*15. Trang 11+12, anh viết: 1 "Anh nói Thượng Ðế là Tình Yêu. Về mặt sự thì chấp nhận được, nhưng về mặt lý, thì tình yêu chỉ là một cảm thọ. Theo Phật Giáo thì cảm thọ cũng là vô thường, nếu Chúa là Tình Yêu thì Chúa cũng là một thứ cảm thọ nên cũng vô thường, tức là không có Thượng Ðế. Ðừng bắt tôi tin cái thứ vô thường. 2 Anh mách cho tôi biết rằng "Người tự xác định rằng "Ta là Ðấng Tự Hữu, nhưng anh không chứng minh được Người tự hữu như thế nào khi mà Người đã mặc khải cho chính anh, anh nói thế. Hy vọng rằng đến một ngày nào đó anh đạt đến tình trạng thấu thị thì lúc đó tôi mới tin."
Câu 1: Phật Giáo cho rằng tình yêu là cảm thọ. Phật Giáo hiểu hai chữ tình yêu như là một của nợ giữa thế gian. Thật là đáng tiếc cho Phật Giáo, vì tôn giáo nầy mới nêu lên một mặt nhỏ về cảm xúc của tình yêu và chỉ nhìn vào góc độ tiêu cực của nó để gọi tình yêu là một cảm thọ, là ái nghiệp. Kinh Thánh cho chúng ta thấy nhiều góc độ và tính đa phẩm chất của tình yêu. Ngôn ngữ Hi-lạp được dùng để viết Tân Ước có ba chữ tình yêu khác nhau và được nêu lên ba phẩm chất tình yêu khác nhau rất thực tế và phong phú. Nhưng trước khi giải thích cặn kẽ cho anh Hai về ba loại tình yêu mà Kinh Thánh mô tả, tôi muốn nói với anh một điều nầy: Kinh Thánh dạy rằng "Về sự khôn sáng, chớ nên như trẻ con; nhưng về sự gian ác, thật hãy nên như trẻ con vậy. Còn về sự khôn sáng, hãy nên như kẻ thành nhơn" (I. Corinto:20) Con trẻ chưa trải qua những kinh nghiệm trưởng thành thực tế như người lớn, sự nhận thức các vấn đề trừu tượng trong đầu óc con trẻ chưa vững chắc. Vì thế Kinh Thánh dạy rằng "Về sự khôn sáng, chớ nên như trẻ con". Nhưng có một điều rất quý báu trong tâm hồn con trẻ là nó chưa biết nhiều về sự gian ác. Con trẻ có nhiều lỗi lầm nhưng không gian ác như người lớn. Bởi thế, Kinh Thánh dạy nhưng về sự gian ác, thật hãy nên như trẻ con vậy.
Quan niệm về hai chữ khôn sáng trong Phật Giáo cũng là một quan niệm tiêu cực hạn hẹp trong thế giới phù du mà thôi. Phật giáo cho rằng sự khôn sáng là sở tri chướng, là thế trí biện thông; nó thuộc về kiến trược. Phật Giáo từ chối sự khôn sáng của Ðấng sáng tạo vũ trụ, từ đó lý thuyết Phật Giáo tự cột cho mình hàng khối mâu thuẫn. Khi đả kích tình yêu thương và coi tình yêu thương là cảm thọ và ái nghiệp, Phật Giáo gọi Ðức phật là Ðức Từ Bi và nêu cao lòng từ bi của Phật đến tột đỉnh. Từ bi và tình yêu là hai từ nhưng một nghĩa. Vậy sao anh không gọi Ðức Từ Bi cũng là cảm thọ, cũng là Ðức Vô Thường, không đáng tin? Thiên Chúa, Kinh Thánh, Ðạo Chúa đều có sự Mầu nhiệm, là những điều mà lý trí con người không thể biết hết được. Vì không hiểu hết được, con người cần sự soi sáng của Ðấng toàn năng vô lượng vô biên. Phật Giáo phủ nhận Ðấng toàn năng vô lượng vô biên và đề cao con người là loài có thể tự mình đạt đến sự hiểu biết tột đỉnh đến nỗi tĩnh lặng không thể nào tả được và gọi đó là không gì cả. Ai là người muốn hiểu Phật Giáo thật sự mới là người khám phá ra mình đang đi trong sa mạc lý luận không bờ không bến, không một bóng cây và đi hướng nào cũng chẳng hề lạc đường. Sau cùng, cái tột dỉnh của Phật Giáo là cái không có gì để thấu triệt cả. Hoặc là thấu triệt cái không có gì thấu triệt. Trong khi Phật Giáo của anh Hai gọi tình yêu thương là một cảm thọ, là vô thường, nhưng Kinh Thánh nói Chúa là Tình Yêu Thương. Riêng về câu Chúa là Sự Yêu Thương (I. Giăng 4:16b). Sự khác nhau nầy là điều hấp dẫn để chúng ta trao đổi một cách lý thú.
Bây giờ tôi trở lại với hai chữ Tình Yêu trong Kinh Thánh:
1/ Tình yêu Eros: Là tình yêu bản năng, tình yêu của dục tính, có trong loài vật, và cả loài người. Trong loài người, tình yêu nầy có vẻ hơi giông giống như LIBIDO của nhà phân tâm học Freund (theo thiển ý của tôi). Còn trong loài vật thì đây chỉ là bản năng sinh tồn và duy trì nòi giống mà Chúa đã ban cho vạn vật như trong sách Sáng Thế Ký, ghi ở đoạn đầu. Như con gà biết ấp trứng, biết bảo vệ con mình. Con chim biết tha mồi, nhịn đói nuôi con. . . Tình yêu Eros nầy không có trí tuệ, không có tiến bộ, không có ý thức, không có biến đổi dễ dàng bằng các phương pháp giáo dục. Hàng ngàn năm nó vẫn giống y như vậy. Dòng giống nào thì chịu sự di truyền theo giống đó. Ví dụ loài ong làm tổ rất tinh vi, nhưng không phải vì thế mà chúng có thể sai khiến được như trâu bò. Tình yêu Eros nầy không do nhân duyên khởi sanh ra, không do loài vật tự làm ra, nhưng do Thượng Ðế ban sẵn trong sự sáng tạo của Người.
2/ Tình yêu Phileo: Là tình yêu trong loài người. Ðây là một tình yêu vừa bản năng, vừa trí tuệ. Nó thể hiện với những điều kiện của lý trí, của khôn ngoan và rất chọn lựa tuỳ theo đối tượng. Nó cũng thể hiện và thay đổi tuỳ theo nền văn hóa, trình độ giáo dục, thời đại văn minh, và truyền thống địa phương khác nhau. Ví dụ 300 năm trước, những người trẻ tuổi có phong cách yêu và bày tỏ tình yêu khác với giới trẻ bây giờ. Người học thức có cách yêu khác người dân dã. Người Phi Châu có phong cách yêu khác người Hy Lạp. Người Ðan Mạch yêu nhau khác với người K-ho ở Di-Linh. Cha con yêu nhau khác với người tình hay bạn hữu. Khi cha con yêu nhau mà không vừa ý nhau có thể trở nên thù oán nhau. Vợ chồng mà không còn yêu nhau cũng trở nên kẻ thù nguy hiểm của nhau. Mẹ con mà cũng có khi sát hại nhau vì tình yêu lệch lạc đường đạo nghĩa.
Sự ảnh hưởng về tôn giáo, tín ngưỡng, đức tin và giáo dục, luân lý đạo đức vào trong tình yêu Phileo nầy cũng rất sâu sắc. Tình yêu Phileo không có trong loài vật, nhưng trong loài người thì rất đa dạng. Ví dụ tình yêu cha mẹ, tình thầy bạn, tình đồng hương, tình yêu đôi lứa, tình chồng nghĩa vợ, tình yêu con cái, tình yêu tổ quốc, tình nói giống, tình yêu thiên nhiên, tình yêu lẽ phải và mỹ đức, tình yêu của cải vật chất... đó là những loại tình yêu tương đối; nó có cả lành lẫn dữ, cả phúc lẫn tội lỗi, hòa bình và chiến tranh, cao thượng và thấp hèn, vị tha và ích kỷ. Ví dụ tình yêu của cha mẹ với con cái, tình yêu vợ chồng là những thứ tình yêu cao đẹp nhất, nhưng vẫn hàm chứa sự tối tăm ích kỷ đầy gian ác, hận thù với nhau (tùy trường hợp để mỗi tính chất của nó được thể hiện). Tuy nhiên, khi con người được được học tập, được rèn luyện để phát triển tình yêu Phileo nầy thì nó rất phong phú tuyệt vời theo mỗi nền văn hóa khác nhau. Tôi nghĩ rằng loại tình yêu nầy là thứ mà anh Hai cho là vô thường, là cảm thọ, không đáng tin. Cho nên anh Hai la hoãng lên: đừng bắt tôi tin cái thứ vô thường. Tình yêu nầy cũng không do loài người tạo ra mà do Thượng Ðế ban cho họ. Loài người có quyền tự do tuyệt đối để bày tỏ tình yêu nầy qua các thời đại và chịu trách nhiệm về kết quả của nó. Loài người có thể học tập để thể hiện tình yêu nầy. Tôi không có ý ép anh Hai tin vào một cái gì cả. Tôi chỉ luận bàn với anh Hai về sự khác nhau giữa hai niềm tin tôn giáo của chúng ta. Niềm tin là một sự tự do tuyệt đối giữa chúng ta. Nhưng Ðức tin trong Chúa lại vừa là một sự tự do tuyệt đối từ phía con người, lại vừa là một sự mặc khải mầu nhiệm từ phía Chúa.
