*13. Thư anh viết: "1. Riêng kinh điển của Phật Giáo thì bất cứ ai mà để tâm tới đều bị cuốn hút vào các tư tưởng phóng khoáng của Ðức Phật. 2. Ðức Phật không hứa hẹn gì cả mà còn nhắc nhở " Ðừng vội tin những gì vì thường nghe nhắc nhở đến điều ấy luôn; đừng tin tưởng điều gì vì đó là một tập tục đã qua rồi của ngàn xưa để lại. (Kinh Kalarna). 3. Tất cả những lời Phật dạy là nói ra những sự thật (chân lý) mà không ai phản bác được như: - Tam Pháp ấn;
- Tứ Diệu đế;
4. Anh cứ lấy Lời Chúa phản bác như thế nào, tôi nghe lọt tai không. 5. Ngay như thuyết Luân Hồi, khoa học cũng có nhưng không hoàn chỉnh và rốt ráo bằng. 6. Tôi chưa gặp một tư tưởng gia nào trên thế giới cho đến hiện nay phản bác giáo lý nhà Phật, thậm chí họ còn nhờ dựa vào giáo lý ấy để khám phá vũ trụ. 7. Hồi ở trong nhà tu Phật Giáo, mỗi khi uống nước anh phải quán. Anh thấy khoa học chưa? Trong khi đó khoa học phải nhờ đến kính hiển vi. 8. Chúa thì chỉ nói rằng chỉ tạo ra quả đất này trong khi còn 08 hành tinh khác tạo thành hệ mặt trời (thái dương hệ). 9. Ðức Phật không nói nhiều về vấn đề nầy, vì chúng không có lợi gì cho việc tu chứng, giải thoát cả. 10. Như chuyện người bị mũi tên bắn trúng, việc trước tiên là rút mũi tên đã (cứu khổ) rồi sau đó muốn làm gì thì làm. 11. Phải nói rằng toàn bộ giáo lý nhà Phật mô tả rất chính xác hiện tượng trên thế giới và phương pháp hóa giải những hiện tượng ấy. 12. Kiến tạo cho con người một đời sống hạnh phúc, chứ không chờ ai đem hạnh phúc cho mình. 13. Người theo Phật không ỷ lại, không van xin ai cả. 14. Giáo lý Phật dạy cho họ biết rằng chẳng có ai có khả năng ấy ngoài khả năng của chính mình (the courage to be). 15. Con người của Phật Giáo không vong thân lúc nào cũng tự biết mình là ai. 16. Họ không sợ vào địa ngục vì chẳng có ai có thể đày đọa họ vào địa ngục, trừ chính họ ra. 17. Họ thoát ra ngoài mọi ràng buộc của thế gian nếu họ có nghiên cứu giáo lý.
Chỗ nầy tôi cảm thấy khó nói với anh Hai quá. Cách lý luận của anh Hai, tôi sợ rằng anh chưa hiểu gì về cái giáo lý Phật giáo mà anh đang binh vực. Tôi mạn phép đánh số câu trong đoạn thư nầy của anh, để tôi có thể chia xẻ cùng anh từng điểm một với thiển ý của tôi mà không bị cái bịnh cẩm cẩm như anh Hai.
Câu 1: Anh Hai cho rằng Riêng kinh điển của Phật Giáo thì bất cứ ai mà để tâm tới đều bị cuốn.
Anh Hai cường điệu quá! Không đúng đâu. Anh nói bất cứ ai, vậy còn tôi bây giờ có bị không? Chúng ta dễ bị rơi vào cái tính chủ quan khi nói bất cứ những gì giống như vậy theo ý thích, tình cảm của riêng mình. Trên đời có những cái rất hay mà loài người vẫn không thích. Lại có những cái rất dở mà loài người mê man tìm kiếm cho đến hơi thở cuối cùng. Vậy căn cứ vào con số đông (hoặc có thật, hoặc tự mình cho là có) để minh chứng về một sức mạnh của chân lý. Theo tôi, chúng ta không thể làm như thế được. Tôi biết một thực tế như thế nầy mà Kinh Thánh đã dạy cả mấy ngàn năm trước: "Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư chung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn. Nhưng con phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin Lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ". (II. Timothi4:3-5). Trên thực tế, ngày nay người ta xoay tai, hướng lòng theo những chuyện huyễn nhiều lắm. Người ta đi tìm những tư dục nhiều lắm. Nhưng lòng say mê chân lý thì ít lắm. Vì thế Chúa Jesus dạy rằng: "Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít. " (Mathêu 7:13-14). Chúa Jesus còn phán: "Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta là Cửa của chiên". (Giăng 10:7).
Tôi nghĩ rằng Cửa Hẹp là cái cửa có khuôn khổ, có vị trí, có sự qui định của Ông Chủ, khi Ông Chủ đón chúng ta vào nhà, ông muốn chúng ta vào một cái cửa nhất định của ông. Giống như chúng ta vào một quốc gia phải vào một cửa khẩu được qui định hẵn hòi. Ví dụ như trong Phật Giáo Tịnh Ðộ Tông, ai muốn về Tây phương Cực lạc thì phải "Lục tự Di Ðà vô biệt niệm, tất lao đờn chỉ đáo Tây phương". Ai muốn thành một Phật Tử thì vào con đường tam qui ngũ giới, giữ năm giới cấm. Làm sa-di thì vào con đường hẹp hơn: mười giới cấm. Làm tỳ kheo (Bậc Ðại Ðức) tức là bậc thế gian sư, thì đường vào lại càng hẹp; đó là 250 giới cấm. Ai muốn làm Tỳ Kheo Ni (Tạm gọi là một nữ Ðại Ðức), thì đường vào càng rất chật hẹp chi chít: 350 giới cấm. Cộng với 48 giới Bồ Tát cho mỗi giới ở trên nữa. Nhiều đến nỗi người ta không thể nhớ hết chứ chưa nói gì đến việc hành trì.
Ðường khoảng khoát là gì? Là sự tự do, tự chủ, ai muốn đi đâu thì đi tuỳ ý cá nhân mình muốn. Muốn đi đâu thì đi, đến đâu thì đến. Muốn nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong. Có không, không có; nhất thiết tự tâm mình tạo ra hết thảy. Trong khi con người là một loài thọ tạo. Mọi khả năng con người đều bị hạn chế. Việc tốt, việc xấu, tuổi thọ, sức khỏe, tài năng của con người đều có giới hạn nhất định. Những giới hạn đó không do con người tự lập ra, mà là thiên định. Con người không tự tạo ra thân xác mình, cũng không thể tự tạo ra linh hồn mình. Ngày nay con người văn minh có thể chế ra được một sinh vật vô tính, nhưng đó cũng chỉ dựa vào các nguyên tắc thiên nhiên của Tạo Hóa để ứng dụng vào thực tế có sẵn. Khoa học không phải là sáng tạo mà là tìm hiểu cái đã được sáng tạo. Vậy anh dựa vào đâu, hoặc căn cứ vào tiêu chuẩn nào để tự cho rằng Phật Giáo là khoa học và phóng khoáng? Phải chăng Phật Giáo phóng khoáng vì có nhiều giới luật nhất thế giới? Không, càng nhiều giới luật thì càng HẸP, càng bị giới hạn. Tôi nghĩ rằng những người Phật tử có tinh thần phóng khoáng, vì họ không chấp nhận một khuôn khổ nào cả. Theo tôi, nếu muốn nói Phật Giáo là phóng khoáng, chúng ta phải dựa vào câu kinh Phật như thế nầy:
Nhược nhơn dục liễu tri = Nếu ai muốn hiểu trọn vẹn
Tam thế nhất thiết Phật=Tất cả các vị Phật ba đời
Ưng quán pháp giới tánh = Cứ quán pháp giới tánh
Nhất thiết duy tâm tạo = Thảy do tâm mình tạo ra.
(trích trong Nhị Thời công phu)
Anh Hai thấy không, tất cả các vị Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại, và tương lai đều do tâm mình tạo ra hết. Câu nầy cũng cho thấy rằng tất cả mọi sự trên vạn vật là do tâm mình tạo ra cả. Vậy tâm mình tạo ra niết bàn, tội lỗi, địa ngục, hạnh phúc, vi trùng, đạo lý, giáo lý, Phật, quỉ, ma vương. . . Và tâm mình tạo ra vũ trụ. Ðó là giáo lý đạo Phật. Anh đã tin tâm anh tạo ra tất cả. Ðây là một vấn đề tin hay là không tin. Chứ không thể hiểu cho tận cùng, hay chứng minh cho cụ thể theo tinh thần khoa học của anh Hai được. Hiện nay tôi không tin Nhất thiết duy tâm tạo, vì tôi nghĩ rằng tâm mình chỉ có một số khả năng chủ quan, tương đối. Trước khi tôi có mặt trên đời thì đã có vũ trụ. Tâm tôi không thể tạo ra mây mưa, núi lửa, biển cả. Vì bản thân tôi cũng không phải là Phật thì làm sao tâm tôi tạo ra Phật. Tâm tôi cũng không dại gì mà tạo ra cái địa ngục cho nó. Nếu anh Hai tin, đó là quyền của anh Hai. Chữ TÂM trong Phật Giáo có một ý nghĩa lớn lao, mầu nhiệm, đầy triết lý; rất khác với cái tâm thực hữu của nhân loại. Ðó chỉ mới là cái tâm lý thuyết hấp dẫn. Tôi tin Thượng Ðế dựng nên vũ trụ, chứ tâm tôi không dựng nên vũ trụ như Phật Giáo nói. Ví dụ tôi không bao giờ tin rằng tâm tôi dựng nên không khí cho tôi thở, nhưng Thượng đế đã dựng nên cho tôi. Tôi thở không khí và biết ơn Ðấng Tạo Hóa. Tôi nghĩ rằng Phật Giáo cho cái Tâm con người là cái lớn nhất, cái tối thượng. Cái Tâm như thế chỉ là một cái Tâm chủ quan trong ý nghĩ của con người. Nhưng nếu nói rằng cái tâm ấy là tâm vô lượng vô biên thì chắc chắn đó là Thượng Ðế.
Còn câu: Nhất thiết thế gian pháp giai vi Phật pháp. Câu nầy trong kinh nào anh nhớ không? Tôi không nhớ là kinh nào, sách nào, nhưng đây là một trong những câu có ý nghĩa quan trọng trong Phật Pháp. Phật Giáo cho rằng tất cả các pháp trong thế gian đều là Phật Pháp hết trơn hết trọi. Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Bà La Môn Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo, Aán Giáo, Bà Hai Giáo, Cao Ðài Giáo, Thiên Tiên Thánh Giáo, Ðộc thần giáo, Ða thần giáo, Duy Vật biện chứng của Karl Max & Ănghen, Hiện sinh của Jean P. Sartre, các quan niệm luân lý, đạo đức đông tây kim cổ, các phong tục tập quán khắp mọi nơi, các lý thuyết tử vi, lên đồng ngồi bóng, bói toán, xem tướng, xem chỉ tay chữ ký. v. v. Thảy thảy đều là Phật Giáo hết. Tôi nói có sách, mách có chứng. Khi tôi viết thư nầy cho anh Hai, tôi phải vào một ngôi chùa khá nổi tiếng để tìm một số sách để đọc lại những gì anh Hai đang đề cập để tránh tình trạng trưng dẫn hồ đồ.
