Ðể giúp anh Hai hiểu rõ hơn về Ðạo Chúa, tôi phải tuần tự giải thích từng điểm một căn cứ vào lá thư của anh:
*1. Anh Hai đã so sánh sự phạm giới của PCT với: "Chính Luther cũng đã không vượt qua được điều đó, nên đã tách mình ra khỏi T. C. giáo và thành lập Tin Lành." Ðiểm nầy chứng tỏ anh Hai đã hiểu sai sự việc một cách trầm trọng. Anh Hai nên nhớ rằng Luther ra khỏi giáo hội La Mã để được sống đúng với Kinh Thánh. Luther không phạm giới với một người đàn bà bất chính nào. Luther lập gia đình như Kinh Thánh đã cho phép. Kinh Thánh dạy rằng ai muốn sống độc thân thì cứ sống độc thân. Ai không thể sống độc thân thì thà lập gia đình còn hơn là để lửa dục hun đốt một cách bất chính. Người lập gia đình và người sống độc thân đều có giá trị như nhau trước mặt Thiên Chúa. Kinh Thánh cho biết rằng sự kết hợp hôn nhân một vợ một chồng tuyệt đối chung thuỷ là một sự kết hợp thiêng liêng. Ngoài sự kết hợp hôn nhân thiêng liêng ra, con người sống lang chạ, dâm bôn bất chính là có tội. Anh khuyên tôi phải đi xưng tội vì tôi đề cập đến sự tà dâm PCT, trong khi đó anh tự cho rằng anh lấy làm đắc ý về hành động của PCT! Nhận thức về đạo đức luân lý của một người trí thức Phật Giáo như anh Hai là rối loạn!
Tiện đây tôi cũng muốn chia xẻ cho anh Hai về sự xưng tội. Việc phạm tội là phải xưng nhận ra và ăn năn từ bỏ. Trong đạo Chúa, sự xưng tội rất quan trọng. Ví dụ: khi tôi có lỗi với anh Hai, tôi phải nhận biết mình có lỗi gì, và lý do nào tôi đã có lỗi. Tôi xin lỗi chân thành hay giả tạo thì có thể anh Hai không biết, nhưng Chúa biết. Chúa xem tâm thần ăn năn thống hối là một của lễ đẹp lòng Người (Thi Thiên 51:17) Khi ăn năn thống hối thật sự người ta mới dám xưng tội ra. Khi biết Chúa tha thứ thật sự người ta mới dám xưng ra những tội rất kinh khủng. Thái độ và ý nghĩa ăn năn xưng tội rất khác với nghi lễ sám hối trong Phật Giáo. Nghi thức sám hối tập thể trong Phật Giáo được thực hiện rập ràng, nhưng tội nhân không nhận biết mình ăn năn sám hối tội gì. Họ chỉ tụng những bài kinh có ý nghĩa rất tổng quát đã được học thuộc, hoặc đọc theo sách. Các buổi lễ sám hối trong chùa thường là định kỳ vào tối 14 và 30 Âm lịch. Ngoài những câu thần chú diệt tội mà người tín đồ đọc nhiều lần, còn thêm nhửng bài tụng về những tội rất là chung chung. Không ăn năn tội thì cũng không giải quyết được vấn đề tội lỗi đâu. Kẻ ác cũng là kẻ ngu dại, hắn không biết ăn năn mà còn nhạo báng những người trở lại ăn năn.
Giáo hội Công Giáo La Mã thực hiện lễ xưng tội với một người "đại diện" Chúa sau bức màn. Tuy rằng hình thức xưng tội nầy còn nặng nghi lễ tôn giáo, nhưng người tín hữu vẫn còn ý thức mình phạm tội gì, và tại sao phải xưng tội. Chúa không nhìn qua nghi lễ, nhưng Người nhìn vào tấm lòng ăn năn thống hối của chúng ta. Khi một người xưng tội, là muốn được Chúa tha thứ và muốn được chiến thắng tội lỗi. Bao nhiêu lần chân thành ăn năn thống hối đều được Chúa tha thứ và nâng đỡ. Nhiều người ngoại đạo hay nhạo báng sự xưng tội. Họ thường cho rằng người tin Chúa cứ làm tội rồi đi xưng tội là xong. Ðó là những ý nghĩ xét đoán thiếu thiện tâm và thiếu hiểu biết. Kinh Thánh dạy Vậy hãy xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho. (Gia-cơ 5: 16).
Anh Hai ạ, Kinh thánh cũng cho biết rằng tội lỗi con người có thể làm cho con người mất sức khỏe, bất an và sinh ra những hậu quả xấu. Người tin Chúa thật mà trót lỡ phạm tội thì lòng họ đau xót, bất an, buồn khổ. Ðó là trạng thái họ vừa bị lương tâm cắn rứt, bị Ðức Thánh Linh cáo trách tội lỗi đang trú ngụ trong họ. Có thể không ai thấy tội của họ, nhưng Chúa Thánh Linh thấy và cáo trách họ. Khi sinh hoạt trong hội thánh, ai chưa ăn năn, chưa từ bỏ tội lỗi thì lòng người ấy khó hân hoan hòa chung ca hát tôn vinh Thượng Ðế. Ðây là một thực tế năng quyền thánh khiết vô hình của Chúa hiện diện trong Hội Thánh Người. Ðây là quyền năng Tin Lành đối với tội lỗi, khác hẳn với bất cứ tôn giáo nào mà tôi đã biết. Còn những tín hữu nặng lòng theo giáo hội, và dựa vào phương tiện nghi lễ hơn là dựa vào Chúa thì rất khó mà nhận biết năng quyền siêu việt thánh khiết của Chúa. Nghi lễ bề ngoài tự nó có những tác động tâm lý nhất định. Nhưng Chúa luôn luôn nhìn lòng thành hơn là nghi lễ. Thần tính thiêng liêng của Chúa cảm động tấm lòng thành. Người con của Chúa nhận được kinh nghiệm về ơn tha thứ rất sâu xa. Khi ấy người được tha tội tìm lại sự bình an quí giá trong tâm hồn khiến cho họ không thể tái phạm dễ dàng như trước. Và đây là một trong những bằng chứng thiêng liêng về sự hiện diện của Chúa cho mình chiến thắng những thấp hèn của mình.
Anh Hai cho rằng Thượng Ðế là vô nghĩa. Ðọc những câu nầy, tôi cảm thấy anh Hai muốn làm cho tôi đau lòng. Thật ra tôi đau lòng vì bản chất của anh đã thể hiện quá lộ liễu trong câu văn của anh. Nhưng tôi vẫn tôn trọng anh Hai vì tôi tin anh Hai được Chúa dựng nên giống hình ảnh thiêng liêng của Người, y như Người đã dựng nên tôi. Những gì Người làm cho tôi, Người cũng muốn làm cho anh Hai khi anh Hai thật sự mong muốn. Tôi là một nhà sư tu hành thất bại, nhưng khi tin Chúa, tôi nhận được biết bao phước lành để sống hạnh phúc và đắc thắng tội lỗi. Vậy là tôi thắng được những tội lỗi thấp hèn trong bản thân mình nhờ Linh Lực siêu nhiên của Chúa. Không giống như trước đây mình đã cố gắng với sức riêng mà luôn luôn thất bại. Những người "trí thức Phật Giáo" ăn nói hồ đồ thật đáng thương, phải không anh Hai? Ðó là những bằng chứng tiêu cực trong Phật giáo khiến tôi dứt khoát rời bỏ đạo Phật và trở về với Chúa một cách mạnh mẽ.
