* 8. Thư anh Hai viết: Trong thư anh, phảng phất cái sân si khi anh viết để chế nhạo một bài chú bên Phật Giáo. Nguyên văn của anh: Bất khả tư nghị hay bất khỉ tư ngạ
Kha kha gì cổng
hay không không gì cả
Khả khả gì công
hay khổng khổng gì ca. Ðó là lối nhại lại một bài thần chú bên Phật Giáo, chính điều nầy đã lộ cho tôi thấy cái bản chất của anh. Liệu tôi có còn viết cho anh nữa không?
Trước hết là anh Hai lộn một keo về kiến thức Phật học của anh, bởi vì câu bất khả tư nghị thường dùng trong Phật Giáo không phải là câu thần chú như anh Hai nghĩ. Ðó là một câu chữ Hán mà nhiều người dùng chứ không riêng gì Phật Giáo đâu. Câu ấy có nghĩa là khả năng suy nghĩ của chúng ta không thể thấu triệt đến chân lý được. Chỉ thế thôi. Nhưng ở đây tôi nói lái cho vui và cũng bao hàm một ý nghĩa là điều chi đã trở nên bất khả tư nghị thì dù có nói ra cũng như không nói ra. Do đó đã nói là bất khả tư nghị thì cũng giống như bất khỉ tư ngạ, hay bất khạ tư nghĩ. Nghĩa là không không gì cả trong bất khả tư nghị đồng nghĩa với kha kha gì cổng hay khổng khổng gì ca... Ðó mà. Tôi nói đùa với anh vài câu cho vui thôi mà! Thật lòng tôi không sân si gì cả. Nhiều khi viết nghiêm chỉnh quá không thể lột hết cái nghĩa tào lao phù phiếm, hư không của sự đời éo le đó anh Hai ạ. Nhóm từ bất khả tư nghị bị lạm dụng rất nhiều trong khi con người vãn tham lam tìm cách chứng minh những điều "cao siêu" mà họ chưa hề biết. Ðôi khi chúng ta trao đổi với nhau những chuyện vượt ra ngoài tầm suy nghĩ của chúng ta. Vì vậy tôi đùa một chút cho vui đó mà. Cẩn thận, và thân ái, từ tốn thì chúng ta dễ thông cảm nhau hơn. Tôi vẫn yêu quí anh Hai như tôi hằng nói. Nếu không yêu quí anh Hai, tôi viết làm chi cho dài dòng thế nầy?
Rứa thì anh Hai cứ tiếp tục viết cho tôi với nhé. Tôi cầu Chúa ban cho anh Hai tấm lòng mềm mại và thương tôi mà viết cho tôi. Mỗi chữ anh Hai viết ra đều có giá trị cao đối với tôi. Vì anh Hai bịnh, yếu, già mà thao thức với một người bạn trẻ tuổi hơn mình về những ý nghĩa thiêng liêng. Tôi vui lắm anh Hai ạ. Tôi tóm tắt ý của mình bằng mấy câu thơ con cóc như sau:
"Có sao nói vậy người ơi"
Thiệt tình mà vẫn khơi khơi như đùa.
Chữ quanh năm nghĩa bốn mùa.
Lời là ngôn ngữ thi đua hội hè
Kết thành vần điệu xum xuê
Chỉ vì tận ý lòng nghe nỗi lòng.
Thình lình lái xuống dòng sông
Ðể chìm lĩm cả đục trong bước đường.
Còn đâu mà luận chao tương?
Còn đâu đối diện vách tường chín năm?
Sát na nào thiếu hiểu lầm?
Muôn trùng tư nghị thậm thâm phương hà?
Anh Hai là một người ta.
Khác chi Huệ Nhật, cũng là người thôi.
Chúc nhau tròn trịa nụ cười.
Có chi chín bỏ làm mười với nhau.
Ta Bà thừa thãi niềm đau.
Anh em mình vẫn chia nhau nỗi niềm.
Lời nào lẽ thiếu túc nghiêm.
Tình anh em vẫn luôn niềm nở thương.
Anh Hai Bảo Lộc phi thường.
Viết dòng thơ ngộ chân thường bạc phai.
Một lần gặp gỡ anh Hai.
Mấy lần Huệ Nhật miệt mài quý yêu.
Dẫu cho hôm sớm xế chiều
Nhớ anh là nhớ những điều anh ghi
Chớ đâu phải nhớ chuyện gì
Khiến anh ngộ nhận lời ghi tạc lời
Chân thường mà tưởng chuyện chơi
Cũng vì lòng dạ con người mà ra.