Vào phòng sách của chùa, tôi thấy có các đầu sách sau đây cũng nằm chung với kinh Phật trên một kệ sách phát hành:
1/ Tử Vi Tướng Pháp Trọn Ðời. Bửu Sơn.
2/ Bí quyết bói bài. Lê Ðang.
3/ Coi tuổi làm nhà, dựng vợ gả chồng. Hồng Liên.
4/ Bí ẩn tiền kiếp. Ðoàn Văn Thông.
5/ Bói bài. Huỳnh Liên.
6/ Tử Vi Ðẩu Số. Nguyễn Văn Toàn.
7/ Tử Vi Ðẩu Số. Văn Bằng và Thái Sơn.
8/ Ma Y Thần Tướng. T. giả: (đọc không rõ. )
9/ Khoa Xem Chỉ Tay. Hoàng Việt.
10/ Những Chỉ Bí Mật Trong Chỉ Tay. HàTấn Phát.
11/ Nghệ Thuật Xem Chữ Ký. Huỳnh liên Tử.
12/ Tử Vi Trọn Ðời. GS Hiễn Linh.
13/ Bốc Phệ Chính Tông. Minh Châu.
14/ Ðịa Lý Gia Truyền. Cao Trung.
15/ Tự Học Coi Chỉ Tay. T. g (không đọc rõ).
16/ Mai Hoa Dịch số. Tuấn Châu và Nguyễn. v. Thuỳ.
Tôi đếm được 16 đầu sách bói khoa nằm bên cạnh các kinh Phật. Trong khi đó tôi không thấy một quyển Kinh Thánh nào trên kệ sách cả. Ðúng là Kinh Thánh không thể nằm chung với các sách ấy được. Tôi hỏi anh Hai rằng mấy người nghiên cứu bói bài, coi chỉ tay là những người muốn về nước giải thoát của Phật hay chỉ muốn tìm một cái lợi gì trên thế gian nầy mà thôi? Những người đó có bao giờ nghĩ đến sự ăn năn hối cải về tội lỗi của họ không? Phải chăng họ xem các sách đó là sách "khoa học huyền bí"? Mỗi khi xem bói, họ có tha thiết gì về linh hồn của họ không? Mai mốt anh Hai về Sai gòn, tôi sẽ đưa anh Hai đi thăm ngôi chùa ấy mà xem sách có nhiều nội dung phóng khoáng. Nếu anh Hai tin rằng Nhất thiết thế gian pháp giai vi Phật Pháp thì tại sao anh Hai không tin rằng Thượng Ðế đã dựng nên vũ trụ vạn vật như Kinh Thánh đã dạy? Bởi vì khi tin rằng Nhất thiết thế gian pháp giai vi Phật Pháp, thì tối thiểu anh Hai cũng phải tin rằng "Kinh Thánh là Phật Pháp" cũng được! Phật Giáo xem tất cả các pháp trong thế gian là của mình. Nhưng tôi tin rằng Lời Chúa là Lời Chúa, Lời Phật là Lời Phật. Bói toán là bói toán. Không thể tin theo kiểu cá mè một lứa được.
Về sự bói toán thì Kinh Thánh dạy như sau:
Khi ngươi đã vào xứ mà Jehova Ðức Chúa Trời ngươi ban cho, chớ tập bắt chước những sự gớm ghiếc của các dân tộc tại đó. Ở giữa ngươi chớ nên có ai đem con trai hay con gái mình ngang qua lửa, chớ nên có thầy bói, hoặc kẻ hay xem sao mà bói, thầy phù thủy, thầy pháp, kẻ hay dùng ếm chú, người đi hỏi đồng cốt, kẻ thuật số, hay kẻ đi cầu vong; vì Ðức Jehova lấy làm gớm ghiếc kẻ làm các việc ấy. (Phục truyền 18:9-12a).
Người tin Chúa thật cũng không biết ngày mai mình ra sao cả, nhưng họ được yên nghỉ vì họ tin chắc cuộc sống mình luôn luôn được Chúa quan phòng. Chúa muốn mình làm tất cả những gì mà khả năng, lương tâm và đức tin của mình có thể thực hiện được. Ðiều nào mình còn thiếu sót sẽ được Chúa lo liệu cho. Câu tận nhân lực, tri thiên mạng cũng hàm chứa ý nghĩa nầy. Lắm khi Chúa cho mình nghèo, nhưng đó là vì Người biết sự ích lợi lớn hơn cho mình. Nếu mình chưa chuẩn bị kịp, nếu giàu bất tử, sẵn tiền rồi làm bậy bạ, chỉ hại thêm mà thôi. Việc nầy chỉ có Chúa biết rõ hơn ai hết. Cũng nhờ vào đức tin đó mà người tin Chúa chân chính không cần bói toán, không cần mua vé số cầu may nữa. Vì mua vé số là huân tập ác niệm, muốn cho hàng triệu người trật để riêng mình trúng độc đắc. Tôi biết hàng vạn người tin Chúa sống thật như vậy và họ khá hạnh phúc.
Lời Chúa và Lời Phật có những điểm gặp nhau nhất định trên căn bản văn tự, nhưng ý nghĩa của sự sống thì không giống nhau. Còn sự thật khách quan thì Phật không phải là Chúa, vì Ðức Phật không hề tự xưng mình là chúa tể của vũ trụ hay là đấng dựng nên trời đất muôn vật. Người là con người được cha mẹ sinh ra và đi tu. Người cũng trải qua những bước sai lầm; rồi nhờ học hỏi, tu hành mà đến chỗ thành Phật. Sau khi thành Phật rồi, người mới giảng đạo. Người giảng đạo suốt 49 năm. Và sau 49 năm giảng đạo, Ðức Phật nói rằng "Ta chưa nói một lời nào". Tôi có nhớ thêm một câu khác nữa, Phật nói rằng:.. 49 năm giảng đạo, những lời ta nói cho các con chỉ nhiều bằng lá trong tay, còn những lời ta chưa nói được thì nhiều bằng lá trong rừng. ( Xin anh thông cảm, tôi nhớ câu văn mà không nhớ địa chỉ để trưng dẫn).
Còn Chúa Jesus Phán: Ta với Cha là Một, Cha ở trong ta và ta ở trong Cha. (Giăng 10:30, 38). và: Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua."(Mathêu 24:35) hay là: Ta là đường đi, chân lý, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai đến được cùng Cha. (Giăng 14:6). Hay là Người đã hiện ra cho sứ đồ Giăng để mặc khải cho người môn đồ nầy về chính Người như sau: Chúa là Ðức Chúa Trời, Ðấng Hiện Có, Ðã Có, và Còn đến, là Ðấng Toàn năng, phán rằng: Ta là An-Pha và Ô-Mê-Ga (Khải Thị 1:8). Hoặc với thánh Isaiah và thánh Peter: Anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi Lời Hằng Sống và bền vững của Ðức Chúa Trời. Vì mọi xác thịt ví như cỏ. Mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ. Cỏ khô, hoa rụng, nhưng Lời Chúa còn lại đời đời. (Isaiah 40:6 và I. Peter 1:23-25). và: Ta là Ðức Jehova, không có Ðấng nào khác, ngoài ta không có Ðức Chúa Trời nào khác nữa. (Isaiah45:5).
Tôi tôn trọng bất cứ ai thực hiện được các giáo lý giống như họ nói. Ví dụ giáo lý Tứ Nhiếp Pháp, Lục Hòa, Bát Chánh Ðạo. Cả ba giáo lý nầy rất khó thực hiện. Cho nên nói thì hay, nhưng vỗ tay thì lỗi. Về giáo lý Bát Chánh Ðạo, tôi thách anh Hai làm sao chứng minh cho tôi biết một người có xương có thịt nào mà thực hành được giáo lý Bát Chánh Ðạo. Tôi biết đây là một giáo lý hay, nhưng tiếc thay giáo lý nầy quá hay, nên không ai áp dụng vào thực tế nổi cả! Nhưng sau khi tin Chúa, tôi thấy có một sức sống thiêng liêng trong con người phàm của mình đã giúp mình làm được một số điều trong giáo lý Bát Chánh Ðạo mà ngày xưa khi còn ở trong Phật Giáo mình không hề làm được. Tôi áp dụng những cái hay ấy bằng tâm tình một đứa con của Thiên Chúa và nhận ra rằng ai thật tâm muốn tu hành mới thấy đau lòng với cái mâu thuẫn trong con người khốn nạn tự nhiên của mình. Với đức tin, tôi cảm nhận một điều sâu kín thiêng liêng mà khi còn tu trong Phật Giáo tôi không hề thấy xẩy ra giữa tôi và Ðức Phật. Ðó là khi mình nhận biết Chúa và được thiết lập mối tương giao thiêng liêng với Người, dù mình còn bao nhiêu ác tính phàm phu trong bản ngã, Chúa cũng vẫn tiếp nhận và yêu thương con người gian ác, lỗi lầm, ngu dại, dối trá, thất bại, đau thương, oán ghét, bất mãn của mình. Và sau đó mỗi bước đời của mình có những đổi thay tích cực xuất hiện từ nội tâm đến hành vi. Thật là thú vị khi mình khám phá về sự hiện diện của Thiên Chúa trong chính mình. Ðó là những phép lạ diệu kỳ mà Người thi thố trong nội tâm của mình. Cách Người làm như thế nào thì quả tình tôi cũng không thể biết nổi. Tôi chỉ biết rằng có một sức mạnh thiêng liêng khiến mình thích nhìn thẳng vào lòng mình, và mình mong ước được sự soi sáng của Chúa.
Trong sâu thẳm lặng yên, tôi cảm biết rằng Chúa thấy lòng tôi rõ hơn chính tôi thấy mình. Tôi rất xúc động mà lắng nghe những ác dục, những ác tưởng, những hiểu lầm, những oán hận vô ích mà lâu nay bản ngã của mình đã che giấu mình. Nó làm cho mình tự hiểu lầm về mình. Nó tự cho mình là lương thiện hơn mọi người. Ngay khi tôi thấy ra những khuyết điểm kín giấu của tôi, cũng là lúc tôi nhận biết một Tình Yêu thiêng liêng tràn đầy trong cõi lòng mình. Chúa không tố cáo sự xấu xa của tôi để bôi nhọ, để kết án tôi như tôi đã từng làm đối với tha nhân và đối với cả bản thân mình nữa. Chúa khai tâm cho tôi hiểu về bản thân mình. Người an ủi, khích lệ tôi, Người ban cho tôi một sức sống mới trong một con người mới khiến cho mình yêu mến những sự lành mà Người chỉ dạy. Tôi xúc động đến nỗi bật khóc lên, hoặc có khi lắng sâu trong im lặng với sự vui mừng khôn xiết vì đã kinh nghiệm điều kỳ diệu nhất trên đời; là mình cảm biết được một tình yêu thiêng liêng của Ðấng Vô Hình chảy rạt rào trong tâm trí mình và làm cho tâm hồn mình tươi mới. Và chính kinh nghiệm nầy đã giúp tôi yêu mến tha nhân. Sau nầy đọc thêm Kinh Thánh tôi mới biết rằng đó là sự hiện diện của Ðức Thánh Linh trong bất cứ con người phàm tục nào dám tìm đến với Người bằng đức tin đơn sơ như con trẻ tin cha mẹ mình. Từ đó tôi đọc Kinh Thánh và thấy Lời Chúa dễ hiểu. Chúa là Ðấng chăn dắt mình, là Ðấng đã cứu mình ra khỏi cơn mê của trần thế đầy dẫy triết học, tri thức, giáo lý, đạo lý của thế gian mờ tối.