Ðạo đức thiên nhiên của thế gian có tiêu chuẩn của thế gian. Ðạo đức siêu nhiên của Chúa có tiêu chuẩn của nước trời. Anh Hai nên nhớ rằng ngay trong thời đại văn minh hiện nay, các chuẩn mực đạo đức trong xã hội con người vẫn cứ mâu thuẫn với nhau.
Về kinh nghiệm tội lỗi của bản thân tôi, tôi thấy cái tội đơn giản nhất mà mình hay phạm đó là nói dối. Chúng ta rất dễ có thói quen nói dối, rất dễ bị cám dỗ nói dối trong nhiều trường hợp. Tôi là một người chú ý tới lời ăn tiếng nói của người khác để xem họ nói thật hay là họ nói dối. Có khi ông mục sư đứng trên tòa giảng tại một nhà thờ Tin lành mà nói dối ngay trong bài giảng của mình. Tôi đã gặp, dù rất ít. Và tôi biết nhiều ông mục sư trước và sau khi giảng đều cầu nguyện thiết tha xin quyền thiêng liêng của Thượng Ðế phủ che, sử dụng và dẫn điều mình nói vào trong chân thật nhằm gây dựng anh em. Ngược lại, những ông mục sư giảng dối, khoe khoang không bao giờ bền. Họ chỉ nói cho người chưa nhận Thánh Linh của Chúa nghe mà thôi. Còn những người có ơn Thánh Linh thường cảm nhận được những bài giảng đầy Ơn Chúa hoặc thiếu Ơn Chúa. Linh lực thiên thượng có hiệu năng là như thế. Nhưng các tôn giáo không thờ Chúa, họ không cần và cũng không tin vào năng lực thiêng liêng. Do đó sự giảng dối rất phổ biến. Tôi biết các nhà sư nói dối một cách chuyên nghiệp như thế nào trong các bài giảng của họ. Họ nói dối quen đến độ họ có thể nói dối với những phong cách "chân thành" hơn cả người nói thật. Thế mà trọn đời họ không hề ray rứt lương tâm.
Tôi có một kinh nghiệm mới lạ, nhưng nay đã thành quen thuộc kể từ sau khi Tin Chúa Jesus. Ðó là Thiên Chúa yêu thương chăn giữ cái lưỡi tôi trong rất nhiều lần ăn nói, dù việc quan trọng hay không quan trọng. Cho nên tôi biết tôi và cái lưỡi của tôi bây giờ rất khác với những ngày tôi còn làm tu sĩ. Ðây là một sự thật, một kinh nghiệm sống của đức tin; một bằng chứng sống động về sự hiện diện và năng quyền Thượng Ðế thánh khiết trong con người yếu hèn tầm thường quen gian ác tinh vi, ngu si cứng cỏi của tôi. Bằng chứng nầy cũng là bằng chứng của Chúa Jesus Christ là Cứu Chúa của linh hồn tôi. Bởi vậy tôi nghĩ mà thương cho những người chưa biết Chúa như anh Hai.
Bây giờ tôi nhắc đến việc "Cải đạo". Nếu tôi đã thành công trong ý nguyện tự thiêu "bảo vệ Chánh Pháp" năm 1963 tại Saigon, Nha Trang, hay Huế, thì nay còn đâu mà "cải đạo"? Nếu thế thì tôi đã bị hiểu lầm vĩnh viễn, và tôi không bao giờ có cơ hội biết Thượng Ðế; cũng không biết Alfred Jahn, không biết anh Hai luôn. Tại sao tôi tự thiêu? Lý do ngoại cảnh và nội tâm là gì? Ai đã hiểu, ai chưa? Tại sao tôi còn sống? Lý do nội thức và ngoại quan khiến tôi được sống, bị sống và còn sống nhăn răng cho đến ngày nay là gì? Ai có thể nói lên một cách chân thật, khách quan, đầy đủ hơn những câu ngắn ngũi trong một vài trang sách Lịch Sử Phật Giáo Ðấu Tranh? Cá nhân tôi chẳng có gì đáng nói, nhưng điều quí giá vô song là hiện nay tôi không ngồi trên bàn thờ thánh tử đạo, nhưng tôi còn sống để học biết thêm các ý nghĩa ấy một cách thú vị lạ lùng. Vì những nhận biết nầy, tôi không tự xem mình là kẻ cải đạo.
Tôi sung sướng và yên tâm nói rằng tôi là kẻ tìm gặp Chân Lý, hoặc nói đúng hơn là tôi được Chân Lý cứu vớt ra khỏi cuộc sống trần gian thất bại ê chề của tôi. Người đến trong tôi lúc tôi đang mò mẫm đơn sơ khờ khạo đọc những trang Kinh Thánh. Người đến trong tôi khi tôi tuyệt vọng đến mức muốn tự sát. Khi chưa tự sát thì tôi sống bất mãn, phóng dật, láo khoét, kiêu ngạo, khoe khoang tự phụ mà chẳng biết hỗ thẹn mấy với lương tâm mình. Trọn nửa đời người, tôi được đối diện với những bậc "minh sư" mà nhìn xa rất giống thánh, lại gần rất giống tôi; nhưng họ không bao giờ công nhận cái sự kiện rất giống nhau ấy cho tôi thấy mình bớt cô đơn hiu quạnh. Cho nên khi tôi ở trong hàng ngũ "thánh" như họ, tôi cô đơn đã đành, đến khi tôi làm người phàm y như họ tôi cũng rất cô đơn vì tôi không thể nói nhỏ "chuyện chúng mình" cho ai biết cả. Trong thế giới ấy, xưng tội là một điều trái đạo, mà tâm sự là mạo hiểm, dễ bị rơi vào một rủi ro chôn vùi sự nghiệp tu hành, hoặc ít ra cũng bị lọt vào thâm cung bí sử không cho cái lưỡi nói ra. Vì giới luật, giáo uy đã dạy: Cấm nói cho ai nghe, kể cả cha mẹ minh! Ðó là một trong những giới cấm rất nghiêm, nếu ai không giữ được thì sẽ bị đọa vào vô gián địa ngục, đọa liên tục không ngơi nghỉ. Làm một người tu sĩ đầu tròn áo vuông, được mọi người kính trọng rất mực; được nhiều người tin tưởng và kính yêu. Thế mà tôi thấy mình cô đơn quá. Chỉ vì tôi không bao giờ được phép nói ra hay tỏ bày một cái gì đó rất thật, rất tầm thường của mình.
Tôi dám nói thẳng rằng người tu sĩ là người sống giả hình, có thói quen giả hình điêu luyện nhất. Vì nhu cầu bảo vệ "uy tín thiêng liêng" của họ; vì cái địa vị đứng đầu làm gương đạo đức của họ, nên nếu cần phải làm bậy để giữ uy tín, họ "phải" làm. Tu sĩ của các tôn giáo mà tôi biết đều cùng có cái bịnh giả hình nầy. Khác nhau là số lượng và phẩm chất của bịnh giả hình mà thôi. Khi còn bé, tôi không biết điều đó, nhưng khi trưởng thành tôi mới biết được. Khi ấy mình đã là một "bậc thầy tu" rồi. Tôi không bao giờ hối hận là mình đã đi tu. Nhờ từng trải đi tu, tôi mới biết được rằng con người không thể nào tu đúng nghĩa như đạo lý của họ thường cao rao. Nếu không từng làm một tu sĩ, tôi vẫn luôn luôn tin tưởng rằng người tu sĩ là người có cuộc sống thiêng liêng, thật thà như lời họ giảng, như bề ngoài họ tỏ ra. Tôi cám ơn những ngày đi tu, vì nhờ đó mà tôi đã nhận ra sự thật. Cũng như nhiều người, tôi thèm một cuộc sống tốt đẹp. Ðiều tốt đẹp mà tôi thèm ở đây không quá cao xa ngoài khả năng và điều kiện của con người. Sự tốt đẹp lý tưởng ấy là sự bắt đầu được sống thành thật trong mỗi cá nhân mà không cần phải bày vẽ ra quá nhiều nghi lễ và giáo lý cao siêu. Vì các nghi lễ tôn giáo có khả năng đánh lừa niềm tin quần chúng rất sâu sắc. Tôi cũng từng suy nghĩ câu chuyện và ý nghĩa của mũi tên trong Kinh Bách Dụ. Ðiều nầy anh có nhắc lại trong lá thư tôi đang để trên bàn: Trước hết là hãy rút mũi tên tẩm thuốc độc ra để khỏi bị chết trước đã, nhiên hậu mới đi tìm kẻ bắn tên. Vâng, phải rút mũi tên độc ra trước. Nhưng cái nghĩa thật của mũi tên độc mà anh và tôi muốn nói đây là gì? Có phải là nghiệp theo anh gọi? À đúng rồi, cái nghiệp sinh ra cái khổ. Cái khổ trước mắt là cái mũi tên. Và muốn thoát khổ thì phải học theo giáo lý Tứ Diệu Ðế:
Khổ Ðế: Nhận diện cái chân lý khổ cho trọn vẹn.