Thôi thì gần một, hai xa
Gởi anh mấy chữ làm quà thiện tâm
Sát na nào trót tham sân
Lửa kia đủ đốt vạn rừng lưu ly*a
Huống hồ một kiếp sân si
Làm sao không đốt vô nghì tư lương?
Chỉ còn có một con đường
Về trong Thiên phụ khiêm nhường ăn năn
Bao nhiêu ngu dại lỗi lầm
Người tha thứ trọn cho tâm sạch ròng
Tình yêu vô lượng bên trong
Sẽ bừng tái hiện mênh mông với mình
Bước vào "Thiên lộ lịch trình"?
Là con đường sống Thiên Ðình đã ban
Xin đừng do dự nghi nan
Mỗi giây còn sống vô vàn quý yêu
Lời thơ không thể nói nhiều
Bằng lòng tin cậy dám liều phó trao?
*a. Phật Giáo nói: Nhất niệm sân tâm khởi năng thiêu thiên vạn công đức chi lâm.
Tôi xin lỗi anh Hai, vì vui mà tôi làm mất bớt cái nghiêm túc muốn có của mình.
*9. Thư anh Hai viết: Trong thư trước của tôi, tôi chỉ nêu ra cái nét lớn để anh tự chiêm nghiệm, tôi không muốn nói huỵch toẹt ra. Không phải tôi mong anh trở lại Phật Giáo. Anh viết: "Chúng ta có tự do để mời Người vào lòng mình, xin Người đóng đinh tội lỗi của chúng ta vào trong sự chết của Người trên thập tự giá; để chúng ta được tái sinh trong sức sống phục sinh của Người".
Chỗ nầy tôi chưa rõ ý anh Hai muốn nói gì. Nhưng tôi muốn bày tỏ ý nghĩ, mong ước và kinh nghiệm của tôi trong đức tin mà tôi được biết Chúa. Khi anh Hai trưng dẫn một câu của Paul Tillich bằng tiếng Anh, tôi cũng viết lại ý kiến của mình một cách sơ sài. Nếu có sai sót, xin anh bỏ qua. Tuy nhiên tôi chỉ trả lời cho anh Hai chứ không hề trả lời cho Paul Tillich. Vì tôi đang trao đổi với anh Hai. Tôi không biết một ông Paul Tillich nào cả.
Anh Hai không mong tôi trở lại Phật Giáo. Nhưng tôi rất mong anh Hai trở về với Thiên Chúa toàn năng đầy yêu thương và công bình. Vì tôi biết rằng đó là con đường hạnh phúc cho bất cứ ai muốn tìm sự giải thoát khỏi tội lỗi hay là nghiệp chướng. Nếu anh Hai biết chắc Phật Giáo là con đường tốt đẹp thì hẳn nhiên anh Hai đã tha thiết mong người ta đi theo.
*10. Trong I. Corinto 14:20 Thánh Phao-Lô viết: Hỡi anh em, về sự khôn sáng, chớ nên như trẻ con; nhưng về sự gian ác, thật hãy nên như trẻ con vậy. Còn về sự khôn sáng, hãy nên như kẻ thành nhơn.
Vì câu tôi trích dẫn trên mà anh Hai viết lại rằng: Trẻ con thích kẹo, ưa có quà cáp nên ưa ngã tay ra nhận gạo, thực phẩm để có sự khôn sáng. Vậy mà khi ban phát gạo và thực phẩm, họ nhân danh tình yêu cuả Chúa. Ban phát có điều kiện, không với cái tâm bình đẳng.
Anh Hai ơi, tôi nghĩ rằng chúng ta đang giúp nhau tìm hiểu những điều tốt đẹp của tôn giáo và niềm tin của nhau. Tôi đã tin rằng anh Hai là một người tốt, biết tôn trọng những cái tốt dù nó phát xuất từ bất cứ phía nào.
