* 2 Anh viết Khi tôi đề cập đến Thiên Chúa Giáo và Tin Lành đánh nhau. Anh không có được kinh nghiệm do Thiên Chúa mặc khải để rao truyền cho tôi. Anh lại cầu hòa bằng cách so sánh với vài cái hiện tượng bên Phật Giáo. Tôi cứ tưởng những tôn giáo thờ Chúa, luôn luôn có Chúa bên cạnh dẫn dắt, chứ tôi đâu có ngờ.
Một số sự kiện sai lầm trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo La Mã và cuộc chiến tranh của người Công Giáo La Mã với người Tin Lành mà anh nêu lên cho tôi; rồi tiếp theo sau đó, tôi cũng kể lại cho anh thấy thêm những gì mà tôi biết bên Phật Giáo; đó chỉ là một sự trao đổi, sự giúp nhau hiểu, giúp nhau nhìn một vấn đề nhân loại từ góc độ nầy qua góc độ khác chứ không phải là một sự cầu hòa. Tôi và anh có gì xích mích đâu mà phải cầu hòa? Anh đã hiểu sai về lịch sử, anh đã nhìn vào lịch sử tôn giáo bằng con mắt méo mó của một phật tử trí thức. Ðó là lý do tôi nêu lên một điểm tương tự như thế trong Phật Giáo để anh dễ so sánh.
Tôi không gây chiến với anh Hai, nên cũng không cần phải cầu hòa. Ý tôi muốn anh Hai hiểu rằng tội lỗi có mặt trong mỗi con người. Dù người đó là Thiên Chúa giáo, Tin lành hay Phật Giáo, hay Hồi Giáo, hay Cao Ðài, Hòa Hảo, Bà Hai... Vì tội lỗi của loài người, Thiên Chúa hiện thành Con Người để cứu con người ra khỏi tội lỗi. Nếu con người chỉ theo Người như cái kiểu theo lễ nghi tôn giáo bề ngoài thì cũng không thể nào thoát ra khỏi tội lỗi.
Giáo hoàng sai không có nghĩa là Thiên Chúa Giáo sai. Người Tin Lành và người Thiên Chúa Giáo bên Ái Nhĩ Lan đánh nhau không có nghĩa là Ðạo Chúa đánh nhau. Vì họ có những lý do khác ngoài giáo lý của họ như bảo vệ truyền thống, tinh thần độc lập, tính tự trị thuộc trần thế. Ví dụ như hai vị thiền sư đáng bậc thánh tổ như Thần Tú và Huệ Năng mà cũng tranh chấp quyền lợi, lý tưởng rồi sát phạt nhau cũng chưa đủ điều kiện để nói Phật Giáo sai. 99% người Campuchia là phật tử, nhưng họ tàn sát người Việt vì căm thù dân tộc, chứ không phải tại Phật Giáo Campuchia căm thù dân tộc Việt. Ngay cả Pôn-pốt giết hại dân tộc Campuchia cũng không có nghĩa là Phật giáo Campuchia giết nhau, phải không anh Hai? Ngày xưa tổ tiên chúng ta mở bờ cõi vào Nam, người Việt đã xóa sổ vương triều Chàm. Việc đó có ai đổ trách nhiệm cho tôn giáo nào của người Việt đâu! Chúng ta rất dễ thấy đế quốc phương tây xâm lăng mình, nhưng lại rất khó thấy tổ tiên mình xâm lăng và tiêu diệt văn minh Chàm. Vì vậy mà "người ta ác, chứ mình có ác đâu!". Sư kiện lịch sử Viẹt Nam như các nhà vua triều Nguyễn giết người tin Chúa bằng cách lăng trì, tùng xẻo, phanh thây... đều "không can dự" đến văn hóa, đạo đức Việt nam chăng? Chi có sự kiện các tổ chức tôn giáo phương tây tranh chấp nhau mới đáng cho mình chê trách chăng?