Tập Ðế: Tìm hiểu tất cả nguyên nhân của khổ.
Diệt Ðế: Chân lý tiêu diệt khổ (Có vô lượng pháp môn tu).
Ðạo Ðế: Kết quả sau khi đã diệt khổ. (giải thoát).
Nhưng nếu theo trình tự của giáo lý Tứ Diệu Ðế thì việc rút mũi tên trong kinh Bách Dụ là đã mâu thuẫn. Vì Vì kinh Bách Dụ dạy rằng phải rút mũi tên ra trước (diệt khổ), nhưng Tứ Diệu Ðế dạy nhận diện chân lý khổ đau một cách trọn vẹn, rồi đến bước thứ hai là phải tìm hiểu tất cả những nguyên nhân của đau khổ (Tập Ðế); đến bước thứ ba mới diệt khổ (Diệt Ðế). Càng suy nghĩ về mũi tên càng thấy sai. Vì nghiệp hay tội lỗi thì từ bên trong bản chất tội lỗi mà ra. Còn mũi tên thì từ ngoài bắn vào trong thân thể. Anh Hai rút mũi tên ra được, nhưng chất độc trong mũi tên đã thấm vào máu thì anh Hai làm sao? Vấn đề là chất độc chứ không phải mũi tên. Anh Hai nên nhớ rằng đây là bài giảng đầu tiên của Ðức Phật ngay sau khi người thành đạo. Giáo lý Tứ Diệu Ðế nầy đòi hỏi một trình tự thực hành từ một đến bốn. Cho nên tôi muốn nói rằng ngay cái thí dụ rút mũi tên trong Phật Giáo đã gây mâu thuẫn với giáo lý Ðạo Phật của anh. Chỉ vì anh tin vào thí dụ ấy, chỉ vì anh tin vào các giáo lý ấy nên anh binh vực, thật ra anh chưa thực hành gì cả. Nếu anh có thực hành thì anh đã biết mình thất bại rồi. Ví dụ anh tin kiếp nầy tu chưa thành thì còn hằng tỷ kiếp sau nữa. Hoặc tin rằng pháp môn nầy tu không thành thì còn vô lượng pháp môn khác.
Tôi đã đi tu nên không thể tin như thế được. Vì tôi biết tất cả giới luật của thầy tu đều bị phạm hết. Vậy thì tu cái gì? Chỉ có mặc áo và tỏ ra đạo mạo đàng hoàng là đủ sao? Tôi nghĩ rằng người tu sĩ dễ vào địa ngục hơn người tín đồ bình thường. Tôi biết nhiều về người tu hành hơn anh. Nhưng tôi xin kể một chuyện tiêu biểu nhất như thế nầy. Một ngài tu sĩ nọ, có bằng cấp cao, có địa vị cao, có phẩm trật cao, có uy thế cao, có uy tín cao... cho nên có nhiều hoàn cảnh và phương tiện để sống như một người tầm thường mà không mấy ai hay biết. Sống như thế là cũng na ná như các bậc tu cao khác mà thôi. Nhưng vị tu sĩ nầy có bằng cấp, có uy tín, có hiểu biết, nên "ngài" đã viết nhiều sách giáo lý và sách thiền. Sách "ngài" viết rất hay và được nhiều người đọc. Nhiều trăm năm sau người ta sẽ còn đọc sách ấy và người ta tin chắc bẩm rằng vị tu sĩ nầy đã thành đạo rồi. Thế nhưng mấy ai biết những tội lỗi do cá nhân vị tu sỹ ấy gây ra trên các cô con gái nhẹ dạ, trên những đứa trẻ mồ côi, trong khi cha nó là một người tu sỹ "đạo đức" thông minh lãnh đạo một tôn giaó! Những ông tu sỹ ấy phải trở về ăn năn với Chúa mới mong thay đổi đưọc bản chất lừa dối tâm linh của chính mình và nhiều người khác!
Tôi rất sợ chiếc áo trở thành một cái hàng rào tâm lý về đạo đức và vô đạo, giam giữ tôi trong những nhà tù giáo lý và chữ nghĩa; trong khi tôi muốn sống như mọi người mà không được sống như mọi người một cách công khai. Hồi đó tôi cũng đã từng cảm phục ông Jean Paul Sartre về cái ý nghĩa Tự Do trong triết lý Hiện Sinh của ông ta. Còn tôn giáo thì mệnh danh là tìm chân lý, nhưng chính tôn giáo đã tiêu diệt chân lý ngay trong bản thân của nó. Có nhiều vị tu sĩ sống đơn giản hồn hậu. Họ ít thắc mắc, không đòi hỏi, ít giảng giải những điều cao siêu. Những đức tính quí ấy lại không do giáo lý cao siêu hay giới luật mang đến, nhưng do cái tư chất con người bẩm sinh trong họ. Nếu họ không đi tu, đức tính thật thà vẫn ở trong họ. Nhưng vì họ đã đi tu nên tính thật thà ấy bị giảm sút do thói quen giả hình của người tu sỹ. May thay hiện có một người chịu chơi nhất mực hồng trần. Người chịu chơi ấy đã bày tỏ cái cao siêu trong một cuộc sống thật là trẻ con, từ khi mới trưởng thành cho đến khi người ấy đã già hơn 70 tuổi. Và sống thật nghĩa là sống giống như một người điên đảo tầm phào giữa tam bành lục tặc. người ấy rất tôn trọng tình yêu và con nít, nhưng khi anh thấy người, anh luôn luôn tưởng:
Bốn mùa chàng cứ đảo điên.
Mấy ai biết được chàng ghiền tốc-kê.
Bảy mươi tuổi cổ lai hy.
Còn vui như một hài nhi nhìn đời.