Trong giáo lý đạo Phật cũng dạy người ta như vậy, mà ở đây anh Hai là một người trí thức Phật Giáo. Vậy niềm tin và sự kính trọng của tôi đặt vào anh Hai cũng không thiếu cơ sở, phải không? Tôi xin phép dài dòng một chút với anh Hai để giải thích thêm về ý nghĩa của câu Kinh Thánh trong nói trên. Trước hết chúng ta phải công nhận rằng trẻ con cũng biết suy luận, biết lý lẽ, nhưng trình độ lý luận và nhận thức của trẻ con không già dặn, không chín chắn và dễ bị sai sót. Trong trẻ con cũng có những mầm móng gian ác di truyền từ trong tổ phụ, nhưng chưa biểu lộ hết ra ngoài. Tuy nhiên những gian ác của trẻ con không tinh vi, không già dặn, không độc địa như sự gian ác của người trưởng thành. Khi Thánh Phao Lô khuyên chúng ta như thế, có nghĩa là ông muốn chúng ta phải hiểu biết, phải khôn ngoan như những người trưởng thành, nhưng về sự gian ác thì không nên gian ác như người trưởng thành mà phải bắt chước như con trẻ. Vì con trẻ tuy có mầm móng gian ác, nhưng chúng bộc trực, ngây ngô, không độc địa, không thủ đoạn.
Tôi không nêu lên câu Kinh Thánh trên để nói đến sự ham thích kẹo của con nít. Tôi cũng không nói đến việc ai ban phát gạo và thực phẩm mà đòi hỏi điều kiện gì đó không bình đẳng như anh Hai nghĩ. Việc ban phát gạo của ai đó có dính dấp gì đến anh Hai và tôi đâu? Trên cuộc đời, người ta hay giúp nhau, và sự giúp đỡ giữa con người với nhau luôn luôn có những điều kiện, dù họ nhân danh gì cũng là quyền của họ. Có người nhân danh tôn giáo mà giúp như Phật Giáo, Tin Lành, Thiên Chúa Giáo... Có người nhân danh quốc gia như các nước giàu giúp nước nghèo. Cũng có người nhân danh các tổ chức từ thiện như Hội Phụ Nữ, Hội ái hữu Thừa Thiên chẳng hạn, và cũng có người nhân danh cá nhân mình như bác sỹ Alfred Jahn. Có những người yêu mến Chúa và nhân danh Chúa để giúp đỡ người nghèo. Vì họ vốn đã học theo lời dạy của Người mà làm công việc ấy. Chẳng lẽ như thế là không công bằng đối với anh Hai sao? Nếu người giúp đỡ đặt ra những điều kiện không phù hợp với người nhận thì người nhận có quyền từ chối cơ mà. Có thể có những người con cái Chúa không làm đúng Lời Người một cách tuyệt đối, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không học theo Lời Người. Tôi không còn đi theo con đường giải thoát trong giáo lý đạo Phật là vì tôi thấy rõ con đường giải thoát mà Chúa ban cho tôi cụ thể hơn những gì tôi đã học trong Phật Giáo. Cái cụ thể nhất là Người xóa những vết thương lầm lỗi trong tâm tôi, và Người ban cho tôi những đức tính tốt để tôi thực hiện một cách tự nhiên chứ không phải chỉ cố gắng hết sức mà vẫn bị thất bại. Ðiều nầy có sức mạnh thu hút tôi theo Chúa, chứ không phải là những lập luận hay ho, cao siêu trong các bài học lý thuyết của giáo lý. Khi tôi theo Chúa, tôi vẫn nhớ và biết những bài học giáo lý rất hay của Phật giáo. Kinh nghiệm tốt xấu riêng của tôi là như thế nầy: mình chỉ có thể làm được cái gì tốt thật khi mình có sự hiện diện của Ðức Thánh Linh, tức là Thiên Chúa Ngôi Ba trong đời sống của mình. Ðây là một kinh nghiệm siêu nhiên mà lại thực tế trong bất cứ ai đã gặp Chúa. Trong khi đó, vẫn có những người tín đồ theo đạo Chúa với truyền thống và thói quen trong gia đình, trong tổ chức tôn giáo mà không hề nhận