3/ Tình Yêu Agape: Là Tình yêu thiêng liêng và vô lượng. Tình yêu nầy là Bổn Tánh của Thượng Ðế. Ðây là tình yêu vô điều kiện. Dù chúng ta gian ác mấy Người cũng yêu chúng ta. Kẻ gian ác vẫn được thở không khí như kẻ hiền lành. Trong sách Sáng Thế Ký, Moses ghi lại công trình sáng tạo ra vũ trụ của Thượng Ðế. Chúng ta có thể thấy rất rõ là Thượng Ðế đã dựng nên tất cả vũ trụ một cách hoàn chỉnh rồi mới dựng nên con người sau cùng. Tại sao thế? Tại vì tình yêu Agape mà Người dựng nên vạn vật cho con người, và Người giao cho loài người quyền quản trị các loài và làm cho chúng phục tùng mình. (Sáng Thế Ký 1:23). Ngày nay chúng ta có thể thấy sự vận hành vũ trụ với vô vàn tinh tú, vô số thái dương hệ nhưng vẫn có một qui luật, một trật tự diệu kỳ. Như thái dương hệ của chúng ta, và đặc biệt là hành tinh của chúng ta vẫn quay chung quanh mặt trời, vẫn có ngày đêm luân chuyển, bốn mùa thay đổi thuận hòa, và từng giây phút một trong hàng tỷ năm vẫn chính xác. Sự sống của muôn loài, từ con bướm, con côn trùng, đến cây cỏ, con người đều bày tỏ một bàn tay vô hình có tri năng vô lượng sáng tạo ra và bảo tồn vũ trụ nầy cho chúng ta thừa hưởng. Ngày nay loài người đã biết đến tác dụng của tầng Ozone nên lại càng hiểu biết hơn về sự bảo vệ của Ðấng Tạo Hóa giành cho sự sống trên trái đất. Ngay trong thiên nhiên, vạn vật, chúng ta có thể nhận biết tình yêu Agape của Thượng Ðế. Thiên nhiên mang một sứ điệp vô ngôn ngàn thu cho chúng ta hiểu biết và tin Người. Chỉ có con người mới nhận diện được tình yêu Agape mà thôi. Vì Thượng Ðế là Tình Yêu Agape trong khi con người mang hình ảnh của Thượng Ðế. Kinh Thánh Cựu Ước đã ghi lại:
Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời,
Bầu trời giải tỏ công việc tay Người làm.
Ngày nầy giảng cho ngày kia,
Ðêm nầy tỏ sự tri thức cho đêm nọ.
Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói;
Cũng không ai nghe tiếng của chúng nó... (Thi-Thiên 19:13).
Nghĩa là con người có thể nhận ra ý nghĩa và công việc cũng như tình yêu của Thượng Ðế khi họ quan sát thiên nhiên trong vũ trụ. Chính vì thế mà có những nhà khoa học càng say sưa nghiên cứu vạn vật lại càng tin vào Ðấng Tạo Hóa nhiều hơn. Tình yêu Agape nầy cũng được thể hiện trong sự sửa phạt của Người đối với loài người. Vì sau khi loài người đã phạm tội, Người muốn dẫn loài người đi vào đường công chính, nên có khi Người ban cho loài người cả những tai họa nữa. Những tai họa mà Người biết rằng sẽ có ích trong việc sửa trị tội ác do Satan gây ra trong loài người. Moses là người đầy tớ Chúa, có đặc ân được gần Người một cách thiêng liêng, vì vậy Moses hiểu biết tình yêu Agape của Chúa nên ông thưa với Người rằng: "Xin Chúa làm cho chúng tôi được vui mừng tùy theo các ngày Chúa làm cho chúng tôi bị hoạn nạn, và tùy theo những năm mà chúng tôi thấy sự tai họa. " (Thi thiên 90:15). Trong kinh nghiệm sống với đức tin, tôi thưa với anh Hai rằng những đứa con của Chúa dù nhiều khi đau buồn với những tai họa, nhưng họ biết cảm tạ Người về những tai họa mà Người ban cho mình. Dĩ nhiên khi ấy lòng họ cũng phải biết lắng nghe ý nghĩa sâu xa thăm thẳm của tai họa. Cũng vì vậy mà Kinh Thánh xác nhận rằng ai nhận được tình yêu Agape của Ðức Chúa Trời, và biết yêu Người thì "mọi sự hiệp lại làm ích cho người yêu mến Ðức Chúa Trời. " (Roma8:28)
Ðể chúng ta nhận thức về tình yêu vô lượng của Thượng Ðế, Chúa Jesus dạy rằng:... "Vì Người cho mặt trời soi trên kẻ ác cũng như người thiện và ban mưa cho người công bình cũng như người bất chính. "(Ma-thi-ơ 5:45b).
Khi con người ý thức được sự giới hạn của tình yêu Phileo trong nhân loại, họ mới hướng đến tình yêu trọn vẹn hơn trong Ðấng Tạo Hóa. Phải thật sự nhận được tình yêu của Người, chúng ta mới biết tình yêu đó ra làm sao. Cũng như khi chúng ta ăn đường Thốt Nốt rồi mới biết nó ngon ngọt ra làm sao. Chúa Jesus dạy các môn đồ Người rằng: "Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thế nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. " (Giăng13:34) Nếu chúng ta hoàn toàn chưa nếm trải Tình Yêu của Thượng Ðế trong đời sống mình như thế nào, chúng ta chỉ có một thứ tình yêu nhân tính (Phileo). Tình yêu Phileo dù cao quí đến mấy cũng vẫn còn tính hẹp hòi, chủ quan, và ích kỷ mà thôi. Chúa làm mới con người chúng ta, nghĩa là Người đặt tình yêu vô điều kiện của Người trong chúng ta, trong khi chúng ta vẫn là những kẻ bất toàn, gian ác. Người muốn chúng ta tiếp nhận tình yêu của Người để chúng ta có kinh nghiệm học tập yêu anh em mình, yêu kẻ thù mình vô điều kiện như Người đã yêu chúng ta. Chính tình yêu Agape là năng lực thánh thiện dẫn đưa chúng ta từng bước vào sự trọn lành nếu chúng ta tin và muốn. Ðể dạy chúng ta về tình yêu Agape, Chúa Jesus phán: "Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Người khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng người gian ác. Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu? Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao? Lại nếu các ngươi chỉ tiếp đãi anh em mình mà thôi, thì có lạ gì hơn ai? Người ngoại há chẳng làm như vậy sao? Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn như Cha các ngươi ở trên trời là Ðấng trọn vẹn. (Matheu 5:43-48). Tình Yêu nầy là bổn tánh của Thượng Ðế, là hằng hữu như chính Người là Ðấng tự hữu và hằng hữu. Tôi không thể giải thích cho anh Hai hiểu được. Nếu anh thành tâm muốn hiểu thì có một cách mà tôi đã làm; đó là chân thành, tha thiết tìm kiếm Chân lý trong Cứu Chúa Jesus. Khi anh chân thành tìm kiếm chân lý thì Ðức Chúa Trời biết lòng anh và Người sẽ mặc khải chính Người cho anh, vì Người là Chân lý. Khi Người ngự vào trong lòng anh, Người sẽ làm cho anh nhận ra bổn tánh tình yêu của Người, và khi ấy anh sẽ rất ngạc nhiên là chính anh cũng mang trong mình đức yêu thương kỳ lạ nầy để mỗi ngày càng nên giống Người hơn. Sự mặc khải là như vậy. Thượng đế không bao giờ yêu tội ác trong con người. Nhưng Thượng Ðế yêu con người một cách không điều kiện. Vì tình yêu Người đối với con người là tình yêu vô lượng, nên Chúa Jesus phán: "Vì Ðức chúa Trời yêu thưong thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Người, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. " (Giăng3:16). Câu Kinh Thánh nầy là câu mà Chúa Jesus đã giảng về ý nghĩa của tình yêu Thiên Chúa trong sự giáng thế lâm phàm của Thiên Chúa Ngôi Hai, là Jesus Christ, là Ngôi Lời
Trong thư I Giăng 4:7-14, Thánh Giăng gởi cho Hội Thánh, chúng ta có thể thấy thêm: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Ðức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Ðức Chúa Trời và nhìn biết Ðức Chúa Trời; vì Ðức Chúa Trời là Yêu Thương. Lòng Ðức chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Ðức Chúa Trời đã sai Con Một Người đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. Nầy là sự yêu thương ở tại đây: Aáy chẳng phải chúng ta yêu Ðức Chúa Trời, nhưng Người đã yêu chúng ta, và sai Con Người làm của lễ chuộc tội chúng ta. Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Ðức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau. Chưa hề có ai thấy Ðức Chúa Trời; nếu chúng ta yêu nhau, thì Ðức Chúa Trời ở trong chúng ta, và sự yêu mến Người được trọn vẹn trong chúng ta. Bởi điều nầy chúng ta biết mình ở trong Người và Người ở trong chúng ta, là Người đã ban Thánh Linh Người cho chúng ta. Chúng ta lại đã thấy và làm chứng rằng Ðức Chúa Cha đã sai Ðức Chúa Con đặng làm Cứu Chúa thế gian. "
Thưa anh Hai, Chúa yêu chúng ta bằng tình yêu Agape. Khi chúng ta kinh nghiệm được tình yêu nầy, chúng ta mới biết sử dụng nó như thế nào, hoặc ít nhất chúng ta cũng nhận thức được rằng chính mình không thể yêu tha nhân như Chúa đã yêu mình. Biết Chúa yêu mình như thế nào rồi mình mới bắt đầu từng bước để yêu Người và yêu tha nhân theo cách của Người đã yêu mình. Không phải Người ích kỷ đến nỗi Người cần chúng ta yêu Người. Nhưng khi chúng ta biết yêu Người thì chúng ta mới có sự giao thông với Người một cách phong phú và vô cùng ích lợi cho chúng ta. Như người cha yêu con, nhưng đứa con không biết yêu cha thì làm sao nó hiểu được ý nghĩa của tình yêu mà người cha dành cho nó, phải không anh?