(Anh Bùi Giáng đó mà)
Tôi trở lại chuyện riêng của tôi mà tôi muốn anh Hai hiểu dùm cho. Ðó là con người ngổ ngáo, hư hỏng, thất bại, vừa thánh vừa phàm, vừa đáng thương, vừa đáng rủa của tôi lúc đó là vào khoảng 1975. Tôi nghĩ rằng chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt, tôi có cơ hội huy hoàng nhất để học tập, đóng góp vào công trình xây dựng một nước Việt Nam sau chiến tranh đau khổ lâu dài. Ðây là một đại nghĩa. Tôi tự nghĩ mình được may mắn còn sống sót nguyên vẹn không thù oán bên nào quá đỗi, chưa phục vụ cho bên nào quá đáng. Tôi tự xét rằng "mình may mắn còn sống sót để được phục vụ quê nhà". Lúc ấy ai rủ tôi vượt biên, tôi cũng không đi. Tôi muốn hiểu những bài học Cách Mạng giải phóng dân tộc và ước mong làm việc để xây dựng đất nước. Tôi tiếp đón, chia xẻ với bạn bè còn sống sót từ trong bưng biền, tù tội ra. Tôi đi lượm súng vứt vãi ngoài đường để tránh tai nạn đáng tiếc trong ngày hòa bình. Tôi tổ chức và vận động sinh viên ăn cơm nhà, làm việc nước bằng cách đó. Tôi không căm thù chế độ cũ, dù tôi có chê họ nhiều thứ. Tôi lại cảm thông lòng căm thù của những người đã bị chế độ cũ giết hại hoặc bỏ tù, tra tấn. Trái tim mà tôi bỏ chùa đi phiêu bạt, nay đem về trao cho một bậc thầy mới: Cách Mạng Hồ Chí Minh. Nhưng tôi chỉ được tin dùng trong ba tháng đầu kể từ 30/4/1975 đến 27/7/1975 là tôi bị bắt. Tôi suýt bị bắn vì bị kết tội CIA. Tôi không sợ chết, nhưng chết tức tưởi, phi lý, và bị hiểu lầm cay nghiệt như thế thì đáng tiếc quá. Nhất là đau đớn cho gia đình ruột thịt tôi. Tôi tự cho mình đã có trớn theo cách mạng kiểu 30/4 thì tại sao không tiếp tục tin cách mạng sáng suốt để mình còn hy vọng sống và hy vọng cùng họ xây dựng quê nhà? Gẫm rằng hiểu lầm trong chính trị là thường tình. Mình phải bình tâm để làm sáng tỏ. Tôi lợi dụng những ngày tù oan để quan sát và học tập những điều mà mình chưa học đủ. Tôi học cách làm việc của công an và học những đau thương, những suy nghĩ của những tù nhân cộng sản thuộc chế độ cũ. Nào là những ông tướng tá, luật sư, bác sỹ, văn thi sỹ, nghệ sỹ, nhà báo, công chức cấp cao cấp thấp. cảnh sát các hạng, giáo sư đại học, dân biểu nghị sỹ, cha cố, đại đức tuyên uý quân đội, có kẻ cướp của giết người, Có kẻ "tàn dư Mỹ Nguỵ", kẻ tu hành chân thật, kẻ lật đật quay lưng, kẻ lưng chừng cách mạng như... tôi.
Sau hơn hai năm bị tù, tôi được thả về nhưng không được ở trong nhà mình. Tôi bị bắt buộc phải đi kinh tế mới hoặc là phải về quê. Chán quá, tôi sa đà vào rượu. Tôi trải qua những ngày dưới nắng chang chang lêu lổng ngoài đường giống như anh Bùi Giáng. Nhưng vì không phải Bùi Giáng nên tôi sợ bị bắt trở lại. Thế là tôi tự thu xếp lập gia đình. Hy vọng làm lại cuộc đời. Nhưng tôi gặp một người vợ rất đặc biệt.
Tôi trở lại tu thiền với một bạn thiền rất lỗi lạc: Trần Văn Phú. Rồi chính tôi bị thiền giả nầy lường gạt một vố rất đau, khoảng bốn năm cây vàng vào lúc ấy. Không phải vàng của tôi, nhưng của những người bạn thân, vì họ yêu thương tôi mà phải chui đầu vào tròng thiền lường gạt. Trong hoàn cảnh đó, vợ tôi sinh một đứa con trai. Tôi thất nghiệp. Nhưng nếu có công ăn việc làm cũng không thể đi làm, vì mới ở tù ra, không giấy tờ, không hộ khẩu. Tôi cho con bú, vợ tôi đi làm cán bộ cách mạng. Hằng ngày tôi nghĩ rằng:
Năm nay mắc ớt rẻ cà.
Chồng cho con bú, vợ ra trường đời.
Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, tôi đã có dịp đọc Kinh Thánh theo như lời Bùi Giáng khuyên. Những lời Chúa dạy trong Kinh Thánh lúc đó thật đáng quan tâm đối với tôi. Lúc đầu tôi cũng có ý sợ mình phản lại Phật Giáo. Tôi tự hỏi có phải mình tin Chúa thật không? Mặc dù chưa có thiện cảm với đạo Chúa, nhưng những lời dạy rất hay và mới mẻ trong Kinh Thánh vẫn có sức thu hút tôi. Tôi mò mẫm làm theo như một sự tìm tòi thử thách xem coi có Chúa thật hay không(?) Quả thật những hiểu biết trong Phật Học đã giúp tôi hiểu Kinh Thánh và so sánh giữa hai ông: Phật và Chúa.
Tôi lẩm nhẩm bắt chước những lời cầu nguyện trong kinh Thánh. Tôi nghe mình có cái gì hy vọng đợi chờ, thử thách và thử nghiệm một bước tâm linh vừa đắn đo, vừa hồi hộp vừa tự trác nghiệm lòng tin của mình. Và khi ấy những buổi mai buổi chiều vẫn xuất hiện. Lời cầu xin của tôi được thành sự thật (Xin tạm chưa viết ra đây vì quá nhiều và cần phải ghi rất cẩn thận trong một quyển sách khác). Tôi nghĩ là Chúa có thật dù lúc đó tôi không đi nhà thờ nào cả. Tôi cảm thấy lòng mình vui ra. Có một niềm tin nhen nhúm trong tâm hồn để xóa dần nỗi tuyệt vọng của mình. Tôi trở thành một người có hạnh phúc trên chiếc xe xích lô mà tôi đã cầu xin Chúa cho một chiếc xe xích lô. Mỗi lần cầu xin một cái gì với Chúa, tôi cứ đặt vấn đề: "nếu Ngài linh thật" thì. . . Nếu những gì tôi cầu nguyện mà không được đáp lại, chắc chắn tôi không thể tin Chúa như Kinh Thánh dạy, và tôi cũng không cần bận tâm đến Chúa làm gì. Còn những gì mà Chúa nghe tôi, và nghe tôi nhiều lần đến nổi tôi không thể chối cãi được thì tôi phải tin và vui mừng. Ai là người không thành thật vui mừng khi nhận lấy chân lý thiêng liêng đang dần dà xuất hiện trong lòng mình sau bao nhiêu năm đã trả giá kiếm tìm, mong chờ, nghi hoặc? Vậy là từng bước tôi khám phá sự hiện diện vô hình của Chúa trong tôi và thấy Người thay đổi hành vi cà khịa của tôi một cách nhẹ nhàng từng bước một:
Ví dụ tôi hút thuốc rất nhiều, nhưng cầu nguyện bỏ là bỏ được liền. 17 năm tròn không một lần vấp lại. Rượu bia cũng thế. Anh Hai nên biết rằng người thất vọng lấy rượu giải sầu. Tôi mạo hiểm cả với thuốc phiện nữa. Nhưng may thay chưa bị nghiện. Thế mà đã có một mãnh lực vô hình xóa bỏ sự bê tha rượu xỉn trong tôi. Lời nói gian ác bất mãn trong miệng cũng mất dần. Sự chán nản tuyệt vọng giảm nhanh. Khi có chiếc xích lô để kiếm sống, tôi thèm nói về sự mầu nhiệm của Chúa Jesus cho khách nghe. Tôi nhận thấy hạnh phúc hôm nay thật là đơn giản và thực tế. Hạnh phúc đời đời nằm trong tay Chúa. Lòng mình dễ chấp nhận người khác hơn. Dễ tha thứ. Sự oán ghét khinh khi chế độ bạc đãi mình cũng biến mất. Mình nhận thức rằng Chúa cho họ quyền cai trị mình và dân tộc mình theo như Kinh Thánh dạy. Tôi bắt đầu chịu đựng nổi một người vợ ngang ngạnh lạ thường mà còn giảng đạo cho bà ta tin Chúa với tôi. Vợ tôi là một chiến sĩ cách mạng rất dấn thân, là một công an chìm có hạng!