Dĩ nhiên tôi vẫn còn ngu dại, vì nhiều chỗ trong Kinh Thánh tôi chưa hiểu. Nhưng những gì tôi đã hiểu, những bằng chứng Chúa thi hành trong tâm thức và cuộc sống của tôi cũng đã quá đầy đủ cho tôi tin rằng Ðấng Tạo Hóa mà Chúa Jesus bày tỏ là có thật, và hoàn toàn đáng tin cậy. Ai đã tin Người như một đứa trẻ tin vào cha mẹ mình, sẽ thấy nhiều sự lạ lùng của Người hiện ra mà sách vở không thể cho chúng ta kinh nghiệm được. Tôi đã thật sự kinh nghiệm được ý nghĩa của sự giải thoát ra khỏi tội lỗi và sự tự do trong chân thật nhân lành trong khi mình đang sống hằng ngày như mọi người. Tôi không cảm thấy mình đã rời bỏ Ðức Phật để mà theo Chúa, nhưng tôi thấy mình nhận ra sự khác nhau giữa thật chứng và lý thuyết về Phật và Chúa. Tôi không cảm thấy Ðức Phật buồn giận tôi, mà ngược lại tôi nghĩ rằng nếu Ðức Phật đã biết tôi trở về với Chúa và được Chúa tái sinh từ một con người rắc rối thành ra đơn sơ; từ một người chán nản, đau buồn thành lạc quan, thân thiết; từ một người bất đắc chí, thành một kẻ biết yêu thương, từ tốn; từ một kẻ kiêu ngạo thành ra nhu mì thì chắc là Ðức Phật lấy làm vui mừng cho tôi lắm. Giả thử như đức Phật không vui về những điều lành mà Chúa đã ban cho tôi, thì đó là điều dở của người chứ không phải của tôi.
Nói về một Ðức-Phật-Khách-Quan, tôi chưa hề tiếp xúc như tôi đang tiếp xúc với Chúa. Ngày xưa khi trải qua những đau đớn thất bại, tôi chưa bao giờ kêu lên một tiếng "Phật ơi". Và hiếm khi mà tôi nhận ra những sai lầm gian ác của mình trong các thất bại ấy. Nhưng ngày nay, trong mọi buồn vui, thành bại; tôi có thể thốt lên một tiếng ngọt ngào, thân thiết "Chúa ơi". Mỗi lần tâm hồn hay môi miệng tôi thốt ra tiếng "Chúa ơi" là một lần mình được trao và nhận biết bao nhiêu nỗi niềm thổn thức sâu xa kỳ vĩ. Như thế, một Ðức-Phật-Khách-Quan là điều tôi chưa bao giờ gặp. Nhưng một "đức-phật-nội-tại" (Phật Tính?) là một thực thể mà ngày nay tôi nhận diện ra một cách đích thực, và tôi tin một cách xác quyết rằng: đây là Hình-Ảnh-Thiêng-Liêng của Thiên Chúa (ngày xưa tôi đánh mất) được Người tái hiện trong con người sâu kín của riêng tôi để tôi được gặp gỡ, chuyện trò với Ðấng-Tạo-Hóa-Khách-Quan, mà dù tôi tin hay không tin, Người cũng hằng hữu trong nhất thể quá-hiện-vị-lai của thời gian vô biên và không gian vô tận.
Những khi trở về chùa thăm thầy cũ, bạn cũ; tôi nhìn qua nụ cười, cách nháy mắt của họ là tôi hiểu họ đang nghĩ gì về mình. Những khi ấy tôi cảm thấy yêu thương họ. Tiếc thay tôi chưa có đủ cơ hội để trình bày cặn kẽ về Chân Lý Cứu Rỗi của Thượng Ðế cho họ. Năm 1981 tôi có về thăm Hòa Thượng Thích Minh Châu. Tôi đọc những đoạn Kinh Thánh mà chính mình đã hiểu để giải thích cho Hòa Thượng, vì người cũng là một trong những bậc thầy trực tiếp giảng dạy Phật Học cho tôi. Lúc ấy Hòa Thượng Minh Châu lạnh lùng yên lặng từ đầu đến cuối. Tôi nói với tất cả niềm vui sướng, tin quyết, và cảm thấy lòng tôi được thúc dục để thưa với thầy.
Tôi thường về thăm lại thầy cũ bạn xưa, và rất thích trình bày về Ơn Cứu Rỗi, nhưng số người thích nghe không nhiều. Dầu sao cũng có vài ông Ðại đức và một cựu ni cô đã cầu nguyện tiếp nhận Chúa Jesus. Trong đó cũng có một ông cựu Ðại Ðức giả bộ tin Chúa để theo dõi tôi. Tôi được Chúa ban cho sự nhạy bén để biết điều đó, và Chúa cũng đã cho tôi cơ hội bất ngờ nhìn biết bằng cả xương thịt và nơi chốn, trong khi ông ta nằm trong một bịnh viện đặc biệt dành cho những người công tác như ông ta. Lòng tôi luôn luôn yêu mến họ, đặc biệt mỗi khi suy gẫm đến tình yêu lạ lùng mà Chúa hằng yêu mình. Tôi cũng cảm nhận một điều chua xót mà Kinh Thánh đã tiên báo: Về một ngày kia, người ta bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn. (IITim-Mô-Thê4:4). Tôi nương vào Lời Chúa để bước đi mỗi ngày một cách tin tưởng bình an. Tôi cảm thấy Chúa là sức mới cho tôi cũng như bất cứ ai khi đã trở về làm con cái của Người. Thánh Phao-Lô cũng nói: Vì ấy chính Ðức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Người. (Philip 2:13) và Tôi làm được mọi sự nhờ Ðấng ban thêm sức cho tôi (Philip 4:13).
Ðức Phật không có quyền năng phù hộ, không có tư cách ban phước, không có uy quyền để kết tội ai cả. Ðức Phật chỉ để lại cho nhân loại "một số giáo lý bằng nắm lá trong tay, còn số giáo lý nhiều bằng lá trong rừng" thì sau 49 năm giảng đạo, người vẫn chưa nói được. Thế nhưng khi chúng ta càng học giáo lý Ðức Phật, chúng ta càng thấy mình uyên bác, khôn ngoan thâm hậu. Mình cũng thấy mình là những con người tốt có đức độ đáng kính. Do đó ai tôn quí, quì lạy mình và xưng gọi mình là bậc đại đức, thượng tọa thì mình cảm thấy thỏa mãn. Ðó là việc tự nhiên của những người mộ đạo. Mình không mấy khi tự khám phá ra mình là con người tội lỗi, tầm thường, ích kỷ. Người tu hành trong Phật Giáo luôn luôn tỏ ý muốn tiêu diệt hai điều quan trọng: Một là bản ngã (ego, self) hai là dục vọng (libido). Nhưng tôi thấy người tu hành có cái ngã to hơn người thường vì họ luôn được tôn kính như bậc thế gian sư. Và nhu cầu được-tôn-kính ngày càng cao thì dục vọng lại càng khó diệt hơn. Nhất là dục vọng mà bị đè nén một cách thiếu khoa học thì nó càng gây thêm ham muốn mâu thuẫn hơn. Những ham muốn xấu xa còn chưa diệt được, thế mà phải diệt luôn cả những ham muốn tốt lành như muốn thành Phật (cũng là một dục vọng nằm trong Khổ Ðế). Ðó cũng là kinh nghiệm sống của tôi trong khi làm một ông đại đức.
Ngày nay sống trong Chúa, tôi thấy ra con người mình quá bé nhỏ, tầm thường với những thói quen tội lỗi, tánh ích kỷ, hèn hạ. Thật mình chẳng có gì để khoe khoang cả. Bởi sự ăn năn Chúa dạy, tánh xấu xa gian ác của tôi đưọc Người cất đi. Chúa quăng xa khỏi tôi những gông cùm tội lỗi. Ðó là những kinh nghiệm khác nhau mà tôi nếm trải trong hai niềm tin theo Phật và theo Chúa của riêng tôi.
Anh Hai nói đức Phật không hứa hẹn gì cả. Ðúng thế. Khác với Ðức Phật, Chúa Jesus hứa nhiều điều. Người tự xưng là Ðấng thành tín. Ai tin Người, Người sẽ làm cho Lời Người ứng nghiệm trong đời sống đức tin của người ấy. Tôi xin ghi ra một số Lời Hứa của Chúa mà tôi đã nhận được một cách chắc chắn khi mình đang sống nơi đây, và không thể nào chối cãi được cả, đó là: "Những kẻ trai trẻ cũng phải mòn mỏi mệt nhọc, người trai tráng cũng phải vấp ngã. Nhưng ai trông đợi Ðức Chúa trời thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi. " (Esai 40- 30-31) Và: Ta sẽ thâu lấy các ngươi khỏi giữa các dân; ta sẽ nhóm các ngươi lại từ mọi nước, và đem về trong đất riêng của các ngươi. Ta sẽ rưới nước trong trên các ngươi, và các ngươi sẽ trở nên sạch; ta sẽ làm sạch hết mọi sự ô uế và mọi thần tượng của các ngươi. Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt. Ta sẽ đặt thần ta trong các ngươi, và khiến các ngươi noi theo luật lệ ta, thì các ngươi sẽ giữ mạng linh ta và làm theo (Ê-Xê-Chê-Ên 36:24-27) - Chúa Jesus còn hứa: Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi; nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời ( Giăng 4:13-15) Và: Vậy, nếu ai ở trong Ðấng Christ thì nấy là người được dựng nên mới. (II. Corinto 5:17a). Ðó là những Lời Hứa được ứng nghiệm trong đời sống đức tin của tôi, khiến cho đức tin mà tôi ký thác vào Chúa càng vững vàng yên ổn; càng thanh thản bình an.
Câu 2: Anh hai viết: Ðức Phật không hứa hẹn gì cả mà còn nhắc nhở Ðừng vội tin những gì vì thường nghe nhắc nhở đến điều ấy luôn; đừng tin tưởng điều gì vì đó là một tập tục đã qua rồi của ngàn xưa để lại... (Kinh Kalarna?).