Trong câu chuyện Chúa Jesus ba lần hỏi người đệ tử của mình là Phierơ, Người dùng chữ như sau: "Phierơ, ngươi agapeau (yêu) ta chăng? Và ba lần được thầy hỏi như thế, nhưng Phierơ vẫn ba lần thưa rằng: "Thưa Chúa, phải, Chúa biết con Phileau (yêu) Chúa". (Giăng 21:15-16). Tại sao thánh Phierơ không dám nói mình agapeau (yêu) thầy mình? Vì thánh Phierơ hiểu ý nghĩa của tình yêu Agape là tình yêu đến từ Chúa trước đã, và thánh Phierơ tự giác rằng mình chỉ mới biết yêu Chúa bằng tình yêu Phileo mà thôi. Chính tâm tình thánh Phi-e-rơ chân thật như thế nên về sau ông được Chúa ban đầy dẫy Thánh Linh và Người đặt tình yêu Agape trong lòng Phi-e-rơ để ông biết yêu Thầy mình, yêu Hội Thánh, cũng như yêu anh em. Tiếc thay trong tiếng Việt không có những chữ khác nhau để phân biệt ba loại tình yêu Eros, Phileo và Agape. Tiếc thay môn Duy Thức Học là môn tâm lý học cao siêu của Phật Giáo nhưng không đủ khả năng giúp anh Hai hiểu thấu các ý nghĩa của tình yêu đến nỗi khi đọc về tình yêu do tôi viết, anh Hai đã bị vấp cái đụi!
Vậy thưa anh, Tình Yêu nầy là bổn tánh của Ðức Chúa Trời mà tôi viết cho anh trong thư trước. Tiếc thay tôi không kịp nói rõ hơn, khiến anh hiểu lầm ý của tôi. Con người có tình yêu Phileo. Nhưng để thăng hoa, để vượt đến sự trọn vẹn tuyệt đỉnh như tình yêu Agape, con người đã cố gắng tự mình vươn lên suốt bao ngàn năm mà vẫn thất bại. Trong lịch sử, loài người đã cố gắng bằng mọi nỗ lực tôn giáo, đạo đức luân lý, triết học, giáo dục, khoa học, xã hội học, luật học, chính trị học. . v. v. Nhưng con người vẫn là con người bất toàn, và càng ngày càng suy đồi về mặt đạo đức, về tâm linh. Vì tổ phụ của chúng ta đã bất tuân Ðấng Trọn Vẹn ngay trong vườn Eden. Sự bất tuân nầy là nguồn của tội lỗi truyền ra trong dòng dõi nhân loại. Ðiều nầy có thể giải thích như một loại "gen" di truyền trong dòng giống loài người. Tiếng đời gọi là "Cha ăn mặn, con khát nước. " hay là "Cha mẹ trồng cây; đến ngày con, cháu hái quả. " Ngày nay chúng ta thấy mẹ nhiễm độc, con trong bụng cũng bị ảnh hưởng theo. Ðó là về mặt sinh lý di truyền, về mặt tâm linh cũng vậy. Nghĩa là tánh tội lỗi trong cha mẹ vẫn truyền cho con cái. Vì thế mà khi lớn lên dù là học điều lành nhiều hơn điều ác, nhưng người trưởng thành cũng làm ác dễ dàng hơn làm việc lành.
Thượng Ðế luôn luôn muốn ban cho con người Tình yêu Agape của Người, nhưng Người không buộc loài người phải nhận tình yêu nầy một cách thiếu tự do. Thượng Ðế đã dựng nên con người là một giống thông minh nhất trong các loài. Con người có trí tuệ, có tình yêu Phileo, có tự do để tiếp nhận hay từ chối tình yêu Agape của Thượng đế. Và dĩ nhiên tự do luôn luôn đi theo với trách nhiệm. Khi một kỹ sư chế ra cái máy, nếu máy không chạy được, kỹ sư phải chịu trách nhiệm, chứ cái máy không có trách nhiệm gì cả. Vì cái máy là vô tri vô giác. Ngược lại, Thượng Ðế dựng nên con người là một loài sinh linh, có trí tuệ, có tự do hành động theo nhận thức của mình, tự do tiến bộ, tự do phê bình, chỉ trích, tự do tin và không tin vào bất cứ điều gì. Khi con người dùng tự do để chọn lựa, họ phải chịu lấy hậu quả và trách nhiệm mà họ đã chọn. Khi con người tự do trở lại với Thượng Ðế, thì Tình yêu nầy là một thực hữu được tái lập trong chính họ để họ được sự tái sinh. Sự tái sinh nầy là bởi năng lực siêu nhiên của tình yêu Agape từ trong Thượng Ðế. Chỉ có sự thực hữu của tình yêu Agape nầy mới làm nên kinh nghiệm thiêng liêng sống động trong lòng người Cơ Ðốc hơn bất cứ một lý thuyết hay triết học, hay một biện chứng, logic nào cả. Kinh nghiệm sống động nầy có sức mạnh thay đổi cả bản chất gian ác hẹp hòi trong lòng người, khiến cho họ cũng ngạc nhiên về sự mầu nhiệm của tình yêu Agape trong chính họ. Họ không nhìn thấy Ðức Chúa Trời bằng mắt trần, nhưng họ biết sự hiện diện của Ðức Chúa Trời trong họ một cách xác tín. Chính tình yêu nầy là động lực khiến cho người Cơ Ðốc chịu đựng biết bao nhiêu cuộc bắt bớ, giết chóc mà thế gian đã và đang đem đến cho họ. Thánh Phao Lô viết: "Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Ðấng Christ? Có phải họan nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm hay là gươm giáo chăng? Như có chép rằng: Vì cớ Người, chúng tôi bị giết cả ngày. Họ coi chúng tôi như chiên định đem đến hàng làm thịt. (Trích dẫn Thi thiên 44:22). Trái lại, trong mọi sự đó, chúng ta nhờ đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần. Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay bề sâu hoặc một vật nào chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Ðức chúa trời đã chứng cho chúng ta trong Ðức Chúa Jesus Christ, là Chúa chúng ta" (Roma8:35-39). Anh Hai hãy xem lại lịch sử Việt Nam mấy trăm năm trước. Khi Thiên Chúa Giáo đến Việt Nam, những người Việt tin nhận Chúa đã bị nhà vua xử lăng trì, phanh thây, tùng xẻo. Thậm chí bị họ hàng loại bỏ, khai trừ với những hình phạt ô nhục và đau đớn nhất. Nhưng sức mạnh nào đã khiến cho họ thà chịu cái chết đau thương để linh hồn về Thiên Ðường hơn là chấp nhận bước chân lên thập tự giá để làm đẹp lòng sự hung bạo? Giữa hai thái độ của người bắt bớ Ðạo và người tin Ðạo, ai thuộc về giống thánh, ai thuộc về giống phàm? Tình yêu Agape hay nhân từ, hay nhịn nhục là như vậy.