Còn tôi vẫn được Chúa thăm viếng trong lòng. Người khiến cho mình nhận diện ra chính mình một cách lạ lùng. Tôi nói ra ít ai tin nổi, trừ những người đã tin Chúa như tôi. Tôi thấy mình là một người xấu, một kẻ có tội với Trời. Những thói hư tật xấu như thói chơi bời, lai rai dục lạc trà dư tửu hậu tự nhiên không còn thích hợp với mình nữa. Tôi học được ý nghĩa vợ chồng trong Kinh Thánh. Những lời nói sai, nói dối, nói hành, nói ba hoa triết lý cũng được xóa tan dần trong con người mình qua những cảm nghiệm ăn năn với Chúa. Tâm hồn mình được soi sáng để thấy những tội lỗi của mình rồi tự xưng tội với Chúa và từ bỏ. Chúa với tôi như hai người tâm sự trong nhau để cùng đến chốn tin kính vững vàng hơn ngay trong bản tính yếu hèn của mình. Thế là tôi la to lên: Còn gì nữa mà lo sợ? Nếu Ðức Phật thấy mình tin Chúa với những kết quả phước hạnh như thế nầy thì chắc chắn người cũng vui mừng với mình. Giả thử như Phật hay thầy, bạn, bà con mình không vui với những sự lành như thế, thì mình vẫn vui và hạnh phúc. Tại sao mình đang được hạnh phúc, đang được thánh hóa để trở nên thật thà, tốt đẹp từ bên trong mà còn phải sợ Phật trách, sợ thầy bạn cười? Ồ đó là bao nhiêu điều vừa tự thắc mắc, vừa tự giải đáp trong tôi. Bao nhiêu chi tiết sững sờ còn đó mà tôi chưa kịp ghi ra đây cho anh Hai. Như thế tôi có thấy mình "cải đạo" gì đâu. Tôi chỉ tìm biết chân lý, và chân lý ngự trong tôi đang có thực hữu năng quyền. Chân lý và sự sống thật là thật, mà giả là giả ngay ngày hôm nay chứ không phải đợi chờ tới hằng tỷ kiếp sau mới giải đáp được.
Theo tôi hiểu thì cải đạo là bỏ tôn giáo nầy sang tôn giáo khác. Nhưng Phật Giáo không phải là một tôn giáo (Tôi có học và đã hiểu như thế). Phật giáo không tự xem mình là một tôn giáo, triết học, hay tín ngưỡng. Nhưng Phật Gíao tự xem mình là tất cả các thứ ấy. Ví dụ: Nhất thiết thế gian pháp giai vi Phật Pháp. Nghĩa là tất cả các giáo pháp, các tư tưởng đạo lý trong thế gian đều là Phật Pháp hết. Câu nầy ở kinh nào, sách nào anh Hai nhớ không?
Khi ở trong Phật Giáo tôi thấy giáo lý mình học được là vô cùng rộng nghĩa, nhiều nghĩa, đa diện, mênh mông, sâu xa đến nổi tận cùng là không có gì cả. Cái gì còn có là còn hư vọng. Còn có cả cái không có cũng còn hư vọng. Anh hãy đọc lại những trang mở đầu của sách Trung Quán Luận để thấy ông thầy dạy về sự chấp có và sự chấp không là gì. Chắc anh biết rõ lắm rồi. Vậy lúc còn nhỏ theo đạo Phật, tôi là một phật tử. Khi vào chùa cũng thế, nhưng sau 15 năm học đạo trong Phật Học Viện, cuối cùng tôi thấy mình không theo tôn giáo nào hết. Vì Phật Giáo chẳng phải là một tôn giáo. Dù tôi sống trong một khuôn khổ tôn giáo có chiếc áo ca sa của Phật giáo, nhưng tâm hồn mình vẫn đi tìm chân lý hằng còn trong cõi đời mênh mông mù mịt có rồi không, không rồi có. Vì khao khát chân lý nên dù được ở vào địa vị một ông đại đức, được giáo hội tin yêu, tôi không màng gì những danh vọng quyền lợi. Một đại đức rất dễ được hưởng những ưu tiên trong xã hội. Nhưng lòng tôi thao thức, trống trải như chưa từng theo một tín ngưỡng nào cả. Cho nên chữ "cải đạo" mà anh dùng cho tôi, tuy không sai, nhưng không thích hợp lắm.
Thay vì hưởng những quyền lợi to tát của một bậc sa môn có học thức, có tín đồ, có uy tín, tôi lại trả áo ra về mà sống lang thang như một gã bụi đời sau mấy lần toan tự vẫn. Anh nên nhớ rằng một vị đại đức rất dễ hưởng tất cả những lạc thú trần gian mà không dễ gì người ngoài đời dám mong ước! Ðiều đáng nói là vị đại đức ấy muốn hy sinh để tu thật hay muốn thụ hưởng một cách khéo léo, kín đáo. Có thể nói tất cả các bậc cao tăng, thấp tăng đều biết sử dụng cái thuật sống của con người mặc áo thánh giữa cõi phàm phu trong sự tôn sùng kính bái của tín đồ. Con người tự nhiên thì mấy ai thật sự hy sinh những quyền lợi, sắc dục, và sự tôn quý mà "quần chúng" dâng hiến cho mình một cách vừa công khai vừa cẩn mật? Chỉ trừ một kẻ nào đó mang trong mình một hoài bão mơ hồ, đau xót mênh mông, khao khát nhìn thấy chân lý, cũng như sẵn sàng chết để thấy chân lý; thì họa may người ấy mới dám chối từ quyền lợi, địa vị bất nghĩa mỗi ngày. Cũng có các chú tiểu lớn tuổi, nhỏ tuổi đang nương thân học đạo, họ phải vâng lời bổn sư, họ có lòng tin kính các bậc sa môn với tâm tình của kẻ sơ học chí thành. Họ chán ngán trần gian và tìm thấy an lạc trong một cấp bậc giới hạn thấp hèn nơi cửa chùa. Họ chỉ hầu hạ và phục dịch chứ không hề có quyền hành hay uy tín gì cả. Họ cũng không được phép biết nhiều về giới phẩm của bậc cao tăng và nhất là về cuộc sống cá nhân của các bậc cao tăng ấy. Họ có niềm tin và sự tôn kính đối với bề trên. Họ không có một cơ hội, một khả năng nào (vì kém hiểu biết) để thủ đắc được những quyền lợi, lạc thú, cũng như không có kinh nghiệm nhiều về các thứ ấy. Những kẻ như vậy mới sống yên thân trong chốn thiền môn mà ít khi mơ màng chiêm bao về những nỗi thèm thuồng truy hoan, tưởng tượng. . . để đi dần đến thử nghiệm nhanh chóng, để đạt đến cái thực chứng con người có thánh, có phàm cho riêng mình. Tuy nhiên, những kẻ thấp hèn "tu lâu cũng phải lên sư cụ"... để được giống như thầy mình!