được Linh Lực của Chúa. Khi nhận được sự mặc khải về năng lực Thánh Linh trong Thiên Chúa, tôi thấy mình không giống như xưa nữa. Tôi không nói bề ngoài, mà nói bề trong. Những điều nầy tôi không thể nói cho anh Hai hiểu được. Giống như một người đã ăn đường Thốt Nốt của Campucia, làm sao diễn tả được cái vị ngọt ấy cho một người khác khi họ chưa hề ăn, chưa hề thấy đường Thốt Nốt? Ðể đối chiếu về giáo lý cao siêu và sự thực chứng của con người trong các giáo lý ấy, tôi có một kinh nghiệm thực chứng nữa mà tôi nghĩ có thể kể cho anh Hai sau đây:
Vấn đề thờ hình tượng: Giáo lý Phật Giáo cũng dạy về sự vô tri vô giác của hình tượng. Cách họ dạy rất hấp dẫn như sau: trong câu chuyện giác ngộ công án thiền của một vị sa môn, khi bổn sư của vị ấy muốn dạy cho người giác ngộ về sự vô tri của hình tượng. Vị thầy đã dạy nhiều năm mà người học trò không thể nào giác ngộ được. Một ngày kia khi vị sa môn đã già yếu, ông muốn truyền cho học trò mình công án cuối cùng về hình tượng. Vị thầy phải sai học trò dời ngôi chùa vào trong miền núi giá lạnh. Ở đó không có cây cối mà chỉ có đá và tuyết. Vì quá lạnh, vị sa môn cần được sưởi ấm bằng lửa. Người đệ tử đã lấy tất cả những vật dụng bằng gỗ để đốt lửa cho thầy. Một hôm người đệ tử thưa với thầy rằng: "Bạch sư phụ, chúng ta không còn một cái gì bằng gỗ để đun lửa nữa. " Vị bổn sư bảo: "Còn chứ, tại con không chú tâm đến nơi đến chốn". Vị đệ tử lục lọi tìm mãi, tìm mãi trong hang động mà cũng không thấy vật dụng nào bằng gỗ cả. Cuối cùng vị đệ tử phải ngưỡng vọng tìm cầu vào chư Phật. Mỗi lần ngưỡng vọng tìm cầu chư Phật là người đệ tử hướng tâm mình về tượng Phật. Ngay khi vị đệ tử nhìn lên chánh điện mới nhận ra tượng Phật làm bằng gỗ. Vị đệ tử bèn thưa với thầy mình: "Bạch sư phụ, chỉ còn tượng Ðức Thế Tôn là bằng gỗ mà thôi". Vị sa môn kia mới đánh mạnh một cái làm cho đệ tử giật mình, và sa môn hỏi đệ tử rằng: "Tượng thì bằng gỗ, nhưng Thế Tôn có phải bằng gỗ không hả con?" Nhờ đó mà vị đệ tử giác ngộ và biết rằng tượng gỗ ấy cũng chỉ là dụng cụ vô tri mà lâu nay mình cúi lạy. Khi đã được khai ngộ về chân lý nầy, vị đệ tử đã lặng lẽ vào hang động, đến ngay chánh điện lấy tượng Thế Tôn đem ra chẻ vụn mà nhen lửa cho thầy mình sưởi ấm. Khi bậc sa môn thấy đệ tử đã hành động như vậy, người biết chắc rằng đệ tử mình đã giác ngộ chân lý siêu việt. Người đã an tâm truyền y pháp cho vị đệ tử trước khi viên tịch.
Câu chuyện trên đây tôi đã học. Ðó là một câu chuyện đầy ý nghĩa, và cách dạy cũng rất hay. Thế nhưng trên thực tế, người dạy lẫn người học vẫn tiếp tục thờ hình tượng, và họ cúi lạy các tượng ấy suốt đời. Thậm chí họ làm lễ đúc tượng, lễ tắm tượng (mộc dục), lễ an vị tượng, và tất cả các nghi lễ càng thiêng liêng họ lại càng cần đến tượng hoặc hình bằng giấy vẽ ra. Ðiều mỉa mai nhất là con người lấy sức lao động tạo ra hình tượng, sau đó họ làm lễ, làm phép "thiêng liêng hóa" cho hình tượng để thờ lạy nó.
Kinh Thánh cũng dạy rằng:
Hình tượng chúng nó bằng bạc bằng vàng,
Là công việc tay người ta làm ra.
Hình tượng có miệng mà không nói;
Có mắt mà chẳng thấy;
Có tai mà không nghe;
Có lỗ mũi mà chẳng ngửi;
Có tay, nhưng không rờ rẫm;
Có chơn, nào biết bước đi;
Cuống họng nó chẳng ra tiếng nào.