Một người không tin Chúa thì không bao giờ kinh nghiệm được tình yêu Agape của Chúa. Cũng vì tình yêu của Chúa, nên một đôi lần trong giấc ngủ, tôi cũng nghe linh hồn tôi cầu nguyện cho bức thư nầy không chỉ đến tay anh Hai, mà còn đến lòng anh Hai. Tôi không có gì để hơn thua tranh cạnh với anh Hai cả, ngay từ đầu tôi đã nói rằng tôi yêu anh Hai lắm. Và đây là Lời Chúa nói về tình yêu Agape để càng thêm tận nghĩa cho lòng tôi gởi đến lòng anh: "Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và tiếng thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay chập chỏa vang tiếng. Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ tất cả những sự nhiệm mầu, thông thái; dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương thì tôi cũng chẳng ra gì. Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi. Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tỵ, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ... Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng đều trọng hơn trong ba đều đó là tình yêu thương." (I. Corinto13:1-8 và 13).
*16. Trang 12&13, thư anh viết: "1 Ðừng chủ quan, hãy khách quan một chút để nhìn ra thế giới khi mà ảnh hưởng của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma và Suzuki đã làm cho những người cầm đầu giáo hội Christian bồn chồn lo ngại. 2 Mục sư thì mở thiền đường chính ngay trong nhà thờ. Nhà thờ thì bán, tôn giáo khác mua làm nhà nguyện của họ. 3 Phải nói rằng hiện nay trên thế giới đức tin TC đang lung lay. 4 Họ run và chính Chúa cũng run khi thấy các đứa con của mình lần lượt bỏ mình ra đi. 5 Tôi có những cuốn Bodhi Leaves (Lá Bồ Ðề) do chính những Christian viết. Họ đã bỏ đạo họ như anh bỏ đạo anh, nhưng họ khác anh ở chỗ, họ tìm được niềm tin mới, trong sáng hơn mà gieo cái sáng đó cho mọi người nên họ viết Bodhi Leaves. Họ không chê bai gì TC mà chỉ vì họ không thỏa mãn những chân lý không đảm bảo cho đời sống tâm linh của họ.
Trả lời câu 1: Theo tôi hiểu thì ảnh hưởng của Ðức Ðạt Lai lạt Ma trên thế giới là ảnh hưởng về chính trị, văn hóa, và tôn giáo đặc thù của dân tộc Tây Tạng. Giá trị của nền văn hóa ấy là giá trị của trần thế. Còn giá trị đức tin vào Chúa là giá trị thiên thượng. Ðó là giá trị vĩnh cữu cho cả đời sau nữa. Phật giáo có từ gọi giá trị ấy là chân như đế (nếu tôi hiểu sai, nhờ anh Hai sửa lại dùm). Vậy anh nghĩ đến các ảnh hưởng của Ðạt Lai Lạt Ma có hại cho đạo Chúa là hoàn toàn do ý tưởng chủ quan phàm tục của anh. Hoặc có thể đây là mong ước sâu xa của anh khiến anh không thể che giấu được mà phải nói ra một cách hẹp hòi như vậy. Còn Suzuki, là một học giả về Phật giáo Trung Hoa và Nhật bản, một học giả về Thiền chứ không phải là một thiền giả. Trong khuôn khổ lá thư nầy, tôi không có gì tranh luận với anh Hai về hai vị đó.
Ngày trước, khi còn là một nhà sư trẻ tuổi, tôi có đọc bộ Thiền Luận của Suzuki. Lúc ấy tôi chưa hiểu nhiều, và không có gì để nhận xét, vì tôi xem Suzuki như một bậc trượng nhân uyên bác. Sau khi ra khỏi chùa năm 1972, đến năm 1973 tôi tham gia học thiền định Pháp Hoa Hội Thượng, tại thiền đường Phú Nhuận. Tôi học và ngồi thiền 02 năm. Tôi nhận biết các phản tác của thiền định trong nội thức, và trên cơ thể con người như mật pháp, những ảo ảnh của ngoại đạo thiền và tà thiền. Tôi cũng đã vào lạc thiền, nhưng tôi dừng lại, và bước ra. Trong kinh điển thiền tông, ai an trú trong lạc thiền sẽ bị đắm vào đó rất lâu, rất khó giải thoát. Tôi biết thiền có kết quả trị bịnh thân thể và giải quyết được một số trục trặc tâm lý nhất định. Thiền cũng tạo cho tôi một bản lĩnh nội tâm. Nhưng về bản chất tội lỗi trong tôi, thiền không có ảnh hưởng nào một cách tích cực cả. Tôi có một số bạn thiền, họ bị một số phản tác quá độ như mê thiền, nhịn đói cho đến chết, hoặc hốt hoảng trong cơn thiền rồi mất trí. Những cái đó gọi là tẩu hỏa nhập ma. Sở dĩ tôi không bị như thế là vì tôi có hiểu ít nhiều về lý thuyết kinh điển và không cuồng tín như các thiền giả khác. Tiện đây tôi xin tặng anh Hai bài thơ Ngồi Thiền của tôi được viết ra trong giai đoạn ngồi thiền khoảng năm 1973-1975. Hồi đó, mỗi lần bạn bè tu sĩ đến thăm tôi, họ thấy tôi ngồi thiền lâu hàng giờ, họ lo sợ rằng tôi có thể bị tẩu hỏa nhập ma. Tôi viết bài thơ nầy cũng để trấn an các bạn:
Ngồi thiền mà để làm thơ
Ý đâu phải muốn qua bờ Nhiên Ðăng
Ở bên xứ ấy huy hoàng
Chẳng ai thèm lấy một nàng thi ca
Thong dong trong cõi Ta Bà
Có nhiều em bé cho ta dỗi hờn
Tiếng khóc đem đổi điệu đàn
Ðau thương đem đổi cả ngàn bài thơ.
Tại Việt nam, tất cả các phái thiền đều chống đối nhau. Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (PGVNTN) không mấy ai thật sự dấn thân trong thiền, trừ vài vị chuyên về Mật tông. Phái thiền Pháp Hoa bị PGVNTN xem là tà đạo. Còn Thiền Vô Vi của phái Lương Sĩ Hằng cũng bị nhiều phái khác xem là tà đạo. Thiền Thông Thiên Học và Thiền Yoga cũng không được xem là chính giáo. Ngoài ra còn có Dục Thiền, Thần Quyền thiền. Dục thiền thì bị cất kín nên ít ai biết. Thần quyền thiền thì tôi đã chứng kiến, nhưng chưa hề nghe nói trong Phật Giáo có hay không. Tuy nhiên Thần quyền thiền có thờ Phật Quán Thế Âm. Tôi có nhớ một biến cố mới đây mà báo chí đăng khá nhiều về một "nhà sư rờ gái". Vị sư nầy dạy cho các cô gái phải trần truồng với ông ta khi ông ta dạy thiền tại Ða Lạt. Năm 1996 công an Ðà Lạt bắt vị sư nầy. Ðây là biến cố khá nổi cộm trong giới Phật Giáo Việt Nam. Tôi không theo dõi kỹ, nhưng biến cố nầy nhắc tôi nhớ đến môn phái Dục Thiền bên Phật Giáo. Sách viết về giáo lý Dục Thiền chưa được dịch ra tiếng Việt. Năm 1995 có dịp qua thăm nước Ðức, tôi gặp một thanh niên tu thiền theo Phật Giáo Tây Tạng. Anh ta cho tôi biết sự khác nhau của hai phái Phật giáo Tanzania và Dục-Thiền cũng gọi là Tanzania. Tôi được xem một cuốn sách về Dục Thiền Tanzania bằng tiếng Ðức. Sách nầy có nhiều hình vẽ trần truồng của người nam và người nữ. Họ thiền trong tư thế đang đạt đến cảm giác làm tình, và cũng thiền sau khi "thỏa mãn" (theo danh từ của phái nầy, phải gọi là trạng thái thể nhập). Sách được dịch từ tiếng Pali ra tiếng Ðức. Trang đầu tiên là hình vẽ rất đẹp của Phật Thích Ca đang tọa thiền. Những trang kế tiếp là hình ảnh gia đình thái tử Tất Ðạt Ða cùng vợ con là Da Du Ðà La và La Hầu La. Tôi không hiểu đủ về Dục Thiền nầy. Nhưng trong tâm niệm của một người tin Chúa, lòng tôi không thoải mái khi xem sách ấy, tôi vội trả lại vào trong tủ sách của bạn tôi.