Hồi đó tôi thấy và biết khá nhiều anh em Việt cộng, bình dân cũng như trí thức. Họ căm thù chế độ cũ. Họ mang một lý tưởng giành độc lập cho quê nhà, hay lý tưởng đại đồng Cộng Sản. Họ tin kính lãnh tụ Hồ Chí Minh nên họ đấu tranh. Họ dám hy sinh tánh mạng. Họ chịu cực hình trong tù ngục. Họ làm việc với nhau bằng cả tâm huyết và ý chí, lý trí một cách tận tụy. Họ không sợ chết. Họ đã ngoan cường vì tin rằng sự nghiệp cách mạng của họ là tốt, những người họ tin theo cũng là người tốt theo những tiêu chuẩn niềm tin cũng như tình cảm và ý thức hệ của họ. Nay họ đã và đang thành công. Họ lên thay thế giai cấp thống trị ngày xưa. Nhiều người trong họ còn sống và phải tiếp tục "gánh vác công cuộc xây dựng quê hương". Bây giờ họ được nắm quyền. Họ cần có tiền của, phương tiện, địa vị càng ngày càng nhiều để. . . "hy sinh" càng lâu. Chẳng bao lâu, con người của họ biết hưởng lạc, thích nắm quyền, và lại thêm có sẵn cái vốn căm thù giặc giã, có sẵn những ký ức bị hiếp đáp khổ đau, ký ức về sự chịu thiệt thòi cho... "chính nghĩa..." Cho nên một sự bù trừ nhân tính tự nhiên của họ cũng xuất hiện mau chóng, thuần thục, chuyên nghiệp... Và ngày nay họ như thế nào? Bao nhiêu tham lam, tham nhũng? Bao nhiêu ức hiếp cửa quyền ngang ngược? Bao nhiêu vợ bé vợ mọn bồ nhí? Bao nhiêu lâu đài đất đai? Bao nhiêu thứ ấy vẫn cần phải được niêm phong dán nhãn bằng công trình hy sinh, bằng xương máu đồng bào đồng chí để tiếp tục "xây đắp đời bố củng cố đời con". Ngày nay họ "tốt hơn" kẻ thù gian ác của họ tới mấy lần? Ðó cũng là chân lý ư? Theo tôi đó cũng là chân lý của sự ác hay nói thẳng là tội tỗi của loài người cũng là một chân lý; mà đó mới chỉ là một bông trái thông thường nhỏ nhặt dễ thấy mà thôi.
Ý tôi muốn nói cho anh về kinh nghiệm nhỏ bé của tôi khi tôi vào chùa. Các chú tiểu lo học, vâng lời thầy; tin rằng thầy mình sống giống như thầy mình giảng dạy. Nghĩa là tin vào con người tuyệt đối để tiến bộ và trưởng thành. Các chú tiểu chịu khó quét lá đa và nhồi mài sách vở. Người học đạo phải có niềm tin tuyệt đối vào bậc thầy của mình. Khi lớn lên ngồi trên hộc tợ làm bậc thế gian sư, họ có nhiều nhu cầu công khai và thầm lặng, nổi và chìm một cách hư vô huyễn hoặc trong kho tàng giáo lý cao siêu, nhang đèn nghi ngút, tiếng kinh trầm bổng đầy cả mùi thiền. Nào mấy ai biết rõ thực hư của ảo giác và cảm quan, u uẩn, rộn ràng, bức xúc trong chốn ấy? Ai mà không chấp nhận nó? Ai dại gì mà chê nó? Ai mà không nói được rằng đó là thường tình? Và ai mà dám phủ nhận đó là truyền thống văn hóa đạo lý, đạo học, là giềng mối của dân tộc truyền thừa những ngàn năm? Khách thập phương đi qua rón rén nghe trong sự tỉnh mịch của tư duy thiền quán. Vâng, rất nhiều giây phút, rất nhiều cơ hội, mà lúc nào cũng thấy rất hiếm hoi cho khách hành hương. Ðó là sự rủ bỏ chút bận tâm triền phược, tìm đến bên gốc bồ đề, lắng nghe cái cảm niệm sâu xa tĩnh lặng của thiền sư khi "người" tỉnh tọa. Ôi tuyệt vời cái hình ảnh không vướng bận trần lao! Một nhà sư khôi ngô tuấn tú. Áo vàng màu pha lê, mầu cam tuyền hoàng hôn rủ xòe trên lá cỏ. Phải cẩn thận từ xa xa cho khỏi động đậy làm xao xuyến cái sát na sâu nhiệm của thiền sư. Nhẹ nhàng rón rén đi tiếp, khách thập phương còn thấy những am cốc vuông tròn nhỏ nhắn, lặng lẽ trong khu rừng hoặc vườn cây xanh um; ở đó cũng có các vị thiền sư hoặc tỉnh tọa, hoặc đọc, hoặc viết, hoặc trà đàm với thiện nam hay tín nữ (khi có, khi không, khi nhiều, khi ít, khi lâu, khi mau, khi công khai, khi kín đáo tế nhị; thảy đều khó lường mà cũng không ai lường làm gì). Hoặc khách đến đúng vào buổi công phu chiều sau một ngày làm việc để nghe tiếng kinh êm đềm thánh thót cho lòng mình tựa vào lời kinh tiếng kệ với âm thanh trầm hùng để gột rửa sự mệt mỏi phàm phu. Còn bao nhiêu thì giờ khác của con người sa môn như ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân, suy nghĩ, tình cảm, bận bịu, âu lo, thèm thuồng, chèn ép mình, thỏa mãn mình, giữ giới, phạm giới và còn mơ mòng mơ ước nhớ nhung những đôi mắt đầy sủng ái tôn quí thân tín đến với mình, mơ ước cho mình, rập rình cho người bên cạnh theo từng lứa tuổi, từng cấp trật, từng cảnh ngộ nội tâm và ngoại hình; hậu liêu và chánh điện. . . Anh Hai ạ trong cảnh thiền môn ấy, anh nên sống qua. Nếu anh chứng thực được về tất cả sự thật nhân bản, và khi ấy anh thật lòng yêu chân lý hằng hữu thì chắc chắn anh phải ra đi tìm tòi như chàng Tất Ðạt từ bỏ tình yêu thiêng liêng của người cha để rồi sau đó cũng quằn quại quyến luyến vợ con mình cho đến lúc lắng nghe tiếng nói mênh mông yên lặng chuyển dịch của dòng sông... (Câu Chuyện Dòng Sông- Herman Hesse). Vì nơi chốn thiền môn ấy chỉ mới là phương tiện đi tìm chân lý cho những người chưa thấy chân lý. Trên con đường dài tìm chân lý ấy, ít ai nói câu "tôi chưa tìm ra", mà họ thường quen nói những câu hàm chứa rất nhiều ý nghĩa để cho khách thập phương đem lòng tin cậy và cảm phục, cảm nhận cái cận nhảm của phù vân kéo dài đến vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, đến vô thủy vô chung, vô cùng vô tận... Vì sự cao siêu của Phật Giáo mà tôi đã học là tại đây:
Phật tại thế gian - Phật ở ngay trong thế gian
Bất ly thế gian giác - Không rời thế gian mà giác ngộ.
Ly thế mịch bồ đề - Nếu rời thế gian để giác ngộ.
Ư như cầu thố giác - Chỉ giống như kiếm tìm sừng thỏ
Mong anh lấy tâm tình hỷ xả mà rộng lòng thông cảm cho tôi, vì tôi không thể nào tả chân, tả cẳng, tả cái lủng lẳng dây dưa, tả cái xơ dừa hạt đậu, hay cá chậu chim lồng. v. v. Khi gặp cái gì khó tả, tôi hay dùng loại văn nói lối như một trò đùa để xua cái lúng túng, mà không rẻ rúng cái chân tình, không sập sình cái chân nghĩa, không cà khịa cái chân như, không lừ đừ cái chân tướng, không vướng víu cái chân tay, không lay hoay cái chân ghế, không khệ nệ cái chân bàn. v. v.