Khi tôi tin Chúa, trước hết là cá nhân tôi phải biết Chúa có thật hay không? Chúa đã làm gì cho tôi? Người thay đổi tâm tánh phàm phu tôi như thế nào? Người thánh hóa tôi từng bước như thế nào? Người ban sự bình an thánh khiết cho tôi như thế nào? Người chiến thắng sự gian ác và sự bại hoại trong bản thân tôi như thế nào. Tất cả những điều đó là bằng chứng cho tôi thấy rằng Chúa và Lời dạy trong Kinh Thánh là chân lý của sự sống. Những sai lầm của những người theo đạo Chúa trong lịch sử giáo hội vẫn là những sai lầm hằng ngày của nhân loại. Riêng tôi, tôi biết những sai lầm và thái độ của tôi khi tôi đang có Chúa, khác với những sai lầm và thái độ của tôi khi tôi chưa kinh nghiệm về ơn cứu chuộc của Người. Chúa vẫn soi sáng, vẫn dắt dẫn, vì sự hiểu biết của chúng ta chưa đầy đủ. Ðó là điều có thật. Nhưng một phần nhân loại không chấp nhận sự soi sáng và sự dắt dẫn của Người cũng là điều có thật. Khi lòng anh không tin vào sự dắt dẫn của Chúa thì lòng anh cũng không bao giờ thấy được Người. Có khi tâm trí anh thấy, nhưng vì đã không tin nên anh cũng từ chối đi. Trường hợp nầy Kinh Thánh dạy rằng: Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tánh của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, Vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viễn vông và tâm trí ngu si của họ hóa ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì thờ Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết. "(Roma 1:20-23).
Nhờ có đi tu trong Phật Giáo nên tôi mới hiểu thêm tính tốt và tính xấu trong con người. Môi trường giáo dục tốt thì giúp con người phát triển những tính tốt. Hoặc ngược lại. Nhưng cũng có trường hợp đặc biệt. Ví dụ môi trường giáo dục tốt mà sản sinh ra con người gian ác. Anh tưởng trong môi trường tu hành của các tôn giáo không sản xuất ra người gian ác được hay sao? Nếu thế, anh đã lầm to như hằng tỷ người. Khi một người tu hành mà còn gian ác, ông ta gian ác một cách tinh vi, xảo quyệt hơn người ngoài đời nữa. Sự thật khó nói vô cùng! Nhiều khi tôi nghĩ rằng cái ác nơi người vô học không độc hiểm bằng cái ác của một nhà tu, dù nhà tu phải học và hành điều thiện. Trong khi đó, những điều lành nơi nhà tu mang nhiều màu sắc được tô vẽ thêm triết lý, đạo lý và nghi lễ bề ngoài hơn là những điều lành chơn chất, vô tư của người bình dân thiếu học. Người bình dân tin kính ông thầy tu hơn là thầy tu kính trọng người bình dân.
Ông thầy tu trong Phật Giáo khó nhận thấy sai lầm của mình hơn một người dân thường, vì ông tự cho mình là "chúa tể của mình", mình ở vào bậc "thế gian sư". Mặc dầu ngày xưa tôi có ác cảm với đạo Chúa, nhưng sau khi được gần gũi những tu sĩ bên đạo Chúa như các linh mục, mục sư, tôi thấy họ ít có sự kiêu ngạo ngầm như các vị tu sỹ bên Phật Giáo. (Kinh nghiệm cá nhân tôi). Tôi tin rằng Chúa có quyền năng, nên kẻ lỗi lầm mà đối diện với Người là phải biết sợ. Ðã tròn 20 năm gần gũi những tu sĩ trong đạo Chúa, tôi thấy họ ít dám làm những việc ác, vì họ phải đối diện với Chúa trong đức tin một cách cụ thể hơn người theo đạo Phật. Dĩ nhiên là cũng có những tu sỹ bên đạo Chúa vấp những sai lầm thông thường nữa chứ. Khi tôi ở trong Phật Giáo, tôi không bao giờ thấy Phật có một năng quyền ngăn chận tội ác trong lòng người như Chúa đã làm trong lòng tôi. Tự con người theo Phật làm chủ lấy mình mà thôi. Mà con người làm chủ lấy mình thì có khi kinh khiếp lắm. Cũng vì thế nên khi đọc những câu Kinh Thánh sau đây là đức tin của tôi ký thác vào trong Chúa rất mãnh liệt: "Người Ethiopian có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được. " (Giêrêmi 13:23). và: Dầu bề ngoài có vẻ khôn ngoan, là bởi thờ lạy theo ý riêng, cách khiêm nhượng và khắc khổ thân thể mình; nhưng không ích gì để chống lại lòng dục của xác thịt". (Colose 2:23)
*3. Anh viết: "Tôi đọc cuốn Văn Sử Ðịa..., chương nói về đời sống tồi tệ dâm loạn của những vị Giáo Hoàng. Tôi càng lấy tâm đắc ấy để binh vực các vị ấy. Cái gì hợp với tự nhiên là vâng ý Chúa. Họ vâng ý Chúa thì làm sao mà trách".