Phàm kẻ nào làm hình tượng, và nhờ cậy nơi nó,
Ðều giống như nó (Thi-Thiên 115:4-8)
Thế nhưng những tín đồ bên giáo hội Công Giáo La Mã cũng như Phật Giáo luôn luôn thờ lạy, cung kính các hình tượng vô tri một cách chí thành. Riêng tôi, hồi còn tu trong chùa, tôi cũng không làm sao ngộ được chân lý nầy, tôi chỉ hiểu bằng trí óc mà thôi. Lúc nào đi ngang qua chánh điện cũng rón rén kính cẩn trước những hình tượng vô tri vô giác ấy. Sau khi tin Chúa, tôi học Kinh Thánh; và những chỗ nầy tôi thấy mình hiểu được một cách dễ dàng. Không phải chỉ hiểu bằng trí mà thật sự mình thấy rằng Chúa là Ðấng vô hình, không thể nào lấy vật chất làm ra một vật tượng trưng cho Người được. Chúa Jesus cũng dạy rằng: Ðức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Người thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy". (Giăng 4:24).
Thưa anh Hai, Chữ Thần ở đây có nghĩa là vô hình, là thần tánh thiêng liêng; chứ không phải là Thần như chúng ta thường hiểu theo nghĩa thần tài, thần thổ địa, thần đất, thần núi, thần lửa như người Việt Nam đã tin hàng ngàn năm qua. Cho nên tôi thấy rằng con người có thể nói đúng, nói hay, nói hấp dẫn đầy cả lý thuyết và triết học cao siêu, nhưng chỉ để nói và viết ra thành sách cho người ta học; còn về thực hành thì họ vẫn sai từ thế hệ nầy qua thế hệ khác. Nhưng điểu gì Chúa đã mặc khải trong tôi, tôi biết rất chắc chắn. Bởi vậy kinh thánh dạy rằng "Ðức tin là sự biết chắc vững vàng những điều đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy" (Hê-bơ-rơ 11:1). Mỗi người được Ơn mặc khải của Chúa một cách khác nhau; nhiều hay ít tuỳ theo lòng khao khát của họ. Chúa biết những gì tốt nhất cho chúng ta để Người ban ra. Kinh Thánh dạy rằng:
Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Ðức Thánh Linh. Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Ðức Chúa trời, là Ðấng làm mọi việc trong mọi người. Ðức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung. Vả, người nầy nhờ Ðức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Ðức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức. Bởi một Ðức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Ðức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh; người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy. Mọi điều đó là công việc của đồng một Ðức Thánh Linh mà thôi, theo ý Người muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người. (I. Corinto 12:3-12)
*11. Thư anh viết: Bây giờ nếu tôi đưa ra bất cứ ý kiến nào, dù là của vị linh mục, dù là của vị mục sư, dù là học giả nào, anh cũng phản bác với lý do là họ chưa được Thiên Chúa mặc khải. Và mặc khải với không mặc khải khác nhau như thế nào. Như thế nào gọi là được mặc khải. Ngay như Paul Tillich cũng là vị muc sư bề trên mà anh cũng chê, trong khi anh là kẻ mới vào, anh viện lý do anh được mặc khải cho nên anh hơn tôi, hơn cả Paul Tillich.
Anh Hai ơi, sự mặc khải, hay sự khai tâm, hay sự khai ngộ, hay sự bày tỏ đều cùng một nghĩa. Nếu chúng ta tranh cãi nhau về ý nghĩa của công án thiền chẳng hạn, chúng ta chỉ làm sai thêm mà thôi. Xin anh hiểu cho rằng chúng ta không có gì để tranh luận cả. Chúng ta chỉ trao đổi cái gì chúng ta hiểu, cái gì chúng ta chưa hiểu; cái gì chúng ta tin, cái gì chúng ta không thể tin. Với một vài câu của ông ta do anh nêu lên, tôi không thể nhận xét về một ông mục sư Paul Tillich nào đó của mấy trăm năm trước. Ít ra cũng phải đọc hết quyển sách của ông ta, rồi tôi mới dám góp ý với anh. Vậy cho rằng Paul Tillich được mặc khải hay không mặc khải qua một câu do anh trích dẫn là không thực tế. Tôi không dám chê Paul Tillich. Nhưng tôi cũng không dám đồng ý với ông ta khi tôi chưa hiểu ý ông ta muốn nói gì trong quyển sách mà anh Hai đề cập. Còn sự được mặc khải, và sự không được mặc khải; nếu chúng ta nói nhiều quá theo kiểu nầy, có thể chúng ta lạm dụng từ ngữ nầy mất. Với anh, tôi chỉ tặng anh cái thí dụ của cục đường Thốt Nốt. Ðây cũng chỉ là một thí dụ mộc mạc đơn sơ mà thôi. Phần còn lại tôi chỉ biết cầu nguyện xin Ðấng Thiêng Liêng ban phúc lành cho anh cả thân thể cũng như tâm hồn.
