ lớn lên càng nhanh. Như thế đứa trẻ đòi hỏi nhiều thứ ăn, ngủ, chơi, tình yêu, sự vỗ về bồng ẳm và sự giải thích những thắc mắc. Giai đoạn nầy sự cầu nguyện thường là sự cầu xin, vì đứa trẻ có những nhu cầu cần được cung cấp hơn là cần được chia xẻ cho người khác. Cũng như thế, sức sống của Thiên Chúa lớn lên trong đức tin của người mới tin Chúa như một đứa trẻ mới ra đời vậy.
Càng lớn, càng có thêm kinh nghiệm sống, càng muốn được độc lập và càng cần mối tương giao xã hội rộng hơn, nhiều ý nghĩa hơn, có tinh thần trách nhiệm cao hơn, cũng như có ý thức về bản thân sâu sắc hơn. Như thế sự cầu nguyện của một người Cơ Ðốc trưởng thành đối với Chúa không còn thuần tuý là sự cầu xin nữa mà là mối tương giao chặt chẽ giữa Chúa và người ấy để họ biết sự hiện diện của Chúa luôn luôn ở trong bản thân mình, hoặc là mình luôn luôn được hiện diện trong Chúa. Vậy ý thức về mối tương giao nầy phải sống động, phải có thật, phải ngon ngọt hoặc nghiêm minh, hoặc có khi đau thương thổn thức ăn năn, có khi cần phải cầu xin về các nhu cầu vật chất cần thiết, cũng như các nhu cầu về đức hạnh như tình yêu thương, sức sống và nghị lực, sự khôn ngoan hiểu biết, sự nhạy bén về nhiều mặt; có khi đầy cả sự biết ơn sâu xa đối với Thượng Ðế thể hiện ra từ trong nội tâm của người tin Chúa khiến cho mối tương giao thực tế của người ấy và những người chung quanh giữa cuộc sống thường ngày như cha mẹ, anh chị em, bạn bè, người xa lạ có tràn đầy cả lòng tin cậy, hạnh phúc và tâm tình. v. v. Nhưng để đạt được mối tương giao thiêng liêng ấy, người tin Chúa phải thực hiện sự cầu nguyện riêng với Chúa một cách thường xuyên và bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào họ được cảm thúc bởi Chúa Thánh Linh. Sự cầu nguyện nầy không chỉ bắt đầu bằng sức lực, ý lực của người tin Chúa mà lại khởi đầu và kết thúc với cả hai chiều: lòng mong ước của người tin Chúa là động cơ đưa họ vào sự cầu nguyện. Và Thiên Chúa ước muốn làm gì cho người tin Người là Người đáp lại cho người tin. Cũng có khi chính Thiên Chúa thúc đẩy cá nhân người ấy vào sự cầu nguyện. Giống như cha mẹ tới với con mình để chuyện trò với nó.
Khi cầu nguyện, người Tin Lành ý thức rất rõ trước sự hiện diện của Chúa để biết mình cầu nguyện với ai, cầu nguyện cho ai, cầu nguyện cho vấn đề gì. v. v. Bắt đầu từ chỗ nầy chúng ta đã thấy có sự khác biệt sâu xa giữa thiền từ đầu chí cuối, từ cách thức đến nội dung cũng như kết quả.
Người cầu nguyện với Chúa là một người tin Chúa, tin rằng Chúa hiện hữu với mình, Chúa nghe hết mội điều mình muốn nói ra. Người cầu nguyện nắm chặt vào lời hứa của Chúa để kêu cầu. Tâm tình cầu nguyện với Chúa theo lời dạy trong Kinh Thánh hoàn toàn khác với thiền định của Phật Giáo, khác với sự cầu kinh của các tôn giáo khác. Kinh Thánh toàn bộ Cựu Ước và Tân Uớc đều bày tỏ một nội dung và những mục đích thông suốt trong sự toàn tri, toàn tại, toàn năng, toàn ái của Ðức Chúa Trời đối với người có mối tương giao mật thiết với Người: người cầu nguyện. Ðặc biệt người cầu nguyện là một người đạt đến sự định tâm nhanh chóng và thông suốt hơn người thiền định rất xa!
Tôi tạm diễn tả cho anh 3 sự khác nhau về hình thức, nội tâm và mục đích giữa thiền định và cầu nguyện như sau.
Ngồi tỉnh tọa một mình nơi chỗ vắng lặng. Nếu bị ôn ào náo động thì thiền giả khó định tâm.