Thiền của Thầy Thanh Từ ở Chơn Không thiền viện Vũng Tàu cũng bị nhiều vị trong PGVNTH chê và chống. Trước 1975, tôi có chứng kiến một số bạn bè đã đạt đến những kết quả về nhân cách sau một thời gian ngồi thiền của thầy Thanh Từ, nên tôi lấy làm quý trọng. Tôi chưa học Thiền của Thầy Thanh Từ, nhưng tôi kính trọng thầy lắm. Ngày nay thầy xây dựng ra Trúc Lâm thiền viện tại Ðalat, tuy đẹp nhưng vẫn bị một số thức giả thiền môn chỉ trích theo kiểu nói miệng trên bàn, trong các dịp trà dư tửu hậu. Có vị tu sỉ đã nói với tôi rằng rằng sự kiện thầy Thanh Từ cho nam và nữ thiền sinh ở hai nhà đối diện gần nhau ngay ngõ đi vào của thiền viện là không đúng quy cách thiền môn. Vì thiền là phải biệt lập nam nữ để khỏi móng tâm dục giới. Móng tâm về phái tính, móng tâm về khách hành hương đang nhìn các thiền sinh. v. v. Những người nói lên ý đó cũng là những bậc tu hành có hạng trong giới bạn thân của tôi hiện nay. Tôi thấy cái bảng đá có khắc nhiều chữ KHÔNG mà thầy Thanh Từ dựng ngay chỗ cổng đi vào. Cái bảng ấy là một chứng minh cụ thể về các chữ KHÔNG trên những công trình của thầy suốt mấy chục năm qua. Tuy nhiên đã gọi là THIỀN thì nói gì mà không có cái lý của nó? Ai theo phái nào thì tự cho phái mình là chính giáo, còn phái khác là tà giáo. Người chưa biết đường đi trong sa mạc thật khó mà biết mình đang lạc đường. Hồi tôi ngồi thiền, các bạn bè tôi cũng rất sợ tôi bị tẩu hỏa nhập ma vì thiền. Tôi chính thức ngưng Thiền sau 1977, cho đến khi đọc Kinh Thánh từ giữa năm 1979, và tin Chúa sau đó không bao lâu. Sau khi tin Chúa, tôi kinh nghiệm được sự cầu nguyện. Tôi biết sự cầu nguyện khác thiền, và kết quả đi xa hơn thiền rất nhiều. Tôi không muốn dài dòng về lý thuyết của thiền và sự cầu nguyện, vì tôi thấy một số người biết hai điều nầy một cách thuần lý thuyết, và đã viết ra nhiều sách. Họ đã nổi tiếng đối với những người chưa biết gì về thiền. Tôi nghĩ rằng mình có trách nhiệm phải viết đôi điều để giúp độc giả hiểu được thực chất của thiền mà tôi đã học và đã trải qua khi còn ở trong Phật Giáo.
Thiền: Chỉ có một chữ, nhưng vô cùng rộng nghĩa. Bởi vì mọi ý nghĩa của nó đều do trí tưởng tượng phong phú cuả con người. Trong thiền, những người có kiến thức nhiều có thể nói mênh mông bất tận mà cũng không bao giờ sợ sai, vì có mấy ai hiểu và mấy ai dấn thân đến tận cùng với thiền đâu. Hầu hết những thiền sư nổi danh trong lịch sử đều được ghi lại qua truyền khẩu và huyền thoại nhiều hơn những chứng cứ lịch sử có tính khoa học. Mỗi cá nhân thiền giả có một số ước vọng chủ quan về thiền không giống với cá nhân nào khác. Mỗi cơ thể đang sống đều mang một tâm hồn ao ước, muốn xả bỏ những ưu phiền của bản ngã; ấy là rất độc đáo và chủ quan, nhưng lại có thể giống nhau trong cùng một mục đích, dù thiền là đạt đến cái không mục đích. Ðúng là khó nói!
Khi chúng ta thật sự ngồi, thở, nghe, tập trung ý niệm, chú tâm vào một mục đích, hoặc không chú tâm vào một mục đích nào cả, thì có nhiều sự kiện khác lạ xẩy ra trong thế giới nội tâm của mình. Những sự kiện ấy đều do ảo giác. Chúng phản ảnh những gì mà con người cất kính quá lâu, quá sâu trong vô thức. Mỗi phái thiền, mỗi thiền sư có cách giải thích riêng về ý nghĩa của sự kiện ảo ấy. Khi ngồi thiền, người ta có thể lấy mình làm trung tâm vũ trụ để quán tưởng vào một sự thể nhập giữa mình và vũ trụ là một. Có khi thiền giả đóng hết tám cửa thức (nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý, mạt-na, a-lại-da) để đi vào một cõi gọi là "định". Dĩ nhiên là không có một người nào có thể đóng hết tám cửa thức nói trên mặc dù tiếng đồn đã loan ra suốt những ngàn năm rằng đã có người đóng hết tám cửa thức để nhập vào đại định. Ai chịu khó ngồi lâu sẽ thành thói quen, và dần dần người ta cảm thấy như mình đã đóng được tám cửa thức như đa nói ở trên. Khi ấy thiền giả cảm thấy thanh thoát, nhẹ nhàng, an vui, tự do vì đã xua tan bao nhiêu phiền muộn trầm phù. Ðó là tình trạng nội tâm đã bị rơi vào cảnh lạc thiền và đưa thiền giả đến một trạng thái nghiện. Lạc đây là sự hoan lạc. Trên lý thuyết, thiền không cho phép người ta rơi vào trạng thái lạc thiền, vì cơn nghiện khoái lạc nầy cám dỗ thiền giả ngồi thiền mãi cho đến chết, hoặc là những ý định tự tử xuất hiện âm thầm đến khi khám phá ra thì đã muộn.
Khi ngồi thiền đúng cách, các giác quan trở nên nhạy bén, đặc biệt là thính giác và xúc giác. Chính sự nhạy bén nầy đã từng làm cho tâm hồn thiền giả thích thú và bám theo nó, nên kết quả từ bỏ mọi ý niệm để đi vào đại định là muôn ngàn sự mâu thuẫn khác nhau trong từng con người thiền giả rồi. Nói chung thì giai đoạn đầu, thiền giả có đạt đến một trạng thái bình tĩnh và nhạy cảm để dần dần có thêm nghị lực mà đối diện với cuộc sống phù du bề ngoài. Nhưng càng ngồi lâu, thiền giả sẽ bị cuốn hút vào một nỗi đam mê tự kỷ và ý muốn tự khẳng định rằng mình đã được thoát khỏi thế giới trầm luân. Nếu ăn chay, tụng niệm thêm và làm việc lành thì thiền giả càng thêm an tâm và hoan hỷ. Ðây là trạng thái an lạc của thiền. Nếu thiền ít ít, thiền cầm chừng và có tiết độ, thì kết quả ngang đây là tốt. Nhưng thực tế có những rắc rối nghiêm trọng khi chúng ta dấn thân xa hơn. Thông thường, các thiền giả hay tham lam, tò mò và mơ ước đạt đến một số kết quả mầu nhiệm mà giáo lý thiền có nhắc đến. Từ đó thiền giả có thể gặp những hiện tượng nội thức mà thực chất là những ảo giác vô cùng kỳ dị, vô cùng thích thú, vô cùng đáng sợ, gây thêm tính tò mò chi tiền giả. v. v. Chính cái ý muốn và cái đam mê nầy hiệp sức với nhau để đưa thiền giả vào giai đoạn tẩu hỏa nhập ma. Có khi thiền giả thấy Phật, thấy ma, thấy Chúa Jesus, Khổng Phu Tử, thấy Allah, thấy các linh hồn đã chết hằng triệu năm trước, thấy mình đi thăm một số nơi, gặp người quen, thấy mình đến những thế giới xa xôi, thấy mình lấy trái tim mình ra ngoài để tặng cho nhân loại, hoặc cho quỉ đói ăn vì thương nó quá. v. v. Ðó là những ảo giác phản ảnh những vọng tưởng của thiền giả mà thôi. Tùy vào những kết quả huyễn hoặc ấy mà thiền giả sanh tâm cực đoan và mâu thuẫn như kiêu ngạo, tự mãn, thụ động, tích cực, cuồng tín, trầm tính, trốn chạy ngoại cảnh, sợ hãi sau khi thiền, hoặc thiền thật lâu, không muốn ăn uống, ngán ngẩm, bi quan, cuồng nhiệt, có những ý tưởng cực đoan và ý muốn kéo dài hành động ngồi thiền đến tận cùng. v. v. Tôi có biết ba trường hợp cuồng thiền đến chết. Một người ở Nha Trang - Thiền Pháp Hoa. Một người ở Chợ Lớn - Thiền Cao Ðài. Và một người ở Nhà Bè -Thiền Vô Vi. Trước Giải Phóng không bao lâu, tại một ngôi chùa ở Gò Vấp, một vị thiền sư già đang tham thiền, bỗng nhiên ông gọi người đệ tử đến. Khi người đệ tử đến một cách cung kính, khoanh tay đứng bên cạnh thầy mình; bất ngờ vị thiền sư ấy lấy cái dùi gõ mõ đập mạnh vào đầu chú đệ tử. Chú đệ tử bị vỡ đầu chết ngay tức khắc. Vụ nầy suýt nữa bị đưa ra tòa án Sài Gòn thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Vị thiền sư sát nhân trên vẫn một mực xác quyết rằng trong lúc đang tham thiền, ông thấy chú đệ tử ấy là một con quỉ cần phải giết ngay để hóa kiếp cho chú ấy. Những trường hợp ngồi thiền dở dở, ương ương thì không đếm hết. Rất nhiều người đã cố gắng ngồi thiền mà không đạt được gì cả. Những người nầy chưa đạt tới thói quen tịnh niệm, mỗi lần họ ngồi chừng vài chục phút là cảm thấy tê chân, mỏi lưng và bỏ cuộc.