Tôi xin phép anh Hai viết lại câu (Kinh Kalarna?) nầy cho đầy đủ để trao đổi thêm cho chính xác. Nầy các con, các con đừng vội tin những gì mà người ta luôn truyền khẩu và lặp đi lặp lại từ nơi nầy đến nơi nọ, từ thời nầy đến thời kia. Các con cũng đừng vội tin những gì dù là tập tục của ngàn xưa để lại. Nhưng các con hãy tin những gì mà các con nhận thấy rằng điều ấy đúng cho mình và đúng cho người; đúng cho bây giờ và đúng cho mai sau. Các con cũng hãy tin những gì mà các con thấy có lợi cho mình và lợi cho người, có lợi cho bây giờ và có lợi cho mai sau". Tôi xin hỏi anh Hai rằng trong niềm tin Phật Giáo của anh Hai, có bao nhiêu phần trăm là nguyên thuỷ chính cống do Phật dạy? Có bao nhiêu phần trăm là trái lại Lời Phật dạy? Và bao nhiêu phần trăm là tập tục, truyền khẩu của ngàn xưa để lại? Anh có biết rằng tất cả Kinh Phật mà anh đang có hôm nay là do những lời truyền khẩu từ Ðức Phật cho đến các đệ tử truyền đi truyền lại 500 (năm trăm) năm sau mới bắt đầu có cuộc kết tập kinh tạng lần thứ nhất hay không? Kết tập kinh tạng lần thứ nhất là tụ hội tăng già lại và ghi ra những lời dạy của Ðức Phật mà các vị tăng già còn nhớ sau 500 năm truyền khẩu kể từ khi Ðức Phật nhập diệt. Anh có biết trong hai bộ Ðại Tạng Kinh của Phật Giáo (Bộ Pali và bộ Hán văn) hiện đang có những bộ kinh khác nhau đầy mâu thuẫn hay không? Anh có biết kinh Thuỷ Sám và Kinh Lương Hoàng Sám trong bộ Pali như thế nào không? "Có hay không cái đó?" (cách hỏi của Bùi Giáng). Còn câu chuyện về Ðạt Ma tổ sư của thiền tông như "cửu niên diện bích", dùng một chiếc dép rơm làm thuyền đi bộ trên nước là truyền khẩu, hay là lịch sử? Anh Hai có một tài liệu nào có giá trị lịch sử về Ðạt Ma không, hay tất cả chỉ được ghi lại từ truyền khẩu? Ðây là những huyền thoại đẹp mang tính tôn giáo. Nếu chúng ta tin được thì cứ tin. Niềm tin vào huyền thoại cũng có nét đẹp của nó. Nếu chúng ta không tin thì cũng không thiếu cơ sở để phủ nhận.
Ðức Tin trong Chúa thì khác. Có nhiều dữ kiện diệu kỳ trong Ðức Tin mà khoa học không thể chứng minh nổi. Ví dụ một chuyện tầm thường như con gà và cái trứng mà khoa học cũng chưa chứng minh được cái trứng sinh ra trước, hay con gà sinh ra trước. Thế thì anh Hai cho rằng Phật giáo là khoa học cũng có gì là ưu việt gì lắm đâu.
Chín năm tường đá lặng im
Cớ chi người phải đi tìm lặng câm?
Chín năm đá vẫn yên nằm
Sát na người đã dụng tâm đứng ngồi!
"Chơn không" đã nói ra rồi
Cũng là "Chơn có" dẫu ngồi im re?
Chơn không sao vẫn còn đè
Lên mình chơn có đi về sớm hôm
Người mất một chiếc giầy rơm
Tay cầm một chiếc, lưỡng chơn trần truồng.
Câu 3: Tam Pháp Ấn là một giáo lý nói nhiều trong Luận tạng. Giáo lý nầy nói về
*Khổ.
*Vô Thường.
*Vô Ngã
*Khổ là đầu đề được luận ra từ trong bài giảng đầu tiên của Phật, gọi là Tứ Diệu Ðế. Tôi viết cho anh ở phần trên.
*Vô Thường: Theo Phật Giáo thì Vạn hữu không có gì tồn tại mãi. Chỉ có Cái không gì cả - Chân không diệu hữu mới hằng còn. Như vậy cái hằng còn là cái không hề có? Kinh Thánh cũng nói tất cả đều hư hoại, biến đổi và không vĩnh viễn. Duy chỉ có Ðấng Tạo Hóa là Ðấng Hằng hữu. Linh hồn con người cũng còn lại đời đời.
*Vô Ngã: Không có luôn cả cái ta. Chỗ nầy giáo lý càng hay thì con người vỗ tay càng lỗi. Khi giảng về vô ngã, tôi thấy ông thầy tu là chấp ngã nhiều nhất, vì họ được kính trọng quá độ nên ai nói một chút mếch lòng là họ phật ý tức khắc. Họ ví dụ như con nhạn bay qua dòng sông, nhạn không có ý gởi hình bóng mình vào đáy nước. Dòng sông không bao giờ có ý ghi lại hình bóng con nhạn. Ðiều đó đúng hoàn toàn với dòng sông và con nhạn (vô ngã). Nhưng con người khác con nhạn. Vì lòng người muốn thành Phật mới tìm cách đi tu. Muốn đạt đạo mới ngồi thiền. Muốn giải thoát mới trì giới hạnh. Muốn cao siêu mới dày công tu học. Tâm của người hành đạo chứa nhiều kiến thức uyên bác đã đành; tai người hành đạo nghe một lời phạm thượng là lòng ghi sâu hơn người thường. Tu sỹ nén cơn giận, không cho phép mình giận công khai nên giận rất lâu. Ai có thành tâm làm người tu sỹ mới thấy chuyện đó. Thật ra giận, buồn, vui, là những cảm xúc thông thường trong kiếp người. Ai cố tình che giấu hoặc tìm cách đè nén các cảm xúc ấy một cách quá độ sẽ trở nên bất bình thường. Thần Tú và Huệ Năng muốn làm tôn sư bá chủ mới thi thố hai bài thơ bất hủ. Sau đó bất đồng ý kiến với nhau và tranh chấp nhau kịch liệt. Họ hoàn toàn không vô ngã như con nhạn và dòng sông. Tôi xin tặng anh bốn câu thiền thi tuyệt tác, tôi không biết tác giả là ai. Nhưng đây là một bài thiền thi nổi tiếng từ lâu rồi. Nếu nói về tính vô ngã trong thiên nhiên vạn vật thì tuyệt. Nhưng áp dụng cho tinh thần vô ngã trong con người thì vô cùng mỉa mai.
Nhạn quá Trường giang. (* Có chỗ ghi là hàn đàm)
Ảnh trầm hàn thủy.
Nhạn vô lưu tích chi ý.
Thuỷ vô lưu ảnh chi tâm.
Tôi tạm dịch:
Nhạn bay qua mặt Trường giang
Ảnh trầm xuống nước như đang hững hờ
Nhạn đâu gởi bóng vào mơ
Nước nào giữ lại bóng mờ nhạn kia
Anh Hai ơi, bài thiền thi nầy thật là tuyệt diệu. Hình ảnh, âm vang, mầu sắc, ngôn ngữ rất mỹ miều thanh thoát. Tôi không thể nào dịch nổi, chỉ cố gắng dịch cho vui thôi. Vậy tôi xin chuyển lời nào nhạn vô tình làm cho mất để anh Hai đọc vài câu văn vần cho bớt ngán ngẩm sự đời, sự đạo mà ông "sư mục" nầy dài dòng văn tự với anh Hai:
Xin anh bỏ lỗi tầm phào
Chuyển dịch thơ thẩn xen vào hư vân
Lời vang diệu ý xa gần
Nào chuyên chở hết hương trần của nhau
Nhạn bay qua cuối giang đầu
Vô tình đến nỗi sắc mầu hóa không
Tình ta lạc giữa tang bồng
Làm sao vô ngã như lòng nhạn kia!
Cho em thấy nhạn đi về
Mất vào thăm thẳm bốn bề trường giang
Vậy con người muốn tốt, muốn giải thoát và dấn thân tu hành là điều rất cao quý. Hình ảnh những người tu hành, gìn giữ truyền thống và niềm tin tôn giáo trong nhân loại đều có giá trị cao. Nhưng từ đó mà diễn dịch những điều thiêng liêng quá sức con người xương da cốt tủy thì không nên. Con người luôn luôn vừa là phàm, vừa là thánh. Cái phàm tính trong con người thì chắc nịch thứ thiệt một trăm phần trăm. Còn cái thánh tính trong con người thì thật-giả bất minh không mấy ai nhận chân ra hết. Người tin Chúa được nhận lại bổn tính thánh thiện từ nơi Người. Ðã mang thân xác và tâm hồn con người, tự nó không bao giờ là vô ngã tuyệt nhiên hoặc siêu phàm, siêu thánh gì cả.
Câu 4: Anh Hai khuyên tôi dùng Kinh Thánh để phản bác giáo lý nhà Phật. Tôi không thích dùng Kinh Thánh để phản bác giáo lý nhà Phật. Mục đích của Thánh Kinh không phải để làm điều đó. Khi một nền giáo lý sai lạc, dù hay đến mấy nó cũng không chuyên chở chân lý. Vậy bài bác hay ca tụng nó đều là vô nghĩa. Tôi chỉ tiếc những con người không hề ứng dụng giáo lý ấy cho mình để biết chắc cái đúng, cái sai ở đâu. Anh Hai tự coi lại có phải mình là một trong những con người đó hay không? Tôi biết giá trị thực chứng của Kinh Phật và Kinh Thánh trong tôi rất khác nhau (xin giới hạn trong tôi). Nếu được phản bác là tôi phản bác về sự không thật trong con người chúng ta mà thôi. Ví dụ một người trần có xương thịt mà tu hành đạt đến vô ngã là tôi không thể tin, mặc dầu tôi vô cùng muốn được thấy một người như thế. Ví dụ khi nghe có một người nào đó áp dụng được giáo lý Bát Chánh Ðạo là tôi không thể tin, trừ khi tôi gặp và sống bên cạnh họ một thời gian. Thiện chí tu hành luôn luôn đáng kính trọng. Nhưng trót đi tu mà không tu được, lại cứ tỏ cho mọi người thấy mình là thánh thiện để nắm lấy quần chúng rồi bòn rút quyền lợi hư danh thì thật là đáng trách. Kinh Thánh dạy rằng: Nầy là điều con hãy nhắc lại và răn bảo trước mặt Ðức Chúa Trời rằng, phải tránh sự cãi lẫy về lời nói, sự đó thật vô dụng, chỉ hại cho kẻ nghe mà thôi. (II. Timothi 2:14-)
Câu 5: Anh Hai bảo rằng "khoa học cũng có thuyết Luân Hồi, nhưng không hoàn chỉnh và rốt ráo bằng."
Tôi chưa hề nghe khoa học nào chứng minh được thuyết Luân Hồi. Ðiều nầy có lẽ anh Hai nói bừa cho có vẻ "hùng biện", phải không? Trong thuyết Luân Hồi, có sáu loài sanh tử nghiệp báo lẫn quẩn luân lưu với nhau. Loài cao nhất là Thiên, tức là "loài trời", xuống một bậc nữa là loài người, tức là tụi mình đây. Xuống tiếp một bậc nữa là loài a-tu-la. Loài a-tu-la là một loài không phải trời, cũng không phải người, gọi là phi thiên phi nhơn. Loài nầy sống ở một thế giới nằm ngoài cõi Ta Bà nầy, có nghĩa là nằm ngoài trái đất hoặc nằm ngoài thái dương hệ của chúng ta. Loài a-tu-la sống ở cõi Bắc-Cu-Lô-Châu. Bắc-Cu-Lô-Châu xa chúng ta bằng một đoạn đường dài như sau: Nếu ta nghiền nát trái đất thành bột rồi chứa hết số bột ấy trong túi áo mình. Kế đó chúng ta đi bộ. Ði được một triệu do tuần, bỏ ra một hạt bụi. Và cứ như thế đi thêm từng triệu do tuần một và bỏ xuống một hạt bụi; mải cho đến bao giờ số bụi ấy sạch trơn trong túi áo mình, mình sẽ thấy cõi Bắc-Cu-Lô-Châu. Theo tự điển Bách Khoa Phật Học: 1 do tuần dài 16 dặm lý Tàu. 1 dặm lý Tàu dài 576 mét tây. Vậy 1 do tuần bằng 16 X 576m = 9. 216m (hơn 09km). Vậy là chúng ta phải đi bộ 9.216.000km mới bỏ xuống một hạt buị. Và tiếp tục đi cho đến bao giờ không còn một hạt bụi nào trong túi áo nữa. Vậy là thân thể của một người phải to bằng 10.000 lần quả đất mới mong đập vụn quả đất thành tro bụi và bỏ vào túi áo. (Chắc anh Hai hiểu nhiều hơn tôi, chỗ nầy tôi chỉ hiểu và nhớ chừng đó thôi.) Các thầy giảng rằng ý nghĩa nầy ám chỉ tính vô ngã. Tôi không phản bác gì hết, nhưng tôi biết rằng càng ám chỉ tính vô ngã kiểu nầy, cái ngã chấp càng to hơn. Vì chính mình tự vẽ ra cái vô ngã to tướng như thế thì làm sao mình vô ngã được nữa? Anh Hai luôn ca ngợi lý trí và khoa học. Cái gì ngoài lý trí và ngoài khoa học thì anh Hai cho là sai hết. Chính vì vậy mà anh Hai phải gộp thuyết Luân Hồi vào trong khoa học cho thêm "vững chắc". Tôi xin thua, vì thuyết Luân Hồi là "khoa học" mà! Giống như các nhà bói toán tử vi viết sách khoa học huyền bí! Các nhà trí thức Phật Giáo lý luận giỏi thật! Hai dứa nhỏ cãi nhau đến nỗi đánh lộn. Một đứa bảo ba tao thông minh hơn ba mày. Ðứa kia cũng nói y như vậy. Thế mà chúng đánh nhau sưng trán u đầu. Bây giờ nghe anh Hai nói Phật giáo là khoa học. Tôi phải im!