Phật Giáo có quá nhiều giáo lý, và ý nghĩa các giáo lý ấy quả thật mênh mông không bao giờ nói hết. Cái mà tôi thích nhất trong Phật Giáo thì chỉ có rút gọn như chính Phật Giáo dạy sau đây:
Chư ác mạc tác - Chẳng làm những việc ác
Chúng thiện phụng hành - Làm trọn các việc lành
Tự tịnh kỳ ý - Giữ tâm hồn mình thanh tịnh
Thị chư Phật Giáo - Ðó là Phật Giáo
Các câu trên quả thật vô cùng lý tưởng. Trên lý thuyết, không ai có thể bẻ bác, chê bai gì được. Nhưng trên thực tế có ai thành thật sống theo lý tưởng ấy một cách đúng nghĩa đâu? Chưa nói tới những quan niệm khác nhau một cách chủ quan trong từng con người về cái ác. Cuối cùng những giáo điễn hay nhất để che đậy những cái thực tế phủ phàng, mâu thuẫn luôn luôn hiện diện trong lòng người. Nếu người ta thành thật thì cứ nêu những giáo lý ấy ra, và chuyên tâm thực hành. Phần nào, chỗ nào, khi nào, người nào chưa thực hiện được rốt ráo thì cũng nên nói ra chứ đừng che dấu theo kiểu "xấu che tốt khoe". Vì làm như thế là không thành thật. Kinh Thánh nói: lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất xấu xa; ai có thể biết được? Thượng Ðế dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tuỳ đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm. (Giê-Rê-Mi 17:9-10).
Nếu chúng ta thật sự yêu giáo lý Ðạo Phật, và yêu sự làm lành, lánh dữ như các câu trên, thì ít nhất chúng ta cũng biết mình khó mà làm đúng như giáo lý ấy. Nhờ đó chúng ta sẵn lòng lắng nghe "Ai" là người dò xét sâu xa nhất trong lòng mình? Ðâu là tiêu chuẩn chính đáng nhất của sự lành và sự dữ? Bởi vì không có đạo lý nào đạt thành chánh quả tuyệt đối nhờ sự dối lòng, dối đời một cách tinh vi đâu. (không phải giáo lý dối, nhưng lòng người không thành thật nên nghĩ ra những giáo dối mà vẫn giữ cái phong cách "thành thật"). Làm sao con người tránh hết mọi điều ác trên đời nầy? Làm sao con người nhận rõ đích thực tất cả điều ác để tránh, và tất cả điều lành để làm theo? Ý nghĩa, chuẩn mực của điều lành và điều ác trong con người luôn chủ quan, khác biệt nhau tuỳ theo thời đại, văn hóa, phong tục tập quán, trình độ học thức, chính kiến, tuổi tác, địa vị, hoàn cảnh. v. v.
Vấn đề tự tịnh kỳ ý cũng như thế. Tôi cho rằng đã là con người thì ai cũng mong ước làm theo câu trên của Phật Giáo cả, chứ không riêng gì Phật Tử muốn làm. Nói là muốn làm, nhưng thực tế hành động thì ngược lại. Ðể xác nhận tình trạng mâu thuẫn khốn nạn ấy trong con người, Kinh Thánh ghi rằng: "Vả, chúng ta biết luật pháp là thiêng liêng; nhưng tôi là tánh xác thịt đã bị bán cho tội lỗi. Vì tôi không hiểu điều mình làm: Tôi chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét. Song nếu tôi làm điều mình chẳng muốn, thì bởi đó nhận biết luật pháp là tốt lành. Bấy giờ chẳng phải tôi làm điều đó nữa, nhưng ấy là tội lỗi ở trong tôi. Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn. Ví bằng tôi làm điều mình không muốn, ấy chẳng phải tôi làm điều đó nữa, nhưng là tội lỗi ở trong tôi vậy. Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành thì điều dữ dính dấp theo tôi. Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật pháp Ðức Chúa Trời làm đẹp lòng; nhưng tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi vậy. Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy? Cảm tạ Ðức Chúa Trời, nhờ Ðức chúa Jesus Christ, là Chúa chúng ta! Như vậy, thì chính mình tôi lấy trí khôn phục luật pháp của Ðức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt phục luật pháp của tội lỗi. (Roma7:14-25).
Khi tôi ở trong Phật Giáo, dù tôi không thỏa mãn với bước tiến tu tập của mình, nhưng cũng không làm gì quá sai trật để bị người Phật Tử chê trách. Nhưng khi tôi tin Chúa và nhờ ơn Chúa để làm được những điều lành một cách cụ thể, lòng tôi bình an tin tưởng hơn thì tôi bị anh em ruột thịt mình, và một số bạn cũ nhân danh Phật Giáo mà đánh vào đầu tôi. Vậy trên thực tế tôi thấy rõ ràng Lời Chúa Jesus đúng sự thật trong tôi, cả về mặt tốt và mặt xấu. Cái gì thật thì nghịch với cái giả. Cái gì giả chính cống thì nghịch lại với cái thật. Chỉ có những cái tàng hình nửa giả nửa thật mới chịu trà trộn vào nhau. Tôi muốn tìm sự thật hơn là tìm lý thuyết suông, dù các lý thuyết ấy khi mới nghe có vẻ rất cao siêu. Ðể tránh viết văn xuôi cho anh nhiều quá, tôi mạo muội chuyển qua văn vần một chút cho đỡ ngán:
Xin anh đừng xét đoán chi
Em đây lẩm cẩm vô vi hữu tình.
Chợt nghe một tiếng chầy kình.
Giật mình chợt ngộ ra mình thế thôi
Dẫu cho hoa nở trên đồi
Dẫu cho hoa héo như lời cổ phong
Thì em cũng chỉ một lòng
Cũng như một dạ mặn nồng với anh ... Hai.
Ma xiềng đâu ở miền xa?
Tưởng rằng xa lắm té ra rất gần
Nơi mà oán đuổi theo ân
Nơi mà ân oán khơi nguồn kiêu sa
Ma xiềng ai ở Miên Xà?
Tưởng rằng xa lắc hóa ra gần kề
Nửa đêm oán nói ân nghe
Mày về Ðịa Ngục, tao về Tây Phương
Ma xiềng cuối phố, đầu phường
Trong thôn, ngoài xóm, giữa truông thị thành
Ngay nơi am thảo, chùa chiền
Tại chân tượng đá, thánh đường trơ trơ
Ma xiềng cho đến bao giờ
Lòng người quay lại giữa giờ ban trưa
Dưới cây Thập giá oan thừa
Tội tình chất ngất giữa mùa đau thương
Nghe lời cầu nguyện trong vườn
Nỗi đau thống thiết miên trường còn yêu
Ma xiềng em đã bao nhiêu?
Ít không đếm hết, nhiều từ Ê-Va
Bấy nay em vẫn như là
Một người quân tử, nhưng ma vẫn xiềng.
Trở lại sự việc tôi đọc Kinh Thánh và Thượng Ðế là Ðấng hà hơi, là tác giả thiêng liêng của Kinh Thánh hiện ra trong đức tin tôi để làm nên những điều tốt lành vô lượng cả bên trong lẫn bên ngoài con người tôi, và Người tái tạo tôi (tái sanh) thành một con người mới, đơn sơ và biết tôn trọng sự thật. Nhất là dần dần chỉ bày cái bản tính tội lỗi, thói quen tội lỗi, vết tích tội lỗi trong con người của tôi để tôi được thấy lại chính mình rõ hơn. Nhờ Người mà đức tin của tôi càng được vững vàng thêm. Khi khám phá thấy mình có đức tin trong Chúa, tôi bắt đầu tìm gặp những người quen trong hội thánh Tin Lành Việt Nam. Vì tôi thấy mấy chữ Hội Thánh Tin Lành Việt Nam là tổ chức in ấn, phát hành quyển Kinh Thánh mà tôi đang đọc. Khi tôi sinh hoạt với họ, người ta nói tôi theo đạo Tin Lành. Riêng tôi, đạo Tin Lành chỉ là một trong nhiều giáo phái thờ Chúa Jesus theo lời dạy trong Kinh Thánh mà tôi được học tập cho đến nay. Trong khi còn sống trên đời, lòng tôi vẫn còn ước muốn được gần gũi, học tập thêm với bất cứ ai có đức tin trong Chúa Jesus để chính mình được sự giao thông rộng rãi hơn trong các giáo phái khác. Trong Phật Giáo có một câu đúng với trường hợp của tôi: Hồi đầu thị ngạn- Quay đầu lại là thấy bờ. Áp dụng câu nầy cho mình, tôi nói: quay lòng lại với Chúa gặp Chúa.