Ở Việt Nam có phái thiền của thầy Thanh Từ. Tôi chưa gặp một thiền giả nào thuộc phái thiền của thầy Thanh Từ bị cuồng thiền. Ðã hơn hai mươi năm tôi xa cách họ, không biết thêm một thôn gtin nào mới. Nhưng thiền của thầy Thanh Từ vẫn bị các tu sỹ trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chê.
Thiền giả cũng có thể vượt qua một số bịnh như bịnh đau bao tử, bịnh tim, bịnh cao huyết áp, bịnh thần kinh tọa, bịnh mất ngủ, bịnh bất an (một cách tạm thời)... hoặc thiền giả vượt qua một số thói quen xấu như hút thuốc, nhậu, chơi bời trác táng, nhưng những thói quen mới, lạ và kỳ cục cũng phát sinh theo mà không ai lường trước được. Hoặc có khi các thói quen cũ mất đi tạm thời rồi tái hiện một cách dữ dội hơn nhiều. Người có bịnh hoang tưởng mà ngồi thiền thì càng bị nặng hơn. Còn có những thói quen xấu phát sinh rất khó nói, vì thiền giả không nói, chỉ gần gũi lắm mới biết. Tôi xin giữ im lặng về điểm nầy. Nếu muốn biết rõ hơn, tôi đề nghị anh Hai theo dõi thiền của Thanh Hải Vô Thượng Sư. Thanh Hải Vô Thượng Sư, một người phụ nữ Việt gốc Hoa ở Mỹ. Bà tự cho rằng mình đã chứng quả thiền định. Bà dạy thiền cho hàng chục ngàn đệ tử ở nhiều nước. Tại Ðức, tôi có dịp đọc khá nhiều lài liệu và xem hình ảnh, cũng như các phương pháp tu thiền của bà Thanh Hải Vô Thượng Sư. Bà có khiếu nhảy đầm, hội họa, vẽ kiểu thời trang. Bà cũng sử dụng phương tiện hóa trang trong khi hành đạo. Thiền của bà Thanh Hải Vô Thượng Sư nhắc tôi nhớ đên Dục Thiền. Các đệ tử của bà thì xem bà như là Phật sống. Thậm chí các đồ dùng cá nhân của bà, kể cả các đồ lót bà đã dùng qua đều được các đệ tử lấy về cất kỹ như những "linh vật" có quyền năng mầu nhiệm. Họ tin rằng các đồ lót của bà cũng phát ra "thần thông vi diệu" để họ nhận được hạnh phúc sâu xa. Năm 1995 tôi đọc tài liệu của phái thiền nầy rất kỹ. Tôi cũng xem lại Lời Dạy trong Kinh Thánh. Trong các sách ma-thi-ơ đoạn 24, Mác 13, Lu-ca 21 và sách Khải Huyền, Chúa đã nói trước về vấn đề nầy để các Christians không phải hoang mang trong thời kỳ cuối rốt của thế gian nầy. Tại Việt Nam cũng rải rác có một số người đang quan tâm đến giáo phái thiền của bà Thanh Hải Vô Thượng Sư.
Khi tu thiền, người ta không mấy quan tâm đến tội lỗi của mình. Trong thiền, ít ai nói đến tội lỗi, nên cũng không đặt nặng vấn đề đắc thắng tội lỗi. Người ta quyết chí xem vạn sự là Không để đạt đến cái Không tuyệt đối. Người ta xem mình là chúa tể của mình, và tự đưa mình vào sự hội nhập làm một với vũ trụ. Cho nên khi nói đến mục đích của thiền là nói đến sự giác ngộ đạt đến cái vô ngã. Ðây chỉ là lý thuyết suông đầy mâu thuẫn. Theo tôi, nếu thiền mà đạt đến vô ngã, chắc Phật Thích Ca không nói câu "thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn". Bao lâu người ta còn nói tới Vô Ngã, bấy lâu người ta còn gián tiếp xác nhận có một cái Ngã mà không một ai phủ nhận được.
Người nào ý thức về tội lỗi và tin rằng tội lỗi phải có quả báo thì không thể ngồi thiền để tiêu trừ tội lỗi được. Vì thiền là con đưòng tắt đi vào ý niệm của cái Không rất cao, đến nỗi tội lỗi cũng chẳng là gì cả: "tội tánh bổn không". Niết bàn, địa ngục cũng không luôn. Bởi vì không ai có một cái Ta, thì niết bàn hay địa ngục cũng không có ai vào! Tâm tư thiền giả luôn quán tưởng rằng không có gì tồn tại mãi mãi (vô thường). Thế gian là vô thường, Ðấng Tạo Hóa hoàn toàn không có. Vũ trụ và vạn vật duyên kết nhau để tự hình thành và tự nó thay đổi rồi biến mất. Chẳng có một Ðấng nào tạo ra một cái gì cả. Giáo lý Phật nói:
Nhất thiết hữu vi pháp=Tất cả các hiện tượng
Như mộng huyễn bào ảnh=Như mộng huyễn bọt bèo
Như điện diệc như lo= Như điện, và cũng như sương
Ưng tác như thị quán= Cứ quán tưởng như thế đi.
Bởi vì "nhất thiết duy tâm tạo"= "Có hay không chỉ do tâm của mình vọng tưởng đó mà thôi".
Phần trên là nội dung của thiền mà thiền giả phải tọa thiền để đạt đến. Còn một thứ thiền không có tên, thiền giả không buộc mình phải ngồi thiền, cũng không theo một giờ giấc nào cả, đó là thiền nhiếp tâm. Hành, trụ, tọa, ngọa, bất ly chánh niệm; hoặc là bất ly niệm Phật. Nghĩa là bất kỳ đi, đứng, nằm, ngồi; bất kỳ ở đâu, làm gì, thiền giả cũng nắm giữ chánh niệm, không tán tâm loạn động, không để ngoại cảnh chi phối chánh niệm của mình.
Những người chủ trương thiền trong mọi sinh hoạt như thế nầy đã đưa ra một lý thuyết sống mà khi mới nghe, người ta cảm thấy rất sinh động. Trên lý thuyết, họ cho rằng tất cả giới luật, tất cả những câu thần chú khi thức dậy, khi bỏ chân xuống đất, khi mặc áo, khi cạo đầu, khi súc miệng, khi tắm rửa, khi ăn uống, khi đại tiểu tiện, khi quét nhà, cuốc đất,. v. v. đều phải đọc một câu thần chú kèm theo để neo tâm mình vào chánh niệm. Hoặc trong bất cứ công việc gì, bất cứ lúc nào, tâm thiền giả cũng niệm danh hiệu một Ðức Phật liên tục, liên tục, liên tục và tay lần tràng hạt để duy trì sự nhiếp tâm, hay là neo tâm vào một chỗ.