Một mình mình cô lẻ, tự tìm cách xua tan những buồn phiền mệt nhọc ra khỏi tâm tư mình. Tìm mọi cách để làm trống tâm hồn, để đạt đến cái không có gì hết. Vì thế mà rất khó. Vì càng tìm cách làm trống tâm hồn thì tâm hồn càng đây thêm "sự cố gắng làm trống" tâm hồn.
Ðạt đến đại định. Xa hơn nữa là để thành chánh quả. Xa hơn nữa là để không thành một cái gì cả (chơn không diệu hữu). Mục đích thứ nhất là đạt đến đại định. Ðây là một mục đích rất đẹp, nhưng hiếm thấy một thiền giả nào đạt dược trọn vẹn. Mục đích thứ hai thì hoàn toàn chưa có ai đạt được kể từ sau khi đức Thích Ca nhập diệt. Mục đích thứ ba thì hoàn toàn không tưởng. Vi ai đã cố sức để tu thiền thì không bao giờ đạt đến cái "không đạt gì cả". Nếu đã đạt đến "cái không đạt gì cả" có nghĩa là đã đạt đến một cái "không gì cả". Mà đã là "không gì cả" rối thì cần gì phải đạt hay không đạt!
So sánh với ba mục đích trên, thì sự cầu nguyện có kết quả thực tế hơn 100% như sau:
Không bị ràng buộc gì cả. Bất cứ hoàn cảnh nào cũng thực hiện được. Một mình, đông người, nơi ồn ào, nơi yên tĩnh, nơi chiến tranh, trong nhà thờ, ở nhà.... khi đi, khi đứng khi quỳ, khi ngồi... đều được hết. Miễn là người cầu nguyện cảm thấy cần hướng lòng về với Chúa để tỏ bày mối tương giao với Người. Vì Chúa là Ðấng Tự Hữu Hằng Hữu. Lúc nào Người cũng hiện diện, ở đâu Người cũng hiện diện, bất cứ lúc nào Người cũng hiện diện. Dù mình tin hay không tin Người thì Người cũng hiện diện. Khi mình tin nghĩa là mình nhận biết sự hiện diện của Người.
Chỉ cần có đức tin. Dù người ấy buồn phiền, lo âu, vui mừng, hy vọng... thì tâm hồn người ấy vẫn có thể hướng về với Chúa để cầu nguyện.
Mỗi cá nhân có những mục đích riêng để cầu nguyện cho mình hay cho người khác. Tôi sẽ trình bày trong phần sau. Có một mục đích quan trọng mà thiền giả phải khổ công tu luyện chưa chắc đã đạt được, nhưng người cầu nguyện trong Chúa thì đạt được rất nhanh. Ðó là sự định tâm. Khi có đức tin để đến với Chúa, người cầu nguyện định tâm rất dễ dàng và nhanh chóng. Khi ấy người cầu nguyện có thể quên hết mọi sự để được tiếp xúc với Thiên Chúa bằng đức tin của mình. Sự hiện diện của Chúa tràn ngập trong đức tin người cầu nguyện khiến cho người cầu nguyện không bị phân tâm gì cả. Ðiều nầy rất khác với người tu thiền. Vì người tu thiền phải cố gắng hết sức mình để tập trung tư tưởng vào một điều gì đó hầu đạt được sự định tâm. Vậy, trạng thái định tâm là một mục đích và cũng là một khó khăn lớn cho thiền giả, trong khi đó người Cơ Ðốc cầu nguyện thì đương nhiên là được trạng thái định tâm rồi, vì khi ấy họ đang tiếp xúc với Chúa. Còn các mục đích khác của người Cơ Ðốc khi cầu nguyện với Chúa thì người tu thiền hoàn toàn không có.