Trở lại thuyết luân hồi khoa học của anh, có là loài trời và loài a-tu-la là hai loài không ai biết được (chắc là khoa học biết!). Còn ba loài sau nữa là Ðịa Ngục, Ngạ quỉ và Súc Sanh, anh Hai biết hết chưa? Khoa học biết hết chưa? Thật ra trong Phật Giáo, bàng bạc rất nhiều kinh sách có nói rằng không có Luân Hồi, không có Niết Bàn, không có Ðịa Ngục gì cả. Tôi xin hỏi anh Hai, trong Phật Giáo có kinh nào nói không có Luân Hồi, không có Ðịa Ngục và không có Niết Bàn gì cả? Theo tôi, thuyết Luân Hồi là một niềm tin bình dân, bàng bạc trong văn hóa Trung Hoa và Ấn Ðộ trước khi thái tử Tất-Ðạt-Ða ra đời. Người ta tin rằng con người sau khi chết thì hóa thành trâu, bò, heo, chó, sán lãi, hoặc ngạ quỉ, súc sanh, hoặc đầu thai thành trời hay a-tu-la... tuỳ theo tội lỗi (nghiệp) người đó làm khi còn sống. Nhưng nếu có một luật Luân Hồi tuyệt đối mà không ai chối cãi được, thì cũng nên hỏi ai sáng tạo ra cái luật Luân Hồi đó? Ai là người có quyền cho phép một linh hồn ông nầy sau khi chết đầu thai thành bà nọ, hoặc đầu thai ra một con vịt hay con lạc đà, hoặc là con đỉa đói cô đơn? Không lẽ người ấy sau khi làm người mấy chục năm rồi chán đời muốn hóa thành con ốc sên để thám thính vũ trụ? Khi tôi sống mà ăn hàng ngàn con vịt, vậy sau khi chết, tôi có phải đầu thai mấy ngàn lần làm vịt hay không? Còn bà bán thịt vịt thì sao? Người nuôi vịt để bán thì sao? Người cắt cổ vịt thì sao? Người mặc áo dệt bằng lông vịt thì sao? Người trói vịt thành chùm chở sau xe gắn máy thì sao? Ai cầm cân nẩy mực để làm cho luật đầu thai không bị lộn kiếp như trường hợp Hồn Trương Ba da hàng Thịt? Nhưng nếu có kẻ phân xử, hay là có luật nhân quả như thế thì tại sao lại không tin có Ðấng Phán Xét thiện ác cho cả thế gian?
Tôi bí quá đành nói bằng thơ ngâm dấm:
Hởi ai bí bỏm bịt bùng
Bí bầu lý luận lạnh lùng liệu lo?
Lý là lẽ liệng lên lò
Lửa lan liếm lẽ, lý lo luận liều
Thuyết Luân Hồi là một niềm tin chứ không phải là một lý thuyết khoa học như anh Hai nói. Tôi chỉ tin Lời Chúa dạy rằng nếu khi còn sống, ai không ăn năn tội, không chịu tiếp nhận ơn tha tội của Chúa; thì sau khi chết, họ bị Chúa xét xử về việc ác và việc lành của họ. Chúa cho họ nhìn thấy mọi điều tốt xấu của họ như một cuộn phim. Và tùy vào hành vi thiện ác của họ lúc đang sống trên trần thế, Chúa cho họ vào một nơi thích hợp do Người dựng nên. Ðó là Thiên Ðường, hay Ðịa Ngục:
Kinh Thánh chép:
"Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Ðấng đương ngồi ở trên; trước mặt Người trời đất đều trốn hết, chẳng còn thấy chỗ naò cho mình nữa. Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tuỳ công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy. Biển đem trả những người chết mình chứa; Sự chết và Âm phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tuỳ công việc mình làm. " (Khải thị 20:-13).
Người Cơ Ðốc thật sẽ không bị xử án như vậy, vì chúng tôi biết mình có tội, chúng tôi ăn năn, xin ơn Chúa tha thứ và ơn thánh hóa của Người ứng nghiệm trong cuộc đời mình mỗi ngày. Chúa đã trả tội đáng hình phạt cho tôi bằng sự chết cứu chuộc của Chúa Jesus Christ. Sau khi được tha tội, chúng tôi được Ðức Thánh Linh của Người dắt dẫn từng bước theo Người. Chúng tôi chứng nghiệm về sự chết của tội lỗi chúng tôi xẩy ra trong sự chết của Người mỗi ngày, và chúng tôi cũng chứng nghiệm về sự tái sanh bởi Thánh Linh Người đem đến trong chúng tôi mỗi ngày. Ðó là bằng chứng sống khiến chúng tôi tin chắc rằng Người là Ðấng Chân Thật, Người sẽ không xét đoán chúng tôi như những kẻ từ chối Ơn Tha Thứ của Người. Và đó cũng là những tiêu chuẩn mà Người đã vạch ra (Cửa Hẹp) để cứu chúng tôi ra khỏi tội lỗi; chứ không phải do mình tự phạm tội rồi tự mình xả bỏ và muốn vào địa ngục hay thiên đường theo ý mình giống như cách Phật Giáo của anh Hai.
Ở trong đức Tin Con Trời, tôi thoát khỏi nhiều niềm tin ngu dốt khác như bói toán tử vi, luân hồi hóa kiếp, hồn người chết ăn cơm ăn cháo, hồn người chết mặc áo cỡi xe, hồn ma làm ông nghè, bà phán, làm cô Tám đầu thai, làm bà Cai, ông Cọp, hồn chuồn chuồn thoi thóp bụi cây, hồn con cầy gác cầu Hội An phố cổ. v. v. Ðối với tôi, giải thoát khỏi những niềm tin như thế là cả một gánh nặng đã được buông bỏ khỏi linh hồn mình rồi. Nhờ vậy mà bớt đi biết bao mệt mỏi vô nghĩa.
Chúng ta cứ thoải mái tin những gì mà chúng ta muốn tin. Nói tới niềm tin là nói tới những cái vô lý nhất mà vẫn có thể tin. Niềm tin nầy rất có lý với người nầy, nhưng vô lý với người khác. Vậy hãy chia xẻ cho nhau để thấy sự khác nhau trong niềm tin tôn giáo và có thể học hỏi với nhau mà không cần phản bác nhau. Một trong những cái xấu của loài người mà chúng ta nên giúp nhau tránh, đó là gây chiến với nhau chỉ vì khác niềm tin tôn giáo. Chúng ta có thể nêu lên những lý lẽ của niềm tin mình đang có. Chúng ta có thể nêu lên quan điểm của mình là tại sao mình tin hoặc không tin. Nhưng chúng ta không nên gây sự với đức tin của người khác. Tôi lý luận với anh Hai để chỉ cho anh Hai thấy lý luận của mình con non nớt lắm. Thế thôi.
Câu 6: Cho đến nay anh Hai "chưa gặp một tư tưởng gia nào trên thế giới phản bác giáo lý nhà Phật."
Thế thì anh Hai vừa may mắn vừa rủi ro. May, vì có mà không gặp nên khỏi phải tranh cãi. Rủi, vì chưa gặp nên không được biết một cách đích xác. Tôi có gặp một số người ưa phản bác giáo lý đạo nầy, đạo nọ. Gặp hoài hoài, nhưng tôi không thích làm như thế. Tôi cũng chưa hề nghe một nhà khoa học nào "dựa vào giáo lý đạo Phật mà khám phá ra vũ trụ" cả. Và nếu có một hay nhiều nhà khoa học nhờ giáo lý Phật Giáo mà khám phá ra vũ trụ như anh Hai nói thì cũng rất đáng khen.
Theo tôi biết vai trò khoa học không giống vai trò tín ngưỡng. Và khoa học chân chính không mâu thuẫn với đức tin chân chính. Khoa học đã giúp tôi hiểu biết khá nhiều các dấu tích lịch sử của Kinh Thánh. Ví dụ như các nhà khảo cổ tìm ra thành Giê-Ri-Cô mà tiên tri Giô-Suê chiếm lĩnh, có ghi trong Kinh Thánh. Các nhà khoa học tìm ra một cái chum còn nguyên cả bộ sách Isaiah không sót một câu, là một sách tiên tri quan trọng trong Cựu Ước. Các nhà khoa học đã chứng minh tấm vải liệm mà người ta cho rằng của Chúa Jesus suốt cả ngàn năm nay là không đúng. Sự chứng minh về những sai lầm của một số nhà tôn giáo về tấm vải liệm ấy khiến cho tôi càng tin Kinh Thánh hơn. Vì Kinh Thánh không hề nói những gì như thế cả. Moses chết, Thiên Chúa không cho dân Do-Thái thấy xác của ông. Xác của Chúa Jesus cũng không để lại một dấu tích gì cả, vì Người đã bay lên trời. Nấm mộ của Chúa cũng không ai tìm ra chính xác. Vì sao? Vì Chúa không muốn loài người dựa vào những chứng cớ vật chất để nhầm lẫn với Ðấng Thiêng Liêng vô hình. Ðó là một cái bịnh trầm kha của loài người khi họ xa rời Thượng Ðế hằng hữu, họ tự dựng nên những hình tượng vật chất để thế vào. Chúa biết điều đó và Lời Người dặn dò rất kỹ. Thậm chí Kinh Thánh còn nói thêm rằng:"Chính Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Ðức Chúa Trời". (Roma:16). Nghĩa là không phải những hình tượng vô tri vô giác cho chúng ta thấy bổn tánh thiêng liêng của Thiên Chúa, nhưng chính Thánh Linh của Người giúp cho chúng ta xác tín về Người một cách đích thực và mầu nhiệm. Ðức tin còn vượt ra ngoài khả năng của khoa học. Chúa dạy "Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin" (Giăng 20: 29b). Ðức tin còn vượt ra ngoài khả năng hiểu biết của khoa học. Ðây cũng là một điểm mà Kinh Thánh khác với Phật Giáo.