Khi anh khoái trá với những điều mà anh cho là sai lầm nơi người khác là khi anh đang thiếu hụt lương tâm. Và trong một cuộc đối thoại, cách nói nầy không có ý nghĩa gây dựng. Tôi xin thưa với anh rằng dù giáo hoàng hay giáo dân cũng là con người. Do đó họ rất có thể phạm lỗi. Con người mang lấy bản chất tội lỗi nên mới hành động phạm tội. Không phải hành động phạm tội rồi mới có mầm móng tội lỗi. Có những người sống tốt, không có những hành vi phạm tội như thế, nhưng bản chất tội trong con người của họ vẫn đã có. Họ tốt là nhờ họ không gặp những hoàn cảnh thuận tiện để phạm tội, hoặc cái tốt đã thắng cái xấu ngay trong con người họ, chứ không phải vì họ vô tội. Cách mà anh Hai nhắc đi nhắc lại hoài về một đức giáo hoàng làm cho tôi thấy rằng anh Hai thích vạch lá tìm sâu hơn là cùng nhau học hỏi những điều hay. Anh Hai nên nhớ rằng lịch sử giáo hội Công Gíao La Mã đã ghi lại một đức giáo hòang phạm tội để cho anh Hai đọc. Nhưng hàng trăm vị tu hành cao cấp trong tôn giáo khác cũng phạm giới như thế mà tôi biết rất rõ thì không ai viết ra cho anh Hai đọc. Do đó anh Hai tưởng rằng nêu tên vị giáo hoàng phạm tội là tôi choáng váng lắm. Về mặt con người, tôi xem đức giáo hoàng và Ðại Lão Hòa Thượng đều là người như nhau cả. Và tôi cũng xem những tội lỗi ấy là con người chứ không phải Phật Giáo hay là Ðạo Chúa. Ðiều đáng nói là một bên công nhận lỗi lầm, một bên che giấu mãi mãi. Người ta chủ trương Tối khoe, xấu che hoặc Chớ vạch áo cho người xem lưng.
Ðông phương có câu: Dục vấn bất tri, trừ phi mạc tác. Dục vấn bất văn, trừ phi mạc thuyết. Ðã sai lầm thì không che giấu được. Bao lâu còn che giấu, bấy lâu còn sai lầm.
Sai lầm là chuyện tào lao
Thật, hư hai chuyện; chuyện nào đáng tôn?
Trăm năm giữa cõi lưu tồn
Thật, hư, dài, ngắn, vuông, tròn khác nhau!
*4. Trong trang 3 thư anh viết: Những người như Meister Eckhart, Nicolai Berdyaev, Paul Tillich đã ăn cơm Chúa mòn răng mà cũng lung lay niềm tin.
Tiếc thay tôi chưa đọc về họ nên tôi không có gì để nói thêm với anh Hai. Dù họ có rúng rính đức tin đến mấy thì tôi cũng không phải là họ, và họ cũng không phải là tất cả. Anh Hai chỉ biết chút ít về họ nhờ một vài quyển sách nào đó, anh nên tìm hiểu cho cặn kẽ thì tốt hơn. Khi tôi nói câu của Paul Tillich cũng chỉ là một logic như muôn vàn logic, tôi có xác định với anh Hai là tôi chưa đọc quyển sách của ông ta. Sự nhận xét của tôi chỉ qua loa lấy lệ và chỉ dựa trên một câu của ông ta do anh Hai viết ra mà thôi.