Tôi diễn tả thêm cho anh thấy như sau:
Người ngồi thiền thì tự mình chú tâm vào trong để nội thức để tâm tư không bị khuấy động. Thiền giả tự xoay xở với riêng mình để không bị phân tâm là cả một quá trình tập luyện khá vất vả. Ðến khi thiền giả đạt vào chỉ tịnh (tạm gọi là định) thì cái tôi càng lớn theo, vì "mình đã đạt đến cái mình muốn". Lúc đó nếu thiền giả gặp sự quấy rầy từ ngoại cảnh thì dễ loạn động. Ví dụ như phiền bực vì tiếng ồn, ngứa ngáy vì muỗi đốt... Thân của thiền giả có thể ngồi yên một chỗ, nhưng tâm thiền giả có thể lang thang du lịch ở nhiều nơi xa xôi. Ai mà thấy? Nhưng người cầu nguyện chỉ chú tâm vào Chúa là tránh được sự phân tâm rất dễ. Có khi bom nổ sát lỗ tai, người hàng xóm chưởi nhau om sòm, người Cơ Ðốc vẫn cầu nguyện tự nhiên và tâm hồn họ vẫn không bị phân tán. Nên sự cầu nguyện của người Cơ Ðốc rất dể bước vào sự định tâm. Người cầu nguyện luôn biết tự xét mình trước sự hiện diện thánh của Thiên Chúa. Trong khi cầu nguyện, người đó giãi bày biết bao nhiêu thổn thức của mình với Chúa và được Người soi sáng để sự giãi bày nầy càng thêm khúc chiết, chân thật, rõ ràng. Có những điều sâu xa, kín giấu đến nỗi người cầu nguyện không ý thức được để nói hết ra, nhưng Chúa biết điều đó và Người soi sáng cho người cầu nguyện hiểu ra ngay khi anh ta đang cầu nguyện, hay sau khi cầu nguyện xong, hoặc là một thời gian sau đó nữa. Như thế có nghĩa là người cầu nguyện được đạt đến một mối tương thông thánh khiết và thiêng liêng với Chúa. Nói theo tinh thần đông phương, sự cầu nguyện với Ðấng Cơ Ðốc là một sự thể nhập tiểu ngã vào đại ngã.
Trong sách Roma 8:26, Kinh Thánh chép: "Ðức Thánh Linh cũng giúp sự yếu đuối của chúng ta; vì chúng ta không biết chúng ta nên cầu xin điều gì cho phải lẽ, nhưng chính Ðức Thánh Linh cầu nguyện thay cho chúng ta bằng những lời rên siết không thể nào nói ra được. Ðấng xét thấu lòng dạ con người biết ý tưởng của Ðức Thánh Linh, vì Người cầu nguyện thay cho các thánh đồ theo như ý của Ðức Chúa Trời." Sau khi chuyện trò với Ðấng Thiêng Liêng, người ấy biết chắc rằng mình đã nói gì với Chúa và mình đã nghe Chúa nói gì trong lòng mình. Trong trạng thái nầy người cầu nguyện đạt đến sự định tâm rất bền vững. Và đi xa hơn nữa, người cầu nguyện biết Chúa đã lắng nghe mình, tiếp nhận bao nhiêu nỗi niềm ăn năn, vui buồn, mong ước, cảm tạ, tôn vinh mà tâm hồn người ấy trải ra với Người. Người cầu nguyện càng ý thức mình thưa với Chúa điều gì, Chúa là ai mà mình phải trình dâng những điều đó, tại sao mình trình dâng, và kết quả mình mong đợi nơi Chúa là gì, cũng như kết quả Chúa mong ước nơi mình là gì. Sau khi thỏa mguyện và tin cậy vào Chúa với tất cả mọi điều mình trình dâng, người cầu nguyện vẫn còn muốn yên tĩnh, lắng nghe tình yêu thương và sự thêm sức của Chúa một cách ngọt ngào êm ái. Người cầu nguyện có thể bước ra khỏi phút giây cầu nguyện mà vẫn thấy Chúa và mình đang thân thiết chuyện trò cùng nhau. Sự cầu nguyện đạt đến kết quả cao nhất là nhờ năng lực của Ðức Thánh Linh, tức Thiên Chúa Ngôi Ba hiện diện nơi ý lực, tâm lực của người cầu nguyện. Sau đó đức tin vào Chúa của người cầu nguyện càng thêm mạnh mẽ. Ý thức về tình yêu tha nhân của người cầu nguyện càng thêm vững vàng và cụ thể. Những gì phiền muộn, bối rối nội tâm chưa được giải tỏa trước khi cầu nguyện, bây giờ cũng được giải quyết thông suốt. Kể cả bịnh tật cũng được Chúa chũa lành và tội lỗi cũng được Người tha thứ.