Khi Ðức Phật nhập diệt, các đệ tử của người đã thiêu xác người thành tro. Thế nhưng ngày nay có nhiều nơi còn thờ răng, mắt, và các Xá Lợi của người. Nếu các nước trên thế giới cộng tất cả những phần xá lợi ấy lại thì có thể nặng tới hàng tấn không? Một thân xác con người nặng bao nhiêu ký? Sau khi thiêu thành tro thì còn bao nhiêu ký? Trong khi Phật Giáo cũng dạy rằng:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh.
Như điện diệc như lộ.
Ưng tác như thị quán.
(Trong Nhị Thời Công Phu)
Nghĩa là tất cả các hình tướng vật chất, âm thanh, hữu hình, hữu tướng đều là mộng huyễn như bọt nước. như điện, và cũng như sương. Hãy nương vào đó mà quán tưởng như vậy. Vậy thì Xá Lợi của Ðức Phật là hữu vi pháp hay vô vi pháp? Là ngón tay hay là mặt trăng? Tôi nghĩ rằng thờ Xá Lợi Ðức Phật là tỏ lòng tôn kính người. Ðây là một thái độ tín ngưỡng mà trần gian cũng thường làm như người ta ướp và thờ xác lãnh tụ của họ. Ðứng về thái độ tín ngưỡng và cách tôn kính thì có lý. Nhưng đứng về mặt chân lý tuyệt đối và sự giải thoát thì bị kẹt lắm!
Mới đây các nhà khảo cổ đã tìm ra một số dấu tích về Ðức Phật rất có giá trị. Tôi nghe đài BBC nói rằng sự khám phá nầy có giá trị ngang với sự khám phá cái chum Kinh Thánh ở Biển Chết, Do Thái. Tôi vui mừng vì những khám phá của các nhà khảo cổ giúp cho nhân loại có thêm những kiến thức và bằng chứng vững chắc về các vấn đề lịch sử Phật Giáo Ấn Ðộ nói riêng; một tôn giáo lớn của loài người nói chung. Nhưng nên nhớ rằng trước Ðức Phật đã có nhiều tôn giáo khác nữa. Ví dụ đạo Chúa và Thánh Kinh Cựu Ước đã được truyền rao trước Ðức Phật cả nhiều ngàn năm.
Câu 7: Câu quán tưởng về một ly nước mà anh cũng cho là khoa học thì hết chỗ cãi.
"Phật quán nhất bát thuỷ. Bát vạn tứ thiên trùng. Nhược bất trì thử chú.. Như thực chúng sanh nhục. Án phạ tất bát ra ma ni tóa ha" (Tỳ Ni Nhật Dụng)
Anh Hai hỏi tôi: như thế là khoa học chưa? Trước khi trả lời câu hỏi của anh Hai, tôi xin dịch nghĩa văn tự của câu nầy cho rõ cái đã:
Phật quan sát trong một bát nước. Có tám vạn bốn ngàn con ấu trùng (vi sinh vật). Nếu không đọc câu thần chú nầy. Xem như là ăn thịt chúng sinh. Án Phạ tất bát ra ma ni tóa ha. (đọc ba lần)
Tôi xin trả lời rằng như thế cũng chưa khoa học gì cả. Vì đức Phật nói một cách chung chung, với con số phỏng chừng là 84.000 con vi sinh vật trong một bát nước. Nếu muốn nói theo khoa học thật sự thì phải nói dung lượng của đơn vị ly nước là bao nhiêu, vì ly lớn thì nước nhiều; do đó mà con số vi sinh vật phải nhiều hơn. Rồi nói đến nước lấy ở đâu ra? Nước sông? Nước lu? Nước hồ ao tù đọng, hay hồ ao có thuỷ triều vào ra? Nước giếng? Nước nấu chín hay nước lọc? Mỗi thứ nước như thế cũng có những số lượng, những số loại vi sinh vật rất khác nhau. Ăn thịt 84.000 con vi sinh vật như thế có lợi hay hại? Lợi chỗ nào, hại chỗ nào? Ðó là vấn đề của khoa học. Vì thế, lời Phật nói ở đây có ý nghĩa rất tượng trưng và tổng quát, chứ không có tính xác suất theo thí nghiệm khoa học như anh Hai nghĩ đâu. Mục đích của đức Phật khi nói câu ấy không phải vì tinh thần khoa học mà vì Ðức Từ Bi của người đối với mạng sống những con ấu trùng. Thông thường các nhà thông thái dổm ưa mượn tiếng của hai chữ khoa học giống như người ta lấy danh ông Kẹ để hù con nít đó mà!
Trừ Phật Giáo ra, theo quan điểm đạo đức của nhân loại; xưa nay không ai tố cáo một người uống nước là gian ác, tội lỗi vì là ăn thịt một lần 84.000 con sinh vật hết cả. Mỗi ngày chúng ta uống bao nhiêu bát nước? Chưa nói đến việc nấu cơm, nấu nước, kho cá nấu canh, nhất là luộc rau ăn chay, chúng ta đã giết hết bao nhiêu con vật li ti như thế? Và nếu đó là tội sát sinh trong Luân Hồi lục đạo, thì đâu còn ai sinh lại kiếp người theo luật Luân Hồi được nữa? Vậy để thoát khỏi tội sát sinh quá nhiều như thế, Phật Giáo dạy rằng phải đọc câu thần chú trên thì được xem như không ăn thịt chúng sanh. Như vậy mà cho là khoa học? Ðã có bao nhiêu người Phật tử không hề đọc câu thần chú ấy suốt đời họ, chắc họ phải đọa vào bao nhiêu tầng địa ngục mất? Anh Hai thừa hiểu rằng khoa học chưa chế ra một câu thần chú nào, tại sao anh Hai cho câu trên là khoa học, hoặc hơn cả khoa học? Ngày nay còn có cả thuốc sát trùng, thuốc xổ sán, vậy các Phật tử phải đọc câu thần chú gì để sử dụng các thứ thuốc đó khi cần? Ngày nay nước uống được vô trùng theo hệ thống khép kín. Như thế làm gì có vi trùng nữa mà phải đọc? Niềm tin tôn giáo thường có những điều vượt ra ngoài lý trí và khoa học của con người. Vậy anh Hai không cần phải lấy khoa học để hóa trang cho niềm tin Phật Giáo của anh nữa. Làm như thế là chứng tỏ mình chưa có niềm tin gì hết.
Theo tôi, vấn đề chúng ta nên trao đổi, nhân bàn về câu Phật quán nhất bát thuỷ ở trên là như sau:
Kinh Phật và Kinh Thánh cho chúng ta có những quan niệm khác nhau về tội lỗi. Phật Giáo cho rằng giết hại là có tội, dù là giết con vi trùng. Giới cấm sát sanh là giới cấm đầu tiên và cao nhất của Phật Giáo. (Luật Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết yếu: Hoặc tự sát, hoặc giáo tha sát, hoặc kiến sát tuỳ hỷ). Nghĩa là mình sát hại, hay mình xúi cho kẻ khác sát hại, hay mình thấy kẻ khác sát hại mà lấy làm vui đều có tội hết cả. Vậy muốn thoát khỏi tội giết hại thì cứ đọc thần chú (dù sự giết hại cũng không thể tránh được) nên không có tội chứ gì? Làm sao anh Hai tìm ra một người mà suốt cuộc đời không giết một con vật nào theo như giới cấm của Phật Giáo? Hoặc là tìm một người, mà trong đời người đó có một ngày không giết hại một con vật nào cả. Làm sao có? Vậy thì không ai không giết hại dù có đọc thần chú hay không đọc thần chú. Ý tôi muốn chứng minh cho anh Hai thấy rằng nếu mình thành thật tu niệm theo giáo lý Phật Giáo thì mình cũng không bao giờ thực hiện được giáo lý ấy. Giới cấm sát sinh là giới cấm quan trọng nhất trong đạo Phật. Mà theo đạo Phật thì phạm giới như thế là bị đọa vô địa ngục. Anh Hai có biết câu nầy không:
"Tùng triêu dần đán trực chí mộ. Nhất thiết chúng sinh tự hồi hộ. Nhược ư túc hạ tán kỳ hình. Nguyện nhữ tức thời sanh tịnh độ".
Tạm dịch là:
Từ giờ dần buổi sáng thẳng tới tối. Hết thảy chúng sanh hãy tự lánh mình. Nếu dưới chân có đạp nát thân hình chúng. Nguyện chúng tức thời sanh Tịnh Ðộ. (Tỳ Ni Nhật Dụng)
Trên đây là câu Luật mà các vị sư thức dậy phải đọc trước khi rời giường ngủ. Theo nghĩa chính của câu luật trên, khi sư đã đọc câu ấy rồi, nếu trong ngày đó lỡ đạp chết con vật nào như kiến, sâu chẳng hạn, thì sư đã cầu cho chúng tức thời sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc rồi. Dĩ nhiên là hầu hết các vị sư quên đọc. Nhưng nếu ai có nhớ mà đọc, thì anh có tin rằng các con vật bị sư đạp chết ấy đều được sanh về cực Lạc nhờ họ đọc như vậy hay không? Ðiều nầy cũng chỉ tin hay không tin mà thôi, chứ không có lý lẽ khoa học gì cả. Ðiều đáng tiếc là cũng có người nhớ mà đọc (đôi khi), nhưng không chắc lòng họ có tin thật như miệng họ đọc hay không!
Theo Kinh Thánh, Chúa không bắt tội con người vì họ vô tình đạp chết côn trùng. Các loài sinh vật khi chết là hết, chúng không có linh hồn bất tử. Chúng chỉ sống bằng cái xác với bản năng mà thôi. Nếu vì nhu cầu cuộc sống của mình mà phải giết thì không có tội gì với các con vật ấy cả, nhưng mà nếu giết một cách vô cớ thì phạm vào lương tâm của mình đối với sự vật mà Thiên Chúa đã dựng nên giữa trần gian nầy, cũng như phạm tội với Chúa nữa. Ví dụ giết hại do tâm địa bạo tàn. Giết hại làm hỏng môi sinh mà Thiên Chúa đã cho hài hòa trong cuộc sống, gây ra sự mất thăng bằng và bất an trong môi trường sống; đó là một tội đối với Trời. Ngày nay loài người có thể hiểu rằng không có một cái gì Ðấng Tạo Hóa dựng nên mà vô ích; kể cả rắn độc, vi trùng.
Khi ăn hột cơm trời, khi uống bát nước của trời dựng nên cho mình mà mình không niệm ơn Ðấng Tạo Hóa thì mình là kẻ vô ơn. Ðứa con mà không niệm ơn dưỡng dục của cha mẹ là mang tội bất hiếu. Tội bất hiếu vẫn phải bị Chúa xử đoán. Huống hồ con người mà không niệm ơn Ðấng Tạo Hóa thì cũng được coi là vô tội sao? Ðó, quan niệm khác nhau về tội lỗi trong Kinh Phật và Kinh Thánh. Cho nên khi chúng tôi bưng bát cơm ăn, bát nước uống, dù chúng tôi có bỏ tiền ra mua về, thì cũng nhớ ơn Ðấng Tạo Hóa. Vì Người đã dựng nên muôn vật để nuôi mình. Thái độ biết Ơn Trời là một thái độ đạo đức của niềm tin trong Chúa. Khi biết ơn Chúa nuôi mình, thì cũng nhớ đến biết bao người đang thiếu thốn mà Chúa muốn mình xẻ chia cho họ nữa. Còn ai chỉ nói bằng miệng rằng biết ơn Chúa mà mua gian bán lận, buôn lậu trốn thuế, dù ở vào bất cứ xã hội nào, Chúa cũng không vui. Người tin Chúa thật lòng không thể buôn lậu phi pháp. Vậy tạ ơn Chúa trong miếng ăn thức uống cũng có nghĩa là nhắc nhở mình làm ăn sinh hoạt minh bạch, hợp với lẽ công bình đạo đức trong Lời Chúa, cũng như giữa trần gian nầy nữa. Nếu không đúng như vậy là mình có tội với Chúa và với người lân cận của mình. Kinh Thánh cho biết rằng thái độ từ chối Ðấng Tạo Hóa là nguồn của tội lỗi.