*12. Thư anh viết: Ngay như Thánh Kinh có phải do Christ viết đâu, mà Thánh Kinh là tập hợp những nhận thức của các tông đồ, do vậy Thánh Kinh không logic được và họ đã làm buồn lòng Thiên Chúa, mà sau nầy Thánh Kinh đã đày đọa Gallilé, để lại một vết nhơ không tẩy xóa được, quá cường điệu.
Như vậy là anh chưa nghiên cứu kỹ về Kinh Thánh. Anh cũng chưa đọc kỹ về lịch sử Giáo Hội để thấy những sai lầm tang thương của Giáo Hội trong giai đoạn tối tăm nhất vì Giáo Hội đã xa rời Kinh Thánh như thế nào. Anh cũng chưa biết được sự hình thành Kinh Thánh ra sao cả. Anh chưa thật sự là một người tìm hiểu. Xin lỗi anh Hai. Những câu anh viết trên chứng minh rằng anh chưa đọc những quyển sách đáng đọc. Ngay cả biến cố nhà khoa học Galilé anh cũng chưa nắm vững.
Kinh Thánh là một quyển sách có nhiều độc giả nhất thế giới, có nhiều công trình nghiên cứu nhất thế giới, gồm cả những phía tin tưởng và những phía chống đối. Một người có đọc qua vài quyển sách phê bình, nhận xét về Kinh Thánh của một vài khuynh hướng khác nhau thì không đến nỗi bị rơi vào những nhận xét nông cạn như anh. Có lẽ anh Hai chưa gặp đúng những quyển sách đáng đọc về Kinh Thánh. Tiếc quá. Ở đây tôi chỉ xin tóm tắt một cách hết sức ngắn gọn. Mong sau nầy tôi gởi đến cho anh Hai những quyển sách viết về Kinh Thánh của các nhà thần học, các nhà khảo cổ, các học giả uyên thâm đã dấn thân tìm hiểu về Kinh Thánh. Chúng ta có quyền chống lại những nhận xét mà mình không đồng ý trong Kinh Thánh, về Kinh Thánh; nhưng nên làm việc đó một cách có phương pháp, có kiến thức, có bằng chứng, có lý luận. Anh khách quan cái gì khi cố ý tìm đọc những quyển sách rác rến chuyên nói xấu đạo Chúa mà thôi? Những người nặng biên kiến, ác kiến, và chỉ biết nhìn một chiều qua lăng kính chủ quan là những ngưòi tự chứng minh cho thiên hạ thấy sự sai lầm lớn của tôn giáo hay đạo lý mà họ đang theo.
Kinh Thánh gồm hai phần:
a/ Cựu Ước. ( Nghĩa là Giao Ước cũ) gồm 39 sách do nhiều đấng tiên tri được Thiên Chúa soi sáng để viết ra theo mệnh lệnh của Người. Trong số họ, tôi có thể ghi ra được một số người là Moses, Joshua, Samuel, Jeremiah, ezra, Nehemiah, Job, David, Solomon, Isaiah, Ezekiel, Daniel, Hosea, Joel, Amos, Obadiah, Jonah, Micah, Nahum, Habakkuk, Zephaniah, Haggai, Zechariah, Malachi. . .
b/ Tân Ước ( Nghĩa là Giao Ước mới) gồm 27 sách do các sứ đồ, môn đồ của Chúa Jesus ghi lại cũng trong sự soi sáng của Ðức Thánh Linh; chứ không phải do ý riêng của họ. Các vị trước giả của Tân Ước là Mathew, Mark, Luke, John, Paul, James, Peter, Jude.
Những sách Cựu Ước được viết hàng ngàn năm trước Công-Nguyên. Những trước giả có tên nêu trên là những người sống trong những thời đại cách nhau hàng ngàn năm. Họ có trình độ, nghề nghiệp, tuổi tác, quê quán và hoàn cảnh rất khác nhau. Những sách Tân Ước được ghi lại sau khi Chúa Jesus đã xuất hiện. Những người viết cũng có các trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau. Thậm chí có người hầu như đã không được đi học mà chỉ là những ngư phủ quê mùa, nhưng khi được Thánh Linh soi sáng họ vẫn viết lại chân lý diệu kỳ mà ngày nay hàng tỷ người đang học hỏi.