Những gì cần cầu xin đã trình dâng cho Chúa, bây giờ chỉ đợi chờ và tin cậy một sự nhậm lời. Vì chắc chắn Chúa ban cho mình điều tốt nhất. Với sự soi sáng của Ðức Thánh Linh, người cầu nguyện cũng khám phá ra những điều mình cầu xin mà không đẹp ý Chúa. Ðức Thánh Linh cũng chỉ bảo trong nội tâm người cầu nguyện về những yếu kém của mình cần được nâng đỡ. Tùy theo vị trí thiêng liêng của mỗi người trong tập thể Hội Thánh của Chúa; sau khi đã đã tin nhận Chúa và biết Chúa muốn mình sống như thế nào để lời cầu nguyện được mở rộng theo nhu cầu của bản thân mình, gia đình, hội thánh, bạn bè, họ hàng thân quyến, quê hương tổ quốc, và cả thế giới nữa để người có đức tin nói lên cùng Ðấng Vô Biên. Người cầu nguyện cảm thấy thảnh thơi thư thái ôn nhu và tỉnh thức, nhạy bén về những sự kiện chung quanh, xa hoặc gần. Người cầu nguyện nhận diện ra bản thân mình một cách độc đáo, khiêm tốn và rạng rỡ vì đã được đến gần Ðấng Thiêng Liêng nhờ ơn Tha Tội trong sự Chết và Phục Sinh của Chúa Jesus, chứ mình chẳng có gì xứng đáng để được như vậy. Tất cả những ý nghĩa, nội dung, cảm thức của người cầu nguyện dâng lên Chúa đều phù hợp với Tình Yêu và Lời Chúa trong Kinh Thánh một cách tự nhiên và phong phú. Có nhiều trường hợp người cầu nguyện không còn nói tiếng nói của mình nữa, nhưng nói một ngôn ngữ của một nước khác. Sách Công Vụ Các Sứ Ðồ:2:4-5-6 đã có ghi, trên thực tế hiện nay hiếm thấy. Hoặc người cầu nguyện nói một ngôn ngữ rất lạ mà Kinh Thánh gọi là Tiếng Lạ. Trước đây tôi chỉ nhìn thấy nhiều lần, nhưng bản thân tôi chưa hề kinh nghiệm. (Hiện nay tôi đã được Chúa ban cho kinh nghiệm cầu nguyện với ngôn ngữ tâm thần sâu nhiệm nầy sau khi ra hải ngoại, trước khi xem lại tập sách nầy để tái bản).
Người ngồi thiền mà không đạt đến tình trạng định tâm vẫn có thể cố gắng ngồi lâu một cách yên lặng được, nhưng người không thật sự có đức tin vào Chúa mà vẫn giả bộ làm ra vẻ cầu nguyện thì thất bại ngay. Vì cầu nguyện là công khai tỏ bày nỗi lòng ra với Chúa với tha nhân; còn thiền thì ém nhẹm nỗi lòng vào trong riêng tư một mình; làm sao người ngoài biết được! Tôi sống gần một người thân. Người nầy có cái bịnh "thần cảm giả mạo". Người nầy bày tỏ đức tin rất mãnh liệt. Có khi bà ta cầu nguyện bằng tiếng lạ nữa. Những năm tháng đầu tôi tôn trọng thái độ "đức tin" của bà. Sau một thời gian, tôi khám phá ra những hành vi tội lỗi của bà ta. Tôi tìm cách chứng minh cho bà ta thấy rằng tôi đã hiểu những yếu đuối của bà. Nhưng tôi cũng cho bà ta biết rằng tôi có thể vẫn tiếp tục tôn trọng đức tin của bà, miễn là bà thành thật cho tôi thấy thái độ cầu nguyện tiếng lạ và lời tôn vinh Chúa từ nơi miệng bà không do một sự đóng kịch nhà nghề. Bà ta đã tránh né tôi, nhưng sau cùng bà đã sơ hở cho tôi thấy bằng chứng về một sự làm bộ tài tình của bà để lẻn vào trong Hội Thánh Chúa mà làm công tác chính trị. Thế là bà ta trốn biệt. Một người không thật sự có Chúa, có thể bị lừa phỉnh, nhưng khi có Chúa và muốn dấn thân tìm kiếm ơn soi sáng của Chúa, thì Người có trăm ngàn cách cho chúng ta biết thật & hư để sự giả trá bên trong bị lộ ra bên ngoài. Trong khi đó thiền vẫn bị giả bộ được, và người giả bộ đến gần hết cuộc đời, càng về già, sự giả bộ tuy vụng về, nhưng nét "tiên phong đạo cốt" nơi người cao tuổi vẫn có khả năng lừa phỉnh một cách "thiêng liêng" rất hay!