Kinh Thánh cho rằng tội lỗi bắt nguồn từ tấm lòng vô tín: Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Ðức Chúa Trời. Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghiếc; chẳng có ai làm điều lành. (Thi Thiên 14:1)*
* Xin một ghi chú ở đây về nghĩa của chữ Ðiều Lành. Ðiều Lành ở đây là theo cái nhìn của Chúa, không phải theo quan niệm của con người. Con người thường tự cho mình làm lành một cách chủ quan và khác với ý nghĩa làm lành mà Chúa muốn. Một người từ chối Ðấng Tạo Hóa là nguồn cội của mình, thì không thể nào làm lành theo tiêu chuẩn của Ðấng Tạo Hóa được. Tôi không thích lý lẽ lắm, nhưng thích sự thông cảm và tình thương yêu. Do đó, mỗi khi trình bày lý lẽ của đức tin tôi theo như Kinh Thánh dạy, tôi cũng sợ mình vô tình làm anh Hai buồn. Trong ý nghĩa ấy, tôi xin tặng anh hai bài thơ ngắn nầy:
CHUA SẮC HUYỀN
Chúa Phật luôn có tình thương
Nhưng người khác đạo lại thường ghét nhau
Trang kinh miệng đọc thuộc làu
Trang lòng chênh lệch từ đầu tới đuôi
Hỡi ơi chân lý con người
Là chân với cẳng muôn đời chọi nhau
Xa chùa mới biết Chúa đau
Trở về thấy lại nỗi sầu tròn xoay
Dấu huyền, dấu sắc lay hoay
Huyền Sắc khiến chữ chua cay đắng hoài
Trong câu 8 của anh Hai: Anh Hai hiểu sai Kinh Thánh khá nhiều do anh Hai chưa đọc một cách nghiêm túc. Kinh Thánh không bao giờ nói Chúa chỉ dựng nên trái đất nầy trong khi còn 8 hành tinh khác tạo thành thái dương hệ mặt trời. Không! Anh Hai nên đọc kỹ lại sách Sáng Thế Ký, hết đoạn 1 (gồm 31 câu), và đoạn 2 từ câu 1 đến câu 25, tổng cộng là 56 câu thôi. Moses ghi lại sự sáng tạo toàn thể vũ trụ của Thượng Ðế chỉ trong 56 câu nầy mà thôi. Khi đọc đoạn Kinh Thánh nầy, anh Hai nên hiểu chữ Buổi mai, buổi chiều, ngày và đêm theo ý nghĩa của Kinh Thánh. Anh Hai có thể kiếm cả ngàn quyển sách giải kinh của các nhà nghiên cứu cổ kim để hiểu rõ Kinh Thánh. Chúa dạy rằng Trước mặt Người một ngày giống như một ngàn năm. (II. Peter 3:8). Hoặc Một ngàn năm trước mắt Chúa khác nào ngày hôm qua đã qua rồi, giống như một canh của đêm. (Thi thiên 90:4). Vậy một ngày trong đoạn 1 của sách Sáng Thế Ký có thể hiểu là một niên đại của sự chuyển dịch vũ trụ chẳng hạn. Kinh Thánh cho biết Thượng Ðế dựng nên toàn bộ vũ trụ vô biên, chứ không phải riêng quả đất như anh Hai hiểu. Muôn vật bởi Người làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Người. (Giăng 1:3). Trong sách Isaiah 40:15 còn nói: trước mặt Người, thế gian chỉ là một giọt nước nhỏ trong thùng, và kể như là một mảy bụi rớt trên cân.
Câu 9, thư anh Hai viêt: "Người không nói nhiều về vũ trụ vì chúng không có lợi gì cho việc tu chứng" Ðó là ý của anh Hai, tôi chưa hề nghe câu kinh nào của Phật nói như thế. Và tôi nghĩ là anh Hai phịa ra câu nầy để binh vực Phật Giáo của anh Hai.
Câu 10: Theo tôi nhớ thì chuyện mũi tên nằm trong Kinh Bách Dụ. Còn nội dung và ý nghĩa chuyện mũi tên thì không áp dụng cho Giáo lý Tứ Diệu đế được. Vì Ðức Phật giảng tuần tự rất mạch lạc từ Khổ Ðế - Tập Ðế - Diệt Ðế rồi kết quả là Ðạo Ðế. Nghĩa là phải tìm ra nguyên nhân của Khổ, nhiên hậu mới áp dụng phương pháp trừ diệt Khổ. (ý nầy đã nếu lên ở phần trước).
Theo Lời Chúa, thế giới ngày càng đau khổ nhiều hơn vì tội lỗi của loài ngày càng nhiều hơn. Matheu 24:12: tội lỗi ngày càng nhiều, tình yêu trong phần nhiều người nguội dần. Tội lỗi phát xuất từ bên trong con người chứ không phải từ bên ngoài vào con người như mũi tên. Tội lỗi phát xuất từ tâm linh sai lạc xa cách Ðức Chúa Trời chứ không phải là một loại vật chất dính vào cơ thể con người như cái mũi tên. Sở dĩ Phật Giáo không giải quyết được vấn đề tội lỗi vì Phật giáo nhìn không đúng nguồn gốc của tội lỗi.
Câu 11: a/ Theo như trong câu 11 tôi đánh số và trích dẫn thư anh Hai, thì anh Hai cho tôi biết rằng anh Hai đã nghiên cứu qua toàn bộ giáo lý nhà Phật rồi! Có thật thế không? Tam tạng kinh điển mà anh Hai đã đọc qua hết rồi thì tôi phải ngạc nhiên. Tôi chưa nghe ai tự cho mình đã nghiên cứu hết tam tạng kinh điển. Bộ Ðại tạng Kinh Hán văn thì thiếu nhiều kinh, và cũng thừa một số kinh do người Tàu thêm vào. Bộ Ðại tạng kinh Pali văn thì không mấy ai đọc được vì chữ pali khó lắm. Ở Việt nam có Hòa Thượng Thích Minh Châu là người học Phật trong ngôn ngữ Pali. Tôi có học người mà chưa hề nghe người nói rằng người đã đọc hết bộ Ðại tạng Kinh Pali. Ngoài ra còn Luật tạng và Luận tạng nữa. Số lượng Luật tạng thì cỡ như Kinh Tạng, nhưng Luận tạng thì nhiều gấp ngàn lần Kinh tạng và Luật tạng. Làm sao anh Hai có thể đọc hết cả Tam Tạng kinh điển trong vòng nửa thế kỷ? Con số Kinh, Luật và Luận đã dịch ra tiếng Việt còn rất ít, nhưng tôi chưa hề nghe ai đã đọc hết. Ví dụ như trong Luận tạng có những sách mới nhất do Thầy Nhất Hạnh viết; anh Hai đã đọc hết rồi sao? Những sách không cũ, không mới nhưng cũng đã mấy trăm năm do Thái Hư, Hư Vân, Mã Minh... viết, anh Hai đã đọc hết chưa? Những sách cũ hơn cả ngàn năm do Diêu Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập viết và dịch ra trong đời Ðường Trung Hoa (khoảng 700 năm sau công nguyên), anh Hai đã đọc hết chưa? Vậy Luận tạng gồm những sách lý luận và kinh nghiệm tu chứng của nhiều bậc hành giả ghi lại tự cổ chí kim; nếu gom góp lại các đầu sách về Luận tạng vào một chỗ có thể lấy hàng trăm xe tải mà chở cũng chưa hết. Cho nên câu văn của anh Hai viết rằng "Phải nói rằng toàn bộ giáo lý nhà Phật mô tả rất chính xác hiện tượng trên thế giới và phương pháp hóa giải những hiện tượng ấy" là không thể tin nổi. Ðó mới nói hình thức văn tự mà thôi; còn nội dung các sách ấy tuy cùng một tôn giáo, nhưng rất mâu thuẫn nhau. Vậy chính cái điều mà anh Hai nói, lại là một điều mà tất cả các bậc thức giả không dám nói bao giờ.
b/ Tôi cảm thấy có cái gì mâu thuẫn trong hai câu của anh. Vì câu 9: Phật không nói nhiều về thế giới; qua câu 11 thì toàn bộ giáo lý nhà Phật mô tả rất chính xác hiện tượng trên thế giới và phương pháp hóa giải những hiện tượng ấy.
Tôi chưa hiểu hết ý anh Hai và tự hỏi là Phật Giáo đã có những phương pháp nào mà hóa giải tất cả những hiện tượng trên thế giới? Ví dụ hiện tượng tầng ozone bị hư hỏng, giáo lý Phật Giáo cho anh Hai biết sự hóa giải bằng cách nào? Anh Hai nói rộng quá khiến tôi không hình dung hết được. Ví dụ vụ nổ lò phản ứng nguyên tử ở Liên Xô năm 1986, theo Phật Giáo thì hóa giải bằng cách nào? Ví dụ hiện tượng dòng nước nóng En-Ni-Nô gây ra lũ lụt, hạn hán, bão và mưa bất thường, Phật Giáo hóa giải thế nào?
Kính thưa anh hải, anh Hai
Khoa ngôn múa ngữ chẳng dài thêm đuôi!
c/ Tôi còn nhớ Phật Giáo có vô lượng Pháp môn tu, Vậy thưa anh Hai, anh biết được bao nhiêu pháp môn? Anh thực hành bao nhiêu pháp môn? Và anh hóa giải được những gì trong tâm linh anh? Làm sao anh Hai biết chắc là pháp môn tôi đang theo là không phát xuất từ Phật Giáo khiến anh Hai tỏ ra đề kháng? Tôi cũng xin nhắc lại một lần nữa, câu kinh "Nhất thiết thế gian pháp giai vi Phật pháp" hay là "Bồ Tát đa hạnh" để anh Hai hiểu thêm Phật Giáo của mình hơn. Tôi rất muốn học thêm về Phật Giáo mà lâu nay chưa có ai hiểu biết đủ để dạy tôi. Tuy nhiên tôi sẵn sàng dạy Phật Giáo cho bất cứ ai muốn biết những cái sai của nó để tránh hoang phí thời gian mình được sống trên đời nầy.
Câu 12 và 13: Anh Hai viết: "Kiến tạo cho con người một đời sống hạnh phúc, chứ không nhờ ai đem hạnh phúc cho mình." Thưa anh Hai, hạnh phúc có sự khác nhau trong mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa, mỗi thời đại hay không? Hạnh phúc của bây giờ hay của đời sau? Tại sao Ðức Phật từ bỏ hạnh phúc của vua chúa, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ giữa quê nhà mà đi theo năm anh em Kiều Trần Như tu khổ hạnh cho đến khi biết mình đã lầm đường, rồi người phải từ giã họ để tìm con đường khác? Tại sao thái tử Tất Ðạt Ða đã trổ tài văn võ để giành lấy người yêu có một không hai của Ðề Bà đạt Ða, đó là nàng Da Du Ðà La? Vì hạnh phúc của mình bị mất vào tay Thái tử tất Ðạt Ða nên Ðề Bà Ðạt Ða luôn luôn căm thù và tìm cách hãm hại thái tử Tất Ðạt Ða. Suốt những ngàn năm sau khi Ðức Phật nhập diệt, giáo lý người đem đến hạnh phúc hay là vẫn cứ khổ đau? Dân Campuchia đã theo Phật bao nhiêu ngàn năm, họ có hạnh phúc không? Anh Hai "không nhờ ai đem hạnh phúc cho mình", vậy sao Phật Giáo tổ chức cầu an, cầu siêu?