*5. Anh Hai viết: Nếu PCT không hành động như thế thì PCT đã trở nên thần tăng rồi. Vậy nhiều vị giáo hoàng khác đã không hành động như thế, tại sao anh Hai không gọi họ là "thần giáo hoàng"? Trong con mắt của Thượng Ðế thì giá trị người với người là bình đẳng như nhau. Người nhìn giá trị linh hồn của đức giáo hoàng và giá trị linh hồn người ăn xin đều quý như nhau. Khi cả hai linh hồn nầy đều trở về trong Chúa thi họ được Người tha tội, được Người đổi mới và được hưởng nước trời vĩnh cửu. Kinh Thánh chép: Ðức Jehova chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Ðức Jehova nhìn thấy trong lòng. (I. Samuel 16:7b).
Nếu áp dụng được Chánh thính, Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh Mạng, Chánh nghiệp, Chánh tinh tấn, Chánh định, Chánh niệm thì chắc chắn trọn đời anh Hai không thể nào gặp được một thần tăng. Vì sao? Tôi nghĩ là anh Hai thừa biết. Tôi biết nhiều vị tăng không hề làm cho con người ta mang bầu một cách oan nghiệt như đại đức PCT, nhưng họ cũng không phải là thần tăng như anh nói.
*6. Về cách viết của tôi: Có khi tôi cao hứng viết theo lối nói vè hay nói lối cho vui. Có những cái mình khó diễn tả bằng văn xuôi mà lại dễ tả bằng văn vần hay văn nói lối. Trong kinh Phật hay có những câu kệ, anh Hai không nhớ sao? Ví dụ như khi giảng Kinh Pháp Hoa, trong phẩm Kinh Quán Phổ Hiền Bồ Tát, về phần Sám Hối, Ðức Phật tuyên đọc bài kệ ngắn như sau:
Nếu ai muốn sám hối,
Mọi tội như sương, móc,
Ngồi thẳng, niệm thực tướng.
Mặt trời trí làm tan.
Vậy anh Hai thông cảm dùm tôi! Có những câu nói lối mới nghe thì rất dở, nhưng nhờ đó mà các câu kia được làm rõ nghĩa thêm. Làm sao chúng ta tìm ra cái ẩn ngữ trong văn nói lối mới là thú vị. Xin anh Hai đừng hiểu lầm rằng cứ mỗi câu nói lối là tôi muốn chỉ cho một hạng người nào đó. Không! Không phải vậy đâu. Mỗi con người chúng ta mang tất cả những tính tốt và xấu, cũng như không tốt, không xấu. Cũng có người mang một vài tính tốt nổi cộm hoặc trái lại có người mang tính xấu nổi cộm. Người nào cũng có những đức tính nhân loại cả anh Hai ạ.
Triết học Ðông Phương có ba khuynh hướng nhìn về bổn tánh ban sơ của con người: - Nhân chi sơ tánh bổn thiện - Nhân chi sơ tánh bổn ác - Nhân chi sơ tánh vô ký (không thiện, không ác). Theo Kinh Thánh mà tôi học được: Thượng Ðế dựng nên vạn vật và con người ban đầu không thiện không ác, không xấu không tốt. Tuy nhiên có một điều tôi chưa hiểu nổi là tại sao Satan hiện hình con rắn để dụ khị con người. Khi con người nghe theo nó mà ăn "trái cấm" thì lòng họ nhận ra Thiện và Ác. Vì thế, họ cảm thấy xấu hổ khi trần truồng. Chỗ nầy nếu phân tích theo triết học Phật Giáo thì sẽ thấy những ý nghĩa của đôi bên được gần gũi nhau, nhưng cách gì thì chúng ta cũng khó hiểu được một cách rốt ráo. Chúa Jesus nói: "Hiện nay ngươi chẳng biết sự ta làm; nhưng về sau sẽ biết. (Giăng 13:7) Người cũng phán: Sự đó loài người không làm được, nhưng Ðức Chúa Trời làm được, vì Ðức Chúa Trời làm mọi sự được cả. (Mác 10:27). Kinh Thánh Cựu Ước cũng ghi rằng: Những bí mật thuộc về Giê-Hô-Va Ðức Chúa Trời chúng ta; song những sự bày tỏ thuộc về chúng ta, và con cháu chúng ta đời đời, để chúng ta làm theo mọi lời của luật pháp nầy. (Phục Truyền 29:29). Vậy có nhiều điều chúng ta không hiểu hết ngay bây giờ là lẽ thường tình. Vạn vật mênh mông, chỉ có Ðấng Tạo Hóa mới hiểu hết. Chỉ tội nghiệp cho những người hiểu biết ít mà vẫn tưởng mình đã biết nhiều.