Ðức tin vào Chúa Jesus Christ có một sức mạnh phi thường thúc dục lòng mình hướng đến chân thiện mỹ. Người là Thượng Ðế Ngôi Hai đến trần gian chịu trả cái giá tội lỗi cho loài người. Ai tin Người thì tội lỗi của người ấy được tha thứ. Ai tin thì nhận được ơn tha tội. Còn ai không tin thì không nhận được ơn nầy vì chính họ không tin; nghĩa là họ từ chối ơn tha tội. Có thể là họ tự xem mình không có tội. Có thể họ tự cho rằng tội mình thì mình chịu, mắc chi Thượng Ðế phải chịu thay. Có thể là vân vân và vân vân... Nhưng tựu trung cũng chỉ là không tin. Kinh Thánh dạy rằng Vì mọi người đã phạm tội làm mất đi sự vinh quang của Thượng Ðế (Roma 3:23).
Ơn tha tội của Thượng Ðế trong sự chết của Chúa Jesus là ân điển của Thượng Ðế ban đến cho loài người. Ân Hồng tha thứ nầy đã được loan báo từ trong Thánh Kinh Cựu Ước. Chúa Jesus là Ðấng Messiah đến từ Thiên Chúa để cứu chuộc nhân loại. Ai tin Chúa Jesus chết để chuộc tội cho mình là người ấy được quyền phép trở lại làm con Ðấng Tạo Hóa. Ngày nay những người có đức tin sinh hoạt trong hàng ngũ các giáo phái Tin Lành thì được gọi là người theo đạo Tin Lành. Những ai tin Chúa mà sinh hoạt trong tổ chức của giáo hội Công Giáo La Mã thì gọi là theo đạo Thiên Chúa thuộc giáo hội Vatican. Ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có giáo hội Chính Thống Giáo (Orthodox Church) cũng tin và thờ một Chúa Jesus Christ. Tôi không giống ai. Lòng tôi tin và theo Chúa trước, kế đó mới đi tìm kiếm giáo hội Tin Lành. Có khi tôi cũng đến sinh hoạt cả với người Công Giáo La mã để học thêm những điều mà tôi chưa hiểu. Tôi không có dịp đọc nhiều sách, cho nên tôi tự dấn thân học tập dựa trên thực tế. Chỉ thế thôi. Tôi có gặp một số giáo phái mang danh Chúa, nhưng lòng tin của họ rất lạ kỳ mà không thể nào theo được. Ðó là những giáo phái Mormon, Jehovah 's Witness. Nhờ đó, tôi hiểu rằng trong hình thức giống như chính đạo, nhưng có một vài giáo phái mang mục đích và nội dung tà đạo. Chúa cũng dạy như thế. Ma quỷ lén lút xen vào nơi chánh đạo để lừa phỉnh con người. Nhưng Chúa biết trí khôn của tôi còn ít ỏi, Người ban cho tôi ơn phân biệt các thần để tôi thấy đâu là tà đâu là chánh. Phải cẩn thận với lòng mình. Tôi thấy một số người theo đạo Tin lành hay theo đạo Thiên Chúa, nhưng thật ra họ không theo Chúa. Họ chỉ theo tôn giáo về Chúa mà thôi. Và tôi gọi họ là những người đi đạo, hoặc có thể gọi họ là người đi nhà thờ. Có thể một ngày nào đó những người tín đồ "đi đạo" nầy sẽ đi tìm một tôn giáo khác.
Quả thật tôi sinh ra trong một gia đình thờ ông bà. Tự tôi có cảm tình với các vị tăng sĩ nên xin đã theo họ để "tìm chân lý". Ðọc sách lịch sử Ðức Phật Thích ca đi tìm chân lý, tôi muốn đi theo Ðức Phật. Khi còn nhỏ (12 tuổi), tôi được làm đội trưởng oanh vũ trong đoàn thể Gia Ðình Phật Tử. Lúc đó tôi tìm chân lý nhưng chẳng biết "tìm chân lý" là tìm cái gì. Chỉ biết rằng thái tử Tất Ðạt Ða bỏ phụ vương, hiền thê, bào nhi, và xã tắc để đi tìm chân lý. Thế rồi tôi cảm động muốn đi theo. Sau thời gian 15 năm học Phật trong chùa, tôi biết giaó lý Phật rất hay, nhưng tôi chưa thấy ai tìm ra chân lý như Ðức Phật đã tìm. Không có một vị sư nào có thể giúp tôi thỏa mãn, và tôi cũng không thấy ai thành thật tu như chính quyển kinh họ tụng và giảng. Họ nhờ chiếc áo tôn giáo mà có đầy danh vọng quyền uy và lợi lộc cao sang. Ðời sống tu sỹ là một đời sống dễ đạt đến những lợi lộc to lớn. Ai thích sống như một tu sỹ thì không thích sống như một người thường, vì cách sống của một tu sỹ vẫn có những sự hưởng thụ nhiều hơn người thường. Ai tự thấy mình không tu được cũng rất khó mà từ bỏ chiếc áo tu. Bỏ chiếc áo tu để ra đời là phải tự kiếm lấy cơm áo gạo tiền mà không được ai cung kính, hiến dâng. Còn về đạo đức, đạo vị, dục vọng, dục tình, nhu cầu xác thịt của con người đi tu và người không đi tu, nếu nhìn cho công bằng thì hầu như là rất giống nhau:
Vô cùng giống hệt như nhau.
Tâm hồn, thân thể trước sau cũng là
Trót mang cái nghiệp người ta
Phàm phu quen thói tỏ ra thánh hiền.
Làm sao tu cho thành Phật được?
Càng hiểu Kinh Thánh tôi càng thấy giáo lý đạo Phật sai một cách rất sâu sắc. Nếu không nhờ ơn soi sáng của Chúa, con người bình thường khó mà thấy cái sai của Phật Giáo. Phật Giáo cũng không nhất quán với nhau, vì có rất nhiều lý lẽ, rất nhiều giáo lý nghịch nhau mà đâu cũng cho mình là đúng hết. Giáo lý Phật Giáo rất rộng nghĩa để lý luận, để bẻ bác các tôn giáo khác, để tự bảo vệ mình. Nhưng ai tha thiết muốn thành Phật thì phải rũ bỏ toàn bộ tam tạng kinh điển của giaó lý cao siêu ấy mới hòng thành Phật. Có ai bỏ được đâu?
Sự mặc khải và ơn cứu rỗi của Chúa trên đời sống của tôi là một sự mầu nhiệm. Tôi không biết làm sao trình bày cho anh thấy được, trừ phi anh đến với Thiên Chúa một cách tự do, chân thành thì Người sẽ chỉ cho anh. Tôi tin rằng bất cứ ai khao khát kiếm tìm Chân Lý thì Chúa sẽ ban cho họ, vì Chúa biết hết mọi sự sâu kín trong lòng người. Vì Người là Ðường Ði, Chân Lý và Sự Sống (Giăng 14:6)