Câu 14: Trên thực tế tôi thấy khả năng làm ác của con người có nhiều hơn khả năng làm lành của họ. Nếu con người thật sự tha thiết muốn làm điều lành thì không nên quá kiêu ngạo và tự phụ cho mình làm được tất cả. Có nhiều việc lành mà loài người chúng ta không thể tự mình làm trọn, cho nên phải nhờ đến năng lực của Ðấng Thiêng Liêng. Nếu con người có khả năng làm lành một cách trọn vẹn thì tại sao đến hôm nay thế giới vẫn đầy dẫy tội ác? Vậy thà rằng tin lời Chúa Jesus tiên báo "Tội ác càng thêm nhiều, tình yêu mến trong nhiều người nguội dần" (Matheu 24:12) là hoàn toàn thực tế. Chúa là Ðấng tối thượng toàn năng nên Người tỏ bày đúng nguồn gốc và sự phát triển của tội lỗi đồng thời Người cũng biết rõ cách giải quyết các vấn để tội lỗi cho chúng ta.
Câu 15: Anh nói "con người Phật Giáo không vong thân, lúc nào cũng tự biết mình là ai." Nhưng trên thực tế, anh không biết mình từ đâu sinh ra. Anh không biết kiếp trước anh đã làm người hay làm thánh, hay làm một loài nào trong sáu loài của Luân Hồi Lục Ðạo? Anh cũng không biết sau đời nầy mình sẽ đi về đâu. Mỗi khi chết rồi là phải nhờ thân nhân trả tiền công cho người cầu siêu, thế nhưng cũng không ai biết chắc kết quả của các sự kêu cầu và đọc thần chú ấy có hiệu nghiệm hay không. Cho nên người ta cứ cầu mãi năm nầy qua năm nọ cho đến lúc nào không đủ tiền trả lễ mới thôi. Khi anh Hai nói "Người Phật tử lúc nào cũng biết mình là ai" mới nghe thì quả là một ý tưởng vĩ đại. Anh Hai biết vô lượng kiếp trước của anh Hai là gì chưa? Vô lượng kiếp sau của anh sẽ là gì? Hạt vi-trần hóa kiếp anh Hai đã lấy từ đâu trước khi song thân anh ra đời? Linh hồn anh Hai ở đâu trong thời kỳ Tần Thủy Hoàng còn bú sữa mẹ?
Câu 16: Anh cho rằng "Phật tử không sợ vào địa ngục, và không sợ ai đưa mình vào địa ngục trừ ra chính mình." Ðây là một ý tưởng liều mạng. Anh nói dối! Tôi biết anh đã từng tụng kinh và đọc thần chú cầu siêu cho các linh hồn tổ tiên anh hàng trăm lần. Nếu không sợ địa ngục thì đọc thần chú cầu siêu để làm gì? Trong thâm sâu của linh hồn con người tôi nghĩ rằng ai cũng có sợ địa ngục, trừ người vô thần chính cống. "Phật tử không sợ địa ngục", tại sao kinh Ðịa Tạng lại kể ra rất nhiều thứ địa ngục quá khủng khiếp? Ðịa ngục A-Tỳ. Ðịa ngục vô gián. Ðịa ngục quỉ uống máu tội nhân. Và chính Ðịa Tạng sợ chúng sanh đau khổ trong địa ngục nên thề rằng: "Chúng sanh độ tận. Phương chứng bồ đề. Ðia ngục vị không. Thệ bất thành phật" (Kinh Ðịa Tạng).
Vậy thì Ðịa tạng và Giáo Lý Phật Giáo có gì mâu thuẫn chăng? Sau khi chết, người ta tụng rất nhiều kinh Ðịa Tạng, đó là vì sợ địa ngục hay không sợ địa ngục? Nếu tự mình vào địa ngục, rồi cũng tự mình ra thì Ðịa Tạng thề nguyện làm chi? Tụng niệm làm chi, có thừa không?
Câu 17 anh viết: "Họ thoát ra ngoài mọi ràng buộc của thế gian nếu họ có nghiên cứu giáo lý" Câu nầy anh Hai đã cường điệu giáo lý đạo Phật quá cỡ. Thực hành giáo lý trọn đời mà chưa có kết quả thì nghiên cứu giáo lý ấy làm sao mà thoát ra ngoài mọi ràng buộc của thế gian. Bản thân anh là một trí thức Phật giáo, nhưng anh có cái gì gọi là giải thoát đâu? Nếu tôi chứng minh cụ thể một số cao tăng tiêu biểu, anh Hai sẽ nghĩ sao?
* 14. Thư anh: 1 Những Christians dĩ nhiên là chê "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi" vì họ đã có Chúa dẫn đi rồi. 2 Sống còn chưa biết làm sao biết được chết. 3 Ở đó mà chờ ngày phán xét cuối cùng. 4 Không có ai có quyền phán xét ngoại trừ chính mình ra. 5 Một người không biết Chúa, nhưng suốt đời họ luôn luôn làm việc lành; một người theo Chúa nhưng suốt đời làm việc ác. Khi họ chết ai là người được lên thiên đường. Nếu vì người này khi sống họ theo Chúa, bây giờ chết họ được lên thiên đường. Tình yêu dành cho phe ta.
Câu 1, 2: Khi nghe nói: "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi", trên con đường về cõi Tây Phương cực lạc, những Christians chân chính không "chê các phật tử" như anh Hai nghĩ đâu. Nhưng họ tin rằng con đường về cõi thiêng liêng giải thoát của đời sau cần được sự dẫn dắt của Ðấng thiêng liêng.
Ngay khi mình đang sống trên đời, muốn nhập cảnh vào một nước khác thì trước hết mình phải được luật pháp của nước đó chấp nhận, huống hồ việc đi vào một thế giới An Lạc, là một thế giới mình chưa hề thấy, chưa hề sờ mó mà anh Hai bảo rằng "tự mình thắp đuốc lên mà đi" chứ không cần ai giúp cả. Nói thế mà nghe được sao?
Phật Giáo dạy rằng ai niệm Phật Di Ðà liên tục thì khi người ấy chết họ sẽ tiếp dẫn linh hồn vào nước Tây Phương Cực lạc: "Lục tự Di Ðà vô biệt niệm, tất lao đờn chỉ đáo Tây Phương" (Tịnh Ðộ Tông). Và khi người chết được các vị sư tụng kinh, và niệm Nam Mô Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà phật. Như vậy thì không phải "tự mình thắp đuốc lên mà đi" rồi, phải không?
Trong phái Mật Tông, người ta có hai lá bùa Quang Minh và bùa Hải Hội để đắp lên xác của người chết. Vì Phật Giáo Mật tông tin rằng đắp hai lá bùa ấy lên xác chết (trước khi liệm người chết vào hòm) để linh hồn người chết khỏi ở lâu trong địa ngục. Ðó cũng là một loại niềm tin mê muội trong Phật Giáo chắc anh Hai chưa biết? Dầu vậy ngày nay tôi vẫn tôn trọng niềm tin của người Phật tử như anh Hai, và cầu mong một ngày kia, những người như thế có thể biết chân lý của Chúa bằng con mắt tâm linh. Vì ngày nay tôi có đức tin trong Chúa Jesus nên lòng tôi thấy vững tin, bình an và hạnh phúc, vì tôi đi trong sự sáng của Chúa.
Câu 3, 4: Anh Hai cho rằng "ngoài mình ra, không ai phán xét mình cả." Tôi tin rằng thiện & ác phải có Ðấng phán xét. Ðấng ấy là Ðấng Tạo Hóa toàn năng. Nếu mình tạo tội, rồi mình tự phán xét lấy mình thì làm sao mà công minh? Ví dụ như Hitler mà tự ngồi ghế chánh án để xử Hitler, anh có chịu không? Trên thực tế con người còn nhầm lẫn rất nhiều về thiện ác. Có nhiều điều ác con người đã làm, nhưng họ luôn luôn tự cho là thiện, có khi cả chục năm, trăm năm, ngàn năm sau, các thế hệ con cháu mới biết đó là ác.
Thiện ác tuyệt đối phải theo tiêu chuẩn của Ðấng Tối Thượng Toàn Năng và Công Bình. Mấy hôm trước đây tôi cũng nghe ông Pôn-Pốt tuyên bố rằng lương tâm ông ta không có gì ray rứt với cái chết của hàng triệu người Khờ-Me cả. Pôn Pốt là một người sinh ra trong giòng dõi Phật Giáo nên ông ta tự xét đoán lấy mình theo kiểu anh Hai. Vậy câu số 4 của anh "Không ai có quyền phán xét ngoại trừ chính mình ra. " Còn tôi tin rằng chỉ có Ðấng phán xét công minh tuyệt đối mới đúng nghĩa công bằng với tội ác và phước lành. Nếu không có Ðấng Phán xét công minh mà chỉ có loài người "tự mình phán xét mình" như anh Hai nói thì chắc chắn người thiện kẻ ác đều muốn binh vực mình. Kinh Thánh dạy chúng tôi rằng: "Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét." (hêbơrơ 9:27). "Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Ðức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Ðức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta." (Rôma 6:23". Và: "Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Chúa Jesus Christ; vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Ðức Chúa Jesus Christ buông tha tôi khỏi sự tội và sự chết. " (Roma8:1-2). Nghĩa là một người đã trở về ăn năn tội với Chúa thì được Người tha tội. Sau khi được Chúa tha tội, người đó còn nhận thêm năng lực phục sinh của Chúa để sống theo điều lành Chúa dạy. Nếu anh và các Phật tử cười vào niềm tin của chúng tôi như anh đã viết, chúng tôi vẫn hoan hỷ mà tin rằng Lời dạy của Chúa là chân lý. Khi một người được Chúa tha tội, người ấy dễ cảm thông, dễ tha thứ cho những người lân cận mình.
Câu 5: Anh Hai cho rằng trên đời có "một người nào đó luôn luôn làm lành". Ðây là một niềm tin rất khó tin. Kinh Thánh nói rằng mọi người đều đã phạm tội. Ðã là con người thì có sai lầm, ngu dại và thiếu sót. Kinh Thánh viết: "Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Người là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác. Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Người là kẻ nói dối, lời Người không ở trong chúng ta". (I. Giăng1:8-10). Ðây là một kinh nghiệm sống trong đức tin của người theo Chúa, chứ không phải chỉ là lý thuyết. Còn những kẻ từ chối sự công bình, yêu thương của Chúa thì đương nhiên họ có thái độ ngang tàng, không xem trời đất ra gì, làm sao họ sống đạo đức như anh Hai nghĩ được? Còn kẻ "tin Chúa mà suốt đời làm ác" thì sao gọi là tin Chúa? Lời lẽ của anh Hai đã chứng minh cái tính ngang ngược kiêu căng của một Phật tử như anh Hai. Tôi lấy làm tiếc.