*7. Thư anh viết: Tôi là người tin Phật nên tôi tin cõi Ta bà nầy. Cõi nầy có những bản chất căn bản, không có chúng thì không thể gọi là cõi Ta Bà được mà là Thiên Ðường hay Ðịa Ðàng. Ở Bắc Cực mà chê là lạnh thì đâu phải Bắc Cực. Cho nên những điều xấu xa bên Phật Giáo mà anh nêu ra để mà xỉa xói thì cũng thế thôi. Cõi Ta Bà mà. Việc đó thường thôi. Mình hướng đến mặt trăng, chứ đâu phải hướng theo ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay có bị ghẻ, bị cùi, bị sức thì cũng thây kệ. Chức năng của nó là chỉ, nó làm tròn bổn phận của nó là tốt rồi. Ngón tay là của một con người, mà đã là con người thì "phàm phu ơi, rất đổi là phàm phu".
Tôi dựa theo những câu của anh mà đáp lại tuần tự như sau:
a/ Anh tin Phật, tôi biết. Lâu nay anh viết thư cho tôi, anh mong được trao đổi về những kinh nghiệm đức tin trong Chúa của tôi với niềm tin Phật Giáo của anh. Coi chừng anh bị cảm giác chủ quan làm lộn hướng đi mà chính anh đã vạch ra trong cuộc đối thoại nầy.
b/ Cõi Ta Bà là một tên gọi mà giáo lý đạo Phật đặt ra cho cái thế giới u-minh, tội lỗi, hư hoại của chúng ta. Tôi không hề phản đối anh khi anh gọi thế giới nầy là cõi Ta Bà. Còn bản chất của cõi Ta Bà, như anh muốn nói là tội lỗi, u minh, hư hoại cho nên cõi Ta Bà không thể gọi là Thiên Ðường hay Ðịa Ðàng; điều đó cũng là tuỳ anh hiểu và tuỳ anh muốn sử dụng từ ngữ của anh, tôi không ý kiến gì cả. Cõi Ta Bà mà anh nói đây là thế giới chúng ta đang sống ngày hôm nay. Thế giới nầy, theo Kinh Thánh cũng gọi là một thế giới đầy sự rủa sả vì loài người đã phạm tội; hoặc gọi tóm tắt là thế gian. Nhưng thế gian nầy vẫn được Thiên Chúa yêu thương nên Người đã xuất hiện và lập chương trình cứu độ (hay là cứu rỗi). Trong Kinh Thánh, Chúa Jesus cũng xác nhận Tình Yêu nầy rằng: Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. (Giăng 3:16). Ðề tài mà chúng ta trao đổi với nhau ở đây là niềm tin thiêng liêng và con đường chúng ta thoát khỏi tội lỗi, hoặc nói theo Phật Giáo là thoát khổ, tức là giải thoát ra khỏi cõi Ta Bà như anh gọi. Hoặc thoát khỏi cõi Thế Gian như người Cơ Ðốc gọi. Nhìn về mục đích thì chúng ta không có gì mâu thuẫn nhau lắm. Nhưng lý thuyết thì rất khác nhau.