Kinh Thánh là quyển sách có nhiều đề tài: -- Sự sáng tạo vũ trụ, vạn vật và loài người do quyền năng -- Lời của Thượng Ðế. -- Sự phạm tội của loài người ngay từ những buổi đầu và tính "di truyền" hay "di căn" của tội lỗi từ tổ phụ loài người cho đến các dòng dõi hậu thế. Hậu quả của tội lỗi đời nầy và đời sau. Sự phán xét về tội lỗi đối với kẻ không chịu ăn năn hối cải.
- Kinh Thánh cũng ghi lại những vấn đề lịch sử của nhân loại, đặc biệt là tuyển dân Do Thái. Các lời tiên tri về các biến cố trần gian. Sự dẫn dắt của Chúa trên loài người, tiêu biểu là dân Do Thái. Chương trình và ý nghĩa tha tội của Thiên Chúa dành cho loài người qua luật pháp và nghi lễ trong Cựu Ước--Chương trình cứu chuộc loài người ra khỏi địa vị tội nhân mà Thiên Chúa đã ban ra trong Ân Ðiển và Sự Chết của Ðức Chúa Con. Kết quả cứu chuộc qua Ðức Tin mà con người đặt vào trong Cứu Chúa Jesus. Các vấn đề luân lý, đạo đức, luật nhân quả vũ trụ vạn vật và loài người dưới năng quyền của Thượng Ðế. v. v.
Kinh Thánh không phải là tập hợp những nhận thức của các tông đồ, do vậy Thánh Kinh không logic được như anh Hai hiểu nhầm. Và các tông đồ là những trước giả của Kinh Thánh cũng không làm buồn lòng Thiên Chúa như anh đã viết ở trên. Gallilé không làm gì mâu thuẫn với Kinh Thánh cả, mà đó là những tranh biện về các quan điểm khác nhau của những nhà khoa học có đức tin vào thời ấy. Ngày nay Giáo Hội đã thấy sai lầm của mình, và họ đã tuần tự sửa sai. Tôi nghĩ rằng cách sửa tốt nhất là ăn năn, tan vỡ và nhờ Linh Lực Chúa giúp sức để mình trở lại làm đúng với đức tin trong Lời Chúa. Tôi có thể nói Kinh Thánh là một bức di chúc của Cha Thiêng Liêng dành cho đàn con nhân loại, trong đó có mỗi cá nhân chúng ta. Khi một cá nhân nào không công nhận Ðấng Tạo Hóa là Cha Thiêng Liêng của mình thì Kinh Thánh đối với họ không có ý nghĩa gì cả. Cha Thiêng Liêng mà tôi muốn thưa với anh Hai là Ðức Chúa Trời Có Một Và Thật, thể hiện trong Ba Ngôi Ðức Chúa Cha - Ðức Chúa Con và Ðức Thánh Linh.
Ðây là một câu Kinh Thánh nói về Kinh Thánh: Cả Kinh Thánh đều là bởi Ðức Chúa trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Ðức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm việc lành. (II. Timothi:16-17)
Kinh Thánh là quyển sách gối đầu giường của rất nhiều nhà khoa học, triết học, các bậc thức giả xưa nay. Những Newton, Pascal, Von Braun... Rất nhiều nhà vua, nguyên thủ quốc gia, các nhà chính trị, văn hào cổ kim đã học và tin theo lời dạy trong Kinh Thánh. Nhiều nghiên cứu sâu sắc của những nhà đại tri thức về Kinh Thánh đều đã nêu lên những giá trị to lớn trong gia tài tri thức nhân loại. Bất cứ cá nhân nào đem lòng tin chân thật mà nhận lấy Lời Chúa trong Kinh Thánh, chắc chắn đời sống của cá nhân đó có một kết quả thú vị, nhiệm mầu và thực tế. Kinh Thánh là một sự mặc khải thành văn quan trọng nhất mà Thượng Ðến ban cho loài người. Tôi khuyên anh Hai đến các nhà thờ Tin Lành hỏi mượn các sách như Sợi Dây Lưu Truyền Kinh Thánh - Vì Sao Tôi Tin Kinh Thánh Là Lời Ðức Chúa Trời- Lịch sử Kinh Thánh Tân và Cựu Ước. v. v. Vì những gì tôi viết ra đây còn quá tóm tắt và rất thiếu sót.