Nhưng trong thực tế như tôi đã biết, không ai thực hiện một cách rốt ráo và lâu dài được. Vì khi đã làm được như thế một cách quen thuộc, thành thục như phản xạ thì trở nên một người mà miệng đang niệm Phật, tay đang lần chuổi, nhưng ý vẫn tự do lang thang trong vọng tưởng ngàn thu! Nếu có thực hiện được thì cũng chỉ là một thói quen thuộc làu được thể hiện bên ngoài, còn bên trong thì ngàn trùng phiêu bạt. Vì miệng có thể đọc thần chú hay niệm Phật, tay lần chuổi mà tâm suy nghĩ chuyện khác theo mệnh lệnh của bản năng tâm sinh lý. Vì bản năng tâm sinh lý tự nhiên có những nhu cầu, những đòi hỏi của nó dù chúng ta đang thức hay đang ngủ. Thiền nhiếp tâm nầy không ấn định thời gian biểu, không định nơi chốn, thời lượng, hay cách thức. Ðiều quan trọng là duy trì sự nhiếp tâm liên tục. Nói mà nghe thì đơn giản. Thực hành mới thấy thiên nan vạn nan!
Khi thực hiện tọa thiền phải tính thơì gian cho mỗi lần tọa thiền. Thời gian nầy dài hay ngắn còn tuỳ vào tuổi tác, sức khỏe, ý chí hay thói quen của thiền giả. Thiền sinh lớn tuổi bắt đầu ngồi chừng 15 phút là đã tê cóng hai chân rồi. Nhưng dần dần cơ thể cũng thành quen. Lâu ngày thiền giả có thể ngồi hàng giờ, hàng buổi, hay thậm chí ngồi cả ngày. Những người tu hành cao tuổi thường đi theo theo lối thiền nhiếp tâm. Họ cho rằng thiền ngồi (tọa thiền) là còn thấp kém. "Thiền là phải sống với chánh niệm trong mọi giờ giấc." Tiếc thay lý thuyết nầy dù mới nghe thì rất hấp dẫn, nhưng tôi chưa thấy ai thực hành được cả. Bởi lẽ cuộc đời diễn tiến từng giây phút liên tục mà khả năng con người không lường trước được. Môn Duy Thức học trong Phật Giáo nói Tâm vươn ý mã. Tâm con người như con vượn, nó nhảy lung tung. Ý con người như con ngựa, nó cũng chạy tứ tung. Tôi nghĩ rằng tự điều khiển thân tâm mình cho đến mức đại định như lý thuyết của thiền là điều hiếm thấy. Nhưng có nhiều tài liệu ghi lại cả một lịch sử thiền tông.
Tôi tin rằng phương pháp thiền là một phương pháp tu hành và trị liệu có kết quả nhất định và tạm thời giữa thế gian nầy. Phương pháp nầy giúp tâm lý và thân thể con người có thêm sức khỏe, có bản lĩnh, trầm lắng một cách nhất định đối với một số ít người, nhưng đồng thời nó cũng gây ra phiền toái cho nhiều người. Ðây là một phương pháp tu giống như phương pháp luyện đơn của người Trung hoa ngày xưa. Nhưng trên thực tế số người thực hành không nhiều. Số người khoe khoang diễn giảng về thiền thì quá đông. Dù là một phương pháp được xem như vi diệu, nhưng tôi không tin rằng con người có thể tự giải quyết hết tất cả hậu quả của tội ác và nghiệp báo bằng cách tự ngồi im như thế. Tôi không tin rằng con người có thể hoàn toàn tự mình biến thành thánh được, trừ phi con người bằng lòng phó thác mình cho Ðấng Thiêng Liêng có đầy năng quyền vô thượng với Ðức Tin, lòng ăn năn hối cãi sâu xa của mình, để nhận ơn thứ tha và tình yêu mầu nhiệm của Ðấng Tạo Hóa.
Khi Suzuki so sánh về Thiền của Phật Giáo chân Tông và sự cầu nguyện của Người Cơ Ðốc, ông cũng áp dụng phương pháp loại suy hơn là chứng nghiệm thực thụ. Bằng chứng là Suzuki chưa bao giờ là một người có đức tin vào Chúa Cứu Thế như Kinh Thánh dạy, nhưng Suzuki dám diễn tả và so sánh về sự cầu nguyện của người Cơ Ðốc giống như thiền. Cũng bằng những tưởng tượng như Suzuki, thầy Nhất Hạnh đã viết về Thánh Linh của Ðấng Christ trong khi ông ta chưa hề biết gì về Ðức Thánh Linh. Cả hai nhà đại trí thức Phật Giáo nầy đã dám viết những điều về Ðạo Chúa mà họ chưa hề biết, vậy thì làm sao chúng ta tin được những điều họ viết về thiền? Mặc dầu họ nổi tiếng thật, nhưng sự thật về tri thức thiêng liêng giả trá trong họ vẫn được người khác nhìn thấy! Ðã là một sự nói dối thì cho dù người ta làm cho nó thiêng liêng đến mấy, nó vẫn là dối. Khi nói tới điều nầy, tôi liên tưởng câu truyện ngụ ngôn "Bộ Quần Áo Mới Của Hoàng Ðế" trong tập Truyện Cổ Hans Christian Andersen, Ðan Mạch (1805-1875), nxb Ðàng Nẵng 2002, bản dịch Nguyễn Văn Hải và Vũ Minh Toàn. Ðây là một câu chuyện ngụ ngôn diễn tả nguyên nhân khiến sự dối trá trở nên thật đối người trưởng thành, nhưng đối với trẻ em hồn nhiên thì nó thấy gì nói nấy. Vì thế, sự thật ở trong đôi mắt trẻ con mới là sự thật.
Sau thời gian nghỉ ngồi thiền, tôi đọc Kinh Thánh và đã có được đức tin trong Chúa. Chúa cho tôi biết rằng chỉ có Người là Ðấng thấy rõ nội tâm của tôi hơn ai hết. Người không tin Thượng Ðế là người không kính sợ Ðấng Tạo Hóa; người ấy dễ tạo ra những sự dối trá huyễn hoặc trong tâm hồn mình khiến cho người khác phải kính phục, khiếp sợ, nể nang và tin theo. Nhất là những sự giả trá ấy đã giúp người ta đạt tới địa vị và quyền lợi tín ngưỡng khá cao. Ví dụ như thầy bói, thầy pháp, thầy phù thủy, người lên đồng cốt; họ thể hiện những sự giả bộ một cách thiêng liêng có phù phép. Tôi sống với họ khá nhiều năm trong một số ngôi chùa và am miễu lên đồng tại Huế. Anh Hai là người Huế, vậy anh có biết tại sao ở Huế có nhiều đồng bóng nhất nước Việt Nam không? Những người giả trá ấy đến nay vẫn tiếp tục một cách quen thuộc y như ngày nào. Tôi theo dõi và chờ xem đến bao giờ họ có thể công nhận sự giả trá ấy một lần, chỉ một lần thôi trước khi họ nhắm mắt cũng đã khó lắm rối. Nếu không trở về với Chúa, người ta bị tội lỗi làm tắt nghẽn lương tâm cho đến khi chết.
Tôi đã quen thân một bà gọi là Bà Ðạo Cô. Bà rất nổi tiếng tại Huế từ 1958 đến 1963. Sau đó vào Long Khánh. Hiện giờ bà vẫn còn giữ nguyên cái nét "tiên phong đạo cốt" và ưa ban "đạo từ ", nhưng vì luống tuổi nên không thể hiện sự dối trá tinh vi như thời thanh xuân. Trên con đường đi học đạo, tôi cũng đã từng làm đệ tử trong chùa của bà Ðạo vài năm. Mấy chục năm sau tôi vẫn quan tâm ghi nhận những hành động "thiêng liêng", những việc làm "nhân nghĩa", những lời "pháp ngữ" của bà, và nhờ đó tôi đã nhận diện ra động cơ tăm tối của bà. Hiện nay bà còn sống, khoảng dưới 80 tuổi. Rất nhiều người tin bà. Một ít người thân cận, sau một thời gian dài làm đệ tử của bà cũng khám phá ra những sự thật đau lòng nầy. Nhưng vì không thiết tha lắm về chân lý và ngụy lý, hơn nữa vì sợ mất quyền lợi, và cũng muốn giữ tình "môn phái nội tông", "xấu che tốt khoe" nên người ta đành im lặng để hưởng lợi lộc tín ngưỡng qua ngày. Câu nói thế gian: "ăn xôi chùa ngậm miệng" là thế đó. Nhiều khi sự thật khó nói quá, tôi đành làm thơ tự giải độc:
Thưa em kim cổ khôn hàn
Tri thức đã vọng lại càng cạnh chân
Lặng im đau đớn vô ngần
Nói ra lộn ngược hồng trần làm sao!