c/ Anh cho rằng Ở Bắc Cực mà chê lạnh thì đâu gọi là Bắc Cực. Trong thư tôi viết cho anh có chỗ nào mà tôi hàm ý chê cõi Ta Bà của anh như chê Bắc cực lạnh không? Tôi không có ý đó. Chuyện Bắc Cực lạnh hay nóng, không ăn nhập gì đến đề tài Ðức Tin và Sự Mặc Khải mà tôi đang trình bày cho anh trong thư trước. Còn anh bảo rằng nếu chê lạnh thì sao gọi là Bắc cực. Tôi xin góp ý rằng: sở dĩ vùng cực bắc địa cầu được gọi là Bắc Cực vì nó ở vào cực bắc của trái đất chứ không phải vì hàn độ của nó. Nếu mai mốt trái đất này bị thay đổi, Bắc Cực nóng lên, thì nó cũng vẫn phải được gọi là Bắc Cực. Và như thế, trong điểm nầy, tôi cũng chẳng nêu lên cái gì xấu xa bên Phật Giáo để anh Hai phải mất công chống đỡ. Tôi tin Chúa không phải vì Phật Giáo xấu. Cái chính yếu là tôi muốn thoát ra khỏi những tội lỗi của mình. Khi ở trong Phật Giáo tôi không được thành công và cũng không thấy ai thành công. Nếu tôi chiến thắng tội lỗi của mình bằng chính phương pháp tu hành bên Phật Giáo, hoặc ít ra nếu tôi đã chứng kiến một vài vị nào đó thật sự chiến thắng tội lỗi trong giới thiền môn; chắc có lẽ bây giờ tôi vẫn chưa biết Chúa là gì cả. Vậy kinh nghiệm thất bại của tôi trong Phật Giáo vẫn là một điều ích lợi khiến tôi tiếp tục đi tìm chân lý và được gặp Chúa. Người ta nói Thất bại là mẹ đẻ của thành công cũng có lý lắm chứ! Anh đã nêu lên những sai sót của một vài giáo hoàng trong lịch sử giáo hội Công Giáo La Mã. Tôi nêu thêm những sai sót mà tôi biết trong giới Phật Giáo để cho anh thấy rằng lỗi lầm là chuyện rất thông thường của loài người, dù họ ở trong tôn giáo nào. Tôi không hề xói xỉa Phật Giáo trong khi nhắc tới các điều ấy. Anh Hai đã khai hỏa sự xoi xỉa cho đả đời rồi đổ lỗi cho tôi. Tôi biết anh Hai có bản tính một người trí thức Phật Giáo mà! Nếu anh Hai xoi xỉa Thiên Chúa Giáo kiểu đó thì cũng không ăn nhập gì đến tôi cả, vì đối với tôi, các giáo hoàng ấy không đại diện Chúa cho tôi đâu.
Những gì Chúa đã làm trong lòng tôi mới thật sự quan trọng cho đức tin của tôi, mới là chân lý xác tín để tôi bước theo Người từng bước một.
d/ Về ngón tay chỉ mặt trăng mà anh Hai đề cập cũng có cái gì chưa ổn. Ngón tay là gì? Theo tôi hiểu ngón tay là giáo lý đạo Phật. Ðức Phật đã ví dụ lời giảng của người như ngón tay chỉ mặt trăng, chứ không phải là mặt trăng. Nghĩa là Lời Phật dạy là phương tiện dẫn chúng ta vào chân lý, chứ lời người không phải là chân lý. Có phải thế không anh Hai? Vậy tại sao anh Hai tự nhận ngón tay ấy có ghẻ chốc cũng thây kệ, thế thì anh Hai muốn nói Giáo Lý Ðạo Phật có ghẻ chốc sao? Tôi không nói như thế đâu. Tôi nghĩ rằng giáo Lý đạo Phật rất hay và càng diễn tả càng thấy cái vẻ cao siêu, nhưng tiếc thay nó không giúp tôi đắc thắng tội lỗi, và cũng không cho tôi thấy ai là người thực hiện được trên cõi đời nầy. Tôi xin nhắc lại với anh Hai rằng tôi không đi tìm cái gì cao siêu tuyệt đối trong sách vở, nhưng tôi muốn tìm thấy cái chân thật mà các giáo lý ấy đem lại kết quả trên cuộc sống con người. Còn trên lý thuyết, giáo lý đạo Phật và nhiều tôn giáo khác vẫn có những cái hay. Cũng không phải bất cứ cái gì mình cho là hay đều đúng với chân lý cả. Ngược lại, cũng không phải tất cả những gì mình cho là dở, hay ghẻ chốc cùi hũi đều sai với chân lý cả. Vì như anh Hai nói: Ngón tay là của một con người mà con người thì phàm phu ơi rất đổi là phàm phu. Vâng chỗ nầy tôi đồng ý với anh Hai. Con người vốn phàm phu nên tự họ khó nhìn ra Chân Lý. Nhưng Chân Lý có năng quyền, sáng láng mới dắt người phàm phu vào Chân Lý. Anh Hai có muốn mình được Chân Lý dắt dẫn hay không? Kinh Thánh nói một người phàm dẫn người phàm thì giống như người mù dẫn người mù.