Trong trường hợp người cầu nguyện có đức tin, nhưng còn một trục trặc về nội tâm, một nhận thức sai lầm căn bản nào đó mà người ấy chưa có thiện chí cải thiện, hoặc một tội lỗi còn che giấu trong tâm hồn không chịu xưng ra để Chúa tha thứ và tẩy xóa, hoặc một sự cầu nguyện vì mục đích ích kỷ, thì kết quả là không thỏa đáng ngay trong tâm hồn họ, và bản thân người ấy bị cáo trách, và người ấy cảm thấy không hạnh phúc cho đến bao giờ mọi trục trặc nội tâm được giãi bày với Chúa và được Chúa giải phóng. (Trường hợp nầy, người cầu nguyện cần thực hiện sự xưng tội với Chúa). Kinh Thánh dạy: Cho nên khi con dâng lễ vật trên bàn thờ mà nhớ lại rằng một anh em con có điều gì bất bình cùng con, hãy để lễ vật ở trước bàn thờ, đi giải hòa cùng anh em mình trước đã, rồi hãy trở lại dâng lễ vật. (Ma-thi-ơ 5:23-24). Ngoài giờ cầu nguyện ra, người con Chúa cũng luôn luôn có một mối tương thông với Chúa rất mật thiết như những sự chuyện trò thiêng liêng, những suy gẫm hằng ngày bất cứ ở đâu, bất cứ hoàn cảnh nào. Do đó cuộc sống làm ăn, chung đụng với trần gian trở nên êm ái và không bị những vướng mắc của tội lỗi, gian tham kéo mình ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.
Chính Chúa Jesus cũng cầu nguyện, và Người cũng xin Ơn của Ðức Chúa Trời. Xin xem toàn đoạn Giăng 17, Lời Chúa Jesus cầu nguyện như thế nào, nhất là ý nghĩa sống động sâu xa trong Lời Cầu Nguyện được ghi trong sách Tin Lành Giăng, đoạn 17. Các môn đồ của Chúa Jesus cũng xin Người dạy cho họ cầu nguyện. Xin đọc Ma-thi-ơ 6:6-13 hoặc Luca 11:1-4.
Trên đây là một sự cố gắng của tôi để thuật lại cho anh Hai vài kinh nghiệm bản thân về sự khác nhau giữa thiền và cầu nguyện mà cá nhân tôi có biết qua thực hành. Tôi biết sự trình bày nầy rất chủ quan và hạn hẹp trong cá nhân tôi. Tuy nhiên đây không phải chỉ là lý thuyết thâu lượm được do đọc sách, nên tôi không dám hy vọng rằng anh Hai chỉ đọc thôi mà có thể nắm bắt được. Xin nói thêm là kinh nghiệm của tôi có thể không giống kinh nghiệm của người khác, nhưng bất cứ ai có một số kinh nghiệm thật đều có thể nhận ra tôi nói đúng tới đâu, đủ tới đâu và thiếu ở những chỗ nào. Nhưng bởi những kinh nghiệm sống với Lời Chúa để biết sự thực hữu của Người, tôi xác nhận những tài liệu về Ðức Thánh Linh và về sự cầu nguyện của hai nhà trí thức lừng danh Suzuki, Nhất Hạnh là sai hoàn toàn. Trong thế giới của chúng ta đang sống, đã có biết bao nhiêu nhà trí thức tôn giáo viết những chuyện cao siêu đầy dối trá như hai ông Suzuki và Thích Nhất Hạnh! Mấy ai đã kiểm chứng được điều họ đã viết ra?
Bản chất đạo đức trong con người chúng ta vốn rất yếu đuối và mù mờ. Vì thế chúng ta quen giấu những điều xấu xa sâu kín của mình. Nhưng Ðức Chúa Trời biết tất cã những điều đó. Người biết hết mọi sự kín nhiệm sâu xa của chúng ta, vì thế khi chúng ta tiếp xúc với Người bằng sự cầu nguyện, chúng ta được Ðức Thánh Linh soi sáng dắt dẫn thật là diệu kỳ. Người tha thứ và tẩy xóa những u uẩn ấy cho chúng ta để chúng ta được tư do, được giải thoát.
Tôi có ghi lại một vài kỷ niệm hạnh phúc bởi sự tương giao với Chúa bằng một đôi vần thơ khờ khạo. Nay xin tặng anh Hai một bài thơ ngắn sau đây:
Từng giờ se sẻ đi qua
Linh hồn nếm ngọt Lời Cha nhân hiền
Trải lòng dâng Ðấng Vô Biên
Tình yêu thiên thượng dâng lên ngập tràn
Êm như gió thoảng trên ngàn
Thơm như lịm cả can tràng trong thân
Mỗi lần gẫm đếm Thiên Ân
Thấy mình chỉ chút bụi trần mỏng manh.