Môi trường tôn giáo là môi trường lường gạt cao cấp nhất trên thế gian. Môi trường nầy sản sinh ra những tay buôn thần bán thánh. Vì tôn giáo đề cập đến các vấn đề thần bí, thiêng liêng, trừu tượng. Người tín đồ đến với tôn giáo là chỉ muốn tin. Tin để cầu phước, cầu tài. Nhất là tin vào những bậc "tu hành" nên đã vô tình hay cố ý trút hết lòng dạ cho họ. Khi sự thật được phơi bày, người ta không muốn nói lên điều đó vì sợ đụng chạm và cần che giấu sự bẽ bàng. Bằng cuộc sống thực tế tôi đã tiếp xúc biết bao tu sĩ học thức, đạo đức; nhưng họ cũng đã lường gạt những kẻ tin theo mình một cách oan nghiệt hơn cả người ngoài đời. Thật tội nghiệp cho những người tín đồ đơn sơ hiểu biết ít ỏi. Nhưng khi một người đã có đức tin trong Chúa Jesus Christ, đã được tái sinh trong Thánh Linh, họ không thể lường gạt ai và không ai có thể lường gạt họ được. Sức mạnh và sự khôn sáng của Ðức Thánh Linh rất kỳ diệu và thực tế. Kinh Thánh ghi rằng "Ai đi trong con đường của Chúa, dù khờ dại cũng không lầm lạc" (Eâsai 35:8b). Lời Chúa hứa như sau: "Ta sẽ khiến kẻ mù đi trên con đường mình không thuộc, dắt họ bởi các nẻo chẳng quen; ta sẽ đổi bóng tối trước mặt họ ra ánh sáng, nơi cong queo ra ngay thẳng. Thật ta sẽ làm sự đó và không lìa bỏ chúng nó đâu. Song những kẻ cậy các tượng chạm, xưng các tượng đúc rằng: các ngài là thần chúng tôi, thì sẽ đều giựt lùi và mang xấu hổ" (Eâsai 42: 16-17). Có một điều thực tế quan trọng khi ở trong Chúa, ấy là được Người ban cho ơn Phân Biệt Các Thần.
Sự hiện diện của Thượng Ðế trong lòng người có một sức mạnh lạ kỳ đến nỗi kẻ có những tội gớm ghiếc nhất cũng không còn muốn che giấu, mà lại thành thật xưng ra. Vì khi ấy người ta cần sự thương xót của Người để được trở nên thánh khiết hơn là giữ uy tín tiếng tăm phù phiếm mà vẫn bị tội lỗi cai trị bên trong.
Tôi muốn trở lại vấn đề làm lành lánh dữ anh đã đề cập. Theo tôi, chỉ có người thật tâm làm lành mới biết sự làm lành lánh dữ là một điều khó thực hiện như thế nào. Chỉ có người thật tâm tu hành mới thấy điều ác trong lòng mình là rất tinh vi. Chỉ có người tha thiết học hỏi mới thấy mình chưa hiểu biết mấy dưới bầu trời nầy. Những người đó có thể khiêm tốn và dễ cảm thông đồng bào đồng loại. Ngoài ra, những người luôn luôn tự cho mình thắp đuốc lên mà đi, không cần tha lực, tự mình chiến thắng gian ác, tự mình nhận biết tất cả việc lành và việc dữ; tự mình xét đoán lấy mình, tự mình là chúa tể của mình, tự mình vào địa ngục hay thiên đường tuỳ ý... thì không thể nào khiêm tốn nhu mì, không thể nào tôn trọng tha nhân, không thể nào chân thật được. Vậy những tôn giáo nào dạy con người những giáo lý kiêu căng ngạo mạn như thế, đó là những ngụy giáo của Satan. Tôi có đủ kinh nhgiệm bản thân để thưa với anh điều nầy bất cứ khi nào, sợ viết dài quá anh Hai đọc mệt.
Tôi biết và thân quen một bực thầy chuyên về thiền Mật Tông, đó là thượng tọa Viên Ðức. Tôi đã cùng sống và làm việc chung với ông thầy nầy. Nhiều lần ông nhập thất suốt ba tháng ròng rã. Ông được nhiều đệ tử Hoa Kiều cũng như tín hữu Việt Nam tin kính. Sau năm 1975, ông cùng một đoàn đông đệ tử tổ chức vượt biên. Khi thuyền của họ ra gần tới cửa biển, ông đứng trước mũi thuyền bắt ấn Chuẩn Ðề và đọc câu thần chú cầu an thì bị sóng đánh rơi xuống biển. Tàu bị chìm. Số người sống sót trở về sau chuyến nầy rất ít. Ðây là một thiền sư Mật Tông mà tôi trực tiếp quen thân và kính phục. Tôi tin Chúa sau khi ông đã mất vào lòng biển Cần Giờ nên không có một cơ hội nào để tâm sự với ông về kinh nghiệm Ðức Tin với kinh nghiệm Thiền Mật Tông. Nhưng tôi có gặp vài đệ tử xuất gia của ông. Họ là những sư bà, sư cô người Phú Yên hiện đang tu tại Thủ Thiêm, Gò Vấp, Ban Mê Thuột, Nha Trang. Ða số những người nầy vừa tu, vừa làm nghề bói toán. Có lần tôi đến thăm; vì chưa biết tôi đã tin Chúa, họ sốt sắng bói cho tôi mấy quẻ. Nhưng khi tôi cho họ biết đức tin của tôi, tôi đọc Lời Chúa để cáo trách tà linh bói toán trong họ; những người nầy đã tỏ ra sợ sệt đối với tôi.
Tôi không chỉ muốn đọc sách, mà còn muốn dấn thân để thực sự va chạm những vấn đề siêu hình đến tận cùng. Chúa biết sự khao khát chân lý trong tôi nên Người đã cho tôi thỏa nguyện. Chúa Jesu Christ phán: Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi, nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó chảy văng ra cho đến sự sống đời đời. (Giăng 4:13-14). Trước đây tôi đã uống nước nào mà vẫn còn khát mãi? Nay tôi uống nước Người ban, tôi phải biết kết quả nầy khác với kết quả ngày xưa ra sao. Chính vì thế tôi mới tha thiết muốn anh nhận lấy hạnh phúc trong Chúa như tôi. Anh đang từ chối, tôi buồn! Nhưng tôi không cười anh, không mỉa mai anh được, vì tôi biết Chúa yêu anh. Tôi biết anh luôn luôn có một phẩm chất quý báu trước mặt Người. Về phía anh, anh đã viết thẳng thừng rằng các Phật Tử cười vào mặt những Christians của Chúa. Ấy là kết quả mà anh đã bị ảnh hưởng trong giáo lý Ðạo Phật chứ không phải do anh. Nếu anh hiểu biết chân chính, chắc chắn anh thích sự khiêm tốn hơn, hoặc nếu anh khôn ngoan theo kiểu đời này thôi, thì anh cũng biết dè dặt hơn. Tôi không nhớ hết bao nhiêu ngàn người "tự mình thắp đuốc lên mà đi" mà tôi đã từng quen biết. Tôi chỉ biết rằng họ rất kiêu ngạo. Cũng vì cái giáo lý "tự mình thắp đuốc lên mà đi" ấy, họ chẳng coi ai ra gì cả. Thế mà ngày nay ở nước ngoài họ bêu luôn cả những cái bằng tiến sĩ, thạc sĩ và phô trương tất cả bộ mặt thật ngạo mạn, hận thù, bè đảng, cực đoan, lừa dối lên trên mạng internet và văn chương báo chí "Giao Ðiểm" của họ. Nếu tôi lập ra một tôn giáo và cuối cùng tôi có một đoàn đệ tử ngông cuồng như thế, hẳn tôi phải biết rằng họ là đống rác vùi chôn tôi; còn những hình tượng sơn son thếp vàng họ đúc ra hàng ngàn năm không bao giờ giống tôi một tý nào cả. Kết quả đó tương đối đủ để thế giới biết rằng linh hồn tôi đang ở trong cõi huy hoàng hay trong nơi tăm tối. Linh hồn tôi ở đâu thì linh hồn đoàn đệ tử tôi cũng ở đó. Ngày nay còn thê thảm hơn nữa là nhiều người hăng hái phủ nhận linh hồn mình trên tờ báo Giao Ðiểm. Họ nói họ không có thuyết linh hồn. Họ không có tội lỗi. Họ chỉ có tâm thức và nghiệp mà thôi. Ai nhận biết linh hồn mình thì họ cười thẳng vào mặt. Anh Hai ạ, điều đau đớn là lòng tôi nhìn biết linh hồn của những nụ cười ấy sẽ phải khóc lóc trước khi lìa khỏi xác. Nếu họ không ăn năn với Chúa thì sẽ hết thuốc chữa.
Lòng người là nơi để thắp ngọn đèn trời. Khi lòng người từ chối ngọn đèn trời, nó trở thành một nơi tăm tối nhất trong tất cả ý nghĩa của của hai chữ "tối tăm".